Home Seo Quỷ Tiết ( Tết Ma Quỷ )

Quỷ Tiết ( Tết Ma Quỷ )

Tết Ma Quỷ 2

Ba vỗ vỗ tôi, nói: “Đi ngủ sớm đi, sẽ không có chuyện gìđâu.”

Ba nói vậy tôi càng khẳng định là “có chuyện”, hơn nữa là chuyện tất cả mọi người đều biết, chỉ giấu một mình tôi thôi. Tôi nhìn cái thứ giống hệt thứ cột ở chân đứa bé trên tay mình, trong lòng lờ mờ nghĩ ra. Cho dù tôi là đứa theo chủ nghĩa duy vật do Đảng bồi dưỡng ra nhưng vẫn thỉnh thoảng có xem phim ma. Mấy thứ này đều dùng để trừ tà, cộng với nghề chính của ông nội thì không khó liên tưởng. Trong lòng tôi “Xì!” một tiếng, muốn làm thì cũng phải như trong ti vi, lấy hẳn nào là kiếm gỗ đào, đốt bùa rung chuông gì gì đó đi chứ. Chỉ có mỗi cái vòng tay vòng chân kiểu này, mấy sạp hàng vỉa hè trên phố bán đầy. Có điều đây là sinh kế của gia tộc, tôi cũng chả ngốc tới mức tự đi bóc trần người ta, thế là cũng không nói gì.

Trở lại phòng, vừa đóng cửa là thấy luôn thùng tiểu sau cửa, xem ra tối nay tôi không ra khỏi phòng này được rồi. Sau cửa còn treo một loại cây cỏ tôi không biết, rất thơm, có vẻ như có tác dụng an thần. Tôi nghĩ lúc về nhớ nói ba mang theo về một ít, để trong tủ quần áo thay cho túi thơm.

Thím bế con đi tới đi lui trong phòng, chắc đang dỗ thằng bé ngủ. Bà bầu vốn rất dễ nóng, phòng có mở quạt điện nhưng cửa sổ lại đóng.Tôi đi sang đang tính mở cửa sổ thì nghe thím nói: “Ông nội bảo không được mở cửa sổ.”

“Vì sao chứ? Như vầy rất ngộp.” Mà thật ra cũng không phải quá oi bức, nhà gạch xanh có một ưu điểm là đông ấm hè mát. Hiện tại loại nhà này rất hiếm gặp, hầu hết đều được bảo vệ như hiện vật văn hóa.

Ngay khi nói ra mấy câu đó, tôi đồng thời nhìn thấy bên bệ cửa sổ một pho tượng Quan Âm. Tượng chặn lên một tờ giấy đỏ, mặt tượng quay ra ngoài cửa sổ. Cái này lúc tôi ngủ trưa trong đây đâu có thấy, coi bộ là có người bỏ vào lúc tôi ra ăn cơm chiều. Ngay cả then cài cửa sổ cũng đổi thành một nhánh đào.

“Ông nội bảo không được mở cửa sổ.” Thím lại nói lần nữa. Tôi cũng không tiện chống đối, đành về giường nằm.

Nhất thời chưa ngủ được, tôi ôm gối, ngồi trên giường hỏi thím về đứa bé, từ tên, sinh hoạt thường ngày đến cả đề tài sinh nở. Tôi vốn định xen vào ít câu hỏi han nhưng những lúc đó thím lại cố ý nghe không hiểu tôi nói gì, tóm lại nhất quyết không nói cho tôi biết những việc lạ này rốt cuộc là thế nào.

Không ai nói, tôi chỉ có thể đoán mò, không gì ngoài việc những người này tin tưởng ông nội, đồng ý cùng ông nội làm phép. Mà mấy nghi thức cúng bái làm lễ đều liên quan đến đứa bé này, thì hẳn là chuyện đó sẽ de dọa đến đứa bé rồi, bằng không sao mẹ nó lẫn bà nội nó lại khóc từ sáng tới tối như vậy?

Trong khi tôi còn đang ra sức suy đoán, đứa bé đã ngủ.Thím đặt con ở đầu giường, lấy từ túi áo ra một quả cân nhỏ đặt bên chân đứa bé,để đôi chân trân của nó luồn qua sợi thừng buộc trên đầu quả cân. Rồi thím cứ vậy ngồi bên cạnh con, kiểu như tối nay không định ngủ.

Tôi hỏi: “Sao phải để quả cân như vậy?”

Cứ tưởng thím vẫn sẽ vờ như không nghe, nhưng sau một lát,tôi nghe thím nói nhỏ: “Ông nội nói, quả cân thăng bằng giữa âm dương, sẽ chặn hồn con tôi.”

Sau đó thím lại thút thít khóc lên, làm tôi cũng không dám hỏi nhiều. Xem ra tôi đoán đúng! Chuyện này rõ ràng có liên quan đến đứa bé. Chặn hồn con? Tức là sẽ có người đến cướp hồn đứa bé, nên mới phải nhân lúc nó nhập mộng dùng một quả cân chặn lại, không cho ai cướp đi. Chỉ là đứa bé còn nhỏ như vậy, kẻ nào sẽ tới cướp chứ?

“Thím tin cái này à?” Tôi hỏi.

Thím nhìn tôi, vẫn im lặng không nói.

Bà bầu dễ mệt, thím không định ngủ chứ tôi thì không được vậy, ôm gối ôm chỉ một lát là ngủ. Hoàn cảnh xa lạ, đèn vẫn sáng, nhưng tôi vẫn như cũ ngủ luôn.

Cũng không biết ngủ bao lâu, chỉ biết tôi mệt nên ngủ rất sâu, thẳng đến bị tiếng khóc trẻ con đánh thức. Phần đông con nít mỗi tối đều dậy mấy lần. Đi tè, đói, lạnh… kiểu nào cũng sẽ dậy.

Lúc tôi mở mắt, thấy thím đang ôm con, cố gắng nhét núm vú nhét vào miệng bé. Nhưng đứa bé không chịu bú, chỉ ra sức khóc, hoàn toàn không giống vẻ ngoan ngoãn ban ngày.

Bên ngoài chó cũng sủa như điên. Nông thôn mà, nhà nhà đều nuôi chó, chó nhà ông nội vừa sủa, chó cách vách cũng sủa hết. Chỉ trong chốc lát, chó cả làng đều sủa vang.

Thím tựa hồ hoảng lên, ôm chặt con trong lòng, ra sức rung dỗ. Tôi ban ngày đã mệt, giờ lại muốn ngủ cũng không được ngủ, mắt còn chưa mở hết đã hướng về cửa sổ gào lên: “Có cho người ta ngủ không hả! Con chó nào còn sủa nữa mai tao làm lẩu hết!”

Con nít khóc còn thông cảm được. Bởi vì chính con tôi mấy tháng nữa là chào đời, tôi cũng mong khi con tôi khóc cũng được người khác thông cảm. Nhưng mà chó sủa thì không thông cảm được! Từ nhỏ tôi sống trong thành phố, ở khu dân cư nhỏ, không gần ngã tư đường, vào đêm rất an tĩnh, bây giờ nhiều chó sủa như vậy thật sự là khỏi ngủ luôn.

Ai biết tôi vừa rống lên như vậy, hình như cửa sổ bỗng có một tiếng “Bộp”, ngay sau đó, lũ chó bên ngoài đồng loạt không sủa nữa. Chỉ chốc lát mọi thứ lại yên tĩnh.

Tôi cười một cái, nói với thím: “Chó làng này nghe hiểu được tiếng người ha. Đều sợ bị làm lẩu.”

Lúc này, đứa bé cũng không khóc nữa, ngoan ngoãn bú mẹ,hai mắt nhắm tịt. Tôi cũng ôm gối ôm, lim dim mắt xem hai mẹ con, ngủ tiếp.

Nặng nề ngủ một buổi tối, sáng hôm sau lúc tôi tỉnh dậy thì mặt trời đã lên cao. Thím ôm con ngồi bên giường còn bà bê cháo đút cho bé.Thấy tôi dậy, bà liên tục nói với tôi những lời tôi nghe không hiểu, còn thêm một cái cúi đầu thật mạnh.

Thím do dự một lát mới nói với tôi: “Bà nói, cám ơn cháu chuyện tối qua.”

Tối hôm qua tôi có làm gì đâu. Chỉ là cùng cháu nội của bà ấy ngủ một giấc, cộng thêm gào rống đám chó trong làng một chút thôi mà? Rời giường rồi, cũng giống như ngày hôm qua, tôi đi đâu thím bế con theo đấy.

Có điều, tôi phát hiện bên ngoài cửa là một mảng ướt đầm đìa, như đã bị tạt nước vậy. Đã thế nước đó còn có mùi thơm, tôi đoán là mùi bưởi.

Mùi này tôi còn ngửi thấy lần nữa khi ăn sáng xong, ông nội dùng lá bưởi nhúng nước, vẩy quanh đứa bé, còn thì thào nói gì đó. Mà bọn họ chuẩn bị cho tôi bữa sáng nào là cháo gà, nào là nho, thật có chút cảm giác được đối xử như đại tiểu thư.

Ăn sáng xong tôi tìm gặp ba, trực tiếp hỏi ông chuyện này là thế nào? Nếu ông không nói tôi sẽ tự mình về thành phố. Chứ chuyện mọi người đều biết mà chỉ giấu mỗi mình tôi, tôi thấy khó chịu.

Ba sầm mặt, nói: “Bảo con làm gì thì làm cái đó đi. Nhiều chuyện làm gì?”

Tôi nghe giọng ông như vậy, mặt xị xuống, vỗ vỗ cái bụng to nói với baby của tôi: “Cục cưng, đi thôi! Má mang con về với ba. Ông ngoại la mẹ con mình kìa.”

Ba chỉ có mình tôi là con gái, cưng chiều từ nhỏ đến giờ,vừa nghe tôi nói vậy mặt lập tức chuyển cười: “Thôi mà, con gái ngoan, đừng như vậy mà. Tại ba lo con sẽ sợ. Mà thật ra cũng có gì đâu.” Ông lại do dự một chút, rồi mới nói, “Mấy chuyện về “thứ đó”, không phải con trước giờ không chịu tin sao. Có nói cũng như không.”

Tôi hừ một cái rồi ra ghế ở phòng khách nằm dài ăn nho.Đứa bé nằm trong cũi em bé ngay bên cạnh, thím ngồi cạnh bé, nhìn tôi, một lúc sau mới nói: “Cháu đừng giận, cũng đều vì cứu con thím thôi. Thím… Bọn họ dặn trước tiên đừng nói cho cháu biết, kẻo lỡ đâu cháu sợ hãi, hỏa khí sẽ yếu đi. Đợi chuyện qua rồi thím nhất định sẽ hết sức cảm ơn cháu.”

Tôi cũng chẳng nói gì, đối với người mẹ hết lòng vì con này tôi cũng không thế nói nổi những lời gai góc. Có điều bọn họ không nói với tôi,không có nghĩa là tôi không biết gì hết. Tôi lấy điện thoại ra search. Phải biết bà Độ* là cực kỳ lợi hại, người ta XX thay cái quần lót bả còn biết nữa là.

(*nguyên văn “Độ nương”, vốn là tiếng địa phương vùng Chiết Giang dùng để gọi những cô gái trẻ chưa chồng, nhưng hiện nay được giới trẻ TQ dùng để gọi trang tìm kiếm Baidu (bách độ) của TQ, giống như giới trẻ VN hay gọi Google là “anh Gúc”)

Tôi gõ vào mấy từ khóa, rất nhanh nhận được kết quả. Dây len đỏ, tiền xu cổ, gỗ đào đeo lên người đứa bé là để tránh ma quỷ, quả cân dùng để trấn hồn, không cho kẻ khác cướp đi, tượng Quan Âm trước giường cũng là để tránh ma quỷ. Coi bộ là để ngăn thứ gì đó vào phòng qua đường cửa sổ.
Thứ cỏ thơm sau cửa cũng là một loại cây bản địa, trên mạng nói loại cây thân thảo này vốn sinh trưởng tại địa phủ, có thể ngăn bớt quỷ khí. Cho nên ma quỷ không dám tới gần mùi hương này.

Bưởi cũng có tác dụng trừ tà. Giống như hiện tại ở vài vùng nông thôn, khi đi dự đám tang, gia chủ cũng chuẩn bị sẵn nước lá bưởi để khách đến viếng rửa tay. Sáng nay ông nội dùng nước lá bưởi là để quét sạch tà khí cho đứa trẻ.

Vậy sao lại lấy nước bưởi tạt trước cửa sổ?

Có chuyện để làm, thấy ngày trôi qua nhanh hơn nhiều. Tới tối, lúc đi ngủ tôi vẫn tiếp tục dò hỏi thím, hỏi nhiều thím chỉ bảo tôi đừng hỏi nữa. Thấy thím mấy ngày này không ngủ được, vẻ mặt mệt mỏi, tôi cũng không tiện quấy rầy. Thôi ngủ sớm đi.

Tuy tôi không tin mấy “thứ” đó nhưng không có nghĩa rằng tôi không tò mò, Hỏi nhiều như mà không thu được chút đáp án, thật khiến người ta ngột ngạt.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận