Cường từ nãy đến giờ vẫn còn im lặng, lúc này mới lên tiếng ngạc nhiên hỏi:
– Ý.. ý cậu là ở đây không có đám khai mỏ lậu, mà Mạnh… Mạnh cũng không phải do chúng hãm hại hay sao?
Tùng gật đầu:
– Anh cứ thử nghĩ mà xem! Ở đây không còn phỉ, mà nếu có chúng mất công mất sức như vậy làm gì?
Cả ba chúng tôi đều im lặng trầm ngâm. Tùng nói đúng, đám lục lâm thảo khấu kia chẳng cần phải dài dòng văn tự làm gì, chúng sẵn sàng đổi mạng trong chớp mắt, bộ đội, công an, vất vả lắm mới xuống tay dẹp yên được chúng thì những kẻ thân cô thế độc như Mạnh, có nghĩa lí gì với cách hành xử giang hồ như vậy đâu!
Tôi thở dài, lắc đầu chán nản nhìn mọi việc càng lúc càng đi vào ngõ cụt. Trước mặt tôi, Tùng đứng dậy, rót cho cả hai người chúng tôi thêm chút nước trà, hơi nóng bốc lên nhanh chóng bị cái giá buốt của chiều thu nơi địa đầu đất nước thổi tắt.
Ngồi xuống cạnh tôi, Tùng gõ nhẹ mấy ngón tay lên mặt bàn, ánh nhìn đăm chiêu ra chiều nghĩ ngợi, rồi đột nhiên hắn vỗ bàn một cái, đứng bật lên bảo:
– Anh tìm thấy những gì trong bụng nó?
Cường bị hỏi bất ngờ ngớ người ra một lúc rồi mới ấp úng trả lời:
– À thì các loại dị vật, kim băng, tóc, đinh, có.. có cả vàng và …
– Và chín con rắn lục?
Tùng chốt lại bằng một giọng lạnh lùng khiến tôi sởn cả da gà vì phải nhớ lại hình ảnh kinh dị trong cái lọ thủy tinh đầy ứ phóc môn.
– Vậy là đúng rồi!
– Đúng cái gì?
Cả tôi và Cường cùng nhao lên, đồng thanh hỏi. Tùng đứng dậy, mở tủ đặt lên mặt bàn một tập hồ sơ mỏng, màu giấy đã cũ mèm, chuyển sang nâu vàng vì thời gian phong hóa. Bìa ngoài của tập hồ sơ, vẫn còn vương lại một góc của tờ giấy niêm phong, lờ mờ in một dòng chữ số mà tôi không hiểu “1112592024” dòng chữ số in bằng mực đỏ, nhiều chỗ đã mờ nhòe có lẽ dính mồ hôi hoặc do thời gian làm bay màu mực viết nên giờ chỉ còn vương lại trên mảnh giấy niêm phong. Tùng rút sợi chỉ cuốn quanh nắp của tập hồ sơ, rồi lấy ra từ bên trong thêm vài tờ giấy mỏng. Kèm theo vài tấm ảnh trắng đen. Cả loại giấy lẫn cả cách in ấn đều toát lên vẻ cũ kĩ, như thể đã có từ rất lâu.
Tùng trải đống giấy lên mặt bàn, đó là những trang báo cáo. Gã nói:
– Đây là hồ sơ tiễu phỉ! Phỉ ở Hà Giang! Không quá nhiều vì hồ sơ tổng đang để trong kho lưu trữ, tôi chỉ giữ lại tập này vì tò mò muốn tìm hiểu về thời kì tao loạn tại vùng rừng núi địa đầu Tổ Quốc! Nhìn thì có lẽ mọi người sẽ không hiểu, nhưng hồ sơ này có từ những năm 59, chính xác là vào tháng 12 năm 1959 tại điểm cao 2024, thực chất cũng chính là trung tâm của một bản nhỏ cách đây nửa ngày đường.
Hóa ra tờ giấy niêm phong kia có ý nghĩa là như vậy. Tôi khẽ à lên một tiếng rồi lại tiếp tục lắng nghe Tùng kể chuyện.
– Trong tập hồ sơ này không lưu lại những tội ác, hay quá trình ta đánh phỉ, tiễu phỉ mà là một tập hồ sơ, dùng để định danh và truy nã một nhân vật đầu lĩnh trong đám phỉ.
Vừa nói, Tùng vừa chỉ vào một bức hình đen trắng thô sơ, bên dưới tấm ảnh ghi dòng chữ “Vàng Sỉn Cáo – sinh năm 1929 – năm mất: không rõ”
Tôi cau mày hỏi:
– Đây là ai?
Tùng đáp:
– Vàng Sỉn Cáo từng là con sói dữ của đất Xín Vần. Nơi này nhiều năm về trước cũng từng là cái nôi nuôi phỉ. Sống trong vùng loạn lạc liên miên, nên người Xín Vần có ý thức tự bảo vệ mình từ ngày lập bản. Với cái thế thuận theo tự nhiên, dựa vào thiên nhiên mà tồn tại, lại nhờ công sức của người dân bao đời trong bản nên Xín Vần trở thành một thành trì kiên cố. Muốn vào được Xín Vần phải đi trên con đường độc đạo ngoằn ngoèo nằm phơi mình giữa trời giữa đất, một bên là vách đá dựng đứng treo leo, một bên là vực sâu gió chướng cúi mặt xuống không trông thấy đáy. Vào bản, phải bước qua cái cổng đá thiên tạo, có hai bên bờ rào đá tự nhiên như hai bức tường thành. Bản được dựng theo kiểu phòng thủ liên hoàn, có chốt canh, có giao thông hào bí mật, đóng cửa là một nhà, mở cửa là một bản, trong mỗi nhà ý thức tự vệ phòng chống cướp, hiển hiện qua những dụng cụ, vũ khí, để báo động, để soi đường, như tù và, trống, đuốc pơ mu, côn, gậy, súng kíp. Đời sống tự cung tự cấp, địa hình địa vật hiểm trở treo leo, khí hậu khắc nghiệt, dân trí lại thấp, thông tin liên lạc mọi nhẽ khó khăn, khiến cho Xín Vần luôn là mảnh đất màu mỡ cho bọn phản động lợi dụng. Thời chống Pháp, Hà Giang có bao nhiêu lần nổi phỉ, thì Xín Vần bấy nhiêu lần đều là sào huyệt của chúng. Từ đây chúng tỏa ra đánh giết, cướp phá. Thua trận chúng lại rút về đây cố thủ. Đứng đầu toán phỉ trong Xín Vần, là thủ lĩnh Đèo A Đắng. Hắn nổi tiếng vì cái gan dạ như con hổ trong rừng, khéo léo như con hươu con hoẵng, mười lần tiễu phỉ, cả mười lần Đèo A Đắng đều thoát được vòng vây hãm kìm tỏa của Việt Minh. Đèo A Đắng độc ác như con rắn lục, giết người không biết ghê tay, nhưng hắn lợi hại như thế, nhanh nhẹn trốn tránh giỏi như thế cũng nhờ vào gã thầy mo Vàng Sỉn Cáo.
Theo dõi mình để đọc truyện nhanh hơn mà không phải đợi các bạn nha
[CÒN TIẾP]
“…Cổ thuật của giống mọi rợ Vân Nam, là một khối riêng biệt nhưng tổng hòa, dùng độc tố có sẵn trong mình các loài vật để mà chế luyện, lại kết hợp với các loại bùa trú bí truyền và các giống thảo dược địa phương để gia tăng sức mạnh. Cái hay của cổ thuật là ở chỗ dựa vào sinh vật sống, biến cơ thể bình thường thành vật chủ cho cổ kí sinh, dựa vào chính vật chủ làm nơi nuôi cổ, dùng cổ để điều khiển vật chủ làm mọi việc mà kẻ yểm cổ mong cầu. Nhưng cái khó của cổ thuật cũng nằm ở đó! Dựa vào sinh vật sống, cũng có thể nói là dựa vào ngũ hành trong nội tại của vật chủ, kẻ biết cổ thuật, luyện cổ trùng phải chú ý đến bốn chữ, “lưu, sinh, khắc, tán”. Nghĩa là cổ có thể sinh, có thể khắc, có thể lưu mà cũng có thể tán. Để biết vật chủ sẽ tương sinh hay là tương khắc, đầu tiên phải đảm bảo được chữ “lưu”, nghĩa là phải ở được, kí sinh được bên trong vật chủ. Kẻ luyện cổ thường lén thả cổ vào thức ăn, bỏ cổ trùng vào nước uống, hoặc bí mật để nạn nhân tự nuốt cổ trùng. Vật chủ khắc cổ, chỉ sau vài ngày sẽ xuất hiện phản ứng đào thải, đa phần gây nên cái chết vô cùng đau đớn. Kẻ luyện cổ trùng thường dùng chữ “khắc” để ám hại nạn nhân. Nhưng bên cạnh đó, nhiều kẻ dùng cổ trùng để mượn dao giết người, dùng vật chủ để sai khiến, thay mình làm những chuyện trái luân thường đạo lí. Muốn dùng cổ để điều khiển một cơ thể, bắt buộc vật chủ và cổ phải tương “sinh”. Điều này rất khó đối với những kẻ luyện cổ bình thường. Một điều nữa, có thể coi là khó nhất khi luyện cổ trùng. Đó là khi kẻ luyện cổ có thể làm chủ được chữ “tán”. Tán ở đây không có nghĩa là mất, mà trái lại, nó có nghĩa là mở rộng, là nở ra, là phát tán đi nhiều nơi khác. Kẻ luyện cổ đạt đến cảnh giới này vừa có thể bỏ cổ vào nạn nhân, dùng cổ giết người, lấy cổ để sai khiến vật chủ, và vừa có thể biến nạn nhân thành vật dẫn, yểm cổ vào nhiều kẻ khác…”
Thuan den
Hay