(Năm 1944- 1945, tại Thái Bình và một số tỉnh miền Bắc, nạn đói hoành hành và cướp đi mạng sống của gần 2 triệu người dân Việt Nam. Câu chuyện giả tưởng này lấy bối cảnh tại một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Thái Bình.)
– Hường ơi, đi… đâu rồi…? Giọng ông Sinh, 45 tuổi, lạc đi vì đói.
– Thầy ơi, bọn con đói quá, huhu… U và chị Hường đi đâu thế thầy? Huhu… tiếng 3 đứa con khóc lóc kêu đói đến lạc cả giọng gọi bố. Đã 3 ngày nay chúng không có gì bỏ vào bụng. Bà Xoan, mẹ của chúng đã mất vì đói, bị xe cút kít của tuần phu nhà lý trưởng đem đi chôn ở bãi rác tập thể ở cuối làng cách đây 2 hôm. Cứ thế này thì cả nhà chết hết mất thôi.
Từ cuối năm ngoái đến giờ ngày nào cũng có người chết, tính đến bây giờ cũng phải vài trăm người chết rồi, cái làng nhỏ này chỉ còn xót lại tầm chục hộ gia đình, tính cả những gia đình khá giả đứng đầu giáo họ cũng phải ăn cơm độn với ngô, khoai. Ông Sinh và mấy đứa con đã nhịn đói hai hôm nay rồi, từ ngày bà ấy mất. Ông tuy là thầy tử vi nhưng chẳng còn ai đến xem nữa, bởi ai cũng biết chắc gì họ đã sống được đến ngày mai mà xem làm gì. Hường- 17 tuổi, con gái lớn của ông, hàng ngày ra sông cố mò cua bắt ốc để đổi lấy ít gạo hoặc cám về rang lên, cầm cự qua ngày. Gọi mãi không thấy nó thưa, chắc nó đi ra sông rồi. Mà khéo giờ này sông cũng không còn gì mà bắt, lại chỉ toàn thây người thôi ấy chứ. Thế này thì… một hàng nước mắt rơi trên gò má gầy đét của ông Sinh, ông đưa mắt nhìn lên cái tủ gỗ đầy mối mọt trước đây để bài vị tổ tiên, giờ cũng đã trống không mà vẫn không cứu vãn được. Lũ con ông, có đứa đã thôi không khóc nhưng có đứa vẫn dấm dứt nghẹn ngào, có khi chỉ ngày mai thôi ông không còn nhìn thấy chúng nữa, hoặc ngược lại.
Hường lúc này đang đi lang thang hết nơi này đến nơi khác, từ con sông trơ trọi không còn sự sống cho đến chợ quê đã tiêu điều, nhưng vẫn không tìm được gì để mang về cho bố và lũ em thơ dại. Cô cũng không khác gì hơn, bụng không ngừng sôi lên, thở không còn ra hơi nữa, bước chân cũng không thể dẫm mạnh trên nền đất, tựa như chỉ cần một cơn gió thổi qua cô cũng có thể bay mất. Nhưng cô nhất định không thể ngã quỵ, bởi xung quanh, vẫn có vài ba người tuần phu đang đẩy xe cút kít để đưa những người chết vì đói đi chôn. Mẹ cô mất cách đây 2 ngày, cô tưởng như đã ghi nhớ vị trí bà được chôn, thế mà giờ đây không thể tìm lại xác của mẹ nữa. Người chết nhiều đến mức xác bị vứt chồng chất lên nhau rồi chôn qua loa. Sau lưng Hường, cô còn nghe rõ tiếng la oai oái của một người phụ nữ khi bị tuần phu vứt nhầm lên xe vì tưởng đã chết:
– Oái… thả tao xuống… cha tiên nhân nhà chúng mày… tao vẫn còn sống…
Hoặc tiếng của một người ngắc ngoải sắp chết nhưng vẫn cố van xin:
– Con xin ông… con vẫn còn sống…
– Tí nữa mày sẽ chết, chi bằng tao mang mày đi chôn luôn, van xin lằng nhằng.
Hường cứ đi vô định như vậy cho đến khi cô tới gần đình làng. Cảnh tượng phó lý, lý trưởng đang đốc thúc những người dân làng ở làng cô hoặc làng bên mang thóc gạo vào nộp. Đứng sau lưng những bậc hương chức là một vài người đàn ông mặc trang phục ngoại quốc, Hường biết thừa họ chính là lính Nhật, đang quát mắng hò hét bằng tiếng Việt chọ choẹ hoặc thứ âm thanh không ai hiểu gì. Một người đang bê một bao gạo, chân nam đá chân xiêu, có lẽ cũng vì đói, mà ngã lăn ra đất. Bao gạo vì thế mà bị móc vào đầu lưỡi lê của một tên tuần phu, xổ ra như nước chảy. Từ đâu một người đàn ông đói rách lao tới, bốc lấy bốc để gạo cho vào miệng. Tuần phu và lý trưởng người Việt thì la hét và cố xô người đàn ông tội nghiệp ra, nhưng vô hiệu. Người đàn ông đó vẫn cứ sấn vào bốc gạo, lôi kéo theo hai người nữa ở gần đó bất chấp lao vào. Tên lính Nhật tức quá, hất hàm đi tới, giật lưỡi lê trên tay tuần phu rồi xiên thẳng vào bụng một người. Người bị đâm giãy lên mấy cái, máu phun thành vòi, nhuốm đỏ vạt gạo trắng vãi trên đất. Đứng từ xa, Hường rùng mình ghê sợ không dám lại gần. Nhưng những người đói rách cũng không vì thế mà sợ hãi bỏ chạy. Họ vẫn tranh nhau bốc từng nhúm gạo lẫn máu nhét vào mồm ăn. Trước cảnh tượng đó, tên lính Nhật bỗng phá lên cười, hắn đợi cho đến khi những con người đáng thương ăn hết chỗ gạo dính máu mới dùng súng bắn chết họ. Một âm thanh chói tai từ khẩu súng đen ngòm làm vang động cả làng nghèo.
Hường lủi thủi đi về nhà. Nghĩ đến bố và đàn em nheo nhóc, cô không đành lòng, nhưng nếu cô liều mạng vào cướp gạo thì tính mạng cũng không giữ được. Trên đường về, cô đi qua nhà người bác họ xa ở đầu làng, thấy cửa mở toang, lại thêm tiếng chó sủa inh tai, cô giật mình khi thấy mấy con chó hoang đang tha lôi những khúc ruột người đi trong sân. Lấy hết can đảm đuổi chó, Hường bước vào thấy 7 người nhà bác đã nằm im không động đậy, ruồi nhặng đen đặc, trong đó có một người đã thòi lòi hết nội tạng bên trong. Dù cảnh tượng này đã quá quen thuộc, nhưng Hường không khỏi kinh sợ. Chẳng lẽ đó là cái kết được báo trước cho gia đình cô hay sao?
Trở về nhà, Hường thấy 3 đứa em đang ngồi ăn một thứ gì đó. Cô vui mừng chạy lại hỏi thăm, nhưng trong lòng cũng có sự hoài nghi. Bố cô thấy con gái về, vội chạy ra đón, đồng thời lên tiếng giải thích về nguồn gốc của bát cám cho con gái nghe. Ông thiểu não nhìn Hường, giọng trầm khàn:
– Con đói lắm phải không? Vào trong bếp lấy bát cám ăn đi rồi ra đây thầy nói chuyện.
– Sao nhà mình lại có đồ ăn thế này hả thầy?
– À thì… con cứ vào ăn đi…
– Thầy giải thích cho con nghe đi đã. Không con không ăn đâu.
– Lúc nãy ông lý qua đây. Ông ấy cho nhà mình một ít thóc rồi bảo thầy giã lên ăn.
– Vậy ạ? Ông ấy lại tốt bụng thế sao thầy?
– Không… ông ấy muốn… nói đến đây ông Sinh nghẹn ngào không muốn nói tiếp.
– Ông ấy muốn gì thế thầy?
– Ông ấy muốn… tối nay con sang hầu quan Nhật… thầy đã từ chối nhưng ông ấy và mấy tay cai lệ đe nẹt. Thầy không thể để các em chết đói nên… Với lại lúc đó tên lính Nhật cũng có mặt, tay hắn lăm lăm khẩu súng, thầy sợ quá…
Hường nghe bố kể mà lặng người. Thì ra cô đã bị tên lính Nhật độc ác để ý. Nhìn lũ em đang mải mê ăn mà nước mắt cô cứ chảy thành dòng đẫm cả áo từ lúc nào. Cô vẫn thường nghe kể chuyện phụ nữ bị lính Nhật hãm hiếp, cô cứ nghĩ mình sẽ cố trốn tránh, vậy mà không ngờ… Ông Sinh cũng không nói gì, chỉ nắm lấy bàn tay con, thở dài. Hường nhìn bố, cô nuốt nước mắt hỏi:
– Thế họ có nói con phải hầu quan Nhật mấy ngày không thầy?
– Họ nói chỉ cần con đi hầu quan Nhật tối nay thôi, xong ông ta sẽ cho một túi gạo đầy.
Hường ngồi im không đáp lại. Cô còn lạ gì lòng dạ độc ác của những tên lính tư bản. Chúng bắt nhổ lúa trồng đay, lại ra sức vơ vét hết thóc gạo mớ dẫn đến tình trạng này. Giờ đây chúng lại muốn cô phải bán thân cho chúng để đổi lấy thứ đáng lẽ thuộc về những người dân thường như gia đình cô. Nhưng nếu cô kháng cự thì gia đình cô cũng không yên, thậm chí là chết thê thảm. Thà rằng cô bị chúng làm nhục rồi giết mình đi còn hơn. Hường thở dài, cô khẽ đáp:
– Nếu thế thì tối nay con xin phép thầy cho con đi. Con sẽ mang gạo về nuôi thầy và các em.
– Thầy xin lỗi con. Con vào ăn đi không đói.
Hường đi vào bếp, xúc hai bát cám ra mời bố một bát, mình ăn một bát. Lũ em cô được ăn no, lại vui tươi, vô tư chơi đùa mà không biết nỗi khổ tâm của người lớn. Túi gạo quan Nhật hứa cho, liệu giúp gia đình cô xoay sở được mấy ngày?
Tối hôm đó, một người đàn ông tướng tá hung dữ đi cùng lý trưởng tới nhà Hường đón cô. Gã lý trưởng hứa hẹn sẽ đưa cô về an toàn sau khi xong việc. Gã còn buông ra câu nói đe dọa:
– Tươi lên em. Để quan Nhật nhìn thấy là không vui đâu. Em không muốn mất mạng thì liệu mà cư xử.
– Con gái con đứa mặt mũi cứ lầm lì. Nếu không phải quan Nhật thích mày thì ông đã vả cho mày mấy cái rồi. Người đàn ông bặm trợn đe doạ.
Hường không dám quay lại nhìn bố và các em, cô đi theo lý trưởng và cai lệ trong tiếng khóc dấm dứt của ông Sinh và những tiếng thắc mắc ngây ngô của lũ em nhỏ. Ông Sinh nhìn theo bóng con gái, chỉ còn biết cầu khấn gia tiên phù hộ cho Hường. Đêm hôm đó, sau khi 3 đứa con nhỏ đi ngủ, ông ngồi đợi Hường về nhưng mãi không thấy. Đến nửa đêm, do quá mệt mỏi và bất an, ông lăn ra ngủ gục trên chiếc bàn đã bị mối xông gần hết chiếc ngăn đựng chè. Ông Sinh cứ ngỡ sáng mai sẽ thấy Hường về nhà, nhưng 3 ngày trôi qua cũng không thấy Hường đâu, ông đánh bạo đến nhà lý trưởng hỏi thì nhận được câu trả lời “con Hường về nhà ngay đêm hôm đó rồi” từ tay cai lệ. Lo sợ có chuyện không may xảy ra, ông đi tìm Hường nhưng không thấy, kể cả những nơi chôn xác tập thể cũng không có. Cứ như vậy 1 tuần trôi qua, khi chỗ thóc lý trưởng cho đã hết mà Hường vẫn biệt tích, ông Sinh gặp lại con gái lớn khi đêm đổ xuống vào giữa canh ba.