Home Truyện Ma Thành Viên RA TÒA VÌ…QUỶ NHẬP TRÀNG – Tác Giả nguyễn minh chí

RA TÒA VÌ…QUỶ NHẬP TRÀNG – Tác Giả nguyễn minh chí

RA TÒA VÌ…QUỶ NHẬP TRÀNG!
Nguyễn Minh Chí

Năm 1969, vùng Phú Lâm vẫn còn hoang vu lắm. Giữa những căn nhà là đồng ruộng mênh mông nước. Cặp theo quốc lộ 1 A bây giờ là những cụm dân cư tạm gọi là sầm uất. Họ sống bám theo con đường, buôn những gì bán được và ngược lại. Đa số từ miền Tây đổ về tránh lửa đạn và cái chết tình cờ của chiến tranh.quy-song

Như bất kỳ nông dân không còn ruộng nào, hai ông bạn chí cốt là Tư Thạch và Sáu Thệ vẫn tranh thủ vác cần đeo giỏ đi soi ếch câu tôm. Tất nhiên họ lặn lội vào đồng sâu, rạch vắng chỉ vì nỗi nhớ quê da diết hơn là vì cuộc mưu sinh.

Vào sâu mé gần rạch Bình Điền, cách quốc lộ hơn cây số, là những hộ dân rải rác cách xa nhau vài con mương, cầu khỉ. Nhà này mấy khi thăm hỏi nhà kia vì…xa xôi quá thể. Đa số dân đi câu chuộng nơi này vì nhiều cá tôm lại giống hệt miền quê xa xôi mà họ đã phải ra đi vì chiến cuộc.
Cũng cần phải nói thêm, Tư Thạch bán ruộng ở quê lên Sài Gòn được mớ tiền cũng kha khá, vợ lại biết làm ăn nên chỉ sau vài năm, gia đình Tư Thạch cũng thuộc vào loại có máu mặt khu chợ nhỏ. Con cái học hành tử tế sống quy tụ trong mảnh đất hẹp cặp sát con lộ nhựa cùng buôn bán phế liệu như cha.
Sáu Thệ lớn hơn Tư Thạch cả chục tuổi nhưng là bạn nhau từ thuở dưới quê. Cục đất chọi chim còn không có, lại đèo bòng 2 vợ với cả chục đứa con nên tất nhiên hoàn cảnh của Sáu Thệ eo hẹp hơn Tư Thạch nhiều.
Được cái Tư Thạch thương bạn nên cũng giúp đỡ nhiều. Ngay cả mảnh đất cất nhà của Sáu Thệ cũng là tiền của Tư Thạch cho vay.
Tóm lại, tình bạn của họ là “rất tuyệt”…
Một buổi xế trưa, Tư Thạch qua nhà rủ bạn đi câu.
Hành trang ngoài dụng cụ câu cá còn có thêm bộ cờ tướng, bình rượu đế Gò Đen và 2 con khô sặc bổi.
Cả hai đang tìm chỗ tốt để câu bổng có tiếng gọi ơi ới.
Đó là một thanh niên mặt bủng beo vì thiếu chất, đứng ở cửa một ngôi nhà vách ván mái tôn gọi là khá tươm tất của vùng đồng sâu.
Hai lão nông tri điền ngạc nhiên vì người gọi họ chưa từng quen biết. Hóa ra anh ta là con bà chủ tiệm tạp hóa ở cách nhà đôi bạn già không xa.
Với gương mặt nhợt nhạt thiếu ngủ và đôi mắt đờ đẫn như mất hồn, anh thanh niên cất giọng van vỉ. Vợ anh ta, một nông dân chính hiệu mới lên Sài gòn không lâu, nằng nặc bắt chồng xin ra riêng và phải tìm nơi hẻo lánh hoang vu cất nhà, mua đất làm ruộng. Thương vợ, anh chồng xin mẹ ít vốn vào mua đất cất nhà. Nhưng chưa được bao lâu, cuộc sống khổ cực của bước đầu dựng nghiệp, mà dựng nghiệp bằng nghề nông khiến cả hai vợ chồng đổ bệnh. Người vợ, theo lời anh chồng, đã sốt li bì cả tuần lễ. Anh chồng nhờ đôi bạn già canh nhà giùm để ra chợ rước y tá vào chích thuốc cho vợ hạ sốt. Đưa ra lời đề nghị nhờ vả xong, anh thanh niên lấm lét nhìn 2 ông già.
Đôi bạn già đưa mắt nhìn nhau rồi quyết định nhận lời.
Anh chồng mừng rỡ đưa “hai ông bác” vào chỉ tấm phản ở nhà ngoài cạnh cửa sổ để ngồi tạm rồi lích kích pha bình trà mới rồi rót nước mời. Cô vợ nằm ở buồng trong che kín bởi một tấm màn mỏng, theo lời giãi thích của anh chồng là để “tránh gió máy, không tốt cho sức khỏe”. Anh chồng vừa gởi được nhà vội vã băng băng ra hướng quốc lộ, thỉnh thoảng liếc về phía hai ân-nhân với ánh mắt khó hiểu.
“Làm gì mà thằng nhỏ chạy như ma đuổi vậy cà?” Tư Thạch thắc mắc lập tức bị Sáu Thệ cắt ngang: “Ông nhiều chuyện! Vợ con người ta đang ốm đau bệnh hoạn, ra rước thầy thuốc, gặp ông có chạy ù ra hay đi thủng thẳng?”. Tư Thạch gật gù trước lời giải thích của ông bạn già.
Hai ông phủi chân leo lên tấm phản bày bộ cờ ra “chiến đấu”. Bình rượu được lôi ra thay cho ấm trà mới của gia chủ và 2 con khô sặc bổi được xé nhỏ ra làm mồi đưa cay đơn giản đúng kiểu miền Tây Nam bộ.
Làm tợp đầu tiên, Tư Thạch cao hứng chấp đối thủ đi tiên. Tất nhiên, hai ông bạn già chơi cờ với nhau từ thưở còn chăn trâu cho xã trưởng chẳng ai nhỉnh hơn ai nên Tư Thạch và Sáu Thệ cẩn trọng từng nước sợ thua mất mặt.
Đang đánh cờ, chợt Tư Thạch ngẩng lên nhìn Sáu Thệ ngạc nhiên. “Anh Sáu nhìn gì vậy?” Sáu Thệ khựng lại suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu. “Đâu có nhìn gì đâu?”.
Đánh một lúc nữa, thốt nhiên Tư Thạch nhận ra hôm nay mình thắng Sáu Thệ hết sức dễ dàng là chuyện chưa từng có suốt vài chục năm nay. Sáu Thệ đi cờ như người mê ngủ, rối loạn kể cả lúc bày cờ.
Ngẩng lên nhìn, Tư Thạch ngạc nhiên khi thấy gương mặt Sáu Thệ lúc xanh lúc trắng, đơ như cán cuốc. Nhìn theo hướng mắt như đứng tròng của Sáu Thệ, Tư Thạch ngạc nhiên vì anh bạn già nhìn vào cửa buồng người bệnh chằm chằm. “Gì vậy?” Tư Thạch hỏi trong lúc cũng ngoái đầu xem. Sáu Thệ cười gượng rồi lắc đầu lắp bắp: “Không, đâu có gì!”.
Cuộc cờ, cuộc rượu lại tiếp diễn, bỗng Sáu Thệ mặt trắng bợt như tờ giấy lắp bắp: “Anh Tư ngồi đây nghen, tui ra ngoài đi vệ sinh cái…Quay lại liền, yên chí nghen, đừng đi đâu nghen…”. Chưa kịp nghe câu trả lời của bạn, Sáu Thệ tuột luôn xuống ván, quên cả xỏ dép đi luôn như chạy ra ngoài.
Bên ngoài trời đã bắt đầu sẫm màu…Ngồi một lúc, Tư Thạch chợt nhìn ra cửa sổ thấy Sáu Thệ đang tất tả chạy thục mạng trên bờ ruộng dẫn lên lộ đất. “Ủa, thiếu gì chỗ đi vệ sinh…cha nội này đi đâu cho xa vậy cà?”.
Ngồi chờ cũng lâu, Tư Thạch buồn miệng bèn xé khô sặc nhấm nháp chiêu luôn ngụm rượu đế cho đã. Chợt Tư Thạch khựng lại, sau lưng gai ốc rờn rợn. Tư Thạch cau mày lẩm bẩm: “Chiều đi quên mang theo cái áo dài tay, trong ruộng gió lạnh thiệt!”.
Cảm giác rờn rợn càng lúc càng tăng, Tư Thạch nghĩ sao quay vội ra sau.
Một bóng người lờ mờ đứng ngay cửa buồng sau tấm rèm thoắt mất!
Tư Thạch ngạc nhiên: “Kỳ dzậy? Sao thằng nhỏ nói với mình vợ nó nằm liệt giường?”. Tư Thạch chép miệng quay lại với bình rượu và khô sặc.
Được vài chén, cảm giác rờn rợn lại đến, Tư Thạch quay phắt lại nhỉn về cửa buồng. Đôi chân xanh mướt không guốc dép thò ra ở tấm rèm rụt vào thật nhanh. Tư Thạch dụi mắt nhìn kỹ, lại không thấy gì.
Sau một lúc, tự cho là mình hoa mắt, Tư Thạch quay lại nhìn ra cửa ngóng “bạn hiền” và lẩm bẩm: “Cha già này, cái gì cũng chậm, hèn gì nghèo hoài!”
Vừa cúi xuống rót tiếp một ly rượu, chợt Tư Thạch rùng mình. Lần này không còn là cảm giác rờn rợn mà phải dùng từ là như ai đó bỏ cục nước đá lên xương sống, Tư Thạch quay phắt lại nhìn.
Đôi bàn chân trần dưới tấm rèm rõ mồn một, lần này không buồn rụt lại.
Tư Thạch lần này biết chắc là không phải do mình hoa mắt nên chú mục vào đôi bàn chân có màu xanh lợt lạt.
Chợt đôi chân chuyển động, nhưng không theo chiều tới-lui mà là theo chiều “thẳng đứng”!
Tư Thạch chưa kịp để có cái gọi là cảm giác sợ thì gương mặt “người-bệnh” lộ ra sau khi tấm màn bị vẹt sang một do “cú nhảy dựng” của “vợ-thằng-nhỏ”!
Đã bước độ tuổi tri thiên mệnh, và đã từng “băng qua muôn nơi, muôn năm…” Tư Thạch biết là mình không thể nhìn lầm.
Đó gương mặt của một cô gái trẻ, da vàng uệch như sáp, không có chút sinh khí nào. Đặc biệt là đôi mắt trắng dã với đồng tử hẹp nhỏ như hạt tiêu, bất động. Không thể nào đó lại là gương mặt của một người còn sống!
Tư Thạch như á khẩu, chỉ kịp phóng xuống tấm phản quên luôn xỏ đôi dép da mới mua , vùng chạy.
Khổ nỗi lối thoát duy nhất do vị trí ngồi ban đầu của Tư Thạch đã khiến cho ông ta không thể không đi ngang qua cửa buồng của “người bệnh”.
Nỗi sợ hãi tột cùng khiến Tư Thạch trở nên liều mạng nhắm mằt nhắm mũi chạy vụt qua mặt người chết hướng ra ngõ!
Xác chết như bị lực hút theo, cũng nhảy dựng lên và với 2 cánh tay thẳng tưng hướng ra phía trước, đuổi theo Tư Thạch bén gót. Ra đến sân Tư Thạch chỉ kịp nhìn thấy xa xa ánh đuốc lập lòe thấp thoáng và tiếng ồn ào văng vẳng của khá nhiều người. Tư Thạch trượt chân ngã dúi xuống cạnh rào, ngất đi…
Anh chồng và Sáu Thệ cùng cả chục thanh niên trai tráng từ xóm ngoài chạy vào chỉ thấy Tư Thạch ngất xỉu ngay cổng và ngay bên cạnh là xác cô vợ nằm bật ngửa với tư thế 2 tay chỉa thẳng lên trời,. Hàng giây kẻm phơi áo quần đứt tung, một cọng khá dài còn xiết chặt vào cổ xác chết…Có lẽ nếu xác chết của cô vợ trẻ không vướng hàng giây phơi, Tư Thạch chắc hẳn là “ô hô ai tai” với con quỷ nhập tràng mất rồi!
Câu chuyện không ngừng ở đó.

Tư Thạch quyết tâm đưa Sáu Thệ ra tòa để đòi lại ít vốn đã cho vay từ trước khi Sáu Thệ cất nhà và làm đơn thưa luôn cả anh thanh niên vì tội “mưu sát”(!?)

Chánh án Phạm Kim Quy-sau này là chánh án tòa áo đỏ(đại hình)và chức vụ cuối cùng là đại tá phụ tá tư lệnh CSQG trưởng khối Tư Pháp đã thuật lại diễn biến phiên tòa mà theo ông là hy hữu và hài hước, có thể được liệt vào kỳ án không xử được này như sau:

-Tư Thạch kiên quyết đòi lại những gì đã giúp Sáu Thệ vì “thằng cha này bất nghĩa, biết có quỷ nhập tràng mà bỏ tui lại sống chết mặc bay…Vậy mà là bạn sao?” Và sau đó kịch liệt lên án chàng thanh niên đẩy ông ta vào chỗ suýt chết: “thằng này lại bất nhân, biết vợ nó chết rồi, sợ quá chạy mất ra đường cái, bỏ 2 thằng già lại chịu trận! Như vậy có khác nào muốn giết người ta?”

-Sáu Thệ mếu máo giải thích: “Tui với ổng khác nào anh em ruột thịt, nhưng nếu báo ổng biết, cả 2 hè nhau bỏ chạy…con quỷ rượt theo là chắc chết chùm! Tui già hơn, chậm chưn hơn ổng, chết là tui, đâu phải ổng…vả lại, tui ra đường kêu người vô cứu ổng mà, có bỏ rơi ổng hồi nào đâu?”

-Anh thanh niên kể lại một cách trình tự: “Vợ tui chết lúc 10 giờ sáng, tui đang chờ có bà con nào đi ngang qua nhờ kêu giùm má tui vô…Thảng hoặc có một ông thầy bói già xăm xăm đi luôn vô nhà tui khi khổng khi không phán là vợ tui chết giờ linh, chắc chắn thành quỷ nhập tràng…tui hỏi tòa, gặp như tòa, tòa sợ hông? May gặp 2 chú này đi ngang, tui nhờ coi nhà giùm để ra gọi chòm xóm vô giúp làm đám…Ra chưa chuẩn bị xong thì chú Sáu chạy ra la bài hải, cả xóm lật đật đốt đuốc vô liền…”

-Sáu Thệ nạt ngang: “ Vậy sao chú mày không nói thiệt?” Anh thanh niên trả lời bằng một câu hỏi tỉnh rụi: “Nếu nói thiệt, 2 chú chịu coi nhà giùm hông?”. Thế là bãi tòa!

Cho đến sau này, khi Phú Lâm đã mọc lên những khu dân cư đông đúc, người chen chúc nhau, nhà cửa san sát lổm ngổm…Tư Thạch đã đi đứng không nổi, vẫn không thèm nhìn mặt Sáu Thệ và truyền đời cho con, cháu, chắt…không được qua lại với nhau.

Cũng chỉ vì một con quỷ nhập tràng!

HẾT

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận