Chương 3: Lão Hành Bị Hành.
Sáng hôm sau, lão Hành tỉnh dậy khi trời đã quá trưa, lão nằm đắp chăn kín mít như người ốm ở trên cái chõng tre đặt ở nhà trên, mặt hướng ra sân. Ngay lập tức, lão cảm nhận được vị đắng nghét trong cổ họng vì buổi tiệc rượu hôm qua, ngay sau đó là cơn đau toàn thân không thể nào diễn tả được, lão muốn ngồi dậy, nhưng toàn thân của lão chẳng còn tí lực nào, thêm vào đó là phần dưới của lão cũng đau nhức không kém gì phần trên, lão cố gắng đưa tay xuống sờ thử thì hoảng hồn vì “họa mi” của lão bây giờ đã sưng vù lên như một cái chày. Có một điều mà lão không hề để ý đến, đó là trên cổ của lão bây giờ hiện lên một vết bầm mờ mờ, có hình dáng như nguyên bàn tay người.
Lão sợ quá mà khóc tu tu, vừa khóc vừa rên:
– Ối giồi ôi!… Tôi chết mất!…
Mụ Tỏi từ dưới bếp bước lên, mắng sa sả:
– Hốc cho lắm vào, rồi bây giờ than vãn cái gì? Chưa chết là may rồi!… Ở đó mà than van!
Mụ bưng lên một bát cháo hành nghi ngút khói, đặt bát cháo xuống chiếc ghế cạnh chõng, mụ Tỏi thông thả ngồi xuống bên cạnh, lão Hành thấy vợ thì liền mếu máo mà kêu cứu:
– Mình ơi!… Cứu tôi với! Chắc tôi chết mất!
Mụ Tỏi không những không đếm xỉa gì đến lão mà còn phán thêm một câu xanh rờn:
– Ông chết quách đi cho rồi! Chồng con gì mà cứ có tí tiền là lại đi ăn chơi đàng điếm, rượu chè bê tha!… Ông mà chết thì tôi lấy chồng mới!
Lão Hành nghe vợ nói thế thì quên hết mọi mệt mỏi, đau đớn, lão cáu tiết quát:
– Á à! Tôi biết tỏng cái ý của bà rồi nhá!… Bà muốn tôi chết để nối lại tình xưa với lão Phập buôn mì chính ở trên chợ huyện phải không?
Rồi lão bắt đầu tru tréo:
– Ối giồi ôi! Làng nước ơi! Xuống đây, ra đây mà xem cái con vợ của tôi đây này!… Nó trù ẻo cho chồng nó chết, để nó đi lăng loàn ở bên ngoài đây này!
Mụ Tỏi hoảng hốt, liền bóp mồm lão chồng lại, nhưng lão vùng ra được, không những thế, lão còn định vả cho mụ vài bạt tai. Mụ Tỏi mặc dù nanh nọc, nhưng cũng chỉ nanh nọc được với những người yếu đuối hơn mụ, chứ với lão Hành thì mụ sợ chồng một phép.
Mụ vội chạy về phía cửa chính, định chạy ra sân hô hoán thì bị lão Hành tóm được. Lão Hành mặt bừng bừng lửa giận, lão giơ tay lên định đánh vợ thì bỗng dưng khựng lại, mặt lão từ giận dữ chuyển sang sợ hãi, vì phía sau lưng mụ Tỏi, chỗ cái sân trước nhà là cái bóng người phụ nữ ma quái ở cái miếu hoang. Cái bóng ấy lừ mắt nhìn lão, lão Hành hoảng sợ, vội quỳ xuống vái lia, vái lịa.
Mụ Tỏi khi thấy lão chồng giơ tay lên định đánh thì vội lấy hai tay ôm lấy đầu, cổ, mặt, mũi, nhưng mãi mà chẳng thấy động tĩnh gì, mụ hé tay ra nhìn thì thấy lão Hành đang quỳ lạy rối rít. Tưởng bở rằng lão chồng hôm nay đổi nết, đâm ra sợ mình nên mụ hai tay chống nạnh, nói ngay:
– Ông hôm nay biết sợ tôi rồi sao?… Này! Tôi nói cho cái nhà ông biết nhá! Tôi đây mấy năm nay nhẫn nhịn là lo nghĩ cho đám con thơ nhỏ dại thôi nhá!… Chứ tôi chả sợ gì ông đâu! Đừng có mà hở tí là lại giở cái trò vũ phu ra!
Lão Hành ú ớ, lấy tay chỉ ra phía sau lưng mụ, hướng ra sân, miệng lắp bắp:
– Ma… ma… ma… ở sau lưng bà kìa!
Mụ Tỏi bán tín bán nghi, ngoái đầu lại nhìn thì chả thấy mô tê gì, mụ quay lại quát ngay:
– Ông nói nhăng nói cuội cái gì thế? Ngoài kia có cái gì đâu mà chỉ? Ban ngày ban mặt làm gì có ma. Ông còn chưa tỉnh rượu à?… Đấy! Uống cho đẩy vào rồi lại trông gà hóa cuốc!
Lão Hành bây giờ nhìn lại thì chẳng còn thấy cái hình bóng ấy nữa, lão cố lấy tay dụi mắt để nhìn kĩ hơn, nhưng cũng chẳng thấy đâu, chỉ có mụ vợ béo núc ních là đang đứng tần ngần trước mặt lão, mồm nói luyên thuyên.
Tức khí, lão tát cho mụ vợ một bạt tay rồi tiến đến bên chõng, bưng lấy bát cháo hành mà húp sùm sụp, sau khi đã đánh chén xong xuôi, ra mồ hôi, lão cảm thấy cả người khỏe hơn hẳn. Đợi đến xế chiều, lão dự định vác con xe đi lên huyện để xem có hỏng hóc gì nặng không, nhìn thấy con xe mới cóng dựng ngoài sân, bị trầy xước nham nhở hết cả mà lão đứt từng đoạn ruột.
Đang đau lòng vì con chiến mã thì lão bỗng giật mình, vì ngoài bờ giậu, chỗ khuất bên phía cây me có một bóng người thập thò, thoạt đầu lão tưởng là trộm, nhưng cái bóng ấy bỗng lộ mặt ra, nhìn lão gườm gườm, lão tá hỏa tam tinh, vội phi vào nhà, chốt chặt cửa lại, vì cái gương mặt mà lão nhìn thấy chính là cái gương mặt của người đàn bà ở cái miếu hoang.
Suốt cả ngày hôm đấy và những ngày sau đó nữa, lão cứ loáng thoáng nhìn thấy cái hình bóng của người đàn bà ấy. Khi thì ở trong sân, lúc thì lấp ló ngoài bờ giậu, chứ tuyệt nhiên cái bóng ấy không bao giờ tiến vào nhà của lão.
Nhưng đêm đến là lúc mà lão Hành rén nhất. Kể từ cái ngày lão phóng uế lên ngôi miếu hoang thì đêm nào quanh nhà lão cũng có tiếng gió rít rợn người, kèm theo tiếng gió là những tiếng thì thào, khi thì thê lương, lúc lại tức giận như muốn giết chết lão.
Lão sợ quá, đem chuyện kể lại với vợ con, nhưng ngoài lão ra thì những người còn lại chẳng nghe thấy gì, họ cho rằng lão còn bị ảnh hưởng bởi cái chuyện vừa xảy ra mấy hôm trước. Lão bắt đầu sợ việc phải rời khỏi nhà vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Lão sợ rằng, nếu mình mà bước ra khỏi nhà thì cái người đàn bà ma quái kia sẽ “úp sọt” mình bất cứ lúc nào. Và lão cứ thế mà ru rú ở trong nhà.
Vợ con của lão thấy vậy, nói thì lão chẳng nghe, khuyên thì lão chẳng thèm đếm xỉa gì, ngược lại lão còn cho rằng vợ con đang thông đồng với cái con ma kia để hại lão, và lão bắt đầu cộc tính hơn, cứ hễ vợ con khuyên can hay nói năng gì thì lão đều nổi điên lên và đánh đập họ, đến độ chịu hết xiết thì mụ Tỏi đành dắt díu đám con về nhà mẹ đẻ.
Rồi đến một hôm, không hiểu lão ăn được cái tim hùm, mật gấu gì mà lão lại bước chân ra khỏi nhà, nhưng lão không còn giống như trước nữa. Lão Hành khi đó hai mắt thâm quầng, trũng sâu như là kẻ bị bỏ đói lâu ngày, toàn thân gầy rộc, hốc hác, râu ria xồm xoàm. Lão lê bước từ nhà ra đến quán thịt chó của lão Tiên ở giữa thôn, và bắt đầu mọc rễ ở đó.
Về phía lão Hành, kể từ khi vợ con bỏ đi, tinh thần của lão lúc nào cũng căng như dây đàn, lão không thể nào ngủ được, dù chỉ là cái chợp mắt, cứ mỗi khi nhắm mắt lại thì y như rằng cái người đàn bà ma quái kia lại xuất hiện trong tâm trí, khủng bố tinh thần của lão.
Và rồi lão tìm đến rượu như một cứu cánh, một thứ thần dược giúp lão có thể nghỉ ngơi, ban đầu chỉ là vài trăm ml, sau thì đến vài lít. Mỗi một giọt rượu lão uống vào là giúp cho lão có thêm một phần dũng khí để đối đầu với cái người đàn bà ma quỷ kia.
Khi say, lão chẳng còn biết gì nữa, và cứ thế chìm sâu vào giấc ngủ, nhưng khi dứt cơn say thì người đàn bà kia lại đến và tra tấn tinh thần của lão. Đã không ít lần lão rú lên trong đêm vì gặp phải những cơn ác mộng khủng khiếp. Và sau mỗi lần gặp ác mộng, lão lại uống rượu nhiều hơn, cứ thế lập đi lập lại trong suốt hơn một năm qua.
Lão Hành vừa kể lại những lần gặp ác mộng, vừa ôm ghì lấy một bên tay phải của ông Mão, khóc lóc nỉ non, nước mắt, nước mũi giàn giụa. Còn về phần ông cụ Mão, ông lúc này đăm chiêu suy nghĩ, vì ông biết, những lời mà lão Hành kể là thật.
Không giống như những người khác trong giai đoạn này, cứ nói đến tâm linh là lại oang oang cái mồm lên bảo rằng: “làm gì mà có ma với quỷ, tất cả đều là mê tín dị đoan hết”. Ông Mão đã từng chứng kiến những chuyện hãi hùng liên quan đến cái miếu nên không tin cũng không được.
Ông mãi nghĩ mà để mặc cho lão Hành thỏa sức khóc lóc, nước mắt, nước mũi chảy ướt đẫm một bên vai áo. Khi giật mình nhìn lại thì đã quá muộn, nhưng ông không quá bận tâm đến việc này, điều khiến ông lo lắng lúc này là về cái miếu kia.
Ở lại với lão Hành thêm một lúc nữa cho lão vơi bớt nỗi sợ, rồi ông Mão cũng ra về. Trên đường về nhà, ông không thôi suy nghĩ về những gì mà lão Hành vừa kể. Mãi nghĩ mà về đến nhà lúc nào không hay, nếu bà Thoa không cất tiếng gọi thì ông cũng không để ý đến.
– Ông về đến nhà rồi! Sao không vào đi, còn đứng tần ngần ở đấy làm gì?
– À!… Tôi vào ngay đây!
Ông Mão trả lời vợ rồi bước vào sân, bà Thoa thấy chồng có biểu hiện lạ thì gặng hỏi:
– Đi tập thể dục gì mà đến tận bây giờ mới về! Ông có biết bây giờ là mấy giờ rồi không? Mà sao vai áo ông ướt đẫm thế kia? Có chuyện gì thế?
Ông Mão ra hiệu cho bà vợ đừng hỏi nữa, rồi vào nhà thay áo, sau đó ra bàn trà ở trước sân tiếp tục nghĩ ngợi, bây giờ đã vào buổi xế. Bà Thoa mặc dù có hơi lắm chuyện, nhưng cũng biết, nếu ông Mão đã không muốn nói thì đừng nên hỏi nhiều, ông mà nổi giận lên thì lại rắc rối to.
Khoảng hai giờ, ông Mão dường như đã nghĩ ra giải pháp gì đấy, ông đứng lên và nói vọng vào trong nhà:
– Tôi đi xuống cuối thôn một lát, bà ở nhà lo cơm nước đi nhá! Tôi về ngay đấy!
Bà Thoa vội từ dưới bếp chạy lên, định cản lại, nhưng khi ra đến nơi thì ông Mão đã đi được một đoạn rồi. Bà cũng hết cách, đành nhìn ông chồng đi mất