Vài giờ sau… kể từ khi tôi gặp đơn vị bộ đội hành quân bí ẩn ấy thì chiếc xe ô tô của gia đình cuối cùng cũng đã vào tới địa phận của tỉnh Quảng Trị… suốt cả quãng đường đó, mọi người đều đã thức dậy và không ai có thể ngủ tiếp được nữa. Tôi vẫn không thể trả lời được bất kì câu hỏi nào của bố mẹ và các bác tôi, có lẽ vì tôi quá sợ…. Chiếc xe đi được thêm một quãng dài nữa thì bác tài xế cho xe chạy chầm chậm rồi dừng hẳn lại ở trước một cây cầu treo.. là cầu treo Bến Tắt. Xã Vĩnh Trường ,huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị… Bác tài vươn vai ngáp dài một tiếng mệt mỏi sau khi lái xe một mạch mười mấy tiếng đồng hồ rồi nói…
“Đến nơi rồi…!”
Cả nhà nghe bác nói vậy ai nấy đều ngoảnh đầu nhìn sang… bác Tâm là người đầu tiên mở cửa xe bước xuống. Bác nói
“Đấy.. cứ mải nói chuyện… thế là đến rồi đấy.. vậy là lần thứ 3 dừng lại ở trước cây cầu này…”
Mọi người mau chóng theo chân bác Tâm lật đật xuống xe. Mới hơn 3 giờ sáng… thấp thoáng phía xa xa bên kia cầu là một khu đồi thoai thoải rộng lớn vô cùng… tôi cũng tò mò đi xuống theo thì thấy cảnh vật lờ mờ sương mù vây quanh. Bác Tâm bảo rằng cây cầu treo này là cầu di tích, xe ô tô không đi qua được rồi chỉ tay
“Bên kia đầu cầu là Đền thờ vọng.. nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn ở ngay phía đằng sau… có nhìn thấy những dải trắng trắng như những dải lụa kia không… toàn mộ là mộ đấy…. Lát nữa trời sáng sẽ đi tiếp qua cầu Bến Tắt mới … rồi đi vòng tiếp qua đường bên kia thì mới vào trong nghĩa trang được…”
Tôi nhìn theo hướng bác Tâm chỉ mà khẽ hít thật sâu một hơi… tôi nghe thấy những tiếng nước chảy rì rào thì ngó đầu nhìn khắp xung quanh … tôi hỏi bố
“Sông này là sông gì vậy ạ??”
Bố tôi trầm ngâm
“Sông Bến Hải huyền thoại… đây cũng là vĩ tuyến 17.. năm xưa chưa có đường thì bộ đội ta phải bơi qua sông để vào đến chiến trường miền nam…xuôi theo dòng nước này về phía hạ nguồn là cầu Hiền Lương…. chứng nhân lịch sử đấy con ạ..”
Bố nói rồi chắp tay vái vái về phía khu đồi nghĩa trang. Mọi người đứng vặn mình, hít thở khí trời một lúc cho cơ thể vơi bớt đi sự mệt mỏi rồi lại kéo nhau lên lại trên xe… Bây giờ vẫn còn tối quá , phải vài tiếng nữa trời sáng lên thì ban quản lí người ta mới cho vào bên trong nghĩa trang thăm viếng . Bố tôi mở khoá chiếc ba lô lục tìm tờ giấy lần trước đã ghi lại những thông tin mà bác Q nói ra lúc đi gọi hồn. Bố vừa lẩm nhẩm đọc những mô tả không đầu không cuối, không có cơ sở nào rõ ràng đó rồi nói
“Haizz…. mù mờ thế này… biết ở đâu mà tìm cho được bây giờ…?”
Câu nói của bố tôi làm cho ai nấy cũng đều phải lặng im.. ngày 22 âm lịch cũng đã tới… gió lạnh từng cơn từ phía lòng sông vù vù thổi lên khiến cho mọi thứ như càng trở nên mịt mù mênh mông…. tôi bắt đầu nằm ngửa cổ vắt tay lên trán nghĩ ngợi. Thi thoảng trên đường lại có một chiếc xe ô tô chạy tuyến bắc nam đi vụt qua réo còi lên bim bim.. giờ này lũ bạn ở nhà của tôi chắc là vẫn còn đang say giấc lắm. Tôi hướng mắt về phía khu đồi nghĩa trang rồi tự nhiên vô thức lẩm bẩm một mình
“Bác Quang ơi… rốt cuộc bác đang nằm ở nơi nào..?”
……
Ánh mặt trời bắt đầu le lói hiện lên phía cuối chân trời xa xa. Khung cảnh bình minh sáng bừng lên giữa ngày đông lạnh giá như sưởi ấm và đánh thức cả một vùng núi đồi sương phủ cô quạnh. Mọi người gọi nhau thức dậy xốc lại tinh thần sau vài giờ nghỉ ngơi chờ đợi. Bác tài xế cho xe khởi động một vài phút nóng máy rồi chở cả đoàn đi thẳng đến một cây cầu lớn hơn. Chiếc xe băng qua con sông Bến Hải rồi rẽ trái hướng vào bên trong một con đường nhỏ…. Điểm đến đầu tiên của đoàn chúng tôi chính là ngôi Đền thờ vọng kia. Đây là nơi thờ tự anh linh của những liệt sĩ còn chưa được quy tập về. Nằm vất vưởng đâu đó trên tuyến đường trường sơn này trong đó có cả bác Quang nhà tôi. Cúng trình ở đền thờ vọng xong thì mọi người lại lên xe đi men theo một hồ nước rất rộng. Hồ nước này nghe đâu nằm trên một mạch nước ngầm bí ẩn không bao giờ cạn và vô cùng trong xanh. Chiếc xe bắt đầu leo dốc rồi đi tút vào trong một con đường có hai hàng cây cao phủ bóng quanh co. Thế rồi bác tài cho xe dừng lại rồi nói
“Một người xuống làm thủ tục đi…”
Chiếc xe dừng lại ở trước một cánh cổng ốp đá khá lớn. Tôi ngó đầu nhìn ra thì ngước nhìn mà lẩm bẩm đọc
“Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn!”
Vậy là đã đến. Bác Tâm tôi đi vào trong bốt bảo vệ ghi danh với người ta. Một người đàn ông tóc điểm muối tiêu, là người trong ban quản lí thấy mới sáng sớm ngày ra đã có đoàn vào thăm viếng thì hỏi bằng chất giọng nặng trịch đặc trưng
“Đi sớm hỉ… mần răng mà vào đây giờ này? Đi tìm mộ, hảy là đi thăm quan?”
Bác Tâm tôi nói qua về tình hình chuyến đi hôm nay cho người đó biết. Người trong ban quản lí nghe vậy thì mau chóng chạy ra đẩy thật rộng cánh cổng sắt mà vẫy tay ra hiệu cho bác tài
“Gập gạp quạ… thôi .. giả đình vào mau đi…”
Bác Tâm tôi mừng rỡ cảm ơn bác đó rồi lên xe bảo bác tài đi thẳng. Chiếc xe leo lên một con dốc khá dài rồi cuối cùng thì những hàng mộ trắng, những bia đá, đài tưởng niệm cũng dần dần xuất hiện trước mắt mọi người…. lúc này mới độ 6 giờ sáng, khung cảnh hàng ngàn ngôi mộ trắng san sát nằm cạnh bên nhau lặng thinh khiến cho ai nấy chứng kiến đều chợt cảm thấy bùi ngùi. Chiếc xe dừng lại… cả nhà tôi mau chóng xuống xe rồi cùng nhau bước lên trên tượng đài sửa soạn thắp hương. Tượng đài tổ quốc ghi công nằm ở chính giữa khu vực nghĩa trang. Nó được làm bằng đá trắng rất lớn cao khoảng 30 mét và phía sau là một cây bồ đề tốt tươi to lớn phủ bóng xanh rì. Khắp nơi xung quanh tượng đài không biết cơ man nào toàn mộ là mộ. Tôi chẳng biết vì sao mà ngay sau khi vừa đặt chân xuống đây thì toàn thân bỗng trở nên lạnh ngăn ngắt… cái lạnh ở đây khác hẳn với cái lạnh ở ngoài bắc nhà tôi.. chẳng biết có phải do tôi nhạy cảm quá nên cảm thấy vậy hay không, ấy thế nhưng mà tự dưng gai ốc trên người tôi bất giác nổi rần rần lên hết loạt. Tôi quan sát thấy những khu mộ ở đây được sắp xếp khoa học và chia làm nhiều khu vực nhỏ. Mỗi khu vực đều có một nhà tưởng niệm riêng và là nơi an nghỉ của nhiều liệt sĩ đến từ những tỉnh thành khác nhau. Miền núi có, trung du có, đồng bằng cũng có… Những người trong ban quản lí thấy có đoàn đến thăm viếng thì cũng bắt đầu đi ra thắp hương và làm những công việc quét dọn , chăm sóc mộ phần hằng ngày của mình. Các bác nhà tôi đặt chân đến đây là lần thứ 3, ấy thế cho nên sau khi thắp hương ở tượng đài chung thì mọi người không cần hướng dẫn mà một mạch đi tới khu mộ của các liệt sĩ tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh). Khu mộ này nằm ở khu vực 3 , cũng là nơi an nghỉ của các liệt sĩ khác đến từ các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định….. tôi theo chân bố đi luồn lách men dọc theo những hàng mộ trải dài tăm tắp. Tôi liếc nhìn những tấm bia đá nho nhỏ xung quanh thì thấy các bác các anh hi sinh hầu hết khi độ tuổi chỉ mới khoảng đôi mươi. Tôi vừa đi theo mọi người mà cơ thể vừa run lên, tôi cảm giác như ngay lúc này đang có hàng trăm, hàng ngàn đôi mắt vô hình đang dõi theo từng bước đi, cử chỉ của gia đình tôi vậy.. các bác và bố mẹ tôi đặt hoa và đồ lễ lên trên ban thờ của những liệt sĩ tỉnh Bắc Giang. Bác T chỉ cho mọi người xem tấm bia in danh sách dài dằng dặc hàng trăm cái tên san sát nhau mà nói bằng giọng buồn bã
“Đấy… biết bao nhiêu người đã được quy tập về.. vậy mà anh mình….”
Đôi mắt ai nấy rưng rưng. Cả nhà khấn vái một hồi thì tôi thấy có một người đàn bà khá lớn tuổi đang đội chiếc mũ tai bèo đứng cách đó không xa nhìn nhà tôi thắp hương mà đưa chổi lặng lẽ quét lá. Bà đó chậm rãi đi tới, bà chắp tay vái ba vái trước ban thờ liệt sĩ rồi quay sang hỏi nhà tôi
“Gia đình đên đây tìm ai?? Đi sớm thế?? Đã thấy mộ phần chưa..??”
Mọi người lễ phép chào bà. Ngừoi phụ nữ này có lẽ đã khá lớn tuổi, bà tên là Minh và cũng là người làm việc trong ban quản trang. Mái tóc của bà Minh bạc trắng , khuôn mặt đen sạm phủ đầy những gió sương. Bác Tâm đứng tâm sự với bà Minh một hồi rồi bảo bố tôi đưa cho bà xem tờ giấy thông tin mà bác Quang nói ra thì bà chậm rãi đọc
“Sư đoàn… trung đoàn… tiểu đoàn… đại đội…. Lê Văn Quang… sinh năm 1949, mất năm 1967… nhập ngũ mùa xuân 1966….. Quảng Trị…. Ven sông bến Hải…. phía đông đồi bến Tắt khoảng 15km…. sát bìa rừng…”
Bà Minh đọc đến đây thì nhíu mày trầm ngâm. Bà bảo ở trong khu vực mộ Hà Bắc này quả thật không có ai là Lê Văn Quang trùng với thông tin trên rồi nói
“Khắp tỉnh Quảng Trị này có cả chục nghĩa trang liệt sĩ lớn nhỏ… nhiều nhất vẫn là ở đây… hơn 1 vạn ngôi mộ… gia đình các anh các chị đã tìm kĩ chưa?? Đã tìm ở nghĩa trang đường Chín và các nghĩa trang khác chưa.?? Nói thật là mơ hồ lắm.. với số thông tin ít ỏi này thì quả đúng là khó như lên trời… số lượng mộ phần được quy tập về đây kể ra cũng nhiều… thế nhưng mà so với những người còn đang nằm lay lắt, chưa được tìm thấy ngoài kia thì vẫn còn thiếu sót nhiều lắm…. gia đình đã làm việc với ban chỉ huy quân sự tỉnh và các tổ chức hỗ trợ tìm mộ liệt sĩ chưa???”
Những câu hỏi của bà Minh làm cho gia đình tôi chỉ còn biết thở dài. Các bác nhà tôi 2 lần trước vào tận trong đây thì đã liên lạc khắp nơi và đã tìm kĩ lắm. Bác Quang vẫn chưa tìm thấy đâu… đợt vừa rồi quả thật gia đình đã gần như thất vọng không nghĩ tới việc đi tìm nữa thì bác tìm về tận nơi và tôi xảy ra chuyện. Chuyến đi lần này tất cả coi như dựa vào tôi và những thông tin ít ỏi kia. Gia đình tôi nói chuyện với bà Minh một hồi rồi bà dẫn gia đình đi lòng vòng xung quanh thăm quan vừa đi vừa kể
“Nói về vấn đề tâm linh thì có những chuyện không tin ta vẫn cứ phải tin. Trường hợp liệt sĩ tìm về nhà nhắc nhở người thân đi tìm mộ phần ở đây nhiều lắm. Có những nhà bỏ công bỏ sức bao nhiêu năm kết quả vẫn cứ là con số không… thế nhưng mà cũng có những nhà chỉ cần một chuyến đi thôi là đã có thể tìm ra được người thân của mình…”
Tôi vừa nghe bà Minh nói chuyện mà vừa quan sát xung quanh. Tôi hỏi bà làm quản lí ở đây có từng gặp những chuyện gì tâm linh bí ẩn hay không thì bà nói
“Nhiều… nhiều lắm.. có những đêm đang nằm ngủ thì nghe thấy tiếng người hành quân đi rầm rập xung quanh… có những lúc ngủ mơ thì thấy đầy rẫy những anh chị bộ đội về báo mộng bảo rằng ra thắp hương ở đài tưởng niệm cho họ bớt cô quạnh…. những sự việc nhìn thấy vong linh liệt sĩ hiện lên thì nhiều không kể hết… Những người làm việc ở đây như tôi ban đầu kể ra thì cũng sợ nhưng lâu năm tiếp xúc dần dần cũng thành quen… các anh chẳng bao giờ hù doạ hay hại mình đâu. Họ là bộ đội cho nên dường như vẫn luôn giữ nguyên tính cách của lính cụ Hồ như thời còn sống vậy…”
Gia đình tôi vừa đi thăm quan vừa lắng nghe bà Minh kể rất nhiều câu truyện li kì liên quan đến nghĩa trang này hồi lâu. Lúc này thì đã có thêm nhiều đoàn khách nữa đến và nghĩa trang cũng đã nhanh chóng vang lên nhữg tiếng người nói chuyện rì rầm. Bố mẹ tôi thi thoảng lại hỏi tôi rằng có nhìn thấy gì không? Có cảm thấy có điều gì kì lạ xảy ra không thì tôi chỉ biết lặng im mà lắc đầu nguầy nguậy… không có gì xảy ra hết… tất cả những gì tôi cảm nhận được từ lúc bước chân vào đây chỉ là cảm giác lành lạnh, rờn rợn bao phủ khắp cả thân người. Đoàn nhà tôi đi mãi mà chẳng hết nổi một góc của khu nghĩa trang. Lúc quay lại chỗ đài tưởng niệm chính ở khu vực trung tâm thì tôi thấy đang có một đoàn khác đang đứng lúi húi thắp hương khấn vái ở đấy. Chẳng biết họ từ đâu tới, dẫn đầu đoàn là một cô trạc tuổi mẹ tôi đang đứng chắp tay mà miện lẩm bẩm như nói chuyện với ai… cô đó đang khấn thì bất giác quay mặt sang nhìn về hướng đoàn nhà tôi.. cô ta chậm dãi bước tới nhìn thẳng về phía của tôi và mẹ đang đứng rồi nất chợt nói
“Chào các anh các chị…. mạn phép cho tôi xin phép hỏi… có phải đoàn nhà mình ở Hà Bắc.. à.. Bắc Giang đi vào đây tìm mộ anh trai hay không??”
Câu nói bất ngờ này của cô ta làm cho cả nhà tôi ngạc nhiên dừng bước. Bà Minh đảo mắt nhìn cô ấy từ đầu tới chân hỏi cô ấy là ai thì cô ấy nói
“Cháu chỉ là một người dẫn đoàn đi vào đây thăm viếng thôi ạ… có một bác vừa nhờ cháu chuyển lời giúp… bác ấy đang đợi mọi người ở ven dòng sông Bến Hải… bác ấy sẵn sàng để được nhà mình đón về quê rồi…”
Mọi người nghe thấy người phụ nữ lạ mặt tự dưng nói như vậy thì hoang mang, kinh ngạc. Các bác nhà tôi hỏi cô ấy nói vậy là sao?? Tại sao cô lại nói vậy và trông người đó như thế nào thì cô ấy chợt nhìn về phía tôi rồi nói
“Bác ấy nhìn trẻ lắm…đang đứng ở cạnh thằng bé kia kìa..bác ý vừa ở trên đài tưởng niệm nói chuyện với tôi… các anh các chị nếu tin thì có lẽ tôi có thể giúp….”
Tất cả nghe vậy tròn mắt nhìn nhau…. đang lúc mù mờ không biết phải bắt đầu đi tìm bác Quang ở đâu thì bỗng nhiên xuất hiện một sự trợ giúp giống như từ trên trời rơi xuống. Mọi ánh mắt lập tức đổ dồn về phía của tôi… tôi nghe thấy cô ấy nói có bác nào trẻ trẻ đứng ngay bên cạnh thì bất giác run lên bần bật… tôi nói như hỏi trong vô thức
“Bác… bác… bác Quang… bác ấy tên Quang có phải không ạ..??”