Nữ Chúa cụt đầu trên sàn rạp hát Hòa Khánh
Hắn cũng chẳng hiểu duyên cớ nào mà hắn tự nhiên lại gia nhập vào các đoàn cải lương chuyên đi lưu diễn xa và cũng chẳng nhớ là gã đã gia nhập từ bao giờ.
Thế nhưng lẩm rẩm tính sơ sơ thời gian hắn đã sống lây lất lang thang theo các đoàn hát thì cũng khoảng trên mười năm chứ không ít.
Hồi đó hắn còn nhỏ lắm, khoảng 13 hay 14 gì đó, gia đình hắn không có, cha hắn là lính Địa phương quân đóng đồn, trong một lần đụng độ đã tử trận, má hắn bỏ hắn ở lại đồn và lặng lẽ ra đi. Suốt thời gian tuổi nhỏ của hắn, hắn chẳng biết trường học là gì, tối ngày lo ẵm em cho người ta, lo nấu cơm, lo lượm củi và làm công việc lặt vặt trong nhà người. Hắn còn nhớ hồi hắn ở đợ nhà hạ sĩ Hóa ở quận Tiểu Cấn tỉnh Vĩnh Bình, vì là lính tráng nên hạ sĩ Hóa ở trại gia binh. Trong trại gia binh nhà hạ sĩ Hóa ở gần nhà của ông thượng sĩ Bảy. Ông này là thượng sĩ thường vụ nên quyền hành lắm và cũng có vẻ giàu có nhất khu gia binh này. Thường ngày vào những buổi tối thượng sĩ Bảy hay mở máy ra-dô vặn cải lương thật lớn cho cả xóm nghe, máy của thượng sĩ Bảy mở oang oang, con nít người lớn xúm lại nghe say mê, tạo cho không khí về đêm khu gia binh vui vẻ khác thường. Các giọng hát Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Thành Được, Minh Chí, Việt Hùng… và giòng nhạc cải lương, đã đi vào máu của hắn sâu đậm hồi nào không hay, máy thu thanh chỉ cất lên một hai câu là hắn đã biết ai hát và hát bài gì. Thường thường khi máy mở lên là hắn lẩm bẩm hát theo, hát thật say mê, hát như nỗi niềm tâm sự của hắn vậy. Hôm nào thựợng sĩ Bảy đi hành quân hoặc sỉn không mở máy là hắn buồn vô cùng, buồn như người thất tình vậy.
Một hôm hắn ẵm em ra chợ tìm vợ Hạ sĩ Tân để lấy gạo về nấu cơm thì nghe người ta bàn tán rộn ràng thệt nhiều về một đoàn cải lương thật bảnh sắp về hát ở Miễu Bà đầu quận, nghe đâu đoàn này cô đào Út Bạch Lan và kép Thành Được hay Tấn Tài gì đó. Mới nghe bàn tán thôi mà hắn đã thấy máu trong mình như muốn chảy mạnh, đã thấy lâng lâng như mình đang được xem trình diễn vậy. Thế là suốt cả tuần đó hắn cứ ngóng hoài, ngày nào cũng kiếm chuyện để đi ngang qua Miếu Bà xem đoàn về chưa.
Đúng một tuần sau thì đoàn hát về thật, xe đoàn hát vừa thấp thoáng đầu quận là cả quận đã rộn hết lên rồi. Người ta túa ra đường xem đoàn hát đến, con nít, người lớn nhìn những phông màn, mũ mãng, đao kiếm, trống đờn của đoàn hát mà say mê, riêng hắn thì không còn biết gì nữa, tối ngày cứ quanh quanh chỗ đoàn hát để nhìn ngắm và tìm cách làm quen với mọi người trong đoàn. Từ anh kéo màn cho tới anh gác cửa, chị bán vé, đối với hắn lúc đó ai cũng đều có một sức thu hút lạ thường.
Tối hôm trình diễn đầu tiên của đoàn, khi sân đã mở màn, khán giả đã vào gần hết hẳn, hắn được anh gác cửa nháy mắt mở cửa cho vào. Trước khi cho vào anh còn dặn: “Vào coi đừng có chạy tới chạy lui nghe mậy, lộn xộn mai tao không cho coi nữa đó nghe…” Hắn đã nghe lời dặn của anh như một chỉ thị, bèn tìm một cây cột đình dựa lưng vào và xem suốt buổi. Hôm đó đoàn diễn vở tuồng “Đời Cô Lựu” , Út Bạch Lan đã thủ vai cô Lựu thật xuất thần làm bà con khóc muốn hết nước mắt, riêng hắn, hắn đã nhiều lúc tức giận bà mẹ chồng, và hình như có đôi lúc hắn đã thét lên chửi rủa bả um sùm.
Sau hôm đó, đoàn ở lại quận diễn thêm năm đêm nữa, hôm thì tuồng “Khi hoa anh đào nở”, hôm thì “Lỡ bước sang ngang”, hôm thì “Thuyền ra cửa bể”… đêm nào cũng vậy hắn đều được anh gác cửa cho vào xem chùa. Bọn con nít thấy hắn đêm nào cũng được xem hát cả, chúng phục quá chừng, nhiều đứa sáng ra bắt hắn kể lại tuồng đêm qua cho chúng nghe… Những ngày có đoàn hát ở quận có thể nói là những ngày thần tiên nhất của hắn, các đào kép, ông bầu bà bầu ai cũng biết mặt hắn cả, họ thường nhờ hắn chuyện này chuyện kia, sai hắn chạy ra chợ, đi vào xóm mua này nọ, có nhiều anh trong đoàn còn bắt hắn đi đem thơ cho đào nữa… Nói tóm lại, khoảng thời gian đó hắn rất được sự tin tưởng của mọi người trong đoàn hát.
Ngày đoàn hát dọn gánh đi qua địa điểm khác, anh gác cửa đã gọi lại nói nhỏ: “Thằng Ba mày có muốn đi theo đoàn hát không? Tao thấy mày coi bộ được đó… ”
Và từ đó hắn đã lên đường theo đoàn hát ra đi, đi một cách say mê như người ta lên đường đi theo tiếng gọi của non sông vậy.
Con đường dài gập ghềnh khoảng gần cả trăm cây số từ quận Tiểu Cần Vĩnh Bình đi qua Bãi Sào Sóc Trăng, ngồi trên xe tải chở phông màn hắn đã mải mê say ngắm cảnh vật hai bên đường, cái gì đối với hắn cũng lạ cả, cũng thích cả. Lúc qua phà Cần Thơ, hắn đã xuống xe theo anh Năm gác cửa vào quán, anh Năm cho hắn ngồi chung bàn với mọi người rồi cho hắn uống nước dừa và ăn cơm. Đây có thể nói là bữa cơm ngon nhất trong đời nó, có canh chua, có cá kho tộ, có thịt quay. Mấy người trong đoàn ăn chung bàn đã nhìn hắn ăn uống cật lực mà cười thích thú. Anh Chín đèn (chuyên viên ánh sáng của đoàn) đã nói với nó: “Thằng Đại, mày muốn làm đệ tử tao không? Tối nay mày theo tao làm đèn sân c, mày chịu không?” Hắn dạ lia lịa và từ đó hắn là đệ tử Chín đèn.
Trong câu chuyện tại bàn cơm, hắn nghe mấy người này bàn tính thật nhiều về rạp sắp tới trình diễn. Anh Năm gác cửa nói: “Thằng cha quản lý Bình của mình thật kỳ, bộ hết rạp hay sao mà nhè đem đoàn về hát rạp Hòa Khánh. Mẹ, rạp gì mà ma không à, hồi tui đi đoàn Hương Mùa Thu… hát ở đó 2 đêm là sợ quá phải dọn gánh liền…” Anh Chín đèn nói: “Rạp Hòa Khánh ma thiệt nhưng đông khán giả, tại cha bầu của HMT không biết cúng kiếng đàng hoàng mới bị phá, chớ còn mình, mình phải nói ông bà bầu lo đàng hoàng thì đâu có sao”. Anh Ba bán vé nói: “Về đó là anh Năm gác cửa phải lo cho tụi nó mua hoa trái cúng cô Chín đàng hoàng và nhất là đừng cho mấy thằng công nhân trong đoàn đem gái vô sân khấu ngủ nghe anh Năm.”