.
Thông báo cho người nhà cô Lan xong bác Phụng cũng vội vã trở về nhà. Thầy pháp bấm giờ rồi yêu cầu gia đình cũng làm lễ an táng cho cô Lan trong thời gian sớm nhất tránh xảy ra những chuyện đáng tiếc.
Bác phụng chạy thẳng về nhà bà Lân tới đầu ngõ đã nghe tiếng khóc lóc thương tâm. Con Ngọc như người mất hồn ngồi bệt trong góc nhà. Thằng Tùng thấy bác Phụng về vội vã chạy tới: cô Lan bị điện giật cháy xém cả người rồi bác ơi!
Bác nhắm chặt đôi mi lại ngăn cho dòng nước mắt thương tâm không trào ra ngoài. Giọng bác nghẹn ngào: cô Lan mất phạm giờ trùng rồi, thầy pháp dặn dò chúng ta không nên gào khóc thương tâm quá! Mọi người hãy nén đau thương lại, nỗi đau hãy giữ trong lòng.
Vợ chồng chú Dũng cô Yến bấy giờ cũng về tới nơi. Chú Dũng lên tiếng hỏi lớn: có chuyện gì vậy? Rốt cuộc là xảy ra chuyện gì?
Cô Thoan gạt nước mắt nghẹn ngào đáp: con Ngọc bị điện giật, đúng lúc dì Lan vào bếp liền kéo con bé ra cứu được con Ngọc nhưng luấn quấn thế nào lại bị điện giật chết cháy trong bếp. Ối trời ơi! Sao lại khổ thế này hả trời ơi là trời?
Bác Phụng như muốn quỵ người xuống sân. Bác nhìn về góc nhà thấy con Ngọc đang sợ hãi tới run lẩy bẩy. Gương mặt nó tái xanh vì sợ. Cô Yên lao vào ôm lấy nó vỗ về: con sao rồi? Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi.
Con Ngọc càng sợ hơn, người nó run lên từng cơn. Cái đầu nó chỉ biết lắc liên tục. Miệng nó lẩm bẩm: không….không…cháy…chết người…không đâu….không….
Nó vội đứng dậy lao vụt ra ngoài thì bị bác Phụng bắt lấy. Bác quát: con bình tĩnh đi.
Con Ngọc giương đôi mắt lờ đờ nhìn bác Phụng lắc đầu nguầy nguậy: không đâu….chết rồi! Chết rồi!
Nó bỗng cười lên rồi lại khóc.
Chú Dũng lên tiếng: con bé bị sốc quá, anh đưa con bé nghỉ ngơi đi. Cần thiết cho nó nằm viện bác sỹ tiêm cho mũi an thần chứ không em sợ nó điên mất. Nó đang bị đả kích lớn quá!
Quả thật con Ngọc như hoá điên. Nó bắt đầu lảm nhảm những câu vô nghĩa. Có lúc nó trợn mắt lên, lúc thì lại cười, lúc thì khóc. Bác Phụng phải gọi điện nhờ bác Linh đưa con Ngọc đi viện và chăm sóc thay bố mẹ. Rốt cuộc nhà bác Phụng chỉ còn một mình bác lo toan chuyện cho cô Lan vì bác Gái phải ở bệnh viện với thằng Hoàn. Con Ngọc cũng sốc tâm lý mà điên dại phải nhập viện.
Gia đình bác Phương cùng hai con trai cũng có mặt ngay sau đó. Tất thảy đều ngạc nhiên tới độ không tin nổi vào tai mình khi nghe thông báo chuyện cô Lan bị điện giật cháy xém cả người.
Chú Dũng lo lắng: rốt cuộc thì chuyện này là thế nào vậy anh? Tại sao đi xem thầy nói đã trấn vong bác Khôi yên ổn rồi mà chị Lan vẫn chết cháy?
Bác Phụng thở dài: chuyện này quả thực càng ngày càng đi quá xa mất rồi. Sáng nay tôi tới gặp thầy Mão. Thầy nói nhà ta lại gặp đại hoạ, người chết là phụ nữ. Lúc ấy tôi lo lắng quá mới điện thoại cho mọi người yêu cầu phải cẩn thận tránh tới mức tối đa việc tiếp xúc với lửa. Thật không ngờ, điện cũng thiêu cháy cô Lan như vậy.
– Vậy nghĩa là sao? Thầy nó soi được nguyên nhân hay không?
– Không! Thầy đang xem thì bị che mắt. Thầy chỉ nói tôi mau chóng tìm thầy tới giúp đỡ. Bản thân thầy không giúp gì được chúng ta.
Chú Dũng lo lắng: rốt cuộc là cuối cùng chúng ta đã gặp phải chuyện gì? Em càng ngày càng thấy sợ.
– là Trùng lửa! Thầy pháp nói chắc chắn do Trùng Lửa gây ra. Thầy nghiên cứu cả trong sách cổ và khẳng định như vậy. Anh mới ở nhà thầy về tới đây.
– Vậy giờ chúng ta phải làm thế nào?
– Thầy pháp nói cô Lan lại mất trúng giờ trùng rồi. Tất cả những ai hợp tuổi Dần- Ngọ- Tuất phải lập tức tránh đi phòng chuyện xấu.
– Tránh thế nào? Anh Thắng và hai đứa con chị ấy vừa báo sẽ bay chuyến sớm nhất về Việt Nam rồi. Nếu họ về tới đây cũng phải tận tối ngày mai. Vậy lễ khâm liệm và an táng sẽ phải chậm lại.
– chúng ta chỉ còn cách chờ bên nội nhà cô ấy về tới rồi quyết định chứ con gái đi lấy chồng là người nhà họ rồi.
– Kì lạ! Tại sao chị Lan đi lấy chồng mà vẫn bị trùng bắt?
– Có lẽ cô ấy đi thay con Ngọc nhà tôi. Đau quá chú ạ! Chúng ta cứ càng ngày không biết chính xác đã xảy ra chuyện gì. Ngay cả đến thầy còn không dám chắc.
Chú Dũng thở dài: em lo quá! Anh Thắng không tin vào mấy chuyện này cho lắm. Giờ liệu anh ấy có đồng ý làm theo chúng ta hay không?
Quả thực đây cũng là điều làm bác Phụng lo lắng. Gia đình chú Thắng sống bên nước ngoài nhiều năm, họ cũng không tín về vấn đề tâm linh. Thường ở bên ấy nếu người mất đi họ sẽ hoả táng rồi đưa tro cốt thả trôi sông, cho cát bụi lại về với cát bụi.
Bác Phụng lặng im không đáp. Trong đầu bác đang rối bời bởi có quá nhiều chuyện để lo. Bác hít một hơi thật sâu rồi đáp: có lẽ chú Thắng sẽ làm theo ý của chú ấy. Tôi cần gặp thầy pháp gấp nhờ thầy làm phép trấn trùng cho vong hồn cô Lan ngay. Trước tiên chúng ta chỉ có đặt ra các giải pháp và hướng giải quyết. Nếu chú Thắng chịu theo chúng ta thì là tốt nhất, bằng không ta có phương án khác thay thế. Tuy nhiên tôi dám chắc chú ấy sẽ yêu cầu hoả táng.
Bác Phụng nhớ lời thầy dặn việc bàn bạc tâm linh không được nói trong nhà có người đã khuất nên vội vàng ra ngoài liên lạc với thầy pháp nói chuyện cụ thể sự việc. Thầy nói: hoả táng cũng được nhưng khi khâm liệm buộc phải trấn trùng thật chặt chẽ. Nếu như chồng con cô ấy quyết định hoả táng thì tro cốt ngay lập tức mang lên chùa gửi các sư thầy. Nhờ một người họ hàng mang di ảnh của người đã khuất dẫn vong lên chùa gửi gắm nhờ các sư thầy niệm kinh tụng phật cho vong sớm ngày siêu thoát. Trước mắt chúng ta chỉ có cách đó là tối ưu nhất.
Sự việc đúng như dự đoán của bác Phụng, gia đình chú Thắng yêu cầu hoả táng và rắc tro cốt trôi sông cho mát mẻ. Bác Phụng có đưa ra hướng giải quyết khác để trấn trùng nhưng gia đình bên nội chú nhất mực không nghe theo. Với họ trùng tang chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên và nó là do sự đồn thổi của mọi người mới trở lên đáng sợ.
Gia đình bác Phụng, chú Dũng phải hết lời khuyên giải nhưng họ chỉ đồng ý cho làm thủ tục trấn trùng khi khâm liệm. Ngay sau đó chọn giờ đưa thi hài cô Lan đưa đi hoả táng.
Thầy pháp được mời tới làm lễ giúp cho cô Lan. Cũng giống như lần trước thầy đều dán 6 lá linh phù vào trong chiếc quan tài. khác với đám tang bác Khôi, lần này thầy tìm một bộ bài tổ tôm bỏ mấy con bát sách đi rồi rải đều vào bốn góc chiếc quan tài trong lúc khâm liệm để trấn trùng. Lúc nhập quan thầy yêu cầu mọi người nhấc chiếc quan tài 3 lần liên tiếp rồi mới hạ xuống. Khi đóng lắp quan tài mọi người cũng phải tiến hành động quan ba lần liên tục như vậy.
Đám tang của cô Lan diễn ra nhanh chóng, quan khách thăm viếng cũng ít chứ không đông như đám tang bà Lân và bác Khôi.
Ngày hôm sau nữa, chiếc xe tang đưa đoàn người tới nhà hoả táng. Tất cả những người thân quen hợp tuổi Dần- Ngọ Tuất đều phải tránh mặt lúc khâm
Liệm và hoả táng.
Sau khi thủ tục hoàn tất gia đình làm lễ rước vong lên chùa. Trước đó thầy pháp dặn dò bác Phụng lên chùa xin nước thờ phật trên bàn thờ tam bảo rưới xung quanh nhà tránh vong lại trốn về nhà quấy phá.
Sau khi đưa di ảnh của người quá cố lên chùa gia đình chú Thắng được phát lá bùa đeo giữ trong suốt ba năm. Bùa này có một mặt là chữ Nho, một mặt là hình Phật Bà Quan Âm. Các sư thầy dặn dò các thành viên trong nhà phải luôn luôn mang theo lá bùa bên mình và hạn chế gọi tên hay nói chuyện với người nhà về người đã khuất tránh vong cô Lan nhớ nhà mà quay về. Thầy dặn dò gia đình tuyệt đối không thờ cúng hương đăng cho cô Lan trong 3 năm bởi chỉ cần đốt hương lập tức vong sẽ thoát được ra trở về. Vong bị trấn trùng mà thoát về nhà sẽ càng khó trị và bắt người liên tục khó kiểm soát.
Sau khi lo đám tang cho cô Lan xong gia đình chú Thắng ngay lập tức quay về nhà bởi nhà ngoại là nơi mất mát và quá đau thương. Chú nói không muốn ở lại để chịu thêm đau thương lần nữa.
Chuyện đau thương của cô Lan đã qua đi nhưng nỗi đau để cho người ở lại. Người tổn thương nhất lại chính là Ngọc. Nó đã hoàn toàn phát điên thực sự. Mấy ngày đầu nó còn tỉnh táo và tự trách bản thân vì không chịu nghe lời bác Phụng. Nó từng nói với bố rằng: giá như con không về bà, giá như con không vào bếp, giá như con không làm rơi chiếc kéo thì sẽ không bị điện giật. Giá như con không làm gì cả thì cô Lan không chết oan uổng như thế.
Bác Phụng chỉ biết an ủi nó: số trời định, con đừng tự trách mình. Mọi chuyện đã qua rồi, con hãy bình tĩnh lại. Không ai trách con hết, có trách thì chỉ trách ông trời không có mắt khiến người tốt lại mất sớm như vậy.
Bác chỉ biết khuyên can và động viên nó như thế nhưng thực tâm bác lại rất sợ. Bởi lẽ nếu hôm ấy cô Lan không chết thì người chết chắc chắn là con Ngọc. Dù ai chết, em gái hay con gái bác đều đau đớn như nhau.
Con Ngọc về nhà được vài ngày nhưng nó luôn trong trạng thái hoảng loạn, nhất là về ban đêm. Nó hay gào thét lên giữa đêm và sợ hãi ném tung mọi đồ đạc trong nhà ra cửa. Có hôm mẹ nó cũng phát điên theo nó. Sáng ra nó lại nói cười bình thường và dường như mọi chuyện xảy ra khi nó điên loạn ban đêm nó hoàn toàn không lưu lại một chút nào trong đầu.
Nhiều lúc bác Gái cứ đinh ninh ban đêm nó bị ma nhập bởi lẽ lời nói và hành động không phải là của nó. Mỗi lần nó nổi loạn nó hay nghiến răng kèn kẹt tựa như bà Lân đã làm khi xưa. Bác Gái bàn bạc với bác Phụng đưa nó sang phủ bên nhà bác Linh cúng trừ ma. Bác Phụng đáp: con bé chỉ là sang chấn tinh thần nên khi ngủ nhiều khi nó gặp ác mộng hoặc mông du nên nói và làm gì sáng hôm sau nó lại quên sạch. Bác sỹ đã nói rõ như vậy rồi mình còn muốn gì nữa?
Bác Gái tuy tận tai nghe bác sỹ giải thích nhưng vẫn không tin tưởng nên nhờ bácLinh làm cho chiếc bùa trừ ma. Mặc dù bác Linh khẳng định rằng con Ngọc không phải giống người bị ma quỷ ám nhưng bác không nghe. Bác nhất định đòi làm bằng được chiếc bùa cho con Ngọc. Bác Gái bí mật bỏ chiếc bùa ấy vào trong ruột gối cho con Ngọc nhưng sự việc vẫn không tiến triển lên là mấy. Nó có vẻ ngủ ngon giấc hơn đôi chút nhưng ban đêm nó vẫn tỉnh dậy rồi gào thét lên như vậy.
Bảy ngày kể từ khi bỏ chiếc bùa trấn ma trong gối, con Ngọc bỗng dưng như người mất hồn. Nó cứ luôn miệng lải nhải nhắc tới người chết. Nó nhầm lẫn hết cả người sống với người chết. Thậm chí nó luôn miệng nhắc tới bà nội. Mẹ nó nghe thấy vậy mà càng lo sợ thêm.
Đêm hôm ấy, cả nhà đang ngủ ngon giấc thì tiếng con Ngọc hét lên thất thanh. Bác Phụng vội vã chạy sang phòng nó. Nó khoá trái cửa nên bác không tài nào mở cửa phòng được. Bác gọi to: Ngọc, con có chuyện gì vậy? Tại sao lại hét lên!
Bên trong tiếng con Ngọc không ngừng la hét: cứu! Cứu con! Mau tránh ra đi! Cứu con!
Bác Gái giục: mình phá cửa, nhanh lên!
Bác Phụng dùng hết sức đạp lên cánh cửa phòng mà dường như vô ích bởi chiếc cửa gỗ chắc chắn trơ lì ra không chịu nhúc nhích. Bác đẩy liên tục mấy lần đều vô dụng. Tiếng con Ngọc kêu gào thảm thiết tựa hồ như nó đang cực kì đau đớn và hoảng loạn.
Bác Gái trách móc: tự nhiên làm cửa chắc chắn làm gì không biết. Anh mau lấy búa đập cửa ra đi.
Khó khăn lắm chiếc cửa phòng mới được phá. Hai bác đều hoang mang khi thấy con Ngọc đang nằm sấp dưới đất, xung quanh đồ đạc đổ liểng xiểng. Chiếc giường của nó chất cả đống quần áo và giấy đang bốc cháy. Tay con Ngọc vẫn dang cầm chiếc bật lửa. Một tay nó vươn về hướng hai bác đầy bất lực: cứu… con….! Cháy!
Nó cố vươn cánh tay về phía cửa rồi bất tỉnh ngay sau đó.
Bác Phụng vội vã xịt bình chữa cháy dập tắt ngọn lửa đang bùng lên trên giường.
Bác Gái đỡ con Ngọc dậy. Ngọn lửa nhanh chóng được dập tắt, Bác Phụng lấy xe đưa con Ngọc đi cấp cứu.
Sáng hôm sau nó tỉnh dậy nhưng hoàn toàn như một người khác! Thậm chí nó còn không nhớ nổi tên của mình. Nó cũng không nhận ra bố mẹ và những người thân khác. Ánh mắt nó vô hồn nhìn mọi người rồi nhoẻn miệng cười khiến mọi người tất thảy ngơ ngác nhìn nhau.
Bác sỹ tới kiểm tra cho nó và kết luận nó bị sốc và mắc chứng mất trí nhớ tạm thời. Bác sỹ nói thông thường những người trải qua đả kích cực lớn hoặc sang chấn tinh thần quá mạnh sẽ rơi vào trạng thái mất trí nhớ tạm thời như vậy.
Hai vợ chồng bác Phụng đưa mắt nhìn nhau lo lắng. Bác Gái đau đớn không cầm được lòng mà bật khóc. Con Ngọc thấy vậy ôm lấy đầu đau đớn kêu lên: đau…đau lắm! Tránh đi! Mau tránh đi!
Nó cứ lặp lại liên tục như vậy rồi tìm cách đập đầu vào cạnh giường nhưng may mắn được bác sỹ đỡ kịp thời. Bác sỹ phải tiêm cho nó một mũi an thần và chỉ định cho điện não đồ và chụp CT kiểm tra. Kết quả trả lại nó hoàn toàn bình thường nhưng hành động và lời nói của nó khiến ai nấy đều sợ hãi. Đặc biệt là ánh mắt lúc như kẻ vô hồn, lúc lại sầm lại rồi trợn ngược lên một cách hung dữ.
Thằng Xuân đi cùng bác Phương tới thăm nó bên bệnh viện. Nó vừa nhìn thấy thằng Xuân tới cửa bỗng ngồi bật dậy lao tới đưa hai tay giữ lấy vai thằng Xuân nhìn chằm chằm vào mắt thằng Xuân rồi bật cười khanh khách. Giọng cười của nó làm bác Phương nổi da gà. Bác kéo tay bác Gái hỏi han tình hình: con Ngọc sao vậy chị? Nó quả thực không bình thường chút nào cả.
Bác Gái thở dài đáp: từ lúc tỉnh dậy tới giờ nó ngây ngây dại dại như thế. Lúc nào nó cười thì cười như điên dại. Lúc nào nó khóc thì gào tên tất cả những người đã mất trong gia đình.
– Em xin lỗi chị nhưng chị có từng nghĩ tới việc con bé bị sốc quá tới phát điên hay không?
– mọi ngày nó vẫn bình thường, chỉ ban đêm nó mới gào thét và không làm chủ được hành động thôi. Sau đêm qua nó biến thành người khác rồi. Nó chỉ nhớ tên những người đã mất thôi thím ạ!
– Thật kì lạ!
Phía bên giường bệnh con Ngọc lại bật cười. Nó đưa cái tay giơ lên trên đầu thằng Xuân rồi nói: Xuân này, cậu có biết tại sao bà nội đặt tên cậu là Xuân không?
Con Ngọc ấy vậy mà nhớ tên thằng Xuân làm mọi người đều ngạc nhiên.
Nó ngưng một lúc rồi nói: tại cậu sinh mua mùa Xuân, nhưng mà cậu xong rồi, sẽ không chờ tới mùa xuân được nữa đâu.
Bác Gái lên tiếng: Ngọc, con nói gì vậy?
Nó giơ cái tay hươ hươ lên đầu thằng Xuân và nhếch môi cười. Nụ cười của nó khiến thằng Xuân lạnh dọc sống lưng. Con Ngọc thổi nhẹ về phía thằng Xuân rồi đáp: bùm! Lửa lại cháy!