Chap 7 : Cây cầu thủng nhiều người chết và cây gạo nghĩa địa
Bắc qua con sông , nối từ xã bên cạnh sang xã nhà ông bà tôi có một cây cầu, tên của nó là cầu Thủng…. cầu làm bằng bê tông , gọi là cầu thủng nhưng nó không thủng chỗ nào, mà nó là một cây cầu không có lan can. Cây cầu chính xác là một tấm bê tông trải dài như con đường bắc qua sông nối liền hai xã. Chẳng ai hiểu vì sao cầu không có lan can, nó được xây trong thời kháng chiến đến mãi sau giải phóng thì vẫn để nguyên như vậy. Cũng vì lẽ đó mà cây cầu này trở thành nơi nguy hiểm khi đi lại cho các phương tiện và thực sự đã có nhiều chuyện đau lòng và ma quái xảy ra quanh cây cầu đau thương này.
Vụ đầu tiên phải nói tới bác lái công nông của hợp tác xã, hồi ấy đang là mùa gặt, từng cánh đồng lúa chín như dải lụa vàng óng ả trải dài tít tắp. Năm đó hợp tác xã của xã tôi thu hoạch một vụ mùa bội thu. Ai cũng vui mừng phấn khởi. Chiều tối của vụ gặt đầu tiên, người dân làng mở hội, uống rượu nhảy múa ngay trên cánh đồng làng, ai đấy vui mừng ca hát, rượu say ngất ngây trong hương lúa mới. Rượu chè xong xuôi, bác H là lái xe công nông của làng được giao nhiệm vụ chở xe thóc đầu tiên để mang lên đánh vào kho thóc của huyện. Trong cơn say nga ngà, bác hăm hở lên xe nổ máy. Tiếng xe công nông phành phạch vang lên trong sự reo hò mừng vui của dân làng, bác trưởng thôn dặn dò bác H phải đi cẩn thận, đảm bảo an toàn cho xe thóc lên tới huyện để báo cáo tin vui vụ mùa.
Bác H vui bẻ gật đầu , bác chào bà con rồi lên xe đi trước. Những người ở lại vẫn vui vẻ tiếp tục liên hoan ăn mừng .Chè chén no say, lúa thóc chất vào các bao tải, mọi người rủ nhau dọn dẹp để về nghỉ ngơi sớm, sáng mai đi gặt mẻ thứ hai. Dân làng đang dọn dẹp rồi lác đac kéo nhau ra về thì từ xa một tiếng hô lớn vọng tới
“Ối bà con ơi…. công nông lật rồi…. mọi người lên đê mà xem… ối bà con ơiiiii”
Tiếng hô thất thanh làm mọi người ngơ ngác, bác trưởng thôn chắp loa lên miệng hô lớn
“Có chuyện gì, công nông nào lật”
….
“Ông H…. ông H lái công nông phi xuống cầu thủng lật úp xuống sông rồi”…
Cả làng tá hoả, mọi người tất bật chạy thẳng lên trên đê, ai nấy hớt ha hớt hải xắn quần xắn áo. Vợ con ông H cũng đang chuẩn bị về nhà nghe thấy thế thì gào lên , bà Y vợ ông H hét lớn
“Ối dời ơi là dời ơi…. ông H nhà tôi lật xe xuống cầu thủng rồi… cứu ông nhà tôi với làng nước ơi…”
Tiếng kêu thất thanh xé lòng của bà Y như hối thúc mọi người, cả làng kéo nhau lật đật chạy lên đê, quây đen kín cả cây cầu. Lên đến nơi, dưới lòng sông nước chảy xiết, chiếc công nông lật úp hở mấy cái bánh lên mặt nước dập dềnh, những bao thóc vương vãi khắp nơi trôi nổi lềnh phềnh đang bị nước cuốn đi. Ông H không thấy đâu cả. Người vừa hô hoán là chú L cùng làng, chú từ bên xã bên đi công chuyện về thấy xe lật rồi hô hoán. Ông trưởng thôn hốt hoảng lay vai chú L rồi la lên
“Ông H đâu… ông H đâu rồi… xe lật lâu chưa”
…
“Cháu không biết, chắc mới đây thôi, lúc cháu đi qua thấy xe lật rồi, ông H thì không thấy đâu cả”
Cả làng xôn xao, đám thanh niên nhanh chóng cởi áo nhảy xuống sông, sông đoạn chảy xiết lắm, lại nhiều đá hộc, vợ con ông H thì đứng trên bờ mà kêu khóc. Người ta soi đèn, thay nhau xuống mò mẫm, mang lưới ra quét để tìm kiếm ông. Mò mẫm từ xẩm tối đến 10 giờ đêm mà không thấy. Ai nấy mệt mỏi, vợ con ông H thì quỳ xuống trước dòng sông van xin hà bá trả ông H lại cho gia đình. Mọi người đau lòng, kiệt sức… họ tìm kiếm cả đêm nhưng thất bại. Sáng sớm hôm sau, 2 xe kéo được huy động từ trên huyện về, họ buộc dây vào bánh cái xe công nông mà rồ ga kéo lên. Mất cả nửa ngày cái xe được kéo lên sát bờ, xe công nông méo mó vỡ nát, lúa thì trôi hết sạch…. ông H thì chẳng thấy đâu nữa, vợ con ông H khóc lóc thảm thương, ai ai cũng buồn rười rượi, mong rằng sẽ có một phép màu nào xảy đến.. có người mệt mỏi ra về, người thì cố nán lại. Buổi gặt hôm đó cũng hoãn, bà Y vợ ông H cứ nằm trên rìa cầu mà ngửa mặt lên trời… bà đau khổ lắm, chỉ còn ông trưởng thôn, vài người trong chính quyền đến làm biên bản, đám thanh niên chia nhau ra đi dọc sông tìm kiếm, và gia đình bà Y nán lại chờ mong tìm được ra chồng mình…. cuộc tìm kiếm không có kết quả, cả làng cả xã xôn xao suốt mấy hôm, vợ con ông H thì vẫn chưa nguôi hi vọng tìm được ra chồng mình, ngày ngày mẹ con đi dọc bờ sông, mang lễ lạt lên xin hà bá trong vô vọng…
….5 ngày sau, ông H nổi
Xác ông H trương phềnh lên, trắng nhợt,xác ông nổi lên mắc vào đoạn chắn cống xả, nơi mà bố và ông tôi từng gặp con ma câu cá. Người của trạm thuỷ lợi đi kiểm tra đập buổi sáng hôm đấy phát hiện ra xác ông H lập lờ nổi lên sát bờ cống. Ông ta hô hào mọi người lên đê vớt ông H lên trên đê. Ông H đặt nằm ngửa trong tư thế vẫn đang cầm lái, người phồng to mà cứng ngắc. Mọi người đang xôn xao ầm ĩ thì tiếng khóc từ xa vọng lại. Mẹ con bà Y chạy dọc bờ đê, bà chạy rơi cả dép, ngã nhoài ra đường. Các con đỡ bà dậy thì bà vùng lên chạy tiếp, bà gào lên trong tuyệt vọng
“Ối ông H ơi là ông H ơi… sao ông bỏ tôi mà đi khổ thế này ông H ơi”
Mọi người tách ra, bà Y lao vào xác chồng. Ông H lúc này thân thể sưng húp , trương phềnh không còn nhìn rõ mặt mũi, hàng cúc áo như muốn đứt phựt ra, mắt ông trợn tròn ghê rợn mà thảm thương. Mẹ con bà Y vừa lao vào, bỗng từ thất khướu ông chảy máu… máu đen từ mắt, mũi mồm tai ông ứa trào ra… người chết đuối gặp người nhà không hiểu sao thường bị như vậy. Cảnh tượng ghê rợn mà tang thương. Mọi người không cầm được nước mắt, một chuyện đau lòng bao trùm lên làng quê đang vui tươi khi bước vào mùa gặt. Bà Y và các con sau khi làm thủ tục, rồi đưa xác chồng về rồi làm tang. Đám tang diễn ra đông đủ trước sự có mặt của xóm làng… cái chết thảm của ông H là lời cảnh báo về sự nguy hiểm của cây cầu thủng… nhưng cũng từ đây, những câu chuyện rùng rợn khác bắt đầu dần dần xảy ra liên tiếp thường xuyên hơn trên cây cầu này.
Chuyện xe công nông của xã lật xuống sông kéo theo sinh mạng của ông H là chủ đề bàn tán suốt một thời gian ở khắp làng trên xóm dưới. Người thì đổ lỗi cho cây cầu, người thì đổ lỗi cho những người uống rượu ngày hôm đó, biết ông H phải lái xe đi mà vẫn để ông uống say… nhưng cũng có những người nói … ông H phi xe xuống sông rồi chết đuối là bị ma da bắt. Ma da là những con ma chết đuối, chết nước chết sông, chúng luôn rình rập lôi bắt người xuống chết thế mạng cho hà bá thay chúng để đi luân hồi. Trước vụ ông H chết, đã vài lần cầu thủng có người tự tử, hay nhiều lần người trong làng đi đêm hay đi qua cầu vào buổi trưa gặp ma, chỉ là đây là vụ tai nạn đầu tiên liên quan đến cây cầu ít an toàn này.
Có người kể rằng buổi trưa đi qua cầu , thấy một thằng bé đứng thơ thẩn trên mép cầu, người ta đi qua cũng không để ý lắm. Nhưng vừa đi qua cây cầu thì nghe tiếng
“Tủm”
Như có người nhảy xuống sông, quay đầu lại thì dòng nước vân chảy lững lờ, thằng bé không thấy đâu cả, hô hoán mọi người ra xem thì cũng chẳng mò thấy ai….
Cũng có người kể rằng đêm đêm mà đi qua cầu, thi thoảng lại gặp những cái bóng trắng phất phơ đứng ở đầu cầu doạ cho người ta sợ mà đạp xe loạng choạng. Có bà cô đạp xe qua cầu ban đêm bị ma doạ cho sợ quá mà tí lạng xe rớt xuống sông… nhiều câu chuyện cứ thế truyền tai nhau đồn thổi cho đến một ngày nọ, một vụ việc nữa lại xảy ra.
Chị P con bà X là một cô gái đẹp trong làng, chẳng hiểu vì sao mà thất tình đau khổ, chị P ra cầu thủng rồi gieo mình xuống dòng nước xiết, chị P chết chỉ sau vụ ông G lật xe vài tháng. Những câu chuyện ma mị của cầu thủng cũng từ đây mà xuất hiện thêm nhiều.
Anh C là anh đưa thư của xã, cứ cách ngày là anh lại đạp xe lên bưu chính huyện để mang thư về làng, ngày đó phương tiện không có, bưu chính phải đạp xe đi mọi nơi để chuyển thư. Hôm đó là một buổi chiều tối mùa đông, trời mùa đông tối sớm lắm, những cơn mưa phùn và gió bấc thổi từng cơn làm cái làng quê nhỏ liêu xiêu chìm vào yên lặng từ sớm. Mới hơn 6 giờ tối thôi mà trời đất mịt mù, anh C đạp con xe phượng hoàng cọc cạch , sau yên chở theo tải thư và giấy báo từ trên huyện về. Đi tới cây cầu định mệnh , anh cũng thấy ớn lắm, nhưng làm nghề này đi khắp mọi nơi, lâu dần cũng gan dạ lên nhiều, mà gần như hôm nào cũng phải đi qua đây thì anh còn sợ gì nữa. Anh C đạp xe đến đầu cầu , cái xe đạp cọc cạch của anh liêu xiêu, loạng choạng trước từng cơn gió thổi ngang. Mưa lây phây tạt làm anh ướt mặt, đi xe trên cầu liếc nhìn sang dòng nước sông đục ngầu , nước hôm nay chảy dữ quá, nó cuồn cuộn như muốn lôi kéo người ta xuống sông. Anh C nuốt nước bọt cái ực rồi cắm cổ mà đạp tiếp, vừa đạp qua giữa cầu anh giật mình khi có tiếng gọi
“Anh đưa thư”….
Một giọng phụ nữ nhẹ nhàng gọi với từ phía sau. Anh C quay đầu lại rồi loạng quạng phanh xe…. quái… vừa đi qua làm gì có ai ở đây đâu nhỉ. Anh C quay đầu lại nhìn. Một cô gái nhỏ nhắn mặc cái áo lụa màu xanh, mái tóc cô dài xoã ra , ướt đẫm che kín nửa khuôn mặt, cô cúi gằm nhìn về phía anh C mà không nói gì hết…
“Cô vừa gọi tôi?” Anh C nheo mắt hỏi
…
“Vâng…”
cô gái nhẹ nhàng đáp. Giọng nói nhẹ nhàng nhưng vang vang trong đầu anh C, nó như hoà cùng tiếng gió vi vu trên cây cầu.
Anh C thấy làm lạ, nhìn từ đầu đến chân cô gái, một cô gái trẻ trông dáng vóc có vẻ rất đẹp, chân anh đạp đạp xuống đất ,đẩy cái xe đạp lùi lại gần cô gái hơn… anh cất tiếng hỏi
“Cô là ai? Trời sắp tối rồi sao lại đứng đây…? Mưa gió thế này sao ăn mặc phong phanh thế?”
Cô gái không đáp lại, cô đứng im lặng cúi gằm mặt nhìn anh , anh C gặng hỏi tiếp..
“Nhà cô ở đâu? Sao lại đứng đây? Cô cần tôi giúp gì không?”
Cô gái nhẹ nhàng đáp lời
“Nhà em ở trong thôn, em là người cùng thôn mình mà”
Anh C cau mày nhìn cô gái kĩ hơn, lạ thật, con gái nhà ai nhỉ, mà dáng người cũng quen quen , sao giờ này không về mà còn lang thang ở đây nói chuyện với mình, con bé này hâm à?
“Cô là ai nhỉ, tôi thấy quen lắm, nhà cô ở xóm nào tôi chở cô về, tối rồi đứng đây làm gì.. ma cỏ ở đây nhiều lắm đấy”
Nói rồi anh cười cười, cô gái vẫn nhẹ nhàng đáp lại bằng cái giọng xa xăm
“Nhà em ở cùng thôn…. em cũng muốn về lắm, nhưng em không về được… người ta giữ em lại đây rồi… anh giúp em về nhà có được không..?”
Anh C không hiểu cô gái đang nói gì … anh lùi lại sát hơn, lúc này anh thấy rõ quần áo cô gái cũng ướt nhẹp lộ ra thân hình khá đẹp, cô gái đứng run rẩy, anh C vội vàng thúc giục cô
“Cô này… cô tên gì, là con nhà ai, cô ướt hết rồi đấy, lên xe tôi chở về nhà đi, đứng đây ướt mưa cảm lạnh ốm thì chết đấy”
…
“Em chết rồi còn đâu”
…
“Hả…?”
Anh C cứng họng, run run, anh bỗng thấy một luồng điện như chạy dọc sống lưng, tai anh ù đi như có sét đánh, mặt anh tái lại, a gặng hỏi
“Cô… cô nói sao ?? Tôi không hiểu”
Cô gái im lặng… lúc này cô từ từ ngẩng mặt lên, mái tóc ướt từ từ được vén ra, trước mắt anh là một cô gái xinh lắm, xinh nhưng mặt cô tái xanh lại, gương mặt cô ướt đẫm, cô nhìn anh với ánh mắt xa xăm… anh C nhìn cô chằm chằm trong giây lát… thế rồi anh trợn tròn đôi mắt, mồm anh há ra cứng ngắc không khép được lại, cơ thể anh như có cả trăm dòng điện chạy dọc từ chân đến đầu vậy, anh hốt hoảng guồng chân ,đạp cái xe đi thật mạnh , anh kêu lên
“Ối dồi ôiii…. ối dồi ôiiiii….. ma.. ma … cứu tôi với”
Anh cuống cuồng đạp xe đi trong điên loạn, cô gái trước mắt anh không ai khác chính là chị P, người con gái đẹp nhất làng đã tự tử gần một năm trước, thảo nào anh nhìn cô gái đẹp này thấy quen lắm, không ngờ hôm nay chị P hiện về trêu anh. Anh C trống ngực đập bùm bụp, anh đạp xe loạng quạng mà tí lao xuống dòng sông mà không dám ngoảnh đầu lại, trong đầu anh văng vẳng, tai anh ù ù tiếng gió rít xen lần vào đó là tiếng gọi xa xăm
“Anh ơi .. giúp em về nhà với… em không về được huhuhu”
Anh C không dám ngoảnh lại, cứ thế anh đạp thẳng xe vào làng rồi phi về nhà. Về đến nhà anh đóng chặt cửa rồi leo lên giường không kịp thay quần áo, anh run bần bật như trúng gió, răng môi va lập cập. Sau vụ đó mấy ngày không thấy anh đi làm, anh ốm liệt giường mất cả tuần lễ, mẹ anh thì lo lắng lắm gặng hỏi mãi anh mới nói ra là gặp ma , gặp vong hồn chị P con bà X… chuyện anh C bị chị P về trêu đồn khắp làng xóm, bố mẹ chị P thì không tin bảo người ta đồn ác miệng, anh C thì không giải thích, ai hỏi cũng không trả lời thêm nữa. Anh thơ thẩn như người mất hồn và từ lần sau đi làm luôn cố gắng về sớm hoặc chọn lúc đông người mới dám đi qua cầu… chuyện chị P hiện hồn về xin đi nhờ xe từ đó có thêm nhiều người bắt gặp. Thi thoảng những người đi đêm qua cây cầu lại nói có thấy một người con gái mặc áo xanh ướt nhẹp, đứng lặng lẽ trên cầu mà vẫy tay xin đi nhờ xe, lắm người cũng bị doạ cho hú vía khi nhìn thấy người ngẩng mặt lên là chị P con bà X. Cây cầu nặng vía từ đó trở nên ám ảnh với người dân quê tôi. Mãi đến những năm sau này, vì hay xảy ra tai nạn và người dân kiến nghị nhiều quá, tôi nhớ không nhầm là vào năm 2003, chính quyền mới cấp kinh phí xuống để tu bổ, xây lan can cầu cao vượt lên ở 2 bên. Cây cầu lúc này mới có vẻ an toàn hơn , nhưng an toàn thì an toàn , thi thoảng người ta vẫn bắt gặp những cái bóng phất phơ ẩn hiện, đi lại ở đây, những câu chuyện quái quỷ xoay quanh cây cầu thủng lâu lâu vẫn lại tái diễn….
——————-
Cây gạo có ma
Nhắc đến chuyện ma quỷ của quê tôi mà không nhắc tới cây gạo trên lưng đồi thì quả là một thiếu xót. Như ở phần đứa trẻ đêm đông tôi đã giới thiệu qua, nghĩa địa làng tôi nằm ở trên đồi bên rìa làng. Ngăn cách giữa làng tôi và quả đồi đó có một con đường đất liên thôn rồi đến một khoảng cánh đồng chạy dọc.
Cây gạo có ma, cây đa có thần… chẳng ai trong làng biết cây gạo đó có từ bao giờ, người già trong làng cũng chẳng biết. Họ nói từ lúc sinh ra đên giờ đã có cây gạo đó rồi. Cây gạo già nua, xù xì, to vài người ôm đứng ở lưng chừng đồi giữa nghĩa địa. Thân nó đen sần sùi, có những cái bướu như những cái mụn ung nhọt trên lưng con cóc. Tháng 3 cũng là cái mùa mà hoa gạo rụng, hoa gạo đỏ thắm trên những cành cây xơ xác rụng lá, nổi bật trên nền nghĩa địa hoang vu. Cây gạo trong phim gì mà quay ở bắc ninh đẹp thơ mộng thế nào tôi không rõ, nhưng cây gạo ở quê tôi nhìn chỉ thấy phần quái dị mà thôi..giữa cái nghĩa địa u sầu, cây gạo cổ thụ nổi bật lên như một người canh gác, dân làng tôi thường trêu nhau gọi chết là ra gốc cây gạo. Lũ trẻ con doạ nạt nhau cũng bảo
“tao cho mày ra gốc cây gạo bây giờ”,
nó như một biểu tượng của cái chết và của nghĩa địa làng … Cái gì sống lâu đều sinh ra linh tính, cây cối cũng vậy, sống lâu hoá yêu, cây gạo mang tính âm lớn, là một trong những loài cây dễ thành yêu và ma quỷ cũng thích về đó để mà trú ngụ
Nói qua về nghĩa địa làng tôi, những ngôi mộ được chôn san sát nhau, ngay dưới gốc cây gạo , nhìn từ xa cây gạo như cái ô che chở giữa lưng đồi, nhưng cũng giống như một thực thể được tập trung âm khí từ những ngôi mộ dưới chân của mình. Đã có rất nhiều chuyện quỷ dị xảy ra xung quanh cây gạo và quả đồi này, đầu tiên phải kể đến chuyện người thanh niên bị lính Pháp treo cổ trên cành cây gạo thời thực dân. Hồi đó có anh thanh niên theo cách mạng, về làng sinh sống và vận động bà con, được một thời gian hoạt động trong làng thì một ngày nọ bị bọn lý trưởng và tay sai quan pháp phát hiện, chúng đem anh ra xử tội trước đình vì tội phản loạn mẫu quốc, đem anh lên đồi treo cổ công khai làm gương cho dân chúng. Xác anh thanh niên bị bọn pháp và tay sai treo lủng lẳng trên cành cây gạo, dân làng sợ lắm và không dám phản kháng. Chúng treo xác anh lủng lẳng trên cây gần cả tháng trời, làm mồi cho bọn chim chóc rỉa xác thối, phải đến khi một người ở làng vì thương xót anh quá phải lén lút, liều mình trong đêm đưa xác anh xuống và đem đi chôn.
Sau này hết thời pháp thuộc, nhiều chuyện ly kì vẫn cứ xảy ra quanh cây gạo này, có người thấy cái bóng phụ nữ ngồi chải tóc trên cây, mái tóc dài buông thõng bay bay trong gió mà gần chạm xuống tận đất, có người thì thấy những con đom đóm lập loè, những đốm lửa ma trơi đêm đêm bay về gốc cây gạo… cũng có những lần cây gạo bị sét đánh toác thân, gẫy cành, cả cái cành to phải hai người ôm bị sét đánh gãy như bị trời đánh nhưng cái cây đó vẫn sống trơ trơ như thách thức tất cả.
………..
Chú út nhà tôi là chú Q, chú là người thông minh, học giỏi nhất nhà nên ông bà tôi chiều chú lắm. Năm đó chú Q 10 tuổi, bố tôi và các anh chị em đã lập gia đình và ở riêng gần hết, nhà chỉ còn 4 người con. Thời gian đó đang là mùa hè, chú Q cùng bọn trẻ thường chăn trâu, thả diều trên cánh đồng lúa giáp với quả đồi khu nghĩa địa. Tuổi thơ đứa trẻ quê nào chẳng mê thả diều, những cánh diều vượt gió như mang theo những ước mơ vươn lên muốn vượt qua khỏi luỹ tre làng mà đi ra ngoài phát triển tương lai của bọn trẻ .Hôm ấy là một buổi xế chiều mùa hè, trâu đã ăn no, khi đó cũng sắp 7 giờ tối. Mặt trời đang chiếu những tia sáng đỏ le lói , yếu ớt nơi chân trời, chú Q tôi cùng 4-5 thằng bạn rủ nhau kéo diều xuống để còn về nhà cho kịp giờ cơm. Từng con diều bay cao dần dần được kéo xuống, chú Q tôi mới làm được con diều mới nên ham lắm, chú thả cao thật cao đến mấy cuộn dây, diều của bọn trẻ kéo về đến mặt đất mà diều chú Q còn ở trên cao hơn một đoạn, lên vượt trên cả đỉnh đồi. Lũ trẻ lần lượt kéo nhau ra về hết, có thằng bạn cùng xóm nói to
“Q , bọn tao về trước đây, tối rồi ko về nhanh bà già đánh nát đít… mày kéo diều nhanh lên ko một mình ở đây ma nó bắt bây giờ”
Chú Q chẳng để ý lắm, chú không tin mấy chuyện ma quỷ, tính chú như ông nội tôi vậy. Lũ trẻ ra về hết, chú tôi vẫn đang loay hoay kéo điều , lúc con diều xuống đến lưng đồi chỗ cây gạo thì một cơn gió mạnh thổi ngang, con diều không hiểu vì sao mà lạng sang bên trái rồi vướng dây vào cành cây gạo. Nó xoay một vòng rồi treo lủng lẳng, chú tôi ngơ ngẩn đứng nhìn con diều mới làm đẹp nhất xóm của mình hôm nay mớ thả lần đầu tiện lại bị mắc trên cây. Trời đã tối rồi, tia nắng cuối cùng cũng vụt tắt, ở miền núi trời tối nhanh lắm. Con trâu lắc lắc cái đầu dựt dây ở cọc tỏ vẻ muốn về nhà. Chú Q nghĩ ngợi một hồi rồi quyết định kéo dây, chú đứng từ xa mà giật , con diều mắc vào cành cây khiến tán cây đung đưa xào xạc. Cành cây như muốn giữ con diều lại mà không trả cho chú, chú Q bực lắm, nghiên răng lại lấy hết sức bình sinh mà giật cái dây
“Toạc”…
Con diều bung ra , kéo theo cả một đoạn cành lá cây gạo rụng lả tả. Chú Q mừng ra mặt, con diều đung đưa rồi từ từ rơi xuống trên đồi chỗ cái gốc cây. Trời đã tối lắm rồi, đứng dưới thì không lôi con diều xuống được, sẽ hỏng mất. Chú Q đã nghe nhiều chuyện ma mị về cái cây gạo này và ngọn đồi nghĩa địa, nhưng con diều mắc ở trên, không nỡ bỏ về được. Chú Q bấm bụng đi lên đồi, con trâu vẫn buộc ở dưới bãi cỏ ngước nhìn theo.
8 giờ tối… bà nội tôi bê nồi cơm độn sắn to đùng đặt ra giữa nhà, nhà đông con, mấy đứa trẻ vui sướng nhâu nhâu vào cái nồi cơm nghi ngút khói. Bà tôi cười hiền từ nhìn mấy đứa con, bỗng bà cau mày lại…1-2-3 … ủa… thằng út đâu?
“Thằng Q đi thả trâu về chưa mấy đứa”
Mấy cô chú đang ăn cơm nhìn bà
“Hình như chưa mẹ ơi, 8 giờ rồi, thằng Q đi đâu rồi nhỉ”
Bà tôi nhìn ra khoảng trời tối, quái lạ, mọi hôm gần 7 giờ chú Q phải về rồi, mà nay 8 giờ không thấy về. Bà lục cục đi sang mấy nhà hàng xóm, nhà mấy đứa bạn của chú tôi. Bọn nó về nhà hết rồi, đều đang ăn cơm ở nhà. Thằng S cùng xóm là thằng hồi nãy gọi chú Q về, nó bảo lúc nó về thì chú Q vẫn đang kéo diều chỗ chân đồi nghĩa địa. Bà tôi dự cảm có chuyện không lành, ánh mắt bà hiện lên vẻ hốt hoảng , ông tôi không có nhà, bà vội nhờ mấy người hàng xóm, xách đèn pin cùng bà chạy vội ra phía ngọn đồi . 3 anh em ở nhà thấy bà hớt hải đi tìm chú Q cũng tò mò chạy theo..nhóm người lớn có bé có , hơn chục người đổ ra phía nghĩa địa mà đi tìm. Tới chân đồi, con trâu vẫn đang được buộc dưới bãi cỏ, nó lồng lộn lên kéo dây cọc và kêu vang. Trâu vẫn ở đây, chú Q đâu?? Bà tôi chắp tay gọi
“Q ơiiii”
Không có câu trả lời. Mọi người gọi chú Q ầm ĩ vang vọng màn đêm, thằng S phát hiện ra cuộn dây diều, cuộn dây vứt dưới đất và dây diều chạy thẳng lên trên đỉnh đồi chỗ gốc cây gạo. Bà tôi bảo 3 anh em và thằng S ở dưới trông trâu, bà cùng mấy người hàng xóm cầm đèn pin chạy lên đồi. Nhóm người leo lên, luồn lách qua từng ngôi mộ, lần theo hướng sợi dây diều mà đi. Bà tôi lúc đó đã khóc rồi, bà vừa đi vừa gọi , mọi người cũng gọi theo, tiếng gọi vang vọng không gian. Bà chân trần mà đạp lên sỏi đá, lúc đi vội không cả xỏ dép, chân bà dẫm vào đá nhọn, cây gai đến tước cả máu ra, bà gắng sức mà soi , rồi lùng sục khắp các ngôi mộ nhưng không thấy chú Q tôi đâu cả. Đoàn ngồi tiến dần lên đến lưng đồi, soi dần lên đến gốc cây gạo….ông hàng xóm kêu to
“Kia rồi!”
Mọi ánh đèn chiếu theo hướng hô…là chú Q… chú Q đang ôm con diều, quỳ gối úp mặt vào gốc cây gạo, nấp sau một ngôi mộ lớn. Đoàn người vội vàng lao tới, chú Q ngồi rên hừ hừ, nước mắt chảy ra, tay vẫn ôm con diều mà khóc. Bà tôi tiến lại lay lay
“Q … Q …. dậy dậy,.. tỉnh dậy đi con… sao thế này”
Chú Q tôi như người tỉnh cơn mê, chú mở choàng mắt ra , bị những ánh đèn chiếu vào mắt làm cho chói loà lại nhắm tịt lại. Chú ôm lấy bà tôi mà khóc oà lên, mặt cắt không còn giọt máu. Bà tôi khóc mà vẫn phát vào mông chú mấy cái đau điếng, mọi người thở phào rồi xì xầm bảo nhau, chắc thằng bé bị ma giấu rồi, bà tôi khóc sụt sùi, cũng chưa hỏi vội hỏi mà đỡ chú dậy đi về nhà. Về nhà chú ốm liệt giường, bà tôi thương lắm chăm sóc rất cẩn thận, chú út của bà mà. Vài ngày sau thì chú tỉnh táo hoàn toàn.
Chú kể lại hôm đó leo lên đồi, lúc đi đến gốc cây gạo , chú cúi xuống nhặt con diều. Chưa kịp ngẩng đầu lên thì có cái gì đó ve vẩy trên đầu. Chú lấy tay khua khua lên theo bản năng và nắm lấy nó…chú giật mình nhận ra đó là một mái tóc xơ xác. Chú Q kinh hãi nhì lên ,trong đầu chú như có tiếng nổ tung, chú Q cứng họng trân trân nhìn lên trên đỉnh đầu…
Một người phụ mặc bộ quần áo lụa đỏ, không có mắt mũi, chỉ có cái mồm đỏ lòm đang ngồi chải tóc trên cây, nó nhìn chú mà loe miệng cười dị hợm
“Hi hi hi… hi hi hi… kéo đứt tóc tao rồi… kéo đứt tóc tao rồi… hi hi hi”
Người ta không sợ nghe ma khóc, mà chỉ sợ thấy quỷ cười… tiếng cười dị hợm đó làm chú chao đảo, quỳ phục xuống gốc cây và không biết gì nữa. Nó cứ ve vởn trong đầu chú, lúc sau chú có nghe thấy tiếng mọi người gọi nhưng chú không mở mắt ra được, không kêu lên được, trước mắt chú chỉ có hình cảnh con ma ngồi trước mặt và chú quỳ mọp dưới gốc cây gạo mà khóc nức nở. Mãi đến khi bà tôi lay chú thì mới choàng tỉnh cơn mê…
Bà tôi nghe chú kể vậy thì thương chú lắm. Bà cấm mấy anh em từ nay không được bén mảng đến khu đồi , cả xóm được phen xôn xao, lũ trẻ chăn trâu cũng phát sợ và từ ấy tránh xa khu đồi không còn dám bén mảng lui tới. Chú Q tôi sau dạo đó nhút nhát hơn thấy rõ , cũng như ông tôi, chú Q đã biết sợ ma và có cái nhìn khác về thế giới tâm linh…Cây gạo và quả đồi thì vẫn đứng đấy im lìm, nỗi sợ hãi vô hình về nó vẫn từng ngày ám ảnh người dân quê tôi đến tận bây giờ mà chưa có hồi kết..