Cái chết cuối cùng cũng là cái chết bi thảm nhất.
Sau khi tận mắt chứng kiến, tôi cũng quyết định rời khỏi tòa nhà, không làm việc ở đó nữa. Bởi cái chết của người đồng nghiệp thân thiết khiến tôi không muốn ở lại, là vùng ký ức mà tôi không muốn chạm vào, cũng muốn quên đi nhất.
Nguyên nhân cái chết có liên quan đến chứng trầm cảm.
Trong những năm gần đây, căn bệnh trầm cảm ngày càng được chú ý, bởi tỷ lệ tự sát do nguồn cơn từ căn bệnh này ngày càng tăng cao. Bệnh trầm cảm, nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể giúp người bệnh tránh được những bi kịch đến từ sự tự hủy hoại và không ngừng chối bỏ bản thân.
Nhưng đáng tiếc, người mắc phải chứng bệnh “ung thư tâm thần” này, và những người xung quanh họ, đa phần đều không nhận ra mức độ nghiêm trọng của căn bệnh trầm cảm quái ác.
Không ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài hạnh phúc vẫn luôn tiềm ẩn những gợn sóng ngầm dai dẳng và âm ỉ, có thể khiến tinh thần bất kỳ ai tê liệt. Và khi ý chí không còn, vào giây phút nào đó, trong vô thức họ chọn từ bỏ cuộc sống.
Đồng nghiệp là một người như thế.
Trong trí nhớ của tôi, anh ấy là một người đàn ông khá gầy, chiều cao trên mét tám, đeo kính cận, đẹp trai và hiền lành. Anh vào làm sau tôi một năm, dáng vẻ nhiệt tình, tốt bụng và hài hước ngày anh mới bắt đầu vào làm việc trong tòa nhà, cả đời này, tôi sẽ không bao giờ quên được.
Chúng tôi là đồng nghiệp của nhau, thấm thoắt đã mấy năm trôi qua, ba năm, bốn năm, rồi năm năm, những người trẻ từ những bộ phận và ban ngành khác nhau cứ luân phiên thay đổi không ngừng, chỉ có một số nhân viên nòng cốt là không thay đổi, trong đó có tôi và anh đồng nghiệp.
Mỗi ngày, chúng tôi đều gặp nhau ở nhà ăn vào buổi trưa, người nào đến trước sẽ giữ chỗ cho người vẫn còn bận công việc nên đi ăn cơm trễ.
Cảm giác được ngồi xuống ăn một bữa cơm, uống một ly nước đá mát lạnh, cùng một người thân quen nói đôi ba câu chuyện, thực sự rất vui, rất thoải mái. Anh ấy sẽ luôn là người pha trò, kể những câu chuyện vui, là người phát ngôn chính của cả nhóm, cũng là người kết nối cả nhóm lại với nhau.
Ngày đó, cái khiếu hài hước hóm hỉnh và những câu chuyện dí dỏm của anh đồng nghiệp, lúc nào cũng khiến mọi người cười nghiêng ngả không dứt.
Nhưng rồi thời gian qua đi, cũng không biết từ khi nào, chúng tôi không còn cảm thấy thích thú với những gì mà anh ấy kể nữa, thậm chí còn thường xuyên ngắt lời anh ấy giữa chừng.. khi câu chuyện vui chỉ vừa mới bắt đầu.
Sau này, anh đồng nghiệp không đến quán ăn nữa, cũng không còn thói quen giữ chỗ cho mọi người những khi đến trước, không còn những câu chuyện hài hước, chỉ còn lại những lý do nghe qua có vẻ rất hợp lý, chỉ để không cùng chúng tôi xuống nhà ăn.
Lâu dần, đến điện thoại anh ấy cũng không buồn nhấc máy.
Nghe nói, anh đang bận yêu đương với một cô gái vừa xinh đẹp vừa năng động. Có lẽ những người yêu nhau đều gọi điện đến cháy máy những khi rảnh rỗi, nên việc gọi cho anh cũng trở nên khó khăn hơn khi trước.
Có đợt, anh đồng nghiệp xin nghỉ dài ngày, với lý do mẹ anh ở quê bệnh nặng nên cần người chăm sóc. Tôi nghe mẹ anh ấy bệnh, nên tính gọi điện hỏi thăm, sẵn gửi anh chút quà mang về quê, nhưng lần nào cũng không gọi được.
Khi ấy, tôi đã ngờ ngợ ra được điều gì đó, có lẽ anh đồng nghiệp không muốn gặp mấy người cùng làm chung trong trụ sở, nên mới cố tình không nghe máy. Thế nên, tôi cũng không gọi nữa vì tính tôi trước nay vốn không thích làm phiền người khác.
Ngày đầu tiên trở lại làm việc sau đợt nghỉ phép dài ngày, anh đồng nghiệp đến trụ sở đưa cho mọi người thiệp mời đám cưới.
Lúc anh ấy bước vào phòng làm việc của tôi, suýt chút nữa, tôi đã không nhìn ra anh đồng nghiệp cùng làm việc suốt bao nhiêu năm nay, bởi anh ấy rất gầy và bộ dạng đứng trước mặt tôi giờ đây vô cùng mệt mỏi, với hai quầng thâm lớn đen xì trên khuôn mặt đã ngả sang sắc vàng, nhợt nhạt.
Trước sự lo lắng và hỏi han của tôi, anh ấy chỉ cười mà không nói gì, cũng giống như mọi khi. Nhưng tôi không nhìn ra nổi một chút hạnh phúc nào trong nụ cười thường trực trên môi, và dáng vẻ luôn tỏ ra vẫn ổn của anh ấy.
Cũng gần đến giờ ăn tối, nên tôi quyết định kéo theo anh đồng nghiệp xuống căng tin ăn tối, vì hôm nay có thể chúng tôi sẽ phải ở lại làm việc đến tận khuya cho kịp dự án. Ban đầu anh ấy từ chối, nhưng sau đó cũng vui vẻ cùng tôi đi ăn.
Trong bữa tối, anh đồng nghiệp nói rất ít.
Cho đến khi anh ấy chợt nhìn thấy một ít salad còn lại trong đĩa của tôi.
Trước khi rời đi, anh bỗng nheo mắt nhìn tôi, cười thật hiền rồi nói: “lâu quá rồi, không ngồi ăn chung, dạo này bụng em hình như nhỏ đi rồi thì phải, một chút salad cũng ăn không hết, bình thường chẳng phải em vẫn thích ăn salad nhất sao..”
Chỉ một câu nói ngắn ngủi như vậy, vẫn là kiểu quan tâm người khác theo kiểu vui vui theo đúng tính cách của anh thường ngày, trong một giây phút nào đó, tôi bỗng mơ hồ cảm thấy anh đồng nghiệp ngày trước đã trở lại, như chưa từng có sự đổi khác, và những rạn nứt không biết đã bắt đầu từ khi nào giữa chúng tôi, cũng thản nhiên hàn gắn lại.
Nhưng tôi không bao giờ ngờ rằng bữa ăn ở căng tin tối hôm đó, cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy anh ấy trong đời.
Tôi còn nhớ như in, hôm đó là ngày nghỉ Tết dương lịch. Hôm đó, tôi vẫn phải lên trụ sở trực thay phiên, vừa lên tới văn phòng, ngồi xuống thì nhận được cuộc gọi từ một chị đồng nghiệp cũng khá thân trong nhóm. Chị ấy lo lắng hỏi tôi, dạo gần đây có hay liên lạc với anh đồng nghiệp hay không?
Tôi nói đã lâu rồi không gặp, chắc dạo này anh đang bận chuẩn bị cho đám cưới nên không thấy đâu cả. Thật không ngờ, chị đồng nghiệp bỗng ngậm ngùi nói với tôi, giọng buồn như sắp khóc, rằng anh ấy thực ra đã treo cổ tự tử đêm qua rồi, trên tầng chín của tòa nhà.
Tôi nghe mà đầu óc choáng váng, không tin nổi vào tai mình nữa, thậm chí không cảm nhận được hai hàng nước mắt đã rơi tự lúc nào rồi.
Hóa ra, anh đồng nghiệp đã bị trầm cảm từ rất lâu.
Công việc trong hệ thống của chúng tôi, áp lực cạnh tranh rất lớn, khả năng đào thải cũng vô cùng khốc liệt, đặc biệt đối với các nhân viên nam.
Mỗi một năm trôi qua, trách nhiệm và khối lượng công việc lại nặng nề hơn, không chỉ đòi hỏi khả năng gồng gánh mà các mối quan hệ cũng phải phát triển thật tốt. Đó cũng là lý do mà nụ cười của anh đồng nghiệp lúc nào cũng phải thường trực trên môi không được phép gỡ bỏ, ít nhất là khi anh còn ở chỗ làm.
Dạo gần đây, công việc tiến triển không được tốt, trong khi tiêu chuẩn ngày một tăng cao khiến tất cả đều phải mất ăn mất ngủ để hoàn thành được chỉ tiêu cuối năm. Ai cũng sợ bị phê bình, kiểm điểm trước toàn thể ban ngành.
Anh cũng vậy.
Không phải anh không làm việc chăm chỉ, không cố gắng, nhưng công việc nào cũng vậy, không phải ai cũng có cơ hội tốt. Ngoài những lo toan trong công việc và chỉ tiêu, vợ sắp cưới và gia đình của cô ấy có điều kiện tài chính tốt hơn anh rất rất nhiều.
Vì cái chết xảy đến đột ngột, nên cơ quan công an phải điều tra theo đúng quy trình, xem có điều gì bất thường trong cái chết của anh đồng nghiệp hay không.
Nghe nói, anh ấy đã vật lộn rất lâu trong một căn phòng trống trên tầng chín của tòa nhà, và đã hút rất nhiều thuốc, tàn thuốc vương vãi trên khắp sàn nhà.
Anh ấy, có lẽ đã lưỡng lự rất lâu về việc mình có nên chết hay không, hay sẽ chết bằng cách nào, nên treo cổ hay nhảy khỏi tòa nhà.
Sau đó, chạng vạng buông, trời dần tối, anh đồng nghiệp của tôi, người luôn yêu thích cái đẹp và nghệ thuật, cuối cùng đã đưa ra quyết định, anh ấy muốn để lại một cơ thể toàn vẹn cho chính mình, và anh ấy không muốn chết quá xấu xí.
Tôi đã suy nghĩ rất lâu về những giả thiết..
khi anh ấy gặp khó khăn và vướng mắc..
nếu như tôi có thể tình cờ gặp mặt, tìm cách hỏi han và thử thuyết phục anh ấy có cái nhìn tích cực hơn về mọi thứ..
hay, thậm chí chỉ là ngồi yên lắng nghe anh ấy kể một câu chuyện hài hước vu vơ nào đó cho đến cuối, mà không có bất kỳ ai cắt ngang, không ai chen lời vào, thì..
khi đó mọi chuyện có khác đi không?
nếu như khi đó, tôi phát hiện ra những điều bất thường và khuyên anh ấy đến gặp bác sĩ tư vấn tâm lý, nếu như có hướng điều trị kịp thời, vậy thì..
những viên thuốc chống trầm cảm có khiến anh ấy bớt lo âu đi không?
và khi anh ấy được chữa khỏi bệnh..
tất cả chúng tôi có thể gặp lại nhau, cùng nhau đi ăn trưa, anh ấy sẽ luôn giữ chỗ ngồi cho tôi, biết tôi luôn ăn hết salad, cùng chúng tôi cười nói rôm rả như những ngày đầu, ngày mà năm tháng chưa làm phai nhạt đi mọi thứ.
Nhưng cuộc đời vốn không có nếu – thì, thời gian đi qua không bao giờ trở lại, những năm tháng ấy, cùng những bữa ăn bên bạn bè sẽ không còn nữa.
Anh đồng nghiệp đã cùng chúng tôi trải qua một cuộc hành trình dài, cùng nhau chia sẻ công việc và những niềm hạnh phúc vô tư, tự nhiên, không gò bó, để rồi anh ấy đột ngột rời đi mà không nói với chúng tôi lời chào tạm biệt.
Vào buổi trưa, ngày mà anh đồng nghiệp qua đời, một cậu nhân viên trong nhóm chúng tôi đã nhìn thấy anh ấy trong tòa nhà, với một khuôn mặt hoàn toàn khác.
Rõ ràng, người trước mặt chính là anh đồng nghiệp, nhưng cậu ấy thấy phần ấn đường ở giữa hai hàng lông mày và các đường nét có phần biến dạng, giống như có một lớp khí đen bao trùm lên khắp khuôn mặt, trông rất đáng sợ.
Bởi người sắp chết, tam hồn sẽ không ổn định, một phần sẽ tách ra khỏi thể xác trước hai phần hồn còn lại, nên mới xảy ra hiện tượng người sống nhìn thấy được ấn đường ám khói đen, và các đường nét dường như đều đổi khác.
Anh đồng nghiệp là con một trong gia đình.
Anh ra đi quá đột ngột, khiến mẹ anh nhất thời không thể chấp nhận, không thể đối mặt trước sự thật rằng đứa con trai duy nhất đã không còn trên cõi đời này nữa, mẹ anh sợ anh nằm một mình lạnh lẽo dưới ba tấc đất nên đã mang xác đi hỏa táng.
Sau khi hỏa táng, bà đã mang tro cốt của con trai đem về, đặt trong phòng ngủ ở nhà như khi anh vẫn còn sống, thỉnh thoảng lại đưa theo anh cùng ra ngoài đi dạo ngắm đất trời.
Mỗi khi chúng tôi đến thắp nhang cho anh, bà đều vòng tay ôm lấy chúng tôi khóc lóc thảm thiết. Nhiều lần chúng tôi khuyên bà nên tìm một ngôi chùa nào đó gửi tro cốt của anh đồng nghiệp, để anh ở đó sớm hôm nghe kinh kệ, cũng sớm ngày được đầu thai chuyển kiếp.
Chỉ sợ mẹ anh cứ thế này, anh đồng nghiệp cũng sẽ quyến luyến mãi ở những cảnh xưa cũ, không thể rời đi. Nhưng mẹ anh vẫn giữ anh ở nhà vì không thể vơi đi nỗi nhớ con trai.
Vào ngày anh đồng nghiệp qua đời, tôi đã mơ màng nhìn thấy anh ấy. Trong giấc mơ, tất cả chúng tôi đều ở đó, anh đồng nghiệp nhìn chúng tôi, hai mắt đỏ ửng lên, sưng húp, như thể anh ấy vừa mới khóc rất lâu. Anh đau khổ nói với mọi người rằng anh rất hối hận, nhưng khi biết hối hận thì đã quá muộn rồi.
Giờ đây, anh cảm thấy rất lạnh, rất cô đơn.
Còn một lần nữa, trước ngày xá tội vong nhân, anh về trong giấc mơ của tôi, nói anh rất nhớ mọi người, hẹn tối hôm rằm tháng bảy, anh sẽ về quây quần với mọi người. Sau khi nghe tôi kể lại, mấy người trong nhóm chúng tôi đều khóc.
Giờ viết ra những điều này, vừa nhớ người quen vừa nhớ nhà. Kể từ ngày anh đồng nghiệp ra đi vì trầm cảm, nếu không phải điều kiện bắt buộc, tôi luôn tránh né bước vào trong tòa nhà u ám đó.
Qua mất mát lần này, tôi cũng muốn nhắn nhủ tới mọi người, khi gia đình, bạn bè buồn phiền, tủi thân, xin đừng lờ họ đi.
Xin đừng nghĩ trầm cảm là một căn bệnh đua đòi, người mắc chứng trầm cảm đều làm quá mọi thứ lên, là những kẻ yếu đuối và không ra gì.
Trầm cảm vốn là một căn bệnh “ung thư tâm thần”, cũng có thể di căn và bộc phát bất cứ lúc nào, vấn đề thực sự rất nghiêm trọng, và người bệnh rất cần được quan tâm và chăm sóc.
Đừng để khi mất đi ai đó rồi mới cảm thấy hối tiếc.
Bởi vì cuộc đời vốn không có Nếu – Thì !!!