Ảnh này không phải một câu truyện hoàn chỉnh. Đây là những ghi chú, giải thích, những sự vật, hiện tượng, sự việc, biến cố,… liên quan đến “YỂM” Có thể là gợi mở, nhưng cũng có thể là nút thắt. Gỡ bỏ ra sao? Lí giải thế nào? Câu trả lời, chỉ có trong “Yểm”
“Bách Bộ Tất Tử Xà
Loài rắn sinh ra từ đời thực nhưng hiện diện trong truyền thuyết.
Từ ngàn xưa, các giống mọi rợ sống ở Vân Nam đã truyền tai nhau cách nuôi trùng độc, luyện cổ thuật giáng đầu.
Thuật cổ trùng của người địa phương không khởi nguồn giống như bùa của người phương Bắc lấy gốc gác từ đạo giáo, ngải của người phương Nam dựa vào độc dược, cỏ cây.
Cổ trùng, sâu độc của người Vân Nam, là một khối tổng hòa nhưng chuyên biệt.
Để luyện ra được “cổ”, phải dùng một trăm loại trùng độc khác nhau, để chúng vào một vại sành, chôn xuống đất ngót trăm ngày cho các loại sâu độc, trùng độc, rắn rết đó ăn thịt lẫn nhau. Con vật sống sót cuối cùng sẽ được coi là “cổ”.
Một trong những “nguyên liệu” chủ yếu có trong những chum, những vại sành luyện “cổ” là loại rắn lục đuôi đỏ mà phương ngữ địa phương gọi chúng bằng cái tên đầy úy kị “Bách Bộ Tất Tử Xà” – Rắn Trăm Bước.
Tương truyền, loài rắn này là chiếc vòng đồng, gắn trên cây đại phủ của một vị thần trong truyền thuyết của người Miêu. Chiếc vòng đồng trên cây rìu ấy hấp thụ quá nhiều máu huyết, oán khí của kẻ địch trên chiến trận, của những tử tù bị giết ở pháp trường nên đã hóa thân thành loài rắn độc.
Người ta nói rằng, nọc độc của nó có tác dụng chỉ trong một trăm bước chân. Nghĩa là những kẻ không may bị loài tử xà này tấn công, sẽ chỉ có thể giữ được sự sống trong vòng một trăm bước. Vượt qua ranh giới ấy, hồn sẽ lìa khỏi xác, trở về địa ngục a tì. “