Hẹn với Tùng lúc năm giờ chiều nhưng núi cao rừng hiểm đường xá gồ ghề khúc khuỷu nên mãi hơn sáu giờ tôi mới dừng xe trước đồn biên phòng, nơi thằng Tùng đang làm việc. Chưa tới nơi, tôi đã thấy bóng nó đứng bên ngoài cổng, dáng điệu sốt ruột, đi đi lại lại liên hồi.
Tùng dẫn chúng tôi vào phòng làm việc riêng của nó rồi khép cửa lại sau lưng. Tôi kéo ghế đưa cho Cường, rồi cả hai cùng ngồi xuống, kể lại vắn tắt đầu đuôi sự việc khiến tôi và tay bác sĩ trưởng khoa phải nghỉ việc mấy hôm để lặn lội lên tới tận đây. Kể xong câu chuyện, tôi mới ngẩng lên chú ý nhìn thằng bạn, Tùng đã ở với đồng bào được bốn năm năm, ở núi thì quen núi, cái dáng vẻ dân chơi thành phố của nó cũng đã chìm hẳn sau làn da nâu bóng như đồng vì gió sương miền biên ải, chỉ lóe lên giữa cặp lông mày là đôi đồng tử sáng ngời điện tuyến, dường như ngay từ trong tâm khảm, như thể trời đã phú sẵn cho nó cái tính cách của núi rừng, cái ngang tàng mán thổ. Trán nó hơi cau lại, khiến hai hàng mày nhíu chặt lại với nhau gần như thành một đường kẻ dài chạy ngang khuôn mặt, đôi mắt nghiêm nghị lâu lâu khẽ chớp lên, lóe sáng chút ngạc nhiên xen lẫn nhiều ngờ vực trước những chi tiết nhuốm màu mê tín lạ lùng xoay quanh cái chết bất ngờ của hai người thân thiết.
Sau cùng, Tùng hỏi tôi:
– Vậy là mày nghĩ rằng thằng Mạnh và bà Oanh mẹ nó bị trúng tà?
Tôi gật đầu nhưng rồi lại lắc:
– Tao cũng không dám chắc! Nhưng… nhưng mày cũng thấy rồi đấy! Có nhiều chuyện trên đời không thể cứ lôi khoa học ra mà cắt nghĩa được!
Tùng ậm ừ không đáp, cái vị trí của nó bây giờ buộc nó không thể dễ dàng tin tưởng vào những thứ mê tín dị đoan như vậy. Tôi hiểu nên quay sang hướng khác để hỏi dò:
– Gần Hà Giang bây giờ còn chỗ nào khai thác vàng thổ phỉ không?
Tùng đang cầm cốc nước xoay xoay trong tay, nghe xong liền đặt cái li xuống bàn, ngẩng đầu lên nhìn tôi dò xét:
– Vàng thổ phỉ ư? Mày nghĩ nó đi đào vàng rồi bị người ta hãm hại à?
Tôi gật đầu xác nhận. Nhưng Tùng đã xua tay, nó cau mày phủ nhận:
– Không thể nào! Mày đã từng vào vai một thằng thổ phỉ, đi đãi vàng bên bờ suối mấy tháng trời, mày không hiểu hết thì cũng phải hiểu phần nào chứ!
Tôi thừ người im lặng, Tùng liếc mắt sang Cường, thấy hắn cũng đang trố mắt nhìn tôi kinh ngạc. Cái nghề phóng viên hiện trường buộc tôi đôi khi phải nhập vai người khác, để lấy tin trọn vẹn. Vụ đãi vàng thổ phỉ vài năm trước ở Hà Giang, chỉ có tôi, lão Tú và Tùng nắm rõ. Còn tất cả thông tin liên quan đến cái nguồn tin tuyệt mật của tòa soạn đều không bao giờ tiết lộ ra ngoài.
Tùng lại tiếp:
– Mày thật sự nghĩ là ở giữa cái nơi hoang sơn dã lĩnh, thâm sơn cùng cốc này, mà lại có chuyện bọn thổ phỉ rảnh tay đi yểm bùa chơi ngải để giết người à? Núi cao hoàng đế ở xa, ở đây gọi 1 cuộc điện thoại thôi đã là vất vả, từ nhà mình để sang nhà hàng xóm phải đi ba bốn quăng dao, chúng nó mất công yểm bùa để làm gì? Mày ơi, chỉ một lưỡi xẻng thôi, chúng vùi người trong các hốc đãi vàng, chỗ mày vừa bới đất cũng có khi chính là cái mả chôn mày! Dân thổ phỉ là dân đao búa, cần gì phải mất công mất công sức mà yểm bùa đánh bả?
Tùng nói đến đấy thì ngừng lời, hắn nhìn sang phía Cường, đôi đồng tử lóe lên những tia chết chóc nửa như căm hờn nửa như suy ngẫm. Nó nhấp một ngụm trà cho thấm giọng rồi lại tiếp:
– Ngày mày vào vai phu đãi vàng, tao không biết để can ngăn, nhưng mày cũng còn may, đi được mà về được! Anh em trong đồn tao đây, hai ba người định tác chiến nở hoa trong lòng địch, nhưng có đi mà chẳng có về, thổ phỉ ở đây sẵn sàng đánh đổi, chúng đào được vàng, buôn hàng trắng, thấy tiền là sáng mắt, thấy chết sẽ làm liều. Lực lượng của ta không yếu nhưng mỏng, hơn chục con người tuần tiễu cả một dải biên giới dài cả mấy trăm cây số, bọn thổ phỉ càng được thể lấn tới, nhiều như lá trên rừng. Cũng may, cuối năm ngoái có một chuyên án được lập ra, lính xanh, lính đỏ từ tỉnh từ thành từ xuôi gửi đến mới trừ xong nạn phỉ, phá hết những mỏ vàng khai thác trộm cho người canh gác ngày đêm. Bây giờ mày lại bảo ở vùng này có đãi vàng thổ phỉ thì tao thấy cũng giật mình đấy!