Đạo sĩ tản mạn kì 10 Năm Sau ( Cập nhật chap – 24 END )
Cả đám kinh hoàng nhìn vào cái xác, nhìn trang phục thì chắc ông này sống vào khoảng thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, nhưng quái lạ ở chỗ sau hàng trăm năm như thế, đáng lý ra cái xác phải mủn ra từ lâu rồi, đằng này vẫn tươi nguyên, ngoại trừ lớp da thịt hơi tóp lại và màu da đã ngả nâu thì nhìn không khác gì một ông già gầy còm vừa mới chết. Mấy thằng đứng đó dáo dác nhìn nhau, có đứa quay sang trách thằng Việt:
– Đ m mày dẫn bọn tao đi đào mộ người ta hả ? Chôn lại ngay thôi không rách việc giờ.
Thằng Việt khoát tay :
– Từ từ, nhìn kĩ lại xem có phải xác người không đi.
Tôi cũng vội vàng xoa dịu chúng nó, tôi tin không phải vô cớ mà thằng Việt đi bày trò quái gở này. Sau khoảng nửa tiếng vẫn chẳng có động tĩnh gì, hai ba đứa bắt đầu kêu than, định đi mua quan tài chôn lại cho người ta. Thằng Việt vẫn điềm nhiên như không, ngồi xổm xuống đất nhìn chăm chăm vào cái xác. Bỗng nhiên nó khịt khịt mũi rồi lăn nhào ra xa, kêu lớn:
– Tất cả lùi ra xa, nhúng vải ướt bịt mũi lại.
Ngay lúc đó, ông Tĩnh quăng lần lượt mấy tấm thẻ gỗ xung quanh cái xác, miệng đọc lẩm nhẩm. Mấy thằng bọn tôi chạy tán loạn cả, mãi lúc sau nghe tiếng thằng Việt gọi mới quay trở lại. Lúc này, hơn hai chục con mắt đều toát lên vẻ kinh hãi, mấy ông đàn ông bu theo đi xem lúc nãy giờ chạy về sạch, chỉ còn có đúng 6 người lúc đầu ở lại. Cái xác ông già kia, không hiểu sao đã như bay hơi hết cả cơ thịt, chỉ còn lớp da thâm xì, mỏng như giấy ướt đang dính chặt vào bộ xương, đôi môi cái xác giờ khô quắt, cuộn xoăn mép lại làm lộ ra hàm răng đen xỉn. Nhìn thấy cả lũ đứng như trời trồng, ông Tĩnh giải thích:
– Chỉ có lớp da là của người thôi, còn xương cốt bên trong là hỗn hợp các loài động vật gắn lại với nhau. Cái này là thuật của người Vân Nam, dùng xương cốt của một số loài động vật gắn lại với nhau thành bộ khung na ná khung xương người, rồi lột nguyên lớp da lẫn thịt của người ra, khoác lên bộ khung , trong bụng nhồi thảo dược, thẻ đồng, phù chú xong may lại, khoác cho áo Phán quan. Thuật này truyền qua An Nam thì lại được phát triển thêm bằng cách phối kết các loại ngải, bùa Nam tông. Người xưa tin rằng cho cái xác cầm thẻ bài ngọc khắc tên tuổi ai thì người đó sẽ tránh được họa sát thân. Tránh được không thì chẳng thấy, chỉ thấy không biết bao nhiều dân đen, nô tỳ vô tội bị lột da lúc đang sống để làm hình nhân thế mạng cho vua quan, quý tộc. Vua chúa bên Trung Quốc ngày xưa cũng làm trò này, mà mỗi lần chôn phải tầm 49 người một khu, chôn 6 khu như vậy, ý muốn ngay cả việc chết đi, luân hồi lục đạo cũng không phải chịu, bất tử muôn đời để hưởng phước.
Tôi nghe vậy mà rởn cả gai ốc, nhưng vẫn băn khoăn không hiểu chuyện này thì có liên quan gì với chuyện làng đang mắc phải. Thằng Việt thấy mặt tôi đăm chiêu vậy thì bảo:
– Cái cần không phải là cái xác này, đợi thêm tý nữa.
Đến chừng một tiếng sau thì dưới đất chỗ vừa đào cái chum lên có tiếng động, thằng Việt ngay tức khắc rút trong túi ra một tấm lưới rồi quăng xuống hố, chạy ra túm lưới kéo lên. Cả đám xúm xít nhìn vào, chỉ thấy trong lưới có con gì trông từa tựa như con chó con, nhưng đuôi thẳng tuột mà dài nữa, lông trắng muốt như lông thỏ. Thằng Việt thò tay vào túm con thú kia ra, buộc cổ lại rồi đưa cho ông Tĩnh giữ. Ông Tĩnh chưa kịp cầm thì nó quẫy mình phát xong phóng vèo đi, nhưng bốn phương tám hướng đều có người chặn, nó dáo dác chạy quanh, chạy tới chỗ tôi thì cụp tai lủi dần lại, tôi đưa tay xuống túm lên cũng chỉ thấy nó co rúm lại chứ không dám chạy. Thằng Việt thở phào nhẹ nhõm rồi quay đi, đốt một lá bùa rồi ném vào cái xác, tay lần tràng hạt đọc chú, cái xác cháy bùng lên, theo gió bay dần đi, xong nó bảo mấy thằng bỏ mảnh chum vào chỗ cũ rồi lấp đất lại. Trong lúc chờ, nó ra ngó ngó con thú đang sợ hãi cuộn tròn trong lòng tôi, nó cười hề hề xong bảo tôi:
– Biết con gì đây không ?
– Chồn à? Hay chó thành tinh ?
– Hồ ly tinh chính hiệu đấy.
Tôi há hốc mồm, nó bồi thêm:
– Chứ mày nghĩ hồ ly tinh là phải có chín đuôi, hóa thành gái đi hại người à ? Cáo thường sống đến 10 năm là già cốc đế. Nhưng con này phải cỡ trăm tuổi, thế mà vẫn nhanh nhẹn thế này. Đấy là nhờ nó hàng ngày thì bắt chuột, ếch nhái trong đồng Eo vốn đã nhiễm âm khí nặng, đêm đến lại đào hốc mò vào nằm cạnh cái chum, hưởng dương khí giả do cái xác trong chum toát ra. Mấy ngày nay làng mình có động, âm khí bủa vây bốn phía, trong nhà của người sống cũng lởn vởn âm khí con này sống lâu nên am tường lẽ đời, vội vàng tìm đến nơi có dương khí mạnh để trú ẩn. Vậy nên hôm nay tao mới rình bắt được.
– Bắt làm c l gt ?
– Ngu thế! Nó sống phải trăm tuổi rồi, động vật mà thế thì không phải tầm thường đâu, nhìn xem tai nó cụp như tai chó con, mõm cũng ngắn hơn mõm cáo, đuôi, lông đều trắng toát, mượt như nhung. Ngay từ cái dáng hình nó cũng đã khác cáo thường rồi. Đem về kiểu gì chẳng được việc.
Nói đoạn nó hích nhẹ tôi:
– Đào hoa gớm nhỉ! Đến cả hồ ly tinh cũng đổ.
– Kệ cm! Bố đéo thích cáo, nhà bố có mèo rồi.
Lát sau thì bọn kia cũng lấp đất xong, cả đám lục tục kéo về, chẳng ai bảo ai, mấy ông đi cùng đều biết chuyện hôm nay không thể hé răng cho ai được.
Về đến nhà, Ngọc Anh với vợ tôi đang cho bọn trẻ con ăn, con cáo được đặt xuống đất thì lạ lẫm nhìn xung quanh xong chui biến ra chỗ gậm ghế ông Bách đang ngồi, quẩn vào chân ông. Thằng Việt cười cười bảo tôi:
– Thấy tao nói có sai không ? Cực khôn nhé. Chọn chỗ an toàn nhất để trú ẩn. Lúc nãy nó rúc vào cạnh mày vì dương khí trong mày tỏa ra mạnh hơn hẳn người khác.
– Nghĩa là éo phải bố đào hoa chứ gì?
– Có mỡ đấy mà húp!
Trêu đùa lộn tùng bậy một hồi rồi cũng đi ăn cơm. Ông Bách thỉnh thoảng lại vứt cho con cáo miếng thịt cá gì đó, nó lại càng quấn nữa. Từ sau bữa cơm, đi đâu nó cũng kè kè đi bên cạnh ông. Mấy đứa trẻ con không biết gì, cứ lon ton chạy theo kêu cún con mà nó chẳng thèm để ý.
Đêm nay khá im ắng. Đến tầm 3h sáng, ở góc phía Tây làng lại có tiếng gầm gào, lần này thì chỉ có đúng góc phía Tây có động, lại to hơn hẳn đêm qua. Mấy người trong nhà tức tốc vùng dậy, thằng Việt đeo túi đồ nghề, tôi thì ôm con cáo chạy theo, hai ông cụ và thằng Dũng thì để ở nhà giữ. Vừa chạy theo, tôi vừa nghĩ thầm “ Cứ đêm nào cũng thế này thì ma cỏ chưa bóp cổ đã chết vì thiếu ngủ rồi! Mai phải lắp cửa cách âm trong phòng ngủ của đàn bà với trẻ con thôi. Mà cứ lao lực thế này, hai ông cụ làm sao chịu nổi! ”. Thằng Việt như đọc được suy nghĩ của tôi nó bảo:
– Đừng nghĩ nhiều mệt óc! Đã bước chân vào nghề thì phải dốc sức đến chết, đấy là lẽ thường. Chuyện lần này không chỉ vì làng mình và còn vì nhiều cái khác nữa.
Tôi ngớ ra thì nó bảo:
– Mày nghĩ mà xem, suốt hàng trăm năm nay, người sống với người chết vốn không thể ở chung với nhau. Nhưng vẫn có những oán linh muốn làm hại người sống, vì thế nên mới sinh ra thầy phù thủy, Âm Dương Sư, thầy mo, pháp sư trừ tà,…. Những người như bọn tao là người gác khoảng ranh giới giữa đêm với ngày.
Ngừng một lúc nó nói tiếp:
– Nhưng giờ là thế kỉ 21, là lúc mà công nghệ hiện đại đã chiếm ưu thế, con người cũng đông hơn, ánh sáng tràn ngập khắp mọi lúc mọi nơi, theo đó thì nghề phù thủy cũng phải dần lùi bước để nhường chỗ cho sự phát triển của khoa học. Ma quỷ vốn cũng chỉ là những gì con người chưa hiểu rõ, sớm muộn gì cũng sẽ bị khoa học tiên tiến tìm ra bí mật và kiểm soát, không cho gây hại tới đời sống con người. Nhưng đó là chuyện về sau, còn hiện tại là lúc khoa học chưa phát triển tới mức có thể bảo vệ còn người khỏi những thứ sức mạnh vô hình đó, nghề phù thủy thì lại càng ngày càng mai một đi, giờ là lúc ranh giới giữa thế giới người sống với thế giới người chết mỏng manh nhất.
Mày hãy tưởng tượng mà xem, nếu lũ kia chiếm được một cái làng làm đại bản doanh, rồi dần dần chiếm những làng khác nữa, hay là cả một tỉnh, sẽ lâu đấy, thậm chí là vài chục năm nữa, lúc mà con người không phòng bị nữa, bóng tối tưởng như đã bị đẩy lùi bởi ánh đèn điện kia sẽ bất ngờ phản công, đưa con người trở lại thời kì mông muội sợ thần sợ quỷ.
Nghe nó nói mà tôi toát cả mồ hôi hột, dù gì cũng đâu thể tới mức thế cơ chứ.
Mải nói chuyện, cả lũ đã chạy tới nhà ông V lúc nào, nhà này là nhà nằm sát rìa phía Tây nhất. Trong nhà thắp nến sáng trưng, có cả tiếng trẻ con khóc ngặt nghẽo. Chúng tôi gõ cửa bồm bộp, gọi lớn:
– Bác V ơi! Ra mở cửa cho chúng cháu bác V ới!
Trong nhà có tiếng vọng ra:
– Cháu nào? Là đứa nào
– Cháu H với Việt đây! Nhanh lên không chết cả nút giờ.
Có tiếng dép lẹp kẹp, một thằng choai choai mặt tái như gà cắt tiết chạy ra mở cổng, lắp bắp:
– Dạ hai chú sang ạ!
Vào nhà, thấy cả nhà ngồi túm tụm trước ban thờ, ông V vẫn lăm lăm cái gậy gỗ. Thằng Việt bảo:
– Bác cứ yên tâm! Giờ cả nhà thổi tắt hết nến đí, đóng chặt cửa lại, bọn cháu ở ngoài khắc có cách. Trong nhà nghe thấy gì cũng mặc kệ, không cần quan tâm, cứ đóng chặt cửa là được.
Mới đầu ông V còn nhất quyết không chịu vì “ sợ tắt đèn đi thì ma đến”, lại sợ bọn tôi ở ngoài có làm sao thì không biết ăn nói thế nào với người nhà hai đứa. Mãi rồi ông cũng chịu, còn dặn đi dặn lại là có gì cần thì kêu to lên để ra cứu.
Sắp xếp xong xuôi, ở ngoài tôi và thằng Việt đứng nhìn bốn bề đen kịt, tiếng gầm gào ở vẫn nghe vọng lại từ cái bên ngoài tường rào ở góc vườn. Thằng Việt bảo tôi:
– Thả con hồ ly tinh ra đi.
Giờ nhìn xuống mới để ý con cáo đang quắc mắt nhìn chằm chằm về phía phát ra tiếng kêu, lúc này nhìn toát ra thần thái mãnh liệt chứ không run rẫy như lúc ở nhà nữa. Tôi thả nó xuống đất, nó đi lượn vờn vờn quanh sân mấy vòng, thỉnh thoảng chõ mõm ra chỗ bờ rào kêu mấy tiếng ‘hắc hắc”,
Dưới ánh trăng, màu lông trắng muốt của nó óng lên, dần dần ngả sang màu xanh như lửa ma trơi. Nhìn bóng dáng nó uyển chuyển, lượn qua lượn lai mà cảm tưởng như ánh lửa xanh đang bốc ra từ người nó. Thốt nhiên, con cáo phóng vút đi, lao thằng ra vườn, nháy mắt đã nhảy qua bờ tường chạy ra ngoài. Tôi giật mình đưa tay ra định tóm thì đã muộn, thằng Việt giữ tay tôi lại bảo:
– Không phải lo! Giống này thành tinh rồi thì bọn vớ vẩn đến dọa kia không làm gì nổi nó đâu. Giờ kệ nó, nó tự biết phải làm gì.
– Thế giờ mình làm gì?
– Đợi nó về, mày có uống cà phê không, tao mang theo một phích pha sẵn từ nhà này.
– Hay nhể! Thì đợi thôi.
Cứ như vậy, hai thằng thức thâu đêm. Bên ngoài kia không còn tiếng gầm gào nữa, chỉ còn tiếng chạy, không huỳnh huỵnh dọa nạt như tối qua mà như đang nháo nhác chạy, xen lẫn là tiếng khóc nỉ non và tiếng gì như van vỉ.
Tờ mờ sáng hôm sau, tôi đang ngủ gà ngủ gật thì thằng Việt túm áo lay dậy:
– Kìa! Nó về rồi kìa!
Tôi mắt nhắm mắt mở nhìn theo hướng tay nó chỉ, thấy con cáo đang thong dong đi về, mồm ngậm vật gì đó.