Cái chết thương tâm của Tùng Lâm khiến mẹ nó phát điên. Phải người khác chắc cũng không hơn gì Nga khi ấy; bởi lẽ ai làm mẹ mà không khỏi đau lòng. Nga đã điên lên kêu gào thảm thiết. Mọi người đều hết mực khuyên can nhưng dường như vô nghĩa.
Đám tang diễn ra nhanh chóng cho bớt thương tâm. Làng xóm tới dự mà ai nấy đều rơi nước mắt. Đám tang cũng chỉ vẻn vẹn có vài người quen biết làng xóm láng giềng chứ tuyệt nhiên không có người thân nào khác bởi Nga sau khi có bầu bị chính bố đẻ ruồng rẫy và đuổi khỏi nhà. Cô may mắn còn bám vào bà cụ để có chốn dung thân. Bà cụ vốn là người quen của mẹ Nga khi còn sống còn bà ngoại thực sự của cô đã qua đời từ lâu rồi. Mọi người ít ai biết đến sự tồn tại của bà nên Nga hoàn toàn đã biến mất mấy năm trời mà chú Dũng hoàn toàn không có thông tin.
Nguyên nhân cái chết của Tùng Lâm được mọi người giải thích rằng do cậu bé trèo lên đống rơm chờ mẹ rồi ngủ quên. Thật không may khi ấy đang mùa nóng,rơm khô mọi người trải dài dọc bên ngõ. Có ai đó đã vô tình vứt mẩu thuốc lá làm nó bốc cháy. Có thể là như vậy, người ta cũng chỉ có thể giải thích được như vậy cho vụ tai nạn hi hữu thiêu chết một cậu bé.
Hai anh em bác Phụng nhìn khuôn mặt bà cụ buồn rầu mà cũng nao lòng. Có lẽ bà đã khóc rất nhiều xót thương cho chắt ngoại.
Bác Phụng lên tiếng: vậy cô Nga giờ tình hình ra sao rồi bà? Sự việc đã qua vài tháng rồi, cô ấy đã khá lên chưa?
Bà cụ lại lần nữa trào nước mắt: cái thân già này thì đi được đến đâu mà biết hả các bác? Mẹ nó bị điên cứ lao đầu vào tường đòi chết theo thằng bé. Có lúc nó tự chui vào đống rơm rồi bật lửa tự thiêu mình. May mắn hàng xóm láng giềng người ta đưa nó đi viện rồi bác sỹ giữ lại trong ấy chữa bệnh luôn. Tôi thì ngày ngày quanh quẩn ở nhà nhang đèn cho thằng bé. Tôi cũng chưa đến viện thăm nó được mà có muốn cũng không đi được. Tôi chỉ hàng ngày cầu nguyện cho nó mau chóng tỉnh táo lại.
Bác Phụng nghe câu chuyện chỉ biết thở dài. Bác nhìn chằm chằm lên tấm di ảnh thằng bé kháu khỉnh mà đau lòng.
Bà cụ kể lể: mẹ con thằng bé tội nghiệp lắm, giá như hôm ấy tôi bắt nó vào nhà chờ mẹ về thì đã không xảy ra cớ sự như vậy rồi.
Bà cụ bỗng ngưng lại nhìn chằm chằm vào hai vị khách đối diện mà hỏi: nhưng tốt cục hai bác là ai? Tại sao lại tới tìm mẹ con thằng bé?
Hai anh em bác Phụng còn chưa biết sẽ bắt đầu câu chuyện với nguyên nhân gì thì bà cụ lại hỏi tiếp: hai người không phải người quen của con bé đúng không? Hay các người quen biết với bố con bé?
Bác Phụng vội đáp: chúng con vốn không quen biết với bố cô Nga. Con mong bà đừng hiểu lầm.
– Hiểu lầm gì chứ? Nếu mà bố con bé suy ngẫm lại đón con bé về tôi còn mừng cho nó. Giờ tôi già thế này rồi, con bé thì điên điên dại dại thế kia, kể có người thân bên cạnh vẫn tốt hơn rất nhiều.
Bác Phụng gật gù rồi chậm rãi dò hỏi: vậy bố cháu Tùng Lâm thì sao? Bà có khi nào nghe cô ấy nhắc tới không?
Bà cụ ngạc nhiên: sao các bác lại quan tâm tới kẻ đó?
Chú Dũng vội vàng trả lời: cô ấy chưa khi nào kể cho bà nghe về bố đứa bé sao?
Bà cụ hơi ngước mắt lên nhìn chú Dũng. Ánh mắt bà có vẻ ngạc nhiên vì câu hỏi ấy. Rất nhanh sau đó bà thở dài: con Nga nói bố thằng bé đã chết rồi. Nó cũng không muốn thằng bé đau lòng nên không nhắc lại.
Chú Dũng sốt sắng: nghĩa là cô ấy biết bố thằng bé là ai sao?
Bà cụ lại ngạc nhiên thêm lần nữa: anh này sao thế? Không lẽ anh biết ai là bố thằng bé sao? Nó là thằng nào? Thằng chết dẫm nào đày đoạ con Nga sống dở chết dở như thế? Anh nói tôi nghe, ai là bố thằng bé? Tôi muốn dòm xem cái bản mặt nó ra làm sao mà lại ác nhân thất đức đến thế.
Bác Phụng vội vàng đáp: bà ơi, con mong bà bình tĩnh. Chuyện này khá phức tạp. Có thể chính bố cháu bé cũng không hề biết sự tồn tại của nó.
Bà cụ vơ tay nắm lấy chiếc gậy. Bàn tay bà gầy guộc bám lấy cạnh bàn run run đứng dậy: mà giờ đứa thì chết, đứa thì điên mất rồi. Tìm lại cũng để làm gì? Khổ thì cũng khổ tận cam lai rồi, tụi nó còn gì để mất nữa đâu?
Bác Phụng từ tốn đứng dậy đáp lại: chúng con muốn giúp cô Nga thoát khỏi tình trạng hiện tại, làm lại cuộc đời. Con tin là bà cũng mong điều ấy.
Bà cụ nhìn bác Phụng lạ lắm. Nước mắt lại lần nữa ập khỏi khoé mắt sâu chằng chịt những dấu nhăn: tại sao? Sao các anh lại muốn giúp con bé?
Bác Phụng lặng im không đáp. Bà cụ gật đầu: vậy là các anh nhận rằng có quen biết với bố thằng Tùng Lâm đúng không? Các anh muốn tới chuộc lỗi lầm ư?
Chú Dũng đáp: tôi chỉ muốn giúp cô ấy…
Bà cụ đưa tay giơ lên ra hiệu cho chú Dũng ngưng lại: khoan đã, tôi sống tới ngần này tuổi rồi, cũng trải qua đủ sự việc cay đắng nên tôi tự biết cái nào đúng, cái nào sai. Ở đời chẳng ai cho không ai cái gì bao giờ. Các anh mau nói điều kiện đi. Nếu các anh giúp con Nga thoát khỏi tình hình điên loạn để có cơ hội làm lại cuộc đời thì các anh muốn gì tôi làm được ắt tôi sẽ giúp hết sức.
Bác Phụng gật đầu: bà rất thẳng thắn, con là thực tâm muốn cô Nga khoẻ mạnh, bắt đầu cuộc sống mới. Hiện tại nhà con đang xảy ra một số việc không vui và cần sớm giải quyết.
Bà cụ gật đầu: là nhà các anh đang có tang sự đúng không? Tôi nhận ra ngay vì các anh đang đeo tang đen. Người này lớn tuổi rồi mới mất. Chẳng hay nhà anh đang có tang sự thì các anh đến đây có việc gì? Nếu tôi đoán không nhầm thì các anh chắc chắn có liên quan đến bố thằng Tùng Lâm đúng không?
Điện thoại bác Phụng chợt đổ chuông. Nhìn thấy số điện thoại bác Gái bác nghĩ cả nhà đang chờ hai người về ăn cơm nên tắt cuộc gọi để tiếp tục nói vấn đề chính với bà cụ. Điện thoại lại đổ chuông tiếp. Bác linh cảm chuyện chẳng lành nên vội vàng ra ngoài nghe điện thoại.
– Có chuyện gì vậy mình? Tôi đang có việc quan trọng. Lát anh em tôi về
– Có chuyện rồi mình. Mọi người mau về ngay đi. Cháy rồi!
– Cháy cái gì? Nhà lại có chuyện gì?
– Ban thờ cháy!
Ba từ Ban thờ cháy vừa thốt lên thì bác sững người hỏi lại: ban thờ nào cháy? Tại sao lại cháy?
– Em không biết! Ban thờ gia tiên bốc cháy.
– Bên ấy có thắp nến hay gì không mà cháy?
– Không có! Hoàn toàn không có nến hay đèn nhưng ban thờ bốc cháy rồi. Ảnh thờ của bố bị sập. Mình mau về đi.
Bác Phụng nghe tin mà tay chân rụng rời. Sự việc liên tục xảy ra liên quan đến ban thờ và lửa làm bác thấy sợ hãi. Chú Dũng thấy bác Phụng mặt mũi tái mét liền gấp gáp hỏi thăm: nhà có chuyện gì vậy anh? Sao sắc mặt anh kém thế?
Bác Phụng lắc đầu ra hiệu chú Dũng không hỏi tiếp. Bác quay lại nói với bà cụ; bà làm ơn cho con xin tên và ngày giờ mất của cháu Tùng Lâm được không?
Bà cụ được một phen ngạc nhiên khi bác Phụng đưa ra đề nghị. Bà hỏi lại: mọi người muốn lấy tên và ngày giờ mất của thằng bé làm gì?
Bác Phụng gấp gáp trở về nên không còn nhiều thời gian vội vàng đưa lý do: con muốn kiểm tra xem đúng là thằng bé có mất phạm giờ xấu ảnh hưởng tới mẹ nó hay không? Nếu nó mất giờ phạm thì e rằng sẽ không tốt cho căn bệnh hiện tại của mẹ nó.
Bà cụ nghe bác Phụng nhắc tới Nga liền dãn khuôn mặt ra đôi chút. Bà suy cho cùng sự việc thằng Tùng Lâm mất cả khi này đều biết nên dù có giấu thì anh em bác Phụng cũng hỏi vài ba người sẽ tìm được nên cũng gật đầu: Phạm Tùng Lâm, mất 8h tối ngày rằm tháng 5(ngày bính tý, tháng nhâm ngọ, năm ất Dậu)
Bác Phụng cảm ơn bà cụ nói vài câu và hứa sẽ quay trở lại tìm cụ và hết lòng giúp đỡ Nga khoẻ mạnh trở lại. Bà cụ móm mém nói thêm vài câu mong cho mọi người đều được việc và sớm ngày giúp Nga thoát khỏi cảnh thần trí điên loạn là bà mừng.
Ra khỏi ngõ nhà Nga bác Phụng lập tức điện thoại cho thầy pháp báo lại tình hình. Thầy nghe bác Phụng đọc ngày giờ mất của Tùng Lâm mà thoáng giật mình sững sờ: giờ này có chính xác không? Nếu cậu bé mất giờ này thì đâu có phạm trùng?
Bác Phụng đáp: là cụ thằng bé kể lại, giờ ngày này không sai được. Nếu thằng bé không mất phạm trùng thì là điều may mắn đúng không thầy?
Thầy đáp: hai người mau quay lại nhà thằng bé xin cho được một tấm hình cầm về đây cho tôi. Có gì đó nhầm lẫn, tôi chưa hiểu rõ.
Hai anh em bác Phụng lại quay lại nhà bà cụ xin tấm hình Tùng Lâm. Bà cụ không giữ tấm hình nào mà có duy nhất tấm hình đang thờ trên ban. Bác Phụng đành lấy điện thoại chụp lại tấm ảnh thờ rồi ra về. Bác sẽ nhờ người in tấm hình ấy ra đưa cho thầy pháp kiểm tra.
Chú Dũng thắc mắc: sao anh lại khẳng định chắc chắn thằng bé là con thằng Tùng nhà em?
Bác Phụng thở dài: nếu mà chưa nhìn hình thằng bé thì anh không khẳng định nhưng có tấm ảnh thờ này anh tin chú sẽ thấy.
Bác Phụng đưa điện thoại cho chú Dũng, chú Dũng bấm vào tấm ảnh thờ ảm đạm nhìn hồi lâu rồi thắc mắc: em không thấy có gì đáng lạ ở đây cả. Thằng bé cũng không giống thằng Tùng nhà em điểm gì.
Bác Phụng đáp: nó không giống thằng Tùng nhà chú nhưng lại có điểm giống với bố. Chú nhìn cho kĩ vào.
Chú Dũng zoom tấm hình lên mới phát hiện ra nốt ruồi nơi đuôi mắt rất giống nốt ruồi ông Bộ(bố chú) có khi còn sống. Chú nhíu mày buột miệng: chẳng lẽ vì một nốt ruồi giống với bố mà anh khẳng định được sao?
– Mắt thằng bé, chú nhìn cho kĩ.
Chú Dũng nhìn một lúc rồi đáp: nhưng lỡ như bố thằng bé thực sự cũng có bọng mắt dưới và nốt ruồi đuôi mắt thì sao?
Bác Phụng đáp: bố khi còn sống từng nói: chỉ có dòng họ chúng ta mới có bọng mắt và nốt ruồi đuôi mắt như thế, cách 3 đời sẽ lại thấy. Bố có; cách đời anh em ta, đời thằng Tùng thì đời nó là đúng 3 đời. Còn cái vành môi kia chú nghĩ giống ai?
Chú Dũng bấy giờ mới nhìn kĩ lại khuôn mặt thằng bé, đúng là thấp thoáng khuôn mặt của bà Lân lại có đôi mắt giống ông Bộ. Chú siết chặt chiếc điện thoại trong tay lại rồi đấm mạnh vào cửa xe: em là thằng đàn ông tồi tệ phải không anh? Trên đời này có kẻ nào ác hơn em nữa không?Em làm sao rửa sạch tội lỗi của mình bây giờ?
– Chuyện xảy ra rồi, giờ chú có trách mình sao cũng không sửa được quá khứ. Chúng ta có lỗi thì phải sửa lỗi. Tôi nghĩ trước tiên về giải quyết việc cúng giải trùng trước rồi nhanh chóng liên hệ bệnh viện giúp đỡ cô Nga. đó là cách sửa lỗi tốt nhất.
– Chuyện này nếu thằng Tùng biết chuyện em lo sẽ xảy ra chuyện mất anh ạ. Tính thằng bé càng ngày càng khó kiểm soát. Em chỉ sợ nó sẽ quay lưng với vợ chồng em.
– Chẳng phải chú nói nó có bạn gái mới rồi sao? Thời gian sẽ xoa dịu nỗi đau trong quad khứ. Chuyện này không thể giấu được nữa. Chú tốt nhất hãy nói chuyện thẳng thắn với nó. Tôi tin thằng bé không phải đứa không hiểu chuyện.
Hai người về tới nhà đã muộn. Đèn nhà bà Lân vẫn sáng vì mọi người ngóng hai anh em bác Phụng. Bác Phụng vào nhìn lại chiếc bàn thờ bị cháy xém phân nửa mà không khỏi ngạc nhiên: có chuyện gì vậy? Sao cả nhà ở nhà đông như thế mà lại để ban thờ cháy ra thành như vậy?
Cô Yên đáp: cái bàn thờ nó ngún lửa anh ạ! Mọi người vẫn đi qua đi lại mà không ai nhìn thấy ngọn lửa bốc lên lúc nào. Mãi đến khi cả nhà tập trung ăn cơm tối em lên nhà châm hương mới cho mẹ thì thấy khói mù mịt khắp nhà rồi.
Bác Phụng cằn nhằn: sao nhà mình mấy hôm nay cứ xảy ra toàn chuyện cháy với lửa kì lạ vậy chứ? Bát hương tự dưng bốc cháy, giờ đến ban thờ cũng bốc cháy. Nếu quả thật do trùng lửa gây ra thì không biết chừng không giải sớm, có ngày nó thiêu rụi cả căn nhà cũng nên.
Bác Gái lên tiếng: hai anh em ăn tối trước đi rồi chúng ta bàn tiếp.
Bác Gái nhanh tay dọn bàn ăn lên cho hai anh em bác Phụng. Chú Dũng không nuốt nổi cứ tay bên bát cơm lên lại đặt xuống. Cô Yên thấy lạ mới hỏi chuyện. Bác Phụng kể lại sự việc một lần cho tất cả mọi người cùng nghe. Người bất ngờ nhất là cô Yên. Cô ngồi lặng người không nói không rằng. Chú Dũng thở dài: có lẽ tôi là nguồn cơn của sự việc này. Điều tôi lo nhất là tôi phải đối diện thế nào với thằng Tùng?
Bác Gái bèn đưa ra ý kiến: chúng ta giấu thằng bé chuyện này.
Bác Phụng: vậy việc lập đàn giải trùng chúng ta giấu thế nào? Cái kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra. Tôi vẫn mong cô chú ấy nói chuyện dứt khoát với thằng Tùng một lần. Chuyện này không thể giấu nhẹm đi thế được.
Vừa hay thằng Tùng xuất hiện ngay ở cửa. Nó ngơ ngác hỏi: mọi người giấu con chuyện gì thế ạ?
Ngay lập tức cô Yên đứng dậy đánh trống lảng: chuyện là chúng ta sắp tới có nhiều việc cúng bái, bố mẹ đang bàn xem có nên cho các con cùng tham gia hay không?
Thằng Tùng đáp: chuyện của bà thì chúng con ắt phải tham gia rồi ạ! Có như vậy mà cả nhà phải giấu con hay sao?
Chú Dũng lên tiếng: chuyện này chúng ta sẽ bàn lại sau, giờ cũng muộn lắm rồi, tôi nghĩ mọi người nên nghỉ ngơi đi. Mai làm lễ vơ mộ cho mẹ rồi. Qua ngày mai có việc gì chúng ta sẽ nói chuyện cụ thể. Các bác có nhất trí không ạ?
Mọi người ai nấy đều hiểu ý của chú Dũng. Nếu quả thực thằng Tùng phát hiện ra chuyện nó có một đứa con mà bản thân nó lại không hề biết đến sự tồn tại của đứa bé. Hơn thế nữa nó lại vừa bị chết cháy cách đây không lâu. Mẹ của đứa bé đang điên loạn phải nhập viện tâm thần mà nguồn cơn sự việc lại do hành động của chú Dũng gây ra thì chắc chắn nó không sốc mới lạ.
Đêm đó dài thật dài, ai cũng mải mê suy nghĩ những chuyện riêng tư mà không tài nào chợp mắt. Cô Yên giận chú Dũng nên không nói chuyện nửa lời. Chú lặng lẽ nhắm mắt ngẫm lại tất cả sự việc đã xảy ra từ trước đó đến giờ mà thầm ân hận.
Đồng hồ điểm 12h, tại nhà bà Lân. Thằng Vũ và thằng Hoàn vẫn còn thức. Thằng Vũ do lệch múi giờ nên bị khó ngủ ban đêm nên kéo cả thằng Hoàn thức theo nó. Giường bên cạnh vợ chồng bác Phụng cũng trằn trọc xoay qua xoay lại. Bác Phụng bỗng ngồi bật dậy hô lên: mẹ, mẹ mau quay lại! Phía trước nguy hiểm lắm! Mẹ đừng chạy!
Thằng Vũ cũng ngồi bật dậy: bác Phụng bị mơ ngủ rồi, anh mau qua đánh thức bác ấy dậy đi.
Thằng Hoàn nghe vậy vội xuống giường kéo tay bác Phụng mà gọi: bố ơi! Con đây, bố nằm mơ thấy bà sao?
Bác Phụng từ từ quay lại. Thằng Hoàn bỗng dưng dựng tóc gáy bởi đôi mắt bác Phụng đang trợn ngược lên vô cùng đáng sợ. Cánh tay bác bắt lấy tay thằng Hoàn mà bóp mạnh. Thằng Hoàn bị hành động bất ngờ của bác Phụng làm cho giật mình. Nó đẩy cánh tay của bác Phụng ra nói to: bố làm sao thế? Con đây!
Hai bàn tay bác Phụng gắt gao túm lấy cổ nó mà siết. Bác Gái tỉnh dậy thấy vậy lay người bác Phụng nhưng dường như bác ấy hoàn toàn không nghe hiểu được bác nói gì. Thằng Hoàn ú ớ kêu lên vài tiếng cầu cứu thằng Vũ. Mọi chuyện thằng Vũ đều chứng kiến ngay từ giây phút đầu tiên. Nó lao vội sang ôm chặt lấy người bác Phụng mong thằng Hoàn đủ sức gỡ bàn tay đang siết cổ mình.
Bác Gái lúc bấy rối quá hô ầm ĩ cả nhà cho mọi người sang giúp đỡ.
Thằng Vũ hô thằng Hoàn: tượng phật, anh lấy tượng phật trong chiếc hộp đi.
Thằng Hoàn vội vã lao tới chiếc hộp có đựng tượng phật bà đúc bằng đồng thau lần trước. Chiếc hộp vừa mở ra bác Phụng hét lên một tiếng rồi người bỗng mềm nhũn ra. Bác từ từ gục xuống giường, đôi mắt cũng khép hờ lại như người đang ngủ.