Qua một đêm trằn trọc suy nghĩ, sáng hôm sau ông Hạnh lên rừng săn bắn- vừa để thỏa mãn thú vui, vừa là công việc của ông. Ngọn đồi này vẫn rậm rạp cây cối, dấu vết của vụ tự thiêu vẫn còn ở đây mà chưa bị xoá nhoà. Ông rút cây súng ưa thích của mình ra, nhắm thật kĩ con mồi xấu số rơi vào tầm ngắm của mình, có thể là con thỏ, con sóc… nhưng chắc chắn không phải là một thứ gì đó có hình dạng giống người. Kia rồi, sau một hồi quan sát, ông Hạnh đã thấy một con thỏ trắng chạy qua một bụi cây. Tốc độ của nó nhanh thoăn thoắt, nhưng không thể thoát ra khỏi tầm ngắm của người thợ săn lão luyện. Tiếng đạn bắn ra khỏi nòng và ghim trúng con mồi béo bở. Vui vẻ tiến lại gần để xem cho kĩ chiến lợi phẩm của mình, ông Hạnh giật mình khi thấy quá nhiều máu chảy trên nền đất. Chỉ là một con thỏ tại sao lại có thể ra nhiều máu đến vậy? Run run bới lùm cây ra, ông Hạnh như chết đứng vì trong đó là một cái xác người chứ không phải xác thỏ như ông nghĩ. Máu chảy trên chiếc áo hoa tím của người đó càng lúc càng nhiều, nhanh chóng thấm đẫm cả chiếc áo rồi chiếc quần vải đen bà ta đang mặc. Người phụ nữ vẫn nhăn nhó ôm lấy thân mình, nhưng không quay mặt ra cho ông Hạnh nhìn dù ông van nài:
– Chị ơi, chị có sao không? Tôi… tôi xin lỗi… tôi không cố tình…
– Máu chảy nhiều quá… để tôi đưa chị đi bệnh viện…
– Tôi không sao ông Hạnh ạ. Người phụ nữ tưởng chừng như đang bị thương rất nặng bỗng đáp lời ông rất rành mạch, rồi từ từ quay ra nhìn ông. Nhìn thấy khuôn mặt của bà ta, ông Hạnh hét lên một tiếng kinh hãi rồi lảo đảo lùi ra đằng sau, bởi đây chính là bà Thắm- người phụ nữ xấu số bị ông hiểu nhầm là tinh tinh hơn một năm về trước. Ông vẫn nhớ rất rõ khuôn mặt của bà ta trên tấm ảnh thờ đặt ở nhà người em trai.
– Ông đã quên lời của tôi nói trong giấc mơ rồi hay sao? Tôi đã nói từ nay về sau ông và những người anh em của ông sẽ không thể săn bắt được bất cứ loài động vật nào nữa đâu. Bà Thắm nhoẻn miệng cười nhìn ông Hạnh đang ngồi một chỗ run sợ.
– Bà… bà hận tôi đến vậy sao?
– Cũng không hẳn là tôi hận ông. Chỉ là săn bắn cũng là nghề sát sinh thôi. Nhưng do sự nhầm lẫn của ông mà công an đã không thể điều tra ra nguyên nhân cái chết của tôi.
– Ai đã sát hại bà? Em trai bà nói bà có một đôi bông tai vàng nhưng công an không sao tìm thấy thứ đó ở hiện trường. Khi tôi tìm thấy xác bà thì tôi cũng không thấy đôi khuyên tai nào hết.
– Hắn sau khi sát hại tôi đã lấy đi rồi. Hắn cũng không bán cho bất cứ một cửa tiệm trang sức nào ở làng này hay cả cái tỉnh này để công an không thể điều tra ra.
– Vậy tôi tìm ra hắn bằng cách nào đây? Thầy bói nói hắn đang ở cách xa đây cả ngàn dặm.
– Yên tâm rồi tôi sẽ có cách bắt hắn phải trở về. Ông đã cố gắng rất nhiều rồi, nhưng từ nay ông đừng đi săn nữa, hãy đổi nghề khác đi. Cả người nhà của ông nữa.
Nói xong bà Thắm dần dần biến mất, để lại ông Hạnh ngồi một mình trên ngọn đồi trơ trọi. Người đàn ông tuổi trung niên lững thững xách súng trở về nhà trong bộ dạng thiểu não. Ông và mấy người anh em trong gia đình từ nhỏ đến nay đã sống bằng nghề đi săn, giờ đổi sang nghề khác cũng đâu có dễ dàng. Ông đã hỏi thầy bói về cái nghề của ông, thầy cũng nói đó là nghề không mang lại âm phúc cho con cháu. Có lẽ đây là ý trời muốn ông ngừng cái công việc sát sinh này lại.
Lúc này ở Mỹ, bà Liên vẫn miệt mài với công việc kinh doanh siêu thị của mình dù trong lòng vẫn băn khoăn về lời của người đàn bà hôm qua vào siêu thị của bà mua sắm. Bà đã rà soát lại đống đồ trang sức của mình nhưng không thể biết được đôi khuyên tai nào là của người chết. Con gái của bà hôm nay trở về nhà để lấy một vài món đồ để tham dự một buổi gặp mặt với một người theo lời cô nói là rất quan trọng. Cô gái tuổi đôi mươi đã vô tình lấy đi đôi bông tai vàng mà không biết nó chính là đồ của người chết. Sau mấy giờ đồng hồ tham dự buổi gặp mặt với bạn trai mới, cô gái trở về nhà, đi trên con đường tối yên ắng để về thẳng nhà trọ của mình. Mọi khi con đường này rất an toàn, nhưng không hiểu sao tối nay lại có hai kẻ côn đồ chặn đường cướp tài sản của cô. Đầu tiên chúng bắt cô giao nộp ví tiền sau đó là trang sức. Cô gái tuy sợ hãi nhưng vẫn cố chống cự, kết quả là bị bọn cướp đánh đến tím hết mặt mũi. Chúng quyết giật bằng được đôi khuyên tai vàng của cô, đúng lúc đó có người đến nên chúng đành bỏ của chạy lấy người. Cô gái tội nghiệp vì quá hoảng sợ nên không thể đứng lên để bỏ chạy ngay. Người vừa cứu cô là một người phụ nữ tầm tuổi mẹ của cô, bà ta nhìn cô bằng ánh mắt lạnh lùng:
– Mẹ cô đang giữ một món đồ của người chết, bà ấy nên trả lại để tránh mang hoạ.
– Khoan đã, mẹ tôi giữ đồ gì của người chết chứ?
– Đôi bông tai cô đang đeo ấy. Chính vì nó là đồ của người chết nên bọn cướp không thể cướp đi được.
– Nhưng… mẹ tôi sẽ phải trả lại thứ này cho người chết như thế nào đây? Vàng đâu có bị đốt cháy trong lửa?
– Bà ấy sẽ phải về Việt Nam để trả lại cho gia đình người đã khuất. Dù bà ấy không biết đó là đồ của người chết nhưng cầm đồ của người đã khuất là không nên. Cô mau đi về đi, nếu không bọn cướp sẽ quay lại đấy.
Nói rồi người đàn bà lạ mặt quay lưng bỏ đi, để mặc cô con gái của bà Liên nhìn theo bằng ánh mắt ngỡ ngàng. Bà ta là ai, tại sao lại nói ra câu chuyện đó? Chẳng lẽ đôi khuyên tai bằng vàng này lại là hung thủ gây ra tai hoạ cho cô? Trong lòng con gái của bà Liên vẫn còn rất hoang mang, không biết có nên tin lời người phụ nữ vừa rồi không. Nhưng trước hết cô phải hỏi lại mẹ cô cho rõ đã. Cách đó không xa, hai gã ăn cướp vẫn đang nhìn theo cô gái suýt là nạn nhân của chúng với sự kinh ngạc và hoảng sợ. Chúng cũng là người Việt giống mẹ con bà Liên mà thôi. Chúng thấy người phụ nữ vừa rồi không có bóng, chẳng lẽ đó là hồn ma hiện lên giải cứu cô gái đó?
Về đến nhà trọ, cô gái gọi ngay cho mẹ khi sự bàng hoàng còn chưa hết trong tâm trí. Bà Liên sau khi nghe con gái kể chuyện gặp tai nạn mà chưa hoàn hồn, bà xác nhận là đã mua đôi bông tai đó ở Việt Nam trong một lần về thăm quê hương mà không biết nguồn gốc của nó. Tai hoạ đã xảy ra cho con gái bà, may mà cô không sao. Thật ra, hôm nay ở siêu thị, bà Liên cũng gặp một số chuyện không may mắn. Nhân viên vẫn xin nghỉ nên bà tới đó làm thay, vừa mở cửa đã có khách hàng vào mua, nhưng không hiểu trời xui đất khiến như thế nào mà bà lại tính nhầm giá tiền cho họ. Có lẽ bà đã chủ quan khi không sử dụng máy mà lại tính nhẩm. Đến khi bà đi kiểm tra lại mấy dãy hàng hoá, bất chợt một thùng hàng từ trên cao rơi xuống trúng đầu bà khiến bà xây xẩm mặt mày. Cũng may thùng hàng không nặng nên bà không bị thương nghiêm trọng lắm. Cả ngày nay hai siêu thị của bà vắng như chùa bà đanh, không ai vào mua sắm trong khi mọi ngày doanh thu rất tốt. Dù không muốn nhưng xem ra bà Liên phải trở về Việt Nam để giải quyết chuyện này. Bà với tay ra lấy quyển lịch để trên bàn, giở ra xem ngày tốt. Cuối tháng sau cũng là dịp tết âm lịch của Việt Nam rồi, có lẽ bà sẽ về thăm gia đình luôn.
Hắn đang gọi điện cho người nhà hỏi thăm. Mẹ hắn sau khi kể cho hắn nghe một vài câu chuyện chính trong gia đình và trong làng thì không nói gì thêm, chỉ hỏi hắn tết này hắn có về được không. Hắn chống chế với lý do bận công việc, nhưng vẫn cố hỏi thăm chuyện của ông Hạnh. Mẹ hắn tỏ vẻ không vui, đáp lại con trai:
– Mẹ không ưa ông ta. Cái thứ keo kiệt, bủn xỉn, tính toán, tưởng bắt được tinh tinh nên bố mày mới sang xin ít cao mà không cho. Mẹ là người đi báo với kiểm lâm đấy, sau lại thấy con bảo bố mẹ đừng xin nên bố mày cũng không xin nữa. May mà ông ta không cho, chứ cho thì có mà móc họng ra cũng không hết ghê.
– Dạ. Bố mẹ giữ gìn sức khỏe, con sẽ cố gắng về sớm thăm hai người.
– Ừ con ở bên đấy cố gắng làm ăn, giữ gìn sức khoẻ, đừng lo gì cả. Bố mẹ vẫn ổn.
Hai mẹ con hắn nói chuyện thêm mo vài câu nữa rồi dập máy. Dù không nghe mẹ hắn nói gì về chuyện của người đàn bà xấu số kia, nhưng hắn vẫn không khỏi lo lắng. Hắn rất muốn về thăm gia đình nhưng nếu để mãn hạn truy tố mới về thì phải mất chục năm. Một khi đã nhúng chàm thì sao có thể rửa sạch? Hắn thở dài nhìn chiếc điện thoại với một sự day dứt trong lòng. Giá như ngày đó hắn không làm thế…