Home Seo CUỘC CHIẾN GIỮA CÁC PHÁP SƯ VÀ HAI CÕI ÂM – DƯƠNG

CUỘC CHIẾN GIỮA CÁC PHÁP SƯ VÀ HAI CÕI ÂM – DƯƠNG

CUỘC CHIẾN GIỮA CÁC PHÁP SƯ VÀ HAI CÕI ÂM DƯƠNG. BÀI 2

Công ty tôi về công tác là một công ty chuyên về trồng cao su của Tây Ninh. Những ngày đầu mới nhận công việc bận rộn, tôi tạm quên đi câu chuyện vừa qua. Mải mê với những chiếc máy kéo, máy ủi và đội xe KAMAZ, gần một tháng sau tôi mới có dịp về lại Châu Thành. Đường bữa nay có vẻ như gần và tốt hơn nhờ tôi lấy một chiếc xe ZEEP lùn của công ty sang thăm ông thày. Ghé qua chợ Tây Ninh, tôi kiếm mấy chai rượu và một mớ mồi gồm có cá suối và thịt rừng lên để nhậu với các chư huynh đệ học trò Thầy Bảy. Gần tới nhà Thầy, từ xa tôi đã thấy một đám đông, túm năm, tụm ba trước ngõ. Đánh vội chiếc xe vào dưới tán cây dầu cạnh nhà, tôi lật đật chạy vào nhà. Ngay trên bộ ván vẫn giành cho khách nằm là một người đàn ông, mình bê bết máu , một cánh tay bị chặt gần như lặc lia, máu phun ra có vòi. Thầy Bảy và mấy học trò đang dùng chiếc áo nâu cố gắng cầm máu lại. Từ trong nhà, bà Bảy nhanh nhẹn đi ra, miệng nhai cái gì đó xanh lè, gạt mấy cậu học trò ra và phun vào chỗ bị chặt tay, máu vẫn phun sùi bọt. Thật lạ lùng, gần như lập tức máu ngừng chảy. Thầy Bảy vội thắp mấy nén nhang trên bàn thờ Tổ, rồi cùng bà Bảy chắp tay liên tục đọc Chú. Một lát sau, người bị nạn từ từ mở mắt ra. Đó là một người đàn ông trạc trên 60 tuổi, có lẽ là người Chàm. Tuy máu me đầy người và một cánh tay đang sắp đứt lìa , nhưng thần sắc của ông ta vẫn còn oai phong, lẫm liệt lắm. Đặc biệt khi vừa mở mắt ra, nhãn lực của đôi mắt ông có một cái gì đó ma quái khiển cho tôi phải rùng mình. Thầy Bảy vội sai mấy cậu học trò dùng xe lôi, đưa gấp người đàn ông đó về bệnh viện Đa khoa Tây Ninh Khi mọi người đi rồi và đám đông đã giải tán, ngồi bên ly rượu, tôi mới từ từ hỏi Thầy Bảy về đầu đuôi câu chuyện. Theo lời Thầy Bảy, thì đây là một võ sư lừng danh của Tây Ninh từ lâu lắm rồi . Ông này người Chàm và là một võ sư theo hệ phái Thất Sơn Thần quyền. Không biết ông đã từng học võ ở đâu và từ bao giờ, nhưng cách đây hơn chục năm đã là một đại cao thủ trong làng võ nghệ Tây Ninh. Các cao thủ từ khắp nơi trên đất Nam bộ, đều đến kiếm ông để tỉ thí so tài và lần lượt bị ông đánh bại. Những đêm ông luyện võ, quang cảnh thật là rùng rợn. Sau khi thắp nhang trên bàn thờ Tổ, ông bỗng như một người khác hẳn, say say , tỉnh tỉnh, đi lại như người mộng du. Nếu một người nào đã học qua các trường phái võ khác, thấy vậy không khỏi phải bật cười. Ông cứ la đà, tay chân trông lèo khoèo, đi lại liêu siêu, chẳng ra thế võ nào cả. Vậy mà khi gặp đối thủ, nhất là những bậc siêu quần, những thế võ huyền diệu được bung ra như điện giật của đối phương, ông đều hóa giải nhanh và đơn giản đến mức không ngờ. Có một điều lạ là, theo nhận xét của những người nghiên cứu võ thuật, những thế võ của ông hình như không thuộc một môn võ nào cả mà lại hội tụ được tất cả các môn võ mà người ta được biết. Và cũng chưa kịp tàn một cây nhang, đối thủ của ông bị một đòn đơn giản đến không ngờ phải văng tít xa ra, ngất lim. Những khi không có đối thủ, ông thường phải nhờ đến rừng mít nài cạnh nhà để luyện. Chỉ trong một thời gian ngắn, cả rừng mít nài xum xuê, xanh tốt đều trụi hết vỏ và chết khô gần hết. Thầy Bảy nghe nói vợ ông đã chết từ lâu và theo ông chỉ có một đứa con trai độc nhất chừng hơn mười tuổi. Những năm gần đây, hai cha con ông không ở một chỗ cố định mà thường lưu lạc đi khắp Sài Gòn – Lục tỉnh vừa dạy võ vừa mãi võ bán thuốc. Thuốc của ông chỉ là những thứ lá cây rừng, nhưng chữa được bá bệnh, nhất là cầm máu và chữa sưng chặc. Ông có một chiêu khiển tất cả những người chứng kiến đều chết khiếp , và có lẽ tại Tây Ninh bây giờ, những người trên 70 tuổi đều còn nhớ và kể mãi cho con cháu nghe. Cũng nhờ chiêu thức độc bản đó mà thuốc của ông bán chạy như tôm tươi. Theo lời Thầy Bảy và sau này đi hỏi thăm các vị bô lão trong vùng tôi mới tin là việc thật. Đó là vào những buổi chợ đông, hai cha con ông thường khoanh một hàng rào bằng dây thừng làm chỗ mãi võ bán thuốc ở giữa chợ. Hai cha con lần lượt biểu diễn những bài quyền theo Phái Thất Sơn Thần quyền, lúc dũng mạnh như cọp beo, lúc lại như người say rượu. Một số người đứng xem khoẻ mạnh được ông chọn, bước vào vòng dây, ông đưa cho họ những cây mác sắc như nước sáng loãng và bảo họ dùng hết sức chém vào hai cha con ông. Lúc đầu họ còn e ngại, sau nhờ ông và khuyến khích mọi người nên đã dùng hết sức chém túi bụi vào hai cha con, không phân biệt chân tay, đầu cổ. Nhưng thật lạ, chỉ một bước chân hờ hững, chệch choạc, cả hai đã tránh được những nhát mác tới chém như mưa. Gần tới cuối, cậu con trai như có chủ định, cố tình nhận một phát chém thấu bả vai, máu tuôn ra xôi xả. Thấy vậy, người cha lấy một gói thuốc để trên bàn, nhai nhỏ và phun vào vết chém . Lạ thay, chỉ tích tắc sau, vết chém như lành hẳn không còn có cả dấu vết của sẹo. Mọi người liền đổ xô vào, chen nhau mua thuốc của ông. Chỉ một lúc sau, gánh thuốc hai cha con mang theo đã hết nhẵn. Những ngày phiên chợ đông, nhất là những ngày có lễ hội, số người các tỉnh đổ về Tây Ninh đông như kiến, cha con ông lại biểu diễn tuyệt chiêu của mình. Ông cho cậu con ngồi lên một cái ghế, bên cạnh là một cái bàn để cây mã tấu sắc như nước. Sau khi mọi người xúm vào xem đông nghịt, ông cầm cây mã tấu múa một bài quyền xung quanh chỗ cậu con trai đang ngồi. Miệng niệm chú ri rầm, ông chạy vòng quanh cậu con trai và bất ngờ hét lên một tiếng, ông tung người cầm mã tấu chém thẳng vào cổ cậu con trai. Cái đầu lâu lông lốc tuột văng ra xa, cái cần cổ bị phạt ngang máu phun ra có vòi. Cái thân người lật ngang tỳ vào thành ghế. Mọi người rú lên, vài người yếu bóng vía quá ngã lăn ra đất. Một không khí im lặng chợt bao chùm cả một khu đất rộng trong chợ. Những khuôn mặt không còn một giọt máu, ngơ ngạc.

Mặt không hề biến sắc, ông thày võ người Chàm, đốt ba nén nhang, khoán nhiều vòng trong không trung, miệng lảm nhảm đọc những tiếng chú lạ tai, bỗng ông chỉ thẳng ba nén nhang về phía cái đầu lâu lúc này nằm lăn lóc, dính đầy bụi đất cạnh lùm cây hô: MAU. Một làn khói xanh lè từ phía cái thân thể không đầu lan ra, lan nhanh dần và phủ chùm lấy cái đầu lâu ở dưới đất. Làn khói càng ngày càng mờ mit, che mờ hết cả một khoảng sân rộng. Khi làn khói tan hết, mọi người nhìn về chiếc ghế, nơi cậu bé ngồi, thì lạ chưa, cậu bé lại tươi cười đứng dậy, chẳng hề có một dấu vết nào của cuộc xử trảm vừa rồi. Mọi người cùng ùa cả lại, sờ nan, xem xét kỹ càng nơi cổ của cậu bé. Thật là kinh ngạc, nơi cổ của cậu bé không hề có chút thẹo nào, chỉ thấy một vòng tròn hơi đo đỏ, mỏng dính còn xót lại. Phép lạ của thày Chàm, một đồn mười, mười đồn trăm, lan đi khắp Sài Gòn – Lục tỉnh, nhất là trên những chuyến xe đò hành hương về Toà thánh Tây Ninh hàng năm mỗi độ xuân về. Trong những người khách hành hương về thăm Toà thánh Tây Ninh và Vía Bà năm nay có một người Chà Và (Ấn Độ) cũng đi cùng. Từ nhiều năm nay, ông đã nhiều lần nghe kể về câu chuyện giật gân và dị thường của thày Chàm Tây Ninh. Lần này ông quyết đi Tây Ninh để chứng kiến cho bằng được. Người Chà Và này cũng là một thay Bùa Ngải rất tinh thông, xuất thân từ Ấn Độ, nhưng nhiều đời đã sinh sống tại miền Thất Sơn – Châu Đốc. Con gà thường tức nhau tiếng gáy. Các thầy luyện Bùa phép cũng vậy. Thày nào sau khi hạ sơn, ngoài việc đi cứu nhân độ thế, cũng thường tìm những thầy khác cao tay để kiếm tra sở học của mình. Chính vì vậy mà nhiều trận chiến mưa gió não nề đã nổi lên kinh Thiên động Địa. Chuyến đi Tây Ninh này của thày Chà Và cũng không ngoài mục đích đó . Ông thày người Chàm Tây Ninh, như thường lệ, tới rằm tháng Giêng là lễ hội Diêu Trì KIM MẪU, tại Tòa thánh Tây Ninh; Hai cha con ông lại tới khu sân vận động bây giờ, lúc đó còn là một bãi đất trống để biểu diễn võ thuật và cuối ngày đó, thế nào cũng có biểu diễn màn xử trạm rùng rợn như đã kể ở phần trên. Sinh nghề, tử nghiệp. Núi cao lại có núi cao hơn. Sóng biển thì lớp sau đè lớp trước. Không ai có thể dè một vụ lưu huyết rùng rợn đang chờ hai cha con nhà thày Chàm Tây Ninh kia. Như thường lệ hàng năm, tại khu bãi đất rộng cạnh Toà tháp hình bát giác giữa đường vào cửa số 2 chợ Long Hòa, hai cha con ông thày Chàm lại khoanh một vòng rộng làm nơi biểu diễn võ thuật. Khác với hàng năm, Rằm tháng Giêng năm nay, dân khắp Sài Gòn – Lục tỉnh đến dự lễ hội Diêu Trì KIM MẪU thật là đông. Hàng ngàn xe đò các loại, đỗ chật cả khuôn viên Tòa Thánh, đỗ dài dằng dặc suốt từ cửa số 2 lên tới cầu Vườn Điều, từ cửa số 2 tới tận Long Thành Trung. Khắp nơi, chỗ nào cũng thấy người là người. Thật là một quang cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Cái nắng mùa này cộng với hơi người bốc lên khô khốc. Người ta trải ni lông, chiếu nóp nằm ngồi la liệt trong khuôn viên Tòa Thánh, dưới những bóng cây to. Đêm nay lễ hội Diêu Trì KIM MẪU sẽ thật tưng bừng. Từ sáng sớm, các chức sắc trong Tòa Thánh đã thúc giục mọi người, hối hả bầy biện các ban thờ của Đức mẹ Diêu Trì. Một con rồng lớn bằng trái cây xếp lại dài hàng chục mét đã được làm xong . Trên thân con rồng là hàng vạn trái cây các loại, xếp thành hình Rồng, có đầu đuôi chuyển động được. Cặp mắt được trang điểm bằng những bóng đèn chớp tắt liên tục. Hình Đức Mẹ cũng được trang điểm bằng những bức tranh bằng trái cây, hoa lá và hàng vạn bóng đèn mầu thật là uy nghi lộng lẫy. Những chảo cơm và thức ăn khổng lồ được liên tục dọn ra tại Trai Đường, mọi người đến dự lễ hội cứ tự mình ăn uống miễn phí, ăn xong chỉ cần xếp chén, đũa lại là những bà, những chị đi làm công quả tại Tòa Thánh dọn sạch sẽ ngay. Hàng chục tấn gạo và thức ăn chay đã được đem ra đãi những người đi hành hương. Hàng trăm chức sắc, và người phụ lễ mặc quần áo dài trắng đứng hai bên cửa vào Tòa Thánh để hướng dẫn cho khách hành hương vào lễ tại Điện trung tâm. Trong số những người đó hướng dẫn, có nhiều bà, nhiều chị mặc đồ trắng, nói tiếng Anh, tiếng Pháp tuyệt hay để hướng dẫn cho khách ngoại quốc. Trở lại với sân diễn võ thuật của hai cha con ông thày Chàm. Từ khoảng 3 giờ chiều, hàng ngàn người đã xúm xít vòng trong vòng ngoài nơi sân diễn của hai cha con. Người ta vừa xem vừa kể cho nhau nghe những kỳ tích mà hai cha con đã thực hiện trong các năm trước. Cả một xe Tà rẹc (xe do 2 con bò kéo, bánh bằng gỗ) chở thuốc của hai cha con, nhanh chóng vơi đi trông thấy. Vui vì năm nay bán được nhiều thuốc, mặc dù nóng, dù mệt, hai cha con vẫn liên tục thay nhau đi những bài quyền Thất Sơn huyền ảo. Tiếng vỗ tay vang lên như sấm dậy sau mỗi bài quyền vừa được trình bày. Trong dịp này, rất nhiều cao thủ trong các môn phái võ khắp nơi cũng về dự, nhiều người xin thử tỷ thí với người cha, nhưng chỉ chưa tàn nén nhang người nhà đã phải khênh ra ngoài cấp cứu. Đứng lẫn lộn trong đám người đến xem, ông thày Bùa người Chà và cũng không bỏ sót một chiêu thức nào của hai cha con thày Chàm Tây Ninh. Ánh mắt của thày Chà Và ánh lên những nét tức tối, ghen tỵ khó tả. Một cuộc thư hùng kinh Thiên động Địa sắp diễn ra. Trời đất như muốn u sầu, tiếng chuông từ Tòa Thánh vang vọng thinh không. Không khí như muốn nén lại, cô đặc giữa vòng tròn trùng điệp trước cửa số 2 chợ Long Hòa.
Khoảng hơn 4 giờ chiều, khi sự cuồng nhiệt của khán giả xung quanh đã lên cao độ, hai cha con ông thày Chàm bắt đầu tiết mục tủ kinh dị của mình. Cậu con trai mặc áo choàng đỏ được đưa ngồi lên một cái ghế tựa bằng gỗ vững chắc. Bên cạnh đó là một cái bàn thấp để một cây mã tấu sáng loáng. Một hồi trống vang lên rung động cả khu vực. Điểm vào đó là những tiếng cồng vang lên Tùng .. Bli .. tùng … Bli … Tùng … Bli (nghe như nhịp trống tùng xẻo ngày xưa ). Ông thày Chàm Tây Ninh mặc bộ võ phục màu đen, chân đi Bata thoăn thoát một bài quyền huyền ảo. Ánh nắng chiều nghiêng nghiêng, soi rõ bộ mặt ứng hồng và lấm tấm những giọt mồ hôi. Khi ông thày Chàm cầm cây mã tấu hua lên mấy vòng, ánh thép loang loáng cắt nhỏ ánh nắng chiều ra hàng ngàn mảnh vụn. Bỗng nhiên, một con trốt cuốn từ trên cao xuống đất, bụi gió mù mit cả một vùng. Lá cờ Đạo trên đỉnh tháp bát quái bị cuốn tung xuống đất. Sững sờ, ông thày người Chàm dừng múa, giơ tay bấm độn một quẻ – Sắc mặt ông chợt tái đi, mồ hôi đổ ra lã chã trên khuôn mặt dày dạn gió sương. Nếu tinh ý, người ta thấy tay cầm mã tấu của ông hơi rung rung. Những người bên ngoài lúc này vì sự cuồng nhiệt đã lên đến cao độ nên không mấy người chú ý đến những cử chỉ khác lạ đó. Tiếng hô đồng thanh bên ngoài như những đợt sóng dậy: Trảm đi – Trảm đi – Trảm đi …. Hơi khác với mọi lần, ông thày Chàm đi về phía bàn thờ Tổ dựng gần đó thắp ba nén nhang. Trong ánh mắt của ông lúc này có cái gì ươn ướt như muốn khóc. Đám người bên ngoài vô tình vẫn gào la vang dậy: Trảm đi – Trảm đi – Trảm đi … Không thể đừng khi cưỡi lên lưng cọp, ông thày Chàm cầm mã tấu tiến lên đứng cạnh cậu con trai duy nhất. Trông lúc này, người ta có cảm tưởng như ông tiều tụy hẳn đi, mái tóc như bạc thêm, lưng như còng xuống hẳn . Tuy vậy, những cử chỉ đó diễn ra rất nhanh, hầu như không ai nhận thấy. Đường mã tấu ông bắt đầu thi triển những vòng sánh sáng xung quanh cậu con trai. Xuyên qua ánh mã tấu đang phát ra, bỗng ánh mắt của ông chợt như xoáy vào mặt của một người mặc đồ đen đang đứng gần sát vòng dây. Hai ánh mắt giao nhau sâu thẳm và hình như có tiếng sấm và những tia lửa căm hờn dội vào nhau tung toe từ hai ánh mắt đó Ông thay Chàm Tây Ninh chợt hiểu ra điều mình vẫn cánh cánh trong lòng từ lúc nãy. Vậy là kẻ tử thù của hai cha con ông đã có mặt nơi đây. Than ôi, ông Trời sao không gây nên cảnh oái ăm, cùng cực thế này. Hai kẻ tử thù gặp nhau ngõ cụt …. Nên – Không nên – Nên – Không nên ?????? Kẻ đó chính là ông thày Chà Và người Ấn – Kẻ thù không đội trời chung của ông đã đứng đó, ánh mắt lạnh lẽo như khoan tới tận tâm can, trí óc của ông thày Chàm. Rất nhanh, ánh mắt của ông thầy Chàm Tây Ninh như sắc lại, ta có thể nhìn thấy trong đó cả một biển trời ai oán, căm hờn. Đường mã tấu mỗi lúc một nhanh, tiếng chém vào không khí nghe sần sật , vi vu, một tiếng “Tả” vang lên và đường mã tấu nhằm cổ cậu con trai chém thẳng xuống . Phía bên kia, thày Chà Và cũng nhanh tay bắt quyết, mắt nhắm nghiền, miệng phun ra từng chuỗi tiếng chú Pa Li như đổ nước. Soạt …. ánh mã tấu lướt qua cổ cậu con trai ngọt sớt, cái thủ cấp lăn lông lốc ra xa, máu từ cái cần cổ lại phun ra có vòi. Trong đám đông xung quanh đó, tiếng rú ngây dại cất lên, nhiều người ngã lăn ra đất ngất lim.
Vẫn như thường lệ, ông thày Chàm đi về phía bàn thờ Tổ thắp ba nén nhang, sau khi lầm rầm khấn vải với vẻ hết sức thành kính, ông khoán nhiều vòng, nhiều ngoặc không gian . Sau đó, hướng về cái đầu lâu đang lăn lóc dưới đất, ông chỉ thẳng ba cây nhang về phía đó hô: MAU. Một làn khói xanh như thường lệ bắt đầu hiện ra từ cái xác không đầu, lan dần, lan dần ra và phủ lên cái đầu lâu lúc này như đang muốn cựa quậy. Phía bên ngoài, ông thày Chà Và mặt biến sắc, vội tay bắt quyết, miệng lảm nhảm. Những người kế bên chỉ nghe thấy nho nhỏ: “Thần phụng thỉnh MAHAROGA …” . Ngay lập tức, thấp thoáng trong làn khói xanh có hai con rắn vàng cực to, trên đầu có mào đỏ, nhào lộn như muốn vật nhau với cái đầu lâu . Thày Chàm phóng như bay về nơi chiếc xe Tà rẹc chở thuốc, rút đánh roạt ra một đôi kiếm cổ, ngắn chừng 5o cm. Tay cần song kiếm, miệng đọc chú khẩn trương, ông phóng mình về phía đôi rắn Thần đang nhào lộn xung quanh cái đầu lâu. Muộn rồi mất, phía bên kia ông thày Chà Và phất tấm khăn Ấn Tổ màu đỏ một cái, đôi rắn lập tức biến mất, một làn gió thổi thốc lại, mang theo mùi tanh hôi khủng khiếp. Mọi người xung quanh thấy vậy đua nhau mà chạy. Khi khói tan, chẳng ai nhìn thấy ông thày Chà Và đâu nữa. Trên bãi đất trống, ông thày Chàm Tây Ninh đang phải bám lấy vành bánh xe Tà rec thở rốc , miệng ông trào máu tươi, hai thanh kiếm cổ lăn lóc trên mặt đất. Phía bên kia, cái xác không đầu đổ gục xuống, nằm vắt ngang qua thành ghế thâm đen. Ngước mắt về nơi cái đầu lâu nằm lúc trước, bất chợt ông thay Chàm Tây Ninh chợt gục xuống ….. CÁI ĐẦU LẦU ĐÃ biển mất …..
Ngay chiều tối hôm đó, nghe tin dữ, Thầy Bảy vốn là một người bạn cũ thân thiết của ông thày Chàm Tây Ninh vội vã cùng bà Bẩy và một vài Đệ tử thân tín đóng một cỗ xe ngựa, tốc hành xuống cửa số 2 chợ Long Hòa. Sau khi mua hòm đặt cái xác không đầu của con trai thày Chàm vào đó, đưa thày Chàm lên xe để ông Bẩy trị thương, thu dọn đống đồ nghề tan hoang vương vãi khắp nơi, tất cả cùng về nhà ông thày Bẩy . Đám tang con trai ông thày Chàm Tây Ninh diễn ra rất lặng lẽ, nhưng sự thù hận đã bốc cao ngùn ngụt trong đám chúng sinh. Ông thày Chàm vẫn bó gối ngồi trên bộ ngựa, riêng thày Bảy, ánh mắt sắc lạnh đứng trước bàn thờ Tổ nhìn xuống với đám đệ tử đang quỳ trước cái hòm đựng xác không đầu. Rất lâu sau ông Bảy mới thấy khẽ khang nói với đám đệ tử: _ Thầy Chàm Tây Ninh vốn là bạn của ta từ 30 năm trước. Ngày xưa ta và bà Bảy cùng với thày Chàm vốn là huynh đệ đồng môn học tại Tà Lơn bên Cam Pu Chia. Ba chúng ta tuy chung một Thày, nhưng học ba môn khác nhau. Bà Bảy chuyên học về các môn sát phạt, thư, ếm. Thầy Chàm chuyên học về bốc thuốc, côn quyền. Còn riêng ta, ta chỉ học cách mở Thư, mở Ngãi, mở ếm và các môn khác hữu sự trong cuộc đời. Thầy ta đã gả bà Bảy cho ta, mặc dù gia thế nhà ta so với nhà bà Bảy còn kém xa. Bà Bảy, chịu theo lời Thầy mà theo ta đến ngày hôm nay. Còn riêng thày Chàm Tây Ninh, sau khi Thầy ta cho hạ sơn, đã đi khắp nơi hành Bồ Tát Đạo, cứu đời. Trong những chuyến đi Ta bà của mình, vì hành hiệp cứu người lương thiện, gây thù chước oán với Ma giới nên ông cũng không thiếu kẻ thù. Ông Thầy Chà Và kia là một trong những kẻ tử thù của ông thày Chàm. Ngày xưa, vì cứu một phụ nữ con một Điền chủ giầu có ở tỉnh Sóc Trăng mà gây nên họa ngày nay. Chuyện là như thế này: Ngày đó, khắp cả tỉnh Sóc Trăng từ Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Long Phú, Vĩnh Châu, Cù Lao Dung đến tận Ngã Năm cả người Việt, Khme, Hoa đều phải kinh sợ một ông thay Bùa người Ấn Độ. Không biết dòng họ ông này từ Ấn sang Việt Nam từ bao giờ, nhưng khi đến Sóc Trăng, ông ta đã là một tay gian ác khét tiếng thâm độc về các môn Thư – Phù – Chú – ếm. Đặc biệt ông ta rất thành thạo các môn luyện Thiên Linh Cái. Nói về các loại Thiên Linh, các con cũng đã từng nghe bà Bảy chỉ rồi đó. Thiên linh Thai nhi, Thiên linh sọ người và các loại động vật như trâu bò, ngựa, hổ, báo, mèo … Thiên Linh bằng những loại động vật sống như rắn, bò cạp .. Thiên linh bằng cây như chuối hột. Trong các loại Thiên linh đó thì thiên linh Cái, tức là Thiên linh Thai nhi là man rợ nhất, vì khi luyện phải hy sinh cả tính mạng của con lẫn mẹ. Thời gian đầu về Sóc Trăng, ông thày Chà Và mở một quán cà ri dê ngay bên bờ sông Hậu. Vì món ăn của ông ta đặc biệt và rất ngon nên chẳng mấy chốc đã nổi tiếng và đông nhất vùng. Dần dần ông ta phát lên giầu có và trở thành một đại gia khuynh đảo cả một vùng. Ông ta đã lấy đến 5 bà vợ, nhưng lạ thay, chỉ được trên dưới một năm là các bà đều phải chết bất đắc kỳ tử. Dân trong vùng đồn đại là ông ta có số sát vợ. Các bà, các cô vì thấy ông ta nhà giầu, lại to lớn, khỏe mạnh, ăn nói có duyên nên cứ lao vào như thiêu thân, bất chấp Thần chết rình dập. Tại cái cồn nhỏ phủ đầy dừa nước và cỏ cây hoang dại 5 ngôi mộ xếp thành một hàng thẳng của 5 bà vợ ông ta, cũng không làm các bà, các cô chùn bước. Có một ngày, ông thay Chàm Tây Ninh bán thuốc đi qua vùng đó. Ngồi nhậu ở quán Cà ri dê, nghe chuyện dân trong vùng đồn đãi về ông thày Chà Và thì nghi hoặc lắm. Sau đó ông thày Chàm mới âm thầm điều tra và phát hiện ra một sự thực khủng khiếp. Hóa ra là ông thày Chà Và cưới vợ về không phải với mục đích ái ân hay giúp việc, mà là ông cưới về để luyện Thiên Linh Cái. Tất cả 5 bà vợ đều được ông ta cưới về, sau khi ăn ở một thời gian thì có thai. Đêm nằm, ông ta giả bộ tình tứ, tay vừa xoa xoa cái bầu, vừa ngọt ngào hỏi người vợ: – Em cho ta đứa con này nhé. Bà vợ thật vô tình và nghĩ đơn giản nên trả lời: – Con của em anh cũng là của con, em cho anh đó. Trong bóng tối, hắn nở nụ cười mãn nguyện và ánh mắt chợt sắc lạnh đến rợn người. Sau khi tính đủ 100 ngày cho cái thai, lão thày Chà Và lập tức bắt bà vợ tắm rửa thật sạch sẽ, rồi bất ngờ, trong đêm tối hạ thủ giết chết người vợ. Hắn mổ bụng những người vợ đó ra, lấy cái thai nhi và bắt đầu hành trình tội lỗi của mình: Luyện THIÊN LINH CÁI.
Sau khi lấy thai nhi khoảng 100 ngày tuổi ra khỏi bụng mẹ, Chà thày lão dùng một số loại rễ cây rừng theo một công thức bí truyền, sao tẩm và đặt trong một cái keo thủy tinh trong suốt. Lão thiết lập Linh sàng tại ngay khu cồn có chôn xác mấy người đó. Một cái lán nhỏ bằng gỗ được dựng lên ngay gần mấy nấm mộ . Cái lán tuy nhỏ nhưng vững chắc và luôn cửa đóng then cài. Vì là nằm chơ vơ trên một cái cồn nhỏ trên sông Hậu, nên ở khu vực này hầu như không có bóng dáng người nào đi qua, mặt khác do xung quanh mọc đầy dừa nước và cây cỏ ngút ngàn nên cái lán nhỏ của lão chẳng ai phát hiện ra cả. Linh sàng được kê trên một cái bàn gỗ cỡ ngang bụng người. Trên đó Lão bày Sắc Tổ của môn phái, một cặp Thất tinh kiếm làm từ thân cây dâu hàng trăm tuổi. Một ngọn đèn dầu đậu phộng được thắp suốt ngày đêm. Ngoài ra còn một số những đồ vật có hình thù kỳ dị chắc là đồ của môn phái Lão. Đặt đằng trước bát nhang là cái keo thủy tinh, trong có chứa cái thai nhi đã tẩm thuốc kỹ lưỡng. Bông, nhang, trái cây, và hàng xấp tiền giấy , Phù vàng, trắng, đỏ, những thứ đồ chơi của trẻ con, quần áo trẻ con được bày la liệt trên Linh sàng. Cứ hàng ngày vào giờ Tý và giờ Dậu là Lão lại lẳng lặng bơi một chiếc xuồng ba giạ sang cồn đó để luyện. Trên những ngôi mộ của mẹ các thai nhi, lão trồng rất nhiều những cây cúc Vạn thọ màu bông vàng rực. Mùa này là mùa khô nên Lão không phải sợ tới việc có sấm sét trong khi luyện. Đây là điều tối kỵ khi luyện Thiên Linh Cái – Bởi có thể bị sét đánh bất tử. Việc luyện Thiên Linh Cái này cũng đòi hỏi phải ngay bên cạnh dòng chảy nước, chính vì vậy Lão chọn địa điểm trên cồn đất giữa sông Hậu Lão rất đắc ý. Một việc nữa Lão cũng rất là thích là cây cối mọc um tùm, lâu lắm không có dấu chân người lui tới nên Âm Khí khu vực này rất mạnh , hầu như không có bóng nắng dọi tới mái lán của Lão. Tới giờ luyện, Lão thắp nhang trên bàn thờ và dùng những câu chú cổ lạ tai, âm điệu nghe rất âm u, ai oán, thống thiết như lúc bi thương , lúc lại ngọt ngào như phủ dụ trẻ con. Lão kêu gọi Linh Nhi bé nhỏ đang nằm trong keo thủy tinh hỗ trợ Lão, hứa hẹn với Linh Nhi đủ điều. Sau khi luyện, Lão lại ra mộ những người vợ thắp nhang và cũng khấn hứa đủ điều. Mặt khác Lão cũng dày công chăm sóc những cây bông Vạn Thọ trên những ngôi mộ cho xanh tốt. Những cây Vạn Thọ này rất quan trọng vì nó sẽ cho Lão biết mức độ thành công của việc luyện tới đâu. Thời gian cứ chầm chậm trôi qua. Lão cứ đều đều luyện tập, thường xuyên thay đồ lễ, thường xuyên đọc Chú phủ dụ, mua chưộc Linh Nhi. Lúc này là lúc cực kỳ nguy hiểm cho sinh mạng Lão vì thực ra nó đã được gắn liền với Yêu Pháp mà Lão đang tu luyện. Tới gần cuối tháng thứ 3 thì có rất nhiều hiện tượng xảy ra kỳ lạ. Trong khi Lão đọc Chú thì trong không gian có những tiếng động lạ tai bắt đầu vang lên, lúc thì như tiếng trẻ con khóc, lúc thì là những tiếng cười ma quái, lúc thì tự nhiên trong keo thủy tinh có tiếng kêu như người đi guốc. Càng ngày càng nhiều chuyện dị thường xảy ra. Nhiều tiếng cười âm u ma quái, những tiếng thở dài não ruột, những lời ma hờn quỷ trách từ xa xăm vang vọng đến trong đầu người luyện rất rõ , từng chữ từng tiếng vọng vào bên tai, ngay cả ở những lúc bên ngoài Tịnh thất. Và đôi mắt của kẻ tu luyện Tà pháp luôn luôn đỏ rực như ánh than hồng, vì phải vận dụng nội lực khống chế bản thân không được kinh sợ, nếu không thì sẽ bị cái bào thai oan nghiet đó nhiếp hồn mình ngược trở lại nên điên loạn vạn kiếp bất phục, vĩnh viễn bất siêu sinh. Từng ngày từng ngày chậm chạp trôi qua, mỗi giờ đều là sự cố gắng phi thường của người luyện, lúc qua khỏi tháng thứ 3 là giai đoạn quyết định thành bại. Thiên Linh thai nhi qua quá trình hun đúc, phù trợ của cha nó qua các bài chú bí mật và đã thọ đủ khí âm dương nên không còn sợ ánh sáng nữa. Nó đã tự mở nắp keo và ngồi chễm chệ trên miệng keo đôi khi phát tiếng cười sằng sặc nhảy xuống chạy cà từng cà tưng , hay hóa ra mặt Quỉ như cái mâm biếc xanh như ánh ma chơi đung đưa ngay mặt người luyện mà nhát, kẻ luyện có thể nhắm mắt hay mở mắt lúc tu luyện, chú niệm, chỉ cần sức định tâm cho vững và đúng phương pháp bí truyền là Thiên Linh thai nhi nó không làm gì được mình. Tuy Lão có tiếng là gan lỳ, nhưng nhiều lúc Thiên Linh làm quá , như trêu Lão, thả cái cặp chân xuống trước mặt Lão, sau đó từng bộ phận thân như , tay, đầu mới dần dần hiện ra; Lão phải dùng đến cặp Thất Tinh kiếm gỗ dâu ra trợ lực, mới có thể áp đảo được con Thiên Linh. Lão cũng biết, nếu dùng cặp Thất Tinh kiếm hay dùng Phù, Ngải nhiều quá, con Thiên Linh kia sẽ lớn mà không sợ Lão nên Lão cũng hết sức hạn chế. Lúc này Lão chỉ cố tâm đọc Chú cho thật nhiều, giữ tâm bất định là cầm chắc thắng rồi . Nếu lão quá lạm dụng những phương tiện như Bùa, Ngải hay Kiếm Thất tinh, thì sau này, nếu gặp đối thủ mạnh hay biết chiều chuộng hơn, con Thiên Linh sẽ phản chủ, quay lại giết chết Lão ngay lập tức. Thời gian cứ chầm chậm trôi đi, khi đủ 100 ngày là việc luyện Thiên Linh đã hoàn tất. Lúc này Thiên Linh giống như một cậu bé ngoan, quỳ xuống dưới chân cha nó mà tuân theo mệnh lệnh. Lão làm đại lễ đặt tên cho Thiên Linh, bắt nó phải tuyên thê với Thầy Tổ và chính lão là phải tuyệt đối trung thành. Lúc này cái thai nhi đã heo quắt chỉ còn một miếng bé bằng bao diêm quẹt. Lão liền thâu lấy, bỏ vào túi vải đeo ở cổ. Ngay lập tức, Lão nổi lửa đốt cả Linh sàng và cái lán , làm cho Thiên Linh không còn chỗ về trú ngụ nữa. Từ đây trên mọi nẻo đường , người và Quỷ đã hợp nhất. Sau đó người luyện mới ra mộ của người vợ xấu số cúng tế, khăn vải vv …… và ngắt các hoa Vạn Thọ đã trồng trước đó đem ra bờ sông Hậu gần đó vừa niệm thần chú vừa rải tất cả xuống dưới, nếu tất cả bông hoa ấy đều trôi xuôi nước và chìm xuống thì coi như vong hồn kẻ khuất đã chuyển hoá, đầu thai ở một nơi nào khác rồi. Còn như nếu có cái bông nào mà trôi ngược dòng nước đó là vong hồn người vợ hãy còn quyến luyến thai nhi, kẻ luyện phải lập tức làm đàn chiêu hồn người khuất mặt đem về nhà mà thờ phụng nhang khói đều đặn, người luyện Thiên Linh không bao giờ có vợ ăn đời ở kiếp được bởi khi lấy vợ thì lập tức sẽ bị Thiên Linh nó bẻ cổ hay vật hộc máu chết ngay. Có lẽ là ghen dùm mẹ nó cũng nên. Khi ông thầy nào mà có Thiên Linh rồi thì nổi tiếng lắm, chuyện gì nó cũng nhất nhất bẩm báo , cho biết trước thành hay bại, lợi hay hại vv …. . Người ta thường thấy Lão nằm trên võng đu đưa mà miệng lẩm bấm, thì thầm như đang nói chuyện một mình, đó là Lão đang trò chuyện cùng Thiên Linh cái vậy. Biết được điều đó nhưng ông Thầy Chàm Tây Ninh vẫn kiên nhẫn chờ đợi để có đủ chứng cứ đưa Lão ra pháp luật. Nói không chứng cứ , bây giờ ai mà thèm tin Lão. Cũng không phải chờ lâu, trong vùng lại xộn xao vì việc Lão thày Chà Và đã đánh tiếng xin cưới cô con gái của một điền chủ giầu có trong vùng. Cô này mới có 18 tuổi, tóc dài, da trắng, mình dây, luôn mặc bộ đồ bà ba màu sáng. Cô đang là mối quan tâm và là nguyên nhân nhiều đêm mất ngủ của trai tráng, chức sắc trong vùng. Khi biết tin Lão thày Chà chính thức cầu hôn, nhà cô gái vô cùng lo sợ và trai tráng trong vùng phần rất nộ. Nhiều lần họ tính tổ chức đốt nhà của lão hay tính kế giết hắn đi. Tuy nhiên, tất cả những cái tính toán đó đều thất bại thảm hại. Những người định đi đốt nhà thế nào mà bị lạc lối ngay tại xứ của mình, nhiều người còn bị dẫn tít vào giữa bụi tre gai mà không biết đường ra tới sáng, có người tìm mới trở về được. Những người tính hại Lão thì tự nhiên cứ bị tai nạn liên tiếp, chỉ lo đối phó, sức đâu mà còn tính nổi chuyện hại Lão được. Cả một vùng, không khí như bị trầm lặng hẳn xuống, người ta còn e ngại cả ra đường khi trời tối khi mà trong khu vực có đến 3 người bị rắn Chàm quạp lửa cắn chết tươi ngay trên đường lộ. Trong tình hình đó ông thày Chàm Tây Ninh quyết tâm theo dõi nhất cử nhất động của Lão và âm thầm ra tay. Một cái lưới bịt bùng, Thiên la, Địa võng đã được giăng ra chờ đón con Quỷ khát máu sa bẫy.
Tuy bên nhà gái cố gắng hết sức tìm kế hoàn binh, nhằm trì hoãn và giảm uy lực các pháp thuật của thày Chà Và , cuối cùng cũng phải đến ngày đám cưới. Cô Lan, con gái của vị điền chủ nọ, không có cách nào khác ngoài những dòng nước mắt đã khô cạn, cũng đành phải nhắm mắt đưa chân. Từ sáng sớm, hàng trăm chiếc bàn tròn được kê la liệt từ trong nhà ra tới mấy cái rạp vải ngoài sân, kê tuột ra tận cây vú sữa ngoài vườn, Sabôchê, Xoài mát rượu. Vì cả hai nhà đều giầu có và có thế lực, mặt khác cũng là lần cuối tiễn con gái đi về nhà chồng, chưa biết sống chết ra sao, nên ông điền chủ cố làm thật rình rang, cho mát mặt đứa con gái cưng . Một dàn nhạc sống được đưa từ tỉnh về làm náo loạn cả một vùng quê yên tĩnh bởi tiếng đàn, tiếng trống, tiếng ca. Hàng chục con bò, heo và hàng mấy trăm con gà, vịt được hóa kiếp trong đợt này. Một cái cổng chào bằng lá dừa nước, kết hoa lá rất đẹp, có trên bảng Vu quy , có hai con chim câu đang châu mỏ vào nhau. Ngoài bờ sông, ba cái tàu đò thật lớn, được chăng đèn kết hoa lộng lẫy. Hai nhà cách nhau có hơn 1 Km, nhưng để phô trương thanh thế nên lão Chà vẫn thuê tới ba chiếc tàu đò , rước cô dâu đi lòng vòng khắp vùng . Người ta đến tụ tập, ăn nhậu, cười nói âm vang. Khắp nơi, những chiếc chiếu được dải ra đất cho mọi người ăn xong rồi thì tiếp tục sát phạt đỏ đen. Lệ quê là như vậy, đám cưới nào cũng phải có cờ bạc đi liền họ mới chịu. Nhiều nhà, nghèo rớt mùng tơi, nhưng nếu trong xóm có đám là vẫn phải chạy đôn chạy đáo mấy chục để tàn cuộc nhậu là đánh bạc. Người ta nhậu suốt từ sáng sớm cho đến tối khuya. Lớp nọ vào thay thế lớp kia. Bàn tiệc này tàn, người ta lại tranh thủ dọn đi để lấy chỗ bày bàn mới . Rượu trắng như nước chảy ra sông Hậu. Người ta uống, ca, nói và vạ vật kiếm chỗ nằm, có khi ngay bên cạnh chuồng heo vẫn cứ gáy khòkKhò. Lão Chà và đợt này chứng tỏ một sức mạnh về rượu thượng thừa. Dắt vợ đi chào từng bàn, mỗi bàn lão uống một ly xây chừng chúc mừng, vậy mà mấy chục ly rượu trong người Lão như hóa thành nước. Đúng giờ, Lão hô tất cả mọi người lên tàu để rước dâu. Trên tàu, các món ăn cũng bày la liệt. Mọi người ăn, uống, ca hát, nói cười và hình như quên biến đi cái tai họa đang rình đầu trên . Ngồi ở chiếc bàn gần cuối tàu, trong một góc khuất, ông thày Chàm Tây Ninh, vẫn trầm tư uống rượu, đốt thuốc. Hầu như mọi cái náo nhiệt của đám cưới chẳng ảnh hưởng gì đến ông cả.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận