Rước gã thầy cúng về, gã nhìn ngó xung quanh, rồi ngó lên trần nhà bên trong quán. Sau đó phán:
– Nhà này đang bị vương rồi. Ông bà chuẩn bị sắm sửa mâm đồ cúng, thầy cúng giải chướng cho !
Vợ chồng lão nghe theo gã thầy cúng, sắm lễ lộc đầy đủ, cúng bái rất linh đình, rồi làm bùa phép treo gương trước cửa. Bốn góc nhà thì chôn đủ bốn tờ bùa màu vàng.
Xong việc thì gã thầy cúng nói rằng đã xong xuôi, từ nay vợ chồng lão Phương cứ yên tâm mà làm ăn. Vợ chồng lão nghe vậy thì mừng lắm. Trả lộc cho gã thầy cúng rất hậu hĩnh.
Mấy đêm tiếp theo, đúng thật lão Phương ngủ rất ngon không còn chiêm bao thấy ác mộng nữa. Lão ngủ cả đêm lẫn ngày chẳng màn chuyện buôn bán. Mụ vợ thấy chồng ngon giấc, sắc mặt tốt lên thì cũng lấy bụng mừng chẳng hối giục chuyện quán xá.
Vài ngày sau đó, cảm thấy mọi chuyện đã ổn, lão Phương mở quán bán lại, vì những khách nhậu cứ ghé quán hỏi mãi, nên lão cũng sốt ruột. Vì bây giờ, mỗi ngày lão nghỉ bán, là lão mất cả mấy trăm tiền lời, nên tiếc.
Hôm đầu tiên mở bán lại, khách ghé quán nờm nượp, những con ma men khát rượu, khát món thịt cầy khoái khẩu lại no nê mỡ màng sau thời gian dài nhịn thèm. Buôn bán đắt khách khiến cho lão Phương vui lắm, lão tạm quên đi những giấc chiêm bao ma mị của những đêm trước, chẳng còn nhớ gì sất.
Nhưng cũng ngay đêm đó, lão lại mơ thấy giấc mơ kinh hoàng hôm nọ, giấc mơ mà lão thấy con gái lão lại đứng trước bờ suối, đẫm mình dưới dòng nước lạnh lẽo. Lão choàng thức giấc lúc gà gáy ngồi bật dậy . Mụ vợ cũng giật mình dậy theo, ngồi kế bên:
– Sao thế ông ?
Lão nói trong cảm giác còn hoảng sợ:
– Tui lại mơ thấy như lần trước !
Mụ vợ ngồi sầm mặt lại, vẻ bần thần:
– Lại mơ à ? Sao kì thế ? Mình đã cúng đủ rồi mà ? Sao lại thế ?
Lão Phương bỗng nhăn mặt, lấy tay xoa xoa bả vai :
– Mà sao tự nhiên đau lưng quá ! Bà đấm lưng giùm tui, mau lên !
Lão Phương vừa nói, vừa nằm úp xuống giường, đưa lưng lên hối mụ vợ đấm lưng. Mụ vợ luống cuống đấm nhè nhẹ vào lưng lão.
– Mạnh lên, sao đau quá ! Vạch cái áo lên ! Bộ đang gãi lưng à ?
Mụ vợ vội ậm ừ, rồi vạch cái áo lên.
– Trời ơi ! Ông sao thế này ?
Lão Phương đang trong cơn nhói, quát ầm lên :
– Sao là sao ?
Mụ vợ hoảng hốt :
– Lưng ông sao mà bầm tím hết thế này !
Mụ vợ lấy gương soi cho lão Phương xem, thì thấy trên lưng lão, nổi đầy vết bầm tím rịm từng đốm tròn. Bất giác, vợ chồng lão Phương nhớ đến lời nói của bà mẹ thằng nhóc hôm bữa, rồi cả hai người đều trở nên thất thần.
Quán mới mở bán được vài hôm, thì lại nghỉ bán. Mụ vợ lão Phương từ sáng phải lấy rượu xoa bóp cho chồng hi vọng tan những vết bầm kia. Rồi chiều đó mụ tức tốc đi tìm tới chỗ gã thầy cúng, nhờ vả tiếp.
Gã thầy cúng về tới quán lúc chập choạng tối, sau khi xem xét xong thì nói rằng Lão Phương bị chó ma cắn, vì những vết cắn đó, chỉ nổi bầm lên, chứ đụng vào thì không cảm thấy đau đớn gì, lão chỉ duy nhất cảm thấy đau lưng.
Rồi lão cũng như lần trước, gã thầy cúng đòi bày lễ thịnh soạn, lại tiếp tục cúng vái tứ phía khắp cả nhà. Xong việc, lão lại lấy một khoản tiền lộc rồi đi.
Nhưng không như lần trước, lão Phương không cảm thấy tình trạng thuyên giảm, mà thậm chí còn nặng hơn. Ngoài cái lưng nhức mỏi hành hạ lão, bệnh khớp cũng đồng thời quay trở lại khiến cơ thể lão mỏi nhừ, tay chân chẳng nhấc lên nổi. Rồi mỗi giấc ngủ của lão, là mỗi cơn tra tấn tinh thần đến nổi lão không sợ ngủ, lão cứ thức với cơn đau, miệng rên hừ hừ, mắt lão vì thiếu ngủ mà đỏ hoe, cay xè.
Mụ vợ thì chạy đông, chạy tây tìm thuốc về cho lão. Rồi nghe người ta làm mối, mụ lên trên huyện Sơn Hà thỉnh một ông thầy cúng khác về, gã này người ta đồn rằng rất là cao tay. Vợ chồng lão Phương đem hết mọi chuyện trong ruột dạ mà kể cho gã thầy bói nghe, mong được cứu giúp.
Gã thầy bói này nghe xong thì gật gù, nói rằng để lão đi xem xét trong nhà. Gã đi soi từng ngõ ngách nhà nhà, trong quán, hết hỏi cái này tới hỏi cái kia.
– Nhà có cái gì mà ông bà cảm thấy lạ không ?
Mụ vợ rầu rĩ trả lời theo phản xạ:
– Không thầy ạ ! Em chẳng thấy gì lạ hết !
Rồi mụ vợ dẫn gã thầy bói đi xuống xó bếp xem tiếp. Gã thầy bói bỗng đưa tay bịt mũi, đưa tay chỉ vào cái lồng trong một góc tối:
– Cái gì kia mà để hôi thối thế ?
Mụ vợ giải thích:
– Cái lồng chứa con chó bịnh thầy ạ. Cái con chó mà con em lúc còn sống nó nuôi !
Như vớ được mánh, gã thầy bói liền sốt sắng. Gã vừa lôi tấm bạt che cái lồng ra, vừa nói:
– Đây này ! Con chó này bị vương hơi của người chết, nên mới phát bệnh. Ông bà còn chứa trong nhà, nên mới bị hành bệnh theo !
Lão Phương chống cây nạng đứng bên, một tay đấm vào lưng thùm thụp, mặt nhăn nhó thắc mắc:
– Là sao thầy ! Con chó này bé gái con em nó báo mộng là giữ cho nó mà !
Gã thầy bói cười ra điều đắc ý :
– Phải rồi ! Ông bà kể là lúc con sống, con ông bà rất quấn quýt với con chó này đúng không ? Giờ cháu nó mất, linh hồn nó cũng không siêu thoát được, cứ về quấn quýt theo con chó này. Rồi vô tình dẫn theo âm binh vào nhà, nên mới ám ông bà ra thế này đấy !
Lão thầy bói phe phẩy cái quạt nan, ra vẻ bệ vệ, nói tiếp :
– Giờ ta phải trừ yểm con chó này, một là để cho linh hồn con gái ông bà siêu thoát, hai nữa là vong khỏi theo vào nhà nữa !
Vợ chồng lão Phương nghe vậy như được thông suốt, đưa mắt hãi hùng nhìn sang con ki.
Con Ki bị nhốt lâu ngày trong lồng, nó quá yếu sức rồi, chỉ còn nằm thở khè khè. Nhưng ánh mắt căm hờn thì vẫn như ngày nào, gã thầy cúng thấy cũng chẳng dám nhìn lâu.
Sau đó, mụ vợ dìu lão Phương cùng đi với gã thầy bói lên nhà trên, cùng bàn công chuyện.
– Giờ thầy sẽ chỉ cách cho ông bà giải hạn, thầy chỉ lấy năm triệu tiền lộc !
Mụ vợ lão Phương nghe thì tái mặt, xót của mà hỏi lại:
– Năm triệu lận hả thầy ! Sao nhiều thế !
Lão thầy bói nhăn mặt:
– Nhiều là nhiều sao ? Ông bà không chịu thì thôi ! Tiền này là tiền chi phí tui mỗi ngày cầu kinh, rồi các ngài ở trên mới ban phước cho tôi để mà giải hạn cho ông bà. Chứ tôi có lấy ăn đâu. Ông bà không chịu, thì đành !
Lão Phương thều thào trong cơn đau :
– Con vợ em đàn bà thầy đừng trách, giờ thầy làm sao giúp được nhà em, thì em biết ơn thầy lắm. Mong thầy hết sức giúp cho !
Vợ chồng lão Phương bán một số vàng làm của trong nhà để lấy tiền trả cho gã thầy cúng trước. Rồi theo lời gã thầy cúng, sắm sửa một ít đồ lễ gồm con gà, ít tro và muối cùng giấy bùa cúng vọng trước.
Vái lễ xong xuôi, gã thầy bói nói :
– Con chó của ông thì nhất định không được để trong nhà ! Nhưng không phải muốn mang đi đâu hay giết thịt lúc nào cũng được, nếu làm bậy bạ không đúng, vong ngày sẽ càng nặng hơn. Phải coi ngày tháng đàng hoàng mới được !
Gã nhẩm tính rồi nói rằng, qua ba ngày nữa, là ngày hợp vía. Có thể tùy ý mang vứt con ki hoặc giết thịt nó, miễn sao nó đừng có ở trong nhà là được.
Lão Phương lại phải nghe lời gã thầy cúng, cắn răng ráng chờ tới ba ngày nữa để vứt con ki đi. Nhưng trong thời gian này, bệnh khớp và đau lưng của lão rất nặng rồi. Các khớp tay, khớp chân của lão sưng vù lên, lão còn không đứng được. Hằng ngày lão chỉ nằm ở trong buồng nhà dưỡng bệnh.
Nhưng khác với hai lần trước, trong thâm tâm lão không có cảm giác gì yên tâm về điều mà gã thầy cúng này nói như tin gã lần trước. Lão có cảm giác con ki không có tội gì cả. Lão nhớ tới những giấc mơ đứa con gái vẫn dặn lão đừng giết con ki. Trong lòng lão rối bời như tơ vò.
Vắng món nhậu quen thuộc, nhiều khách tới quán lão không được thỏa mãn cái miệng, sinh ra lo lắng cho lão, hằng ngày tới thăm mách vị thuốc này, vị lá kia cho lão uống chữa bệnh, nhưng cũng chẳng đỡ tí nào. Lão cứ nằm đó, phó mặc mọi chuyện cho mụ vợ.
Nhưng cái nghiệp thì đâu có buông lão. Chiều hôm gần đến ngày giết con ki, thằng xã đội đến quán thăm lão rồi nói rằng ngày mai sẽ có một đoàn công tác trung ương về thăm xã, có mấy ông lớn lắm, họ về khảo sát cái cầu ngã ba sông ngay quán lão để chuẩn bị xây cầu mới cho bà con đi mùa lũ, vì cả nước bắt đầu nông thôn mới hết rồi, cơ sở đường xá nông thôn cần phải mở rộng. Nó còn nói thêm, trưa hôm đó, xã sẽ đãi đoàn công tác một chầu hoành tráng tại quán của lão. Nhờ lão chuẩn bị cho một bữa thịt chó thật đượm vào.
Lão Phương lắc đầu ngoai ngoái :
– Để coi hôm đó sao đã, anh giờ đau bệnh quá, đứng một chút là mỏi, nghỉ bán hỡm nay, có làm ăn gì được đâu ! Vả lại ngày mai anh bận làm chút lễ giải hạn !
Thằng xã đội liền nói :
– Tôi biết cái lễ của ông anh rồi, người ta nói đầy ngoài kia. Ngày mai ông xử tội con chó bịnh của ông chứ gì ! Ông anh tranh thủ việc đó cho sớm rồi giúp giùm em !
Lão Phương than thở :
– Làm đồ lâu lắm chứ đâu có nhanh được đâu, bình thường anh phải dậy từ năm giờ sáng mới kịp bán buổi trưa. Nếu xã đãi buổi trưa nữa thì không kịp !
Thằng xã đội đành chép miệng :
– Thôi được rồi ! Ông anh cứ tinh thần chuẩn bị giúp em ! Mấy ông này ưa thịt cầy lắm ! Anh ráng giúp giùm, xã sẽ trích thêm tiền công hậu hĩnh cho ông anh. Còn nếu ngày nếu lỡ ông anh không làm được, thì em dẫn họ đi chỗ khác chứ biết sao ! Nhưng ông anh nhớ ráng giúp em nha, chỉ ngày mai thôi !
Lão Phương thấy thằng xã đội năn nỉ quá, từ chối cũng chẳng đành nên ầm ừ cho qua chuyện, chứ giờ những cơn nhức mỏi đang hành hạ, khiến lão có còn thiết tha gì nữa đâu.
– Ừ thôi vậy đi ! Ngày mai rồi tính ! Anh làm không làm nổi, thì em dẫn họ đi ăn chỗ khác giúp anh !
Thằng xã đội gật đầu ra về, lão nheo mắt nhìn theo thì thầm trong miệng :
– Mẹ cái thằng ! Đau bịnh mà nó cũng không tha ! Chuyến này chắc ăn dày quá nên ráng năn nỉ cho bằng được đây mà ! Chỉ biết nịnh bợ là giỏi !
Bàn với thằng xã đội là vậy, nhưng vợ chồng lão Phương đều đã quyết định không làm. Nên ngày hôm sau, vợ chồng lão cứ ung dung như mọi ngày. Thậm chí hôm đó lão Phương còn thấy mình mẩy đỡ đau nhức hơn chút ít, lão ngủ đến trưa trầy, trưa trật mới dậy.
Lúc lão Phương dậy rửa mặt, thì thấy mặt trời đã lên cao bằng ngọn sào rồi. Lão nhìn về phía cây cầu ngã ba sông, thấy có toán người lạ mặt, ai nấy đóng thùng, mặc sơ mi trắng sang trọng đang đứng chỉ chỉ chỏ chỏ trên cầu. Lão liền đoán được ngay đó là đoàn công tác ở trung ương về như lời thằng xã đội nói hôm qua.
Lão vào nhà trong ngồi ăn sáng xong thì cũng là lúc mụ vợ dẫn gã thầy cúng lại nhà. Cả ba người tiếp tục bày biện bàn lễ để cúng vái tiếp.
Gã thầy cúng làm rất chuyên nghiệp, thoáng một cái là đã cúng vái xong. Giờ chỉ còn đợi nhang tàn, là có thể mang con ki đi vứt.
Chớm trưa, bàn cúng cũng vừa tan nhang. Vợ chồng Phương dọn mâm cúng xuống và bày biện một mâm riêng cho gã thầy cúng ngồi chễm chệ xơi mồi. Gã ăn như chết đói, cứ ngồi nhai ngoằm ngoằm loáng một cái đã hết sạch con gà trống luộc. Lão bưng chén nước chè đặc, uống cái ực ngon lành, rồi ngồi phơi bụng ra, phe phẩy cái quạt để xua đi cái nóng ban trưa.
Lão Phương thì không ăn gì nổi, cũng chỉ húp cháo loãng. Mụ vợ phải ngồi bên để chăm. Trời đánh còn tránh bữa ăn, ấy vậy mà lão Phương chỉ vừa húp soạt được một húp cháo, thì thằng xã đội trưởng lại chạy vào giục :
– Mồi mỡ tới đâu rồi anh Phương ơi. Tầm chút nữa đoàn sẽ ghé nhé. Năm người anh ạ !
Lão Phương nhăn mặt khó chịu không trả lời, mụ vợ ngồi bên đỡ lời :
– Hôm nay chồng chị chưa khỏe nên có làm gì được đâu, sáng giờ chị cũng bận bịu lo chuyện nhà…. !
Chưa nói hết câu thằng xã đội trưởng đã quát :
– Làm ăn thế mà coi được à ? Đã nói hôm qua rồi ! Giờ tui làm sao đây. Mấy ông này trên tỉnh có, trung ương có. Chuyến này làm không xong, thì chết cả nút đấy nhé !
Vợ chồng lão Phương hiểu rằng “chết cả nút “, thật ra, là chết có mỗi nhà lão thôi. Thằng xã đội trưởng hăm dọa vậy, nếu không làm vừa lòng nó, thế nào sau này nó cũng dựa quyền, rồi kiếm chuyện, vợ chồng lão khó sống ở đất này.
Lão Phương dịu giọng:
– Thôi em dẫn họ đi quán khác giúp anh ! Giờ này sao làm kịp nữa ! Anh không bán mấy hôm nay, nên không mua chó thịt sẵn !
Hai người đang lời qua tiếng lại thì đoàn công tác đã vào tận trong quán rồi. Ông bí thư mặt hồ hởi nói lớn:
– Chú Phương đâu rồi ! Cho xin ấm nước chè xanh uống nào !
Nghe tiếng ông bí thư xã, thằng xã đội trưởng liền chạy ra trước cùng vợ chồng lão Phương. Riêng lão Phương liền cố gượng dậy đi cà nhắc lê mình chậm chậm ra chào đón.
– Em chào anh ạ ! Hôm nay đoàn mình đông vui quá. Mời anh cùng các mọi người vào nhà ngồi chơi. Đợi chút xíu vợ em đi pha nước mang ra liền !
Thằng xã đội trưởng liền chạy tới chỗ ông bí thư nói to nhỏ:
– Hôm qua em dặn ông Phương rồi. Mà ông Phương không chuẩn bị mồi anh ạ ! Tính sao đây anh !
Ông bí thư nhăn mặt tỏ vẻ không hài lòng. Lão Phương lắng tai nghe loáng thoáng nhưng cũng đủ hiểu ý, liền nói đỡ trước:
– Hôm nay các anh vào quán em, thì em vui lắm. Em cũng tính hôm nay sẽ làm chút mồi mỡ, đãi các anh bữa trưa cùng với đoàn cán bộ trên tỉnh về. Như mọi lần em vẫn chu đáo như trước đấy. Nhưng mà mấy nay em bị bịnh khớp nó hành đau nhức quá, nên không chuẩn bị được anh ạ. Mong anh… !
Lão chưa nói hết câu thì ông bí thư xã liền cắt lời:
– Thôi được rồi, không sao đâu ! Không cần giải thích gì nhiều. Ở đây có mấy anh em trên tỉnh về địa phương mình, mà có mỗi chỗ ông là có đồ ăn ngon, nên tôi mới nhờ làm cơm ở đây thôi !
Sau đó ông bí thư giới thiệu từng người một, nào là trưởng ban địa chính tỉnh, cán bộ địa chất ở trung ương, phó chủ tịch huyện,… Toàn những cốp to.
Gã thầy bói ngủ lim dim trong nhà, bị tiếng người nói xôn xao làm cho thức giấc, gã nghe giới thiệu toàn các ông to, gã vội vả nhảy xổ ra trước, tự giới thiệu rồi chào hỏi, bắt tay các cốp rất nồng nhiệt. Mãi lúc sau thì cả đoàn mới hiểu ra gã chỉ là một tên thầy bói.
Một người lúc nãy được ông bí thư giới thiệu là cán bộ địa chất ở trung ương, mặt phệ, nước da ngăm ngăm, nói giọng Bắc, lên tiếng.
– Thế nào rồi đồng chí bí thư ! Có còn quán cầy nào khác không ? Để ta còn nhâm nhi chứ nào !
Ông bí thư cười gượng. Quay sang hỏi lão Phương:
– Không làm mồi được hả ông Phương ? Có còn cách nào không ?
Lão Phương trần tình:
– Dạ em mong các anh thông cảm ạ ! Hôm nay thực sự em không làm nổi, nên giờ chẳng chuẩn bị được gì !
Mụ vợ bưng bình nước chè ra, đon đả rót mời cũng nói đỡ giúp chồng:
– Các anh thông cảm cho. Chồng em giờ đổ bệnh, chẳng làm nông nỗi gì được ạ !
Ông các bộ địa chất có vẻ chưa chịu hài lòng, nói tới:
– Thế có sẵn cầy không ? Em thịt cho, ông anh cho em mượn đồ chế biến, ông anh chẳng cần động tay chân tới đâu, xong việc, bao nhiêu tiền, ông anh cứ tính, em trả đủ !
Lão Phương ái ngại:
– Dạ anh. Em không buôn bán gì mấy ngày nay rồi, nên chẳng có mua cầy thịt sẵn, nên không có anh ạ !
Lão thầy bói đứng đực mặt nãy giờ, có cơ hội liền, nhanh mồm:
– Có con chó của ông kìa. Một con chó đó cũng đủ bữa rồi !
Mụ vợ liền giải thích:
– Ấy chết ! Nó là con chó bị bệnh.. Em tính mang đi vứt đấy ạ !
Gã cán bộ địa chính mắt liền sáng lên:
– Đâu ! Dẫn tôi đi coi ! Chó nào mà chó vứt. Phí !
Sau khi lão Phương dẫn gã xuống nhà, lôi cái cũi nhốt con ki đã hem hỉ ra. Gã cán bộ địa chất liền cười khoái chí:
– Tôi đi khảo sát địa chất khắp ba miền cả nước. Tới đâu tôi cũng được ăn đặc sản ở đó. Tôi ăn thịt thú rừng, thịt hải sản hết cả rồi, thịt cầy cũng ăn nhiều. Nhưng chưa bao giờ ăn thịt con chó nào nhìn lạ như thế này cả. Ông anh cho phép, em thịt nó nhé !
Lão Phương sợ hãi nói:
– Nhưng nó bị dại đấy !
Gã cán bộ địa chất cười lớn:
– Haha ! Ông anh khéo đùa ! Bị dại mắt nó phải đỏ, miệng nó phải chảy dãi kìa, còn này nó nằm im thin thít, sắp chết rồi, ông anh sợ gì !
Lão Phương bí lời, quay sang nhìn gã thầy bói lo lắng. Biết ý, gã thầy bói liền nói:
– Không sao ông Phương ạ. Ông có thịt hay mang vứt nó đi thì cũng thế thôi, miễn trừ nó khỏi nhà là được, yên tâm !
Lão Phương hết đường từ chối, vợ chồng lão cũng mệt mỏi, chẳng thiết chuyện gì nữa. Lão vào trong buồng nằm. Nhà cửa, bếp núc giao cho gã địa chính, gã tự thịt con ki, tự làm mồi nhắm.
Rồi gã cán bộ địa chất sai tên tài xế, là lính của mình kẹp cổ con ki lôi ra làm thịt. Tên tài xế cũng là một người có tay nghề làm mồi nhậu ngon chẳng kém ai, đặc biệt là hắn cũng biết cách làm thịt cầy gia truyền đúng chuẩn như ở ngoài quê của hắn.
Con Ki yếu ớt sắp chết, đứng còn không nổi, lông lá rụng hết lộ cả da trông rất kì dị. Nó bị tên tài xế trói chân cẳng lại lôi thền thệt ra giữa nhà, gã nhờ người đốt củi lấy than, rồi vạch *** con ki ra, gã nhét vào mỗm nó một mớ than hồng đỏ rực rồi buộc dây túm *** nó lại.
Trước đó, con ki thậm chí còn không còn sức để thở. Ấy vậy mà khi bị tên tài xế nhét than lửa vào ***, nó gồng cả người lên lăn lộn quằn quại đau đớn khắp sàn nhà, nó kêu hú lên những tràng dài thảm thiết, hai mắt nó bắt đầu chảy nước ra đến nỗi gần lồi cả cặp mắt ra ngoài, bốn cặp chân cứ cào cấu quào quào ra trước. Cuối cùng, nó nằm yên co giật, dần dần chết đi.
Mụ vợ chứng kiến chồng làm thịt chó rất nhiều, nhưng cũng chưa bao giờ thấy cách làm thịt chó nào lại khủng khiếp như thế này. Mụ không dám nhìn, bỏ vào nhà. Những người còn lại thì tỏ ra phấn khích, được mở mang tầm mắt, được xem cách làm thịt cầy gia truyền đúng chuẩn đất Bắc. Ai nấy cũng hau háu cặp mắt chờ được thưởng thức món cầy ngon.
Từ trong buồng, lão Phương nghe tiếng con ki tru lên, lão cảm thấy rợn người, quá hoảng sợ, lão lấy gối trùm kín đầu nhưng bao nhiêu kí ức ùa về lại trong trí nhớ của lão, từ cái thủa lão làm thịt con chó bị xe tông chết đầu tiên, lúc lão mua con chó chết trôi của thằng Cọt, lúc lão rạch bụng con chó mẹ moi bốn cái bào thai chó con ra, tới những lúc lão đập đầu từng con chó mà lão làm thịt phun máu tung tóe…Tất cả hiện ra mồn một trong tâm trí lão. Rồi cuối cùng, lão bỗng dưng cảm giác đứa con gái như đang đứng trước mặt, lão cảm nhận rõ ràng, gần lắm. Lão cảm thấy quá đau lòng, quá hoảng sợ, và hơn nữa là sự ân hận, niềm day dứt. Đến giờ này lão không hiểu sao mình lại có thể tàn nhẫn như thế. Và lão ngất đi trong cơn hoảng loạn.
Trong nhà lão Phương thì lúc này cả bọn người cùng xoắn tay nhau giúp gã cán bộ địa chất làm thịt cầy. Dù họ biết rõ, con chó ki này vốn dĩ là con chó cưng của con gái lão Phương lúc còn sống. Vừa làm thịt, họ vừa kể chuyện về cái chết con gái lão Phương, rồi họ cười lớn. Họ chê lão Phương mê tín, họ cho rằng mỗi người họ đều là cán bộ, đều là người có học thức, chẳng dại mà tin mấy trò mê tín như người ta kể.
Gã thầy bói thì cũng chạy lăng xăng theo nịnh bợ, giúp một tay làm mồi, nhưng nghe người ta nói mê tín, thì lão cũng xấu dèo, nên ngồi yên trong một góc, ngoan ngoãn lặt lá mơ.
Mồi dọn lên bàn nhậu với món chính là thịt con ki cùng với thêm vài món mặn nữa do thằng xã đội đi kiếm về, người ta chúc tụng nhau, rượu thịt mỡ màng, ăn uống hả hê, trông đông vui như nhà có hỉ. Nhưng tuyệt nhiên chẳng ai gọi mời tới tên gã thầy bói. Gã xấu hổ, bỏ về trước. Trong lòng gạ vừa hậm hực, vừa tủi hổ. Gã buồn cho cái số kiếp làm thầy bói của lão, không vợ không con, đồng đồng bóng bóng, hằng ngày phải mong nhà này có chuyện, nhà kia có nạn thì mới có cơ hội cho hắn kiếm cơm. Nhưng gã chẳng buồn bực được bao lâu, thay vào đó còn mừng rỡ vì cảm thấy mình may mắn nữa. Bởi ngay chiều hôm đó, một chuyện khủng khiếp đã xảy ra.
Cuộc nhậu trong quán lão Phương đến đầu giờ chiều thì quán hết rượu. Ông bí thư ngà say giọng la lớn:
– Ông Phương đâu ! Còn rượu không ! Mang ra đây !
Chẳng có ai trả lời cả, ông bí thư gọi mãi mụ vợ mới chạy lên:
– Nhà em hết sạch rượu rồi ạ ! Chồng em mệt, ngủ trong phòng rồi ! Mong bác đừng gọi nữa, để chồng em nghỉ tí ạ !
Ông chủ tịch phồng mang, trợn mắt lên, đập bàn quát lớn:
– Thế là bà khinh tui không có tiền trả à ? Quán nhậu mà nói là hết rượu. Ông bà cứ mang rượu ra đây ! Tiền bao nhiêu tôi trả không thiếu !
Mụ vợ mếu như sắp khóc:
– Dạ thực sự là hết ! Em đâu dám khinh khi gì ai ạ !
Trong khi mụ vợ đang van nài thì từ trong nhà đi ra, lão Phương mặt mày rũ rượi, tóc tai bù xù, trên tay ôm chặt một bình thủy tinh. Cả bàn nhậu cảm nhận cái khác lạ nào đó từ lão Phương nên ai nấy im bặt, không khí trở nên lắng xuống.
– Đây ! Rượu đây ! Các người uống đi ! Rượu quý đấy ! Cứ uống hết đi !
Lão Phương nói giọng như trách móc, bất cần, lão để bình rượu xuống bàn, rồi lại quay lưng đi vào nhà.
Mụ vợ hấp háy cặp mắt, như không tin vào mắt mình. Cái bình rượu ngâm bào thai chó từ cách đây vài năm trước, lão Phương coi quý hơn vàng, cất trong tủ chỉ mới dám uống vài chén như uống thuốc, mà giờ lão lại mang hết cả bình ra cho người ta uống. Mụ vợ ngơ ngác, vội vào nhà theo lão chồng để hỏi sự tình cho rõ, rằng có phải lão Phương bị điên rồi không, bỏ lại bên ngoài quán tiệc nhậu tiếp tục xao xôn vì có được rượu ngon.
Về chiều trời kéo mưa, mây giông từ trên núi kéo xuống tạo nên cả một vạt trời đen thăm thẳm, gió to nổi lên, cây cỏ xào xạc, lá khô rụng bay nháo nhác, sấm chớp rạch ngang dọc nổ đùng đùng. Trong quán ai nấy đã phê rượu hết cả rồi. Tất cả đều khen cái thứ rượu bào thai chó ngâm thuốc bắc, uống vị cay ngọt, mà lại bổ thấm vào người tưởng như được trường sinh bất tử.
Tài xế đề nổ chiếc xe bảy chỗ, de xe lại quán cũng là lúc trời bắt đầu mưa nhỏ hột. Những người ở ủy ban xã tiễn bốn người ở đoàn cán bộ ra xe, bắt tay nhau, nói những lời thắm đượm tình nghĩa, và không quên hứa hẹn ngày gặp lại.
Gã cán bộ địa chất vừa lên xe đã nôn thốc nôn tháo rồi nằm ngủ, còn ông trưởng ban địa chính và ông phó chủ tịch huyện phải xuống ngồi ghế sau ngủ luôn.
Chiếc xe lăn bánh chở bốn người họ rời quán, hướng về thị xã, thì trời bắt đầu mưa tới tấp, những giọt mưa to như đầu ngón tay thi nhau rơi trên nóc xe rầm rầm giống như mưa đá. Mưa đập vào cửa kính bộp bộp nhưng chẳng hay hấn gì những người trên xe, vì tất cả họ đã ngấm rượu mà ngủ cả rồi, chỉ còn mỗi tài xế là uống ít hơn tí, nên còn tỉnh táo mà lái xe. Nhưng sự tỉnh táo của tài xế cũng chẳng bao nhiêu để giúp chống lại cái thời tiết này. Cái cần gạt nước chẳng gạt nổi mưa, ấy thế mà kính chắn gió chứ nhòa đi vì nước mưa tạt lênh láng. Vì vậy, tài xế vừa căng mắt nhìn, vừa lái xe đi chầm chậm.
Trời mưa rầm rầm giăng trắng xóa hết cả bầu trời, gió thổi ào ạt, tất cả trở nên mù mịt, mưa như thể ông bà xưa hay nói ” trời mưa lấy đá, lấy gỗ “. Ai nấy đều tìm nơi trú cơn thịnh nộ của ông trời, đường xá, nhà cửa vắng hoe.
Chiếc xe lăng bánh chầm chậm tới chỗ cây cầu, nhìn qua làn nước mưa tạt lên kính chắn gió, tài xế bỗng thấy ở giữa đường phóng đâu ra một con chó lông đen mun. Con chó đứng bốn chân trụ vững trên đất, hiên ngang nhìn vào xe giữa trời mưa mù mịt, nhưng kì lạ là lông nó không bị nước mưa làm cho sũng xuống, mà lông nó dựng đứng lên, tai vểnh cao, cặp mắt ma quái chất chứa căm hờn như đang chờ đợi để hòng sống mái một trận với kẻ thù.
Tài xế căng mắt nhìn con chó kì lạ, thần trí hắn muốn bấm còi đuổi con chó tránh đường, nhưng tay hắn cứng đờ, đôi mắt hắn dính chặt vào đôi mắt con chó chẳng thể rời được, trong thâm tâm tên tài xế dấy lên một thứ cảm xúc lạ kì, vừa sợ hãi tột độ, vừa bồn chồn, bứt rứt không yên. Gã tài xế mắt vẫn nhìn đăm đăm vào con chó, rồi bất giác như phản xạ, tay hắn đánh lái tránh đường.
Và trong cơn mưa giông mù mịt, chiếc xe biến mất trên cầu, chìm vào trong màn mưa hư ảo trắng xóa đất trời.
Cuồng phong qua đi, bầu trời được rửa sạch trở nên trong xanh, không khí mát mẻ êm dịu mùi đất ẩm. Những rặng núi xanh thẫm hiện ra bao vây lấy làng Hành Thiện thật trong lành.
Con suối nhỏ đổ ra sông Vệ ngay ngã ba ngày thường nước chỉ ở dưới lòng suối, sau cơn mưa giông lớn, nước trên núi đổ về ào ào, cuộn chảy nổi bọt bèo sủi đục ngầu ngập cả bãi đất nà.
Phía trên cầu, ngớt mưa hẳn mới có lác đác người qua lại. Những người đầu tiên đi trên cầu sau cơn mưa, họ đang tụm đầu lại trố mắt ngạc nhiên nhìn vào cái rãnh bùn như đường cày, đó là một vết bánh xe lớn, theo dấu vệt bùn đất kéo dài trên đường, leo lên cả thành cầu rồi mất dấu, họ nhìn xuống dưới lòng suối, thì ai nấy đều hô hoán lên khi thấy chiếc xe du lịch bị lật nằm gọn dưới lòng suối, nước dâng lên ngập chỉ còn lấp ló cái lốp xe đen đủi.
Nghe tiếng la hét, người người đổ xô ra ngã ba sông, tiếng người ta thảng thốt kinh hãi hô hoán nhau, tiếng người lao xao khấn vái. Vợ chồng lão Phương nghe xao động thì cũng dắt díu nhau ra xem chuyện gì.
Mãi đến xẩm tối, chính quyền mới điều động xe cẩu, mở đường xuống bờ suối mà trục vớt được chiếc xe lên. Bốn xác người được khuân ra, mắt đều trợn ngược đỏ ngầu không nhắm, miệng há hốc còn mắt kẹt thức ăn trong cổ họng. Chân tay co quắp lại nép sát vào người. Có lẽ họ chết vì nôn ngẹn thức ăn, trước khi cả bị ngạt nước.
Những ngày tháng sau đó, là những ngày không yên ả ở cái làng Hành Thiện nhỏ bé này. Ai nấy đều bán tán xôn xao vụ tai nạn khủng khiếp ấy, chết một lần đến tận bốn mạng người mà toàn là cán bộ cao cấp. Mà người ta càng bàn tán, vợ chồng lão Phương lại càng thấy xấu hổ. Từ quán của lão, mà ra không biết bao nhiêu mạng người ra đi, bao nhiêu là chuyện đồn đại ma quái. Người qua, kẻ lại, ai cũng nhìn nhìn ngó ngó vào quán đã đóng cửa im ỉm. Vợ chồng lão chẳng ra đường, cũng chẳng dám gặp mặt ai. Bệnh của lão Phương thì ngày càng trở nặng, đến độ lão toàn chống nạn đi trong nhà. Bao nhiêu tiền của, vốn liếng, của nã trong nhà, vợ chồng lão bán sạch để đi chạy chữa mà cũng không hết. Cho đến một ngày nghe nói rằng người ta thấy lão ngồi xe lăn, được mụ vợ dìu lên xe, đi vào nam để chữa bệnh. Nhà cửa, quán xá của vợ chồng lão đều đã bán sạch. Từ đó, chẳng còn nghe tin tức gì vợ chồng lão nữa.
Cái quán thịt cầy lão Phương dẹp đi rồi. Cái ngã ba sông lại trở thành nơi hoang vắng, xa nhà cửa, lau sậy dần dần phủ lên rậm rạp. Hằng đêm, ai vô tình đi qua đây, người ta lại nghe văng vẳng những tiếng tru tréo ai oán, người ta thấy những mặt người ma quái, người ta chứng kiến những chuyện kì lạ. Rồi họ lập cái miếu lên để an ủi những vong hồn, ngày rằm mùng một thắp nhang nghi ngút. Cuối cùng cái bến sông cũng chẳng còn ai dám lui tới nữa, lại càng trở thành một nơi rùng rợn.
Sau gần hai mươi năm ròng rã, tôi có dịp trở lại về quê hương, đi trên con đường giờ đã được trài nhựa cứng cáp, cái cầu ngã ba sông cũng được xây mới khang trang. Cái bảng tên cầu được xây trang trọng ” Công trình thanh niên – Cầu ông Tuất “, hai bên đường hàng quán nhà cửa cũng đông vui hơn xưa.
Dưới chân cầu ngay ngã ba sông, cái miếu thờ nho nhỏ vẫn còn đó, nằm lọt thỏm giữa những bụi cây dại. Bên trong chỉ có một tấm bài vị khắc chữ nôm và cái lư hương đổ nát. Có lẽ người ta đã quên dần rồi chuyện xảy ra năm đó, nên không còn sợ nỗi sợ mà ngày đó họ đã từng. Bởi vậy mà chuyện về quán thịt cầy lão Phương ngã ba sông, chẳng còn ai nhắc đến nữa. Cái tên cầu cũng từ đó mà ra, nhưng lớp trẻ lớn lên cũng chẳng mấy ai biết ngoài những người dân gốc làng Hành Thiện thế hệ trước.
Tôi sửa sang lại cái cái miếu nhỏ, thắp một nén nhang cho những người đã khuất, rồi rải bước chầm chậm lên cầu đứng nhìn về bờ sông. Bất chợt thoảng đâu trong tiếng gió, những câu hát đồng dao mà người dân quê tôi đặt ra, bọn trẻ con chúng tôi ngày đó đã hát suốt thuở ấu thơ vang lên:
“Ai về cầu ngã ba sông.
Ngó xuống lòng suối, có người dòm lên.
Cái cầu nay đã có tên.
Ông Tuất núp dưới, chớ nên đụng vào.
Bao nhiêu tiếng chó thét gào.
Bao nhiêu máu huyết thấm vào dòng sông.
Có tiền, có của bằng không.
Bỏ quê biền biệt, chẳng trông ngày về.”