Ông Ba, tên thật là ông Ba Hinh, họ Trần. Thuở nhỏ được ông cố ngoại giới thiệu với ông cố nội của em xin học cụ Dương Khả. Theo cụ dăm ba năm, ông được cụ quý nhất trong mấy người học trò. Nhưng tâm tư ông Ba không nằm ở văn võ. Ông thích nhất là tìm hiểu mấy điều huyền bí. Cụ Khả đành gửi ông cho một vị thầy pháp có tiếng thời đó, ông theo học mấy năm thì vị này mất, để lại rất nhiều sách quý (trong đó có 2 bộ Tam Quốc Chí và Tam Quốc Diễn Nghĩa em đang giữ nhưng mà giữ ko tốt, rách teng beng ).
Ông Ba quyết tâm theo đạo. Sau khi ma chay cho thầy, ông về gặp cụ Dương Khả, thăm gia đình, rồi khăn gói đi biệt hơn 20 năm. Đến khi về nhà, ông chuyển sang làm văn nghệ, rồi làm gỗ…
Câu chuyện em sắp kể dưới đây là được mẹ kể lại, mẹ cũng nghe ông Ba kể thôi, nên chắc là không chính xác lắm, nhưng cứ gõ lên đây cho mọi người xem
Lại nhắc thời ông Ba chưa đi theo cụ Khả. Ông nổi tiếng là bướng trong làng. Thằng nào vô phúc trêu phải ông, cho dù tụi nó có kéo đến chục thằng đi nữa cũng chẳng kiếm được ông. Để rồi sau đó vài ngày từng thằng phải đi khám thầy lang. Ông Ba lý luận: Quân tử phải biết mềm biết duỗi, biết rõ là chết mà vẫn cứ lao vào là ngu! Ông còn nổi tiếng là không sợ trời sợ đất. Năm ông 7 tuổi, có lần bị ông cố đuổi đi vì đánh nhau, ông chui vào cái miễu được cho là linh nhất vùng. Nằm trong miếu đói bụng cồn cào, ngó lên thấy lễ cúng của dân, ông leo lên chén cho bằng hết rồi lăn ra ngủ. Sáng lại mò về nhà.
Người ta bảo ông Ba vía to, ông cãi: Trên đời làm gì có ma! Chẳng ai nói được ông. Đúng thôi, ông Ba từng ngủ qua đêm ngoài nghĩa địa, từng chén sạch thức ăn trong miễu thiêng mà chả có chuyện gì xảy ra cơ mà! Thôi kệ mày, đến khi gặp rồi đừng có khóc! Ông Ba cười cười: Không sợ! Cùng lắm đái ra vẩy lung tung là được mà! Chẳng ai thèm chấp với con nít cả, chỉ biết lắc đầu ngao ngán…
Năm đó, bà cố sinh người con thứ 8 (Ông Ba là thứ 7 còn bà ngoại em là thứ 4). Ai cũng bận rộn, chạy đôn chạy đáo lo cho đứa nhỏ. Ông Ba chắc cũng biết, nên thời gian này cũng không có nháo sự, chỉ ở nhà chờ gặp em. Hồi đó người ta kỹ lắm các bác ạ, trẻ con sinh ra không gặp người ngoài, không gặp người kỵ tuổi, không gặp người bệnh tật v…v… Chả biết tại sao ông Ba lại không được vào gặp em. Thế là phải chờ thôi, nghe nói là bảy bảy bốn chín ngày mới được vào…
***************
Rào… rào…
Mưa to quá! Lấy quần áo vào! Lấy thùng hứng dột, đem gạo để lên cao! Con L. đâu, chạy sang bà xem thế nào. Thằng B. làm gì chậm như rùa vậy? – Ông cố hét. Mưa mà nổi bong bóng thì còn lâu mới dứt. Mà mưa to quá, khéo tầm nửa canh giờ nữa là ngập lên tới nền nhà. Mẹ nó, năm nay hết hạn rồi lụt, liên miên thế này, có còn cho người ta sống nữa không? – Con H, con H đâu? Có thấy con H đâu không? Đã trông em còn chạy lung tung, ái chà cái con này, về đây thì biết mặt!
H là người làm trong nhà, cũng có 3 đứa con, nên ông cố bảo cô giữ em, bà còn yếu. Cô chăm sóc rất tốt nên bà cố rất quý cô. Sớm nay, cô nhờ bà cố trông dùm đứa nhỏ, bảo là đi vệ sinh. Kỳ lạ. Đến xẩm tối vẫn chưa thấy mặt mũi đâu. Ông cố tức xì khói, gọi người làm kiểm tra mọi thứ trong nhà xem có mất mát gì không. Ông nghi cô H ăn trộm rồi chuồn. Ông tức lắm. Đối xử với kẻ hầu người hạ thì ông cố không có vấn đề gì, thế mà có người phản! Nói đến đây có vẻ hơi cực đoan, nhưng sự thật, gia đình địa chủ thời xưa rất phong kiến, kẻ hầu người hạ khi đã bán thân vào, tức là sống chết ở chủ, pháp luật cũng không giải quyết. Chưa nói có ăn cắp hay không, riêng việc bỏ đi không nói tiếng nào cũng đã là thách thức quyền uy của ông cố.
Ơn trời, không mất gì cả! Ông cố đâm ra đăm chiêu. Nó không ăn cắp, vài ngày nữa là được lấy lương. Thế thì tại sao nó đi, nó đi đâu? Liệu có bị tai nạn gì không? Thế là lần nữa, đám người làm trong nhà lại nháo lên, đội mưa chạy đi kiếm xung quanh. Lúc này mưa vẫn còn nặng hạt, nước ngập lên đến đầu gối. Chẳng có tin tức gì của cô H. cho đến 4 ngày sau…
Nhà cố ngoại em tuy là địa chủ, nhưng nhà cửa cũng chỉ hơn được người dân ở cái rộng, cái này thì thời đó ở quê đất đai thênh thang, và chắc. Cũng làm nông, cũng nuôi heo. Cái chuồng heo nằm ở phía sau nhà, gần sông, kế bên là mấy cái nhà cầu nằm trên sông. Bác nào ở quê chắc cũng biết cái nhà cầu này, ngoài em thì gọi là nhà cầu, miền Tây gọi là cầu cá Tra, hôm nào lụt nước dâng cao, ngồi không cẩn thận cá nó nhảy lên đớp phát thì phải biết
Bữa đó mưa đã tạnh hoàn toàn, cũng le lói nắng rồi. Tối, ông cố mở kèo nhậu,
kéo đám gia đinh trong nhà chè chén, còn trách cô H. đi không báo được một tiếng. Chẳng nói được, cơ bản chẳng ai nghĩ cô H. gặp nạn cả, mà chỉ nghĩ rằng chắc là có chuyện gấp gì đó ở nhà nên cô chạy về. Ông cố ngoại cũng đã gửi tiền lương về nhà cô, coi như có chuyện gì thì còn có mấy đồng xoay xở.
Tiệc tan, ông Ba mắc tè, chạy ra phía sau nhà. Vừa kéo quần xuống, đột nhiên ông ớn lạnh. Đừng nói ông Ba mới 7 tuổi mà không biết gì. Ông thông minh và già trước tuổi nhiều lắm. Tuy rằng chưa được như người lớn, nhưng ít ra vẫn phân biệt được cái cảm giác ớn lạnh nó ra làm sao. Ngó ra phía sau, không có ai. Ngó quanh quất, đột nhiên ông không kìm được phải tè ra ngoài. Một người toàn thân đen thui đang đứng ở cái cột chuồng heo, nhìn ông cười he he! Cái giọng cười ấy ông Ba có lẽ chẳng bao giờ quên được! Hoảng hồn, ông hét ầm lên. Mọi người chạy ra đến nơi thì ông đã không còn thấy bóng người ấy…
Sáng hôm sau, mọi người trong làng cười phá lên khi nhắc đến ông Ba với con “ma Heo”. Nó xuất hiện ở chuồng heo, thì gọi là “ma Heo” chứ sao? Mọi người cười là thằng nhóc trước giờ không biết sợ là gì, giờ đã són dái chưa? Chẳng ai quan tâm đến việc có ma thật hay không. Dù gì nó cũng chỉ là thằng nhóc con, thần hồn nhát thần tính thôi.
Đến tối, vào khoảng giờ Tý, ông cố mắc tè. Ông chạy ra cái chỗ ông Ba tè đêm hôm trước. Ầy, thật thoải mái nha! Trăng thanh gió mát, giờ mà có đĩa dồi chó với xị rượu thì nhất! Vừa giải quyết, ông cố vừa nghĩ vơ vẩn. Chợt tim ông như đứng lại. Một tiếng gọi, rất quen, vang lên: “Chú Bảy!”
***************
Rõ ràng đây là giọng con H.? Nó làm gì ở đây? Làm gì giờ này? Chợt ông nhớ đến con “ma Heo” mà ông Ba gặp đêm qua. Đến giờ phút này thì lông tóc ông bắt đầu dựng lên. Ông cố run run nhìn qua phía phát ra tiếng gọi. Quái, không có ai?
– Chú Bảy!
Ông cố giật mình nhảy dựng lên. Tiếng gọi từ phía sau lưng mình. Rất sát, cứ như nó kề vào tai mình vậy. Ông quay lại nhìn, thì trời ơi! Một người phụ nữ trên người trát đầy cứt lợn, đang cầm một đống cứt được nặn thành hình cái bánh Ít *, miệng nói: Chú Bảy, ăn bánh Ít nè, bánh ngon lắm. Kèm theo tiếng cười ghê rợn.
Đến giờ thì ông không nói gì được nữa rồi. Miệng hét không ra tiếng. Ông lùi lại từng bước đến khi cô H. đưa cái “bánh Ít” đến gần… Đột nhiên, không biết lấy sức mạnh từ đâu, ông đạp cô ngã chúi dụi! À há, mày cũng như người bình thường thôi, ông sợ đếch gì mày? Mà con ma này không sợ xú uế, tức là vốn bản thân nó đã xú uế. Nghĩ vậy, sẵn thùng nước để sẵn rửa tay, ông tạt luôn vào người cô H. Phải công nhận là ông cố nhanh trí. Cô H. chợt ré lên một tiếng, rồi lăn ra bất tỉnh. Ông cố ngồi phịch xuống thở hổn hển, lại có một cái cảm giác kỳ lạ không giải thích được. Chợt, ông run run. Có người đang ở phía sau mình! Đang sợ hãi thì mấy người làm chạy ra. Người ta nghe thấy tiếng ré của cô H. Cái cảm giác có người ở phía sau tự dưng biến mất. Ông cố thở phào nhẹ nhõm…
***************
Mọi người đưa cô H. vào nhà tắm rửa, chữa trị, vì cô còn thở. Ghê nhất là miệng cô ngậm đầy phân heo, phải cạy miệng ra để súc. Thời đó làm gì có bàn chải đánh răng, chỉ có than thôi, nên có hơi khó khăn, nhưng cuối cùng cũng xong. Cô H. hôn mê 3 ngày, đến ngày thứ 4 thì tỉnh dậy, đòi gặp ông cố. Cô khóc ròng, kể lại…
Hôm đó cô đi ra nhà cầu đi vệ sinh, chợt đi đến nơi cô thấy có cái gì chói sáng trong chuồng heo, nghĩ là đồ vật người trong nhà làm rớt nên cô đến nhặt, ai dè tự dưng có giọng nói hỏi cô có muốn ăn bánh Ít không. Lạ, cô H không cảm thấy sợ hãi gì cả, dường như lúc đó cô bị nhập rồi, nhưng vẫn khá tỉnh táo việc mình làm. Cô trả lời có, người đó đưa bánh ít cho cô, dặn cô phải ở trong nhà. Chợt cô thấy mình như đi vào thế giới khác. Một căn nhà rộng rãi, bánh Ít thì sắp đầy trên sàn. Cô cứ lấy bánh Ít ăn… cho đến ngày hôm trước, thấy cậu Bảy (tức ông Ba) ra đó, cô tính chạy ra gọi cậu vào ăn bánh Ít, nhưng cậu hét ầm lên, nên thôi…
Nói xong, cô H. hộc máu lăn ra chết. Ông cố run run, gọi người vào lo hậu sự cho cô H., vừa nghĩ, nếu đúng là thế thật thì ở đó có ma. Chắc chắn là cái đồ vật cô H. trông thấy là ngọn nguồn. Nghĩ vậy, ông quyết định sáng sớm mai phải đi mời thầy về giải nạn.
Trên đời lắm việc người ta gọi là duyên, đúng lúc ông cố bước ra khỏi nhà thì cụ Dương Khả đến chơi. Dòng họ Dương và dòng họ Trần trước nay giao hảo với nhau, rất thân thiết. Cụ Khả là bạn thâm giao của cụ cố ngoại, nên cũng hay qua thăm hỏi. Hôm nay có việc đi ngang, cụ tiện thể tạt qua nhà ông bạn già. Vừa bước tới cổng, đã thấy ông cố lòm khòm bước ra, nhìn cụ Khả, mắt sáng như hai ngọn đèn, lao tới kéo về phía sau nhà. Cụ Khả đành bước theo, lẩm bẩm: Bệnh, bệnh nặng…
Nhưng vừa đến nơi, cụ Khả liền nghiêm túc. Cụ bước ngay vào trong chuồng heo, không ngại bẩn, cụ mò mò dưới sàn một lúc, móc lên một chùm chìa khóa, ném cho ông cố, rồi bước lên nhà trên. Ông cố cũng chẳng dám ở lại, rửa sơ chùm chìa khóa, đoạn chạy theo cụ Khả.
Cụ Khả đoán là oán linh nằm trong chùm chìa khóa này, tuy không biết nó mở cánh cửa nào, nhưng nên hủy đi. Nghe vậy ông ngoại liền chạy ra lò rèn gần nhà, ném luôn vào lò. Từ đấy, gia đình phía ngoại em không còn gặp chuyện gì nữa cho đến đời ông ngoại em phát sinh chuyện mợ 2 em đã kể.
Đến tối, cụ Khả cáo từ, ông Ba chạy theo giữ rịt cụ, đòi học phép bắt ma. Ông cố há họng lắc đầu, cụ Khả thì cười ha hả.
Ông Ba theo cụ Khả đi khắp nơi. Sau không rõ vì lí do gì, cụ Khả gửi ông cho thầy khác. Biệt tăm gần 30 năm, ông quay về, mang theo một chuyện đời li kỳ…