Vừa chọn bộ đồ để trên giường, định khi tắm xong trở ra Son sẽ mặc, thì lại biến đâu mất! Son tưởng mình đãng trí nên tự đi tìm lại trong tủ, tất nhiên là không có.
– Chị Năm ơi…
Son vừa cất tiếng gọi đã im bặt ngay, bởi cô nhớ ra mình… không có gì trên thân mình!
Bên ngoài có tiếng của Năm, cô người làm:
– Cô Ba kêu tôi có gì vậy?
Bước lùi vào nhà tắm, Son hỏi vọng ra:
– Nãy giờ chị có vào phòng tôi không?
– Dạ đâu có. Tôi đang làm bếp với bà mà.
– Vậy…
Thay xong quần áo khác, Son bước ra, thấy Năm Lành còn đứng đó, cô gay gắt:
– Nhà này bây giờ có ma hay sao mà thứ gì vừa để cũng mất!
Năm Lành hơi khó chịu:
– Cô Ba nói vậy tội cho em.
– Vậy chứ bộ đồ tôi mới để đây biến đâu?
– Cô để ở đâu?
– Trong phòng tôi chứ đâu!
– Phòng cô Ba thì lúc nào cũng khóa cửa, ai mà vào lấy được.
Lời nói của Năm đúng hoàn toàn, bởi khi nãy cô mở cửa ra thì cửa ở tình trạng còn khóa chốt bên trong. Vậy thì…
Son thừ người ra, lẩm bẩm:
– Không thể nào…
Trở vào phòng, vừa đến bàn viết Son phát hoảng, bởi quyển nhật ký cô đang viết đêm qua đã không cánh mà bay!
– Năm Lành. Vào đây mau!
Năm Lành vừa quay xuống nhà bếp, nghe gọi vội quay trở lại. Vừa thấy mặt nó Son đã quát ầm cả lên:
– Cuốn sổ tôi để trên bàn đâu?
Lành ngơ ngác:
– Dạ, em đâu có biết cuốn sổ gì! Nó ở trong phòng cô mà.
Lời nhắc này lại một lần nữa khiến Son ngỡ ngàng. Rõ ràng những gì trong phòng cô thì không thể hỏi người làm được. Xưa nay phòng riêng của Son là tuyệt đối không một ai được vào, chứ đừng nói là vào lấy đồ. Bất cứ người làm nào muốn gì thì chỉ được phép đứng bên ngoài nói vào thôi. Năm Lành vốn là người được cắt đặt phục vụ riêng cho Son, nhưng cũng chưa một lần được bước chân vào trong.
Tuy biết là vậy, nhưng Son vẫn hỏi:
– Vậy nó ở đâu?
– Cô Ba thử kiếm kỹ lại coi.
– Kiếm rồi. Đâu chị vào tìm lại giùm tôi coi!
Năm Lành tới bên bàn viết chợt cô nhìn ra cửa sổ và kêu lên:
– Cô Ba không thấy cái gì sao!
Theo tay chỉ của Lành, Son nhìn thấy một chiếc áo phụ nữ nằm vắt ngang nhánh cây bên ngoài cửa sổ.
– Của ai vậy?
Lành ngạc nhiên:
– Cái áo không phải của cô sao?
Son lắc đầu:
– Tôi đâu có loại áo này. Chị với tay được thì kéo vào thử xem?
Năm Lành thò tay ra cửa sổ vừa mở, chỉ cần rướn tay một chút là lấy được chiếc áo vào. Lúc này chị mới phát hiện áo chỉ còn lại vạt trước, vạt sau đã bị đứt ngang.
Kiểu may của áo, màu sắc, thoạt nhìn đã phân biệt được ngay, nó là của một người trẻ, nhưng được may cách đây khá lâu, nhất là kiểu cổ áo, thuộc loại khá xưa.
Son lắc đầu:
– Đây chắc là áo của ai phơi rồi bị gió bay, mắc trên đó. Chị đem bỏ ra ngoài đi.
Năm Lành cầm chiếc áo lên xem kỹ lại lần nữa. Chợt có một cơn gió thốc thổi chiếc áo bay vèo ra ngoài cửa, khiến Son giật mình:
– Coi chừng!
Chiếc áo như cánh diều bay một vòng, trước khi hạ thấp độ cao và cứ thế là đà trên mặt cỏ bay đi về cuối khu vườn và mất hút! Son quá đỗi ngạc nhiên trước hiện tượng vừa rồi, cô hỏi:
– Sao kỳ vậy chị Năm!
Năm Lành cũng không thể hiểu được, chỉ đáp:
– Có thể do luồng gió…
Tự dưng Son bắt rùng mình, cô giục:
– Thôi, chị đóng cửa lại đi.
Chờ cho Năm Lành gài chặt cửa sổ lại, Son bảo:
– Thôi, hông tìm nữa. Mà chị cũng đừng nói cho ai biết chuyện này. Kể cả chuyện vừa rồi nữa.
– Dạ, chuyện gì vừa rồi cô Ba?
– Thì chuyện chiếc áo bay.
Chẳng hiểu ý cô chủ, nhưng không dám hỏi, Năm Lành bước ra ngoài mà lòng chưa hết thắc mắc.
Phần Son, khi đứng lại một mình trong phòng, cô cứ bị ám ảnh mãi chiếc áo và cứ nghĩ là cách bay của nó phải chăng là muốn hướng dẫn tới một nơi nào đó.
Với suy nghĩ đó mà gần suốt đêm hôm ấy, Son không tài nào ngủ ngon giấc. Hễ mỗi khi nhớ tới thì cô bật dậy và kêu lên một cách ngẫu nhiên, như được ai mớm lời:
– Ở ngoài nơi lạnh lẽo đó!
Chính Son cũng không biết mình nói về ai. Chỉ thấy trong lòng càng lúc càng thấy bồn chồn, như muốn đi ra ngoài.
Cho đến khi trời rạng sáng thì nỗi bồn chồn không còn kìm giữ được, Son khoác vội chiếc áo khoác mỏng, rồi lẻn đi ra ngoài, không để ai phát hiện.
Khu vườn nhà Son rất rộng, trước đây khi ba cô còn sống thì đã từng trồng một vườn lan khá lớn, với nhiều giống lan nổi tiếng nhất vùng cao nguyên này. Khi ba cô mất thì những giò lan cũng từ từ tàn tạ theo, bởi không ai chăm sóc, nhưng hình như vẫn còn những giò bám vào các gốc cây to trong vườn, theo hơi sương sớm tỏa hương thơm ngát.
Son đi nhanh theo lối mòn mà từ nào đến giờ cô chưa một lần đặt chân tới. Chợt nhận ra một mảnh vải màu giống như màu chiếc áo lúc nãy, Son dừng lại nhìn và kêu lên:
– Đúng là vạt áo ấy!
Cô cầm lên xem kỹ và không khỏi kinh ngạc, bởi đó là vạt áo sau mà chiếc áo lúc nãy bị mất.
– Đây là…
Có một vật gì đó rơi mạnh ngay sau lưng, Son giật mình nhìn lại và không khỏi sửng sốt.
– Quyển sổ!
Thì ra đó chính là quyển nhật ký mà cô đã bị mất. Cầm trên tay mà Son chưa tin là thật, cô đưa mắt nhìn quanh nhưng chẳng thấy bóng dáng ai. Cũng chẳng có một tiếng động nào chứng tỏ có người gần đó…
Nỗi bồn chồn trong người lại trỗi dậy, Son bỏ phần vạt áo lại đó bước tiếp theo con đường mòn. Qua khỏi khu trồng lan cũ, đến một bãi đất trống, lúc này Son mới phát hiện ra còn có một khu đất rộng khác tiếp nối với khu vườn. Thì ra đất của ba cô rộng hơn cô tưởng nhiều, vậy mà khi chết ông trăng trối lại Son phải cai quản toàn bộ đất đai này, đừng để ai xâm chiếm.
Đi một quãng nữa thì ra tới một nơi mà phía trước mặt có hai cây cổ thụ nằm trơ trọi giữa bãi cỏ lớn. Xa xa mới là chân đồi. Như vậy có nghĩa là đất đai nhà Son ra tận ngoài đó.
Đi nữa hay thôi? Đúng ra bình thường thì Son sẽ không bao giờ tiến tới một nơi như thế này, nhưng lúc này hầu như là ai đi chứ không phải cô. Cho nên khi bước vào mấy chỗ có nhiều cỏ gai, Son vẫn gồng mình mà bước. Một lát sau, cô dừng lại chỗ gốc hai cây cổ thụ và ồ lên kinh ngạc khi thấy dưới gốc có một ngôi mộ nằm cô quạnh!
Và càng ngạc nhiên hơn khi ngay trước bia của ngôi mộ có một vật mà vừa nhìn thấy Son đã reo lên:
– Bộ quần áo!
Thì ra đó là bộ quần áo mà Son bị mất trong phòng!
– Sao nó lại ở đây?
Giữa quyển nhật ký vừa được ném trả lại và bộ quần áo này nằm cách nhau không xa, nhưng điều khiến cho Son ngạc nhiên là chỗ để bộ đồ. Tại sao là trước ngôi mộ? Mộ này của ai?
Đến khi nhìn lên bia mộ thì Son càng ngạc nhiên hơn với dòng chữ tên người chết trên đó: Nguyễn Thị Son.
Tại sao lại có sự trùng hợp đến lạ lùng như thế Son đứng thừ người, đầu óc cô quay cuồng một cách khó hiểu…
Có lúc Son tưởng chừng như mình không còn đứng vững. Cô phải đưa tay vịn vào đầu bia mộ để không bị ngã…
– Cô Ba, sao cô lại nằm ngoài này? Cô bị ai làm gì vậy?
Son mở mắt ra nhìn thấy Năm Lành thì ôm chầm lấy và giục:
– Cho tôi ra khỏi đây ngay!
Lành ngạc nhiên:
– Ra khỏi đây, vậy lúc nãy cô vào làm gì mà bây giờ đòi ra?
Nghe hỏi, Son đưa mắt nhìn và ngạc nhiên vô cùng, bởi nơi cô đang nằm không phải là chỗ đầu mộ, mà một căn phòng hoàn toàn xa lạ.
– Đây là chỗ nào?
– Là nhà thờ dòng họ. Là từ đường nhà họ Lưu mà từ lâu cô Ba không bao giờ bước vào và còn dặn tôi tớ khác, ngoài tôi ra không ai được vào đây nữa. Hồi nãy nếu tôi không tình cờ đi ngang qua đây và nghe tiếng rên trong này thì chắc khó mà phát hiện ra cô đang nằm. Tôi mạo muội vào đây để cứu cô, mong cô đừng rầy.
Son bắt đầu hoàn hồn, nhớ lại chuyện khi nãy, cô hỏi:
– Ngôi mộ ngoài kia của ai vậy?
– Mộ nào?
– Ở tuốt ngoài bãi cỏ trống, phía sau vườn lan.
Lành lắc đầu:
– Tôi không biết. Chỉ biết là nhà mình có một khu nghĩa trang riêng ở cách đây vài cây số. Mộ ông bà chôn ở đó.
– Tôi không hỏi ở đó, mà là ngôi mộ. Dưới cây cổ thụ ngoài kia kìa. Tại sao…
Cô định hỏi về cái tên Nguyễn Thị Son nhưng thấy không tiện, vả lại vừa khi ấy chợt nhìn thấy có bức ảnh chân dung thờ riêng, tách biệt với những nhà thờ khác trong phòng, cạnh lư hương có vật gì đó mà vừa thoạt nhìn Son đã giật mình:
– Cái gì kia?
Cô nhào tới ngay và reo lên:
– Đồ của tôi mà.
Đó là bộ quần áo và cuốn sổ nhật ký! Những thứ này cùng với Son nằm ở chỗ ngôi mộ, mà sao…
– Bàn thờ này thờ ai vậy chị Năm?
Năm Lành hơi lúng túng:
– Vật này chính ông gửi lại cho tôi. Ông dặn đến khi nào cô lấy chồng thì mới đưa. Nhưng nay tôi nghĩ…
Son hơi rụt rè khi tiếp nhận vật ấy, cô nhẹ giọng:
– Tôi xin lỗi chị. Tôi tôn trọng những gửi gắm của ba tôi với chị, nhưng…
Năm Lành nói:
– Cũng đã đến lúc rồi cô Ba. Lâu nay chỉ vì mấy thứ này mà níu kéo tôi ở lại đây, chứ đúng ra tôi đã đi lấy chồng rồi. Cô chưa có chồng, nhưng giờ cô là người thừa kế, cai quản hết sản nghiệp này, nên có đủ tư cách để xem những gì ông để lại. Cô cứ đem về phòng và từ nay giữ lấy.
Son muốn mở gói đó ra ngay, nhưng nghe Lành nói, cô cầm đem về phòng mình. Vừa mở ra, Son đã giật mình khi thấy đúng là chữ viết của ba cô ngay bên ngoài một quyển sổ: “Những điều con gái ba phải biết trước khi đi lấy chồng”.
Trong số con của ba thì Son là đứa duy nhất thuộc giới nữ. Còn lại hai người con trai thì một đã chết, một thì mất tích ngay từ nhỏ. Vậy đích thực đây là vật ba để lại cho mình rồi! Son thẫn thờ một lúc mới từ từ mở quyển sổ ra… Đây là một tự truyện mà ba cô viết y như thật. Đọc đến đâu, câu chuyện như sống lại với đầy đủ các chi tiết…
“Phan Rí mùa hè năm 1958… Sửa soạn xong hành lý, chưa kịp xách đi thì Chu Sa giật mình khi thấy có ai đó kéo cái vali của mình lên.
– Hành lý của cô đã bị đánh cắp!
Nghe giọng nói, Sa không cần quay lại cũng biết đó là ai. Cô nghiêm giọng:
– Người ta đi có người vui lắm mà! Mà vui cũng phải, hết còn kỳ đà cản mũi nữa rồi!
Anh chàng Lợi xịu mặt:
– Người ta sợ trễ không kịp tiễn nên ba chân bốn cẳng chạy về, còn giận nữa…
– Ai mà dám giận hờn. Người ta có nơi để mà giận rồi, còn cần gì nữa mà làm bộ.
– Kìa, Sa, sao em lại nói vậy? Bộ muốn anh cắn lưỡi tại đây để em đi mới hài lòng sao!
Lợi nói chưa dứt lời đã ngã chúi xuống đất, đầu đập thẳng vào nền nhà vang lên một tiếng làm cho Sa hốt hoảng:
– Anh điên hả? Làm gì vậy, trời ơi là trời!
Cô cúi xuống thì thấy máu từ đầu của Lợi tuôn ra ướt đẫm cả cổ áo. Lợi thì nằm bất động!
– Lợi ơi, em xin lỗi. Em nói đùa mà!
Cô đang sợ thất thần, chưa biết phải làm sao thì chợt Lợi ngồi bật dậy, cười như mếu:
– Nghe em nói vậy anh hết đau rồi!
Tuy nói là hết đau nhưng Lợi phải dùng tay bịt chỗ vết thương ở đầu, mặt thì xanh dờn. Sa phải gắt lên:
– Đưa em xem vết thương coi sao đã!
Lợi tự lấy khăn tay của mình cột ngang đầu và trấn an:
– Không sao mà. Lúc đập đầu xuống anh đã chọn bên không nguy hiểm, chứ ai lại…
– Chọn chọn cái nỗi gì, anh chứng nào vẫn tật nấy, lỡ trúng chỗ nghiệt thì sao? Chết liền không nói gì, chạm thần kinh rồi… điên điên khùng khùng ai chịu nổi!
Lợi đưa tay lên định nắm tay người yêu nhưng khi nhận thấy tay mình đầy máu, anh vội nói:
– Chờ anh rửa tay một chút rồi đưa em ra ga. Còn kịp giờ mà!
Chính Sa theo Lợi ra sau nhà và cũng chính cô rửa vết thương, thấy vết thương không sâu cô mới yên tâm, nhưng vẫn cằn nhằn:
– Bộ anh tính làm nũng để em ở lại hả? Em nói rồi, em chỉ đi trước ít bữa, rồi đầu năm học anh cũng vào mà, chứ có bỏ đi luôn đâu mà dữ vậy? Hôm qua anh nói gì nhớ không, em giận lắm.
Lợi xuống giọng:
– Hôm qua anh bậy, nói năng càn quấy, em tha cho. Cũng chỉ vì anh nghe người ta nói… em đi chuyến này là đi để lấy chồng, bỏ anh!
Sa trừng mắt:
– Họ nói vậy mà anh cũng tin hả? Nếu tin thì… em đi luôn!
Cô bỏ ra nhà trước, Lợi ôm đầu chạy theo, năn nỉ:
– Anh xin lỗi mà. Không tin em thì tin ai.
– Đi tìm con Mỹ Hoa xóm chài đi, nó tuyên bố với mọi người nếu không lấy được anh thì nó thề đi bằng đầu xuống đất đó!
– Chuyện đó anh giải thích rồi mà. Tuyên bố là của nó, còn có gì hay không là ở anh, em không tin sao?
– Tin gì nổi!
Vừa nói Sa vừa xách va li đi một nước ra thẳng đường, Lợi đành phải chạy theo nhưng chợt Sa quay lại quát lớn:
– Anh để quần áo đầy máu me như vậy ra ga hả?
Lợi chợt nhớ, anh vội nói:
– Vậy em đi ra đó trước, anh tạt qua nhà thay áo đã!
– Không cần! Trong nhà có sẵn cái áo của anh mắc mưa hôm trước, em giặt ủi rồi, treo chỗ móc áo.
Lợi chạy bay vào nhà thay áo. Khi trở ra anh thấy Sa vẫn đứng đợi. Vậy là cả hai cùng cười và nắm tay nhau đi như chưa có gì xảy ra. Đôi tình nhân này như vậy đó, yêu rồi giận, giận rồi lại yêu. Và sau mỗi lần như thế thì tình yêu của họ càng tăng thêm.
Ra tới ga, vừa kịp lúc xe chạy, siết chặt tay người yêu Sa nói qua màn nước mắt:
– Mau mau vào với em. Đừng để em đợi lâu.
– Anh sẽ vào ngay tuần sau!
Tàu chạy khá xa rồi mà bóng Lợi vẫn còn đứng yên trên sân nhìn theo và nghe nỗi đau gặm nhấm tâm hồn. Vết thương trên đầu có làm cho anh đau, nhưng thật ra nỗi đau trong lòng mới là cơn đau thật sự. Nhớ đến gương mặt của Sa lúc lên xe, lòng Lợi càng quặng đau.
Thẫn thờ khi bước về nhà, Lợi như người mất hồn. Chợt có tiếng gọi từ sau:
– Anh Lợi đi đâu mà em kiếm suốt từ sáng tới giờ!
Một cô gái đẹp sắc sảo, ăn mặc ra dáng con nhà giàu, vừa bước xuống chiếc xe hơi riêng vừa ôm lấy vai Lợi, nũng nịu:
– Người ta chờ muốn chết luôn! Ba má đang đợi anh ở nhà, có việc quan trọng lắm, anh lên xe ngay đi, về với em!
Lợi lưỡng lự, nhưng chợt thấy có bóng người quen ở đằng xa, nên anh đành phải leo nhanh lên xe để tránh mặt. Thấy đầu Lợi có vết thương, cô gái lo lắng:
– Anh bị sao vậy?
Lợi sợ cô nàng chạm vào vết thương, nên vội lấy tay ngăn lại:
– Hoa đừng đụng vào.
Thì ra cô gái này là cô Mỹ Hoa, cô đã từng tuyên bố “nếu không lấy được Lợi thì tôi sẽ đi bằng đầu!”. Lợi ngồi im ở góc ngoài của băng sau thì cô nàng đã kéo mạnh vào sát với mình:
– Bộ sợ em lây bệnh hả, sao ngồi xa vậy!
Cô ta quay về phía tài xế:
– Anh cho xe chạy ra nhà hàng Tân Hòa Lợi chứ đừng về nhà!
Lợi ngạc nhiên:
– Sao em nói hai bác đợi ở nhà?
Hoa chẩu môi ra:
– Không về có được không? Bữa nay phải bắt anh uống rượu cho bò luôn, để trị cái tội cứ lần lựa mãi chưa chịu chọn ngày cưới! Mà tôi cũng thông báo luôn, lát nữa tôi sẽ chính thức tuyên bố…
Lợi hoàn toàn bị động trước cô ả này, nên suốt trong buổi cùng ngồi tại nhà hàng chỉ toàn nghe cô ả nói, còn Lợi thì toàn nghe và gật. Gần cuối bữa tiệc, trong lúc Lợi đã phải uống đến ly thứ sáu, uống gần hết nổi thì Mỹ Hoa lại rót đầy một ly nữa, cùng cụng ly:
– Anh hãy uống hết ly này nữa, coi như đoạn tuyệt tất cả những gì còn lại. Quên luôn con nhỏ Chu Sa nghèo khổ của anh đi!
Trong cơn say bí tỉ, nhưng nghe câu nói đó, Lợi phản ứng ngay:
– Cô nói ai là nghèo là khổ? Người ta nghèo khổ nhưng đâu có ăn nhờ ăn xin gì của cô!
Mỹ Hoa phá lên cười:
– Coi kìa, vừa động đến người yêu bé bỏng thì đã giãy nảy lên rồi. Nó nghèo thì tôi nói là nghèo, có sao đâu mà bắt bẻ!
Lợi đứng dậy định sấn tới thì… bất chợt ngã chúi tới trước, nằm bất động. Mấy người phục vụ trong quán nháo nhào chạy tới định đỡ lên ghế thì đã nghe Mỹ Hoa bảo:
– Khiêng luôn anh ta lên phòng 101 trên lầu. Phòng tôi đã thuê sẵn rồi.
Lợi được đưa lên phòng trong tình trạng say như chết. Và một màn kịch bắt đầu…
Khoảng nửa giờ sau, có một chiếc xe hơi đỗ trước nhà hàng khách sạn Tân Hòa Lợi: Trên xe có bốn người bước xuống gồm ba má của Mỹ Hoa: ông bà Phán Hòa và… cha mẹ của Lợi: ông bà Bảy Khá!
Họ đi thẳng vào khách sạn, không cần hỏi ai, họ xông thẳng lên lầu đến trước phòng 101 và không cần gõ cửa, cứ xô thẳng vào! Mấy người phục vụ không kịp can ngăn thì đã bị bà Phán Hòa đuổi đi:
– Mấy người không có việc gì ở đây, xin đi cho. Đây là chuyện riêng của gia đình chúng tôi, để chúng tôi giải quyết!
Khi mấy người phục vụ đi ra hết thì đích thân ông Phán Hòa đẩy tung cửa vào. Người kêu lên đầu tiên là bà Bảy Khá:
– Trời ơi!
Trước mắt họ là một cảnh tượng làm xốn mắt bốn người lớn! Lợi đang trần truồng cùng với Mỹ Hoa… trên giường. Và hình như hai người đang ngủ say sau một giấc vu sơn!
Bà Phán gào lên:
– Trời ơi là trời! Con gái tôi… nó… nó…
Ông Phán thì gầm lên:
– Thằng khốn này, nó dám… nó…
Ông nghẹn lời, trong lúc bà Bảy thì thất thần. Chỉ có ông Bảy Khá thì lặng người đi, vừa quay chỗ khác vừa lẩm bẩm:
– Nghiệp chướng nè trời ơi!
Rồi tất cả họ đều lặng thinh. Có lẽ sợ làm ầm lên thì xấu hổ… Nhìn nét mặt đỏ bừng của ông Phán Hòa đủ biết ông giận ghê gớm. Rồi bằng giọng nhẹ nhàng hiếm thấy, bà Phán bảo:
– Gọi tụi nó dậy rồi về nhà tôi, mình giải quyết, chứ làm ầm ĩ ở đây thì ích lợi gì!
Chú Bảy Khá lẳng lặng bỏ xuống nhà và ông lầm lũi đi bộ về nhà mà không chờ xe và bà vợ tội nghiệp của mình.
Buổi tối đó, người đi chài lưới bắt gặp chú Bảy nằm thoi thóp trên bãi. Nếu không kịp khiêng chú lên thì thủy triều kéo chú ra xa và coi như xong một đời. Khi người ta đem được chú về nhà thì thím Bảy ngồi khóc rưng rức bên cạnh Lợi nằm như xác chết!
Thấy chú, thím Bảy lại càng khóc dữ hơn:
– Ông chỉ biết cho thân ông thôi, còn để tôi với lũ người quyền thế đó. Họ nhục mạ, mắng chửi đã đời rồi còn đặt điều kiện này điều kiện nọ, mà mình có quyền đâu mà cãi cọ, từ chối.
Đang trong trạng thái kiệt sức, vậy mà chú Bảy cũng gượng dậy, hỏi:
– Họ bắt cái gì?
– Thì còn gì nữa, con mình đã làm chuyện tác tệ với con gái họ, họ không thưa kiện cho đi tù là may.
Chú Bảy gào lên:
– Tôi biết thằng con trai tôi, nó đâu có ưa gì con nhỏ đó mà lấy!
– Nhưng chứng cớ ràng ràng ra đó còn chối gì nữa!
– Chứng cớ gì…
Nói được mấy tiếng rồi chú ngất đi. Mấy người đưa chú về thuật lại:
– Hồi chiều thấy ông ấy uống thật nhiều rượu rồi đi ra biển trầm mình dưới đó cho đến tối, muốn tự tử hay sao mà khi kéo ông ấy lên ông ấy còn kháng cự.
Đến lúc đó thì Lợi mới tỉnh lại. Vừa bật dậy, thấy cha mẹ như thế Lợi hốt hoảng:
– Có chuyện gì vậy má?
Thím Bảy thuật lại đầu đuôi rồi hỏi giọng nghiêm:
– Bộ mày thèm khát chuyện đó sao làm vậy hả Lợi?
Lợi ngơ ngác:
– Con có làm gì đâu! Con chỉ…
Anh nhớ lại rồi kêu lên:
– Chết rồi, con bị phục rượu rồi! Con bị…
– Phục hay không má không biết, chỉ thấy con và con đó trần như nhộng trong phòng khách sạn. Vợ chồng Phán Hòa cũng thấy và họ làm dữ, họ đòi bồi thường tiết trinh con gái họ và còn đòi…
Lợi quá phẫn uất:
– Con gái họ đã gây ra chuyện này mà còn làm lớn chuyện nữa sao!
Thím Bảy thuật rõ hơn:
– Chính con Mỹ Hoa nói rằng khi thấy con uống quá say đã nhờ người khiêng về phòng khách sạn, định giúp con dã rượu, nào ngờ con nổi thú tính, cưỡng hiếp nó. Nó chống cự không lại nên xuôi tay.
Lợi thật sự không chắc mình đã làm gì trong cơn say, nhưng chuyện ấy thì chắc là không. Anh cố giải thích:
– Con thề với má là con không bao giờ!
– Má tin con, nhưng họ đâu có tin. Mà họ thì quyền thế trong tay, lại giàu có nhất làng này, mình làm sao đối đầu lại với họ, con!
Bà lại khóc nức nở. Lợi bất nhẫn nhìn mẹ mình, đột nhiên anh đứng dậy dợm bước ra ngoài. Thím Bảy hốt hoảng:
– Con còn tính đi đâu nữa?
– Con phải qua nhà nói cho họ hiểu!
Thím Bảy nắm tay con lại:
– Má xin con, đừng làm lớn chuyện mà thiệt thân. Chỉ việc họ thưa con cưỡng hiếp con gái họ thì con trả lời sao? Ba má nghèo, đâu có tiền đi hầu tòa hay đền bù hả con!
Lợi ngồi xuống, ôm lấy đầu, rên rỉ:
– Rồi con ăn nói sao với Sa đây! Cô ấy cũng nghèo nên mới đi Sài Gòn làm mướn, trước khi đi cô ấy còn căn dặn con là hãy ráng giữ mình, ít bữa cùng lên đó với cô ấy để cùng làm thuê làm mướn kiếm tiền gửi về cho gia đình…
Thím Bảy cũng nói:
– Tao với ba mày mới vừa gặp bên gia đình con Sa, hứa với họ là Tết này sẽ đưa sính lễ qua để làm đám hỏi cho tụi bay. Bây giờ biết tính sao đây…
Chú Bảy đột ngột ngồi dậy, chú không nhìn vợ con, mà nhìn thẳng lên trời cao, nói như nói với ông trời:
– Tình thế này thì chỉ có cái chết mới hết nhục thôi.
Chú bật đứng dậy, nhưng bị ngã trở xuống. Nhìn cha như vậy, tự dưng bao nhiêu phẫn uất trong lòng của Lợi như đợt sóng trào, anh hét lên một tiếng rồi lao vút ra ngoài.
– Con ơi, đừng…
Tiếng kêu thảng thốt, tuyệt vọng của người đàn bà tội nghiệp…
Đêm hôm đó Lợi đã quậy phá nhà vợ chồng Phán Hòa. Nhưng cuối cùng anh đã bị trói gô đưa về đồn. Tên đại úy trưởng đồn lệnh cho thuộc hạ còng tay chuyển ngay Lợi lên tỉnh trong đêm đó. Hay tin, bà Bảy Khá đã đến đứng ngoài đồn gào khóc và bị đánh đập nặng tay. Những việc đó đã diễn ra trước mặt Lợi, nên anh càng đau lòng…
Tuy nhiên, ngay sáng hôm sau thì có lệnh thả Lợi ra, sau khi anh chịu ký vào tờ giấy thú nhận việc làm sai trái với Mỹ Hoa, và hứa chịu trách nhiệm danh dự với gia đình Phán Hòa.
Được thả ra nửa ngày sau thì đích thân vợ chồng Phán Hòa sang nhà cha mẹ Lợi làm hòa. Chính ông Phán đã tuyên bố.
– Chẳng qua hiểu lầm. Nay cháu Lợi nó biết hối thì vợ chồng tôi cũng không hẹp hòi gì mà không tha thứ cho nó. Ngay ngày mai, anh chị cứ để tụi tôi lo hết mọi chuvện, lễ hỏi sẽ được tổ chức. Một tuần sau thì đám cưới luôn!
Vợ chồng Bảy Khá chỉ còn nước lặng thinh chấp nhận. Lợi thì như kẻ mất hồn, người ta nói gì anh cũng dạ dạ, vâng vâng.
Đám hỏi cử hành mà mọi thứ từ quần áo, nữ trang, cho đến việc đãi đằng đều do nhà gái lo liệu.
Cho đến ngày cưới cũng vậy. Khi lễ cưới vừa xong thì xảy ra một cuộc cãi vã dữ dội giữa Lợi và Mỹ Hoa. Bởi vừa lột áo cô dâu ra, Mỹ Hoa đã không giấu được cái bụng đã to lên của mình trước mặt Lợi! Anh chàng điếng người:
– Như vậy là cô gạt tôi phải không?
Mỹ Hoa cười đầy thách thức:
– Bây giờ mới biết sao? Bộ mấy người tưởng dễ lấy được tôi hả? Chỉ có đổ vỏ thì mới tới anh thôi, hiểu chưa!
Không dằn được, Lợi sấn tới đánh cho con đàn bà lăng loàn hai tát tai, và thế là cô ả la bài hãi, khiến cả nhà rung động. Vợ chồng Phán Hòa hăm dọa:
– Mày có thái độ này thì lập tức cả mày, cha mẹ mày đều tù rục xương. Mày có nhớ cái giấy mày ký trước khi được thả ở đồn cảnh sát không?
Ông ta ném tờ giấy trước mặt Lợi và bảo:
– Đây là bản sao y từ nguyên bản, có chứng thực của chính quyền, mày đọc lại coi!
Lợi không muốn đọc làm gì cái tờ giấy nhục nhã đó, tuy nhiên khi liếc qua anh phát hiện có điều là lạ, anh cầm lên và kinh hoảng:
– Tại sao có thêm điều khoản này?
Phán Hòa cười khẩy:
– Điều khoản nào?
– Thì điều sau này. Hồi tôi ký đâu có điều này?
Ông Phán giằng lấy, đọc to lên:
– Tôi cam kết nếu sau này bội ước với gia đình cô Mỹ Hoa thì sẽ chịu bồi hoàn số tiền coi như đền danh dự là mười lượng vàng ròng. Nếu tôi thất tín thì tôi và cha mẹ tôi sẽ chịu hình phạt trước pháp luật, nhà cửa tôi sẽ bị tịch biên để bù vào.
Đọc xong, ông Phán hỏi lại:
– Cậu còn lớn lối nữa hết?
Lợi vẫn la to:
– Điều này là bịa đặt! Lúc ký tên tôi không hề thấy điều này. Tôi không thừa nhận!
Một viên lục sự tòa án hình như đã được mời sẵn từ trước, xuất hiện và nghiêm giọng bảo Lợi:
– Mọi việc sẽ đơn giản hơn nếu cậu không gây rắc rối gì cho gia đình! Bằng không thì ngay lúc này, tôi sẽ lập biên bản và cậu sẽ nhận mọi hậu quả!
Chuyện diễn ra chóng vánh chỉ trong vài mươi phút, vậy là Lợi lại đưa cổ vào thêm một cái tròng nữa. Anh đổ gục xuống trong nỗi thất vọng ê chề…
Ngay lúc đó, có một người xuất hiện trước cổng nhà. Người ấy nhìn vào theo dõi bóng của Lợi từ lúc anh bước xuống xe hoa cùng với vợ. Cô đứng nép vào một góc tối khóc một mình. Đó là Sa.
Rồi đột nhiên cô ngã xuống. Có lẽ do đứng lâu và cũng bởi do quá xúc động. Chẳng một ai hay biết, cho đến khi có người đi qua phát hiện họ liền chở đi bệnh viện. Tại đây, người ta đã cứu tỉnh được Sa, nhưng vị bác sĩ trực đã lo lắng nói:
– Chẳng biết thân nhân cô này ở đâu. Cô ấy có thai hơn bốn tháng rồi!
Mãi đến lúc có người biết chuyện chạy đi báo tin cho Lợi hay, anh tới bệnh viện thì Sa đã đi mất! Chỉ có một mảnh giấy nhỏ được đề gửi tên anh ở đó với nội dung thật ngắn gọn: “Em mang trong mình dòng máu của anh và em sẽ nuôi dưỡng nó. Em đặt tên con là Son, để nhắc cho anh nhớ, lòng em lúc nào cũng son sắt và cũng cho nó có nghĩa giống tên em. Em là Chu Sa cũng là Son…”
Nghe các bác sĩ trong bệnh viện kể lại, Lợi biết là Sa cũng mang thai bằng với cái thai trong bụng của Mỹ Hoa, và đó đúng là kết quả của những lần vụng trộm giữa anh và Sa cách đây hơn bốn tháng…
– Cậu Hai, cô Hoa đang đợi ngoài xe.
Lợi giật mình, thì ra con quỷ cái đó lúc nào cũng bám sát anh, nhất cử nhất động của anh đều không qua mắt được nó! Lợi ức lắm, nhưng cũng đành phải trở ra. Vừa thấy mặt anh, Mỹ Hoa đã đay nghiến:
– Chung tình dữ há? Thăm viếng “bà bầu” mà sao không mang theo quà cáp gì hết, đây tôi đưa cho quà nè, tìm mà cho nó!
Lợi trừng mắt với cô ta:
– Cô muốn gì đây?
Hoa cười nửa miệng:
– Có muốn gì đâu ngoài việc đem tiền tới cho nó mà nó làm cao không nhận. Đồ ngoan cố, không biết thân biết phận, cho chết đường chết chợ, đáng đời.
Lợi giận tím ruột bầm gan, anh muốn giết chết ả rồi ra sao cũng được, nhưng vừa nắm bàn tay lại thì chợt nhìn thấy cái bụng đang mang thai của ả. Dẫu không là con mình, nhưng nó vẫn là một sinh linh vô tội.
Lòng của Lợi dịu xuống, anh thở dài, nhắm nghiền mắt, mặc cho số phận… Giọng cô ả vẫn đều đều:
– Tôi tiếc là lúc nãy bị cái bụng bầu này nên không đuổi theo kịp khi nó lên xe lửa xuôi Sài Gòn, chứ không thì cho nó một trận!
Những lời độc địa đó dẫu sao cũng cung cấp cho Lợi một tin tức biết được là Sa vẫn trở về nơi mà trước đây cô đã đến.
– Có muốn đi thăm nó không? Ngày mai này tôi theo ba tôi đi Sài Gòn, mà không chừng kỳ này mua nhà luôn trong đó nữa!
Lợi không buồn trả lời. Để cho ả ta muốn nói gì thì cứ việc nói. Khi xe chạy về tới nhà thì Lợi đã ngủ từ lúc nào rồi.