Home Truyện Ma Thành Viên Dưới đáy giếng hoang – Part 1- Tác Giả Tiến Lê

Dưới đáy giếng hoang – Part 1- Tác Giả Tiến Lê

Bây giờ đã tháng 11, quê tôi đang là mùa gặt lúa. Từ già trẻ, lớn bé mỗi người mỗi việc tất bật, người lớn làm việc lớn người bé làm việc bé, từ canh năm tờ mờ sáng cho đến khi góc trời phía tây sẩm tối, mặt trời khuất núi. Ai ai cũng mau chóng làm gấp rút để còn thời gian dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa quần áo đón tết, nhưng đặc biệt hơn cả là để có thời gian đi xem hát.

Mọi năm, cứ trước tết khoảng 2-3 tuần thường có nhiều đoàn hát ở huyện, tỉnh về làng tôi. Họ hay diễn các tuồng như : Đường gươm nguyên bá, tuồng Lan và Điệp, Người tình trên chiến trận, Đêm lạnh chùa hoang….. ở cây đa đầu làng gần nhà ông bá hộ Tám.
Và thế rồi mùa gặt cũng xong, cứ đến mỗi tối vừa xong bữa cơm là đám trẻ con đầu ba chỏm chúng tôi lại xin bố mẹ cho ra con đê để bắt đom đóm, nói vậy thôi chứ thật ra tôi cùng chúng trốn đi xem hát. Gánh hát về đây làm cho không gian nơi này sinh động hơn bao giờ hết, tiếng trống tùng tùng này, rồi tiếng kèn tò te, tiếng hát của các đào chính đào kép, tiếng rao bán bánh đa, bánh ú, tiếng mời hàng nước của bà cụ Bảy….., những thanh âm ấy chúng tôi chỉ có thể nghe vào buổi sáng thôi, nên giờ cảm thấy thú vị phết. Mong ngày nào cũng được như vậy để cho xóm làng đông vui, náo nhiệt, đầy ánh sáng.

Ngồi trên mỏm đá chờ được một lúc thì giờ diễn cũng đã tới, các binh lính tướng sĩ hình dáng oai vệ bước ra, vị vua hùng dũng oai nghiêm ngồi trên ngai vàng, xung quanh là các cung tần mỹ nữ. Mở đầu vở tuồng chưa được bao lâu thì mây đã bắt đầu chuyển đen, mưa bắt đầu rơi xuống, từng hạt to hạt nhỏ thấm đượm trên vai, kèm theo là những tia chớp vang dậy một góc trời xám xịt rồi từng đợt gió thổi bay cát bụi mù mịt. Ông bầu thấy vậy nên đành cáo lỗi với bà con và xin hứa bù vào đêm mai. Lũ con nít chúng tôi đi về trong nỗi thất vọng tràn trề, cứ tưởng sẽ được xem những màn trình diễn oai hùng giữa anh hùng và tướng cướp, cảnh mẹ già ngồi ở hiên nhà mòn mỏi chờ con về sau chiến trận, cảnh Thúy Kiều liều mình bán thân cứu cha đẫm nước mắt….

Tôi cùng đám bạn đành lê thân về nhà, đến nửa đường thì trời hết mưa, con trăng dần hiện rõ. Dù đi thành 7, 8 người nhưng trong đám đứa nào cũng sợ ma cả mặc dù chưa bao giờ gặp, mà chỉ nghe kể lại từ những người thân trong gia đình.

Con đường để về làng tối om, nhão bùn, có cố căng mắt thế nào đi nữa cũng chả thấy gì ngoài cái không gian bao la màu đen bí hiểm ấy. Sương bắt đầu rơi xuống, cái lạnh đi khắp cơ thể đến từng ngón tay ngọn tóc. Mặt đất thì gồ ghề, lởm chởm những viên đá to, đá nhỏ, có những viên sắc nhọn đạp vào thì chỉ có rách da chảy máu. Đường về đã trắc trở, đã vậy còn phải đi ngang qua bãi tha ma, mồ mã ở đây dày đặc, đông kín, chen chúc nhau như một rừng bia mộ. Chân hương của những cái bát nhang nhiều ngôi mộ đã rụng rời từ lâu vì không có ai đến viếng, và cũng là vì mưa gió ảnh hưởng khiến cho chúng càng thêm bẩn thỉu, thiếu trang nghiêm. Có những cái đã bị đào xớ lên mà chả rõ do ai làm. Những ngôi mộ này tôi nghe bà kể đã có từ thời giặc Pháp, Mỹ, chúng nó bỏ bom chết hàng trăm người, ngay cả dưới chân tôi cũng không chừng đang có một quả bom B52.

Sâu bên trong, đám cỏ mọc lên thay nhau che khuất những ngôi mộ, dưới cái ánh sáng yếu ớt của con trăng mọi thứ ở nơi đây càng thêm mờ ảo, nhìn xa xa vào trong bãi hoang này những cây xoài, cây xoan đứng sừng sững như thể có cả đám người to cao, đang núp trong đó nhìn chằm chằm ra. Chả biết là do cái sợ lấn át tinh thần hay sao mà cảm giác cơn gió ở nơi đây lạnh lẽo, chết chóc, u ám hơn bao giờ hết. Nó thổi ngang qua mái tóc, dọc xuống lưng, rồi thoắt nhanh qua vai, như thể…có một bàn tay vô hình đang chạm vào. Gió làm cho cành lá trên cây va vào nhau xào xạt, những thân tre vang lên những tiếng ” cót két ” ai oán, tựa như ai gào thét trong đêm đen.

Bỗng chốc trong đầu tôi, đột nhiên hiện ra những khung cảnh ma quái, những câu chuyện ma, những oan hồn bà kể nó cứ thế hiện ra mà không thể nào kiềm chế được. Thế là tôi cũng đành bấm bụng, cắn răng lấy hết can đảm mà đi qua, chả đứa nào dám nói với nhau một lời, hơi thở bây giờ cũng khó khăn hơn lồng ngực tựa như ai đang bóp chặt lại, con đường phía trước tối đen, sâu hun hút, ở đây lại còn không có ai ở cả, chỉ toàn cỏ với cây, lâu lâu lại nổi lên vài tiếng chó tru xa văng vẳng.

Đang đi được đoạn, bỗng trong lùm cây sau lưng tôi có tiếng phát ra, ngay khi vừa nghe thấy, cái sợ hãi chết chóc đã chạy dọc sống lưng, những cơn nổi da gà bắt đầu xuất hiện, mồ hôi trên trán và lưng ra như tắm, tim cứ đập thình thịch, hơi thở lại càng gấp gáp. Cả bọn, không dám nhìn nhau, cũng chả ai dám quay lưng ra sau vì đứa nào cũng biết cái gì xuất hiện sau lưng. Tôi chưa kịp bảo cả bọn chạy thì thằng Toàn, nó liền cho tay vào trong túi lấy cục đá to bằng bàn tay người lớn ném phăng vào trong lùm, vừa ném nó vừa hét lớn: ” Mày là người hay là ma có ngon thì ra đây ”. Tôi liền thầm hỏi trong đầu, thằng này hôm nay ăn gì mà gan thế nhỉ, mọi khi nó cũng nhát gan lắm, chả dám làm như thế nay đâu?

Ngay sau câu nói khêu khích ấy, trong lùm cây đã im lặng, khác hẳn với vẻ đáng sợ lúc ban đầu của nó, cả bọn thở phào nhẹ nhõm nghĩ chắc là con rắn hay mèo hoang nó săn mồi đêm. Tôi vừa nhắc chân lên chưa kịp ngoảnh mặt lại, thì ngay lập tức phía sau một bóng trắng mờ ảo xuất hiện, chạy ngang qua bên kia con đường. Chiếc đèn pin duy nhất trên tay thằng Bình đột nhiên tắt. Tôi lập tức hét lớn trong nỗi sợ hãi tột cùng: ”Ma, ma kìa. Chạy mau, nhanh lên”. Vừa dứt tiếng cái bóng ấy liền vồ ra, cái mái tóc đen dài che kín nửa khuôn mặt nó, cái áo trắng toát che khuất không thấy cả đôi chân, dù dưới cái ánh sáng yếu ớt của con trăng nhưng tôi vẫn có thể nhìn rõ nửa mặt bên kia của nó. Cái khuôn mặt trắng bệch, nổi lên từng cọng gân xanh, đầu nó ngã nghiêng sang phải, con mắt sâu hun hút, đen ngòm nhìn trừng trừng vào tôi, ánh mắt thì đầy lạnh lẽo, chết chóc chả khác gì cơn gió lúc nãy. Nhìn sang thằng Toàn, lúc nãy hùng hổ, gan dạ bấy nhiêu thì giờ khuôn mặt nó trắng bệch như cắt không còn một giọt máu. Mấy đứa còn lại nhìn chả khác gì nó. Thế là cả đám ba giò tám cẳng, vắt chân lên đầu mà chạy. Cứ thế mà đâm đầu phía trước, không một đứa nào dám ngoảnh mặt lại phía sau.

Hơi thở càng lúc càng khó, mồ hôi chảy đầm đìa cùng cơn gió lạnh ở cái chốn hoang tàn thổi vào người làm cho tâm hồn, tinh thần càng thêm điên dại, hoảng sợ. Có thằng vừa chạy vừa khóc hét to: ”Mẹ, mẹ ơi! Cứu con, con chết mất”. Bùn trên con đường cứ thế văng vào mặt, vào thân thằng chạy sau. Những viên đá sắt nhọn, cành gai bên đường cắt vào da thịt, từng giọt máu bay ngược về phía sau hòa cũng cơn gió. Chạy một hồi, cũng bắt gặp được một ánh sáng le lói phía trước con đường, cả đám cứ thế mà chạy về phía nó. Càng chạy, ánh sáng ấy càng gần hơn nỗi sợ cùng dần tan biến đi. Bỗng có giọng một người phụ nữ gọi lớn: ”Thằng Nam – tên tôi, mày đâu rồi, trốn tao đi xem hát phải không”. Đang trong cơn hoảng sợ, điên loạn tinh thần tôi liền bừng tỉnh vì biết ánh sáng phía trước chính là mẹ tôi. Chạy đến, tôi ôm chầm lấy mẹ khóc lấy khóc để, bà thấy vậy cũng biết tôi đã gặp gì nên cũng không trách móc, mà dẫn tôi và đám bạn về làng. Mỗi đứa một ngả, đứa nào cũng ôm mặt khóc thút thít.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, vứt cái chăn sang một bên ngáp lấy một hơi dài. Sực nhớ tới cái cảnh tượng hãi hùng đêm hôm qua mà không khỏi rùng mình.

Chưa kịp nhắc chân xuống giường thì bỗng có tiếng phát ra từ nhà bếp:

– Nam à! Xuống nhanh ăn cháo đi con (Mẹ tôi)

Vừa nghe tôi nhanh chóng đáp lại:

– Dạ!

Vừa bước xuống nhà bếp, ăn được vài muỗng thì thằng Phước (trong nhóm đi hôm qua) hớt hải chạy vào báo cho tôi tin khẩn cấp:

– Mày biết chuyện gì chưa?

– Chuyện gì giờ này! Tao mới thức chưa kịp tỉnh thì mày đã chạy sang.

– Mày còn nhớ vụ đêm qua chứ?

– Ừm, tao nhớ.

– Con ma đêm qua tao với mày gặp là giả, do lũ nhóc làng bên bày trò

Nghe xong, tôi bực tức ném cái muỗng xuống bàn:

– Mẹ nó! Cái lũ trời đánh. Mình có gây thù hằn gì với nó mà lại chơi ác như vậy chứ? Được rồi tao sẽ trả thù cho cả nhóm bọn mình.

Đêm đã xuống, gánh hát lại tiếp tục vở diễn hôm qua. Lần này bọn tôi phải nhịn đói trốn nhà từ chiều để đến khu mộ ấy. Mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ, thằng Toàn thì trộm lấy bộ tóc giả của chị nó, thằng Bình thì đem theo cái áo trắng, còn tôi thì mượn hộp phấn của chị Hai. Bọn tôi ngồi núp trong khu mộ từ lúc xế chiều cho đến đêm diễn tàn, mọi người ai về nhà nấy. Qủa đúng trời không phụ lòng người, cuối cùng thì 2 ” con mồi ” cũng đã tới.

Nhanh chóng gấp rút tôi đội cái mái tóc giả lên, lấy phấn đánh cho trắng bệch cả khuôn mặt, mặc vội cái áo vào. Thế là hoàn chỉnh. Bọn này đi không mang theo đèn pin hay gậy gọc, phải công nhận một điều là bọn nó gan dạ. Nhớ lại đêm hôm qua bọn nó hả hê cười còn mình thì sợ hãi, phải chạy thừa sống thiếu chết. Mà cơn tức giận trong tôi trào lên.

Nhanh chóng tôi leo lên trên cây xoài cành rào trong khu mộ. Hai thằng con lại thì núp 2 bên đường, giả tiếng chó tru vang cả không gian. Bọn nó bắt đầu đứng khựng lại, dáo dát nhìn xung quanh từ trong bãi mộ cho đến đám cây cỏ bên kia đường. Lợi dụng chúng không để ý tôi liền nhảy toạt từ trên cây xuống. Hai thằng giật hốt cả mình, la toán lên vùng chạy. Nhưng làm sao mà chạy được bởi vì tôi đang nắm chặt áo chúng. Bọn nó chả biết làm gì nữa cứ thế mà quỳ xuống vái lạy: ”Con lạy ngài ma, cô ma tha cho con. Con lỡ dạy, con lại 2 cô ma tha cho con ạ!Con thề, con không quấy nhiễu nơi này nữa”. Tôi liền buông tay ra cười hả hê, còn 2 thằng thì chạy té khói, thằng nào cũng vừa hét vừa chạy.

Tôi đi ra sau hỏi hai thằng Bình, Toàn: ”Sao? Hai thằng mày vừa lòng chưa? Tao đủ trình đóng tuồng chưa. Ha ha ”. Bỗng chả nghe thấy tiếng trả lời của đứa nào cả, tôi hỏi lớn thêm lần nữa. Đáp lại câu hỏi là sự im lặng đến đáng sợ của nơi này. Tôi thầm nghĩ chắc tụi nó bị muỗi chích quá nên chạy về sớm. Hớn hở vì vừa mới trả thù 2 thằng nhóc kia, tôi chạy lại cái giếng trong khu mộ soi mình xuống dưới ngắm nghía thành quả. Không ngờ tôi lạy hóa trang tài tình đến mức như vậy, nhìn xuống giếng tôi còn thót tim nữa mà huống chi tụi nó.

Nhanh chân tôi chạy về làng, chui qua cái khe dưới cửa leo lên giường đánh một giấc tới sáng.

Ngày hôm sau, tôi chạy sang nhà thằng Bình với thằng Toàn để kể lại cho chúng nó cảnh tượng lúc ấy. Đến tới nhà thì thấy bố mẹ chúng ngồi trên giường khóc lóc thảm thiết.

Tôi chạy sang hỏi:

-Cô Năm Hồng ơi, có chuyện gì mà cô chú khóc dữ vậy còn thằng Toàn với Bình đâu rồi ạ?

Cô Năm Hồng nói trong cơn nấc:

– Cô khóc là vì chúng nó đây này, bọn nó trốn đi từ đêm hôm qua đến giờ mà vẫn còn chưa về nhà, biết tìm đâu bây giờ. Trời ơi, tôi khổ quá!

Nghe đến đây tôi giật bắn cả người, chạy về nhà với sự lo âu, sợ hãi đè nặng trên vai.

Tôi thầm hỏi vậy đêm qua bọn nó đã đi đâu? Tụi nó sợ đòn lắm, làm gì mà dám trốn biệt tích tới giờ này?

Ngồi trên giường, sực nhớ đến cái giếng trong nghĩa địa. Tôi lập tức chạy ra sau vườn, hỏi bà.

Bà bảo cái giếng đó đã có từ lâu đời rồi, con ạ. Từng có một cô gái ,trẻ tự tử vì bị cha mẹ đuổi, do có chửa hoang. Chả ai trong làng dám bén mảng đến cái giếng đó cả, mà cái giếng ấy cũng chả có nước dù mưa có lớn như thế nào đi chăng nữa.

Đầu óc tôi bắt đầu quay cuồng, tay chân bủn rủn đứng không vững. Nhớ lại khuôn mặt dưới giếng đêm qua. Ôi trời ơi! Miệng tôi cứng đơ, cổ họng nghẹn lại, tôi khuỵu xuống, từng giọt mồ hôi rơi thắm đất, mọi thứ trước mắt mờ nhòe đi. Chưa kịp thốt lên câu tiếp theo thì, nhà cô Năm Hồng xôn xao tiếng bàn tán. Tôi lập tức chạy vọt ra cửa chính, phóng thẳng qua nhà cô.

Đập vào đôi mắt tôi lúc này không phải là hỉnh ảnh hai anh em nó thường hay ngồi bệch xuống đất chơi ô ăn quan như mỗi ngày. Mà thay vào đó là máu, hai đứa đã chết với khuôn mặt trắng bệt, nước dãi chảy dài hai bên mép miệng, đôi mắt trợn ngược lên, cả tay lẫn chân chúng đều có nhiều vết trầy xước, cắt sâu vào da thịt. Ba người đàn ông trong nhóm tìm kiếm bảo rằng thấy tụi nó nằm trong bụi tre, miệng thì đầy đất cát, khó khăn lắm mới lôi ra được mà cũng chả hiểu bọn nó vào bằng cách nào. Cái khe ấy dù cho một con chó con chui vào cũng khó huống chi là tụi nó. Mẹ nó chạy lại, ôm vào lòng mà khóc, tiếng khóc ai oán làm cho cả làng chết lặng đi, đây có lẽ là hình ảnh ghê rợn nhất mà tôi từng thấy. Bỗng cha nó rờ lên cổ 2 thằng và thấy có những vết cào xướt, hiện lên những con chữ mờ mờ.

Lặng nhìn vài giây, rồi ông đọc to lên: ” Người kế tiếp là mày”. Cả làng ai cũng nhìn chằm chằm vào nhau không biết ”mày” là ai. Những có lẽ tôi là người biết rõ nhất ”mày” là ai?

Và đêm nay gánh hát tiếp tụ diễn, tôi bị bắt lại ở nhà vì tội trốn 2 đêm trước, cả làng cũng đã đi hết để xem hát. Chỉ còn lại mình tôi trong căn nhà với khoảng không gian tối tăm, lạnh lẽo. Tiếng gõ mõ tụng kinh siêu thoát linh hồn hai anh em nhà kia. Cơn gió bên ngoài cứ thổi làm cho hai cái cửa sổ đập vào nhau chang chát, ngọn nến đang cháy thì bỗng nhiên tắt dở. Kèm theo đó là tiếng gõ cửa vang lên trong đêm, cùng một giọng nói thì thầm the thé của người phụ nữ…….

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận