Vợ con ông Lục cuống cuồng lo việc trong bệnh viện, không ai có thể đi theo giúp đỡ ông ta chuyện làm lễ ở Thái Bình. Ông ta cũng không muốn ai đi cùng nên không cho phép ai đi theo, chỉ nói mình đi cúng thay cho thằng Vinh vì tội mạo phạm đến những tinh tà sống trong cây cổ thụ. Người con gái của ông ta ở trong thành phố Hồ Chí Minh muốn đi cùng bố cũng bị ông ta mắng. Trong thâm tâm, ông Lục biết tội lỗi của mình sớm muộn cũng bị phơi bày, nhưng ông ta lại muốn che giấu thêm phút nào hay phút ấy. Giờ tuổi đã cao, sức khoẻ yếu, nhưng tội lỗi năm nào giờ trở về rõ ràng như mới ngày hôm qua lại càng khiến ông ta hổ thẹn. Ông ta đã luôn nghĩ rằng mình có thể sẽ che giấu được tội ác của mình mãi mãi, cho đến lúc xuống mồ. Nhưng không ngờ nhân quả có thể đến muộn chứ chưa bao giờ bỏ xót ai, con trai và cháu trai đích tôn của ông ta đã và đang phải gánh nhu tội lỗi ông ta gây ra. Hường còn nói nếu ông ta có ý định giấu diếm thì cô sẽ khiến hai đứa cháu gái của ông ta chịu chung số phận giống như mình năm xưa. Thầy Hồ cũng nói:
– Tôi đã cố hết sức giúp đỡ ông rồi. Ông nên hối lỗi và tìm thân nhân cho cô Hường, có như vậy thì nghiệp oán mới giải được. Ông cũng nên chuẩn bị tinh thần có thể tính mạng của ông cũng không giữ được.
Theo lời chỉ dẫn của con trai, ông Lục tìm về ngôi nhà hoang nơi có cái cây cổ thụ đã bị đốn một phần. Người dân làng tụ tập đông để xem thầy Hồ làm lễ. Ông Lục đứng khúm núm một góc, quan sát mọi động tĩnh của buổi lễ. Hương khói tỏa ra ngào ngạt khiến mắt ông ta cay xè, nước mắt cứ thế tuôn rơi trên hai gò má đầy nếp nhăn. Cả ông ta và thầy Hồ không hề hay biết rằng ông Hoà- một trong ba người em của cô gái tên Hường năm xưa cũng vô tình có mặt trong đám đông. Ông Hoà trở về đây để thăm lại mộ phần của bố mẹ đẻ như một thói quen hàng năm. Sau khi thăm mộ, ông nghe mọi người nói về chuyện người bị ma quỷ hành vì chặt cây, ông cũng đi ra xem vì hiếu kì. Dù sao quê hương ông cũng đã từng có rất nhiều người chết vì nạn đói. Trong bao năm qua ông đã cố gắng đi tìm xác của chị gái nhưng không thể tìm thấy, biết đâu lần này trời lại run rủi cho ông vận may? Đứng xem thầy Hồ làm lễ, ông Hoà ngạc nhiên khi nghe thấy thầy đọc tên Nguyễn Thị Hường, còn có cả năm sinh năm mất và địa chỉ của chị ấy năm xưa nữa. Vậy là xác của chị ấy đang nằm dưới gốc cây cổ thụ này. Tuy rất xúc động nhưng ông Hoà cũng không muốn làm ngắt quãng buổi lễ của thầy Hồ. Đợi đến khi thầy nghỉ giữa chừng, ông mới mạnh dạn bước vào nói chuyện với thầy. Ông Lục hoảng sợ khi thấy nhân thân của cô Hường xuất hiện. Ban đầu, ông Hoà còn cảm ơn ông Lục rối rít vì tưởng ông ta là người đã phát hiện ra nơi chôn xác chị gái mình. Thầy Hồ thấy vậy thì tỏ ý ngăn:
– Đợi tôi làm lễ xong thì ông hãy đốn cây và đào lên tìm xác chị gái. Dưới thân cây này còn có nhiều xác người chết đói lắm.
– Dạ… tôi xin nghe thầy dạy ạ. Ông Hoà cúi đầu.
Buổi lễ cầu siêu lại tiếp tục. Sau khoảng 2h thì mọi thủ tục hoàn tất, thầy Hồ lau mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt rồi nói với người thợ chính và toán thợ của ông ta chặt cây. Cây cổ thụ rất già và chắc nên đám đàn ông 7 người phải rất tốn sức mới chặt được cây. Rầm… cây cổ thụ đổ xuống mặt đất, những người thợ lại tiếp tục đào. Xẻng cuốc của những người thợ vướng phải những rễ cây chắc chắn ghim sâu trong lòng đất nên họ phải rất vất vả mới thấy được bộ xương đầu tiên. Những người dân làng hoảng hốt đi thông báo cho những lãnh đạo trong làng cũng như trở về nhà mình để tra lại gia phả xem có ai mất trong nạn đói mà chưa tìm thấy xác không. Tổng cộng có 50 bộ xương được đào lên, trong đó ông Hoà nhận ra chị mình bằng bộ trang phục nâu có thêu hoa trên ngực. Thật kì lạ, sau bao nhiêu năm mà chi tiết đó vẫn còn để ông Hoà có thể tìm ra. Ông Hoà xin mang xác chị mình về khu nghĩa trang của gia đình để chôn cất. Ông luôn miệng cảm ơn ông Lục, ông Lục cũng khúm núm không dám nhận mà chỉ nói một câu:
– Ông cho tôi xin thông tin liên lạc để khi nào ông về Hà Nội thì tôi đến nhà ông có việc. Giờ tôi xin phép đưa thầy Hồ về trước.
Ông Hoà mất một tuần mới làm xong hết thủ tục mai táng và thờ cúng cho chị gái mình. Ông Lục cũng đến thắp hương cho cô Hường và kể lại hết mọi chuyện năm xưa mình gây ra. Ông ta đã có ý muốn giấu diếm đến cùng nhưng ông cảm thấy nếu làm thế thì cô Hường sẽ không tha thứ cho ông. Ông Hoà nghe ông Lục kể câu chuyện kinh hoàng mà chỉ ngồi nghe, không nói gì. Từ kính trọng biết ơn, ông Hoà đã trở nên khinh bỉ người đàn ông hơn mình 20 tuổi. Ông Hoà chỉ xua tay:
– Thôi ông về đi. Tội ác của ông đã xảy ra quá lâu để tôi có thể đi báo chính quy rồi. Toà án lương tâm sẽ phán xét ông.
Vinh và Vượng sau một thời gian nằm trong bệnh viện đã dần hồi phục. Ai cũng cho rằng nhờ ông Lục đã làm lễ xin xá tội và cầu siêu nên họ mới hồi phục được nhanh như thế. Họ cũng thấy ông Lục chịu khó đi chùa và làm từ thiện, nhưng họ cho rằng đó là ông muốn tích đức cho con cháu. Đến một ngày nọ, ông Lục đổ bệnh nằm liệt một chỗ. Vợ con ông chạy hết thầy nọ đến thuốc kia nhưng bệnh tình của ông cũng không thuyên giảm. Con gái ông Lục từ trong thành phố Hồ Chí Minh bay ra để chăm sóc ông. Người phụ nữ này ngày đêm chăm sóc bố không quản ngại khó khăn vất vả. Một đêm nọ, chị ngủ thiếp đi vì quá mệt mỏi. Chị nằm mơ thấy một người phụ nữ mặc đồ màu nâu tiến đến bên cạnh bố mình và nhìn ông chằm chằm. Người phụ nữ này có khuôn mặt rất lạ, chị chưa gặp bao giờ. Chị bèn lên tiếng:
– Cô là ai?
Người phụ nữ quay sang nhìn chị, đáp lại bằng một giọng xa xăm:
– Tôi là người đã từng bị bố cô sát hại. Năm xưa, ông ta đã hãm hiếp rồi giết tôi. Tôi vì thế đã rất uất hận mà không thể siêu thoát. Tôi phải chờ đến khi đủ cơ duyên gặp lại anh trai cô thì tôi mới có thể trả thù. Bố cô ốm như thế này là do tôi gây ra. Ông ta có thể khoẻ lại hay không là do phước đức của các người.
– Xin cô… cứu bố tôi… đừng để ông ấy mất. Tôi rất thương bố tôi. Con gái ông Lục cúi lạy van xin người con gái lạ.
Nhưng khi chị ngẩng mặt lên thì đã không còn thấy người con gái lạ mặt đâu nữa. Nhìn bố nằm xanh xao, chị thương lắm. Chị quyết định hàng ngày sẽ đọc chú Đại Bi cho bố nghe và bản thân mình cũng nương vào Phật pháp. Ngày qua ngày, ông Lục trở nên khoẻ hơn, sắc mặt tươi tắn hồng hào hơn, đã có thể nói chuyện được với con cháu nhiều hơn. Ông Vinh và Vượng cũng đã được ra viện, hàng ngày quây quần bên ông Lục. Cuối cùng nhờ sự chăm sóc yêu thương của con cháu, ông Lục cũng bình phục. Từ đó, ông chuyển sang ăn chay và làm việc thiện, coi như là để sám hối cho những tội lỗi mình đã gây ra. Các con cháu ông ai cũng gặt hái được thành công trong công việc và học tập. Ông Vinh trong thời gian nằm viện, công ty ông tưởng như phá sản vậy mà phát triển hơn trước. Diệp, Hồng và Vượng cũng thi đỗ vào những ngôi trường danh tiếng. Gia đình con gái ông Lục cũng hạnh phúc và viên mãn. Ông Lục cũng thường xuyên lui qua nhà ông Hoà để thắp hương cho cô Hường. Có một lần ông Lục xem chương trình phóng sự nói về nạn đói năm 1945 cùng mấy đứa cháu. Ai cũng tỏ ra sợ hãi nhưng lại không tin rằng đất nước đã từng trải qua một thảm hoạ khủng khiếp như thế. Ông Lục giảng giải cho các cháu:
– Ông đã từng là nhân chứng ở thời kì đó. Nạn đói rất khủng khiếp, có những hộ gia đình chết hết không còn một ai. Hàng ngày tuần phu đẩy xe cút kít đi nhặt xác người chết vì đói để đem chôn. Thậm chí còn có cả một địa danh được đặt tên theo nạn đói này. Các cháu đã nghe đến cái tên Ba Lạt chưa?
– Dạ rồi ạ, Vượng lên tiếng.
– Ba Lạt là chỉ số lượng lạt buộc người chết đói rồi thả trôi sông. Lúc đó người chết nhiều đến mức không còn đất mà chôn nữa…
Vừa giảng giải cho con cháu ông Lục vừa tưởng nhớ lại thời kì đen tối của lịch sử cũng như là của chính cuộc đời ông. Tiếng xe cút kít như vang lên bên tai người đàn ông gần 90, những tiếng quạ réo, tiếng người van xin, tất cả hoà thành một bản nhạc mang màu sắc kinh dị mà ông không bao giờ có thể quên được. Đôi mắt ông lim dim như trở về thời ấy. Ông nghe tiếng của Diệp:
– Ông ngủ rồi đấy. Thôi chị em mình đi ra ngoài đi.
Tiếng động cơ oto dừng lại ngay trước cửa khiến Diệp, Vượng và Thu (em họ của Diệp) ngoái đầu ra nhìn. Họ mừng rỡ khi thấy ông Vinh về, vội chạy ra mở cửa. Ông Vinh phóng xe vào sân, cất lời chào vui vẻ:
– Ba chị em đang làm gì thế?
– Bọn con vừa xem tivi với ông nội nhưng ông ngủ rồi nên bọn con ra đây cho ông ngủ.
– Ừ, bố về để báo tin mừng cho cả nhà: căn nhà ở quê xây xong rồi. Cuối tuần này cả gia đình chúng ta sẽ về đó chơi. Ông bà mong được về đó lắm rồi đấy.
– Ôi thật thế à bác? Tuyệt quá! Thu reo lên.
Ông Vinh bật máy tính bảng lên cho ba đứa trẻ xem thành quả của mình. Bốn người đứng trong sân, cùng thảo luận mọi chuyện thú vị sắp tới sẽ diễn ra trong ngôi nhà mới ở quê. Trời chiều hoàng hôn thật đẹp, như dấu hiệu cho sự chấm dứt những câu chuyện hãi hùng xảy ra trong thời gian qua.