Tôi đang kinh hãi đến mức thất thần thì từ phía sau lưng, một bàn tay cứng rắn vỗ mạnh lên vai, khiến tôi giật bắn cả mình, rú lên trong hoảng loạn.
Đó là một người đàn ông lạ mặt, ông ta nhìn tôi bằng đôi mắt kinh ngạc vì cũng vừa bị tiếng hét của tôi làm cho hết hồn hết vía. Ông già xoa nhẹ lên ngực như để tự trấn an, nhìn tôi trách móc:
– Cái thằng này! Làm gì mà đứng đực ra thế hả? Mày có để tao đi không?
Phía sau ông lão, chiếc công nông đầu ngang vẫn còn đang nổ máy, từ ống pô phả ra những làn khói đen kịt, hòa lẫn với tiếng động cơ bành bạch nổ liên hồi. Ấy thế mà chỉ vì sự xuất hiện của hồn ma thằng Mạnh, tôi đã chẳng thể nghe được những âm thanh chát chúa kia.
Quay lại nhìn ra con đường trước mặt, cái bóng của Mạnh đã không còn nữa. Tôi không biết phải nói gì, chỉ lủi thủi dắt xe sang một bên đường, nhường lối cho chiếc công nông mà trong lòng vẫn còn ngổn ngang những suy tư hỗn độn không lời giải!
Đi tiếp vào trong xóm, rẽ vào một đoạn ngõ nhỏ không biển hiệu, rồi dừng lại trước cánh cổng của một căn nhà cấp 4. Cánh cổng sắt có những chấn song thưa thớt hoen rỉ bám màu thời gian ngăn cách giữa tôi và mọi sự vật ở bên trong. Tôi ngước mắt lên, nhìn tấm biển số nhà – con số 13 tai ác quái dị, vốn dĩ chỉ tượng trưng cho sự đen đủi ma tà, không hiểu là vô tình hay hữu ý mà lại gắn vào trước cửa căn nhà này.
Trong sân nhà, tôi thấy thấp thoáng có sáu bảy người đang đi đi lại lại, họ hình như đang chuẩn bị ăn cơm, có kẻ bưng mâm, có người cầm bát đũa. Nhưng sao lại đông thế nhỉ? Tôi tự hỏi rồi cứ ngẩn ngơ ngó đầu vào trong, chưa dám hỏi. Đây chính là địa chỉ nhà của Mạnh, theo lời nó kể, gia đình nó chỉ còn ông bà ngoại, bà Oanh mẹ nó và nó, tổng cộng bốn người. Tôi nhìn đi nhìn lại con số 13 gắn trên cánh cổng, chớp mắt suy tư vì nghĩ mình đã đến nhầm nhà. Bất chợt từ phía sau lưng tôi, trên con ngõ nhỏ thưa thớt những ánh đèn vàng vọt, có tiếng công nông chát chúa tiến lại gần.
Ở đây người ta vẫn dùng công nông vì là vùng quê miền núi, tôi tránh sang một bên nhường lối. Chiếc công nông cứ thế lừ lừ đi tiếp, nhưng vừa mới qua cánh cổng gắn số 13, cái xe đột nhiên dừng lại. Người lái quay phắt đầu, ngơ ngác hỏi tôi:
– Ơ! Cái thằng này? Mày làm gì ở đây thế hả? Ăn trộm à?
Tôi nhận ra ông ta chính là người lái công nông ban nãy, mặc dù hơi khó chịu trước câu nói không lấy gì làm niềm nở lắm, tôi vẫn lịch sự trả lời:
– Cháu đi tìm người quen!
Lão già thô lỗ nhảy xuống khỏi cái công nông, cau mày nhìn tôi từ đầu xuống chân, ánh mắt thăm dò nghi hoặc:
– Chú mày tìm ai? Tìm ai mà lại đứng trước cửa nhà tao thế này?
Tôi ngớ người, đưa tay lên gãi đầu, tay còn lại vẫn cầm tờ giấy gấp làm tư, ghi lại địa chỉ nhà của Mạnh:
– Đây… đây là nhà chú ạ? Cháu… cháu tìm bác Oanh, bác Oanh mẹ thằng bạn cháu!
Lão già đang đi tự nhiên khựng lại, đôi mắt dò xét ban nãy thoáng hiện lên vẻ thất thần chua xót, giọng nói cộc cằn thô lỗ cũng đổi thay, lắp bắp run run như xúc động:
– Cậu… cậu tìm ai?
Thấy vẻ mặt khác lạ của người đó, tôi lễ phép nói:
– Dạ! Cháu tìm nhà bác Oanh, bác Oanh mẹ của Mạnh, thằng bạn cháu ạ! Đây có phải nhà bác Oanh không ạ?
Vẻ mặt của lão lái công nông méo xệch hẳn đi, khóe miệng giật giật như một kẻ mắc chứng động kinh, nhưng hai mắt lão lại ầng ậc nước. Lão nhìn tôi, nói bằng một giọng đầy đau đớn:
– Cậu… cậu đến muộn quá rồi! Em tôi – con Oanh nó vừa mới mất ba hôm trước!
Như một cảm xúc cực mạnh, tôi giật bắn cả mình, sống lưng đột nhiên lạnh toát, tờ giấy ghi lại địa chỉ nhà cũng rơi ngay xuống đất, cùng với chùm chìa khóa xe, kêu lên loảng xoảng:
– Cái gì cơ? Mất? Bà…bà Oanh mất rồi! Thế… thế là thế nào? Hay… hay là cháu nhầm nhà khác?
Tôi nói như tự hỏi chính mình và cũng như hỏi người đàn ông đối diện. Ông già đưa bàn tay vẫn còn lấm lem bùn đất lên quệt nước mắt, giọng nghẹn ngào, ông nói:
– Chắc… chắc là cậu nhầm thật đấy! Chứ em tôi thì nó vừa mới mất rồi! Nó cũng có một thằng con trai tên là Mạnh ! Mà khốn nạn cậu ơi, mẹ mất mà con trai thì bặt vô âm tín, không về tiễn đưa mẹ nó lần cuối!
Tôi như rụng rời cả chân tay, tái mặt bàng hoàng tựa lưng vào cánh cổng, khiến nó kêu lên những âm thanh cót két. Người công an kia ghi nhầm địa chỉ hay sao? Biết đâu lại là thế thật! Chứ làm sao có thể trùng hợp đến mức độ này. Chợt sực nhớ ra mình vẫn còn một tấm ảnh cũ chụp lúc học phổ thông, buổi bế giảng ngay trước khi gia đình thằng bạn tôi li tán. Tôi run run móc ví, rút ra tấm ảnh cũ mèm, giơ lên cho ông già kia. Vừa thoáng trong khoảnh khắc, lão già đã giật lấy tấm ảnh từ tay tôi, run rẩy dí thật gần sát mắt rồi bật lên tiếng khóc nghẹn ngào:
– Ôi Mạnh ơi! Mày ở đâu sao không về đưa ma mẹ mày! Cháu ơi là cháu! Mẹ mày cả đời cô quạnh, giờ chết cũng chẳng được gặp mặt con trai, khốn nạn em tôi thế này! Trời ơi!