Home Truyện Ma Hay Đại Nam Dị Truyện Hệ Liệt – Quyển 2: Dị Loạn Truyện

Đại Nam Dị Truyện Hệ Liệt – Quyển 2: Dị Loạn Truyện

Hồi thứ nhất: DỊ CẦU
******************************************************************************************

Thời nhà Lý, nước ta quốc hiệu là Đại Cồ Việt, sau đến đời vua Lý Thánh Tông thì đổi tên là Đại Việt. Từ thời thái tổ Lý Công Uẩn, Đại Việt vốn là một vương quốc hùng mạnh, sau suốt trăm năm đánh dẹp đã ổn định biên cương, giữ được phong độ của một nước cường. Ngoại bang khi ấy về phía nam nước Chiêm Thành phải nể sợ, phía tây nam nước Chân Lạp phải kiêng dè, về phía bắc Ai Lao phải thuần phục.
Phương bắc vốn là mối lo ngàn đời của các vương triều Đại Việt, khi ấy cũng rơi vào thế suy. Bởi vì nước Đại Lý phía tây bắc thì ngày càng yếu ớt, không phải là mối đe dọa, Ngay đến Tống triều hùng cứ Trung Nguyên cũng bị Lý Thường Kiệt đánh các châu Khâm, Liêm, Ung, hạ thành Khâm Châu, Ung Châu khiến cho Nam Tống một phen tái mặt hoảng hồn. Là vì bấy giờ họ bị người Kim uy hiếp ở phương Bắc, lại thấy phương Nam Đại Việt dũng mãnh oai hùng. Bởi vậy nên Nam Tống trong suốt trăm năm lo giữ mối giao hảo với người Việt. Đến những năm dưới thời vua Lê Anh Tông thì lãnh thổ người Tống bị thu hẹp lại chỉ còn mười lăm lộ phía Nam sông Dương Tử (?).
Có điều, theo sử sách ghi lại, Lý triều Hưng thịnh dưới thời ba vị vua đầu là Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Nhân Tông. Đến thời kỳ Lý Thần Tông, Đại Việt không còn hùng mạnh như xưa nữa. Khi Lý Anh Tông lên nắm đế quyền, ngài mới lên bốn, việc trong triều phần nhiều nhờ vào Đỗ Anh Vũ. Cứ xét việc người đời trước như Hán Thiếu Đế với Đổng Trác, đời sau như Lý Chiêu Hoàng với Trần Thủ Độ cũng đủ biết, thời kỳ ấu chúa công thần tự cổ chí kim, bao giờ cũng lắm mầm họa.
Bấy giờ ở Làng Việp, huyện Phú Bình, phủ Phú Lương[1] có người tên cúng cơm là Nguyễn Tạm, dân trong làng thường gọi là ông Tạm Mộc bởi ông làm nghề thợ mộc.
Vốn dĩ, ông Tạm Mộc không phải tay lão luyện trong nghề. Khi xưa còn bé ông đi ở cho nhà người chủ có xưởng mộc trên phủ. Người chủ ấy thấy thằng bé chăm chỉ cần cù bèn sinh lòng thương mến, cho phụ nghề mộc để có cái nghề sau này nuôi lấy thân. Người chủ vốn cũng không phải tay giỏi giang, cho nên không phải danh sư làm sao xuất được cao đồ ? Ông Tạm Mộc cũng chỉ có thể đóng những thứ đơn giản. Những chạm trổ cầu kỳ, rồi khảm trai nạm ốc, hiển nhiên ông Tạm Mộc không thể làm được. Ông Tạm Mộc học nghệ được hai năm thì ông chủ xưởng ấy thua bạc đến mất cửa nhà, ông Tạm Mộc sắm lấy ít đồ nghề quay về làng, vừa làm ruộng vừa làm mộc kiếm cơm.
Ông Tạm Mộc đi cấy thuê được vài năm thì chán nghề cày cấy, chuyển hẳn sang làm mộc. Nghề ông vốn không tinh, có điều đất Phú Lương vốn là vùng cách xa Kinh Thành, nơi ấy dân tình còn khốn khó, việc chế tác các vật dụng trong gia đình không cần cầu kỳ xa hoa, chỉ cần tiện dụng dễ dùng. Ông Tạm Mộc thường được bà con trong làng nhờ đóng giúp các thứ vật dụng từ bàn, ghế, sập, gụ, đến cả rường kèo vì cột khi cất nhà. Tính ông Tạm Mộc vui vẻ xuề xòa, ai kỳ kèo bớt một vài đồng ông đều thuận ý ngay. Như thế chẳng những không làm ông nghèo đi, mà dân tình nơi ấy cũng thuần hậu chất phác, dù có mặc cả như thế, nhưng thấy người thợ mộc hiền lành tốt tính, cũng chẳng ai nỡ để ông thiệt thòi, khi xong việc lại mang chút quà cáp dân dã sang tạ ơn. Nhờ thế nên xét ra ông cũng chẳng thiệt thòi gì, lại giữ được cái tình với bà con làng xóm, việc nọ đẻ việc kia, ông Tạm Mộc cũng không mấy khi thiếu việc làm.
Vợ ông Tạm Mộc, dân làng thường gọi là Tạm thị theo tên chồng, vốn là người đàn bà có nhan sắc tầm thường, lại đanh đá, hay ghen nhưng tốt tâm lại khỏe mạnh chăm chỉ. Ngày ngày thị ra chợ làng buôn bán lặt vặt, có khi lại làm thuê cho người ta, phụ giúp chồng nuôi năm đứa con nhỏ.
Tháng chạp năm kỷ mùi, tức năm Thiệu Hưng thứ hai[2]. Tết nhất sắp tới, ông Tạm Mộc bận tối ngày bởi nhiều nhà dành dụm được chút ít tiền, đều muốn sắm đồ đạc mới trong nhà, hoặc là sửa lại những thứ đã hỏng. Cái lán nhỏ vừa là xưởng mộc, vừa là nơi chứa đồ mé tả nhà ông Tạm chất đầy bàn ghế giường tủ nhà thiên hạ, cái mới cái cũ ngổn ngang. Ông Tạm Mộc cả nể, hứa với người ta làm nhiều quá, đêm nào cũng phải thức làm.
Mà những ấy ông làm đêm cũng tiện, bởi Tạm thị mấy hôm nay không ra chợ làng nữa mà cơm nắm muối vừng theo vợ chồng người anh trai mang bánh chưng ra tận huyện bày ra đường mà bán, chợ tết từ đầu tháng chạp đã nhộn nhịp lắm, ngày nào cũng mở chứ không phải đợi đến rằm đến tháng. Đường từ làng ra đến huyện mất đến mấy ngày cả đi cả về, Thị Tạm đi mấy chuyến thấy có lời gấp mấy lần buôn bán cò con ở làng. Thị mừng lắm, bỏ tiền mua mấy yến nếp trắng thượng hạng, lại thêm đậu xanh, thịt lợn, lá dong, củi lửa… bắc một cái nồi lớn cạnh lán mộc của ông Tạm, sai năm đứa con ngày đêm canh chừng. Ông Tạm Mộc nhờ ánh lửa leo lét, chỉ cần thắp thêm ngọn đèn dầu lạc để gần bên mà làm cho đến khi mệt quá thì lăn ra ngủ.
Mỗi khi Thị Tạm về lấy thêm bánh mang bán thường ở nhà một đêm, cả gia đình quây quần bên bếp lửa hồng, tiếng bào tiếng đục, tiếng củi lép bép cháy, tiếng cười nói, kể chuyện, cả tiếng la khóc của bọn trẻ làm không khí gia đình thật đầm ấm hạnh phúc.
Đến ngày hăm ba tết, ông Tạm Mộc mới làm hết hai phần ba số việc đã nhận. Thế mà vẫn còn có người đến nhờ, là vì nhiều nhà đến gần cuối năm mới nhận được tiền đi làm thuê ở đợ cho người ta. Tâm tình muốn có một nơi ở khang trang, đầm ấm, có thêm cái bàn cái ghế mới để chờ mong một năm an lành thì ai mà không có? Ông Tạm Mộc sợ thất hẹn với người ta nên không muốn nhận thêm nữa. Nhiều người biết tính ông thật thà chịu khó, cứ nói khó vài câu là ông lại nể nang mà nhận làm. Lại thêm những người tới đặt muộn thường là những người nghèo khó, có khi vác tới cả cái giường mà chân cẳng mục ruỗng, chỉ e đêm giao thừa vợ chồng đang ngủ thì sập, lại dông cả năm. Những người nghèo như thế, không làm giúp cho thì ông Tạm Mộc áy náy lắm.
Đến tối, ông Tạm Mộc đang bào lại cái bàn cũ nhà hàng xóm, vừa làm ông vừa lo lắng không xong được trước tết. Ông tự nhủ nhất quyết không thể cả nể thêm nữa. Trời khi đó mưa rả rích suốt cả canh giờ. Khuya lắm rồi, chỉ còn con Mẹo là đứa con cả của ông ngồi co ro canh lửa, mấy đứa nhỏ đã đi ngủ hết. Thấy con Mẹo cũng gà gật ngủ, ông Tạm Mộc thương con, nói nhỏ :
– Vào ngủ đi, thầy trông cho.
Con Mẹo cả mừng, vâng một tiếng rồi lẹt xẹt bước chân vào nhà.
Ông Tạm Mộc làm một mình ngoài sân hồi lâu, bất chợt một cơn gió mạnh thổi thốc tới mang theo hơi lạnh thấu xương. Cơn gió ấy làm cả cái bếp lửa đang cháy leo lét và ngọn đèn dầu đặt cạnh ông Tạm Mộc tắt lịm. Trong chốc lát, bóng đêm bao trùm lấy không gian. Ông Tạm Mộc rút trong túi bùi nhùi thổi mạnh.
Ngọn đèn dầu vừa được thắp lên, ông Tạm Mộc giật mình nhận ra cách mình chưa đến một thước, một ánh mắt kỳ dị đang trân trân nhìn ông không chớp. Đôi mắt ấy mỏng như một sợi chỉ, dường như đờ đẫn vô hồn, nó nửa như nhìn ông, lại nửa như nhìn một vật gì đó ở cách xa lắm. Một tấm áo đen trùm lấy thân hình người ấy, chỉ để lộ ra đôi mắt và nước da trắng bợt bạt của hắn. Ông nhìn con người ấy, áng chừng cao thân hình hắn không có chút cử động nào. Ngay cả trong cơn gió mạnh, dường như vạt áo hắn cũng không hề phấp phới, tưởng như đó là một pho tượng.
Từ trong nhà, con chó Mực nhà ông phóng vọt tới người lạ mặt sủa rối rít. Hắn dường như không để ý tới con Mực, vẫn chăm chú nhìn ông Tạm Mộc.
Đột nhiên, người đó lên tiếng :
– Xin ông bỏ lỗi cho, tôi vào mà không gọi cổng. Ông là thợ mộc làng này ?
Hắn nói giọng bình thản, câu nói chậm đến mức gần như là rời rạc từng từ. Ông Tạm Mộc thoáng thấy sống lưng mình lạnh toát.
Ông đáp, giọng hơi run run :
Vâng.
Người đó nói :
– Ông đóng được quan tài chứ ?
Ông Mộc vốn mơ hồ thấy sự ma quái trong con người này, đêm hôm khuya khoắt lại nghe hắn nhắc tới hai từ « quan tài », ông sợ quá, nhất thời chưa thể mở miệng ngay. Người kia cũng không đợi ông trả lời, hắn lạnh nhạt đưa cho ông một mảnh giấy.
Ông Tạm Mộc dồn hết can đảm, run run đưa tay nhận lấy, Ông nói:
– Thưa, tôi không biết đọc, tôi nhận nhiều việc quá rồi, không nhận thêm được nữa.
Người đối diện ông mặt vẫn không tỏ chút cảm giác, nhìn ông một hồi rồi nói:
– Gỗ Ngọc Am, dài một ngũ[3], rộng một ngũ, cao hai xích[4], dày một tấc[5]. Dưới ba năm phải sập ván. Ba hôm nữa tôi tới lấy. Ông cần bao nhiêu cứ nói.
Ông Tạm Mộc giật mình. Ông vốn đã nhiều lần đóng quan tài cho những đám hiếu trong làng, nhưng chưa bao giờ ông thấy có người yêu cầu mình đóng một cái quan tài hình dạng như thế. Thông thường quan tài có chiều rộng chỉ hai xích, đến hai xích rưỡi đã là loại quá to rồi, đằng này hắn muốn đóng quan tài có chiều rộng đến một ngũ. Điều này quả là dị thường, như thế quan tài ấy rộng như một cái phản. Người chết nằm trong quan tài ấy, chẳng phải là quá rộng rãi ư?
Lại thêm, hắn đòi quan ấy phải làm bằng loại gỗ Ngọc Am tuyệt phẩm, có thể tự phát hương thơm, khiến cho mộ phần người được táng luôn phảng phất mùi gỗ. Thứ gỗ ấy ông Tạm Mộc mới chỉ được nghe nói, chứ chưa thấy bao giờ. Chẳng những thế, một tay thợ như ông làm sao có thể vừa đóng quan vừa tính được thời gian sập ván.
Ông Tạm Mộc run lẩy bẩy đáp:
– Chỗ tôi không có gỗ Ngọc Am, cũng không thể tính được thời gian sập ván như ông nói. Tôi chỉ là anh thợ mộc đi sửa bàn đóng ghế thôi, mong ông thương cho.
Ông Tạm Mộc nói rồi hướng về phía người kia vái lia lịa. Con Mực đã ngừng sủa, không gian yên ắng khiến ông Tạm Mộc càng cảm thấy hãi hùng hơn.
Người kia không thèm chú ý tới dáng vẻ sợ hãi của ông Tạm Mộc, hỏi:
– Quanh đây có nơi nào đóng quan nữa không
Ông Tạm Mộc đáp:
– Như ông yêu cầu thì có lẽ phải lên phủ mới có thứ gỗ ấy. Còn tính thời gian sập ván thì có lẽ phải sang trấn Sơn Tây, bên ấy có nhà họ Phạm chuyên nghề khâm liệm may ra người ta mới tính nổi. Xin ông bỏ quá cho, việc này quá sức tôi…
Người kia đáp:
– Không được, thế muộn quá.
Hắn thờ thẫn nhìn ông Tạm Mộc rồi nói:
– Vậy ông dùng gỗ nào cũng được, chỉ có điều, trong vòng ba năm phải sập ván.
Ông Tạm Mộc toan nói thêm nhưng người kia đã phất tay đưa cho ông một nén vàng nhỏ. Ông đang lúc hoảng sợ, tựa như bị người kia thôi miên, chỉ biết đưa tay nhận lấy.
Người kia lại nói:
– Nhớ đấy, dài một ngũ, rộng một ngũ, cao hai xích, dày một tấc. Dưới ba năm phải sập ván. Ba hôm nữa tôi tới lấy.
Nói rồi người ấy quay mình bỏ đi, lẫn trong màn đêm dày đặc, chỉ thoáng cái đã không thấy hắn đâu.
***
– Thầy, thầy ngủ quên ngoài này à?
Tiếng gọi của con Mẹo làm ông Tạm Mộc chợt tỉnh giấc. Ông thấy con gái lớn đang lay lay vạt áo ông. Trời bấy giờ đã rạng tỏ dù chưa thấy mặt trời đâu. Bên cạnh ông, cái đèn dầu không ai cơi bấc đã tắt lịm, bếp bánh chưng cũng đã lụi tàn. Hẳn là ông đã ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Hẳn là người tối qua chỉ là một giấc mơ. Ông Tạm Mộc thở phào nhẹ nhõm, vươn vai rất dài dù đầu ông vẫn còn mệt mỏi sau nhiều đêm thức khuya.
Chợt vợ ông từ cổng đon đả đi vào, bọn trẻ con thấy mẹ về chợ ùa ra đòi quà. Thị chia cho chúng mấy thẻ mía mập mạp trong cái làn thị mang theo.
Ông Tạm Mộc chờ cho sự nhốn nháo lắng bớt rồi mới hỏi Thị Tạm:
– Sao bà về giờ này? Đi suốt đêm à?
Thị Tạm đáp:
– Năm nay được mùa lớn, dân tình giàu có sắm sửa nhiều lắm, trên phủ tấp nấp như có hội, chợ mở suốt đêm, hàng bán ra loáng cái đã gần hết, chị Dĩm bảo chị ở lại trông hàng, tôi đi cùng xe với bác Thìn về lấy thêm bánh.
Vợ chồng Thìn Dĩm chính là người anh trai và chị dâu Thị Tạm. Tháng vừa rồi họ vừa tậu được con ngựa với cái xe, tính từ giờ về sau dùng để đưa đón khách kiếm kế sinh nhai. Lần vừa rồi buôn bán trên phủ thấy đắt quá nên phải gọi cả em gái lên làm cùng. Thị Tạm vốn tính đanh đá chua ngoa không sợ ai bắt nạt lại có thâm niên bán ở chợ làng nhiều năm nên giỏi tính toán. Thị mới lên bán mấy hôm đã thấy lời lớn, trong lòng hoan hỉ lắm.
Thị Tạm hớn hở nói:
– Chúng mày ăn mía xong vào mang bánh ra cho u.
Nói rồi quay lại bảo ông Tạm Mộc:
– Sắp xong chưa ông?
Ông Tạm Mộc đáp:
– Chưa, còn ngổn ngang lắm.
Thị Tạm lại nói:
– Đừng nhận thêm nữa, làm sao kịp, mang tiếng ra đấy!
Ông Tạm Mộc lại nhớ lại giấc mơ hôm qua, trong lòng thoáng cười mình nhát gan. Chợt Thị Tạm hỏi:
– Mà ông cầm cái gì thế kia?
Ông Tạm Mộc khi trước còn ngái ngủ, thấy vợ hỏi ông mới xòe bàn tay ra trước mặt. Cả hai vợ chồng đều giật mình.
Trên tay ông Tạm Mộc là một nén vàng.
Ông Tạm Mộc cả kinh ném vội nén vàng ấy xuống mặt sân. Vợ ông vừa ngạc nhiên thấy chồng mình trong người có vàng, lại thấy ông hốt hoảng ném đi như thế, còn ngạc nhiên hơn. Thị toan nhặt vội nén vàng lên nhìn cho kỹ, ông Tạm Mộc thét lớn:
– Đừng!
Thị Tạm nhìn chồng sửng sốt, chưa hiểu đầu đuôi thế nào. Chợt thấy giọng con Mẹo:
– Thầy, con Mực chết rồi.
Ông Tạm đưa mắt nhìn về phía góc sân, thấy năm đứa con ông đang xúm xít một góc, đứa nào đứa nấy nhớn nhác. Thị Tạm chưa cần biết chó chết hay mèo què, nhanh tay nhanh chân nhặt nén vàng bỏ vào bên mình.
Ông Tạm Mộc chạy vội đến chỗ bọn trẻ, thấy đúng là con Mực đang nằm cứng đơ bất động trên đất, dớt dãi đầy miệng, mắt trợn ngược, đỏ au. Thân hình nó cứng đờ lạnh ngắt, chết tự bao giờ. Ông Tạm Mộc nhớ lại tối qua trong giấc mơ, con Mực ấy còn hang hái sủa người lạ mặt, bây giờ đã là cái xác không hồn, ông tái mặt há hốc mồm kinh hãi. Một hồi lâu sau mới thốt lên được nên lời, ông run run quát con:
– Thẳng Tẩn, con Mẹo, mang con Mực ra sông vứt.
Ông quay lại ba đứa nhỏ, nạt:
– Còn chúng mày ra trông bếp, nhanh!
Thằng Tẩn ngẩn người hỏi bố:
– Sao không thịt hả thầy?
Nguyên là người làng ấy có thói quen ăn thịt chó. Chó được thui lên rồi chế thành nướng, luộc, xáo, rựa… biết bao món ngon, rất là khoái khẩu. Nhà nào có chó chết thường đem ăn. Giả mà thương quá thì cũng cho hàng xóm chứ cũng không mấy khi mang thả trôi sông như thế. Hôm nay lại là hai tư tháng chạp, gần cuối tháng mà trời đông rét căm căm, cả nhà quây quần bên nồi rựa mận mà ăn với bánh đa thì thực là thần tiên.
Thị Tạm cũng thấy lạ lùng, vì trước giờ ông Tạm Mộc khoái nhất dồi chó mà hôm nay lại bảo đem vứt đi, thị đang định hỏi thì ông Tạm Mộc kéo tay thị vào trong nhà, vừa đi ông vừa nói nhỏ:
– Bà ra đây tôi nói cái này.
Bọn trẻ con không biết đang có sự lạ xảy ra, chỉ thấy việc bố mẹ kéo tay nhau, có đứa lại reo lên:
– A, thầy nắm tay u, thầy nắm tay u, lêu lêu…
Thị Tạm thấy con mình hét tướng như thế thì thẹn quá, vùng tay ông Tạm Mộc ra, gắt:
– Có chuyện gì thế?
Ông Tạm Mộc hổn hển kể lại chuyện tối qua. Đến đoạn ông Tạm Mộc thấy nén vàng trong tay mình, Thị Tạm kinh hãi quá hét lên một tiếng. Thị vốn là người mê tín, rất tin chuyện quỷ thần, cứ đầu năm nhà ông Tạm Mộc lại phải nhờ thầy dâng sao giải hạn, lễ lạt rất tốn kém.
Lại nói khi ấy Thị hãi quá, ngồi bệt xuống đất, kêu lên:
– Chết rồi, chết rồi, làm thế nào bây giờ?
Ông Tạm Mộc đã bình tĩnh hơn, nói với Thị Tạm:
– Bà sang nhà cô Hậu, mời cô tới đây.
Cô Hậu vốn con ông bà tên Tín trong làng, vốn có căn cốt phù thủy, cô không lấy chồng, mười tám tuổi đã ra hành nghề. Quanh cô lắm chuyện đồn đại, nhất lại là trước đây có lão Tốn, xã trưởng trước đây có tâm ong ý ve muốn chiếm đoạt Hậu làm bà ba. Lão Tốn tuổi ngót lục tuần, cho lão cũng hơn cô Hậu đến cả chục tuổi. Cô Hậu kiên quyết từ chối mặc dù ông bà Tín sợ lão Tốn nên đã nhận lời. Không rõ diễn biến thế nào, chỉ biết một hôm dân làng phải hè nhau vớt xác lão Tốn trôi lềnh bềnh dưới sông, mặt mày tím tái, mắt mở trừng trừng như vừa thấy gì kinh hãi lắm. Ai cũng ngờ rằng cô Hậu sai âm binh dìm lão Tốn. Kể từ ngày ấy, tiếng đồn về tài phép của cô Hậu không ngừng lan rộng. Những lời đồn, nhất là về những chuyện kỳ quái, thì một khi lan ra, sự kỳ dị càng tăng gấp bội.
Hiện cô Hậu ngụ tại ngôi nhà nhỏ ở rìa làng, gần nghĩa địa. Người ta đồn cô Hậu thờ đầu lâu trinh nữ là cô Tâm em sinh đôi với cô nên chuyện gì cũng biết. Có người còn đồn rằng cô có cả chục âm binh theo hầu. Trong vòng mấy chục dặm quanh đây, không ai không biết tiếng cô. Người ta nhờ cô nhiều nhưng cũng sợ cô nhiều. Cô Hậu biết ý dọn ra ngoài rìa làng ở gần bãi tha ma, có ý cách xa dân làng mà gần gũi hồn ma. Ngôi nhà của cô Hậu, theo nhiều người nói, là do âm binh dựng lên, chẳng có đinh hay mộng gì mà rường kèo vì cột vẫn gắn kết được vững chãi lắm. Lại thêm mái ngói đỏ tươi, cả chục năm rồi vẫn không bám rêu mốc bao giờ. Chưa có ai trong làng bước chân vào nhà ấy, ai cần gặp cô đều phải chờ đến ngọ, lại chỉ đứng từ xa mà kêu cô ơi ới, chỉ sợ ma bắt.
Thị Tạm cũng như mọi người, đứng kêu tên cô Hậu một hồi, khản cả giọn mới thấy cô ra. Người đàn bà ấy mới gần bốn mươi, gương mặt trắng trẻo đầy đặn, lại không phải làm việc nặng, quanh năm sống nhờ tiền lễ của thiên hạ nên ăn trắng mặc trơn, lúc nào cũng thoa phấn điểm son, trai làng nhìn vào không ít gã đem lòng ngưỡng mộ dù chẳng ai dám đùa cợt với cô.
Nhìn thấy cô, Thị Tạm hớt hải kể lại chuyện tối qua. Một là thị không thấy tận mắt, chỉ được chồng kể lại, hai là thị có khiếu kể truyện, thành ra câu chuyện được thị thêm thắt rất bài bản, lại càng trở nên ma quái, ghê rợn. Cô Hậu nghe hết câu chuyện rồi vào nhà lấy hộp đồ nghề, cùng với Thị Tạm tới nhà ông Tạm Mộc.
Hai người đàn bà vừa bước vào cổng, bỗng cô Hậu đứng khựng lại, nhìn trân trân vào một bụi rậm. Vốn dĩ hàng rào nhà ông Tạm Mộc chỉ là một hàng bụi rậm. Chỗ cô Hậu nhìn chăm chăm cũng chính là một phần bụi rậm ấy. Thị Tạm và ông Tạm Mộc thấy thái độ cô Hậu bất thường thế, toan hướng mắt nhìn theo. Chợt thấy cô Hậu ngã nhào xuống đất, ngất xỉu. Thị Tạm hãi quá cùng chồng dìu cô Hậu vào nhà.
Qua một hồi lâu, cô Hậu mới tỉnh lại, mặt mũi cô xanh lét như bị cảm gió, á khẩu. Mồ hôi cô toát ra như tắm. Cô chẳng nói chẳng rằng xách theo hộp đồ nghề, đi thẳng ra cổng không quay lại chào một câu. Thị Tạm hoang mang chạy theo hỏi hết câu này đến câu khác mà cô Hậu vẫn nín thinh. Cho đến trước khi bước vào cổng nhà cô, cô mới quay lại dặn:
– Ngài bảo gì thì phải nhất nhất làm theo, không được sai một ly.
Nói rồi cô đi nhanh vào nhà, đóng vội cửa lại.
Thị Tạm thấy nét hoảng hốt trên gương mặt cô Hậu, thầy phủ thủy nổi tiếng khắp vùng mà hoang mang vô cùng, không biết phải làm thế nào.
Thị Tạm về nhà, thấy chồng đang ủ rũ ngồi trên phản, Thị lặng lẽ ngồi bên cạnh. Hai vợ chồng lo âu nhìn nhau ủ rũ chưa biết tính thế nào.
Qua mấy canh giờ như thế, ông Tạm Mộc lòng như lửa đốt, lại chợt nhớ cô Hậu có nhìn thấy vật gì đó trong bụi rậm, ông vội chạy về phía ấy, tìm kiếm. Ông Tạm Mộc tìm một lúc, chợt thấy trong bụi rậm có một vật màu đen. Ông run rẩy nhặt lên xem kỹ. Thì ra đó là một mẩu gỗ nhỏ bằng hai bàn tay, được bọc trong một tấm vải đen. Tấm gỗ ấy có khắc thô lậu một hình người. Tấm vải đen che kín thân thể cái hình nhân ấy, chỉ chừa lại đôi mắt đươc vẽ rất vội. Mắt hình nhân là hai nét rất mảnh bằng mực tàu.
Hai nét mực ấy giống hệt như đôi mắt của người tới vào đêm qua.
Muốn biết mọi việc diễn biến ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ!
[1] Nay thuộc Thái Nguyên
[2] Tức năm 1139
[3] 1 ngũ = 2m
[4] 1 xích = 40cm
[5] 1 tấc = 4cm

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận