Chương 9: Tiếng gọi của người đã chết
Lời người đàn ông nói ra giống như một tin sét đánh đối với cả bà Hảo và Ly. Bà Hảo tóm chặt lấy vai người đàn ông rồi nói:
– Không thể có chuyện đó được, không thể nào, con trai tôi không thể chết như thế được.
– Tôi biết là chị bị shock, nhưng chính mắt tôi và những người đi cùng tàu chứng kiến cảnh tượng Tùng bị rơi xuống biển. Lúc đó sóng to gió lớn nên chúng tôi không thể cứu được thằng bé… chúng tôi xin lỗi chị…
Ba người đàn ông khác đi cùng tàu nhìn bà Hảo bằng ánh mắt đau buồn thay cho câu trả lời. Một người đưa cho bà Hảo gói quần áo của Tùng, nhưng bà không cầm. Bà ngã quỵ xuống, Ly vội đỡ lấy bà ấy, và đỡ lấy túi đồ. Tại sao lại có quá nhiều tai ương xảy đến cho gia đình này? Họ chưa đủ nghèo, chưa đủ đau khổ hay sao? Bà Hảo vì quá thương nhớ đứa con xấu số nên đã ngã bệnh, còn Ly thì phải thay bà cáng đáng mọi chuyện. Cô đi ra chợ xem có ai thuê làm việc gì không, vừa để kiếm tiền lo cho hai mẹ con bà Hảo, vừa để tìm kiếm những người nước ngoài hoặc anh chàng hôm trước đã cứu giúp cô. Đồng thời Ly cũng dè chừng hơn khi nghĩ tới người phụ nữ điên hôm trước, bà ta có thể bất chợt lao ra tấn công cô. Ngày đầu tiên Ly may mắn được nhóm người nước ngoài hôm trước nhờ giúp đỡ một số việc và được họ trả công hậu hĩnh. Số tiền ấy đủ để Ly trang trải trong một thời gian, cô đã dự định sau khi bà Hảo hồi phục thì mình sẽ trở về Hà Nội hoặc Điện Biên để tìm người thân. Bố mẹ cô chắc cũng đang đi tìm cô, cả người tên Nguyên nữa, giống như cô đang cố gắng nhớ về họ vậy. Bất chợt Ly quay phắt lại, hình như có người đang theo dõi cô, đâu đó lẫn trong đám đông này. Tất nhiên không có ai đang theo dõi cô cả, cho đến khi cô về tới nhà cũng không có ai đi theo, có lẽ chỉ là do cô tưởng tượng ra thôi. Cả bãi cát trắng dài chỉ có dấu chân của cô, trơ trọi, nhỏ bé, chờ bị những hạt cát lấp đi, hoặc bị sóng biển cuốn trôi.
Có lẽ cuộc đời bà Hảo đã trải qua rất nhiều sóng gió nên nỗi đau mất con cũng không làm bà gục ngã. Bà còn đứa con gái thứ 2, nó chính là điểm tựa duy nhất còn lại cho bà trong cuộc sống. Cô bé có nét mặt giống hệt như Tùng và ông Cung, nó còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đã xảy ra trong gia đình, nên chỉ cười đùa với mẹ và Ly mà thôi. Sau 1 tuần, thấy bà Hảo đã hồi phục, Ly nói với bà dự định của mình:
– Bây giờ cô đã khỏe lại, cháu biết cô vẫn đang rất đau khổ lắm, cháu cũng vậy, nhưng cháu không thể ở đây mãi được. Cháu muốn trở về Hà Nội và Điện Biên để tìm lại người thân của mình.
– Trí nhớ của cháu chưa hồi phục, liệu cháu có gặp được họ không?
– Không sao cô ạ, cháu tin là cháu sẽ nhớ ra họ. Đi 1 ngày đàng học 1 sàng khôn, sẽ có lúc cháu nhớ ra quá khứ, đến lúc đó cháu sẽ về đưa cô và em bé đi khỏi đây nếu cô muốn.
– Tất nhiên là cô muốn về đồng bằng sống chứ, hoặc là lên núi, cô đâu có biết bơi, chuyện đến đây sống là do ông nhà cô quyết định thôi. Bao giờ cháu đi?
– Sáng mai cô ạ. Cháu đã sửa soạn đồ đạc xong hết rồi.
Tối hôm đó, khi Ly đã ngủ say, bà Hảo lén cho vào túi đồ của cô 1 ít tiền. Bà mong Ly có thể sớm hồi phục trí nhớ, bà mong cô ấy hạnh phúc, có như thế bà và cô con gái nhỏ mới sớm có thể đi khỏi đây.
8h sáng, Ly giã biệt hai mẹ con bà Hảo. Hai người phụ nữ tiễn biệt nhau trong hai hàng nước mắt, Ly hứa:
– Cô cố gắng chăm sóc em bé, hai mẹ con giữ gìn sức khoẻ, cháu sẽ về thăm hai người.
– Cháu cũng phải giữ gìn sức khỏe đấy nhé. Cô mong cháu sớm gặp được bố mẹ.
– Cháu vẫn luôn tin em Tùng còn sống, dù thế nào cũng đừng từ bỏ hi vọng cô nhé.
Nghe Ly nói vậy, bà Hảo chỉ gật đầu một cái, rồi nói với Ly:
– Mau đi đi cháu, đi sớm đến sớm.
Bước đi nhưng trong lòng không yên, Ly vẫn ngoái lại nhìn bà Hảo thêm mấy lần nữa. Hình ảnh của ngôi nhà đơn sơ ven biển, hình ảnh của những con người tuy xa lạ nhưng còn tốt như cả người thân này cô sẽ không bao giờ quên.
Đêm hôm ấy, bà Hảo ngồi bên cửa sổ nhìn ra biển, bên cạnh là đứa con gái nhỏ đang say giấc nồng. Nhìn từng con sóng xô vào bờ, nghe tiếng gió, bà mới cảm nhận được sự cô đơn buồn tẻ. Chồng và con trai đã không còn, cô gái tên Ly xinh đẹp hiền hậu thì không còn ở đây nữa, căn nhà nhỏ bỗng trở nên hiu quạnh vô cùng. Bây giờ bà mới tự trách bản thân mình tại sao hai mẹ con bà không đi cùng Ly để trở về Điện Biên? Dù gia đình họ hàng không còn mấy người nhưng dẫu sao đó cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của vợ chồng bà. Trước đây ông Cung nhất quyết muốn chuyển đến nơi này để mưu sinh, nhưng bây giờ ông ấy không còn thì tại sao bà vẫn còn ở lại nơi đau thương này? Như Ly đã nói, cô tin Tùng vẫn còn sống, bà cũng tin như thế, nên mới ở lại đây để chờ nó về chăng? Biển khơi mênh mông rộng lớn đã cho gia đình bà nguồn thu nhập và lương thực nhưng lại cướp đi con trai bà, biết đâu chỉ là tạm thời mang nó đi thì sao? Biết đâu có 1 ngày Tùng trở về trong dáng điệu của 1 thanh niên khỏe mạnh cường tráng giống như bố nó trước đây? Người đàn bà nghèo buông 1 tiếng thở dài, đưa mắt nhìn đứa con gái đang nằm ngủ yên bình, bà cũng đưa tay ra đóng cửa sổ rồi nằm xuống ngủ cạnh con. Trong giấc ngủ chập chờn, bà vẫn không ngừng gọi tên Tùng, gọi tên người chồng đã mất, gọi tên bố mẹ đẻ.
– Mẹ nó ơi, dậy đi. Tiếng ông Cung ấm áp gọi. Ông đang ngồi bên cạnh cô con gái bé bỏng đang ngủ say, nhìn hai mẹ con bằng ánh mắt trìu mến.