Chương 4: Hòn đảo nhỏ
Dù chưa thể nhớ ra người tên Nguyên, nhưng khi nghe thằng bé Tùng nói, Ly vẫn không thể không xúc động mà không chạy ra bên ngoài để nhìn lại người có mối quan hệ gần gũi với mình. Ở ngoài bờ biển, Ly thấy đám đông đang đứng xúm đông xúm đỏ vây quanh một thứ gì đó rất khủng khiếp, mùi hôi của nó toả ra rất mạnh mẽ trong không khí đến nỗi mọi giác quan của Ly bị xáo động, cô đã muốn nôn khan đến mấy lần. Khi chỉ còn 2m nữa là đến nơi, Ly nghe thấy những câu bàn tán của những người đứng đó:
– Khủng khiếp quá, ai mà ra tay tàn nhẫn như thế này? Cả người gần như bị biến dạng, không còn nhận ra được nữa.
– Tôi không nghĩ người này bị giết đâu, chắc là bất cẩn bị rơi xuống biển rồi bị cá rỉa thôi.
– Bất cẩn rơi xuống biển? Tôi thì lại cho là có người giết rồi vứt xác xuống biển để thủ tiêu.
– Sao công an lâu đến thế nhỉ? Từ nãy đến giờ có khi cũng cả nửa tiếng rồi.
Ly khéo léo lách người vào trong đám đông, cái xác là một người đàn ông với những vết dao chém trên khắp khuôn mặt cũng như cơ thể, miệng mở ra lớn hết cỡ với hàm răng trắng nhởn, lưỡi thì chỉ còn 1/2, đôi mắt thì gần như không còn lòng đen, một cái chết thật khủng khiếp. Cố nhìn kĩ cái xác xem có thể nhớ ra được điều gì không, nhưng mùi tử thi xộc vào đầu óc cô khiến cô choáng váng muốn ngất xỉu. Ly chỉ hi vọng đây không phải là người tên Nguyên như thằng cu Tùng đã nói. Lảo đảo đi ra khỏi những người hiếu kì đang đứng xem xét, Ly toan quay trở về nhà của Tùng thì thấy công an tới. Đám đông thấy vậy thì vội tránh ra để công an làm nhiệm vụ. Một chiến sĩ công an không chịu nổi mùi ghê rợn của cái tử thi này bèn chạy ra một góc, tháo khẩu trang nôn thốc nôn tháo, còn hai người còn lại cũng nhăn nhó mặt mày, cố nín thở để đưa cái xác về đồn. Một chiến sĩ thì chỉ hỏi mấy câu hỏi qua loa với những người đứng đó cho có lệ, sau đó ra lệnh cho cấp dưới đưa tử thi về nhà xác bệnh viện. Ấn tượng duy nhất mà cái tử thi để lại trong lòng Ly là mùi hương khủng khiếp mà thôi. Khi Ly trở về, ông Cung đứng ngay ở cửa nói với cô:
– Cô ra đấy xem xác chết à?
– Dạ… vì Tùng nói xác chết trông giống anh Nguyên nên cháu…
– Cô để ý lời nó làm gì? Nó trẻ con dễ nhớ chóng quên, nó mới nhìn thấy cậu Nguyên đó có một lần, làm sao nó nhớ chính xác khuôn mặt cậu ấy được.
– Dạ chú ơi, chú cho cháu địa chỉ của mẹ cháu ở thành phố Điện Biên được không? Cháu cảm thấy không yên tâm, cháu muốn về tìm bà ấy.
Ông Cung chỉ gật đầu nhẹ nhàng như một câu trả lời. Ông nói với cô:
– Sáng mai tôi sẽ đưa cô ra bến xe. Cô thông cảm gia đình tôi không có nhiều tiền để mua giúp cô một chiếc vé máy bay.
– Dạ cháu đâu có dám đòi hỏi, gia đình mình đã giúp đỡ cháu quá nhiều rồi, nếu không gặp được mọi người có lẽ cháu đã chết rồi chứ đâu có cơ hội được gặp lại bố mẹ.
Sáng hôm sau, Ly từ biệt gia đình Tùng để đi ra bến xe. Quãng đường từ Nha Trang tới Điện Biên kéo dài tới hơn 1500km, như vậy cô phải ngồi hơn 31h trên xe. Trước khi chia tay, bà Hảo khuyên cô:
– Nếu cô cảm thấy sức khỏe chưa được hồi phục thì không nên cố quá. Cô cứ ở lại đây mấy ngày nữa cho khoẻ hẳn rồi hãy đi.
– Cháu cảm ơn ý tốt của mọi người, nhưng cháu rất muốn gặp lại bố mẹ. Khi nào gặp họ, cháu sẽ gửi lại số tiền gia đình đã giúp đỡ cháu.
– Có chuyện gì cô hãy liên lạc với tôi, ông Cung vừa nói vừa đưa cho Ly một tờ giấy ghi nguệch ngoạc số điện thoại của mình.
Chiếc xe gắn máy Honda của ông Cung mỗi lúc một xa dần, cuốn theo những hạt cát làm bụi mờ nhân ảnh, nhưng Ly vẫn ngoái lại để nhìn những con người nhân hậu đã yêu thương cưu mang cô lúc cô gặp khó khăn. Nhất định cô sẽ giúp đỡ họ sau khi gặp được bố mẹ, chắc chắn bố mẹ cô sẽ không từ chối điều đó. Gia cảnh của họ quá khó khăn nên mới phải di chuyển từ đồng bằng lên núi rồi lại ra biển để mưu sinh, cuộc sống của Tùng và em gái nó cũng vì thế mà bị ảnh hưởng, cô sẽ tìm cơ hội đưa họ lên thành phố để cuộc đời họ được tốt đẹp hơn. Nhưng vấn đề trước mắt là: cô phải nhớ lại quá khứ của mình.
Ly gần như phát ốm khi đến được thành phố Điện Biên. Tìm được tới căn nhà trước đây hai mẹ con cô ở, Ly thất vọng khi thấy nó đã có người ở, và những người đó cũng không biết mẹ cô đã dọn đi đâu. Họ hàng hai bên cũng sống tản mát ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí là nước ngoài nên Ly lại phải khăn gói lên Hà Nội tìm kiếm. Số tiền gia đình ông Cung tặng cô chỉ còn mấy trăm ngàn, nếu cô không mau chóng tìm được bố mẹ hoặc một người họ hàng nào đó thì cô không biết phải xoay sở ra sao nữa. Ly cảm thấy mình giống như một đứa trẻ mồ côi bị tống ra đường, bơ vơ không người thân thích, không chỗ bám víu, có thể dễ dàng bị những cơn sóng gió của cuộc đời cuốn đi bất cứ lúc nào. Cô cũng đã thử gọi vào số điện thoại của mẹ nhưng không có tín hiệu. Một ngày nữa lại trôi qua, Ly mệt mỏi dừng chân tại một nhà nghỉ nhỏ, trước khi đi ngủ cô chỉ dám ăn một nửa gói mì tôm loại rẻ tiền nhất. Hoàn cảnh của cô bây giờ không có chút gì liên quan đến quá khứ giàu sang lá ngọc cành vàng trước đây như gia đình ông Cung miêu tả. Ly vẫn tự hỏi tại sao bố mẹ cô không đi tìm con, trong khi cô đã dò hỏi mọi người ở cả Điện Biên lẫn Hà Nội một cách tế nhị rằng: gần đây có xảy ra một vụ án mạng hay một vụ mất tích bí ẩn nào mà nạn nhân là một cặp vợ chồng hoặc một cô gái tầm 20 tuổi không, nhưng câu trả lời đều là KHÔNG. Nếu như vậy có nghĩa là bố mẹ cô đều bình an vô sự, chỉ có mình cô đang gặp chuyện mà thôi. Cô tự hỏi, liệu mình có thể tồn tại được đến khi gặp lại người thân hay không? Còn anh chàng tên là Nguyên thì sao? Anh ta là ai mà lại vô tình với cô như thế? Cô mất tích cả tháng anh ta cũng không đi tìm. Xem ra người đàn ông đó không yêu cô giống như thằng cu Tùng đã miêu tả.
Lúc này, tại một hòn đảo nhỏ khá đông dân cư nằm cách xa bờ biển nơi gia đình ông Cung sống, tại tầng 1 của một căn nhà 3 tầng, một người đàn ông vẫn hăng say làm việc, thi thoảng vẫy tay chào những người dân đi qua đó bằng ánh mắt thân thiện và nụ cười hiền hoà. Đó là ông Trường- một y sĩ đã sống tại hòn đảo này từ rất lâu, và được những người dân trên đảo rất yêu mến và tin cậy. Hòn đảo này tuy đã có nhiều sự phát triển hiện đại và tân tiến không thua gì những thành phố trực thuộc tỉnh trên đất liền, nhưng phong cảnh nên thơ trữ tình vẫn hàng năm thu hút được nhiều khách du lịch tới đây, tạo nên một nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân địa phương. Ở trung tâm của đảo, người ta đã xây dựng một bệnh viện lớn để phục vụ nhu cầu chữa bệnh của người dân, nhưng phần vì đường xá xa xôi, phần vì thủ tục nhập viện có phần phức tạp tốn kém nên đa phần người dân khi có bệnh nhẹ chỉ tìm tới những phòng khám tư giống như phòng khám của ông Trường để khám chữa bệnh và mua thuốc. Trong mắt họ, ông giống như một vị thánh sống bởi ông luôn chữa bệnh cho họ với giá rẻ, đã vậy nhiều khi còn tặng thuốc cho họ nếu họ không có tiền để chi trả. Hôm nay, như nhiều ngày khác, người ta mang đến cho ông một người đàn ông không rõ đang gặp chuyện gì, nhưng nhìn nét mặt của anh ta thì rõ ràng là người này đang rất đau đớn, miệng không ngừng kêu la. Ông Trường tiến tới bên anh ta, ân cần hỏi:
– Anh bị sao vậy?
– Tôi… tôi… đau bụng lắm… không rõ đã ăn phải thứ gì… sáng nay vẫn bình thường mà…
– Để tôi khám cho anh xem thế nào nhé, cố chịu đựng một chút, nếu không ổn tôi sẽ nhờ người đưa anh lên bệnh viện. Nói rồi ông Trường quay sang mấy người vừa đưa người đàn ông này tới, nói với họ: mọi người nếu không bận gì thì ở lại đây một lát, nếu tôi khám mà không tìm được ra nguyên nhân thì mọi người đưa anh ta lên bệnh viện nhé.
Sau nửa giờ thăm khám, tiêm thuốc giảm đau, người đàn ông đã có vẻ đỡ hơn, và dần dần đi vào giấc ngủ. Ông Trường quay ra nói với mọi người:
– Cảm ơn các anh chị, mọi người có thể về được rồi. Đêm nay hãy để anh ta ở lại đây.
Người bệnh ngủ rồi, ông Trường cũng khoá toàn bộ cửa nhà lại rồi lên giường đi ngủ. Tiếng sóng vỗ rì rào từ ngoài khơi vọng lại như lời hát ru dành cho những con người trên hòn đảo nhỏ thanh bình. 2h sáng, một bóng đen lầm lũi đi trong đêm, cố gắng không để ai bắt gặp mình đi tới điểm hẹn để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng.