Những câu chuyện tâm linh qua lời kể bà ngoại em – Tác Giả bumkom
CHAP 2: Gia đình ông Thảo
Câu chuyện bắt đầu khoảng trước những năm 45 bà em năm đấy còn trẻ đã phải đi ở đợ nhà giàu nhất làng. Đấy là những năm nạn đói hoành hành khắp miền Bắc, làng bà em cũng không ngoại lệ. Bố bà em (tức ông cố) lúc đấy rất khó khăn vì làm nghề gõ đầu trẻ mà trong lúc đói kém thì ai mà cho con cháu đi học đâu. Nhà thì đói mà những 7 miệng ăn (trên bà em còn 4 anh chị em nữa) nên Ông Cố mới xin cho bà em đi ở đợ nhà ông Thảo. Được xin ở đợ nhà ông Thảo không dễ vì nhà ông có điều kiện và gia thế rất nhiều nhà muốn gửi con vào mà không được. Mà trong các nhà có của ăn của để thời điểm đó thì chỉ có nhà ông Thảo là tử tế với xóm làng nhất, mọi nhà đều kính trọng. Ông Cố em xin cho bà em được vì hồi còn nhỏ ông Thảo chính là học trò của Ông Cố em. Hôm Ông Cố em dắt bà em sang thì ông Thảo nhìn bà em hỏi vài câu là nhận lời luôn. Vì bà em dù sao cũng con nhà gia giáo, có học hành đàng hoàng nên không lo mấy khoản trộm cắp vặt hay lười nhác.
Hồi đó bà em sang mang tiếng ở đợ nhưng sống cũng khá thoải mái. Công việc chủ yếu là trông nhà, quét dọn, nấu cơm, chăm bà Thảo.
Nói về bà Thảo thì em không biết tên thật, trong lời bà em kể cũng chỉ gọi là bà Thảo. Bà này hồi đấy có thể gọi là đẹp nhất vùng, bà không phải người làng mà là người làng bên cạnh, nghe loáng thoáng là nhà cũng giàu, đám cưới gia đình hai bên môn đăng hộ đối.
Kể một chút về gia thế nhà ông Thảo cho các bác dễ hình dung. Ông Thảo có cha làm quan dưới thời Pháp, nên ông sống trong gia đình khá giả từ nhỏ, được ăn học tử tế đàng hoàng. Hồi ông đi học rồi đi thi tận trong Huế cả làng được ăn khao mừng. Gia đình ông Thảo rất được người làng quý mến vì sống chan hòa với làng xóm, có tình có nghĩa. Tuy nhà thuộc dạng địa chủ nhưng không phải dạng địa chủ bóc lột với cửa quyền như trong truyện của mấy ông + đâu ạ. Sống sau lũy tre làng mà mất dạy với cửa quyền không sống được đâu các bác, để cả làng chửi thì chỉ có nước bỏ xứ đi thôi, đời nó không như truyện.
Nhưng sau đó vì mâu thuẫn gì đó với bọn tay sai Pháp, bố ông Thảo bị chúng bắt giam bỏ tù. Không lâu sau thì chết trong tù. (Theo em phán đoán có vẻ ông này nuôi Việt Minh bị bọn Pháp phát hiện ra).
Từ lúc bố ông Thảo chết thì ông Thảo kiên quyết bỏ học về quê làm ăn. Một phần để chăm mẹ già đau ốm, một phần vì gia đình không còn ai trụ cột ngoài ông. Được một thời gian sau khi bố ông Thảo chết trong tù, thì mẹ ông cũng mất. Thế là ông chỉ còn một mình gánh vác gia đình. Với tư duy cấp tiến, học hành đàng hoàng, cùng với đó là vốn liếng, đất đai, cha để lại, ông xây dựng được cơ ngơi lớn nhất làng. Sau đó thì ông cưới được bà Thảo làng bên, một đám cưới môn đăng hộ đối.
Quay về thời điểm bà em đang ở đợ. Hồi đó cả làng biết là ông Thảo với bà Thảo bị câm (không có con) dù đã chạy chữa thầy thuốc cả Tây lẫn Ta đều bó tay. Sống với nhau lâu mà không có con khiến ông Thảo cũng chán, do đó ông Thảo hay đi chơi suốt đêm có hôm mấy ngày không về. Bà Thảo biết nhưng cũng không làm được gì chỉ khóc suốt. Từ hồi bà em chuyển đến ở đợ thì bà Thảo còn hay đi chùa, đền xin con. Cứ nghe đâu có đền với chùa thiêng cầu con cái là bà lại đi.
Nạn đói những năm đỉnh điểm, trong làng rất nhiều người chết. Ông Thảo thấy vậy cũng có mở phát gạo cứu đói nhưng cũng không ăn thua vì mùa màng thất bát, lúa dự trữ cũng lấy dùng hết. Ông Thảo cùng mấy ông trong làng gom tiền, tính vào miền nam xe lúa gạo về, vừa buôn bán vừa cứu đói cả làng.
Thời điểm đấy không có nhiều người dám làm những việc như vậy vì chi phí để vào nam rất là đắt đỏ kèm theo đó rất nhiều thủ tục nhiêu khê, thời đó gạo trong nam chuyển ra bắc bị kiểm soát rất chặt bởi bọn Pháp. Nhờ quan hệ từ thời còn đi học trong Huế nên ông Thảo mới có thể làm được việc này. Sau 2 tháng xuất hành thì ông Thảo và mười mấy đinh lực cũng về làng với rất nhiều cả lúa lẫn gạo. Ông Thảo chia phần cho các nhà theo đóng góp tiền từ trước. Một vài phần ông cũng cho cứu đói dân làng. Sau vụ này cả làng biết ơn ông Thảo rất nhiều do đó vị thế gia đình ông trong làng cũng tăng lên rất nhiều và được được nhiều người kính trọng.
Đặc biệt khi từ nam về ông có mang theo một cây trứng cá. Hồi đó cả làng chẳng ai biết là cây gì. Chỉ biết là cây có quả ăn được theo lời ông Thảo. Chính cái cây này là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều câu chuyện rùng rợn cho nhà này. (Đây cũng chính là cái cây mà trong chap 1 em nhìn thấy đứa ngồi nấp quay lưng vào gốc cây đấy ạ)
Như đã hứa với các bác. Giờ em kể cho các bác một chuyện có tí liên quan đến truyện nhà ông Th.
Ngoại truyện: Ông Đ
Nhà ông Đ cách nhà bà ngoại em khoảng 5 nhà, nhà ông cũng không khá giả gì. Quanh năm cày thuê quốc mướn, mãi đến thời kỳ cải cách ruộng đất thì nhà ông mới có ruộng để làm. Năm xưa ông Đ cũng là đinh lực cho nhà ông Th và cũng cùng ông Th vào nam cái năm đợt đói (bác nào chưa biết thì đọc chap 2). Về sau khi lấy vợ thì ông Th cũng chính là người giúp đỡ ông Đ. Nói chung là ông Đ cũng là người rất nể phục và kính trọng ông Th.
Gia đình ông Đ thì có mỗi ông và cô em gái bị câm. Cha mẹ ông mất sớm, một mình ông gồng gánh nuôi thân và nuôi em gái câm. Em gái ông bị câm nhưng cũng khá xinh xắn. Có một vài đám trong làng cũng thích cô nhưng cô đều từ chối, một phần vì muốn ở gần chăm sóc anh trai, một phần cũng sợ người ta điều tiếng. Nghe đâu cô này không phải bị câm bẩm sinh mà có một sự kiện gì đó hồi nhỏ khiến cô bị á khẩu. Gia đình cũng vì chạy chữa khắp nơi mà tiêu gia, tán sản.
Câu chuyện bắt đầu vào thời điểm ông Đ cũng đã già (em thì không được chứng kiến nhưng vụ này cả làng em đều biết nên thành ra ai cũng kể).
Hồi đấy ông Đ không còn làm đồng nữa mà để lại ruộng vườn lại cho anh A.
Nhàn rỗi không có việc gì làm ông Đ mới sinh ra cái thú nuôi và bán chim cảnh.
Buổi chiều chiều ông vẫn thường ra bìa rừng đặt bẫy, đến tầm tối thì đi thu gom chim. Thường bắt được nhất vẫn là chim sâu, thi thoảng thì được con khướu. Hồi nhỏ em qua nhà ông Đ lúc nào cũng nghe tiếng chim ríu rít.
Một hôm nọ chiều tối bắt đầu đổ mưa giông, ông lục đục chạy ra bìa rừng soát bẫy xem có dính con nào không. Phải đi thật nhanh vì nếu chim mắc bẫy mà mưa xối vào nó thì xác định là dễ bị ốm chết không nuôi được.
Ông đi về phía những cái bẫy xem hết qua một lượt thì chỉ có một con chim sâu sập bẫy. May mắn thay cái cuối cùng thì có một con khướu đầu bạc. Cả đời ông chắc khó mà bắt được lần thứ 2 giống chim này
Ông vui mừng khôn tả phóng sinh luôn con chim sẻ. Rồi bỏ con khướu đầu bạc vào lồng quả trám mang về. Đi đến giữa hết bìa rừng đến khu ruộng của làng thì trời bắt đầu đổ mưa lớn. Ông lo cho con chim bị dính mưa nên chạy cúi lom khom để che cho cái lồng. Vừa hay thì ông chạy qua một ngôi mộ, bên trên mộ có lợp 2 mái bằng lá cọ. Tiện tay ông kéo 1 cái lá xuống quấn quanh che cho cái lồng chim . Sai lầm này khiến ông suýt trả giá bằng cả mạng sống.
Tối hôm đó ông về đến nhà thì không biết vì vui mừng hay mệt mỏi mà ông không ăn cơm, treo cái lồng lên là ông tiến thằng về giường và nằm nghỉ. Anh A con trai ông cùng lúc đó cũng từ huyện về tính ăn cơm thì nghe cô câm chỉ về phía giường ông Đ và chỉ lên cái lồng ra hiệu về việc ông Đ đi bẫy chim về thì không ăn cơm mà lên giường nằm. Anh A biết chuyện thì chạy vào chỗ giường ông Đ nằm thì thấy ông đang nằm co quắp, mồ hôi trên trán nhễ nhại như người sốt, mặt thì trắng rã như kiểu ngâm nước lâu ngày, miệng hên hừ hừ. Anh A hỏi gì cũng không thấy trả lời, hoảng quá anh chạy ra ngoài hô hoán hàng xóm sang giúp đỡ.
Nghe thấy chuyện bà với ông em chạy sang, sau khi nghe anh A kể chuyện, bà em vào chỗ ông Đ nằm và gọi tên “Anh Đ ơi, anh Đ ơi, anh Đ ơi” đến tiếng thứ 3 thì thấy ông Đ bắt đầu lên cơn co giật miệng lẩm bẩm “Đừng bắt tôi, đừng bắt tôi, tha cho tôi, tha cho tôi”. Ông Đ cứ lặp đi lặp lại như vậy được một lúc thì dừng và im lặng lại quay lại tư thế co quắp người.
Bà em mới kêu cô câm và anh A đánh gió giải cảm cho ông Đ vì có thể lúc chạy mưa ông bị trúng gió cảm lạnh. Sau khi bôi giầu gió, đánh gió một lúc thì mặt ông Đ đã bớt trắng bệch như lúc đầu. Bà em mới hô mấy ông hàng xóm lấy xe máy chở ông Đ đi trạm xá.
Đến trạm xá thì y tá với bác sĩ trực đưa ông Đ vào phòng cấp cứu. Sau một hồi ông bác sỹ đi ra nói ông Đ bị tai biến hoặc xuất huyết não gì đấy, bảo là không chữa được, trả về gia đình lo hậu sự. Có một điều lạ là khi đưa ông Đ đến trạm xá cô y tá lấy đèn pin ra soi mắt ông Đ thì mắt ông trắng rã không có lòng đen. Mấy người đi cùng đến trạm xá nhìn phát sợ, họ nghĩ như kiểu ông đã chết.
Đoạn anh A và cô câm đến đưa ông Đ về nhà chuẩn bị lo hậu sự. Đêm hôm đó có ông, bà ngoại em và mấy người hàng xóm quanh đấy nữa túc trực nhà ông Đ, chờ ông tắt thở để lo hậu sự.
Đang nửa đêm chắc khoảng 12h hoặc 1h gì đó thì ông Đ lại lên cơn co giật và lẩm bẩm tiếp “Tôi xin ông, tôi xin ông, tha cho tôi, tha cho tôi…” Mọi người chạy vào đứng quanh giường ông Đ mà không khỏi hoang mang. Bình thường nếu người gần chết thì không thể giãy giụa mạnh như vậy được. Bà ngoại em mới áp sát tai ông Đ nói “Em M đây anh Đ, anh xin ai đấy, em M đây, M đây anh mở mắt ra đi, anh xin ai em xin cho”. Bà em vừa nói xong thì giọng ông Đ thay đổi. “M ơi cứu anh, M ơi cứu anh, có người bắt, có người bắt anh”
Linh tính bà em dường như mách bảo ông Đ có vẻ vẫn còn chưa chết chỉ như bị ma ám hay gì đó thôi. Người gần chết không thể nói ra những lời như vậy được.
Nói đoạn bà em quay sang nói với anh A. “A đâu, bố mày chưa chết đâu, mau gọi thầy cúng T đi”.
Anh A định bụng gọi ông T từ chiều vì đằng nào nếu ông Đ mất thì cũng phải gọi ông T tới khâm liệm với làm lễ.
Anh A cùng một người bạn nữa lên xe qua làng bên đón thầy T.
Nói về thầy T thì ông T là đồ đệ duy nhất của ông H nổi tiếng nhất vùng. Ông H này trước đây cũng đã từng cúng bái, làm lễ cho nhà ông Th. Ông H trước là người làng này nhưng không hiểu vì lý do gì sau khi học nghề thầy cúng xong thì chuyển nhà sang làng bên cạnh. Rất ít khi ông H về làng, ngoại trừ những việc liên quan đến cúng bái, lễ lạt mời ông thì ông mới đến. Và ông đến cúng xong thì cũng về ngay không nán lại nhiều. Người làng cũng không tiện hỏi, có người hỏi thì ông cũng ậm ờ cho qua chuyện.
Quay về việc ông Đ. Anh A đi khoảng 15p thì quay lại chở theo ông T kẹp giữa. Trên hai tay ông T là 2 túi đồ nghề. Ông T mặc bộ quần áo chàm của mấy ông thầy cúng hay mặc. Vừa xuống xe, bà em đưa ông T vào ngay chỗ ông Đ nằm.
Nhìn thấy ông Đ phát ông T giật mình luôn.
Vừa nhìn thấy ông Đ, ông T giật mình. “Bị từ bao giờ thế này”. Anh A đứng cạnh mới bắt đầu kể đầu đuôi câu chuyện.
Nghe xong ông T quay ra chỗ lồng chim xem con chim ông Đ bắt được. Ông gỡ lớp lá cọ khô bao quanh lồng ra thì thấy con khướu đầu bạc. Ông cầm con chim phóng sinh lên trời, rồi cầm cái lá cọ lót lồng xoay qua xoay lại nhìn. Ông bắt đầu bấm độn một lúc lại quay ra chỗ ông Đ nằm xoa đầu ông Đ. Bất thình lình ông T bắt chặt 2 thái dương ông Đ rồi hỏi. “Anh Đ, tôi T đây, tôi đến cứu anh”. Ông Đ bắt đầu chảy nước mắt “Cứu tôi, cứu tôi”. Ông T hỏi tiếp. “Anh lấy lá cọ ở đâu ? Lá cọ ở đâu ?”, Ông Đ đáp “Ngôi mộ bìa rừng, cứu tôi, cứu tôi”. Đoạn anh A giật mình “Cháu biết rồi ngôi mộ có lán ngoài bìa rừng? Hôm trước đi bắt chim với bố cháu cháu có nhìn thấy !”.
Ông T thúc giục “Đưa tao ra chỗ đó ngay. Mang theo vàng hương đi”.
Anh A chở ông T và bạn anh A kẹp 3 ra chỗ ngôi mộ ngoài bìa rừng. Đến nơi ông T lấy cái lá cọ chỗ chuồng chim lót vào chỗ hở trên lán. Châm hương nghi ngút thắp lên mộ. Tay bắt ấn rồi rầm rầm cầu khấn, được một lúc ông lấy 2 đồng tiền đài tung vào cái đĩa. Tung đến lần thứ 3 lần nào cũng cả 2 đồng sấp. Ông vái 3 vái trước mộ và bắt anh A hóa vàng rồi ra về. Trên đường ông kể với anh A. “Bố mày mắc lỗi lớn với người ta rồi. Giờ người ta bắt xuống theo, khó cứu lắm. Người này là có chức sắc bên dưới chứ không đơn giản đâu.”.
Về đến nhà thì thấy mọi người đang ngồi ngoài sân chờ. Bà em sốt sắng hỏi “Thế nào rồi ông T”. Thì thấy ông T lắc đầu tiến về phía giường ông Đ. Anh A kể lại những việc vừa xảy ra và lời ông T nói trên đường về nhà.
Bà em nghe xong, chạy vào chỗ ông T ngồi “Giờ không có cách nào cứu được sao ông ơi”. Ông T ngồi trầm ngâm suy nghĩ một lúc thì trả lời “Còn một cách, nhưng cách này thì 50-50 thôi không chắc là có được không ?”
Anh A lên tiếng “Còn nước còn tát, ông cứu bố cháu, dù một tia hy vọng cũng được ạ”.
Ông T “Giờ chỉ còn một thuật cuối cùng có thể cứu được ông Đ”
(Thuật này em không nhớ tên, nhưng bố em cũng đã từng chứng kiến thuật này. Bố em bảo phải pháp sư cao tay lắm mới dám làm vì thuật này có thể cứu người cũng có thể gián tiếp giết người, nếu pháp sư không cao tay thì coi như là chết luôn )
Nói đoạn ông T kêu anh A đi mua ngay một cỗ quan tài, vàng tiền đầy đủ, vải vóc khâm liệm như người chết. Anh A cùng mấy ông hàng xóm chia nhau ra mua đồ. Ông bà em cũng giúp đỡ một tay, tắm rửa sạch sẽ cho ông Đ.
Sau khi tập hợp đủ đồ và hòm thì ông Đ bấm độn chọn giờ khâm liệm.
(Bố em kể thuật này dạng như coi người bị ám như là một người chết để lừa cho người âm kéo xuống kia)
Khoảng 6h sáng hôm sau thì gia đình bắt đầu khâm liệm ông Đ chỉ khác là không kèn không trống, con cháu phải khóc như là ông Đ chết thật
Chỉ khác là không được đóng nắp hòm, và thi thoảng 5, 10p thì phải có người đến nhỏ vào mồm ông Đ, 3 giọt nước.
Ông T thì sau khi khâm liệm đã gọi thêm 1 đệ tử tới phụ ông làm lễ cúng.
Lễ cúng diễn ra liên tục trong vòng 3 ngày. (Lễ này là để chống lại âm binh đến mang hồn người chết đi).
Trước đó ông T có dặn sau 3 ngày 3 đêm mà ông T không tỉnh thì chắc chắn là chết hẳn lúc đấy thì chỉ có đóng hòm mang đi chôn, và phải làm lễ lớn tương tự như lễ cắt trùng để ông Đ không về bắt người thân gia đình.
Có một chuyện xảy ra trong đêm thứ 2, đó là đêm mà chị câm được phân ngồi canh hòm và nhỏ nước vào mồm ông Đ. Đang nửa đêm mọi người đang ngủ để chuẩn bị cho lễ sáng mai thì chị câm bỗng ú a, ú ơ, quay mặt cổng khóc lóc, qùy lạy, vừa lạy vừa ú a, ú ớ. Mọi người tỉnh dậy nhìn ra cổng thì chẳng thấy gì, hỏi chị câm thì chị cứ chỉ tay về phía cổng ú ớ rồi lại quỳ lạy. Anh A chạy đến chị câm mới dùng ám hiệu bằng tay kể cho anh A. Anh A thuật lại là chị câm nhìn mấy một đoàn khoảng 10 người cả nam lẫn nữ đứng trước cổng nhà, mặt hằm hằm chỉ vào cỗ quan tài, miệng luôn mồm “Mày phải chết, tao phải bắt mày theo…”
Được một lúc thì đoàn người bỏ đi mất. Mọi người nghe xong thì thấy lạnh sống lưng một người chạy lại gọi ông T dậy và thuật lại chuyện vừa xảy ra. Ông T tay lại bấm độn, một lúc thì lên tiếng “Không có gì đâu, họ đến hù dọa thôi. Hôm nay không phải ngày xấu, khó mà bắt người. Với cả tôi đã dán bùa trước cổng rồi. Ma quỷ không dám xâm phạm đâu”.
Đến chiều tối thứ 3 thì ông Đ bắt đầu có dấu hiệu sống lại. Miệng lắp bắp nói chuyện. Anh A đứng ngay gần quan tài gọi “Bố ơi bố, bố ơi bố”.
Ông Đ đáp nhỏ “Bố mệt quá A ơi, bố mệt quá A ơi” lúc này ô T từ ngoài sân phi vào. Áp sát tai vào quan tài và gọi “Ông Đ tỉnh dậy đi sáng rồi, ông Đ tỉnh dậy đi sáng rồi, ông Đ tỉnh dậy đi sáng rồi” gọi đến tiếng thứ 3 thì ông Đ mở mắt ra.
Ông T lệnh cho tất cả mọi người tắt hết nến nhang, đèn, dẹp hết đồ thờ vứt xuống sông, còn hòm đem đi đốt. Anh A bế ông Đ lên giường nằm, dường như ông Đ đã tỉnh lại và nói với mọi người “Mọi người đã cứu tôi”. Nhìn ông Đ lúc này giống như người từ cõi chết trở về, thoi thóp, mệt mỏi.
Ông T vào giường bấm huyệt cho ông Đ thì bảo anh A.
“Bố mày qua khỏi đại nạn rồi, nhờ có phúc tổ tiên đấy. Mau nấu gì tẩm bổ đi để ông Đ còn hồi phục sức khỏe. À còn một điều nữa chuẩn bị một cái lễ lớn ngày rằm tháng này để cúng ngôi mộ bìa rừng”.
Đúng là đại nạn không chết, ông Đ phục hồi sức khỏe rất nhanh. Mấy hôm sau đã thấy đi loăng quăng rồi.
Một lần bà em gọi ông Đ vào uống nước mới gặng hỏi chuyện ông.
Ông kể như sau.
Cái tối mà ông đi bắt chim về treo được cái lồng lên thì đầu óc ông quay cuồng choáng váng. Ông đi thẳng vào giường nằm nghỉ, được một lúc thì thấy xung quanh lạnh toát, mọi thứ xung quanh tối sầm lại như người mù, ông bắt đầu nghe được những tiếng văng vẳng xung quanh “Mày phá nhà tao, mày phá nhà tao, mày phải chết, mày phải chết”. Rồi ông cứ lìm dần, lịm dần, đến lúc không biết gì cả. Một lúc sau thì ông như choàng tỉnh trong một không gian tối đen như mực, ông không hiểu điều gì đang xảy ra thì trong bóng tối có mấy người bận đồ trắng toát bao vây lấy ông chỉ thẳng tay vào mặt ông và chửi “Mày phá nhà tao, mày phá nhà tao”. Ông lúc này chợt nhớ đến ngôi mộ có cái lán thì hiểu ra vấn đề ông mới quỳ xuống “Tôi xin các ngài tha cho tôi” ông nhắc đi nhắc lại nhưng đám người kia vẫn hung tợn lao tới chửi rủa. “Mày tên gì, mày nhà nào mà láo vậy”, “Khai mau mày tên gì” ông Đ không dám khai tên vì khai tên ra sợ họ bắt đi luôn Mãi sau thì ông nghe văng vẳng tiếng bà em thì ông mới cố hét lên “M ơi cứu anh, M ơi cứu anh, có người bắt, có người bắt anh” ông cứ thế hét trong vô vọng. Một lúc sau thì ông mệt quá lại lịm đi. Lúc sau thì ông lại nghe thấy tiếng ông T văng vẳng, lúc này ông lại hét lên xin cầu cứu
Lúc này thì đám người mặc đồ trắng đã không còn vây lấy ông nữa. Nhưng tiếng họ vấn rần rần bên tai. Ông cứ thế ngồi co ro trong xung quanh tối như mực và khóc, vừa run vừa sợ. Cứ như vậy cho đến lúc trước lúc ông tỉnh thì ông thấy bố mẹ ông xuất hiện từ trong bóng tối. Không nói gì đến dắt tay ông đưa vào sâu bóng tối, ông mới hỏi “Bố mẹ đưa con đi đâu thế ?” thì đúng lúc này là lúc ông nghe thấy tiếng anh A gọi “Bố ơi” thế là ông mở mắt ra.
Còn truyện cái lễ ngoài mộ thì cũng chả có gì đặc biệt nên em không kể đến.