Thầy khẽ nhếch miệng cười: anh này tay nhanh hơn não rồi, anh vốn không tin ta thì có ở lại đây cũng vô ích thôi.
Bác Khôi cầm lá bài nhưng không lật lên mà liếc ánh mắt nhìn về phía bác Phụng. Thầy thấy vậy đáp: anh đang cầm cây bài át bích đấy. Anh lật lên đi. Trong bộ bài này chỉ có 1 cây Q cơ thì anh trai anh bốc rồi, không còn cây nào khác đâu.
Thầy cầm lá bài trong tay bác Khôi lật lên trên bàn, quả đúng là một cây át bích.
Bác Phụng thốt lên: thầy quả là tài quá! Vậy mà lại đúng cây át bích rồi. Chúng tôi đúng là mắn mắn gặp được thầy thế này…
– Là cái duyên, muốn tránh cũng không được. Có nhiều người muốn gặp cũng không thể. Tuy nhiên tôi cần các anh phải tin tưởng tuyệt đối vào tôi. Nếu các anh hai lòng thì e là tôi muốn cũng không giúp được.
Bác Khôi chắp hai bàn tay lại mà rối rít xin thầy giúp đỡ. Thầy gật gù rồi đáp: chuyện gia đình các anh gặp đại nạn này là cái nghiệp các anh phải gánh, nó tỉ lệ thuận với thành công của các anh hiện tại.
– Nghĩa là sao hả thầy?
– Nghĩa là ai càng thành đạt người ấy càng khó tránh.
Hai anh em bác Phụng hoang mang nhìn nhau. Trong năm người con của bà Lân thì bác Khôi là người thành đạt nhất. Bác Khôi bèn hỏi thầy: vậy có cách nào hoá giải nhanh chóng không thầy?
Thầy gật gù: anh đừng vội, nghiệp thì khó tránh nhưng có thể không tới mức phải chết.
Bác Phụng thở phào nhẹ nhõm. Thầy lắng nghe rồi nói tiếp: anh đang lo lắng lắm đúng không? Nói tới chết chắc ai cũng sợ. Bà mẹ các anh chết tới mấy lần cũng không yên. Cái số của bà ấy phải như vậy. Đáng lẽ bà ấy chết ngay lần đầu tiên thì có lẽ sẽ không nhiều chuyện như bây giờ.
Bác Phụng bấy giờ hoàn toàn bất ngờ vì khả năng của thầy. Chuyện bà Lân chết đi sống lại thầy còn gọi ra vanh vách như thể người trong nhà thì còn gì mà không bội phục?
Thầy cầm 7 lá bài trên tay suy nghĩ một lúc rồi từ từ đáp: trên bảy lá bài này có hai người chết cặp, hai chiếc quan tài đã dựng đứng chuẩn bị mở lắp. Đây là hai người đàn ông, một trai tráng thanh niên, một trung tuổi. Còn lại 5 chiếc quan tài khác hiện tại đang nằm im.
Thầy nói rồi ngước lên quét ánh mắt về phía bác Khôi: có vẻ cái quan tài này hợp với 1 trong hai người ở đây.
Anh mắt thầy đưa tới đâu không gian như lạnh tới đó. Khuôn mặt hai anh em bác Khôi cũng lạnh theo. Thầy rút 1 lá bài j cơ đặt lên phía trước: đây là người đang làm chủ 1 mảnh đất rất lớn, có quyền sai khiến rất nhiều người. Người ta nói sống như một ông vua, ngày đi xe bốn bánh, tối ở biệt thự; Nhà có người đưa kẻ rước nhưng chết đi cũng nằm trong chiếc quan tài 6 tấm. Người này không phải con trưởng, cũng không phải con út. Đặc biệt tuổi người này hợp với tuổi người thanh niên trẻ chết cùng.
Nghe thầy nói hai anh em bác Phụng sợ hãi bởi lẽ nếu thầy tả như vậy thì khớp với bác Khôi. Mồ hôi bác Khôi bấy giờ cũng rịn trên trán. Bác hỏi lại thầy: thầy cao tay vậy chắc chắn giải được đúng không ạ?
Thầy gật gù: anh bốc được lá bài Q cơ là ý trời đã định. Vậy thì tôi không giúp được ắt cũng có người khác giúp thôi. Anh cứ yên tâm đi.
Lá bài Q cơ mà bác Khôi bốc được quả nhiên là tia hi vọng của đại gia đình. Bác Phụng cầm lá bài lên ngắm thật lâu. Chưa khi nào bác lại thấy yêu lá bài đến thế. Bác hỏi tiếp: vậy là nếu không giải nghiệp chướng thì sẽ phải mất tổng cộng bảy người sao thầy? Rốt cuộc là nghiệp chướng gì mà lại tàn khốc như thế? Thầy có thể cho chúng tôi biết được hay không?
Thầy đáp: bảy không phải là con số cuối cùng. Nếu không giải nghiệp chướng này chỉ e còn vài chiếc quan tài khác.
– Tại sao lại thế? Lúc nãy thầy nói bảy người thôi sao?
– Phải! Ta nói bảy người đàn ông chết cháy. Tuy nhiên còn chứ chưa hết.
Thầy trâm ngâm một hồi rồi nói tiếp: có điều lạ là mấy chiếc quan tài ấy lại rất nhỏ giống như trẻ con vậy. Ta nhìn như ảo ảnh nên không dám khẳng định chính xác. Nhà hai anh ngoài đứa trẻ mới mất kia không còn đứa trẻ nào khác chứ?
Bác Khôi lắc đầu: các cháu chưa ai lấy vợ lấy chồng thầy ạ!
– Lạ nhỉ! Vậy mà có tới hai cái quan tài tài nhỏ tí xíu. Mà chuyện này tính sau. Giờ quan trọng là giải quyết 7 chiếc quan tài đàn ông này trước đã.
– Có phải do trùng không thầy?
– sao anh lại nghĩ tới trùng?
– Tôi nghe người ta nói trùng tang thì đàn ông mới chết. Người này chết nối tiếp người kia.
Thầy gật gù: đấy là người ta nói, còn tôi nói cho anh nghe: trùng thì bắt hết chẳng từ đàn ông hay đàn bà, trẻ con hay người lớn. Nếu gia đình phạm trùng thì có thể ngay lập tức hoặc sau 3 ngày kể từ lúc người mất phạm trùng sẽ có người chết. Nhẹ nhất là tới vài năm kể từ khi bị trùng sẽ có người tiếp theo chết. Cái đó còn tuỳ thuộc vào vong bị trùng kia khôn ngoan và độc ác tới mức nào. Có những vong tôi từng trấn khôn ngoan tới mức lừa cả thầy. Vong bị đưa lên tận chùa Hàm Long còn trốn được về nhà bắt tiếp những người thân. Vậy nếu xác định là trùng thì phải có biện pháp khắc chế phù hợp.
Bác Khôi buột miệng: vậy thầy soi xem nhà tôi có phải phạm trùng hay không?
Thầy đáp: xem giờ mất của mẹ anh thì không hề phạm trùng. Trùng không phạm nhưng không dám chắc 1 trong bảy người chết đang được báo này không phạm.
Vòng qua vòng lại rốt cuộc thầy lại nhắc tới bảy người chết đã được báo về. Bác Khôi thở dài: chẳng giấu gì thầy, trước đây mẹ tôi mất thầy có nhắc tới trùng lửa. Thậm chí lúc mẹ tôi còn sống cũng từng nhắc tới. Chẳng hay thầy có biết cái gì gọi là trùng lửa hay không?
Thầy mở tròn đôi mắt nhìn về phía bác Phụng: trùng lửa ư? Cái đó nghe trong truyền thuyết thì có, ngoài đời tôi chưa thấy.
– Nghĩa là vẫn có cái gọi là trùng lửa đúng không thầy?
– Có! Mà nếu quả thực trúng thì xác định cả gia tộc sẽ bị nó xoá sổ. Theo như chuyện tôi nghe các cụ nói lại thì nó là một vong chết phạm giờ trùng do bị thiêu sống. Hiện tại nhà các anh có hai người mới mất đều không phạm trùng nên khó có thể có trùng lửa.
– Thầy nói vậy thì tôi cũng yên tâm tuy nhiên nhà tôi dạo gần đây thường xuyên xảy ra chuyện lạ. Chuyện ma quỷ và tâm linh quả thật khó giải thích.
Thầy thu lại bộ bài tây tráo liên tục một hồi rồi đưa ra trước mặt bác Phụng: anh rút lấy một cây đi, tôi nói cho anh biết trong nhà anh có chuyện gì khác nữa.
Bác Phụng rút một lá bài lật lên. Thầy nhíu mày rồi thở dài: sao nhà anh lại lắm vong ma vất vưởng thế này. Bao nhiêu năm qua sống cùng ma mà không biết sao?
Bác Phụng ngạc nhiên: nhà tôi có ma sao? Hay nhà mẹ tôi?
– Nhà mẹ anh, nhà có người mới mất này không chỉ có 1 vong. Có khi mấy cái vong này tôi thấy loáng thoáng qua nhưng lúc thấy lúc lại biến mất rồi. Nhà này có yểm bùa sao? Thầy nào yểm vậy?
Bác Phụng lắc đầu: tôi chưa hề nghe mẹ tôi nhắc tới chuyện yểm bùa gì trong nhà cả. Tôi trăm sự nhờ thầy soi giúp.
Thầy cầm lá bài lên nhìn chằm chằm, đôi mắt thầy sáng quắc lên. Thầy lẩm nhẩm một hồi rồi đập tay rầm xuống bàn: ác quá! Đúng là ác đức! Ai lại yểm bùa ác thế này?
Hai bác sửng sốt: sao rồi thầy? Là đất có yểm bùa sao? Nhưng yểm bùa có nguy hại gì không?
– Thầy này rất cao tay nhưng tiếc là bùa bị phá rồi. Có thể gia đình anh gặp nguy cũng tại đây mà ra.
– Vậy trăm sự nhờ thầy mở lòng cứu giúp đại gia đình tôi với. Chúng tôi người trần mắt thịt không hiểu mấy chuyện bùa chú đó.
Thầy nhắm đôi mắt lại rồi đưa hai bàn tay lên vuốt mặt liên tục vài lần rồi lại thở dài: yểm mà như không yểm, ta cũng không tài nào tường tận sự việc được. Có khi ta đến ngôi nhà này một chuyến xem sao.
– Được thế thì mừng cho gia đình chúng tôi quá ạ!
– Các anh đừng vội mừng. Tôi phải tới tận nơi xem thế nào. Nếu quả thực là có yểm bùa thì phải tìm được người yểm hoặc không phải tìm hiểu xem yểm cái gì mới có cách giải được.
– Chẳng phải thầy đã phát hiện ra đất có yểm bùa rồi hay sao?
– Đúng là ta thấy qua lá bài này nhưng người yểm này cầu kì và cao tay lắm. Ta e tài của ta gặp trúng đối thủ rồi. Hi vọng là ta tới tận nơi có thể tìm ra lời giải đáp, bằng không e rằng mọi chuyện càng ngày càng khó giải quyết.
– Nghĩa là chuyện bảy người chết liên quan đến yểm bùa này hay thế nào ạ?
– Có thể nguyên nhân là ở đây nhưng ta cần phải có thời gian tìm hiểu. Các anh về trước đi, ba ngày sau ta sẽ sang tận nơi. Các anh không cần tới đón, ta tự tìm được đường đi. Nội trong ba ngày ta sẽ nghiên cứu lại vấn đề yểm bùa này. Ba ngày sau khi sang đó ta ắt có câu trả lời thoả đáng.
Hai anh em bác Phụng chào thầy rồi ra về. Sự việc gần như càng ngày càng xoay chiều và trở lên phức tạp hơn khi thầy Mão nhắc đến chuyện vong ma và yểm bùa trong nhà. Bác Phụng đem sự việc kể lại cho cả nhà nghe làm ai nấy đều lo lắng. Sự việc mảnh đất này có ma thì không cần phải bàn cãi vì hai bố con bác Phụng đều bị nó nhập hồn. Tuy nhiên việc bị yểm bùa làm mọi người nghe thấy đều thất kinh.
Ba ngày chờ tin thầy Mão mà dài tựa ba năm. Bác Phụng lo lắng tới ăn ngủ không ngon giấc. Ngoài bác Phụng ra thì bác Khôi cũng sợ hãi không kém. Từng lời thầy Mão nói cứ văng vẳng bên tai làm bác không thể chuyên tâm làm việc. Bác suy nghĩ vài ngày mà bạc cả tóc. Thằng Thế Anh thấy vậy bèn khuyên: mọi chuyện sẽ có hướng giải quyết, bố đừng suy nghĩ quá mà đổ bệnh. Con chỉ sợ bùa chưa thấy hại người mà người tự doạ nhau tới sợ mất cả mật rồi lo lắng quá đổ bệnh mà chết mất thôi.
Bác Khôi đáp: con không được nói bậy, chuyện này không tin không được đâu. Bố lúc đầu cũng như con nhưng khi gặp thầy Mão mới thấy mình sống mấy chục năm mà quan niệm sai lầm quá! Mà nhà mình cũng may gặp được thầy sớm.
– Bố yên tâm đi, bố mẹ cả đời làm việc thiện. Con tin là ông trời có mắt thôi. Người thiện ắt có phúc lớn.
– Cái quan trọng là cái bùa yểm trên đất của bà nội làm bố suy nghĩ rất nhiều.
Thằng Thế Anh đáp: có người yểm ắt có người giải. Con nghĩ bố cứ thoải mái đi cho khoẻ. Chẳng phải bố nói thầy Mão rất cao tay hay sao? Vậy con tin chắc chắn thầy giúp được gia đình mình. Mà con nghe cái chuyện yểm bùa nó vô lý thế nào ấy. Tại sao đất nhà bà bị yểm mà bao lâu nay không xảy ra chuyện gì?
– Bố đang nghĩ là gần đây mới bị yểm chứ yểm lâu rồi thì chắc chắn bà đã nói chuyện cho mọi người nghe. Thời bố còn ở nhà cũng không xảy ra chuyện gì kì lạ hết.
Câu chuyện của hai bố con bác Khôi tạm ngưng khi bác nhận được điện thoại của bác Phụng: chú tranh thủ về mẹ ngay đi. Thầy báo sẽ sang nhà xem đất tối nay.
– Sao thầy sang giờ này? Ban đêm thì xem cái gì hả anh?
– Chú cứ sang đi, thầy có cái lý của thầy. Chúng ta cứ làm theo là được. Thầy dặn rồi chú không nhớ sao?
Bác Khôi và thằng Thế Anh thu xếp lấy xe sang nhà bà Lân ngay sau đó. Hai người sang tới nơi thì thầy cũng tới cửa. Hôm nay thầy mặc bộ quần áo giống như đạo sỹ nhưng màu đen từ đầu tới chân. Thầy xách theo một chiếc túi nâu giống túi mấy thầy chùa hay cầm. Cả nhà bà Lân vui mừng tay bắt mặt mừng ra đón thầy. Thầy nhìn quanh một lượt hết cả khu đất rồi đi thẳng vào nhà. Mọi người cũng nhanh chân đi theo sau thầy. Thầy nhìn thẳng lên ban thờ rồi hỏi: ban thờ này trước đây ai bốc vậy? Sao lại gửi bát hương lên miếu?
Tất thảy ngơ ngác nhìn nhau chưa hiểu thầy nói gì. Thầy quay lại nhìn từng người có mặt rồi chỉ thẳng vào cô Thoan: cô, lần trước bát hương này bị bốc hoả là cô đã bốc lại cốt sao? Bát hương này có cô đồng bốc từ trước thì phải nhờ thầy về cúng bốc lại cốt chứ cô tự ý bốc cốt phạm rồi. Con gái đi lấy chồng là con người ta sao lại bốc cốt bát hương gia tiên bên ngoại được? Thảo nào vong linh gia tiên vất vưởng theo hai anh kia sang nhà tôi không chịu về nhà.
Cô Thoan rối rít: dạ con không biết thầy ạ! Bát hương bốc cháy nên con mang đi đổ rồi bốc cốt khác. Con không nghĩ lại phạm tới gia tiên. Con xin sám hối ạ!
Thầy gật gù: ban thờ bởi vậy mới bốc cháy. Cái này là các cụ phạt. Giờ các cụ đang giận dữ lắm. Ta đã cố sức muốn khuyên can rồi hỏi thăm chuyện ma quỷ quấy nhiễu nhưng họ không đáp lời.
Bác Gái lên tiếng: chúng con người trần mắt thịt không hiểu lễ nghĩa, tuy nhiên chúng con có nhờ thầy về làm lễ thay ban thờ mới rồi ạ! Thầy làm ơn xem giúp chúng con còn phạm điều gì không?
Thầy đáp: người làm lễ này có tâm đấy nhưng tài không đủ. Bộ cốt thất bảo bị lửa làm cho nhiễm bẩn mà thầy không phát hiện ra và xử lý ngay.
Bác Phụng vui mừng: may mà chúng tôi gặp được thầy. Vậy chúng tôi nhờ thầy giúp đỡ bốc và trấn lại bát hương gia tiên.
Thầy gật gù: bốc bát hương gia tiên không đơn giản là việc bốc tro bỏ vào bát hương là được. Ta sẽ hướng dẫn cách cho gia chủ tự bốc bát hương gia tiên.
Bác Khôi: chúng tôi nhờ thầy giúp bốc bát hương được không ạ?
Thầy đáp: tự gia chủ bốc và khai quang bát hương gia tiên thì sẽ linh ứng và tốt hơn. Thông thường khi bốc bát hương bỏ bộ cốt thất bảo vào rồi thành tâm nắm từng nắm tro thả vào bát hương. Tốt nhất là bốc theo vòng: “sinh- lão- bệnh- tử”. Nắm cuối cùng thả vào bát hương phải nhằm chữ sinh. Tuyệt đối không lấy tay ấn cốt. Muốn cốt chặt thì lắc nhẹ bát hương cho cốt tự dồn lại chứ tuyệt nhiên cấm kị lấy tay nèn cốt xuống.
Thầy ngưng lại rồi quay ra hỏi cô Thoan: ta nói sơ qua như vậy cô thấy đã phạm những gì chưa?
Cả nhà bấy giờ gật đầu tấm tắc khen thầy tài, chuyện bát hương rất nhỏ mà thầy lại có thể nói ra tường tận như thế. Cô Thoan bấY giờ toát cả mồ hôi khẽ đáp: thưa thầy, tại con không nắm rõ việc này nên cứ bê nguyên túi cốt đổ vào bát hương rồi lấy tay nén xuống cho chặt cốt để cắm hương đỡ đổ ạ!
Thầy mỉm cười đáp: bốc bát hương hay thay cốt bát hương cực kì đơn giản, ai cũng làm được nhưng làm đúng và đủ thì chưa phải ai cũng làm được, bởi vậy mới có động bát hương, mới phải mời đến thầy trấn lại bát hương. Bát hương rất quan trọng, nếu làm không đúng coi chừng gây hoạ. Không ít nhà đã mất tiền của thậm chí mất cả người do phạm bát hương thờ cúng. Ta nói đơn giản như vậy cho mọi người hiểu.
Thầy nhìn sang bên bàn thờ của bà Lân khẽ chau mày. Ánh mắt thầy dừng lại thật lâu bên khung ảnh. Thầy hỏi lại: chính xác bà cụ mất như thế nào? Tôi muốn biết giờ và phút chính xác bà cụ đi. Ai là người nắm rõ nhất thì kể lại tường tận cho tôi.
Cô Yên bấy giờ lên tiếng: là chúng tôi thầy ạ!
Thầy quay lại phía cô Yên đang đứng bỗng rùng mình liên hồi. Thầy đưa tay vào túi vải rút ra một chiếc khăn màu đỏ tươi và hỏi: cô thấy cái gì đây không?
Mọi người ai nấy ngạc nhiên hết nhìn sang thầy rồi lại nhìn về phía cô Yên. Thầy gắt: nói!