[MƯỜI HAI NGÀY VƯỢT CỎI ÂM – Tác Giả Nhựt Kha Hồ
[Chuyện có thật được Nội tôi kể lại]
Vừa mắc mùng xong, tôi đốt một khoanh nhang muỗi mang ra trước nhà, chỗ bà nội đang nằm trên chiếc ghế bố. Năm ấy là hè năm thứ 3 đại học. Chẳng biết xui rủi thế nào mà tôi đi xin việc làm thêm hết nơi này đến nơi khác đều không nhận. Tiền gần hết nên tôi phải khăn gói về quê.
Cũng như mọi lần, khi về quê là tôi về thẳng nhà bà. Vì bà ở một mình nên tôi muốn ở cùng để có người trò chuyện, cũng là sưởi ấm thêm cho căn nhà của người phụ nữ đã ngoài 70.
Ba mẹ tôi ly dị đã gần 2 năm, thời gian đầu bà nội còn sống với mẹ tôi để tiện chăm nom cho thằng em mới 6 tuổi. Nhưng nhiều lời dèm pha của hàng xóm, lời tác động của các cô, nội cũng thấy khó xử nên dọn hết bàn thờ của ông nội về nhà cố nội. Nội ở một mình từ đó, mẹ và các cô tôi vẫn thường xuyên đến thăm bà nhưng nổi cô quạnh của nội thì mấy người hiểu được.
Tôi đặt khoanh nhang muỗi dưới chân rồi kéo một cái ghế đẩu ngồi sát bên bà. Dí mắt vào màn hình điện thoại như đang chờ tin nhắn đến của một người nào đó.
Nội quay sang nhìn tôi rồi hỏi: “năm nay không đi làm nữa hả?”.
Tôi đáp: “Cũng 8 tháng con không về nhà, về chơi với nội một thời gian rồi con đi học tiếp. Năm sau ra trường rồi, không còn được nghỉ hè nữa nên không có thời gian về thăm”.
Nội tôi quay nhìn xa xăm về phía sân rồi từ tốn: “ừ! tao sợ mày đi riết rồi năm sau tao không gặp mày nữa”.
Tôi xua tay: “nội nói gỡ, con nghe mẹ nói nội lội bộ 5 cây số đi chợ được, khỏe như nội thì thọ phải đến cả trăm”.
Nội buồn rầu nói: “đời có ai biết trước đâu con. Con muốn nghe chuyện hồi xưa nội hôn mê không, nội kể?”.
Câu chuyện hôn mê 12 ngày đêm mà nội tôi đã kể cho tôi nghe từ đời tám quánh. Nhưng chìu nội tôi vẫn chịu khó ngồi nghe. Tôi giục: “Nội kể đi!”.
Không cần nghĩ ngợi lâu, nội kể ngay nhưng khác với mọi lần nội nói thêm : “đây là lần đầu tiên nội kể con nghe thêm chuyện này, trước đây nội chưa từng nói với ai.”
Như một người kể chuyện chuyên nghiệp nội bắt đầu kể.
[……
Năm nội 31 tuổi, ông nội không may dẫm phải bom gài trong bụi tre mà qua đời. Ông ra đi để lại cho nội một gia tài duy nhất là 5 đứa con, người con gái lớn nhất được 12 tuổi, còn 2 đứa con gái Út còn ẵm trên tay. Ba tôi là người thứ Tư cũng là con trai duy nhất trong gia đình. Cuộc sống càng chồng chất khó khăn khi ông cố đuổi cả nhà nội tôi ra ngoài không cho ở, 6 mẹ con dắt díu nhau đi ở nhờ nhà cố ngoại, rồi cố cho tiền cất một căn nhà lá nhỏ ra riêng.
Đời khốn nạn là thế nhưng nội tôi là một người phụ nữ can trường, đảm đang. Một mình bà làm đủ thứ nghề để nuôi 6 miệng ăn. Chưa dịp tết nào bà không may áo mới cho các con. Cuộc sống trôi qua dù không quá khó khăn nhưng cũng chẳng êm đềm.
Một buổi chiều, khi xong việc đồng án nội cất bước đi về. Đường từ ruộng về nhà không quá xa, đi được một đoạn ngắn bỗng dưng nội thấy tối sầm mặt mũi, trời đất quay cuồng, bầu trời bỗng dưng tôi đen lại như ai kéo vải che đi, hai tai bỗng ù lên rồi nghe tiếng hú đinh tai nhức óc sau đó bà ngất đi không còn biết gì nữa.
Hồi lâu tỉnh dậy, thấy trời vẫn còn sáng, lượm lại đồ đạc và cây cuốc tiếp tục đi về. Con đường từ ruộng về nhà hôm nay bỗng dưng thấy lạ. Những ngôi nhà hai bên đường nay đã biến đi đâu, ngôi nhà tường mới xây sao lại biến thành một căn nhà lá 2 giang. Ruộng lúa ngày nào đã biến thành một bãi đất hoang, cây cối và cỏ dại mọc um tùm.
Cảm thấy không có gì đó không ổn, nội vội vả đi thẳng về nhà, càng đi thì khung cảnh lại càng cảm thấy lạ lẳm. Không giống như mọi ngày, con đường rãi đá biến thành con đường đất lởm chởm. Những ngôi nhà mái lá lụp xụp chẳng thấy gì khá giả. Lục lại hết kí ức, nội mới ngợ ra rằng có thể đây là quang cảnh nhiều năm về trước.
Trời bắt đầu tối, nóng lòng vì mấy đứa con ở nhà chưa có cơm ăn, nội chạy một mạch đi về nhưng lạ thay không thấy được nhà mình đâu. Chạy đi chạy lại mấy lần vẫn không nhìn thấy, rõ ràng nhà ông Ba Bôn ở bên trái, nhà bà Hai Thơm là phía phải, còn nhà của mình lại không thấy đâu. Hốt hoảng vì trời đã tối, nội tiếp tục đi trong sợ hãi, đi mãi người bắt đầu mệt lã thì nội thấy trước mặt một tòa nhà rất to, không biết đến bao nhiêu tầng, bên ngoài sơn màu đỏ chót, mái ngói đen, cửa bằng gỗ Lim, tay nắm cửa to như đầu em bé, còn cánh cửa thì cao hơn nóc một ngôi nhà bình thường.
Vừa đến cửa, tay còn chưa kịp gõ thì cửa đã tự mở ra, nội chậm rãi bước vào đưa mắt dò khắp xung quanh, vừa bước vào thì cửa cũng từ từ đóng lại. Bên trong ngôi nhà được thắp sáng bằng nến, có lồng đèn bằng giấy trắng bọc xung quanh, chia làm 2 hàng, mỗi hàng 9 ngọn. Nhà được chống bằng 7 cây cột gỗ to bằng mấy lần cột đình, trên mỗi cột gỗ đều có một câu viết bằng chữ Tàu mà nội không đọc được. Nền lót bằng đá, mỗi viên dài tầm 3 thước. Tòa nhà rộng thênh thang chừng một mẫu đất, chính giữa toà nhà có cây cột trụ to nhất trong 7 cây cột. Có gắng những miếng gỗ xung quanh và xoắn lên như một chiếc cầu thang cao tít không thấy nóc. Nhưng! Nội không có một mình, trong đó cũng ngót chừng 10 người có tâm trạng lo sợ giống như nội, ai cũng đứng trừng mắt nhìn nhau ngờ vực.
Họ đều mệt mỏi y hệt như người vừa đi một quảng đường thật xa, sự mệt mỏi và lo lắng hằn lên gương mặt của mỗi người. Mỗi người chọn cho mình một góc riêng rồi thiếp đi nhanh chóng. Giữa khuya, mọi người bị đánh thức bởi một tiếng động khá lớn, tiếng leng keng của xích xắc, tiếng quát tháo và tiếng khóc lóc bi thương. Nội choàng dậy. Cánh cửa từ từ mở ra. Một người mặt đồ trắng, tóc xỏa rủ xuống, hai tay bị xích bằng 2 sợi xích to như dây thừng, cổ bị khóa bằng một gong gỗ như kiểu người tử tù xưa. Áp giải hai bên là hai kẻ thân to như hộ pháp, thân hình lực lưỡng, mặt mũi dữ dằng, răng nanh dài và nhọn hoắc. Họ kéo người kia một cách thô bạo vào trong, mặc cho người đó la hét dữ dội, khóc than không dứt. Cả ba đến trước cây cột trụ giữa nhà rồi như có một lực vô hình nào đó kéo họ lên mất hút.
Mọi người trở nên hoản loạn tranh nhau chạy ra khỏi tòa nhà, sau đó tẻ đi mỗi người một hướng. Nội lại tiếp tục đi, vừa đi vừa chạy cố tránh ra xa chỗ khung khiếp lúc nãy. Một chốc thì trời lại sáng, nội lại thấy mình trở về nơi cánh đồng của ngày hôm qua, vẫn tay mang cuốc, tay xách giỏ đồ bắt đầu tìm đường về nhà. Vẫn con đường vừa quen vừa lạ ấy, nội cứ đi mãi, chắc có lẽ hôm nay còn sớm nên chốc chốc nội thấy có người đi ra đi vào, có người đứng trước cửa nhà nhìn nội lăm lăm. Có người đi ngang rồi cười với nội nhưng nội lại chẳng biết họ là ai. Vẫn lục lại kí ức, nội đoán con đường nào về nhà, thế rồi vẫn như ngày hôm qua nội thấy nhà ông Ba Bôn rồi nhà bà Hai Thơm nhưng tuyệt nhiên không thấy nhà mình đâu cả.
Nội nhớ đến 5 đứa con, không biết tụi nhỏ ở nhà ra sao, con Hai có nấu cơm cho mấy đứa em ăn uống đàng hoàng không, 2 đứa Út có được tắm rửa không. Ở nhà một mình tụi nó có sợ không, chưa lần nào nội phải để 5 đứa con mình ở nhà một mình lâu đến thế. Nước mặt nội rơi lã chã, chân thì vẫn cứ bước cố níu lấy một hi vọng nào đó. Đi đến khi hai chân mỏi nhừ thì nội lại dừng bước trước ngôi nhà hôm qua, không có sự lựa chọn nào khác nội bước vào trong tìm chỗ ngủ. Bên trong khung cảnh vẫn như vậy, vẫn có một số người đang ở bên trong nhưng hôm nay nội đếm còn khoảng 8 người. Họ vẫn nhìn nhau một cách ngờ vực, thái độ dò xét rồi mỗi người tìm một góc riêng để đánh giấc.
Đến khuya tất cả mọi người lại bị đánh thức bằng tiếng động như hôm qua. Hai tên quỷ máu lạnh kéo một người phụ nữ vào trong. Người đàn bà mặc đồ trắng, tóc lỏa xỏa, cả thân người ướt nhem, da tái đi vì lạnh. Vừa vào đến của bà quỳ thụp xuống lạy lấy lạy để xin tha. Nhưng hai con quỷ này không còn chút nhân tính, chúng túm tóc bà ấy xốc lên và kéo đến cây cột cái giữa nhà bay lên mất hút. Mọi người lại hoản loạn chạy ra khỏi nhà, cắm mặt một đường mà chạy.
Rồi trời chẳng mấy chốc lại sáng, nội lại đứng giữa cánh đồng hôm nọ và tiếp tục hành trình. Cứ thế lặp lại mãi, nội nhẫm đếm được đã 7 lần sáng tối.
Một điều lạ rằng, cứ mỗi ngày trôi qua thì số người trong nhà vơi dần đi, đến ngày hôm nay là còn lại 4 người. Đã tạm thời quen với hoàn cảnh hiện tại, sự nghi ngờ dành cho nhau cũng bớt đi, 4 người ngồi tụm lại nói chuyện với nhau.
Có một người kể rằng ông ta đang trên đường đi thăm bệnh thì bị tông xe. Một hồi tỉnh lại thì thấy mình đứng trơ trọi một mình giữa đường như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Người tông đâu mất mà xe cũng chả còn. Ông tìm đường về nhà những đi mãi đã 9 ngày vẫn không tìm được nhà. Cảnh vật xung quanh cũng khác lạ, chỗ ngôi nhà ông giờ chỉ còn lại một cái mương nước, dù cố mấy ông cũng không tìm thấy được.
Đến giờ mọi người cũng đã lờ mờ hiểu ra được vấn đề, họ rơi vào cùng một hoàn cảnh như nhau. Cũng đang tìm đường về nhà nhưng đành bất lực. Số người không quay lại có thể họ đã tìm được nhà rồi. Nghĩ đến đó ai cũng thấy có hi vọng và cũng mang một nỗi sợ hãi chung. Liệu rằng ít ngày nữa, ai sẽ là người duy nhất trở lại đây.
Đến ngày thứ 12, nội bỗng dưng không cố tìm đường về nhà nữa mà nội tìm đường sang nhà của cố nội. Rất nhanh chóng bà tìm đến nơi. Thấy ông nội đang chẻ củi trước cửa nhà, nội xúc động gọi: “Ông ơi!”.
Ông nội dừng tay ngó lên, quăng con dao rựa xuống đất rồi chạy lại ôm bà. Ông hỏi: “trời ơi sao bà lại ở đây?`”.
Nội mếu máo: “Ông ác lắm, ông đi bỏ lại một mình tôi. Ba ông đỗ cho tôi tội làm chết con ổng. Rồi đuổi 6 mẹ con tôi ra khỏi nhà. Lúc đó tôi cũng muốn chết theo ông cho xong nhưng nghĩ đến 5 đứa con còn nheo nhóc, tôi cắn răng mà đi. Tôi kiếm tụi nó đã 12 ngày nay rồi. Không biết tụi nó ra sao, nếu có gì làm sao tôi sống tiếp được”.
Ông lấy vạc áo lau nước mắt cho bà rồi vỗ về: “Bà nín đi. Cớ sự như thế này tôi cũng đâu có muốn, nhìn ba đuổi bà đi tôi cũng không làm gì được. Cũng mấy lần tôi báo mộng cho ông nhưng không thấy ông có động thái gì. Như vậy tôi đành nuốt nước mắt vào trong. Cố gắng phù hộ mẹ con bà. Nhưng tại sao bà lại đến được đây?”.
Bà kể vắng tắt: “tôi đi đồng về nhưng không tìm được nhà. Tối đến thì thấy một cái nhà cao vào trong đó ngủ. Giữa khuya có quỷ đưa ma đến tôi sợ quá lại chạy đi. Cứ thế đã qua 11 ngày. Hôm nay tự nhiên tôi không tìm về nữa mà tôi tìm nhà ông, cũng không nghĩ gặp được ông trong lúc này”.
Ông lau những giọt nước mắt còn lại trên mặt bà rồi nói: “Bà ơi! Đây không phải là chỗ của người sống. Cái tòa nhà bà vào đó là miếu Thành Hoàng. Bình thường người ta đi ngang thì thấy nó là một cái miếu nhỏ nằm ở dưới bụi tre ở ngã ba lộ. Nhưng đối với người âm nó là chỗ mà các thần địa phương sống, mọi việc bắt người chết của Diêm Vương đều phải đến miếu Thành Hoàng đưa chiếu trước rồi ổng mới cho phép tụi nó đi bắt vong. Tôi đi chặt tre bị bom nổ chết oan, dương số chưa tận nên Thành Hoàng cho phép ở lại đây, đến khi nào dương số hết thì mới đi đầu thai. Cảnh ở đây thì chậm hơn ở dương gian đến 10 năm. Nhà bà mới cất trên kia có 2 năm nên bà tìm không thấy cũng phải. Nhưng bà ơi tại sao bà lại đến được đây. Bà chưa tới số chết mà. Tôi định 3 ngày nữa mới về nhìn bà và các con nên tôi không biết tại sao bà lại tới được đây”.
Thực sự rằng dù ông nội có hỏi như thế nào thì bà cũng không biết được lý do tại sao. Bà đi làm về, rồi xỉu, rồi tỉnh và cứ đi chứ cũng không biết ngọn ngành.
– Đó là do nghiệp của ông để lại!
Một câu nói vang lên làm 2 người giật mình, nhìn về phía đường có một sư thầy, người mặc áo cà sa rách rưới, tay cầm bình bát, đi chân trần.
Ông nội tôi chấp tay xá rồi hỏi: “bạch thầy! Thầy nói do nghiệp của con là sao?”.
Sư thầy đáp: “có một vong nữ đã theo ông từ ngày ông còn sống, nó đem lòng yêu thương ông cho nên khi ông lấy vợ, sanh con nó oán cả hai người. Ấy thế mà ngày đêm nó theo ông ám hại, chính nó là người khiến ông chặt bụi tre năm ấy. Nhưng vong nữ chỉ có thể có tình cảm với con người, không thể có tình cảm với vong nam. Lòng oán hận đấy chuyển sang bà đây, 12 hôm trước nó ra tay bắt hồn bà để trả thù. Ta nhìn thấy, bụng không ưng nên thu hồn nó vào đây. Hôm nay cả ba giải quyết ân oán cho triệt, ta sẽ đưa nó đi đầu thai.”.
Nói xong ông mở bình bát, một làng khói trắng bay ra tụ thành hình người đứng trước mặt ông bà. Người đàn bà ấy chắc hẳn còn sống rất đẹp, nếu tác hợp với ông thì quả thật rất xứng.
Hồi còn trẻ, ông nội là một chàng trai đẹp nhất làng, nhà cũng khá giả. Còn bà nội không phải là người ưa nhìn nhưng bù lại bà khéo léo, đảm đang, chả vì thế mà một mình bà có thể nuôi 5 người con. Ông đến với bà cũng gây bất ngờ cho rất nhiều người trong xã. Không để bà thiệt thòi, ông tổ chức một đám cưới thật to, mổ tới 2 con bò khao bà con. Ăn ở với nhau tới 5 mặt con nhưng chưa bao giờ cải vã to tiếng. Sau này ông có đi lính lái xe, cũng có vợ bé, bà bắt được đánh ghen một trận to, từ đó ông bỏ hẳn.
Vong nữ ấy nhìn bà nội với đôi mắt lăm lăm đầy oán hận. Bà ấy cốt bắt bà xuống đây để trả thù tình. Giờ ba mặt một lời bà ấy phân trần: “tao mê ông ấy từ hồi còn nhỏ, chẳng mai tao bạc phước mất sớm, từ đó đến nay tao vẫn dây dưa ở chốn này không đi, nhìn ông ấy lớn lên từng ngày, tao muốn ông ấy là của tao, tao ghét mày đã dụ dỗ ông ấy, đã cướp người yêu của tao. Nếu tao còn sống thì tao mới là vợ ổng, tao sẽ sinh con cho ổng chứ không phải mày”. Rồi bà ấy khóc rống lên thê lương.
Bà nội dù phần hơi sợ nhưng cũng cương quyết: “mày chết mà còn bắt ổng theo, như vậy mà mày nói thương ổng sao? Dù ông ấy có chết ổng cũng sẽ trốn mày thôi. Ổng là chồng của tao, là ba của con tao. Ông trời đã sắp như vậy, mày cải mệnh mày không đầu thai được đâu”.
Ông nội thấy 2 người cãi nhau vì mình, bụng dạ bồn chồn ông nói: “tôi xin 2 bà. Đây không phải là nghiệp của tôi. Đây là sự ích kỉ của bà. Nay tôi mới biết bà khiến tôi chết, cho nên bà đừng hòng tôi sẽ theo bà. Dù có kiếp sau tôi cũng không muốn gặp bà, tôi cũng sẽ lấy vợ tôi đây. Nếu không được tôi cũng nguyện thành cây thành cỏ chứ cũng không thành với bà. Bà lo xin thầy tìm đường đi đầu thai, nếu không bà vĩnh viễn không siêu thoát”.
Bà kia tiếp tục khóc rống lên thật to đầy oán hận.
Nội nói: “bây giờ tao ở đây, nếu mày cho tao về với con tao thì mày làm gì tao cũng được”.
Bà ấy thình lình nín khóc, miệng đay nghiến: “tao muốn mổ bụng mày ra coi gan mày to cỡ nào mà dám cướp ổng khỏi tay tao?”.
Nói rồi đưa hai bàn tay móng tay nhọn hoắc đâm thẳng vào bụng nội, từ từ xé toạt ra hai bên.
Ông nội thấy thế liền tới can, nhưng ông mất chưa lâu linh khí ông không đủ để cản con ma này. Ông quỳ xuống lạy sư thầy cầu cứu.
Sư thầy từ nảy đến giờ nhắm mắt, nghe tiếng van xin ông mở miệng nói: “ta sẽ không để nó hại gì vợ ông. Nhưng hãy để hai người đàn bà ấy tự giải quyết với nhau đi, chuyện này sẽ kết thúc tại đây và không còn dây dưa gì nữa”.
Bà nội hét lên đau đớn, bụng bà toạt ra thống khổ vô cùng rồi bà cảm giác như có cái gì đè lên bụng thật nặng khiến bà không thở nổi. Bổng có một bàn tay kéo vai bà lay thật mạnh. Bà nghe văng vẳng bên tai: “Dậy, dậy Hai Đắng ơi, dậy con ơi!”.
Bàn tay ấy kéo nội về với hiện tại. Nội từ từ mở mắt, ánh sáng ban đầu chối lòa, sau đó dịu dần, nội thấy mờ mờ có bóng người đang ngồi kế bên. Khi hai mắt đã quen với anh sáng nội nhận ra là dì Hai hàng xóm.
Dì Hai qua thăm nội, cô Út đè lên bụng bà, nghe nội rên ư ử, hai mắt mấp mái nghĩ rằng nội đã tỉnh nên lay người nội dậy.
Dì Hai vội hét cho mọi người biết, rồi nói nhỏ với nội: “Ơn trời! Tụi tao đang tính chuẩn bị làm đám ma cho mày. Quần áo đã xếp sẵn hết đây rồi, mày mà không tỉnh dậy chắc mấy bữa nữa mày chết thật”.
Người nội sau 12 ngày hôn mê đã gầy quắp lại, hơi thở vẫn yếu ớt, nói năng không thành tiếng, ăn uống không được chỉ sống nhờ nước biển. Nhưng thần hồn đã trở về được với xác đã là may mắn lắm rồi. Nội nằm liệt giường cũng cả tháng sau mới khỏe lại.
…..]
Tôi lạnh người thật sự trước câu chuyện của nội. Ngày trước, nếu có kể thì nội chỉ kể đơn giản là vào ngày thứ 12, nội gặp bà Hai hàng xóm, bà hỏi hang vài câu rồi được bà Hai lay dậy. Còn chuyện bà gặp lại ông và vong ma nữ đã ám bà thì tuyệt nhiên bà không kể.
Trước đó một tháng, bà nội bị đau bụng âm ỉ. Đi khám bác sĩ tư thì bác sĩ phán rằng bà bị đau bao tử rồi cho thuốc về uống. Nhưng càng uống nhiều càng không thấy giảm. Tháng 9 năm đó, các cô đưa bà lên Chợ Rẫy để khám bệnh thì bác sĩ kết luận rằng bà bị U Gan Đa Ổ, bệnh viện trả về. Tháng 10 cùng năm thì bà mất, hưởng thọ 71 tuổi.