Ba chiếc taxi đỗ xịch trước cửa quán nhà bà Ót. Ở trong chiếc taxi đi đầu, vị tài xế tắt máy rồi quay lại nói với ba người khách ở trên xe:
“Chúng ta đến nơi rồi. Làng Ban Phú ở bên dưới con dốc này.”
Vừa nói anh ta vừa đưa tay chỉ vào con dốc ở phía bên kia đường. Ba vị khách trên xe nhìn theo hướng tay vị tài xế chỉ. Một người đàn bà dáng người to béo phốp pháp lắc đầu khẽ bĩu môi nói:
“Khiếp thật, làm gì mà chui tận vào trong xó này cũng sống được.”
Rồi mụ ta quay qua người đàn bà áng chừng hơn 60 tuổi, bận trên mình cái áo dài màu đen dài đến sát đầu gối của người tàu với dáng vẻ thành kính rồi nói:
“Thưa thầy chúng ta tới nơi rồi. Mời thầy xuống xe ạ.”
Mụ ta đẩy cửa chui ra trước nhường chỗ cho người phụ nữ kia bước xuống. Người đàn ông ngồi ở ghế trước cạnh tài xế cũng mở cửa xuống theo. Ông ta mặc một bộ comle màu đen rất lịch sự, áng chừng cũng đã ngoài 50 tuổi nhưng nét mặt hồng hào hây hây trông đã biết là người có tiền.
Từ hai chiếc taxi phía sau có thêm 8 người nữa đàn ông đàn bà đều có cả bước ra. Bọn họ đều mặc quần áo màu đen nhưng rất đẹp, nhìn qua là biết người ở nơi khác đến chứ không phải người ở vùng này. Lúc này để ý kĩ mới thấy, trừ người phụ nữ mặc đồ tàu kia ra thì tất cả những người còn lại đều gài trước ngực một tấm băng tang màu đen để thể hiện gia đình vừa có người qua đời.
Cả đám người vừa bước xuống xe thì ai nấy đều đã nhăn mặt vì nắng. Trên khuôn mặt họ mồ hôi chảy ra nhễ nhại, thấm ướt cả lưng áo. Họ kéo nhau tiến vào trước cửa quán của bà Ót, gọi mấy chai nước rồi thi nhau tu ừng ực. Khi đã vã cơn khát, người đàn ông mặc comle bắt chuyện hỏi bà Ót:
“Chị cho hỏi phía trước mặt là làng Ban Phú phải không ạ?”
Bà Ót gật đầu xác nhận:
“Vâng đúng rồi. Các ông cần tìm nhà ai?”
Người đàn ông trả lời:
“Chúng tôi muốn hỏi nhà cậu Bân, chả hay ở đây có người tên như vậy không?”
Lúc này bà Ót mới để ý thấy những người khách lạ này nói giọng miền nam giống với Kiều vợ của Bân, lại thấy họ đều đeo bảng khăn tang đen trước ngực, trên mặt bà hiển thị rõ sự tò mò:
“Các ông là người nhà của cô Kiều ra dự đám tang cháu Bình phải không?”
Người đàn ông kia nghe hỏi giật mình đánh thót một cái làm rơi cả chai nước trên tay mình xuống đất. Những người xung quanh đã dừng nói chuyện để chú ý vào cuộc trò chuyện của hai người. Người đàn ông lắp bắp hỏi lại một tràng dài những câu hỏi:
“Chị bảo sao? Cháu Bình chết rồi sao? Chết từ bao giờ? Vì sao mà lại chết? “
Bà Ót hơi đơ mất mấy giây để loát lại những câu hỏi vừa rồi và còn nghĩ xem phải trả lời câu nào trước câu nào sau. Vốn tính nhiều chuyện nên bà bắt đầu kể:
“Đúng vậy, người ta đi chôn nó vừa về xong. Chết từ hôm qua, nghe nói bị bỏng nước sôi mà chết. Nhưng mấy người ở đây bảo không phải bị chết bỏng đâu, là thần trùng bắt đi đó. Hôm qua cũng là ngày cúng 49 ngày của Bảo Nam em trai nó. Rõ khổ, trong vòng 49 ngày mà nhà cậu Bân đã chết đến 5 người rồi, tất cả đều chết liên quan đến nước hết.”
Mụ đàn bà to béo lúc này nghe thấy thế thì quay qua túm lấy tay người phụ nữ mặc đồ tàu mà lắc mạnh:
“Thưa thầy…”
Người phụ nữ kia dơ tay ngăn lại, bà ta gật đầu rồi nói:
“Đúng nó ở đây rồi. Cứ 7 ngày lại mất một người, ta đã đoán không sai. Hôm qua họ nhà cô không có thêm người chết, ta đã nghĩ ngay đến ở đây sẽ có người chết. Chúng ta đến đúng nơi rồi.”
Người đàn ông gương mặt đang từ đỏ của say nắng nóng bỗng chuyển sang tái nhợt, ông tiến đến trước cửa đứng gần bà Ót hơn chỉ cách nhau cái tủ kính đựng đủ thứ đồ lặt vặt bên trong. Ông giun giun mà hỏi tiếp:
“Cả hai đứa con trai của cô Kiều đều đã chết rồi sao?”
“Đúng rồi. Bảo Nam chết đầu tiên, thằng bé bị rơi xuống cái ao ở ngay trước nhà. Hôm qua là tròn 49 ngày của nó thì thằng Bình lại gặp nạn. Mà ông là ai? Hay ông là bố đẻ của thằng Bình phải không?”
Người đàn ông vẻ mặt đau khổ không còn nói gì nữa. Mụ béo tiến lên phía trước rút ví lấy ra hai tờ 500 nghìn mới cứng ném xuống mặt cái tủ kính, mụ cất cái giọng lanh lảnh chua ngoa rồi bảo:
“Không phải việc của bà đừng có nhiều chuyện. Dẫn chúng tôi vào nhà cậu Bân chỗ tiền này sẽ là của bà.”
Bà Ót thấy được cho tiền thì mừng lắm, bà đưa tay nhặt nhanh lấy hai tờ tiền rồi vo tròn lại nhét vào cạp quần. Đưa mắt nhìn vào người đàn bà to béo trước mặt, nói không ngoa bà ta phải to gấp đôi thân hình của bà Ót. Cái nọng cằm núng nính mỡ, trên người bà ta đeo đỏ cả vàng giống hệt như Kiều vợ của Bân. Bà Ót cười hề hề rồi gật đầu lia lịa:
“Được, được. Nào đi theo tôi.”
Bà cất tiếng gọi đứa con gái lớn ở trong nhà ra trông quán rồi dẫn đầu đoàn người tiến vào làng Ban Phú.
Giữa trưa mùa hè trời nắng như thiêu như đốt, đoàn người đội nắng tiến vào trong làng, mặt ai nấy đều đỏ rực lên vì nóng, mồ hôi chảy tong tong trên mặt, chảy xuống ướt hết cả quần áo trên người. Thi thoảng lại có người buông tiếng càm ràm vì khó chịu. Bóng đoàn người đổ dài trên mặt ao nhà bà Hồng. Con mực từ trong nhà thấy có người lạ vào thì chõ mõ ra ngoài bờ ao mà sủa ầm lên làm những người trong nhà phải chú ý. Thấy có khách đến nhà, Bân nhanh chóng tiến ra cửa lên tiếng quát con mực im lặng rồi chăm chú nhìn vào đoàn người đang tiến vào trong nhà mỗi lúc một gần. Dưới ánh nắng chói chang, Bân nheo mắt để cố nhận ra xem những người khách lạ đó là ai. Khi họ đã đi đến cuối bờ ao thì Bân mới có thể nhìn rõ. Người dẫn đầu là bà Ót bán tạp hoá, những người đi phía sau…
“Ôi giám đốc Nhân!”
Nhận ra được những người khách đang đến, Bân khẽ reo lên trong miệng. Bân quay vào trong nhà gọi lớn:
“Kiều ơi nhanh ra đây em ơi, là giám đốc Nhân đây này!”
Không đợi Kiều ở trong nhà kịp phải ứng anh đã đon đả bước ra ngoài đón khách. Mặc dù trong nhà đang có tang gia nhưng vẫn không thể dấu đi sự niềm nở trên khuôn mặt Bân lúc này. Anh đoán chắc hẳn giám đốc biết gia đình anh có chuyện buồn nên lặn lội từ tận trong nam bay ra ngoài này để chia buồn. Ông Nhân là giám đốc công ty mà trước đây vợ chồng anh đã làm việc. Ông không quản đường xá xa xôi ra tận nhà anh thế này thì quý hoá lắm.
Kiều ở trong nhà nghe Bân nhắc đến ông Nhân thì ngay lập tức bật dậy chạy ra ngoài. Đoàn người vừa tiến vào trong sân, Bân còn chưa kịp lên tiếng chào ông Nhân thì từ phía sau ông người đàn bà to béo phốp pháp hồi nãy kéo lôi ông Nhân về phía sau, mụ chồm người lên trước không chào hỏi ai mà oang oang chửi:
“Đâu rồi, sư bố tiên nhân cái con đĩ cướp chồng bà hại cả gia đình bà tan cửa nát nhà đâu rồi mày ra đây cho bà xem.”
Mọi người trong nhà nghe tiếng chửi thì tò mò tản hết ra ngoài để xem. Kiều vừa chạy ra đến nơi thì đã đụng mặt ngay mụ béo, nét hoảng hốt hiện rõ trên khuôn mặt của cô. Kiều đứng khựng lại, cô lắp bắp trong miệng:
“Bà… bà giám đốc… sao bà lại ở đây?”
Kiều còn chưa kịp dứt lời thì mụ ta đã lao tới túm lấy tóc Kiều mà giật mạnh. Mụ ta ghì Kiều ngã xấp xuống đất, một tay lôi tóc một tay liên tục đánh xuống người cô tới tấp. Khổ thân Kiều thân hình bé nhỏ bằng một nửa mụ ta nên không thể chống cự chỉ biết ngồi im đưa hai tay ôm lấy đầu mà chịu trận. Vừa đánh mụ vừa rít lên trong kẽ răng:
“Này thì sao với trăng này… thứ đàn bà mất nết dám gian díu với chồng bà, bà thì bà đánh cho mày hết cái lẳng lơ thì thôi…”
Mọi người có mặt lúc đó còn chưa kịp hiểu xem chuyện gì đang xảy ra, mấy người khách lạ này là ai mà vừa vào trong nhà chưa kịp nói gì đã ra tay với Kiều man rợ như vậy. Bà Hồng với Nhường lúc này mới hớt hải chạy từ dưới bếp lên, hai người cố đẩy mụ béo để lôi Kiều ra nhưng sức của mụ ta quá khoẻ, hai mẹ con bà căn bản không phải đối thủ của mụ. Bà Hồng còn bị mụ hất tay một cái ngã lăn ra đất. Bà ngồi bệt xuống đất mà la lên oai oái:
“Ôi phà ôi các ông các bà là ai ở đâu đến đây mà lại đánh con dâu tôi thế này.. nó vừa mất con xong các người ác nó cũng vừa thôi chứ.”
Mọi chuyện xảy ra quá nhanh và đột ngột, lúc này những người xung quanh mới kịp phản ứng lại. Họ cùng với Bân vào lôi mụ béo ra để giải thoát cho Kiều, mụ bị đám người kéo ra nhưng vẫn cố dùng cái chân to như cột đình của mình đạp liên tục vào người Kiều miệng liên tục chửi. Lúc này Kiều đã bị đánh cho tơi tả, đầu tóc rối tung như tổ quạ, trên khoé miệng cô đã nhớm máu. Kiều ngồi bệt dưới đất, gương mặt cam chịu khẽ đưa tay lên quệt ngang dòng nước mắt đang chảy ướt đẫm khuôn mặt. Cô đưa ánh mắt nhìn về phía ông Nhân, nãy giờ ông chỉ đứng yên một chỗ mà không hề nói nửa lời.
Người sốc nhất chắc phải kể đến Bân. Anh không hiểu có chuyện gì xảy ra mà vừa bước vào nhà vợ giám đốc đã tấn công Kiều như vậy. Trước nay bà ta vẫn luôn nổi tiếng là hoạn thư ghê gớm, nhưng vì cớ gì mà lại đánh vợ của Bân. Còn giám đốc Nhân, sao lại đưa cả vợ con đến nhà anh, rồi lại chỉ đứng yên nhìn vợ mình đánh Kiều như vậy? Hàng loạt câu hỏi hiện lên trong đầu Bân lúc này cần được giải đáp nếu không nó sẽ làm anh khó chịu mà chết mất thôi.
Kiều lúc này đã được Nhường đỡ dậy dìu vào trong nhà ngồi. Bân lại gần mụ béo rồi khép nép mà hỏi:
“Bà giám đốc, có chuyện gì mà ông bà lại lặn lội đến tận đây, mà sao mới gặp đã đánh vợ tôi như vậy?”
Mụ béo lúc này như vẫn chưa thoả cơn tức, mụ thở hồng hộc như trâu sau cơn ẩu đả, mụ ta khẽ hừ một tiếng lạnh nhạt rồi bảo:
“Cậu đi mà hỏi con vợ lăng loàn trắc nết của cậu đó, nó đã làm ra những chuyện đáng xấu hổ thế nào. Nó hại chết con trai tôi rồi.”
Nói đến đây mụ lại mếu máo khóc. Ông Nhân tiến lại gần hai người rồi cất tiếng:
“Cậu Bân, thật xin lỗi vì đã để mọi chuyện xảy ra như này. Bên ngoài này nắng quá chúng ta vào trong nhà được không, tôi có chuyện muốn nói.”
Nói rồi ông quay qua mụ béo mà bảo:
“Tôi xin bà cứ bình tĩnh, bà đã hứa với tôi là sẽ không làm loạn rồi cơ mà. Còn chuyện lớn ở phía sau nữa, tất cả vì đại cục bà biết chưa.”
Mụ béo lại tru tréo lên:
“Nhưng mà nhìn thấy cái bản mặt nó là tôi tức không nhịn được.”
Ông Nhân nhỏ nhẹ:
“Thôi thôi tôi xin. Nào đi vào trong nhà đi rồi nói tiếp.”
Nói xong mọi người cùng nhau kéo vào trong nhà, ngồi quây lại với nhau trên manh chiếu trải dưới đất. Bân cầm cái ấm chuyên pha trà rót mời những vị khách ở xa tới. Kiều vẫn yên lặng ngồi ở một góc nhà tựa lưng vào tường dáng vẻ mệt mỏi. Thi thoảng cô lại đưa ánh mắt sợ hãi nhìn vào những người khách lạ, đặc biệt là mụ béo. Mỗi lần thấy mụ nhìn mình Kiều lại ngay lập tức cúi gằm mặt xuống. Ông Nhân hắng giọng rồi mở đầu câu chuyện:
“Cậu Bân, thực ra tôi là ba của Bảo Nam!”
Câu nói vừa thoát ra từ miệng ông Nhân thì cũng là lúc cái ấm trà trên tay Bân rơi xuống. Nước trà nóng đổ cả vào chân mình nhưng dường như Bân cũng không cảm nhận được. Hai đồng tử mở to hết cỡ, Bân vô thức hỏi lại:
“Giám đốc Nhân, ông vừa nói gì cơ?”
Ông Nhân nhắc lại một lần nữa câu nói vừa rồi:
“Tôi mới là ba ruột của Bảo Nam, thời gian qua để cậu phải vất vả nhiều rồi.”
Bân ngồi thụp xuống đất, những lời vừa nghe được khiến anh choáng váng không còn đứng vững nữa. Những tiếng xì xào xung quanh bắt đầu vang lên khắp căn nhà. Bân lắp bắp hỏi lại một lần nữa:
“Giám đốc Nhân, chuyện này là sao ông có thể nói rõ ràng hơn được không?”
Ông Nhân không giám nhìn thẳng vào mặt Bân lúc này, ông nói mà ánh mắt cứ nhìn xuống chiếu nơi nước trà Bân làm đổ ra vẫn còn đọng lại.
“Hôm nay chúng tôi lặn lội đường xá xa xôi đến đây là có chuyện muốn trao đổi với gia đình cậu. Chuyện này có liên quan đến tính mạng của cả dòng họ nhà tôi. Nhưng trước hết, tôi muốn gửi lời xin lỗi đến cậu và gia đình vì bao năm qua vẫn luôn dấu cậu chuyện Bảo Nam là con riêng của tôi và Kiều. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến mọi người suốt thời gian qua đã chăm sóc cho hai con tôi là Bảo Nam và Bảo Bình.”
Lại một lần nữa Bân bị những lời nói của ông Nhân kéo đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Anh không còn giữ nổi bình tĩnh nữa, nói như hét vào mặt ông Nhân:
“Cái gì cơ? Cả Bảo Bình cũng là con trai của ông sao?”
Rồi Bân quay sang Kiều đang cúi gằm mặt xuống đất nói bằng giọng đay nghiến:
“Giỏi lắm… các người… các người còn dấu tôi những chuyện gì nữa hả?”
Mụ béo lúc này cũng hất mặt về phía Kiều lên tiếng chen vào:
“Đẹp cái mặt mày chưa con đĩ..”
Ông Nhân lên tiếng cắt ngang tiếng của mụ béo vợ mình:
“Cậu Bân xin cậu hãy bình tĩnh, mọi chuyện cũng đã rồi bây giờ cậu trách tôi thế nào tôi cũng chịu. Nhưng bây giờ có một vấn đề lớn đang xảy ra đối với dòng họ nhà tôi, chúng tôi cần gia đình cậu giúp đỡ. Chuyện này có liên quan đến mạng người, rất nhiều người…”
Nói đến đây ông đưa mắt nhìn về phía Bân để thăm dò thái độ. Bân không phản ứng gì, anh lừ mắt nhìn ông Nhân rồi hỏi:
“Có gì ông cứ nói đi, đừng úp mở mãi như vậy nữa.”
Được lời của Bân, ông Nhân lại nói tiếp:
“Chuyện này kể ra thì dài lắm. Hiện tại dòng họ Nguyễn Bá nhà tôi đang bị trùng tang, theo như chúng tôi đã tìm hiểu được, thì người chết phạm phải giờ trùng kéo theo những người khác phải chết theo chính là cháu Bảo Nam. Cậu bình tĩnh ngồi xuống đây để tôi kể lại tất cả mọi chuyện.”
những tiếng ồn ào xung quanh dần im bặt, mọi sự chú ý đổ dồn về phía ông Nhân đang ngồi ở giữa nhà. Ông từ từ chậm rãi kể lại câu chuyện trùng tang của dòng họ mình.