Chương 1: Đồi cây cáo
Hằng năm, đã thành thông lệ cứ đúng vào ngày 3-3 âm lịch bà con khắp nơi trên địa bàn xã lại lũ lượt kéo nhau về khu nghĩa địa để tảo mộ ông bà tổ tiên. Ấy chính là tết thanh minh, là dịp để con cháu thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng thành kính với những người đã khuất. Dù là đang làm ăn xa hay ở bất kì đâu, vào ngày này con cháu đều thu xếp về quê để tảo mộ ông bà, rồi cùng nhau quây quần bên một bữa cơm gia đình ấm áp.
Tết thanh minh năm nay thời tiết khá là mát mẻ, đất trời hẵng còn xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc xanh mơn mởn. Mới sáng sớm nhưng con đường đất nhỏ dẫn ra khu nghĩa địa của xã đã tấp nập người qua lại. Tiếng cười đùa trò chuyện, tiếng í ới gọi nhau, tiếng cuốc xẻng nện trên nền đất, tiếng xe gắn máy chạy chầm chậm trên con đường nhỏ… tất cả tạo thành một khung cảnh náo nhiệt y như làng có hội.
Nghĩa địa của xã nằm ở một khu biệt lập tách biệt hoàn toàn với khu dân cư. Nơi đây người ta thường hay gọi là đồi cây cáo. Các cụ có tuổi trong làng kể lại, ngày xưa thuở còn hoang sơ, nơi đây có một cây cáo rất lớn. Một ngày kia có hai vợ chồng nông dân trong xã đi trồng ngô thì trời bất ngờ đổ mưa lớn. Giữa chốn đồng không mông quạnh không có chỗ trú mưa, hai vợ chồng đành trú tạm dưới gốc cây cáo ở giữa đồi. Ngờ đâu sấm sét giáng xuống, đến khi người ta phát hiện ra thì hai người họ chỉ còn là những cái xác cháy đen thui như hai con chuột đồng.
Những năm tiếp theo khu vực ngọn đồi này liên tục bị sét đánh, người dân sợ không ai dám ở gần hay trồng trọt gì trên đó nữa. Mãi đến tận sau này khi hình thành hợp tác xã mới quyết định cắt riêng đồi cây cáo thành nghĩa địa của làng. Người sống không dám ở thì đành dành cho người chết vậy.
Cùng với quá trình phát triển của xã hội, mật độ dân cư mỗi ngày một tăng lên đáng kể. Tre có già thì măng mới mọc, từng lớp người đi trước cứ thế nằm xuống. Trải qua rất nhiều năm, lúc này khu nghĩa địa đồi cây cáo đã gần kín chỗ với cả nghìn ngôi mộ. Đây là nơi chôn cất tập trung duy nhất trong địa bàn xã. Với số lượng mộ nhiều như vậy, không kể chắc ai cũng có thể hình dung được không khí ngày tết thanh minh ở đây náo nhiệt đến nhường nào.
Lúc này đồi cây cáo không còn là ngọn đồi giống như trước đây nữa mà đã được san thành một khu bằng phẳng tưởng chừng như kéo dài bất tận, với những ngôi mộ xanh cỏ nhấp nhô nơi cao nơi thấp theo hàng lối cố định. Cây cáo cổ thụ với gốc cây xù xì như cây gạo vẫn lặng lẽ đứng trơ trọi ở rìa nghĩa địa như một chứng nhân của lịch sử về những thăng trầm của bao kiếp người lầm than nơi đây.
Trong khi những người lớn lúi húi chia nhau cắt cỏ dọn dẹp quanh mộ, thì lũ trẻ không biết làm gì tụ tập nhau lại chạy loanh quanh khắp nơi tìm cỏ gà. Những người lớn mải mê dọn dẹp mà không để ý thấy, tiếng của lũ trẻ mỗi ngày một cách xa khu vực đông người. Mãi cho đến tận khi thấy một vài đứa gương mặt hớt hải chạy thục mạng quay lại, vừa chạy vừa gọi lớn tên người nhà ai nấy mới bỏ dở công việc đấy mà ngơ ngác nhìn nhau không hiểu có chuyện gì.
Thằng bé có nước da đen nhẻm tầm 10 tuổi là chạy nhanh hơn cả, nó vừa thở hổn hển vừa đưa tay chỉ về phía rìa nghĩa địa nơi có cây cáo cổ thụ mà nói đứt quãng:
“Chú Bình… thằng Tèo nhà chú bị ngã gãy chân rồi… ở ngoài gốc cáo…. Nhanh… nhanh lên… nó đau lắm..”
Người đàn ông tên Bình trên tay vẫn cầm nguyên cây dao dựa đương chặt dừa để tắm mộ, nghe vậy liền ném phịch quả dừa xuống đất mặc cho nước chảy tung toé ra nền đất. Ông lắp bắp hỏi lại:
“Làm… làm sao mà lại gãy chân? Ôi trời ơi… khổ thân con tôi…”
Thằng bé con chỉ nói được một câu như thế, lúc này vẫn đang cúi gập người xuống thở dốc vì ban nãy phải chạy quá nhanh, còn chưa kịp trả lời thì một người đàn ông khác cạnh đấy đã vội nói vào:
“Có phải bọn mày lại rủ nhau đi trèo lên cây cáo có phải không? Trời ơi là trời, con ơi là con, đã dặn bao nhiêu lần rồi cấm tiệt không được trèo cây cơ mà?”
Thằng bé lắc đầu nguầy nguậy đưa hai tay xua xua trước mặt rồi nói:
“Không phải… bọn con chỉ trèo lên mô đất ở dưới gốc cây cáo để hái hoa thôi… nhưng thằng Tèo bị trượt chân ngã xuống rồi gãy chân… à… à không phải… nó bảo là có người xô nó xuống…. Nhưng lúc ấy chỉ còn mình nó ở trên đó thôi.”
Lúc này mọi người mới để ý thấy trên tay thằng bé vẫn còn cầm những dây hoa màu tím rất đẹp. Bố nó nhìn con rồi nghi hoặc hỏi lại:
“Thằng này bị doạ cho sợ đến ngẩn người ra rồi à? Ở gốc cáo làm gì có mô đất nào mà ngã trên đó xuống gãy chân được? Hay bọn mày trèo cây sợ bị đánh nên bịa chuyện nói dối có phải không? Có nói dối thì cũng phải nói cho thuyết phục vào chứ. Cứ đợi đấy, hôm nay về thì mày tét đít với bố.”
Đứa bé vẫn quả quyết:
“Con nói thật mà. Gò đất đấy cao ngang nửa thân cây cáo luôn, bên trên còn mọc đầy cây lòng bong và những bông hoa này. Bọn con thấy đẹp quá mới bảo nhau trèo lên hái lấy hoa mang đến đặt lên mộ cho cụ, nhưng chẳng may thằng Tèo lại trượt chân ngã xuống…”
Người đàn ông nghe con nói vậy thì biết chắc chắn thằng bé không nói dối, ông quay lại hỏi những người xung quanh:
“Tôi nhớ ở gốc cáo làm gì có mô đất nào cao như thế nhỉ?”
Những người đi tảo mộ ở quanh khu vực đấy nghe động nãy giờ cũng đã dừng tay lại để nghe ngóng. Lúc này ai nấy cũng gật gù xác nhận. Một người đàn bà lên tiếng:
“Quả là trước giờ ở đấy chưa thấy có mô đất nào bao giờ cả. Nhưng thôi chúng ta cứ đứng ở đây thắc mắc mà làm gì, nhanh ra ngoài đấy xem có gì phụ giúp chú Bình một tay xem có cần thì chở thằng bé đi bệnh viện kiểm tra nữa chứ.”
Người đàn ông tên Bình sau khi nghe nói con trai bị nạn đã nhanh chân đi thẳng về phía gốc cáo ở khuất sau khu nghĩa địa một đoạn khá xa. Những người khác cũng kéo theo sau đi về phía ấy.
Tới nơi thấy thằng Tèo đang ngồi trên mặt đất, gương mặt trắng bệch không biết do đau hay do sợ hãi. Bộ quần áo trên người lấm lem đất, hai tay nó đang ôm chặt lấy cổ một bên chân dính be bét máu. Chú Bình vội sà tới gỡ tay thằng nhỏ ra xem vết thương trên chân. Cũng may là nó chỉ bị trật cổ chân chứ không gãy. Máu là từ vết thương chảy ra, cũng không đáng ngại. Có vẻ như lúc ngã từ trên xuống không may bị vật cứng đâm vào.
Thấy bố thằng Tèo lại được dịp oà lên khóc nức nở. Nó ôm chặt lấy cổ bố rồi liên tục đòi đi ra khỏi đây, trông gương mặt nó hệt như đang sợ hãi một điều gì kinh khủng lắm. Tý tý thằng bé lại liếc mắt về phía gốc cây cáo như thể có ai đang ở đằng sau đó vậy.
Những người khác lúc này cũng đã kịp đến nơi, những cụ già có kinh nghiệm xem qua vết thương ở chân thằng bé. Vết thương không đáng nghiêm trọng lúc này cũng đã ngừng chảy máu, chỉ bị trật bên chân phải nên không cần phải đến bệnh viện. Người ta phụ chú Bình đưa thằng bé ra chỗ để xe máy rồi chở đến trạm xá nắn lại khớp chân là xong.
Khi thằng bé đã được đưa đi, những người còn lại lúc này mới để ý đến cây cáo. Đúng như lời thằng bé con ban nãy nói, không biết tự lúc nào ở gốc cây cáo đã xuất hiện một gò đất lớn cao quá đầu người lớn, phía trên gò đất cây cỏ xanh tốt, đặc biệt mọc rất nhiều cây lòng bong và một loài hoa màu tím biếc rất đẹp.
Mọi người nhìn nhau ngơ ngác hỏi:
“Quái lạ, cái gò đất này có ở đây từ lúc nào sao bây giờ mới thấy nó nhỉ?”
Những người khác cũng lắc đầu tỏ ý không biết. Gốc cáo nằm ở khuất sau nghĩa địa, nơi đây dân làng vẫn truyền miệng nhau là có ma nên ngày thường chẳng ai dám bén mảng tới mà làm gì. Nhưng trong tiềm thức của mỗi người, dưới gốc cây cáo hoàn toàn không có mô đất nào như vậy cả.
Mãi một lúc sau mới có một cụ ông chống gậy lò dò đi tới. Cụ đã tầm ngoài tám mươi tuổi, mái tóc bạc như cước, hàm răng móm mém đã rụng phân nửa. Thấy cụ đám đông cúi đầu cung kính chào rất lễ phép. Cụ đi vòng quanh mô đất xem xét một hồi lâu rồi mới gật gù nói:
“Đây không phải là một mô đất bình thường, mà chính xác trước đây nó là một ngôi mộ.”
Những người có mặt nghe vậy thì lấy làm ngạc nhiên lắm. Nếu thực sự có một ngôi mộ ở đây sao không ai biết. Ngôi mộ này là của ai, sao lại chôn ở dưới gốc cáo tách biệt hẳn so với những ngôi mộ khác, và vì sao họ chưa từng thấy ai thăm viếng ngôi mộ này bao giờ?
Trước những thắc mắc ấy, ông cụ chỉ mỉm cười vuốt vuốt bộ râu bạc trắng của mình, ánh mắt dần nhìn về xa xăm như đang hồi tưởng lại những gì đã xảy ra trong quá khứ. Cụ chậm rãi kể:
“Ngôi mộ này đã có từ cách đây hơn năm mươi năm trước. Khi ấy ta mới chỉ là một cậu thanh niên ngoài hai mươi tuổi. Cùng với cụ Long là người giữ đình làng Hồ bây giờ, đã cùng dân làng trải qua những biến cố mà bây giờ khi lớp trẻ nghe kể lại chỉ nghĩ đó là một truyền thuyết hay những câu chuyện của trí tưởng tượng mà thôi.
Theo như ta nhớ không nhầm thì ngôi mộ này là của ông Thịnh chủ tịch xã. Chuyện diệt quỷ ở đình làng Hồ chắc hẳn mọi người đã nghe qua rồi đúng không. Vào cái đêm kinh hoàng ấy, sau khi dùng dao đâm vào ngực để vĩnh viễn phá huỷ linh hồn của con quỷ thì ông Thịnh cũng chết bất đắc kì tử. Với những tội lỗi mà ông ta đã gây nên, sau khi chết đi bà con dân làng không đồng ý cho ông được chôn chung trong nghĩa địa làng. Bất quá vợ ông ta mới phải xin được chôn ở rìa nghĩa địa nơi không có ai lui tới.
Ngày đám tang của ông ta dân làng không một ai lui tới, chỉ có mấy người họ hàng ruột thịt giúp chuyển quan tài ra nơi chôn cất nên không ai biết chính xác vị trí ngôi mộ nằm ở đâu. Vì thế nên nếu ta không nhầm thì gò đất này chính là huyệt mộ năm xưa chôn cất ông Thịnh, là kẻ tội nhân lịch sử của làng Hồ.
Lớp con cháu lại sau không biết đến ngôi mộ này cũng phải, bởi đã rất lâu rồi không còn ai thăm viếng nó nữa. Trước đây khi còn sống bà vợ ông Thịnh vẫn lén ra thăm mộ chồng mình mỗi dịp lễ tết. Nhưng vì mặc cảm bởi những lỗi lầm chồng mình gây nên nên bà ta toàn lui tới vào những giờ mà nghĩa địa không có người. Lại sau khi bà ấy chết đi thì ngôi mộ đã bị bỏ hoang không còn ai lui tới nữa, lâu dần mọi chuyện cũng dần bị trôi vào quên lãng.”
Lời của ông cụ vừa dứt, một người khác lại nghi hoặc hỏi lại:
“Vậy nhà ông Thịnh này không có con cháu gì hay sao mà ngôi mộ lại bị bỏ hoang lâu như vậy hả cụ? Chết là hết, dân làng có thể vì hận thù mà không đoái hoài gì đến nữa nhưng phận làm con cháu thì chí ít cũng nên chăm chút cho mộ phần tổ tiên mới phải chứ nhỉ?”
Ông cụ lại gật gù đáp:
“Có, ông Thịnh này có một đứa con trai tên là Hùng. Lúc ông Thịnh chết Hùng đang đi cai nghiện ở Hà Nội. Vài ngày sau đó thì cậu ta được ra trại. Vốn tiếng nghiện ngập của cậu đã được đồn đi khắp nơi nên những người ở gần không ai chịu gả con gái cho cậu ta. Mãi về sau Hùng dắt từ tận đâu về một cô gái làng chơi ăn ở với nhau như vợ chồng. Vợ chồng ông Hùng có với nhau ba mặt con, hai trai một gái. Kể từ sau cái chết của ông Thịnh, gia đình ngày một sa sút. Cậu Hùng vốn chỉ biết ăn chơi trác tác không chịu lao động nên tối ngày chỉ lao vào lô đề cờ bạc, nợ nần chồng chất. Lại sau cô vợ vì không chịu được cảnh con cái nheo nhóc nghèo khổ đã bỏ nhà mà đi. Lúc ấy một tay bà vợ ông Thịnh lo hết mọi việc. Lại sau bà chết đi thì gia đình ấy lại càng lâm vào cảnh khốn cùng. Hùng tối ngày say xỉn đánh đập ba đứa nhỏ. Vì nghĩ tất cả những bất hạnh mà cậu ta phải gánh chịu đều do ông Thịnh mà ra cả nên cậu ta sinh hận với chính người đã sinh ra mình. Từ ngày ở trại cai nghiện về Hùng không một lần ra thăm mộ bố của mình. Từ khi bà vợ ông Thịnh chết ngôi mộ cũng vì thế mà bị bỏ hoang. Lũ trẻ con của cậu Hùng lớn lên mà không hay biết gì về mộ phần của ông nội mình cả.”
Nghe ông cụ kể, đám đông lại xì xào bàn tán. Một người vỗ tay đánh đét một cái rồi nói lớn:
“Ông Hùng mà cụ nói có phải trước đây nhà ở xóm Đồi, có ba người con là Cường, Mạnh, Ái đúng không?”
Ông cụ gật gù xác nhận, người kia lại tiếp:
“Tôi đoán không sai mà. Ông Thịnh thì tôi không biết, chứ ông Hùng nát thì lứa tuổi bọn tôi nào có lạ gì nữa. Chẳng nói đâu xa, ngày bé tôi còn học chung lớp với cậu Cường nhà ông ấy đây này. Ba đứa con nhà ấy tội lắm, học hành chẳng đến nơi đến chốn, khi mà bà nội bọn nó mất thì cũng lần lượt bỏ học cả.”
Một người khác lại nói chen vào:
“À à nhớ ra rồi. Có phải cậu Mạnh nhà đấy làm thợ xây có bà vợ là bà Tuyên đốp cũng tối ngày lê la đề đóm lại cực mê tín dị đoan đúng không?”
Lúc này những người dân mới khẽ à lên một tiếng, tưởng ai xa lạ hoá ra cũng toàn là chỗ quen biết cả. Một bà làm ra vẻ mặt bí hiểm, ánh mắt nhìn đau đáu về phía gò đất xanh tốt mà nói:
“Này các ông các bà thử nghĩ mà xem, sao ngôi mộ bị bỏ hoang lâu như thế nay bỗng dưng lại phát tướng lên như vậy nhỉ? Lại còn được chôn ngay dưới gốc cáo nơi mà trước đây có hai người bị sét đánh chết nữa. Có khi nào làng mình sắp có hoạ gì không?”
Một người đàn ông khác nhìn bà bĩu môi mà nói:
“Ôi dào các bà đàn bà đúng chẳng đái qua ngọn cỏ bao giờ, chuyện rõ ràng ra như thế mà còn phải hỏi. Này nhé, mộ bình thường mà tự dưng ngày một nở to ra như thế kia thì đích thị là mộ kết chứ còn gì nữa. Phen này thì con cháu ông Hùng nát tha hồ mà nở mày nở mặt rồi.”
Đám đông nghe nhắc đến mộ kết thì ồ lên đầy ngạc nhiên. Người đàn bà ban nãy lại hỏi:
“Mộ kết là như thế nào cơ?”
Người kia lại đáp:
“Tôi trước nay cũng chỉ nghe người ta đồn chứ nào được tận mắt thấy bao giờ đâu. Đại loại mộ kết là mộ được chôn ở thế đất đẹp, trúng phải long mạch ở dưới lòng đất. Xác chết ở dưới sau nhiều năm vẫn không hề phân huỷ, hoặc nếu có cũng chỉ phân huỷ rất ít so với những ngôi mộ bình thường khác. Kể từ khi mộ bắt đầu kết sẽ ngày một nở to một cách bất thường, xung quanh cây cối đâm trồi nảy lộc tươi tốt hơn những nơi khác. Những gia đình có mộ kết con cháu sẽ có vận khí cực kì tốt, phúc đức nhiều đời, làm đâu thắng đấy.”
Nghe qua những gì người kia kể, tất cả những người có mặt bất giác đều đồng loạt hướng ánh mắt nhìn về phía gò đất hoang một lần nữa. Không ai bảo ai nhưng họ đều tin chắc rằng gò đất ấy đích thị là một ngôi mộ kết. Hơn nữa đây không phải là một ngôi mộ kết bình thường, bởi kích thước của gò đất lúc này đã vượt xa so với một ngôi mộ rất nhiều. Chiều cao của gò đất dễ cũng phải đến gần 2 mét, cao ngang nửa thân của cây cáo cổ thụ. Chiều dài đến hơn 5 mét. Phủ kín trên khắp gò đất ấy là những dây lòng bong và một loài hoa dại màu tím biếc rất đẹp.
Ngắm nhìn ngôi mộ hồi lâu, một người tặc lưỡi rồi bảo:
“Các cụ nói cấm có sai bao giờ nhỉ, không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Xem ra thời của con cháu ông Hùng đã đến thật rồi. Tôi ấy là tôi cũng muốn chống mắt lên để xem thực hư lời đồn về mộ kết có đúng hay là không.”
Người khác lại nói thêm vào:
“Nói đi cũng phải nói lại, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Muốn được hưởng phúc đức từ tổ tiên thì con cháu ông Hùng cũng phải ra làm lễ mà thờ phụng cho đàng hoàng, chứ không dưng dễ gì được hưởng lộc từ các cụ.”
Ai nấy cũng cho điều đấy là phải, mỗi người nói ra nói vào thêm vài câu nữa rồi đám đông cũng giải tán đi lo nốt công việc tảo mộ của nhà mình. Lúc tất cả đã quay lưng đi tiếng xì xào vẫn không ngớt, không ai để ý rằng từ sâu dưới lòng đất, ngay dưới gốc cây cáo cổ thụ có một giọng cười the thé cất lên rất khẽ.