Trong Nho giáo dạy rằng, đạo làm người phải có được 5 đức cơ bản: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín – ấy mới là người quân tử chân chính. Nhưng với mình, điều đáng quý nhất ở mỗi con người từ khi sinh ra đến lúc chết đi là tấm lòng hiếu thảo đối với đấng sinh thành…
Đạo Phật thường nói về luật nhân quả, về nghiệp báo. Ở đời, làm người tốt thì khó chứ làm người xấu rất dễ, cũng vì vậy mà kẻ ác sẽ luôn bị báo ứng, chẳng sớm thì muộn, không đời cha sẽ là đời con. Và mình tin điều này.
Với những người bị cha mẹ bỏ rơi thì không nói, ta có quyền oán trách, thậm chí là hận thù họ. Nhưng với những người được cha mẹ hết lòng chăm sóc, dạy dỗ đến nơi đến chốn thì dù có thế nào cũng phải đền đáp xứng đáng công lao trời bể ấy chứ đừng nói là đối xử với mẹ cha chẳng ra sao. Tội bất hiếu là tội cực kỳ nặng, và cái giá phải trả cũng vô cùng tàn khốc… Hi vọng câu chuyện sẽ đọng lại chút gì đó đáng để suy ngẫm cho những ai đọc nó…
Mẹ mình có 1 người dì ruột, nghe nói bà rất đẹp, đẹp hơn bà ngoại mình nhiều. Mình chưa được gặp bà bao giờ vì hiện tại gia đình bà đang sinh sống ở trong miền Nam. Hồi mẹ mình còn nhỏ thì bà vẫn ở ngoài Bắc. Thời trẻ, ông Vi (chồng bà) kinh doanh giỏi + với mẹ chồng bà buôn bán tháo vát nên gia đình rất giàu có, sung túc. Ông Vi lại là con trai duy nhất, được cưng chiều từ tấm bé, đến tận khi lấy vợ mà vẫn được mẹ hết mực thương yêu . Cuộc sống gia đình bà Vi những năm đó là niềm mơ ước của nhiều người…
Theo thời gian, mẹ chồng bà Vi già đi nên chẳng thể chợ búa, buôn bán được nữa. Kinh tế gia đình bà vẫn vững chắc do có cơ sở từ xa xưa rồi. Chính vì thế, ông Vi thường xuyên qua lại, giao lưu với những người giàu có chứ hiếm khi chơi với người nghèo, chỉ có anh em họ hàng là ông không dám chê nhưng trong bụng vẫn thầm coi thường. Ông Vi rất trọng sĩ diện và vẻ hào nhoáng bên ngoài nên hồi ý cả huyện mình may ra có vài nhà mua được ti vi thì nhà ông cũng sắm 1 cái, thi thoảng ông mang vào sân kho hợp tác thì cả làng đua nhau ra xem.
Cụ M – Mẹ chồng bà Vi ngày càng yếu sức, một lần đi ra ngoài vào sáng sớm bà trúng gió, nằm gục trước cửa, con cái bế bà lên viện mới vỡ lẽ bà đã bị tai biến mạch máu não. Do ngày đó thuốc thang chưa nhiều như bây giờ nên bà bị liệt mất nửa người, không thể đi lại được, suốt ngày chỉ ngồi trên giường, đi vệ sinh phải có người bế đi, hôm nào bế không kịp thì bà xả luôn ra nhà.
Ông Vi thấy thế đâm khó chịu với cụ M, ông không cho cụ ở trên nhà lớn nữa vì sợ phải dọn dẹp, sợ mùi hôi thối nên xây 1 cái nhà bé tí, chắc khoảng 6m2 cho bà ra ở riêng. Cái nhà ấy ngay cạnh bếp, đằng trước là giếng và đằng sau là nhà vệ sinh. Mỗi lần đi vệ sinh hay xuống bếp là đều phải đi qua chỗ cụ nằm. Mẹ mình kể có lần lên chơi, đi xuống rửa chân nhìn thấy cụ ngồi bẹp dúm trong xó nhà tăm tối, muỗi mát bay đầy, cụ cứ lấy tay lần lần lên đầu để bắt chấy trông rất tội nghiệp.
Bà Vi nhiều lần khuyên ông Vi đưa cụ lên nhà nhưng ông nhất quyết không cho, đến bữa thì mang cơm xuống.
Vì cụ chỉ bị liệt 2 chân nên thức ăn cụ vẫn phải tự xúc. Ông Vi không bao giờ ngó ngàng gì tới cụ, mặc dù nhà cao cửa rộng nhưng vẫn để mẹ đẻ nằm trong cái cũi 6m2 ấy. Mẹ mình bảo chưa thấy ai ác độc và dã man như ông Vi, ông ấy còn mong cụ chết sớm để đỡ phải nuôi. Bà Vi tuy là con dâu nhìn mẹ chồng thế còn thấy xót, nhưng không thể nói được ông, vì chuyện này mà ông Vi cũng đánh vợ mấy lần, còn mấy đứa cháu cụ M cũng chẳng quan tâm đến bà nội. Chúng cứ sống trong sung túc mà chẳng mảy may thương xót cụ.
Rồi cụ cũng khuất núi trong sự ghẻ lạnh, đối xử tàn nhẫn của chính con ruột mình.
Và những chuyện liên quan đến tâm linh lúc này mới thực sự bắt đầu…
Lúc cụ trút hơi thở cuối cùng, không ai biết, chỉ khi bà Vi mang cơm xuống mới tá hoả thấy xác cụ M lạnh ngắt, 2 tay co quắp ngồi dựa vào tường, đặc biệt là đôi mắt mở to bất thường, cứ nhìn trừng trừng vào không gian. Ông Vi phải thuê người đến bó xác cụ, vì xác đã cứng nên khi cho nằm thẳng ra rất khó. Điều kỳ lạ là người ta vuốt thế nào mắt cụ vẫn mở to, không tài nào nhắm lại được.
Dù có khấn vái kiểu gì cũng chịu, mọi người đành để thế, rồi người ta đậy 1 tấm vải màu vàng che mặt cụ, đôi mắt kia cũng bị che khuất, nhưng đằng sau lớp vải mỏng manh ấy, đôi mắt vẫn không hề khép lại… Người bó xác cho cụ M trước lúc về có nói với ông Vi rằng: “Sắp tới sẽ có những điều kì lạ và sóng gió, gia đình hãy cẩn thận!”
Lo đám ma cho cụ xong xuôi, ông Vi như trút được gánh nặng, ông vui sướng ra mặt , bán luôn con xe đạp để mua con Cub vì cũng mới thu được 1 khoản từ tiền đám ma. Ngày thứ 7 kể từ khi cụ M mất thì trong nhà xảy ra chuyện lạ, ở cái ao phía cuối vườn nhà ông Vi, lũ cá thi nhau nhảy lên bờ, cứ giãy đành đạch vậy, ba người con ông thấy thế ùa ra xem với vẻ thích thú. Cá to thì bắt bỏ vào rổ, cá nhỏ lại thả xuống, chủ yếu là cá rô và cá trê chứ tuyệt nhiên không có loại nào khác. Cá cứ phi lên cạn liên tục, nhiều con đâm đầu vào gạch đá ven bờ chảy máu, mùi tanh nồng bắt đầu bốc lên… Khó chịu!!!
Một lát sau thì cá không nhảy nữa, bà Vi lắc đầu bảo : Chim sa cá lặn, cá nó nhảy lên bờ thế này là độc lắm! Quả không sai, ngay đêm đó, chú TA – con trai cả nhà ông Vi đang ngủ bỗng tỉnh dậy khóc toáng lên, ông bà chạy vào hỏi thì chú cứ chỉ xuống chân giường, nước mắt giàn giụa: “có người ngồi dưới chân giường đánh con đau lắm, nhìn giống bà nội, huhu…”.
Ông bà Vi nhìn nhau, không ai nói câu nào nhưng đều hiểu là con trai họ vừa trải qua chuyện gì. Bà Vi lặng lẽ đến ban thờ thắp hương, vừa khấn cụ M vừa thút thít khóc. Bỗng dưng Có cơn gió lạnh thổi qua, bát hương đổ ụp xuống, chân nhang văng tung toé, cả nhà ngơ ngác không hiểu tại sao? Ông Vi vội vàng dựng lại bát hương cụ M rồi xua cả nhà đi ngủ. Có lẽ đêm ấy ông không ngủ được…
Sáng hôm sau tỉnh giấc, ông bà gọi các con dậy ăn sáng thì chú K (em trai chú TA) hốt hoảng chạy từ buồng ra: “thầy u vào xem anh cả bị làm sao ấy”. Ông bà lo lắng chạy đến giường thì thấy người chú TA lạnh toát, thân thể mềm nhũn, bất tỉnh. Ông vội vàng bế chú vào bệnh viện huyện, chú TA bị trúng gió, cũng may cấp cứu kịp thời nên chú qua khỏi, chỉ vài ngày sau là xuất viện. Sau khi khỏi ốm chú TA trở nên lầm lỳ, ít nói hẳn, khuôn mặt lúc nào cũng cau có, đôi khi chú lén nhìn về phía bàn thờ cụ M một cách khó hiểu…
Ông bà Vi mải kinh doanh nên không để ý nhiều tới sự thay đổi của con, và cũng chẳng mảy may suy nghĩ về cái đêm hôm trước nữa. Ông bà nghĩ cụ M mới mất chắc nhớ nhà nên về thôi. Người thân mà, không việc gì phải sợ!
Mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, ông Vi hàng ngày vẫn đi lượn lờ quanh khu cùng con Cub 67 với vẻ huyênh hoang, đắc chí.
Một buổi tối nọ, ông Vi đi đánh tổ tôm về muộn, sau khi cất xe xong leo lên giường ngủ thì cứ thấy lòng dạ bồn chồn, ông đang mơ màng bỗng thấy có người đàn bà dáng vẻ gầy gò, quần áo luộm thuộm, tóc tai lõa xoã ngồi trên chiếc xe, vừa ngồi vừa cười nhăn nhở rồi bóp còi inh ỏi, ông Vi vội vàng tung màn chạy ra xem vì sợ có trộm.
Ông vừa lao đến thì người đàn bà ấy chạy vọt ra phía sau nhà, ông vác dép đuổi theo, vừa chạy vừa hô: “Trộm! Trộm!”. Người đàn bà chạy ra đến cái ao sau nhà ông Vi thì quay lại quắc mắt chửi: “Tổ sư mày, tao là mẹ mày đây!”
Nói xong bà nhảy tùm xuống ao, ông Vi cũng giật mình tỉnh giấc luôn, ông vội vàng nhìn ra chiếc xe, nó vẫn im lìm chỗ cũ. Ông dậy thắp ngọn nến, đốt nén hương thắp cho cụ M, dưới ánh sáng mờ ảo của ngọn nến, ông lẩm bẩm: “Con có lỗi với u, u tha lỗi cho con, mong u sớm siêu thoát…”
Ông vừa nói dứt câu, ngẩng đầu lên thì ánh mắt bị hút luôn vào tấm di ảnh cụ M đặt trên bàn thờ. Giữa làn khói hương mờ đục, đôi mắt nheo nheo thường ngày trên ảnh của cụ đang từ từ mở to ra, điều đáng sợ là 2 tròng mắt cụ chỉ toàn lòng trắng chứ không có lòng đen, gân máu nổi chằng chịt. Cụ M nhoẻn miệng cười với đôi mắt trắng dã vô hồn… ông Vi chỉ kịp hú lên một tiếng kinh hãi rồi ngất lịm ngay dưới chân bàn thờ…
Sáng hôm sau, ông Vi tự tỉnh lại được nhưng đầu óc choáng váng, mắt mũi lờ đờ như người vừa ốm dậy. Mấy ngày tiếp theo ông chẳng thiết bán hàng hay đi lượn nữa. Cả ngày ông chỉ đi lại quanh nhà, không dám nhìn lên bàn thờ cụ M, đôi mắt ấy vẫn cứ ám ảnh ông mãi không nguôi… Nỗi lo sợ về người mẹ vừa mất ngày càng nhiều hơn trong ông, chợt nhớ đến lời người bó xác cho cụ M hôm đó: “Sắp tới sẽ có những điều kì lạ và sóng gió….”. Ông Vi đang nằm liền ngồi bật dậy, ngay lập tức, ông leo lên con Cub phi thẳng đến nhà người ấy…