Giọng bác Hạnh lúc này trầm hẳn xuống khiến cho tôi cũng cảm thấy sợ hãi. Nghe lời bác kể sống động như trực tiếp có mặt tôi ở đó càng làm cho tôi thêm hào hứng và kích động, mặc dù sợ hãi nhưng tôi rất muốn nghe bác kể tiếp nên vẫn im lặng chờ đợi. Bác lại châm một điếu thuốc lào, tiếng “rít” kéo thật mạnh làm cho chiếc điếu cày vang lên tiếng kêu long lên sòng sọc, thở ra một hơi khoan khoái rồi bác Hạnh khẽ nhắm mắt lại tận hưởng. Bất chợt bác nói tiếp;
– Toàn cá là cá…Con bà nó…Tôi chả cần phải thả thính hay chăng lưới mà chúng nó cứ nhảy lên thuyền của tôi ầm ầm. Có cảm giác như là một cơn mưa cá. Nhưng cứ như thế này khéo chính cá lại làm cho chiếc thuyền nan của tôi chìm mất. Đang loay hoay chưa biết làm thế nào thì oánh “rầm” một tiếng. Cái con bà nó làm tôi sợ vãi đái ra quần. Con chim quái quỷ nó lại quay lại ông ạ. Lần này thì nó không thèm nhìn tôi nữa mà nó quay lưng về phía tôi. Cũng may khi con chim ấy xuất hiện thì cá cũng không tự nhảy lên mạn thuyền nữa, chiếc thuyền nan cũng đỡ tròng trành hơn.
Tôi đang định quay về, trong bụng nghĩ thầm nay tự nhiên “vớ bẫm” thì đột nhiên bên tai có giọng nói kỳ lạ. Gọng nói này của một cô gái còn rất trẻ…Nhưng thú thật là lúc bấy giờ tôi sợ là nhiều hơn. Nên nghe giọng nói cứ như là từ một phía xa xăm nào đó vọng về. Nó mông lung và rất xa xôi, vang vọng mãi bên tai;
– Làm…Ơn…Giúp…Tôi…Với.
Giọng nói này là của một cô gái còn khá trẻ, nhưng nghe như tiếng nghèn nghẹt của âm thanh bị ai đó bóp vào yết hầu ý, khi tôi quay mặt nhìn xung quanh để tìm xem là tiếng của ai. Nhưng lúc này bầu trời vẫn còn âm u, vây quanh tôi là một màn sương mù dày đặc đang lững lờ. Kỳ quái thật.
– Ai đó? Nếu là người thì mau chóng xuất hiện đi? Đừng có dọa nạt nhau thế?
Một tay tôi vẫn cầm mái chèo, một tay chống sào đứng trên mạn thuyền. Tôi quát to một câu, ánh mắt vẫn chăm chú quan sát xung quanh. Thực lòng mà nói thì thấy chính xác lúc đó khá sợ hãi thì đúng hơn. Bởi vì làm quái gì có ai rảnh rỗi mà sáng sớm ngày ra lại đi trêu đùa nghịch ngợm những trò như vậy. Ngay bản thân tôi từ lúc bát nhang bị cháy là cũng thấy hơi chột dạ rồi.
Bất ngờ lông tóc phía sau lưng tôi dựng đứng cả lên, một cảm giác rùng mình như có ai dội một thau nước đá vào người. Mặc dù trời sáng hơi lạnh nhưng sức khỏe tôi thì vẫn tốt, không thể có chuyện như kiểu cảm lạnh trúng gió vớ vẩn như này được. Quay ngoắt lại ra phía sau lưng, thì con chim màu đen kỳ lạ nó đã tiến sát về phía tôi từ lúc nào. Ánh mắt nó đỏ rực lên và nhìn chằm chặp lấy tôi. Thực sự lúc đó trong đầu tôi như có một tiếng nổ “binh” một phát rồi dường như hai chân bủn rủn khụy xuống mạn thuyền.
– Làm…Ơn…Giúp…Tôi…Với.
Con chim nó nói được ông Tú ạ… Không phải, nói chính xác hơn là hồn của cô gái nào đó nhập vào con chim, điều khiển lấy nó. Khẽ liếc mắt về phía tôi. Bác Hạnh gật đầu như xác nhận làm tôi sợ hãi co rúm cả người vào. Lời bác kể lại sống động như thật giống như tôi cũng đang chứng kiến rõ ràng.
– Ai? Cô là ai? Tại sao lại phải nhờ tôi cứu?
Lúc đó tôi cũng cố gắng chấn định lại nhìn thật kỹ con chim màu đen này. Cái mỏ nó khù khoằm, lông màu đen tuyền trông dữ tợn nhưng đôi mắt nó rất linh động và có cảm giác rất có hồn, linh tính như con người.
– Bác ơi, bác làm ơn làm phước…Tìm cách báo cho gia đình con biết với. Hiện tại thân xác của con đã bị cá dưới sông chúng ăn hết rồi…Con lạnh lắm. Bác làm ơn báo tin cho gia đình con với, nhà con ở địa chỉ này. Con xin đội ơn bác vạn lần.
Giọng nói yếu ớt của cô gái phát ra làm tôi thấy thương xót, đồng cảm nên hỏi cô ta;
– Cô làm sao mà bị thế này? Hiện tại thì xác của cô đang ở chỗ nào?
Linh tính của tôi báo hiệu một sự chẳng lành bởi vì lúc sáng sớm khi ra treo chiếc đèn bão lên đầu thuyền, cũng đã thấy một cái xác đang lập lờ trôi theo dòng nước, nhưng thật sự lúc đó tôi cũng không muốn dây dưa vào làm gì cả.
– Cháu chính là cái người ban sáng lúc bác nhìn thấy đó. Đã gần một tuần nay cháu lang thang ở dưới dòng sông buốt lạnh này rồi…Nhưng chẳng gặp được ai cả…Cho đến hôm nay gặp được bác. Nhưng bác cứ “xua đuổi” cháu.
Nghe đến đây tôi thầm chột dạ, bởi vì đúng là ban đang lúc treo cái đèn bão ra đầu thuyền thì thấy “cái gì đó” đang lập lờ cách tôi khoảng mấy mét, nhưng lúc đó tôi cũng khá kiêng kị nên coi như không thấy. Chợt cảm thấy thương xót cho cô gái này, nên hỏi;
– Thế tại sao cô lại rơi vào hoàn cảnh này? Hiện tại thì cô bây giờ có thiếu thốn gì hay không?
– Cháu bị người ta hãm hại bác ạ…Nói rồi cô gái bỗng nhiên hạ giọng lạnh tanh, tôi có cảm giác lúc này không khí xung quanh bỗng nhiên lạnh thêm vài độ, thân thể lạnh toát. Nhìn về phía con chim có đôi mắt đỏ rực đang mổ liên tục xuống mái thuyền và hai cánh của nó xõa ra giãy đành đạch khiến tôi cũng thấy hơi rờn rợn, nhưng lúc này tôi cũng bạo gan tiến về phía nó.
Bác Hạnh một tay lấy chiếc đóm tre, sau đó vê một bi thuốc lào ấn vào nõ rồi châm lửa đốt. Từng luồng khói tỏa ra mịt mờ từ miệng của bác đang phả ra khiến tôi ho sặc sụa, muốn chạy ra ngoài nhưng câu chuyện mà bác kể lại cuốn hút quá, với lại bên ngoài lúc này cũng đã tối nên khiến tôi không dám chạy ra. Mặc dù khá mót vệ sinh đành cố nín nhịn chờ bác kể tiếp;
– Con chim lúc này cũng nằm im, cho tôi sờ vào, nhưng lúc chạm vào nó thì tự nhiên tôi rùng mình. Một cảm giác lạnh tê tái từ lòng bàn tay truyền lại, muốn rút tay ra thì không được. Đang định hỏi cô ta muốn làm gì thì mắt tôi hoa lên. Trước mặt tôi khung cảnh sương mù dày đặc lúc này đang hiện lên những hình ảnh rõ nét chân thật rõ ràng;
– Đừng…Em xin anh. Anh đừng giết em!
– Xin lỗi cô em…Tôi không muốn ra tay đâu…Cô hãy tha lỗi cho tôi nhé! Tôi hứa sẽ chăm chỉ đốt vàng mã cho cô.
– Tha cho tôi…Tôi van anh.
“Bụp” tôi nghe thấy mấy câu nói của hai người này và tiếng của cô gái van xin khiến tôi sững sờ. Nhìn vào gương mặt của cô gái tôi thấy còn khá trẻ, xinh đẹp độ ngoài ba mươi tuổi. Trên gương mặt đầy những vết máu khiến cho tôi muốn tới can thiệp. Nhưng lúc đó thân thể tôi đang lâm vào trạng thái kiểu như là “mộng du” ấy. Mọi suy nghĩ và cảm nhận đều bình thường nhưng hành động lại chẳng thể làm gì được. Thậm chí muốn há miệng ra kêu lên cũng không xong. Đành giương mắt ra nhìn cô ấy chết…Sau này nghĩ lại mới biết đó chính là do cô ấy khôn thiêng nên mới có thể “báo mộng áp nhãn” cho tôi biết để mà giúp đỡ.
– Ai làm hại cô ta? Lúc này bố tôi mới lên tiếng hỏi. Giọng nói bây giờ cũng mang theo một vẻ nghiêm trọng. Có lẽ bản tính vốn là người lính nên cũng có gì đó trượng nghĩa và muốn giúp người.
– Tôi không thể nhìn rõ mặt của hắn ta, lúc đó trời tối và tôi đang đứng ở phía sau khuất sau lưng cô gái. Sau đó thì kẻ kia dùng một thứ hung khí có dạng như cái xà cầy, đập mạnh vào đầu của cô gái mấy nhát, máu từ trên đầu cô ấy tuôn ra xối xả, thấy cô gái đã chết…Sau đó hắn ta buộc xác cô ấy vào một tảng đá lớn rồi thả từ trên cầu xuống sông. Tôi chứng kiến cảnh ấy mà thực sự không kìm lòng được.
Bác Hạnh đôi mắt dõi xa xăm, ánh mắt và lời nói bây giờ đang thể hiện sự căm phẫn, bởi vì kẻ thủ ác kia lại nỡ ra tay tàn độc với đồng loại của mình như vậy.
– Đây chắc chắn là một vụ giết người có chủ đích. Bố tôi nói bằng giọng chắc nịch. Tôi cũng thầm phán đoán là như vậy.
– Chính xác…Ban đầu tôi cũng chỉ nghĩ là do tai nạn hoặc không may cô gái này sẩy chân thôi. Nhưng mắt tôi trông thấy lại do chính oan hồn của cô gái có lẽ vì cái chết quá đau đớn, tức tưởi nên mới mượn con chim và có thể bởi do tôi và cô ấy “có duyên” nên gặp được nhau.
Bác Hạnh nhìn bố tôi đồng tình. Rồi ông khẽ liếc xem phản ứng của tôi, thấy tôi vẫn chăm chú lắng nghe nên bác tiếp tục kể;
– Kẻ giết cô gái kia, hành động lén lút, mờ ám. Tôi cố gắng nhìn thật kỹ gương mặt của hắn ta, nhưng chỉ thấy được từ phía sau lưng. Hắn ta mặc một cái áo khoác Măng Tô khá dài gần chạm đất, chân đi giầy chấn thủ và đội mũ lưỡi trai sùm sụp. Nhưng nhìn vào tác phong của gã thì tôi đoán đây cũng là một tên biết võ thuật, có khả năng là qua trường lớp nên hành động mới quyết đoán và tàn bạo như vậy. Giống như ông với tôi ngày xưa vào lính đặc công phải huấn luyện nên có thể nhìn ra được điểm ấy. Thứ hai nếu là một người bình thường thì không ai dám giết chết một con người như con ngóe vậy, đã thế còn nói với nạn nhân bằng giọng bình thản và điềm tĩnh như thế này;
– Xin lỗi cô em…Tôi không muốn ra tay đâu…Cô hãy tha lỗi cho tôi nhé! Tôi hứa sẽ chăm chỉ đốt vàng mã cho cô.
Ông thấy có đúng không? Bác Hạnh nhìn bố tôi chăm chú rồi lên giọng bàn luận. Tôi nhìn hai người lính già nói chuyện mà trong lòng cũng sục sôi lửa giận. Thứ nhất là bất bình cho cô gái bị chết oan kia, thứ hai là có lòng tin ở bố mình và bác Hạnh. Hai người lính đặc công từng bao nhiêu năm gắn bó với nhau. Trong đầu tôi lúc này không khỏi muốn cho bố tôi và bác Hạnh cùng nhau tham gia “phá án” giải oan cho cô gái đã chết kia. Chỉ mong bắt được kẻ thủ ác và tìm hiểu rõ nguyên nhân làm sao cô ấy lại bị hãm hại một cách dã man như vậy. Và kẻ thủ ác phải đền tội để an ủi cho linh hồn người đã mất. Bởi vì chính vụ này tôi cũng nghe nói từ năm ngoái gia đình của cô gái đã xuống tận bãi Sông Hồng để gọi hồn, cúng vong của cô về. Vụ này cũng ầm ĩ cả quê tôi lên nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra được thủ phạm.
– Chính xác. Con bà nó dã man tàn bạo thật. Thế bây giờ ý ông như thế nào? Từ sau đận ý thì như thế nào? Có còn “gặp” cô gái ấy nữa không?
Bố tôi hỏi bác Hạnh. Có lẽ do câu chuyện này cũng khiến một người lính già như ông trở nên sôi máu. Muốn quay lại thời trai trẻ thuở vẫn còn là lính trinh sát trong đơn vị đặc biệt của quân đội.
– Có…Tôi vẫn nợ cô ấy một lời hứa. Mà cho đến bây giờ cô gái ấy thỉnh thoảng vẫn nằm mơ báo mộng cho tôi. Thực sự thì tôi muốn giúp cô ấy tìm ra thủ phạm để an ủi vong linh cô ta. Nhưng chẳng hiểu sao bên công an “làm” vụ này lâu quá? Với lại cũng rất khó, vì lời nói của tôi thì không có bằng chứng. Chỉ là phiến diện từ một phía từ tôi mà thôi. Có nói có lẽ cũng chẳng ai tin.
Bác Hạnh buồn buồn. Nhưng ẩn sâu trong đôi mắt đầy cương nghị của người đàn ông trạc ngoài lục tuần giống bố tôi kia là sự tinh tường và đầy quyết tâm. Bố tôi và bác Hạnh đã bắt tay nhau tham gia vào một cuộc phiêu lưu đầy li kỳ, liêu trai và ma mị trong đó tôi cũng là người có một phần công sức.