Bác Phụng mong ngóng từng giờ cho trời sáng thì bất ngờ nhận được điện thoại của thầy pháp. Đồng hồ lúc ấy chỉ 4h sáng. Thầy nói giọng gấp gáp: tôi có chuyện muốn báo cho anh biết. Hiện tại gia đình anh đang gặp nguy hiểm. Anh phải nhanh chóng báo cho cả nhà biết chuyện này ngay.
– Thầy ơi! Tôi cũng vừa được một người về báo tin. Người ta nói tôi tới nhờ thầy giúp đỡ.
– Là một đứa bé gái đúng không?
– Vâng! Tôi không nhìn thấy nhưng giọng nói là của trẻ con thầy ạ!
– Vậy anh nhanh chóng báo cho cả đại gia đình trong ba ngày này tránh hạn chế ra ngoài kẻo xảy ra chuyện không hay. Hiện tại đứa bé nói nếu có việc đột xuất phải ra ngoài thì nhớ niệm nam mô a di đà phật 9 lần rồi hãy ra ngoài. Khi đi phải đi một mạch, không được đứng lại hay ngoái lại. Nhất định phải đi vào giờ kém, không đi giờ tròn và giờ hơn. Nếu như có chuyện quay về thì phải ở lại nhà không nên ra ngoài tiếp.
Bác Phụng đáp: vậy giờ tôi sẽ báo cho tất cả mọi người biết ngay.
– Được rồi! Anh nhớ ở yên trong nhà. Tôi sẽ qua nhà gặp anh nói chuyện cho tiện.
Bác Phụng lập tức điện thoại báo cho bác Phương nghe chuyện và yêu cầu ba mẹ con bác Phương không nên ra ngoài tránh gặp rủi ro. Bác Phương hốt hoảng: hai anh em Tuấn Anh đã ra khỏi nhà rồi.
– Tụi nó đi đâu? Sao lại ra khỏi nhà giờ này?
– Anh em nó nói đi sân bay đón bạn. Có chuyện gì không bác? Để em điện thoại cho cháu về.
– Tụi nó đi lúc mấy giờ?
– Hai cháu vừa mới đi được 10 phút.
– Chết thật! Thầy pháp vừa điện thoại báo cho tôi biết rằng trong 3 ngày này phải hạn chế ra ngoài. Nếu có việc đột xuất thì phải đi giờ kém chứ không được đi giờ tròn và giờ hơn.
Bác Phương cũng sợ hãi lập tức điện thoại báo cho các con biết lời dặn của bác Phụng. Thằng Thế Anh lái xe nên Xuân bắt máy. Nó nghe mẹ nhắc nhở chuyện phải hết sức cẩn thận và nhanh chóng trở về nhà. Nó đáp: tụi con đang trên đường chạy ra sân bay rồi, mẹ yên tâm, hai anh em con sẽ hết sức cẩn thận. Mẹ ở nhà cũng cẩn thận nhé! Đừng lo lắng quá!
Bác Phụng điện thoại báo cho chú Dũng biết chuyện. Chú Dũng nghe tin thì ngạc nhiên hơn cả. Chú thắc mắc: tại sao nhà ta lại có thêm một đứa bé gái nữa vậy? Từ trước đến giờ anh em mình chưa hề nghe mẹ nhắc tới chuyện chúng ta có chị hay em. Hơn nữa sau khi sinh em bố cũng qua đời thì chắc chắn sẽ không thể có em được nữa.
Bác Phụng nghĩ ngẫm rồi đáp: chỉ có thể là bố có con riêng bên ngoài. Ngày mẹ bầu chú tôi cũng 8 tuổi rồi. Đã có lần tôi thấy mẹ và bố cãi nhau. Mẹ giận nên bỏ nhà đi mấy tháng liền. Tuy nhiên sau khi mẹ đưa chú về nhà thì một thời gian sau bố cũng qua đời. Mẹ cũng chưa khi nào nhắc đến chuyện ấy nữa. Chuyện qua cũng mấy chục năm nay rồi. Bố mẹ cũng đều mất cả nên chúng ta không thể biết được chính xác chuyện gì đã xảy ra năm ấy.
Chú Dũng suy nghĩ một hồi rồi đáp: Cũng có thể như vậy. Em có chuyện này muốn cho anh biết.
– Chuyện gì? Chú nói đi
– Chuyện liên quan đến đứa bé ấy! Có khi bố có con riêng thật. Có người biết chuyện ấy. Người đó đã bóng gió nói với em mấy lần rồi. Đó cũng có thể là người đứng đằng sau dàn dựng chuyện tống tiền em suốt thời gian qua.
– Tống tiền chú sao? Mọi chuyện là thế nào? Chú mau nói cho tôi nghe xem. Tại sao người ta lại tống tiền chú? Tôi tưởng lần trước chú nói là chuyện làm ăn ở công ty?
– Được rồi! Em đang cho người tìm kiếm . Khi nào biết chính xác em sẽ cho anh biết sự thật.
– Có chuyện gì chú phải lập tức thông báo cho tôi biết ngay. Giờ nhà mình đang vận tang trắng, chú thận trọng một chút. Mà sao người ta lại muốn tống tiền chú?
– Có chuyện bí mật, em đã điều tra rồi. Cái này nói một hai câu không thể hết mọi chuyện được. Tìm được kẻ đó em sẽ lập tức nói cho anh rõ ràng mọi chuyện.
– Được rồi! Chú cũng phải cẩn thận đấy. Chú nhớ nhắc thím Yên và thằng Tùng ở trong nhà đừng ra ngoài trong 3 ngày kẻo gặp nguy hiểm.
– Hiện tại bác Gái và hai đứa con anh đang ở viện thì anh tính sao?
– Lát nữa thầy pháp qua nhà anh nói chuyện cụ thể. Thầy nói ba ngày này không ra ngoài, ba mẹ con họ ra ngoài từ trước chắc sẽ không phạm giờ như lời đứa bé dặn dò.
Bác Phụng tắt điện thoại thì chú Dũng lập tức lại mở máy điện thoại cho ai đó. Chú nói giọng ra lệnh: mày tìm bằng được người đứng sau con ranh đó cho tao ngay. Tao cần gặp người đó gấp. Trong ba ngày chúng mày có lục tung cả huyện cả tỉnh cũng phải lôi cho được kẻ nào đứng sau ra cho tao.
-……….
Chú nghe đầu bên kia giải thích một hồi tức giận quát to: tao nuôi chúng mày làm bù nhìn sao? Bắt con ranh ấy lại mà tra. Nhất định phải tìm được người đứng sau nó. Nếu cần thiết gài cho người nhà nó vào bẫy mà tra cho dễ. Báo cho bên công an vào cuộc ngay đi. Tao không tin nó giương mắt nhìn người nhà nó gặp nạn mà không giúp.
-……
– Chúng mày nghĩ một con bé đáng tuổi con tao mà dám tống tiền tao hay sao? Tao muốn tìm ra kẻ đứng sau nó. Nếu nó không khai thì uy hiếp người nhà nó sẽ phải khai ra. Cần thiết thì cứ dí dao kề cổ ép nó phải nói. Còn chuyện con Nga thì không cần lo. Tao tự có cách giải quyết cho ổn thoả.
Thằng Tùng đứng ngay ở cửa, nó nghe được toàn bộ câu chuyện của bố nó. Nó không lên tiếng chỉ mau chóng quay về phòng. Cố Yên thấy con trai lầm lũi bước đi bèn tới hỏi: sao mới sáng ra mặt mũi con đã buồn như mất sổ gạo thế?
Nó hỏi mẹ nó: nếu ngày xưa mẹ bị ông bà cấm cản không cho phép lấy bố thì mẹ sẽ làm thế nào?
Mẹ nó đáp: mẹ sẽ thuyết phục ông bà đồng ý. Tại sao con lại hỏi chuyện đó? Không phải con đã có bạn gái đấy chứ? Con bé nhà ở đâu? Bao nhiêu tuổi rồi?
Thằng Tùng không đáp lại câu hỏi của mẹ mà trả lời tránh sang chuyện khác: bố có nhiều bí mật quá mẹ nhỉ?
– Bố con thì làm gì có bí mật gì? Mà nếu có cũng là muốn chúng ta không phải đau đầu bận tâm mà thôi.
Nó khẽ nhếch môi cười không nói gì rồi bỏ đi thẳng vào phòng. Cô Yên thấy vậy bèn hỏi: thằng này, tự nhiên sao nói chuyện lạ lùng vậy? Mà con còn chưa trả lời câu hỏi của mẹ mà, bạn gái con là ai? Hôm nào con dẫn nó về nhà chơi với mẹ nhé.
Thằng Tùng là đứa con trai duy nhất của cô Yên và chú Dũng. Hai cô chú cưng nó như cưng trứng nên mọi chuyện của nó cô chú luôn quản lý rất chặt chẽ. Nó dường như hiểu rất rõ điều ấy nên luôn tỏ ra ngoan ngoãn. Nó luôn nghe lời bố mẹ và làm theo mọi sắp xếp của bố mẹ mà không một lần thắc mắc hay phản đối.
Nó vào phòng nằm trên chiếc giường nhìn thẳng lên trần nhà mà nghĩ ngẫm lại những câu bố nó vừa mới nói. Nó tự nhủ: chuyện của Nga rốt cuộc là thế nào? Không lẽ bố đã ra tay với cô ấy hay sao? Chẳng phải cô ấy đã lấy chồng và có con rồi sao?
Nó ngồi bật dậy cầm chiếc điện thoại và gọi cho bạn bè hỏi lại chuyện của 6 năm về trước nhưng không ai biết rõ. Nó suy nghĩ hồi lâu rồi quyết tâm rời khỏi nhà tìm hiểu sự thật.
Chú Dũng thấy nó thay đồ bèn gọi: con tạm thời ở nhà ba ngày cho bố. Trong 3 ngày này tuyệt đối không ra khỏi nhà.
Nó nhíu mày: tại sao con lại không được ra khỏi nhà ạ?
– Bác Phụng báo nhà ta có thể gặp chuyện không may trong 3 ngày nên tốt nhất chúng ta không rời khỏi nhà. Con có việc gì thì cố gắng đợi 3 ngày sau hãy giải quyết.
Nó liền quay vào nhà, khuôn mặt che giấu sự bất mãn đến cùng cực. Cánh cửa phòng đóng lại ánh mắt nó trở lên thâm trầm.
———-
Tại nhà bác Phụng, thầy pháp tới từ rất sớm. Thầy cầm theo một cuốn sách cũ kĩ và dầy cộp. Thầy mở tới trang sách đã rách nát được dán chằng chịt, nhăn nhúm chỉ vào mà nói: gọi điện cho cậu xong tôi đọc được cái này, có lẽ giúp ích được cho gia đình cậu.
Bác Phụng ngạc nhiên: là chuyện gì vậy thầy?
Thầy đáp: đứa bé đêm qua có nhắc tới một chuyện làm ta suy nghĩ rất nhiều. Hôm làm lễ trấn trùng cho anh Khôi tôi từng hỏi anh về thầy Mão. Anh có nói thầy Mão tới nhà anh giúp giải bùa đúng không? Tôi nghi có chuyện trong đó.
– Thầy phát hiện ra chuyện gì rồi đúng không?
Thầy chỉ tay vào trang sách: trong này có nhắc tới việc yểm bùa dùng mèo đen đây. Tuy nhiên người yểm phải là chủ gia đình mới được. Chẳng hay bố anh hay mẹ anh đã yểm bùa này? Anh có biết hay không?
Bác Phụng lắc đầu: quả thực tôi không hề biết gì về chuyện này cả.
Thầy gật đầu: có lẽ chiếc quan tài của mẹ anh biết. Đáng tiếc nó lại bị thiêu rụi mất rồi.
– Ý thầy là sao?
– Tôi nghi ngờ mẹ anh đã là người yểm bùa. Loại bùa này nếu không cao tay ắt sẽ bị bùa quật lại. Mẹ anh đã giữ kín bí mật ấy bao nhiêu năm và ta đoán không nhầm thì cái giấy mà mẹ anh dặn em gái anh bỏ vào quan tài cũng là một loại bùa yểm. Không hiểu sao tôi có linh cảm cực xấu về chuyện đó.
– Là mẹ tôi tự yểm bùa vào quan tài của mình sao?
– Chắc chắn có người giúp đỡ bà ấy. Người này cũng là thầy cao tay.
– Tại sao mẹ tôi phải yểm bùa trong nhà mình rồi lại yểm bùa chính mình khi chết chứ? Chuyện này có chút không hợp lý.
– Liệu có liên quan tới đứa bé kia không? Tại sao nhà cậu có một người em gái nhưng bà Lân lại chưa khi nào nhắc tới? Kể cả nếu bà ấy có sa sẩy một đốt nào thì cũng phải một lần nhắc tới chứ? Ta đoán bố cậu có con riêng bên ngoài. Ta cũng không ngờ đứa bé ấy lại là quý nhân của gia đình cậu lúc này.
Bác Phụng trầm ngâm một hồi rồi đáp: chẳng giấu gì thầy, tôi cũng nghi ngờ bố tôi có con riêng bên ngoài. Năm tôi lên 7-8 tuổi cũng từng chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau về một người phụ nữ. Tôi láng máng nghe mẹ tôi gọi bà ấy là con quỷ cái. Còn chuyện bà ta có con với bố tôi hay không thì tôi không biết chính xác.
Thầy gật đầu: chúng ta có thể làm lễ gọi vong lên nói chuyện. Vong này chắc chắn là người nhà cậu rồi.
– Thầy Mão từng nói nhìn thấy hai chiếc quan tài trẻ con, phải chăng là nhắc tới đứa em này?
Thầy pháp đáp: rất có thể là như vậy. Nhưng yểm mèo là sao hả thầy? Trong sách có nói tới việc này hay không?
– Theo như ta tìm hiểu được thì đây là một cách để trấn vong. Nó giống như thể một loại bùa hộ vong, trấn áp vong không cho vong tác oai tác quái làm hại người khác.
– Nhưng sao mẹ tôi lại phải làm bùa trấn vong chứ? Không lẽ là do trên đất nhà tôi có vong ma làm hại gia đình nên bà làm vậy?
Bác Phụng nhớ tới chuyện cũ bất ngờ thốt lên: chẳng lẽ là mẹ tôi lại trấn áp vong của bố tôi sao? Tôi thấy mẹ tôi rất hay nói chuyện một mình như thể đang nói chuyện với bố vậy. Chẳng lẽ mẹ tôi vì quá thương nhớ bố tôi nên khi ông mất đi bà đã làm bùa đó giữ vong hồn ông bên cạnh mình?
– Không thể đâu! Loại này chắc là vong bị oan khuất nào đó. Cậu nhớ chuyện chiếc hộp trang sức chứ? Có ít nhất 1 vong trên đất nhà cậu và cái vong ấy cũng cố tình muốn tìm kiếm chiếc hộp. Mẹ cậu đã tính toán từ trước nên dặn dò em gái cậu rất kĩ lưỡng. Không phải tự nhiên bà ấy dặn bỏ tượng phật bà vào trong hộp được.
Bác Phụng nghe thầy phân tích bỗng tỉnh táo lên rất nhiều. Bác xâu chuỗi lại tất cả sự việc xảy ra từ trước tới giờ. Một chút hình ảnh bỗng loé lên trong tâm trí bác nhưng nó rất mơ hồ. Bác buột miệng: nhà tôi trước kia từng bị cháy. Ngày ấy tôi còn rất nhỏ. Tôi không nhớ chính xác sự việc là thế nào chỉ thấy lửa bốc lên rất lớn, mọi người thi nhau hô hoán dập lửa.
– Vụ đó có người bị chết hay không?
– Không có người chết thầy ạ! Tuy nhiên lợi dụng hoả hoạn gia đình tôi bị kẻ trộm lẻn vào lấy đi rất nhiều tiền bạc. Ngày ấy bố mẹ tôi tiếc của mà bệnh lâu lắm mới khỏi. Tôi chỉ nhớ có vậy thôi.
Thầy pháp đáp: nếu trận đó có người chết thì có lẽ do vong ma đó trú tại đất ấy mà tác quái. Chúng ta có thể tìm hiểu sự việc khi ấy để giải quyết. Bố anh ngày ấy bệnh rồi qua đời hay sao?
Bác Phụng đáp: không phải! Bố tôi khoẻ lại cũng đi buôn hàng xa cả tháng trời mới về. Lần ấy ông về là cãi nhau với mẹ tôi. Mẹ tôi bụng mang dạ chửa tức giận mà bỏ đi. Bà đi mấy tháng sau thì sinh chú Dũng mới trở về. Lúc bà ôm chú Dũng về vài ngày thì bố tôi đột ngột qua đời.
Thầy lặng yên nghe bác Phụng kể chuyện cũ. Khuôn mặt thầy tĩnh lặng không chút biểu cảm cảm xúc khác lạ cho đến khi bác Phụng nhắc đến sự việc ông Bộ đang khoẻ mạnh bỗng dưng nói lảm nhảm rồi đi ngủ và không bao giờ tỉnh lại.
Bác Phụng nhấn mạnh sự việc đêm ông bộ mất đi chú Dũng khóc ngằn ngặt không chịu nín. Người chú tím tái lại. Cả nhà phải lo tìm thầy cứu chú Dũng. Gần sáng chú ấy hồng hào trở lại thì bà Lân lại phát hiện ra ông Bộ đã trút hơi thở cuối cùng tự khi nào. Người ông lúc bấy giờ lạnh cứng, hai mắt trợn ngược lên vô cùng đáng sợ. Tất cả mọi người vuốt mắt cho ông đều không được cho tới khi mời thầy cúng tới làm lễ, bà Lân vuốt mắt ông mấy lần ông mới chịu nhắm mắt.