Chuyện quả bom bi nhỏ
Bọn em hay lần lội ngoài khu ruộng phía trước, đứa thì bắt cá bắt ốc bắt cua, đứa thì lẻn bới trộm khoai vặt ngô vặt lúa. Ngày nào cũng kiếm “sản phẩm” về, cha mẹ mặc nhiên không đánh mắng vì đứa nào cũng nói là đi “mót” từ những chỗ người ta đã thu hoạch còn rơi sót lại, gần đó có mả ông Lang (thày thuốc dân gian dùng thuốc nam thuốc bắc chữa bệnh). Gia đình ông này chắc là có điều kiện hơn nên mả xây riêng ra khu trống xây cao hẳn lên bằng gạch, bọn em hay bắt lỗ cua ở khu đó, em cũng vậy nhưng em thì không len lên mả ị – đái bậy bao giờ, một phần là ngại phơi bộ phận đó ra hai là bà em và mẹ em dặn không được phóng uế ra nơi mồ mả. Mấy đứa chơi cùng em thì nó cứ hồn nhiên còn khen chỗ ngồi chắc chắn và mát, có 5 đứa tầm tuổi hay đi cùng nhóm với em ở chỗ ấy. Hôm ấy sau một hồi bắt cua, bới khoai và chạy nhảy (cả phóng uế) trên ngôi mộ đó về thì tình cờ thấy cục gì tròn tròn nổi màu ánh đồng kim loại lẫn gỉ sét của sắt và nhựa to bằng nắm tay ngay lối đi xuống. Cả bọn cầm về rồi kháo nhau chắc là đồng, đục riêng ra bán đồng nát. Cả lũ chụm đầu vào hì hục lấy đá và đục sắt ra đục choang choác mỗi thằng phang mấy phát đau tay lại thay thằng khác, em vừa nện xong mấy phát thì đau tay quay ra, như có người xui khiến em muốn về, thôi không cần chia chác tiền bán đồng nát nữa, vừa quay lưng đi vài bước thì … đoàng … một tiếng nổ đanh gọn, bốn đứa kia ngửa ra, kêu khóc, máu từ từ thấm loang ra. Em vừa chạy vừa hô người lớn ra cứu, bốn đứa được khiêng đi bệnh viện mổ khâu linh tinh, sau nghe nói đó là quả bom bi sót lại từ thời chiến tranh, có đứa đến giờ đã mấy chục năm mảnh bom bi vẫn còn trong cơ thể do ở vị trí khó nên không mổ được – à thằng này đi về nơi xa lắm rồi (chuyện thằng này em kể sau – một cái kết cực buồn), vụ đó mấy ngày sau có phóng viên báo Quân đội nhân dân, báo Thiếu niên tiền phong về viết bài hỏi em mấy lần.
Ngay tối hôm đó em đi ngủ nằm mơ có ông lão hiền từ xoa đầu nhẹ em bảo: cháu ngoan, ông không phạt, ông che chở cho, đừng bậy bạ bừa bãi nghe cháu!
Cho đến bây giờ đã bao nhiêu năm qua, dù đi đường xa lỡ lầm buồn … quá, em cũng không bao giờ dám bậy lên gò đất hay chỗ khô ven đường mà cố chọn lạch nước hoặc nhịn vào cơ quan nào đó ven đường để nhờ.