Sau khi bác Hạnh và bố tôi thống nhất bắt tay nhau để giúp cho cô gái bị chết oan uổng dưới sông thì cũng có khá nhiều điều kì lạ sảy ra.
Bố tôi và bác Hạnh lên tận nơi địa chỉ nhà của cô gái trên Phú Thọ. Kể ra thì cũng rất kỳ lạ. Bác Hạnh lúc ở trên mặt Sông Hồng bị cô gái “áp nhãn” cho bác chứng kiến hình ảnh cô ấy bị tên kia giết hại như thế nào và xác của cô ấy bị hắn ta buộc vào tảng đá rồi đẩy xuống dòng nước ra làm sao thì quả nhiên đúng hệt như những gì mà cơ quan điều tra đã thu thập được. Chỉ có điều tên thủ phạm thì không biết rõ hắn ta là ai. Bác Hạnh bảo với bố tôi chỉ nhớ mang máng lúc sát hại cô ta hắn mặc một chiếc áo Măng Tô, đi giầy chấn thủ, đội mũ lưỡi trai. Dáng người khá đậm, còn một đặc điểm nhận dạng khá rõ ràng nữa là bác nhìn thấy từ phía sau của gã bị mất một bên dái tai. Nhưng điều này bác cũng chẳng nói với ai cả. Thứ nhất là vì bác sợ phiền phức, thứ hai là bác sợ nói ra thì cơ quan điều tra cũng chẳng ai tin.
Nhưng khi bố tôi và bác Hạnh hai người bắt xe ca lên Phú Thọ, tìm đúng địa chỉ nhà bố mẹ của cô gái thì bố tôi cũng ngỡ ngàng thật sự. Bởi vì trước đó thực tâm bố tôi cũng chưa hoàn toàn tin tưởng lắm, nghĩ đó chỉ là chuyện liêu trai hoang đường. Đợi đến giữa đêm ba mươi âm lịch trong tháng đó, ngay từ tối hôm trước, bác Hạnh cùng với bố tôi hai người chuẩn bị một chút tiền vàng, hương hoa ra bờ sông nơi vị trí gần chiếc thuyền nan nhà bác Hạnh. Hay nói đúng hơn là vị trí mà bác Hạnh phát hiện ra xác chết của cô đầu tiên để kêu khấn và cũng muốn an ủi vong linh của cô gái rằng hiện tại cô ấy đã có thêm một sự giúp đỡ từ bố tôi. Châm ba nén nhang, bác Hạnh lầm bầm khấn nôm na;
– Vong linh của cô Trần Thị Hạ Hoàn. Cô sống khôn thác thiêng thì xin về chứng giám. Hôm nay tôi đến chỗ cô thác oan, ở nơi này có chút lòng thành mong cô hãy giúp chúng tôi vạn sự hanh thông, sớm hoàn thành ước nguyện của cô…
Khi vừa cắm ba cây nhang xuống dưới đất thì ở mặt nước phía trước mặt bố tôi đang đứng bỗng nhiên như bị một cái gì đó làm cho xao động mạnh khiến cho ánh trăng trên trời, đang phản chiếu dưới nước vỡ ra. Rồi một cơn gió mạnh từ dưới mặt nước tạt vào mặt khiến bố tôi cảm thấy rất lạnh, ông khẽ rùng mình lùi lại phía sau. Mặc dù là một người từng trải, lại qua bao nhiêu năm chiến trường nên cũng không phải là người nhút nhát gì. Nhưng ngay lúc này lại khiến ông cảm thấy rờn rợn, ma mị.
Quay sang nhìn bác Hạnh, đanh đứng cạnh đấy, bố tôi hoảng hồn khi thấy người đồng đội của mình như kiểu bị “nhập”. Chẳng nói được câu gì mà chỉ khóc. Bố tôi hỏi, bác Hạnh cũng chẳng nói năng gì mà chỉ khóc. Nhìn bộ dạng thì giống phụ nữ nhiều hơn. Nhưng vốn là một người khá “nhạy bén” trong những việc như thế này nên bố tôi cũng chợt hiểu ra vấn đề.
Bất đắc dĩ ông cất tiếng hỏi;
– Tôi chẳng biết cô là ai? Nhưng nếu muốn chúng tôi giúp mà cô cứ khóc như thế này thì chúng tôi giúp thế nào được. Lại còn “ốp” vào người có thể giúp cho cô thì làm sao người còn lại là tôi có thể “khấn thay, lạy đỡ” cho cô được?
Vẫn thấy “cô ấy” khóc mà lúc này khóc nhiều hơn. Bố tôi mới nghĩ ra một cách. Đó là không bắt cô ấy trả lời bằng giọng nói nữa mà bằng cách gật hay lắc đầu. Bố tôi hỏi cô ấy;
– Có phải cô bị chết oan khuất?
Liếc nhìn về phía bác Hạnh thấy bác gật đầu lia lịa. Khuôn mặt lộ vẻ đau đớn và sợ hãi.
– Cô muốn chúng tôi giúp đỡ không?
Ngay lập tức bác Hạnh nắm lấy tay của bố tôi như cầu xin, rồi bắt đầu lắc mạnh. Lúc hai bàn tay bác Hạnh nắm lấy cổ tay của bố tôi làm cho ông có cảm giác rất lạnh, như là bàn tay của người vừa nhúng vào trong xô đá vừa nhấc lên và đặc biệt là bàn tay của bác Hạnh rất ướt như là mới ở dưới sông lên vậy.
– Tại sao cô không thể tự về báo mộng cho người nhà được? Mà phải nhờ chúng tôi?
Nhưng vừa hỏi câu này bố tôi mới sững người vì biết mình vừa lỡ lời. Ông nhớ lại thời gian trước kia cũng có một thời gian quen biết một “thầy” làm nghề thầy cúng có nói qua rằng;
– Những trường hợp chết oan như tự vẫn, treo cổ, bị tai nạn, những cái chết ấy đa phần trong lúc hoảng loạn cho nên có một phần vía thoát ra lạc mất không tìm lại được. Nếu không làm pháp đúng cách họ sẽ không thể nhớ đường về nhà hoặc do uất khí quá lớn làm cho hồn xiêu, phách lạc. Lúc tụ lại không đủ cũng vậy. Vì thế chưa thể luân hồi đầu thai, chuyển kiếp được. Nhưng “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá” Thổ Công và Phán Quan buộc họ ở lại đấy chờ đến khi nào phần phách bị lạc hội lại cho đủ thì mới đưa đi luân hồi được vì trước khi luân hồi còn xét hỏi, phân định tội hay công mà phách lạc một phần thì vong không thể minh mẫn mà nhớ lại hết để đối chất.
Vậy là vong linh ấy chịu khổ, chịu cảnh đói khát, lạnh lẽo mà người nhà thì chỉ chăm chăm cúng tế ở nhà hay ở mồ mả, họ có thọ dụng được đâu. Lúc gọi tên họ mà họ không về được lại càng uất ức, đau khổ gấp bội.
Chính vì không muốn chịu cảnh bị dày vò, đau khổ như vậy mà để thoát khỏi cảnh khổ ấy họ tìm cách bắt một hồn người sống như xô đẩy, làm bị nạn cho kẻ khác chết ngay lúc đó! Để nhân cơ hội hồn phách người bị nạn thoát ra họ tìm cơ hội nhập vào để tìm lại nhân gian, cũng có khi không nhập được do thân thể đã tan hoại không còn nguyên vẹn nữa thì họ lợi dụng việc Phán Quan đi qua chỉ kiểm tra thấy có vong ở đó là xong nên họ trốn đi…
Dường như bác Hạnh lúc này cũng “hoang mang, mịt mờ”. Bởi câu hỏi của bố tôi. Khi nãy trên khuôn mặt còn biểu hiện thái độ hợp tác, nhưng hiện tại thì khuôn mặt cau có lại, có vẻ bực tức, hai tay nắm chặt lại, răng nghiến ken két. Nhưng hai mắt của bác Hạnh vẫn nhắm chặt lại, chẳng biết lúc này đang suy nghĩ điều gì?
Bố tôi thấy vậy tiếp tục nói;
– Vậy muốn chúng tôi giúp thì cho tôi địa chỉ nhà cụ thể của gia đình cô. Chúng tôi sẽ lên tận nơi để tìm cách giúp đỡ.
Bác Hạnh lúc này mới gật đầu lia lịa, sau đó nói mấy tiếng bằng giọng đứt quãng, giọng nói lúc này cũng chuyển thành giọng của phụ nữ;
– Tỉnh Phú Thọ…Lương Hòa…Kim Bình…Đội 8…Hỏi nhà ông bà Nhân Nghĩa…Làm…Ơn…Giúp…Cháu…Cháu…Đội Ơn…Các Bác.
Cũng chẳng biết phải giải thích như thế nào nữa, khi bỗng nhiên cô gái đang “ốp” bác Hạnh lúc này lại nói được rõ ràng địa chỉ nhà của mình. Sau đó bác Hạnh chắp hai tay lại vái bố tôi ý muốn cảm ơn.
– Được rồi…Vậy mai chúng tôi sẽ lên trên nhà cô. Hi vọng cô sẽ phù hộ chúng tôi mọi chuyện thuận lợi. Bố tôi lúc này rất “tỉnh táo” nói với cô gái đang “ốp” vào bác Hạnh. Sau đó liền tiến lại về phía bác Hạnh. Lúc này bác Hạnh bỗng nhiên ngã đổ thẳng người ra đất như cây chuối. Nhưng bố tôi nhanh tay đỡ được ông, sau đó bố tôi lấy chai rượu cúng xoa bóp vào hai huyệt thái dương với thoa vào lòng bàn chân cho bác Hạnh. Lúc ông tỉnh táo hoàn toàn bố tôi hỏi;
– Ông có nhớ gì không?
Bác Hạnh lúc này có lẽ vẫn hơi “choáng váng”, đang ngạc nhiên vì tự nhiên thấy mình lại được bố tôi day huyệt thái dương nên hỏi ngược lại;
– Có chuyện gì thế ông? Sao tôi lại nằm xuống đất thế này?
– Ông vừa bị cô gái kia “ốp”. Rồi bố tôi kể đầu đuôi câu chuyện cho bác Hạnh nghe, sau đó hai người thu dọn đi về nhà, tâm lý ai cũng nặng nề. Con đường mòn từ bãi Sông Hồng ngoằn ngoèo, hai bên là những cây chuối cao quá đầu người, dưới ánh trăng mờ tỏ những tàu lá chuối đang thời kỳ “đánh phấn” bóng loáng, được gió thổi bay dập dìu như những cánh tay của người con gái đang nhảy múa theo khúc nhạc. Hai bóng người đàn ông đi song song với nhau, không ai nói với ai một lời nào, không khí khá nặng nề. Từng bước chân của hai người lính già đạp xuống đất pha cát và đá răm nghe lạo xạo. Chẳng biết trong đầu hai người nghĩ gì nhưng khung cảnh lúc này trông thật thê lương, ảm đạm.
***
Chiếc xe ca từ bốn giờ sáng đã bắt đầu lăn bánh. Từ Hưng Yên lên trên Phú Thọ cũng tầm vài trăm cây số. Lên đến nhà cô gái cũng tầm giữa trưa, bố tôi và bác Hạnh cuối cùng cũng tìm đến được nhà ông bà Nghĩa Nhân, là bố mẹ đẻ của cô Hạ Hoàn. Sự việc giống hoàn toàn, đúng như lời của bác Hạnh. Từ hai người xa lạ, không quen biết, chưa gặp mặt bao giờ lại có thể cho địa chỉ chính xác tuyệt đối và “ốp nhãn” cho nhìn thấy tận mắt chứng kiện việc mình bị sát hại. Lại thêm việc đêm hôm trước ra chỗ cô ấy mất khấn vái thắp hương bị cô gái này “ốp bóng”. Điều này rất khó giải thích kể cả là với bất kỳ ai, cho dù là người nào đa nghi nhất cũng chẳng thể phủ nhận được đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là có sự sắp đặt của số phận. Do duyên số, do trùng hợp hay vì bất kể một lý do nào đi chăng nữa thì với tôi…Tôi tin nó là có thật.
Lúc bố tôi và bác Hạnh bước vào nhà thì thấy gian giữa nhà có lập một cái ban thờ nho nhỏ. Trên ban thờ được phủ bằng một tấm vải màu vàng, gần giống kiểu hương án tiếp linh khi nhà ai có người thân mới mất. Trên đó là tấm di ảnh của cô gái tên Trần Thị Hạ Hoàn. Nhìn thật kỹ tấm di ảnh của cô gái bố tôi và bác Hạnh lúc này mới hoàn toàn tin tưởng vào việc này. Bởi cô ta quá thiêng hoặc có phúc phần quá lớn mới có thể “làm được việc” đó là nhờ hai người cực lính đặc công tới tận nhà khi đã chết rồi giúp đỡ. Việc này khi sống chưa hẳn cô ta sẽ làm được mà hiện tại chết rồi lại có thể làm được. Kể ra trong kiếp nhân sinh thật kì lạ, âu cũng là lẽ mà người thường như tôi cũng chẳng biết phải diễn giải như thế nào.
Mặc dù hơi rờn rợn nhưng với hai người từng trải, lại là cựu binh như bố tôi và bác Hạnh thì còn chuyện gì là chưa trải qua đâu. Mỗi người thắp cho cô Hạ Hoàng một nén nhang lên ban thờ. Nhưng kỳ lạ thay khi bố tôi và bÁc Hạnh cắm nhang vào bát. Bỗng nhiên trên bát nhang cháy bùng lên, ngọn lửa cháy to dữ dội nhưng ngay lập tức lại tắt ngay. Bố tôi thì thầm với bác Hạnh;
– Cô ấy biết tôi và ông lên tận nhà cô ấy rồi. Vừa nãy bát nhang cháy bùng lên là do cô ấy mừng rỡ đấy. Có thể coi đó là một dấu hiệu báo cho chúng ta biết việc mình đã giữ lời, hứa giúp đỡ vong linh của cô ta.
Nhìn vào tấm di ảnh cô gái xinh đẹp, nhưng yểu mệnh bác Hạnh khẽ than thở;
– Thật tội nghiệp…Cô Hoàn…Bác xin hứa sẽ tìm ra kẻ sát hại cháu để bắt hắn phải đền tội.
Bố tôi cũng đồng tình nên không nói gì. Hai người đi ra phía bàn uống nước được kê cạnh đấy. Bố mẹ của Hạ Hoàn là hai người còn khá trẻ, chồng tên là Nhân, vợ tên Nghĩa.
Sau khi nói sơ qua một lượt, bà Nghĩa xúc động sụt sùi, khóc lóc thảm thiết. Liền chạy ra bàn thờ con gái mình, nhìn di ảnh Hạ Hoàn tức tưởi;
– Khổ thân con gái tôi. Bao nhiêu năm vất vả ngược xuôi bươn chải vì gia đình, vậy mà…Mẹ ước mình sẽ chết thay cho con. Con ơi…Hu Hu Hu.
Nhìn cảnh bà Nghĩa khóc ai oán khiến cho những người có mặt ở đó đều không cầm được nước mắt, lặng hết cả người. Sau khi ngồi ở bàn uống nước, bố tôi quan sát thấy trong nhà gồm có ông Nhân, bà nghĩa là bố mẹ của cô Hạ Hoàn. Còn lại là hai người đàn ông khác liền cất tiếng hỏi;
– Chẳng hay hai anh là?
– Đây là Trí con trai út của tôi. Là em của con Hoàn, nghe tin chị nó mất nó xin nghỉ làm ở khu công nghiệp dưới Hà Nội, bây giờ về quê làm ở gần nhà. Còn đây là Hướng, là chồng sắp cưới của con gái tôi. Chỉ tiếc là…Nói đoạn ông Nhân nhìn về cậu Hướng, ánh mắt buồn vô hạn.
– Cháu chào hai bác. Tiếng của người thanh niên tên Hướng chào bố tôi và bác Hạnh. Nhưng ánh mắt và lời nói chẳng có chút nào là thiện cảm, hai thứ đó nó không đi đôi với nhau.