Home Seo cầu ông tuất – Tác Giả poseidon

cầu ông tuất – Tác Giả poseidon

Mối mua chó thịt từ bọn trộm giờ đã không còn, lão Phương thì vẫn phải buôn bán, lão vẫn muốn kiếm lời nhiều như trước đây. Lão lại nảy ra cách khác.

Mỗi ngày lão Phương chỉ làm một con chó để che mắt khách hàng, phần còn lại lão dùng thịt chuột chù để thay thế. Tay nghề của lão mà làm thì chẳng ai phát hiện ra. Thịt chuột chù thì xứ này chẳng thiếu. Lão cứ mang bẫy đặt ngoài mấy bờ mía, rồi sẩm tối đi gỡ. Lồng nào cũng mắc bẫy vài con. Mà chuột chù ngoài mía tuy hôi hám nhưng con nào con nấy mập mạp, lông lá mướt rượt, to như bắp chân người. Lão mang về làm thịt sạch sẽ rồi ngâm cùng với nội tạng chó trong mấy cái lu đất, khiến thịt chuột có mùi như thịt chó, rồi mang đi nấu giã cầy thơm phức, các khách nhậu ăn vào gật đầu khen ngon ào ào. Chẳng ai phát hiện đây là thịt của những con chuột chù dơ dáy ngoài bờ ao, hốc suối cả.

Khách của quán ngoài những người có quyền, có chức ở xã huyện, thì phần còn lại là bọn thanh niên choai choai mới lớn trong xã. Chúng lớn lên khi trong xã đã có cái quán thịt cầy của lão Phương rồi. Bởi vậy chúng chẳng sợ những nỗi sợ tâm linh như cha mẹ của chúng nữa. Mà coi thịt chó là món ăn sành điệu.

Vậy là chúng đua đòi, rủ rê nhau tụ tập vào quán lão Phương để thể hiện đẳng cấp dân chơi ăn nhậu. Đối với loại khách này, lão Phương chỉ cần tống cho bảy phần thịt chuột, ba phần thịt chó, ngồi nói dóc vài câu với chúng rồi tính tiền là xong xuôi. Đứa nào cũng ăn khen ngon, rượu tuông vào cổ họng ần ật rồi gật gù tỏ vẻ sành ăn nhậu, là dân ăn chơi đẳng cấp. Chẳng đứa nào biết chúng đang ăn là thịt gì.

Những thanh niên ấy ngày càng trở nên bê tha, chỉ biết cách làm mọi cách để có tiền vào quán nhậu, lưng ngày càng dài, mặt ngày càng nhọn, chân tay ốm da bọc xương nhưng lúc nào khẩu khí anh hùng cũng ngút trời. Tối đến thì chúng đi ăn cắp, ăn trộm hoặc tệ hại hơn là chặn đường xin tiền đểu của những học sinh đi học xa nhà từ Hành Tín xuống.

Đến một chiều nọ, cũng mấy thằng nhóc đó, vào quán lão Phương gọi một mâm nhậu thật hoành tráng, vừa nhoàm nhoàm nhai thịt, vừa kể về chiến công sáng nay mới đập một thằng học sinh lớp 10 nào đó trên Hành Tín một trận nhừ tử vì dám lếu láo với chúng. Lão Phương cũng đong đưa trò chuyện cùng với các “tiểu thượng đế”, Lão tâng bốc tỏ vẻ kính nể khiến chúng hả hê, tự hào về cái thành tích đó lắm.

– Thằng nào láo thì đập là đúng rồi, xuống dưới đất này mà bất nháo !

– Thì đó ! Nó đi ngang qua, tui gọi mà dám không đứng lại, tụi tui hốt luôn !

– Rồi bọn bay có lấy được cái gì của nó để xơ múi không !

– Thằng đó nghèo xác có gì đâu !

– Chứ rồi tiền đâu hôm nay vào quán tao nhậu thế này !

– Hồi tối bọn tui mới bắt được vài con gà, sáng nay mang xuống chợ thị trấn bán đấy ! Được những mấy trăm nghìn. Hôm nay chú khỏi lo đi, nhậu xong chầu này vẫn còn dư tiền trả tiền còn nợ chú !

– Ừ thôi thà vậy đi. Chứ cả băng bọn bây nổi tiếng ở xã này mà nhậu quán tao để nợ, tao hụt vốn !

Lão Phương ra nịnh nọt bọn nhóc này vài câu, cho bọn nó khai ra, để biết chắc hôm nay bọn nó không thiếu nợ nữa là được. Lão cũng thừa biết tiền bọn này mang vào quán nhậu của lão chẳng có đồng nào là của bọn nó, chỉ toàn hoặc là tiền ăn trộm của cha mẹ chúng, tiền trấn lột của mấy thằng nhóc học trò, hoặc là tiền từ trộm gà hái bí. Như hôm nay vào nhậu hả hê như này, chắc chắn đúng như lời bọn nó kể, tối qua đi rình mò nhà nào, trộm được gà đây mà. Nhưng lão có quan tâm đâu. Lão chỉ cần bọn nó nhậu rồi trả tiền cho lão là được. Dù bọn nó có trả một nửa, nợ một nửa đi nữa, thì lão Phương vẫn có lời rồi, vì lão cho bọn nó ăn toàn thịt chuột, có phải thịt chó đâu.

Vì lẽ đó, lão Phương nhoẻn miệng cười nhè nhẹ, tay lão vừa chặt thịt chó, mắt thì nhìn vào bàn nhậu chỗ bạn nhóc tỏ vẻ mặt hài lòng.

Bỗng cả bọn nhóc la ó hoảng sợ. Lão nhìn sang thì thấy con Ki đang gặm chân một thằng, kéo ngã vật nằm ngửa xuống sàn. Con chó rất hăng máu, cắn gặm liên tục vào chân thằng nhóc mà giày xéo. Cả bọn vừa quơ đuổi con chó, vừa lôi thằng nhóc này ra xa. Lão Phương chạy tới thì con Ki đã vội chạy vào trong nhà đâu mất rồi.

Thì ra thằng nhóc này say rượu, nhìn thấy con ki thế nào, tự dưng cầm ly rượu chọi vào con Ki, khiến nó phát điên nhảy vào cắn xé.

Con ki lớn lên từng ngày chứng kiến cái chết của bao nhiêu là đồng loại, rồi thứ thức ăn nó ăn hằng ngày, và ông chủ của nó nữa, khiến nó giường như cảm nhận cuộc đời này chỉ toàn là xấu xa. Con ki có vẻ ngoài kì dị, nhưng lại là con chó rất khôn, nó hiểu được tâm tính con người. Nó hiểu được Lão Phương là người như nào, nhưng nó cũng chẳng biết nên coi lão Phương là ân nhân hay kẻ thù. Vì vậy nó luôn trốn tránh lão, chẳng bao giờ dám ở gần lão. Còn những con chó khác, cứ thấy lão Phương ở đâu là chạy theo sủa om sòm. Chuyện lão Phương đi đường mà lũ chó rượt theo sủa nhảy cẩng lên tới cả đầu là điều bình thường. Nhưng kì lạ là bọn chó chỉ dám sủa chứ chẳng dám cắn lão Phương. Mặc dù lão đi ở đầu đường, nhưng cuối đường bọn chó nghe hơi đã sủa dữ dội rồi. Lão Phương cũng chẳng sợ bọn chó bầy này. Lão cứ bình tĩnh mà đi như không có chuyện gì. Cái nghề đồ tể thịt chó của lão mà sợ chó thì sao mà làm được.

Chỉ có con Ki là con chó duy nhất khiến lão sợ. Lão vấn bị ám ảnh từ cái hôm nhìn thấy ánh mắt nó lúc gà gáy. Nên bây giờ mỗi lần nhìn con ki, lão lại mơ hồ một cái cảm giác hoang mang khó tả khiến lão rợn tóc gáy. Đã vài lần lão định thịt con ki để bán, nhưng ngay lúc đó, chân tay lão bủn rủn chẳng dám. Lão không muốn con ki ở trong nhà. Lão cầu mong cho nó bệnh mà chết đi.

Hôm nay con ki cắn người, hẳn là nó đã phát dại rồi. Trước đây lão Phương vẫn không thể nào dám giết thịt con ki. Cứ mỗi lần lão tiếp cận con ki, là y như nó biết lão muốn gì và nó lại nhìn lão với cái ánh mắt đó khiến lão hoảng kinh. Thêm nữa, con gái lão lại rất thương ki, nếu biết lão làm thịt nó, chắc nó sẽ hận lão suốt đời mất. Hôm nay, sẵn cớ con ki phát dại cắn người, lão liền mượn tay bọn nhóc giúp lão:

– Tụi mày đập chết nó cho tao. Chắc nó bị điên rồi !

– Chó của chú mà, đập luôn hả ?

Lão Phương quát:

– Đập đi ! Nhanh ! Đập được thì coi như chầu hôm nay tao đãi !
Một thằng trong nhóm vớ ngay viên gạch thẻ đã bị mẻ một góc gần đó đuổi theo con ki đang chạy vô nhà. Thằng nhóc vào bếp thấy con ki đang núp, nó chọi cục gạch cực mạnh nhắm vào đầu con ki, tuy chỉ trúng sượt qua mép tai nhưng cũng khiến con ki đau đớn ẳng lên một tiếng thấu trời rồi bỏ chạy mất hút ra phía sau nhà về phía bờ suối, khuất sau đám lau sậy.

Con gái lão Phương đi học về nghe kể lại chuyện con ki phát điên và bị đánh khiến nó bỏ nhà đi làm con bé khóc đến nỗi sưng mắt.

Cũng từ đó, con bé dù thôi khóc, nhưng lại trở nên lầm lũi. Cả ngày, con bé không nói chuyện với ai nửa lời, kể cả với vợ chồng lão phương, mặt con bé lúc nào bé cũng buồn rười rượi. Nó trở nên biếng ăn, cũng chẳng thèm đi học, cả ngày nằm vùi đầu dưới gối. Lúc đầu vợ chồng lão Phương lo lắng tưởng con bé bị bệnh, nhưng sau vài ngày thì thấy nó vẫn khỏe mạnh. Nên vợ chồng lão lại yên tâm, cho rằng chắc là nó bị mất con ki nên buồn mà thôi. Vợ chồng lão cũng không ép nó đi học làm gì. Với các mối quan hệ của lão Phương ở trường, con lão chẳng phải lo ở lại lớp hay bị thầy cô giáo nào dám động tay chân. Cưng chiều con vậy nên lão để con bé ở nhà từ hôm đó luôn.

Vắng con ki rồi, thì ngoài việc hơi lo lắng cho đứa con gái rượu, thì lão Phương cảm thấy rất nhẹ nhõm và thoải mái.

Nhưng thời gian vui vẻ ấy của lão phương chỉ được vài ngày. Vì con gái lão Phương, mấy hôm nay cứ chiều chiều là ra sau nhà ngước mắt về phía bờ suối mà nhìn trầm ngâm, hệt như trước đây lúc nó và con ki vẫn hay ngồi với nhau như vậy.

Rồi nhiều lần con bé thất tha thất thểu một mình đi về phía bờ suối, lúc trời đã sẩm tối mờ mờ. Những lần ấy vợ lão phương đều phát hiện kịp và chạy theo gọi nó vào nhà. Mỗi lần như vậy, vợ chồng lão phương hỏi nó ra bờ suối làm gì thì con bé đều lặng thinh không trả lời, nó chỉ nhìn vợ chồng lão bằng ánh mắt vô hồn, gờn gợn mỗi cái gì đó u uất.

Con bé tuy giờ mới bảy tuổi nhưng có lẽ nó đồng cảm được với số phận con ki mồ côi xấu xí, quái dị được chính tay nó cứu sống phải lớn lên trong cái lò mổ đồng loại.

Bây giờ là tháng tư, trời hay có những cơn mưa hè rất khắt nghiệt. Một chiều nọ sau những đợt sấm chớp gầm gừ lóe sáng ngang dọc trong lớp mây đèn dày đặc, thì trời bắt đầu đổ cơn mưa giông cuồng nộ như là tận thế tới nơi. Mưa liên tục trong hơn ba tiếng đồng hồ thì cũng ngớt. Nước từ trên nguồn đổ về con suối ùn ùn tạo nên một đợt nước lũ hung tợn. Nước tràn qua cả cái dầm cầu ngay ngã ba gần quán lão phương nghe ọc ạch, khiến cho người ta qua cầu mà run chân, chỉ sợ nước lũ về mạnh bứt luôn dầm cầu.

Vợ chồng lão Phương hôm đó may mắn trúng một chầu tiệc của các sếp nên chỉ mới năm giờ chiều, quán đã sạch nhẵn mồi. Vợ chồng lão được bữa nghỉ sớm, chứ thường những hôm mưa như thế này, quán mãi tận khuya mới đóng cửa.

Sau khi quét tước, thu dọn sạch sẽ cái quán thì cũng là lúc tạnh mưa, vợ lão phương vào nấu cơm tối cho cả nhà thì phát hiện có bé đã đi đâu rồi. Gọi í a í ới không thấy đâu, vợ chồng lão tá hoả đi tìm.

Có linh tính chẳng lành, vợ lão phương chạy ra sau nhà về phía bờ suối lúc trời đã sẩm tối gào thét tên con bé.

Nhìn về phía con suối đang cuồn cuộn nước lũ đỏ lòm, chỗ bờ lau sậy đang đu đưa nhè nhẹ theo cơn gió giông buồn bã, trong cái sẩm tối mập mờ của một chiều giông lạnh lẽo, mụ vợ lão Phương cũng đủ nhận ra đứa con gái của vợ chồng mụ đang đứng lặng lẽ bên bờ suối.

– Duyên ! Con ơi ! Con…!

Con bé vẫn đứng yên, tóc và tà áo bay bay về phía sau phất phới, nó lặng thinh không đáp lại lời có vẻ như không nghe tiếng mụ gọi. Nhưng mụ cảm nhận được, con bé đang muốn xuống dưới suối khi mà con nước lũ như đang ùng ục mời gọi.

Mụ chạy những bước nhanh nhất có thể, những bước chân của mụ bị lún xuống lớp đất nhão vì trời mưa nên mụ lặt lè, té vấp ngã xuống bùn đất lấm lem, miệng không ngừng kêu tên Duyên con gái mụ. Rồi bằng cách chạy hay bò lết nào đó, mụ cũng vừa kịp tới chỗ con bé, chụp cánh tay kéo nó lại, lúc nó chỉ còn cách cái vực suối nửa bước chân.

Mụ kéo con bé vào bãi đất, xa cái bờ suối u ám kia ra. Mụ ôm con khóc thảm thiết.

Lão Phương chạy ra sau đó, giật lấy con bé từ tay mụ, lão day con bé quay trước, quay sau coi có bị làm sao không. Tóc con bé bị gió thổi rối tung che hết trước mặt, lão dùng tay vén tóc nó ra đằng sau. Khi khuôn mặt con bé vừa trống ra thì đập mắt vào lão là ánh mắt sâu thẳm của con bé, cái ánh mắt ma quái mà lão đã từng gặp trước đây của con ki khi nó còn ở nhà. Chân tay lão bủn rủn, mặt lão giật giật, lão dựng cả sóng lưng, da gà nổi rần rần. Lão cảm thấy choáng váng, giường như muốn phát điên. Lão muốn quay mặt đi để thoát khỏi cái nhìn của con bé, nhưng cả thân thể lão cứng đờ, hai con mắt lão dán chặt vào khuôn mặt con bé chẳng thoát ra được.

Cho đến khi mụ vợ lão tuy đang ôm con khóc nhưng cũng kịp nhận ra biểu hiện lạ của của chồng, mụ giật tay lão. Vì tay lão đang nắm chặt vào vai con bé đến hằn cả vết. Nhờ đó, lão Phương sực tỉnh, thoát được cái ánh mắt rợn người của con gái lão.

Ngay lúc đó, lão giơ bàn tay chè bè, to như cái thớt giáng một cái tát hết lực vào khuôn mặt mụ vợ lão:

– Mày trông con kiểu gì ? Hả ?

Mụ vợ lão Phương ôm mặt khóc rống lên. Nhưng cái tát đó có lẽ chẳng đau bằng nỗi đau của người mẹ khi chứng kiến đứa con gái mình như vậy.

Một vài người hàng xóm nghe tiếng xôn động ngoài bờ suối thì cũng cầm đèn pin chạy ra xem có chuyện gì.

Khi mọi người ra đến nơi thì chỉ thấy gia đình ba người lão Phương ôm nhau khóc mà không hiểu chuyện gì xảy ra.

Một người đàn ông luống tuổi trong số đó lên tiếng hỏi:

– Có chuyện gì vậy ông Phương ? Chuyện gì mà sao cả nhà ra ngoài này khóc om sòm vậy ?

Lão phương dói nắm đấm vào mặt mụ vợ quát:

– Cái con vô tích sự này này ! Cái con này này ! Không trông con bé để cho nó ra bờ suối, xuýt chút nữa rớt xuống suối !

Người đàn ông cũng đã hình dung ra một phần chuyện này. Ông từ tốn nói:

– Thôi không sao rồi, cả nhà vào nhà đi. Tối rồi !

Cả bọn người lục đục kéo đi vào. Ông ấy lại nhìn con bé rồi hỏi:

– Cháu ra bờ suối làm gì giờ này ? Lần sau đừng có ra nữa nge không ?
Con bé trả lời giọng lạnh tanh:

– Con ki ở ngoài này, cháu ra dẫn nó về !

Nghe câu trả lời của con bé. Vợ chồng lão Phương đứng khựng lại nhìn nhau bối rối. Những người hàng xóm cũng đều lặng thinh, chẳng ai dám hỏi gì thêm. Vì bọn họ đều biết con chó Ki của lão Phương là con chó kì dị như thế nào.

Những ngày tiếp theo, dân trong xã hay xì xào bàn tán về chuyện con gái lão Phương bị ma dẫn xém chết, rồi cho đó là quả báo của vợ chồng lão. Hễ nghe ai nói là vợ chồng lão phương ngoài miệng chửi té tát, nhưng trong lòng lại cảm thấy sợ hãi. Nên từ hôm đó, vợ chồng lão giam lỏng luôn con bé trong nhà, không cho nó ra khỏi nhà nửa bước.

Con bé thì thỉnh thoảng vấn nói rằng thấy con ki ngoài bờ suối, muốn được ra bờ suối dẫn con ki về. Vợ chồng lão sợ hãi, lòng bất an không yên, nên từ đó tính chuyện tích đức bớt. Cái quán thịt cầy để mưu sinh thì không thể nào dẹp được rồi, nên vợ chồng lão Phương bàn nhau chỉ bán ngày thường, còn ngày rằm và mùng một sẽ nghỉ, kèm theo đó là cũng lễ rất long trọng, hi vọng một ngày nó được trời phật phù hộ, con gái lão sẽ bình thường trở lại.

Khi con người ta bất lực trước hoàn cảnh, thì họ chỉ còn biết đặt niềm tin vào thánh thần. Nhưng cái kiểu cúng kiếng của lão, cốt cũng như những kẻ làm từ thiện ở cổng chùa mà thôi.

Sau đó, vào tờ mờ sáng, lão Phương dậy sớm để làm thịt chó như mọi ngày thì phát hiện cánh cửa sau nhà đã bị mở tang hoang, lúc đầu lão chỉ hi vọng là nhà bị trộm. Nhưng khi bật đèn lên kiểm tra thì đúng như điều lão đang lo sợ, con gái lão đã không có ở trong nhà.

Lão quát mụ vợ cùng dậy, hai vợ chồng đảo một vòng quanh nhà không thấy con bé đâu, liền chạy ra phía bờ suối, tới chỗ bụi sậy như hôm trước thì hỡi ôi. Dưới làn nước suối lạnh lẽo, xác con gái lão đang chìm dưới đấy, chỉ còn thấy mái tóc nổi lên bồng bềnh.

Lão Phương theo phản xạ nhảy ùm xuống suối vớt xác con bé lên trong cơn hoảng loạn tột độ. Mụ vợ thì đã xỉu trào cả bọt mép ngay từ lúc nhìn thấy cảnh tượng đó rồi.

***

Đám tang của con bé qua đi. Vợ chồng lão Phương nhìn vào xung quanh trong căn nhà lạnh lẽo. Căn nhà cao ráo, sang trọng. Đồ vật trong nhà đều đầy đủ thể hiện sự giàu có nhất nhì trong xã. Nhưng bây giờ vợ chồng lão cảm thấy tất cả thật trống rỗng và vô nghĩa.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận