Bến xe khách – 8 giờ tối
Chính đã mòn mỏi từ sáng đến giờ mà trong ví vỏn vẹn mới được có hơn hai trăm bạc. Hôm nay là thứ sáu, ngay từ rất sớm, hắn đã lặn lội ra đây, quên cả ăn sáng vì cứ như thường lệ, cuối tuần cũng sẽ là dịp mà bến xe khách này nhộn nhịp người qua lại vào ra, các chuyến xe cũng tấp nập ra khỏi bến, đưa đám sinh viên, thanh niên hay những người lao động trở về quê. Mỗi dịp cuối tuần như thế, Chính có thể kiếm được tiền bằng cả mấy ngày cộng lại, tính hết cả chi phí xăng xe, hao mòn hay thời gian chờ đợi thì Chính vẫn lãi khá nhiều.
Ấy thế mà hôm nay lại chẳng được như mong đợi, dù xe vào bến rất đông nhưng hầu hết khách khứa đều có người nhà đợi sẵn, thậm chí có nhiều kẻ chắc lép còn xách đống hành lí tư trang cồng kềnh đi bộ về. Toán xe ôm dù có khéo léo mời mọc, chèo kéo đến đâu vẫn không có khách nên rất nhiều bạn đồng nghiệp của Chính đã hết kiên nhẫn, trời vừa xẩm tối đã lũ lượt phóng xe về. Hơn bảy giờ, ngoài cổng bến chỉ còn lác đác vài người bán hàng rong còn nán lại kiểm tra doanh số của ngày hôm nay.
Chính nhìn số tiền trong ví mà thở dài thành tiếng, gã mệt mỏi ném cái mũ bảo hiểm rẻ tiền mỏng dính vào trong giỏ xe, đưa tay lên gãi đầu vuốt lại mớ tóc rối bù và bám đầy bụi đất, Chính đã định nổ máy trở về nhà. Nhưng từ phía xa một chiếc xe khách đang lừ lừ tiến lại, trên xe chỉ còn lại vài người tính cả tài xế lẫn phụ xe nhưng trong lòng Chính vẫn nhen nhóm lên chút hi vọng mong manh, bởi thế mà gã lại nán lòng chờ đợi.
Chiếc xe sơn xanh, biển số Hà Giang dừng lại ngay trước cổng. Nó không ghé vào trong bến, chỉ dừng một chút cho khách xuống rồi lại tiếp tục chặng đường dài. Chính vừa thấy vị khách kia đặt chân xuống đất đã vội vàng tiến lại, niềm nở hỏi:
– Cậu… cậu đi đâu? Lên xe tôi lấy rẻ thôi!
Gã thanh niên người dong dỏng cao, khuôn mặt tái mét dưới ánh đèn đường chiếu xuống thành một màu vàng vọt trông tựa như một kẻ mắc chứng suy gan nhìn Chính bằng một đôi mắt lờ đờ mệt mỏi. Gã thanh niên ấy chẳng có hành lí gì, giữa cái giá lạnh của một tối mùa thu, hắn chỉ mặc độc trên người một manh áo mỏng, chiếc áo cộc tay màu trắng đã ố vàng ở hai bên nách, mùi mồ hôi chua loét bốc ra, phụ họa với mái tóc dính bết vào nhau thành từng lọn khiến Chính hơi nghi hoặc. Nhìn gã thanh niên này trông không khác gì một thằng nghiện ma túy vừa mới trốn trại về nhà.
Cái hình dung ban đầu ấy làm Chính hơi ái ngại, gã rụt tay lại, không mời mọc thêm câu nào, khẽ tặc lưỡi vì đã mất thời gian chờ đợi.
Nhưng chẳng ngờ, gã thanh niên kia lại cất lời:
– Anh… anh cho em đến viện! Bệnh viện đa khoa!
Chính hơi sững lại, gã đáp:
– Đến… đến viện à? Cậu đi thăm người nhà hay sao? Hết giờ rồi! Còn đến đó làm gì nữa?
Gã thanh niên kia lắc đầu, gã móc ra từ trong túi một tờ giấy bạc năm trăm ngàn, chìa ra cho Chính rồi nói:
– Đưa em đến viện! Em có tiền mà!
Chính nghi hoặc nhìn gã thanh niên với một vẻ ái ngại xen lẫn băn khoăn. Hắn đang không biết nên lấy bao nhiêu vì từ đây đến viện đa khoa cũng phải năm cây số, giờ cũng đã muộn, thôi thì đành cố vậy
– Đưa nhiều thế, tôi lấy năm mươi nghìn thôi! Giò cũng muộn rồi, tôi đi nốt chuyến cuối còn về cơm nước!
Không để Chính phải thắc mắc nhiều, gã thanh niên kia đã gật đầu đồng ý!
Hai người lên xe rồi phóng đi trên con đường quốc lộ lấp lánh những ánh đèn đường hiu hắt khi tỏ khi mờ.
Vừa đi Chính vừa gợi chuyện:
– Nhà cậu ở đây à? Đi từ Hà Giang về đây chắc mất cả ngày đường ý nhỉ?
Từ phía sau xe, chỉ có một giọng trầm trầm đáp lại:
– Vâng!
Chính không mấy quan tâm, cả ngày nay ế khách, nên giờ vớ được gã thanh niên này nên hắn cũng khá vui. Bình thường từ bến về viện Chính chỉ lấy có ba chục, giờ lãi thêm hai chục nữa. Mà nhìn vẻ mặt của gã thanh niên này, Chính đoan chắc mình còn có thể nằn nì xin gã thêm ít tiền lẻ nữa.
– Mà cậu ra viện thăm người nhà à? Ở khoa nào thế? Khổ thân, đi viện thì mệt cả người ốm lẫn người chăm cậu nhỉ?
Không có tiếng đáp lời, Chính chỉ thấy yên sau xe mình hình như vừa rung nhẹ. Chính siết chặt tay ga, đoán rằng vị khách mình đang bị lạnh vì chỉ mặc phong phanh mỗi manh áo cộc cũ mèm. Chính đi chậm lại, ân cần hỏi:
– Cậu… cậu rét à? Thế để tôi đi chậm lại nhé!
Yên sau xe lại rung lên lần nữa, lần này còn suýt khiến Chính lạng tay lái, đâm bổ vào một bên đường, cũng may Chính đã hành nghề xe ôm có thâm niên nếu không kiểu gì cũng xảy ra tai nạn. Chính đã định quay lại hỏi người thanh niên nhưng bỗng vai Chính đau nhói, qua tấm gương chiếu hậu, Chính trông thấy đôi mắt lờ đờ ban nãy nay đã toát ra sự đau đớn khôn nguôi và khuôn mặt vàng vọt kia giờ đang nhăn nhó, hai hàm răng trắng ởn của gã thanh niên đang nghiến lại với nhau, kêu lên ken két và tiếng gã phều phào rít vội qua kẽ răng tạo thành những âm thanh ghê rợn:
– Đau… đau quá! Bụng tôi! Nó… nó… ăn!
Đến lúc này thì Chính lờ mờ đoán ra, hình như gã thanh niên kia không đến thăm người nhà! Hắn đến viện vì cần cấp cứu!