Chú Dũng đắn đo suy nghĩ một hồi rồi đáp: là một người phụ nữ, tuy nhiên cô ta không can dự gì tới chuyện nhà mình.
– Nhưng lí do tống tiền là gì?
– Là chuyện liên quan đến làm ăn thôi anh ạ. Em không làm gì sai hết.
– Chú Không làm gì khuất tất thì sợ gì người ta tống tiền? Chú báo công an đi. Những việc thế này cứ giao cho công an giải quyết.
– Em biết rồi, em sẽ lo chu toàn được anh ạ! Nếu anh muốn tìm mẹ con con Nga thì em sẽ sai bọn đệ tử tìm về cho anh.
– Chú tìm đi, anh muốn trực tiếp xác nhận đứa bé ấy có phải máu mủ nhà mình hay không?
– Em cam đoan là không phải.
– Theo thầy nói là trùng thì có lẽ đứa bé ấy đã chết. Thậm chí là chết cháy. Tôi hi vọng chú mau chóng cho tôi câu trả lời.
Chú Dũng thở dài, khuôn mặt đầy lo âu. Chú mở điện thoại gọi cho một người nào đó yêu cầu tìm bằng được tin tức của Nga. Bác Phụng vỗ tay lên vai chú Dũng: chuyện gì phải giải quyết chúng ta phải đứng ra giải quyết. Tôi biết chú lo lắng cho thằng Tùng sẽ sốc. Hoặc chú đang lo lắng chuyện lộ ra tình cảm giữa chú và thằng Tùng sẽ rạn nứt. Tuy nhiên, nếu quả thật hoạ từ đây thì chúng ta phải giải từ đây.
– Em lo nhất chính là thằng Tùng trở mặt với gia đình. Hiện tại nó quen với một cô gái mới. Tuy nhiên em lại thấy không an tâm chút nào cả. Dường như con bé đang sắp đặt thằng Tùng theo ý nó. Em lo thằng Tùng sẽ không còn nghe lời em như trước nữa.
Bác Phụng nghe chú Dũng tâm sự cũng coi như hiểu đôi chút lo lắng trong lòng cậu em út: thằng Tùng tự có chứng kiến của nó. Nó lớn rồi, phải được tự do. Chú định bao bọc nó tới bao giờ?
– Điều em lo lắng anh không hiểu được đâu.
– Thực ra có chuyện gì? Chú từ khi nào lại không tin tưởng người anh trai này thế?
– Chuyện này…mà thôi. Chuyện không có gì đáng cho anh bận tâm đâu. Chuyện con Nga em sẽ nhanh chóng cho anh một câu trả lời thích đáng. Mọi chuyện khác anh cứ yên tâm.
Bác Phụng thở dài. Bác rút điếu thuốc châm lửa mà hút. Chú Dũng tiện tay cũng rút một điếu: chỉ khi trong lòng rối ren không có cách giải quyết anh mới hút thuốc. Chuyện thầy pháp nói làm anh trăn trở thế sao?
– Anh lo tai ương ập xuống gia đình mình. Anh sợ có ngày anh em ta không có cơ hội đứng ở góc vườn này tâm sự nữa.
– Anh có tin 100% vào lời thầy pháp nói không? Sao em cứ thấy ông thầy này nói dựa kiểu gì ấy.
Bác Phụng hít một hơi dài rồi thả làn khói thuốc trắng ra trước mặt chậm rãi nói: chuyện này khó nói lắm! Thà tin rằng có đừng bao giờ nói không với tâm linh.
– Nhưng chuyện chiếc gương mẹ nói chúng ta phải làm thế nào? Quả thực giấc mơ của anh và thằng Vũ có nét giống nhau nhưng chúng ta biết tìm kiểu gì? Có khi nào là do chúng ta gửi mã cho mẹ thiếu nên mẹ nhắc không anh?
– Không thể! Chiếc hộp của mẹ còn một bí mật khác nữa. Mẹ từng dặn cô Thoan khi mẹ mất phải mang mẩu giấy trong hộp chôn theo mẹ xuống mồ. Đang tiếc lúc cô Thoan mở chiếc hộp ấy ra thì mẩu giấy hoàn toàn biến mất. Chú nghĩ sao về chuyện này?
Chú Dũng nghe bác Phụng nói mà sững sờ: còn có chuyện này nữa sao? Chiếc hộp của mẹ có mẩu giấy ư?
Chú Dũng ném điếu thuốc xuống đất: em hình như thấy ở đâu rồi, có lần em vào thăm mẹ có thấy mẹ bỏ chiếc hộp ra ngắm trang sức. Mẩu giấy như nào nhỉ?
– Chú đã thấy sao? Chú cố nhớ lại xem nào.
Chú Dũng suy nghĩ một hồi rồi chợt nhớ ra chuyện ngày hôm ấy. Đó là một chiều trước khi bà Lân qua đời chừng 1 tháng, chú Dũng đi làm về sớm ghé thăm bà Lân. Cổng nhà bà mở nên chú đi thẳng vào nhà. Cửa nhà bà Lân đóng kín, cổng bên vườn mở, chú nghĩ bà ở vườn nên mới đi ra phía sau nhà tìm bà. Chú nhìn quanh quẩn không thấy bà đâu thì nghe trong nhà có tiếng động. Chú nhìn qua khe cửa sổ thấy bà Lân đang luống cuống nhặt cả mớ đồ trang sức trong chiếc hộp vừa đánh rơi. Trong hộp có cả chiếc túi bằng vải đỏ. Chú tủm tỉm nghĩ tới chuyện mẹ khoá cửa đếm vàng nên gõ cửa trêu bà.
Quả nhiên vừa nghe tiếng gõ bên cửa sổ bà lập tức đứng dậy. Điện trong nhà vụt tắt. Chú đang bị bất ngờ thì tiếng đồ vật rơi liểng xiểng trong nhà. Chú vội chạy vào trong thấy bà Lân đang nhặt vội những vòng vàng trên đất. Chú cất tiếng hỏi: sao mẹ tắt điện tối thui thế? Mẹ tưởng trộm sao?
Bà Lân nghe thấy tiếng chú Dũng bèn cười hiền từ: con nghỉ sớm vậy sao? Sao không vào nhà lại đứng ngoài cửa sổ làm gì? Mẹ tưởng nhà có trộm.
Chú Dũng với tay bật chiếc đèn trong nhà lên cho sáng: mẹ của con xem ra phải mang ống cân ra đựng vàng ấy nhỉ. Con nghĩ mẹ để nhà không an toàn đâu, trộm đạo nó lại để ý. Mẹ già rồi giữ vàng bên người nguy hiểm lắm!
– Cũng có là bao nhiêu đâu, vài cái vòng với mấy đôi bông tai mẹ giữ bên người từ thời con gái với ít đồ các con, các cháu tặng thôi mà.
Chú Dũng thấy bà có vẻ hơi vội vàng cất chiếc hộp ấy đi như thể không muốn cho ai nhìn thấy. Chú mới đưa ra ý kiến: hay con mua cho mẹ cái két sắt nhé, mẹ cất trong ấy cho an toàn hơn.
Bà Lân lắc đầu: nhà lắp camera kín thế này thì trộm nào dám vào mà cần két sắt, mẹ để trong tủ khoá lại là được.
Bà Lân nhanh chóng cất chiếc hộp vào tủ khoá lại bỏ chùm chìa khoá vào túi áo. Bà cẩn thận cài chiếc kim băng vào miệng túi tránh rơi mất chìa khoá.
Bác Phụng thắc mắc: vậy rốt cuộc là chú có thấy mảnh giấy hay chiếc gương hay không?
Chú Dũng lắc đầu: lúc em vào nhà thì không hề nhìn thấy. Tuy nhiên lúc em nhìn qua khe cửa sổ thì đúng là có chiếc túi bằng vải đỏ.
– Chú chắc chứ?
– Em khẳng định chắc chắn là có. Nhưng sau đó vào nhà thì em lại không thấy chiếc túi ấy nữa hoặc mẹ nhặt cất đi trước khi em vào nhà rồi cũng nên.
– Kì lạ! Chú có thấy vậy không? Rất có thể bí mật nằm trong chiếc túi bằng vải đỏ ấy.
– Để em xem lại camera xem sao
– Tiếc là đầu ghi bị lỗi không thể xem lại camera.
Chú Dũng hỏi lại cô Thoan xem có thấy chiếc túi vải đó hay không nhưng đáng tiếc cô Thoan hoàn toàn không hề hay biết gì về chiếc túi vải đỏ. Cô Thoan nói chính tay cô lấy chiếc hộp đó nhưng trong hộp ngoài đồ trang sức ra không còn bất cứ một thứ gì khác. Mọi chuyện lại trở về xuất phát điểm ban đầu.
Điện thoại chú Dũng có cuộc gọi đến. Chú ra sân đứng nghe. Rất nhanh sau đó khuôn mặt chú đầy vẻ bất ngờ mà thốt lên: chết rồi? Tại sao chết? Chết từ khi nào?
Chú buông chiếc điện thoại xuống mà sững sờ. Bác Phụng vội hỏi han: có chuyện gì vậy chú Dũng? Là ai chết?
Chú Dũng khuôn mặt đờ đẫn thốt lên mấy từ vô nghĩa: chết rồi…cháy…chết cháy.
– Chú nói sao? Ai chết?
– Thằng Tùng Lâm.
Ba tiếng “thằng Tùng Lâm” vừa thốt ra khỏi miệng chú Dũng thì ánh mắt bác Phụng cũng sầm lại: vậy là rõ rồi. Tất cả là ở đây. Thầy nói đúng. Thầy nói đúng. Tôi phải đi gặp thầy. Tôi phải đưa thầy đến đó ngay.
Mấy người trong nhà nghe cuộc đối thoại giữa hai anh em chú Dũng mà cũng bất ngờ vì họ không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Bác Phụng không có thời gian giải thích vội rút điện thoại gọi cho thầy Pháp nói ngắn gọn: thầy, chúng tôi tìm được người đó rồi. Quả nhiên là chết cháy. Chúng ta phải làm gì tiếp theo đây thầy?
Thầy Pháp nghe chuyện cũng không lấy làm bất ngờ. Thầy đáp: được, chúng ta cần tìm tới gia đình người chết lấy tên tuổi ngày sinh, ngày giờ mất của người đó rồi làm lễ. Các cậu chuẩn bị đi.
Chú Dũng cầm lấy tay bác Phụng: chuyện này cần tìm hiểu cho chính xác đã anh. Em nghĩ chúng ta nên đến đó trước.
Bác Phụng hiểu ý của chú Dũng bèn gật đầu: tôi hiểu trong lòng chú nghĩ gì. Tôi đi cùng chú. Tuy nhiên khi xác định chính xác sự việc thì cần làm gì chú tự làm, chú hiểu chưa?
Chú Dũng bất đắc dĩ gật đầu đồng ý với ý kiến của bác Phụng. Hai người đàn ông vội vã rời khỏi nhà không một lời giải thích khiến cả nhà một phen xôn xao. Bác Gái muốn đi theo nhưng bác Phụng không đồng ý. Bác nói có việc cần giải quyết trước, đến tối sẽ nói chuyện với cả gia đình.
Hai anh em bác Phụng theo địa chỉ đến tìm cô gái tên Nga. Cô ấy thực ra không đi đâu xa mà chỉ về quê ngoại.
Bước chân vào căn nhà nhỏ nghèo nàn bác Phụng thấy chua xót. Bác nghĩ tới nghịch cảnh gia đình thường xuyên đi làm từ thiện giúp đỡ những người khó khăn thế nhưng lại vứt bỏ người thân của mình ở một nơi vừa nghèo, vừa lạc hậu đến thế.
Căn nhà tường đất, mái ngói cũ mốc viên đen viên trắng. Sân vườn hoang sơ. Trái bếp còn lợp rạ. Chú Dũng cũng như chôn chân tại cái nơi được gọi là nhà ấy.
Bác Phụng bước vào sân lên tiếng gọi: có ai ở nhà không?
Không có tiếng đáp lại.
Bác gọi thêm mấy câu rồi mạnh dạn bước vào tới cửa. Trong nhà tối om dường như không có người ở. Bác căng mắt ra nhìn vào trong nhà thấy ngọn đèn dầu đang cháy. Thứ ánh sáng mờ nhạt từ ngọn đèn đủ để bác thấy khuôn mặt đứa trẻ trên tấm ảnh thờ đặt ngay trên bàn thờ. Bác bất giác chạnh lòng.
– Ai vậy?
Một bà cụ già tay chống gậy bước vào từ phía sau làm cho bác giật mình. Bác quay lại hỏi: con chào bà, bà cho con hỏi đây có phải nhà cô Nga không?
– Có chuyện gì? Anh tìm con bé có việc gì không?
– Con có việc muốn tìm mẹ con cô Nga. Chẳng hay bà là bà ngoại cô ấy ạ?
Bà Cụ già lắm, tóc cụ bạc trắng đầu. Cụ móm mém nhai trầu ngước lên nhìn lại hai người đàn ông lạ một lượt. Bà quay người sang góc tường nhả miếng trầu ra rồi chậm rãi bước vào nhà.
Vài giây sau điện trong nhà bật sáng. Đó là một chiếc bóng đèn tròn ánh sáng đỏ treo lơ lửng giữa nhà. Bà cụ chậm rãi bước về phía chiếc bàn rồi quay lại nói với hai anh em bác Phụng: hai anh vào nhà ngồi uống miếng nước.
Chú Dũng hơi lững lự đứng chần chừ một lúc ngoài sân mới bước vào nhà. Chú nhìn lên tấm ảnh thờ rồi nhanh chóng quay mặt đi. Cả căn nhà nhỏ liêu xiêu, u ám tới khó tả. Bác Phụng đặt túi trái cây lên ban thờ rút một nén hương thắp lên ban thờ thằng bé xấu số.
Chú Dũng cất tiếng hỏi: cô Nga đi làm chưa về phải không bà?
Bà cụ lau nước mắt: làm gì đâu, nó đang ở bệnh viện rồi.
– Cô ấy bị bệnh hay sao bà?
– Nó sốc quá tới mức điện loạn phải nhập viện rồi các bác ạ!
Câu trả lời của bà cụ khiến cả hai sững sờ. Bà cụ nhanh chóng rót hai cốc nước mời khách rồi chậm rãi nói tiếp: con nó đấy, mà thằng bé đoản mệnh nên mất sớm. Mẹ nó không chịu được mà hoá điên mất rồi. Sao ông trời bất công quá các bác ơi!
Bác Phụng trầm giọng đáp lại: chúng con xin chia buồn cùng gia đình. Chẳng hay cậu bé bệnh gì mà qua đời sớm vậy ạ?
– Bệnh gì đâu chú. Thằng bé ngoan ngoãn, nhanh nhẹn và khoẻ mạnh lắm. Mẹ con nó cũng hiền lành chẳng gây thù hằn gì với ai bao giờ. Ấy vậy mà ông trời không thương để thằng bé đi sớm quá! Nếu như được đổi mạng tôi cũng nguyện hi sinh cái thân già này đánh đổi cho thằng bé sống lại.
Cả căn nhà đã lạnh nay lại lạnh thêm. Không gian yên lặng tới đáng sợ. Bà cụ rút chiếc khăn lau vội dòng nước mắt đang thi nhau rớt xuống rồi chậm chạp kể lại cái ngay đau thương ấy.
———-———
– Tùng Lâm, con ở nhà với cụ, mẹ đi làm rồi về sớm mua quà cho con nghe.
– Sao mẹ đi làm không chịu nghỉ vậy? Mẹ ở nhà với con một ngày được không? Tiếng thằng Tùng Lâm nũng nịu.
– Mẹ phải cố làm nhiều tiền cho con còn đi học, mẹ còn mua cho con quần áo mới và chiếc cặp sách mới nữa. Ngoan nghe không? Ở nhà con nhớ nghe lời cụ biết không?
– Mẹ cứ đi làm tối ngày không chịu chơi với con, con buồn lắm đó. Tối mẹ phải về sớm với con nhé, con có cái này muốn cho mẹ xem.
– Mẹ hứa luôn! Hôm nay mẹ sẽ về sớm và còn mua quà cho con nữa. Nhớ lời mẹ dặn nghe không?
Nga dặn dò thằng bé rồi nhanh chóng rời khỏi nhà. Thằng bé đứng nhìn theo bóng mẹ đi khuất mới lững thưng vào nhà. Nó bảo với cụ: mẹ con hứa về sớm chơi với con nhưng mà con biết mẹ nói dối thôi.
Bà cụ cười hiền từ: mẹ nào nói dối con, mẹ Nga hôm nào nói về sớm cũng về sớm, hôm nào mẹ nói mua quà cũng mua quà cho con đó thôi.
Nó tươi cười: vì mẹ yêu con nhất trên đời, yêu hơn cả mẹ các bạn yêu các bạn luôn phải không cụ?
– Phải! Mẹ yêu con nên con phải thật ngoan, học thật giỏi để sau này báo hiếu mẹ nghe chưa?
Thằng bé cười híp mắt. Nó khôn từ bé nên mọi chuyện mẹ nó làm nó biết, mẹ nó yêu thương nó thế nào nó hiểu.
Tối đó nó cứ ngóng ra ngõ chờ bóng mẹ nó về. Nó chờ mãi mà mẹ nó chưa thấy đâu. Bà cụ gọi nó vào ăn cơm nhưng nhất định nó không chịu. Nó dỗi: mẹ hứa về sớm mà cụ xem trời tối thế kia sao mẹ còn chưa về?
– Chắc mẹ còn bận làm nốt công việc đang dở hoặc mẹ Nga đang trên đường về rồi. Con ăn cơm đi, có khi con ăn xong là mẹ về tới nhà đó.
Nó lắc đầu: con chờ mẹ về mới ăn. Mẹ hứa rồi đó cụ.
Nó nói là làm, quyết không chịu ăn cơm mà lững thững đi ra ngõ. Bà cụ thấy nó ngó nghiêng ở ngõ cũng ra dỗ dành nhưng nó không nghe. Nó trèo lên cái trụ cổng ngồi nhìn xem mẹ nó khi nào về tới ngõ. Bà cụ khuyên nó một hồi rồi cũng bỏ vào nhà. Bà dặn nó: con muốn chờ mẹ thì ở yên trong ngõ mà chờ, không được chạy ra ngoài kẻo trời tối có con ộp nó bắt biết chưa.
Nó gật đầu: con chỉ đứng ở đây chờ mẹ thôi. Bao giờ mẹ về con báo cho cụ biết.
Một lúc sau đó lửa bùng lên cháy dữ dội. Tiếng hàng xóm hò nhau dập lửa. Bà cụ đứng trong nhà chỉ thấy nguyên đống rơm to ở bên ngõ đang bốc cháy bùng bùng. Lửa bốc cao hơn cả ngọn nhà. Cụ lật đật bước ra ngõ gọi: Tùng Lâm, con đâu rồi?
Nguyên cái xóm nghèo ùa ra dập lửa. Nước không ở gần nên mọi người thi nhau xách nước mà dập. Từng xô nước nhỏ dội vào ngọn núi lửa đang bùng cháy mãnh liệt. Cuối tháng 5, ban ngày trời nắng chang chang nên rơm rạ khô cứng, chỉ cần một mồi lửa nhỏ cũng có thể thiêu cháy cả một núi rơm trong chớp mắt. Rất lâu sau ngọn lửa mới tắt. Lúc bấy giờ người ta mới bàng hoàng khi thấy một thằng bé bị cháy đen thui trong đống lửa.