TRẢ NGHIỆP
Chap 3
Mới tờ mờ sáng, vợ chồng chú thím Vượng đã tất tả chạy sang. Nhận được sự đồng ý của ông Vương, thím Hồng gọi cho người bạn để hỏi về thầy Thông. May mắn thay thầy vẫn đang ở nhà người bạn ấy của thím. Sau một hồi bàn bạc, cả nhà quyết định đợi thầy Thông đến mới tính đến chuyện di quan hạ thổ.
Vinh lấy xe đưa thím sang làng bên, cách nhà khoảng 4km. Ngoài trời, mưa lất phất bay. Trời lạnh nên sáng sớm chẳng mấy ai ra đường. Chỉ có vài bác lao công quét đường xá cùng mấy người mang hàng hoá rau dưa ra chợ bán.
Đỗ xịch chiếc xe máy trước cổng nhà bạn thím Hồng, thím đon đả chạy vào cổng. Thầy Thông đã đứng chờ sẵn ở cửa khi nhận được cuộc điện thoại khi nãy. Vinh nhìn khuôn mặt thầy, một cảm giác ấm áp len lỏi giữa những giá lạnh của mùa đông. Thầy Thông trạc tuổi tứ tuần, nhưng gương mặt trẻ được chau chuốt khiến thầy trông trẻ lắm. Người không biết có lẽ sẽ đoán thầy chỉ khoảng ba mươi tuổi. Thầy có đôi mắt sáng, trán cao, điển hình của khuôn mặt phúc hậu mà người ta thường nói. Có vẻ ai ai thấy thầy cũng sẽ yêu quý từ cái nhìn đầu tiên. Thím Hồng nhìn thầy hồi lâu, bỗng nhận ra mình thất thố, cười hì hì :
– Thầy chờ có lâu không ạ?
– Không lâu, tôi cũng mới ra đây thôi. Trời lạnh lắm, nhà mình cứ dẫn đường trước, tôi theo sau.
– Ấy chết, thầy cứ lên xe để cháu Vinh đèo. Chị Dung đây là bạn con, giờ cũng cùng con sang bên đám thầy ạ.
Thầy Thông gật gật đầu, ra hiệu cho Vinh dẫn đường. Trên đường đi, thầy không nói câu nào, Vinh cũng chẳng hỏi câu nào. Thoắt cái đã tới cổng nhà. Vừa bước xuống xe, thầy đã lắc đầu :
– Ôi dào ơi, oan nghiệt, đúng là oan nghiệt.
Tất cả mọi người trong nhà trong họ đã tụ tập gần như đầy đủ. Mọi người cũng đã nghe chú Vượng nói lại sơ qua tình hình hôm qua. Nghe xong lời nói của thầy Thông, ai cũng dè chừng, sợ hãi. Ông Vương đang đứng trước di quan của bố, nhìn ra khó hiểu. Có lẽ do đứng xa quá nên ông không nghe thấy gì. Vinh bước lại gần, lên tiếng hỏi :
– Có chuyện gì vậy thầy? Nếu có điều gì không nên không phải, mong thầy sắp xếp giúp đỡ nhà con.
Thầy Thông nhìn chằm chằm vào góc sân vườn, thầy chỉ :
– Gia đình anh tội lỗi lớn lắm. Không phải đời anh, mà là đời cụ tổ của các anh, tức là ông nội của ông đã mất đây. Thôi, vào nhà để tôi xem xét đã rồi nói.
Ông Vương mặc cái áo xô, đầu đội mũ rơm tết bằng lá chuối khô hình vành bánh xe, bên trên mũ chằng hai dải vài xô hình chữ thập, quai cũng bằng vải xô để dưới cằm. Ông nhìn thấy thầy Thông bước vào, gật đầu nhường chỗ để thầy vào nhà. Xem xét một hồi, thầy kéo tấm kính trên di quan xuống, nhìn mặt ông Vang một hồi lâu. Cả nhà Vinh chăm chú dõi theo từng hành động của thầy.
– Chết vì ngạt nước à? Chết ở đâu?
– Dạ thưa thầy, bố tôi chết ngay ở cái ao cạn bên cạnh đình đó thầy. Không hiểu sao nước đến đùi thôi mà chết người được.
Ông Vượng đón lời thầy Thông, xuýt xoa. Thầy đăm chiêu một hồi, không biết suy nghĩ điều gì, ghé sát vào tai ông Vương đứng ngay cạnh, lầm rầm. Chẳng ai biết thầy nói gì, chỉ thấy ông Vương há hốc mồm, mặt tím nhợt đi. Nói đoạn, ông mời thầy thông vào buồng, gọi anh em cùng vợ con cùng vào theo. Ông lên tiếng :
– Chuyện này thật sự nghiêm trọng hơn tôi nghĩ rất nhiều. Gia đình tôi ở cả đây rồi, mong thầy nói rõ hơn cho chúng tôi rồi chỉ đường dẫn lỗi giúp gia đình. Chúng tôi đội ơn thầy.
Thầy Thông lắc đầu, xua tay bảo :
– Ơn huệ gì, giúp nhà cô cậu âu cũng là cái duyên cái số với anh Vinh này. Chả là tôi thấy, gia đình cậu bốn đời trước từng làm chuyện ác. Cụ thể là ông nội của ông Vang đây cậy mình làm quan, giết một nhà ba người chết oan. Xác của họ thì ném đi cho quạ mổ. Họ đau đớn bị đoạ làm quỷ không siêu thoát được, không ai cúng kiếng nên đói khát, cộng với sự thù hận nên luôn đi theo gia đình ông để tìm cơ hội trả thù. Cái anh này chẳng phải suýt chết cách đây hơn 3 năm đúng chưa?
Thầy Thông nói xong, chỉ tay về phía Vinh. Anh giật mình nhớ lại. Đúng là khoảng 3 năm trước, anh suýt bị chết đuối. Ngày hôm đó anh đi làm về muộn, lại có tí men trong người nên anh chỉ cho rằng do mình say. Nhưng hôm nay ngẫm lại, sự cố hôm đó cũng có phần giống với ông nội. Bất chợt Vinh quay sang hỏi bố :
– Bố tìm thấy ông nội, ông chết như nào hả bố?
Ông Vương nghe được câu hỏi của con, lòng dấy lên lo lắng nhưng vẫn trả lời :
– Thì tìm thấy xác ông nửa người úp xuống dưới áo, nửa người trên vẫn trên bờ. Gọi là cái ao cho oai, chứ trước đây mấy năm, người ta lấp gần hết rồi, giờ nước đọng lại chỉ tầm nửa mét thôi, hôm nào mưa thì dềnh lên cao hơn. Hôm ông mày mất cũng mưa to, bố cũng chỉ nghĩ ông mày sang nhà mấy lão bạn làm vài chén, đêm hôm loạng quạng ngã ở đấy không ai biết nên đi. Chứ nào đâu cớ sự như này.
Nghe đến đây, Vinh hãi hùng nhìn bố, rồi quay sang nhìn thầy. Bởi trong đầu Vinh nhớ lại 3 năm trước, anh cũng từng bị ngã y như ông bây giờ. Điều lạ là anh cũng úp mặt vào con mương cạn, chứ k phải ao hồ sông suối gì cho cam. Anh may mắn hơn ông là không chết có người tới giúp. Vinh lại quay sang thầy Thông, rùng mình. Có lẽ thầy ấy nói đúng.
Đối diện với ánh mắt của Vinh, thầy Thông cười cười, nói :
– Anh không cần nhìn tôi như vậy. Anh có người đi theo bảo vệ nên mới không chết, cũng chính vì người ấy nhờ nên tôi mới sang đây hôm nay. Vậy nên mới nói cái duyên của tôi với anh là vì như thế. Chúng nó sẽ còn bắt tiếp cho đến chừng nào chúng nó không còn thù hận. Gia đình anh nên cẩn thận.
Cả nhà nghe xong đều sợ hãi vô cùng. Ông Vương vốn chẳng mấy khi tin vào những lời này còn rởn tóc gáy. Lặng người một hồi, ông mới cất tiếng hỏi :
– Vậy theo thầy, nhà tôi nên làm gì?
– Oan có đầu, nợ có chủ. Nghiệp của tổ tiên làm thì con cháu đời sau gánh là lẽ thường tình. Nhưng mọi người đừng lo lắng quá. Tôi sẽ giúp gia đình mình bằng hết khả năng của tôi.
Tảng đá trong lòng mỗi người đều nhẹ bớt đi. Cũng may là mời được thầy Thông, chứ không thì không biết còn xảy ra những chuyện gì nữa. Vinh lặn lội trong dòng suy nghĩ của bản thân, ngây dại đứng một chỗ, thầy Thông gọi anh, anh không trả lời. Bà Liên đứng gần gọi con trai mấy câu, Vinh cũng chẳng đáp. Bà đành vỗ vỗ vào vai anh mấy cái, anh mới giật thoát ra khỏi đống suy nghĩ rối nùi. Vinh gãi đầu cười ngượng ngùng nhìn mọi người.
Theo ý của thầy Thông, mọi người sẽ chôn cất ông Vang vào đúng 12 giờ đêm nay. 21 giờ tối nay, thầy Thông sẽ làm lễ bắt vong tại căn nhà này. Dựa vào sự hương dẫn của thầy, mỗi người một việc, ai nấy đều cật lực chuẩn bị cho buổi lễ bắt vong tối nay. Đối mặt với sự nguy hiểm, đặc biệt đối phương là với thế lực vô hình, có lẽ con người ta ai cũng sợ chết.
Hương khói trong nhà vẫn nghi ngút. Hàng xóm láng giềng đi qua chỉ chỉ trỏ trỏ, bởi người ta thắc mắc tại sao để 3 ngày rồi chưa đem chôn ông cụ. Chỉ có những người trong gia đình Vinh hiểu, im lặng hành động.
19 giờ 30 phút tối…
Cái nắng cả chiều hanh hao là thế nhưng tối đến thì lại lạnh buốt. Trên trời lác đác vài đốm sáng của những ngôi sao xa. Trong sân nhà Vinh, cả gia đình đã có mặt đầy đủ. Riêng Vinh lại rất mong chờ buổi lễ tối nay, bởi anh nghe thím Hồng nói nhỏ lúc chiều rằng, thầy Thông có thể gọi hồn nhập vào người trong nhà mình rồi trực tiếp diệt yêu ma quỷ quái. Vinh cực kì muốn gặp lại ông nội, nói với ông lời xin lỗi. Tuy rằng lòng tin của anh cũng không lớn lắm với cái việc “gọi hồn”
Chiếc chiếu hoa to trải giữa sân, đối diện với áo quan của ông Vang. Xung quanh đã dọn hết đồ đạc, trống không. Trên chiếu có một chiếc bàn nhỏ, ở giữa là một tượng Quan Âm, một bát hương bằng đồng, một chiếc chuông nhỏ, hai bên cạnh bàn là hai cây nến to đang cháy. Trước cái bàn, giáp với chân bậc tam cấp lên nhà có trải một miếng bạt chữ nhật khoảng một mét vuông, rải đầy gạo nếp bên dưới. Thầy Thông gật gù xách tay nải bước vào giữa chiếu, lần lượt một nhà tám người ngồi xếp bằng đằng sau thầy. Trước khi làm lễ, thầy quay sang dặn ông Vương :
– Giờ anh là trưởng nam, mọi sự trong nhà này đều do anh lo liệu. Anh phải đặt hết lòng tin ở tôi thì tôi mới giúp anh được. Trong khi tôi làm lễ, mong anh và mọi người đừng hãy niệm Nam Mô A Di Đà Phật trong miệng và nhẩm “xin bố ( ông ) Lê Công Vang về đây tựa ghế chúng con” và thành tâm một chút.
Mọi người lập tức làm theo lời nói của thầy Thông, thầy quỳ cao gối, vái ba vái, chắp tay lầm bầm. Khoảng mười phút sau, cô Vân bắt đầu có dấu hiệu lạ. Cô vò đầu bứt tai quay cuồng, mắt vẫn nhắm nghiền. Thầy Thông quay lại, đôi mắt đẹp đẽ của thầy nhìn thẳng vào cô Vân, quát lớn :
– Giỏi quá nhỉ? Có ta ở đây mà dám nhập phần lung tung. Ta đã cho gọi ngươi chưa?
– Mày gọi được tao á hí hí …
Tiếng cười ma mị được phát ra từ miệng của cô Vân khiến Vinh nổi hết da gà. Thầy Thông tức giận nắm lấy cổ cô Vân, lắc mạnh.
– Mày là ai? Nhập phần vào người nhà họ Lê làm gì?
Như sực nhớ ra điều gì đấy, cái vong bỗng khóc thút thít. Thầy Thông nhìn ra cổng, lại nhìn vào cô Vân, cánh tay vẫn chưa buông khỏi cổ. Thầy rít lên :
– Mày là vợ của thằng quỷ xú khẩu đang bắt nhốt ông Lê Công Vang đúng không? Có phải chồng mày đang đứng ngoài cổng kia không? NÓI
– Ừ đấy. Mày đừng hòng giúp nhà nó. Tao lên đây để nói cho mày biết, mày không giúp được nhà nó đâu. Chúng tao lang thang bao nhiêu kiếp rồi mới đủ mạnh để bắt được con cháu của thằng chó chết ấy. Mày đừng có giúp chúng nó.
Con quỷ cái ấy thét lên. Tự lấy tay cào cấu cơ thể cô Vân khiến da cô xước xát. Con quỷ cái đưa cái lưỡi ra liếm vào đầu móng tay dính máu, cười man rợ. Nó chỉ tay vào từng người trong nhà, trừ chú Huy, thím Hồng và bà Liên
– Hí há hí háaaaaa, cái dòng máu bẩn thỉu chảy trên người chúng mày, rồi có ngày tao sẽ rút cạn hết. Ha ha ha
Thầy Thông ra hiệu cho chú Huy và Vinh đặt cô Vân nằm xuống, giữ hai tay tránh để cô tự làm thương mình, miệng giải thích :
– Ta đoán không sai. Khi bước vào đây, ta đã thấy ông Vang bị xích lại bởi một con quỷ mồm thối. Ta đoán nó chính là người đã bắt ông Vang phải chết. Ta nhìn được nghiệp chướng gia đình nhà anh chị mắc phải không chỉ có một người nên lập ra cái đàn này để dụ cả vợ con nó đến, tóm gọn hết thảy. Nhưng nhìn đâu cũng k thấy thằng quỷ con.
Cô Vân đang giãy dụa dưới đất, nghe đến quỷ con, nước mắt cô ầng ậc chảy ra…