Bác Hạnh từ hôm lên nhà ông bà Nhân Nghĩa cũng không thấy tin tức gì liên quan đến cô Hạ Hoàn ngoài việc có một người đàn ông ăn mặc lịch sự đến thắp hương an ủi vong hồn và để rất nhiều tiền lại. Rồi người mà trong đầu ông, thậm chí ngay cả bố tôi khi trước cũng thấy nghi ngờ nhất đó chính là người thanh niên tên Hướng cũng rời đi nơi khác. Sau khi sang nhà ông thầy cúng hỏi han một số việc xong cũng không thấy điều gì quá đặc biệt. Hôm sau bác Hạnh cũng xin phép vợ chồng ông bà Nhân Nghĩa đi về quê lo công việc ở nhà. Nhưng trong thâm tâm của bác Hạnh và bố tôi lúc đó vẫn luôn mong mỏi bắt được kẻ thủ ác để bắt chúng phải trả giá trước pháp luật, trả giá cho những việc mà đã gây ra cho cô và gia đình cô.
Nhưng dù sao thì cũng lạ nước lạ cái, người khả nghi nhất là gã người yêu của cô Hạ Hoàn đã “trốn” biệt tích nên bác Hạnh lúc này cũng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Mọi chuyện bây giờ dường như lâm vào ngõ cụt, rối càng thêm rối. Bác Hạnh cũng chỉ biết an ủi với vợ chồng ông bà Nhân Nghĩa là do số phận, mọi chuyện đành phó thác vào luật nhân quả mà thôi. Rồi bác Hạnh hẹn đến khi nào làm lễ Tốt Khốc (100 ngày) cho cô rồi sẽ lại lên. Dù sao thì bác Hạnh và cô Hạ Hoàn cũng là có duyên, chỉ tiếc rằng cái duyên này nó buồn thảm quá…Nhìn lên bức di ảnh trên ban thờ mà lòng ông thở dài thườn thượt, tiếc thương cho cô gái đoản mệnh. Ông dự định sáng sớm mai sẽ về quê, nên tối nay sẽ ngủ ở chiếc giường mà lần trước ngủ cùng với bố tôi buổi đầu tiên lên nhà.
Quá nửa đêm, đang thiu thiu ngủ. Bỗng nhiên bác Hạnh giật mình, cảm giác như có tiếng ai đang ngồi khóc ở phía chân giường khiến ông giật mình choàng tỉnh dậy. Dụi mắt mấy lần bác Hạnh nhìn thật kỹ nhưng lúc này lại chẳng thấy có gì cả, nhìn quanh quẩn khắp gian nhà ngoài bốn bức tường ầm mốc và cũ kỹ ra thì chẳng có gì khác lạ. Bên ngoài bầu trời vẫn tối đen như mực, thỉnh thoảng có tiếng chó tru lên từng hồi dài nghe chừng hơi rờn rợn. Tiếng chim lợn đậu ở phía cây xoan đào trồng đầu nhà rít lên kêu eng éc làm cho ông giật mình.
Nhìn lên ban thờ. Phía bức di ảnh của cô Hạ Hoàn được ánh lửa từ ngọn đèn cầy đang bập bùng như nhảy múa phản chiếu ánh sáng lập lòe từ tấm kính đang giữ chặt lấy khung ảnh. Dường như ông cảm thấy trên khuôn mặt của cô gái vừa nở một nụ cười. Nhắm mắt lại thật nhanh, ông lại mở mắt ngay ra. Nhưng mọi chuyện lại như bình thường…Bất giác ông cảm thấy gai người. Nhưng vốn cũng là người bạo dạn, nên bác Hạnh cũng chẳng lấy gì làm sợ hãi mà chỉ lầm bầm trong miệng;
– Cô Hoàn…Cô sống khôn, thác thiêng thì đừng có trêu chọc tôi nữa. Tôi biết cô có điều gì muốn nói với tôi nhưng không tiện hoặc không thể nói ra. Nếu cô không nói ra được thì tôi là người trần mắt thịt làm sao có thể giúp cho cô được?
Đúng lúc này mắt ông hoa lên, trong đầu nổ “binh” một tiếng rồi cứ thế thân thể ông rơi xuống một cái giếng sâu không thấy đáy. Ông cứ rơi mãi, rơi mãi hai bàn tay ông quờ quạng nhưng mọi thứ xung quanh ông dường như lúc này đều đang chống đối lấy ông. Bác Hạnh bất lực mặc cho mình cứ thế rơi xuống. Trải qua một lúc lâu sau đó bác Hạnh mới nhìn rõ quanh cảnh xung quanh mình. Ông đang đứng ở ngay trong căn nhà của mình ở quê, xung quanh ông là bao nhiêu người quen, họ hàng thân thích đang xì xào bàn tán. Nhìn vào phía gian giữa nhà mình ông thấy nghi ngút khói hương và tiếng vợ ông khóc lóc thảm thiết;
– Vinh ơi…Ối con ơi sao lại bỏ bố mẹ mà đi…Con ơi là con ơi?
– Ối ông Hạnh ơi…Sao giờ này ông còn chưa về? Con ông chết đuối thê thảm như này mà sao ông không biết đường mà về nhìn mặt con lần cuối…Liền vào đó là những tiếng khóc như xé lòng của những người họ hàng bà con thân thích.
Bác Hạnh lao vào nhìn mặt con trai mình, mọi người xung quanh dường như cũng chẳng ai biết đến sự xuất hiện của ông. Tất cả đều không ai nhận ra được ông đã xuất hiện ở đây nhưng, dù ông có gọi hay hò hét hoặc làm mọi động tác thì người đối diện cũng chẳng nhận ra được. Họ đều coi ông như là không khí, coi như người vô hình.
Tiến lại gần hơn thì bác Hạnh hoảng sợ đến tột cùng khi nhìn thấy người đang nằm đắp chiếu ở ngay trong căn nhà mình đó chính là thằng Vinh…Con trai ông. Lúc này bên tai ông nghe thấy tiếng bàn tán;
– Còn xác của ông Hạnh nữa. Nước sông Hồng lên cao lắm, hiện tại thì chưa biết xác của ông ấy đã trôi đi đâu mất rồi. Xác của thằng Vinh con trai ông ấy may mà mắc được vào tấm lưới trên thuyền nên không bị nước cuốn đi…Hiện tại người ta vẫn đang huy động thanh niên trai tráng đi vớt.
– Khổ thân hai bố con ông ấy…Nghe đâu năm ngoái tầm này cũng có một cô gái bị chết trôi dạt vào thuyền nhà ông ấy…Thật là khổ quá mà. Sau đó là tiếng thở dài ảo não của người hàng xóm trong làng mà bác Hạnh quen mặt.
Cố gắng xua tay ra hiệu nhưng người này chẳng nhận ra được sự xuất hiện của ông, người hàng xóm này tiếp tục nói
– Chẳng hiểu sao lênh đênh bao năm làm nghề quen thuộc vậy mà chiếc thuyền lại bị đắm mới tài.
– Ông chưa làm nghề này nên chưa hiểu được rồi. Mỗi lần nước sông Hồng từ đầu nguồn đổ về thì chẳng khác gì người ta tháo đập thủy điện đâu. Dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy xuôi dòng, nước ngầm chảy siết mang theo những khúc gỗ cây lớn chẳng khác gì vũ khí hạng nặng, nó mà lao vào thuyền thì lại chả đắm…Lao vào nhà còn thủng nhà ý chứ, chiếc thuyền nan bé tẹo có là gì. Tiếng một người có vẻ là người từng trải qua nói xen vào.
Bác Hạnh ngó qua thì đúng là tiếng ông Vạn, người cũng làm nghề như ông cũng ở ven bối làng chài đang buồn rầu than thở.
– Ý tôi là tại sao biết nguy hiểm vậy mà không tránh đi, mà đêm hôm còn lọ mọ đi làm làm gì? Mà còn bị cả hai bố con mới khổ. Bây giờ xác cũng chưa tìm thấy đâu. Người hàng xóm trong làng lên tiếng phản bác lại.
– Cuộc sống mà ông. Những lần nước lũ về thì mới có nhiều cá to, giá trị lớn, thậm chí vớt củi hoặc gỗ cũng bán được. Nhưng đôi khi có những việc mà ta không thể lường trước được. Gọi là “sinh nghề tử nghiệp” hoặc cũng có thể gọi là “bị che mắt”. Chỉ dân trong nghề mới rành thôi…Ông có dám nói tài, nói giỏi không? Ông Vạn nói với ông hàng xóm trong làng của bác Hạnh bằng giọng khá gay gắt. Có lẽ vì đụng chạm hoặc vì sự ra đi đường đột của hai bố con bác Hạnh khiến cho người này bối rối.
– Hình như ông làm nghề buôn rắn đúng không? Ông có dám khẳng định trăm phần trăm là sẽ không bị rắn cắn không? Ông có nhớ xã mình có thằng Chiến bẻo nổi tiếng là thợ rắn nhưng cuối cùng cũng bị con hổ mang chúa nó đợp chết không?
– Rồi thằng Tiến mõ thợ điện. Cũng bị điện giật chết đấy…Đến lúc tận số rồi thì lúc ấy lại trắng mắt ra. Mà thôi tôi cũng không tranh luận với ông nữa….Vì có nói ông cũng chẳng hiểu được đâu…Ông Vạn nói rồi đứng lên. Tiến vào phía trong nhà không để ý gì đến ông hàng xóm trong làng của bác Hạnh nữa. Dường như thái độ của ông Vạn với người kia không được tốt lắm nên lời nói có vẻ khá gay gắt.
– Lão già Vạn điên…Hàng xóm trong làng của bác Hạnh lên tiếng nói với theo, nhưng cuối cùng cuộc tranh luận của hai người cũng kết thúc. Mọi người ai nấy lại tập trung vào việc sắp xếp mọi thứ để chuẩn bị lo lễ tang cho hai bố con bác Hạnh. Duy chỉ có một người đang hoang mang nhất, sợ hãi nhất và đau khổ nhất chính là bác Hạnh lúc này. Ông không hiểu điều gì đang diễn ra. Dường như ông đang lạc giữa ngay chính căn nhà thân quen của mình.
– Tôi…Đây…Tôi…Là…Hạnh…Đây. Tôi vẫn còn sống.
Ông lao vào hét lên thật to, hai bàn tay xua, xua quanh trước mặt mọi người nhưng chẳng ai có thể thấy được ông nói. Tất cả vẫn không ai nhìn thấy được ông.
– Chuyện gì đang sảy ra thế này? Tôi bị làm sao? Tôi vẫn còn sống sờ sờ ra đây mà? Trời ơi…Bác Hạnh hét lên nhưng lúc này mọi thứ trước mặt như nhòa đi, ngẩng đầu lên thì bầu trời xám xịt, mây đen giăng kín u ám, lúc này cũng đã bắt đầu vằn vện nổi lên từng tia sét báo hiệu một cơn mưa rất lớn sắp tới. Mùa này là mùa nước lên, trời hay mưa bão bất ngờ.
Ông bần thần quay đầu ngoái lại nhìn về phía căn nhà của mình một lần nữa rồi một mình lầm lũi đi ra phía làng chài ven sông nơi mình vẫn hàng ngày đánh cá.
Ra đến bờ sông, nước Sông Hồng lúc này chảy cuồn cuộn, đục ngầu. Hai bên bờ sông dường như cách xa hơn đến vài trăm mét. Con Sông Hồng bình thường hiền hòa là vậy nhưng bây giờ sao nó dữ dằn và hung tợn vậy?
Nhìn xuống mặt sông đục ngầu đang cuồn cuộn bởi phù xa và đủ những thứ đang ẩn giấu dưới dòng nước kia, đang bị cơn mưa lớn tầm tã trắng trời như bị ai đó dùng sức hắt từng dòng phun mạnh xuống khiến cho mặt nước lúc này càng thêm nguy hiểm. Nhưng bác Hạnh cũng chẳng thèm quan tâm, ông đi thẳng tới vị trí con thuyền đang neo đậu quen thuộc hàng ngày của mình. Nhưng lúc này cũng chẳng thấy nó đâu nữa. Chỉ thấy xung quanh mênh mông toàn nước là nước. Chưa biết phải làm thế nào bỗng nhiên bác Hạnh giật mình, bởi có cảm giác hơi lành lạnh. Chẳng phải lạnh bởi vì xíu nước mưa mà lạnh này là lạnh kiểu khác, lạnh mà hơi rờn rợn. Từ dưới mặt nước trước mặt bỗng nhiên hiện lên một vòng xoáy nhỏ, dần dần nó tạo thành một miệng hố khổng lồ như muốn hút cạn tất cả nước của con sông. Tất cả mọi vật dù to nhỏ lớn bé đều bị cuốn vào đó, có cảm giác nếu bị lọt vào miệng hố này thì sẽ chẳng bao giờ thoát ra được. Cũng chẳng biết cái hố này thông đến đâu nữa. Nhưng đây là lần đầu tiên bác Hạnh được chứng kiến một màn kì dị như thế này…Ông vội vàng nhảy lùi lại chạy thật nhanh lên bờ. Nhưng từ phía sau lưng ông có cảm giác chạm vào ai đó, quay ngoắt đầu lại bác Hạnh không tin vào mắt mình. Người vừa chạm vào mình chính là Hạ Hoàn.
– Cô…Cô…Tại sao cô lại ở đây?
Giọng lắp bắp. Bác Hạnh run rẩy quát lớn. Dù là người từng trải nhưng trải qua liên tiếp những chuyện kinh dị như thế này thì có là người có thần kinh thép cũng phải nhũn ra mà thôi. Thật đáng sợ. Mà đáng sợ hơn nữa là tận mắt chứng kiến người nhà của mình làm lễ tang cho mình. Có lẽ đó là trải nghiệm kinh khủng nhất, áy náy nhất và đau khổ nhất.
Chẳng hiểu sao, vẻ mặt của Hạ Hoàn lúc này cũng đã khôi phục được hoàn toàn, không còn vẻ nham nhở bong tróc giống như bị cá rỉa như lần đầu tiên bác Hạnh gặp lúc dưới sông nữa. Nên nhìn khuôn mặt khả ái xinh đẹp củ a cô bác Hạnh cũng không lấy gì làm kinh sợ lắm mà bình tĩnh hỏi;
– Bác đừng sợ…Cháu bình thường không thể gặp được bác. Chỉ có lúc bác ngủ hoặc những ngày đặc biệt cháu mới có thể “áp nhãn báo mộng” cho bác được mà thôi. Hiện tại là bác đang mơ thôi.
Nghe đến đây bác Hạnh mới thở phào, hóa ra là giấc mơ. Nhưng giấc mơ này sao quá kinh khủng và đáng sợ như vậy. Chưa kịp lên tiếng hỏi thì tiếng của Hạ Hoàn tiếp tục nói;
– Nhưng nếu bác không bỏ nghề đánh bắt này thì chính giấc mơ này sẽ thành sự thật. “Nhất đâm Hà Bá…Nhì phá Sơn Lâm”. Nó là sự thật đó bác.
Nghe đến đây bác Hạnh giật mình, ông nhớ lại đôi bàn tay mình cũng đã “tàn sát” không biết bao nhiêu loài cá dưới dòng sông này…Trước kia ông còn dùng mìn, thuốc nổ, kích điện và thậm chí cả dùng hóa chất hạ độc cả dòng sông này mục đích chỉ để đánh bắt cá to, bán được nhiều tiền hơn.
– Cảm ơn bác vì đã giúp đỡ cháu trong những ngày qua. Cảm ơn bác vì có bác mà cháu đã về được nhà. Hiện tại thì kẻ hại cháu cháu cũng biết là ai rồi. Họ sẽ phải trả giá…Cháu chỉ còn khoảng vài chục ngày nữa là sẽ đi khỏi nơi này. Tức là hết một trăm ngày vương vất nhân gian cháu sẽ phải đi.
Ánh mắt của Hạ Hoàn đanh lại, nhưng ẩn sâu trong đôi mắt đó là sự tiếc nuối. Có lẽ cô tiếc nuối cho tuổi thanh xuân đang phơi phới của mình, hoặc tiếc nuối vì một điều gì đó mà chỉ một mình cô ta biết được.
– Tôi có thể giúp gì cho cháu được nữa không?
Bác Hạnh sau phút bần thần thì bây giờ cũng đã bình tĩnh hơn. Gắng cất tiếng hỏi.
– Dạ cháu cảm ơn…Cháu vì muốn trả ơn bác nên báo tin cho bác về giấc mơ này. Hi vọng bác sẽ bỏ nghề đâm hà bá đó đi. Không có phúc phần đâu bác ạ.
– Cháu bây giờ cũng thông tỏ rồi. Nên cũng không còn vướng bận điều gì nữa. Cũng cũng chỉ hi vọng mọi người gắng sống thật tốt thôi ạ. Cháu sẽ luôn chúc phúc cho bác.
Nói rồi bóng hình của Hạ Hoàn cứ mờ dần, mờ dần sau đó biến mất hoàn toàn để lộ ra phía sau lưng cô là cả một khoảng không gian đang trắng xóa một màu mưa bàng bạc. Tiếng sét ngang trời làm bác Hạnh giật mình tỉnh giấc. Một giấc mơ thật sự rất kỳ lạ làm ông cả đêm đó không chợp được mắt thêm một chút nào.
Sáng sớm hôm sau ông chào vợ chồng ông bà Nhân Nghĩa rồi ra bến xe bắt xe về quê sớm. Chuyến xe ca đầu tiên lắm bánh cũng là lúc trời tờ mờ sáng. Con đường về quê quanh co, khúc khuỷu, lúc này dường như xa càng thêm xa…