Home Seo Quỷ Tiết ( Tết Ma Quỷ )

Quỷ Tiết ( Tết Ma Quỷ )

Tết Ma Quỷ 3

Nửa đêm tôi lại bị tiếng trẻ con khóc lẫn tiếng chó sủa đánh thức. Phải biết vụ bà bầu cực kỳ nóng tính, dễ bực mình là chuyện “nổi tiếng” đã lâu. Bực bội quá tôi mới hướng ra phía cửa sổ mắng: “Sủa sủa sủa cái gì! Ngày mai tao làm lẩu hết! Tao nói được thì làm được!”

“Rầm!”

Tôi vừa kêu dứt lời, tượng Quan Âm trên bệ cửa sổ ngã xuống, may mà chưa bể. Nghe nói đây là cái tượng được đặt cao nhất trong gian để bài vị tổ tiên, bể một cái dám ông nội khóc luôn. Vì phòng vẫn mở đèn, lúc đó tôi cũng đã ngồi dậy nên thấy rất rõ tượng tự ngã mà không có bất kỳ cái gì tác động tới.

Cửa sổ phòng đóng kín, không thể có gió. Mà dù cho có gió thì cũng không thể thổi ngã loại tượng đất nặn nặng trịch này.

Thím thấy tượng Quan Âm ngã xuống thì hoảng sợ kêu to một tiếng, ôm chặt đứa bé đã dần nín khóc. Tiếng chó sủa cũng ngưng. Lòng tôi lại thất kinh! Quên béng mất vụ này! Chó sủa! Không phải người ta thường nói chó có thể thấy được rất nhiều thứ mà người nhìn không thấy đó sao? Có phải “thứ đó” tới nên chó mới sủa?

Vậy “thứ đó” ở nơi nào? Tối hôm qua lúc tôi hét lên, quả thật có nghe một tiếng “Bịch!” ngoài cửa sổ. Tối nay thì tượng Quan Âm trực tiếp rớt xuống. “Thứ” đó… ở ngoài cửa sổ… muốn vào đây!

Mấy loại chuyện này tin hay không và sợ hay không là hai chuyện hoàn toàn khác biệt! Tôi không tin! Nhưng cái không khí này khiến tôi không thể không sợ hãi. Cũng như một người xem phim ma vậy, biết rõ rành rành là giả nhưng vẫn sợ vô cùng.

Tôi cũng hoảng, không dám xuống giường đi nhặt tượng Quan Âm, càng không có gan ra khỏi phòng xem. Chỉ vội vàng nói “bé không khóc nữa thì
thôi ngủ đi” rồi ôm gối ôm của tôi, nhắm mắt lại giả ngủ. Lát sau cũng thành ngủ thật.

Dù sao trong lòng có chuyện nên hôm sau vừa nghe trong nhà có người dậy là tôi cũng tỉnh luôn. Lúc đó trời vẫn còn trắng bàng bạc, tôi thấy ông nội đi múc nước, ra vườn hái mấy lá bưởi bỏ vào ngâm rồi đến bên cửa sổ phòng tôi.

Tôi cũng vội vã đi theo, thì thấy trên mặt đất bùn có thật thật nhiều dấu chân, giống như có người đã đi tới đi lui ở đây rất nhiều lần. Ông nội thấy tôi, than thở gì tôi không biết rồi dùng nước lá bưởi ấy tạt mất mấy dấu chân kia.

Tôi còn chưa kịp nhìn rõ, ổng đã ra tay thật nhanh. Nguyên xô nước lá tạt ra hết.

Có lẽ chỉ là có tên biến thái nào đó tối tối đến rình xem tôi ngủ thôi. Lòng tôi thầm tự an ủi mình, nhưng tôi biết đó chỉ là an ủi. Dây đỏ, đồng xu cổ, nhánh đào trên cổ tay tôi luôn nhắc nhở với tôi chuyện này là thật, chỉ có tôi không muốn tin thôi.

Ban ngày tôi vẫn như cũ là đại tiểu thư của nhà này, mấy ông chú cũng không dám lạnh nhạt với tôi, đem hết ti vi màu, ăng-ten chảo vv… đều dời tới nhà thờ họ cho tôi hưởng thụ. Hai ngày ăn gà mái cũng chán, ông nội tự phân công các chú đi bắt chim. Tới bữa khuya ngày thứ ba tôi được ăn cháo chim ngọt lịm. Thím còn nói, ở nông thôn này bà bầu được ăn cháo chim là đãi ngộ rất tốt. Cái này tốt cho em bé nên tôi không nhịn được ăn nhiều một chút.

Ăn no quá lại thành ra khó ngủ. Tôi thừa dịp mọi người còn ở đây, không có gì phải sợ để đi xuống bếp xin một ít bột mì rồi rải trước cửa sổ, chỗ hồi sáng tôi thấy dấu chân. Tôi không muốn cả đời cứ phải băn khoăn về việc này nên phải dùng phương pháp của chính mình để chứng thực, cho dù thực sự tôi không muốn tin. Haiz, con người đúng là mâu thuẫn mà.

Thím bế con, vẫn luôn đi theo sau tôi, cũng không biết tôi đang làm gì. Ông nội chú ý thấy, cũng không nói gì. Ba tới bảo tôi mau đi ngủ cho yên, đừng nghĩ ngợi gì hết. Hết đêm nay, ngày mai là về thành phố liền.

Không biết là vì ăn quá no hay vì quá hồi hộp mà tôi cứ thế không ngủ được. Ước chừng thời gian đã đến giờ hai đêm trước chó sủa nhưng trong làng không hề nghe một tiếng nào.

Thím vẫn như cũ khẩn trương không dám ngủ, chỉ ngồi dựa vào tường, nắm chặt tay con, mắt khép lim dim. Lúc thím giật mình dậy, thấy tôi vẫn mở to mắt, nhìn chằm chằm hướng cửa sổ.

“Mau ngủ đi.” Thím nói.

Tôi nằm trên giường, hỏi: “Thím, sao chó trong làng ham ngủ dữ vậy. Không chịu gác đêm.” Hai tối trước còn bực mình vì tiếng chó sủa, tối nay không có lại thấy không quen.

Thức tới hơn nửa đêm, cuối cùng tôi vẫn mơ mơ màng màng ngủ. Vì ngủ không say nên khi nghe có tiếng người lấy nước ngoài cửa sổ tôi vội vàng kêu lên: “Đừng dội nước! Để con nhìn xem!”

Đang là bà bầu nên tôi không chạy nhanh được, chỉ có thể kêu trước rồi ôm bụng từ từ đi ra ngoài.

Ngoài cửa sổ, người đang bê nước lá bưởi vẫn là ông nội tôi. Ông cũng không hiểu tôi nói gì, chỉ là tôi gọi thì ông dừng tay thôi. Tôi đi ra, ngồi xuống nhìn chỗ bột mì mà ngẩn người.

Trên lớp bột mì, cũng như trước, xuất hiện rất nhiều dấu chân. Chú ý: Chỉ trên bột mì mới có dấu chân! Nếu người đó đi bằng chân thì khi rời khỏi đây, đáy giày nhất định sẽ dính bột và tôi có thể lần theo để biết kẻ đó là ai. Nhưng ở đây không hề có một dấu bột nào ở vùng đất ngoài phần tôi
đã rải. Vậy thì kẻ đã để lại những dấu chân này rời đi bằng cách nào? Chẳng lẽ không dùng cách bước đi, mà là… Tôi không dám nghĩ nữa, không kìm được rùng mình một cái.

Lúc này, một ông chú hấp tấp chạy vào cổng, tôi sợ bị va phải nên chống tường đứng dậy. Nghe chú vội vàng nói với ông nội cái gì đó, rồi ông nội cũng theo chú ra cổng, tôi nghi ngờ cũng đi theo xem. Con chó vàng nhà ông đã mõm đầy máu tươi, chết trước cổng. Nhà cách vách, ông lão hàng xóm cũng đang ôm con chó nhà mình đã chết, hình như đang cãi nhau với ông nội.

Tôi nghĩ, có lẽ tối hôm qua không nghe tiếng chó sủa là bởi vì cái “thứ” đã để lại dấu chân trên bột mì đã giết hết chó trong cả thôn.

Ba vỗ vỗ bờ vai tôi, nói: “Đừng nhìn nữa, dọn đồ đi, chúng ta ăn sáng xong là về.”

Lúc về, bà nội lại hệt như lúc tôi vừa mới tới, quỳ trước mặt tôi, nói to gì đó bằng tiếng địa phương. Tôi không hiểu nhưng đoán có lẽ cũng là mấy lời cám ơn gì đó.

Ông nội bảo tôi bứt xuống năm cọng tóc, dùng dây len đỏ cùng tóc tôi bện thành một sợi lắc, cột vào cổ tay đứa bé kia.

Lên xe rồi tôi mới nói với ba: “Giờ có thể cho con biết được rồi chứ. Có điều… có lẽ con cũng đoán được một chút.”

“Con đoán được cái gì?” Ba cười nói.

Tôi vừa ăn nho mọi người tặng vừa nói: “Đứa bé đó bị ma bám, muốn bắt nó đi luôn, đúng không? Cho nên ông nội mới dùng nhánh đào, tiền cổ, len đỏ bện thành dây cột vào chân nó tránh ma quỷ. Cửa phòng treo cỏ thơm cũng là để chặn không cho “thứ đó” vào. Tượng Quan Âm, chốt nhánh đào trên cửa sổ đều là để chặn “thứ” đó, quả cân dùng để trấn hồn. Mỗi sáng ông nội đều dùng nước lá bưởi rửa hết tà khí “thứ đó” để lại trước cửa sổ. Bột mì con rải tối qua đã chứng minh tuyệt đối không phải do con người làm ra. Đương nhiên là loại trừ ý tưởng kỹ xảo làm phim nha. Coi kìa, cả chó cũng chết, chứng tỏ “thứ đó” rất lợi hại”. Tôi chỉ cảnh tượng trôi qua ngoài cửa kính xe, tình trạng chó nhà đó chết giống hệt ở nhà ông nội.

“Nói hay lắm, kỳ thực nếu con là con trai, học được chút nghề của ông nội, tuyệt đối là người trong nghề đấy.”

“Nhưng con vẫn không hiểu, chuyện này thì dính dáng gì đến con? Sao lại lôi con vào?” Tôi nhấc tay, nhìn chằm chằm vào đồng xu cột trên đó, chậm rãi thì thào “Thật ra con có chút tin “thứ đó” tồn tại rồi.”

Ba tôi giải thích: “Con vốn có mạng “thuần dương” của con trai, việc này lúc con còn chưa chào đời ông nội đã tính ra. Có điều, người tính không bằng trời tính, con lại là con gái. Bố đứa em họ đó của con gặp tại nạn xe cộ, chết từ nửa năm trước. Nó vừa chết chưa đầy ba ngày thì em họ con chào đời. Thế là nó nghĩ đứa bé này khắc chết nó, nên thừa dịp Tết Ma Quỷ này quay về, muốn mang con đi. Bà nội chỉ có đứa cháu trai duy nhất này, sao có thể để nó đi theo con mình đi chết, nên mới tìm cách giữ cho qua mấy ngày này. Ông nội nhớ đến con, nghe nói con đang mang thai, nằng nặc đòi gọi con về ở cùng đứa bé mấy ngày này. Trong giới phong thủy, thai phụ được tính là “quái vật bốn mắt” (hai mắt của mẹ, hai mắt của đứa bé trong bụng), hơn nữa thai phụ có “hỏa khí*” rất lớn, tất cả những “thứ” không sạch sẽ đều không dám đến gần thai phụ, ngay cả một vài em bé tuổi quá nhỏ, bị thai phụ bế rồi sẽ khóc to, phát sốt. Cộng thêm con là mạng thuần dương, “thứ đó” sẽ không dám tới gần con, mà cũng không đủ khả năng đến khu vực quanh con. Nhờ vậy mới bảo vệ được em họ con đó.”

(* Trong tiếng TQ, “hỏa khí lớn” là chỉ những người tính tình nóng nảy, theo phong thủy là do “mang thuộc tính lửa” trong người – ND)

“Con còn thành yêu quái nữa à. Vậy còn bứt tóc con làm gì?” Nhờ đến vừa rồi bị bứt năm cọng tóc, tới giờ da đầu còn đau đây.

“Em họ con còn nhỏ quá, mấy hôm nay liên tục ở sát bên con, mệnh cách của nó cũng bị hao tổn, nên phải dùng mấy cọng tóc của con để giải cái này.”

Dù không quá tường tận nhưng cũng coi như hiểu sơ sơ, tôi tiếp tục ăn nho, hỏi ba: “Vậy sang năm tình sao? Con lại bầu đứa nữa? Năm sau nữa chẳng lẽ lại tới tìm con?”

“Sang năm, có lẽ bố đứa bé sẽ đi đầu thai rồi.”

Dù gì chuyện cũng chẳng liên quan tới tôi, tôi nhắm mắt định ngủ một chút. Nhưng bỗng nhiêu cảm thấy sống lưng lạnh buốt, toàn thân đều nổi da gà.

Hết

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận