Home Seo cầu ông tuất – Tác Giả poseidon

cầu ông tuất – Tác Giả poseidon

Lão nhớ tới những thằng đầu trâu mặt ngựa ngoài Tư Nghĩa, những thằng trước đây cùng đi đào đãi vàng với lão ngoài bắc. Cả bọn bị bệnh tật đầy mình đến nỗi thân tàn ma dại nên đều trở về. Lão hiểu rằng mấy năm nay quay về quê sinh sống, ngoài lão ra, bọn kia đều làm ma cô sống vật vờ qua ngày ở chợ La Hà. Lão sẽ ra đó tìm lại bọn này và cho chúng nó một công việc.

Lão bỏ một buổi sáng ra ngoài Tư Nghĩa, sau vài phút vòng vèo ở chợ La Hà thì lão cũng không khó để tìm được bọn này. Chúng đều ở đây hằng ngày bốc hàng cho các tiểu thương và kèm theo bảo kê thu tiền góp cho các chủ hụi, cuộc sống khá chật vật.

Tụ tập gặp nhau trong một quán nước, cả bọn nhìn thấy lão Phương mà tròn xoe mắt:

– Lâu ngày không gặp, ông anh ăn được của ngon vật lạ gì mà phát tướng lên dữ vậy?

– Cũng may quay về quê anh có cái nghề trong tay nên cũng đỡ. Thôi anh nói luôn, anh tìm lại bọn mày để bàn chuyện này. Bây giờ anh đang mở quán thịt cầy, buôn bán cũng tạm nhưng nguồn chó thịt giờ khan quá, ở chỗ anh người ta không bán nữa. Bọn mày làm ở chợ, có thể tìm mua giúp anh được không ?

Cả ba bốn người nhìn nhau ngợ ngợ, nhưng rồi cười giễu cợt:

– Thì ra giờ thành ông chủ rồi. Chó thì chỉ có đi mua dạo mới có chứ ai mà mang ra chợ bán hả ông anh !

– Mua chó thịt của bọn mua dạo, bán không có lời ! Anh biết bọn mày có nghề mà ! Bọn mày cứ làm thế nào đó thì tùy, miễn có chó mang đến, là anh trả tiền liền !

Tất cả đều hiểu “nghề” mà lão Phương muốn nói đến là gì. Và cả bọn đều đồng ý sẽ làm theo ý lão Phương.

Buổi gặp hôm ấy đúng là không bõ công lão Phương, bọn này trở thành đường dây cung cấp chó thịt cho quán lão rất đều đặn.

Cứ đều đặn khoảng ba giờ sáng, khi mà lão Phương vừa thức dậy để bắt đầu ngày mới thì cũng là lúc bọn này mang chó đến cho lão rất đúng hẹn. Tất cả chó đều đã chết. Con thì chết vì bị đánh bả, con thì chết vì bị thòng lọng siết cổ, con thì bị chích điện… Thường một đêm như vậy là ba con. Lão bán hết trong ngày hôm sau, rồi bọn chúng lại mang lên tiếp cho lão. Với giá mua khá rẻ, nên lão Phương bán một vốn thành bốn lời.
Kể từ dạo đó, ở ngoài phía thị xã và vùng lân cận các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh. Nạn trộm chó hoành hành. Chó bị trộm bằng đủ loại thủ đoạn. Chủ nhà nào phát hiện cũng không dám truy đuổi, vì bọn trộm đủ hết đồ nghề để chống trả. Bởi vậy cứ tối đến, người dân đều chốt cửa, cài then. Chẳng ai muốn bị mất chó, mà cũng chẳng muốn chạm mặt với bọn trộm cướp lưu manh.

Còn ở cái xã nghèo này, ai mà chẳng biết lão Phương mua chó thịt bị trộm. Thậm chí người ta còn biết rõ cả giờ giấc bọn trộm mang chó lên cho lão Phương nữa. Nhưng người ta cũng chỉ dám xì xào vài lời đồn đại chứ chẳng ai dám nói gì nhiều. Quá lắm người ta rủa “cái ngữ thất đức thế nào cũng găp quả báo” cho hả dạ. Nhưng lão Phương nghe được cũng chẳng bận tâm. Ai trên đời này muốn có nhiều tiền, thì phải thất đức, muốn làm giàu, thì phải làm chuyện ác. Lão luôn suy nghĩ như vậy nên mấy cái lời giáo huấn kia lão đều bỏ ngoài tai.

Có hôm nọ như thường lệ, bọn trộm mang tới ba con chó chúng vừa trộm được. Trong đó có một con lông xù, bị thắt thòng lòng kéo lê dưới đường đến gần chết, mình mẩy đẫm máu, từng miếng da bị bong ra ngoài, lông lá xơ xác. Lúc lão Phương mở miệng bao ném nó ra ngoài, thì lão phát hiện nó vẫn còn chưa chết, miệng nó phát ra tiếng rên ư ử.

Lão lấy đèn pin soi vào nhìn cho rõ, đó là một con chó cái chửa với bầu vú căng sề sà, có lẽ cũng sắp tới ngày đẻ. Không biết nó bị gèn mắt, hay là khóc, mà cặp mắt ướt đẫm hon hem, nhìn tuyệt vọng.

Lão Phương mừng lắm. Lâu nay lão làm thịt bao nhiêu là con chó, nhưng lão vẫn đang chờ gặp một con chó chửa gần đẻ như thế này. Chó này thì chỉ có trộm mới có được, chứ chẳng ai nuôi mà bán. Bởi lão vẫn tin vào bài thuốc ngâm rượu bào thai chó, đàn ông dùng thì có thể tăng cường sinh lực rất hiệu nghiệm mà hắn đã từng được một lần uống lúc trước. Còn đàn bà uống thì da dẻ hồng hào, rạng rỡ hẳn ra.

Mang lật ngửa con chó cái chửa lên giữa nhà, lão lạnh lùng cầm cái dao xẻ thịt, rạch một đường sắc lẹm vào ổ bụng con chó trong lúc nó vẫn còn sống và đang mặc sức tru tréo, dãy giụa lên vì đau đớn. Lão moi từ trong bụng con chó ra một cái bào thai bốn con chó con vẫn còn đang ngọ nguậy nhớp nhúa. Lão hăm hở hối mụ vợ mang vội cái chum rượu nếp loại một lại để lão cho ngay bốn con chó con vào ngâm liền cho nóng.
Nhưng chưa kịp ngâm, vợ chồng lão còn để cái bào thai chó mới vừa cắt dây rốn ở ngoài để đi lấy rượu, thì vừa lúc đó, đứa con gái của lão lúc này cũng đã lên năm tuổi thức giấc vì tiếng ẳng sắp chết của con chó mẹ. Nó xuống giường chập chững bước tới chỗ lão để cái bào thai chó. Nó cầm lên một con chó con to nhất đang cố cựa quậy, ba còn kia thì có vẻ đã chết theo mẹ nó rồi. Con bé cầm con chó lên âu yếm, lau sạch nước nhờn, rồi cẩn thận đặt xuống một miếng vải khô.

Vợ chồng lão phương quay lại thấy vậy, liền nạt nộ con bé để lấy lại con chó con kia, nhưng con bé nhất định không cho, nó cứ ôm lấy con chó con trong lòng khóc rân trời. Vợ lão Phương giằng tay con bé, thì nó ôm con chó trong lòng nằm lăn xuống đất la quấy, làm thế nào con bé cũng không chịu buông con chó.

– Nó còn sống mà ba, cho con nuôi !

Con bé vừa khóc vừa năn nỉ. Vợ lão Phương thương con nên cũng chiều theo.

– Hay mình ngâm rượu ba con kia là được rồi, con này để lại nuôi đi, chứ con nó đòi khóc quá !

Lão Phương càu nhàu, nhưng vì cũng chỉ có con một, nên cũng xuôi:

– Ừ thì bà mang vào nuôi thử sống không, chó thì chưa mở mắt mà đòi nuôi ! Con với cái ! Ưng cái gì là đòi cho bằng được !

Cuối cùng vợ chồng lão Phương cũng ngâm được bình rượu quý gồm có ba con chó còn sống, một con rắn hổ cùng một than thuốc bắc. Lão quý lắm, cẩn thận cất vào ngăn tủ, đợi tới ngày sẽ lấy ra mời các quan lớn cùng lão thưởng thức để lấy lại tuổi trẻ.

Còn chó con kia dù được cứu lúc chưa mở mắt, chỉ bằng nắm tay, nhìn như con chuột sạ, nhưng được vợ lão phương cùng con bé con đút sữa, nước cơm sôi, chăm sóc mãi cũng sống sót được. Đó là một con chó đực lông đen, bởi vì còn nhỏ bị rách ra khỏi bào thai, nên nhiễm trùng một con mắt, lớn lên bị chột. Hằng ngày nó chỉ quấn quanh chân con bé. Ngoài con bé ra, nó chẳng vẩy đuôi mừng một ai. Nó cũng chẳng sủa, chẳng gầm gừ gì khi thấy người lạ. Nó cứ lầm lì lầm lịt, suốt ngày lủi thủi dưới gầm giường, gầm tủ đợi con bé đi học về.

Nhiều lúc vợ chồng lão Phương nhìn con chó cũng có đôi chút thỏa mãn. Ví như người ta làm quá nhiều điều ác, đến lúc làm được một việc tốt, bỗng thấy nhẹ nhõm hơn. Còn lão Phương thì giết cả trăm con chó, nay cứu được một con, lão cũng cảm thấy trong lòng đỡ áy náy đi một chút.

Nhìn con bé chơi đùa với nó, vợ lão chồng lão lại gật gù:

– Coi như mình làm phước vậy !

Nhưng mà trần đời, những kẻ hay làm những việc tiểu thiện, thì thường là đại ác. Quả báo thì lại lâu, nó chưa đến với lão, nhưng nó đến với bọn trộm trước.

Lão Phương thì vẫn thích cái bài rượu thuốc từ bào thai chó kia, bởi vậy mỗi lần bọn trộm mang chó tới, lão vẫn hay dặn chúng tìm bắt cho lão những con chó chửa mập mạp để thỏa mãn cái thú của lão.

– Dạo này căng lắm ông anh. Ban đêm người ta rào cổng nẻo hết, có còn chó chạy rông ra đường đâu mà bắt !

– Thì bọn mày cứ phá cửa mà bắt. Bọn chúng mày mà còn biết sợ à !

– Ông anh làm như chuyện dễ. Nhiều lúc bị phát hiện phải chạy muốn hộc cả máu mồm chứ giỡn !

– Bọn mày sống chết gì anh chẳng cần biết, cứ ráng bắt cho được vài con chó chửa thật đẹp cho anh. Bao nhiêu tiền, thì anh cũng trả, phải khỏi lo !

Bọn trộm đi rồi, vợ lão Phương chau mày trách móc:

– Ông nói vậy, bọn nó liều mạng, trộm chó cho kì được, rồi lỡ người ta đánh chết thì sao !

Lão Phương lạnh lùng đáp lại:

– Mạng của mấy thằng đó đáng xá gì, còn không bằng con chó nữa ! Chỉ mong nó bắt được chó cho mình !

Bọn trộm bây giờ toàn là mấy tay ma cô bệnh tật đầy người, sống vất vởn qua ngày đầu đường xó chợ, có còn biết sợ là gì đâu. Đối với chúng thì “một đời chơi phấn chơi hoa, một đời ỉa rịn cũng qua một đời”. Giờ chúng chỉ ước có thật nhiều tiền, để ăn chơi sung sướng cho thật đã, rồi ra sao thì kệ.

Rồi đi đêm mãi cũng gặp ma, sau thời gian dài lùng sục khắp mọi đường làng để bắt chó trộm đến hết sạch cả chó, thì đến một hôm nọ, bọn trộm phải rình mò đến tận một xóm hẻo lánh tận ở đâu xã Đức Hiệp của huyện Mộ Đức. Xóm này vốn theo một cái đạo giáo lạ vốn thờ chó. Vì theo truyền thuyết của đạo, chó là loài mang lại lúa gạo cho loài người sau cơn đại hồng thủy diệt vong thời xa xưa.

Tiếng hô hoán nửa đêm náo loạn cả xã. Người cầm gậy, người cầm xẻng, người cầm đuốc chạy huỳnh huỵch trên đường làng để bắt bọn trộm chó. Cuối cùng họ cũng vây ráp lại được hai thằng trộm. Chúng cùng đường, cả hai bỏ lại cây xe máy cà tàng nhảy xuống một con suối chạy vắt ngang qua giữa xóm. Nhưng ở trên hai bên bờ thì già trẻ, bé chay gì cả thảy đã đứng đợi sẵn. Ai nấy đều đang cuồng nộ chờ trả thù cho linh vật của họ.

Hai tên trộm cứ bơi qua bờ bên này thì bị gậy gốc, đá cuội ném xuống lại quay đầu bơi qua bờ bên kia. Nhưng ở bờ bên kia thì cũng lại bị tình cảnh như vậy. Cuối cùng, một tên trộm vì đuối sức chìm hẳn xuống lòng suối. Tên còn lại ráng sức bơi vào bờ và cầu mong cơ may lòng thương hại của dân làng. Nhưng giữa lúc lòng người đang giận sôi cả máu. Biết bao nhiêu chó của họ đã bị trộm, bao nhiêu linh vật của họ đã bị xúc phạm. Nào ai thương cho thân phận tên trộm lúc này. Giờ chỉ có căm phẫn mà thôi.

Bị nắm đầu kéo tóc lên trên bờ, tên trộm bị gậy gộc phang vào mình, bị đấm đá cứ thùi thụi vào lồng ngực. Cả xóm mỗi người một nắm đấm, mỗi người một gậy, tên trộm cuối cùng nằm đó thở phì phò trên đống máu tươi tuông ra từ miệng, từ mũi. Thân thể hắn đã nát bấy, mềm nhũn vì đòn. Cái chết của hai tên trộm thảm thương chẳng kém những con chó lúc bị chúng bắt là bao nhiêu.

Chuyện này đồn đi khắp nơi, nhiều người hả hê, cũng lắm người thương cho hai tên trộm. Công an về làm việc cũng chẳng được gì. Vì cả làng, mỗi người một tay đánh chết trộm chứ chẳng riêng ai. Công an cũng chẳng ở không mà đi điều tra cái chết của hai thằng trộm vốn là cặn bã của xã hội. Từ đó, chẳng có ai dám đi trộm chó nữa. Nhiều làng xã lại trở về yên bình như lúc trước.

Riêng lão Phương thì lại thấy bất an, vì mấy đêm rồi, lão cứ nằm mơ thấy mặt hai tên trộm đó.

Hôm nay, vẫn như thường lệ, trong cơn ngủ mơ màng lúc ba giờ sáng, lão nghe tiếng đập cửa. Đó là tiếng đập cửa của những tên trộm đến bán chó. Lão vừa ưỡn mình, vừa ngáp, vừa than rằng sao đêm trôi qua nhanh quá, mới đó mà đã tới giờ phải dậy làm thịt chó rồi…
– Kịch…kịch..kịch…! Kịch..kịch…kịch !

Nhịp tiếng gõ cửa vẫn như mọi hôm. Lão bực dọc, gắt gỏng:

– Chúng mày đợi tí tao ra ! Gì mà ầm…!!!

Lời mắng nhiếc ra đến đầu lưỡi thì vội thụt lại. Lão bỗng dựng cả tóc gáy vì sực nhớ ra chuyện hai tên trộm đã bị đánh chết rồi. Vậy đêm nay, còn ai đang gõ cửa ngoài kia ?

Những giấc mơ mà mấy hôm nay lão mơ thấy mặt hai tên trộm hiện lại trong đầu gã, những cơn ác mộng khủng khiếp. Lão cảm thấy lạnh xương sống, da lão nổi gợn rần rần, mặt nóng ran. Lão vội lay mụ vợ dậy.

– Bà ! Dậy Dậy !

Mụ vợ tỉnh dậy, rướn đôi mắt tèm nhem lên nhìn:

– Gì thế ! Đã tới giờ làm thịt chó đâu ! Năm giờ mình mới làm mà !
Lão bần thần đáp lại:

– Có tiếng ai gõ cửa…!

Cái giọng run run của lão khiến mụ vợ thấy lạ hơn, mụ dụi mắt, lắng tai nghe một hồi nhưng chỉ thấy im lặng.

– Ông mớ ngủ hả ? Có ai gõ cửa đâu ! Ông ngủ tiếp đi !

Nói vừa dứt lời, mụ lại ngã xuống cái gối êm ái, kéo tấm mền ấm áp trùm lên người ngủ lại. Không còn nghe tiếng gõ cửa nữa, lão Phương cũng nằm xuống giường nhắm mắt cố ngủ đi. Nhưng khi lão đang mơ màng thì tiếng gõ cửa ấy lại phát ra. Lão choàng mở mắt, mụ vợ thì đã say ngủ thở phì phì. Lão vén màn, bước xuất giường đi ra ngoài cửa. Lão Phương sợ hãi, đằng hắng giọng hỏi “ai đó ?”. Nhưng chẳng có ai trả lời, chỉ có tiếng gõ cửa ma quái đáp lại.

Lão lấy hết sự gan lì, bước ra cửa, rút then mở cửa hé hé ra. Cánh cửa gỗ kêu cạch..cạch…cạch… dần mở ra, nhưng bên ngoài chẳng có ai, chỉ là bóng tối dày đặc.

Lão cầm đèn pin, soi soi rọi rọi thì bỗng lão bắt gặp ngay một cặp mắt đen trùi trũi nhưng con ngươi sáng rực đầy ma mị nhìn đăm đăm vào lão, khiến lão giật mình muốn nảy cả tim ra khỏi lồng ngực.

Đó là ánh mắt của con chó con từ bao thai chó cách đây mấy tháng, mà con gái lão đã cứu nó…

Con chó đứng uy nghi, nhìn lão trừng trừng. Lão cảm nhận một nỗi căm hận ngút trời như nó đang muốn trả thù, ăn tươi nuốt sống lão. Nó đột ngột nhảy bổ vào chân lão khiến lão kinh hoảng tột độ. Lão phản xạ đá chân, hất con chó ra loạn xạ như người phải rắn quấn chân, miệng thì la cứu khiến mụ vợ lão bật dậy thức giấc.

– Chuyện gì vậy ? Ông sao thế !

Lão Phương người đổ mồ hôi hột ướt nhem trên trán, đứng như trời trồng, nói run run chẳng thành lời:

– Con..chó……!

Mụ vợ lão phương nhìn xung quanh chẳng thấy con chó nào. Sau khi hoàn hồn, lão Phương bật điện hết cả nhà lên, thì thấy con chó vẫn nằm im thin thít ngủ dưới gầm tủ như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Sau cái hôm đó, trong thâm tâm lão Phương vẫn còn sợ một cái gì đó mơ hồ. Lão nhớ như in cái cảm giác bị cặp mắt của con chó đó nhìn lão, nhưng vốn nó bị chột một mắt từ nhỏ rồi mà. Lão không thể hiểu nỗi, nên vì thế lão sợ, lão sợ con chó nhỏ đó.

Con chó được con gái lão đặt tên là ki. Nó thương con ki cứ như là em ruột. Hằng ngày nó và con chó thủ thỉ nói chuyện với nhau, những câu chuyện mà chẳng ai nghe được và cũng chẳng thể hiểu được.

Con ki sống trong cái lò mổ của đồng loại. Hằng ngày nó trông thấy lão Phương làm thịt chó, nó chỉ nằm từ xa quan sát một cách trầm ngâm. Nghiệt ngã hơn, nó lớn lên nhờ những đồ ăn thừa của khách. Những thứ đồ ăn đó, nếu con ki không ăn, nó sẽ chết, vì lão Phương chẳng cho nó ăn gì khác. Bởi vậy, con ki càng ngày càng muốn phát dại, càng ngày càng kì dị.

Cứ chiều muộn, con ki ra sau nhà, nằm quay mặt về hướng bờ suối, ngay chỗ cái đường nước thải hôi tanh của quán lão Phương chảy ra bờ suối. Ở đó mỗi ngày thải xuống suối là máu chó, lông chó, nội tạng, xương xẩu,…Con ki nằm gác mỗm lên hai chân trước, nhìn xa xăm.

Lão Phương mỗi lần nhìn con ki như vậy lại cảm thấy có phần hoang mang. Mặc dù lão đã không còn mơ thấy gương mặt của hai tên trộm kia nữa, con chó cũng không còn nhìn lão như lần đó, nhưng lâu lâu, lão vẫn nghe tiếng động như tiếng gõ cửa vào ba giờ sáng. Vào lão Phương không bao giờ dám mở cửa thêm lần nào nữa…

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận