Chương 4: Người giữ đình
Chương 4
“Bắt nó lại… bắt lấy nó… đừng… đừng để nó chạy thoát… bắt lấy…”
Ông Phước vừa chợp mắt được một chút thì bị đánh thức bởi tiếng la thất thanh cùng những âm thanh bình bịch, bình bịch của tiếng va đập vào giường. Là cụ Long, bố ông gặp ác mộng. Ông cụ vẫn đương nằm trên giường, hai mắt nhắm chặt nhưng tay chân khua khoắng, miệng liên tục kêu bắt ai đó lại.
Ông Phước vội đặt tay lên vai cụ Long khẽ lay gọi:
“Bố ơi… bố… bố tỉnh dậy đi…”
Bị đánh động cụ Long từ từ mở mắt ra, ngơ ngác nhìn khắp xung quanh. Cụ lật đật ngồi dậy túm lấy tay ông Phước mà lắc mạnh rồi hỏi dồn dập:
“Nó đâu rồi? Nó chạy đi đâu rồi? Mau bắt nó lại.. đừng để nó chạy thoát. Nó chạy thoát là đại hoạ… đại hoạ chuẩn bị giáng xuống rồi…”
Giữa mùa đông nhưng mồ hôi chảy đầm đìa trên trán ông cụ. Ông Phước thấy bộ dạng lo lắng của bố thì khẽ đặt tay lên vai ông cụ lắc mạnh để trấn tĩnh ông cụ lại. Ông ôn tồn giải thích:
“Bố bình tĩnh lại đã. Là mơ, chỉ là bố nằm mơ thôi. Bố nhìn kĩ lại xem, bố đang ở nhà mình cơ mà, nửa đêm nửa hôm thế này làm gì có ai lạ ở nhà mình.”
Ông cụ vẫn lắc đầu quả quyết:
“Không phải… là con quỷ, con quỷ nó sống lại rồi. Bố thấy con quỷ nó sống lại rồi. Mau kêu người bắt nó lại… mau lên…”
Nói rồi ông cụ vùng dậy bước xuống giường, còn không kịp xỏ dép định bụng vùng chạy ra ngoài nhà nhưng ông Phước đã kịp thời ngăn cụ lại. Ông nói:
“Bố ơi… con xin bố… bên ngoài trời mưa lạnh lắm bố định đi đâu. Bố ở yên trong nhà cho con nhờ…”
Ông cụ cố vùng vằng ra khỏi vòng tay của người con, ông chỉ ra ngoài rồi nói:
“Đi bắt con quỷ lại…. Con quỷ trong đình làng… nó sống dậy rồi… con quỷ sống dậy rồi…”
Lúc này ở ngoài hành lang có tiếng bước chân vọng lại. Ông Phước còn đang chật vật đỡ lấy ông cụ thì cánh cửa phòng bật mở, một cậu thanh niên trẻ gương mặt còn đang ngái ngủ bước vào trước. Theo sau cậu là một bà lão mái tóc bạc phơ và một người đàn bà ngoài 50 tuổi. Đó là bà Phụng, vợ cụ Long, bà Hoan và Tâm là vợ và con trai ông Phước.
Bà Phụng thấy cụ Long đang vật lộn với con trai thì vội bước nhanh tới hỏi:
“Có chuyện gì mà nửa đêm hai bố con lại làm ầm lên như vậy? Ông ấy muốn cái gì?”
Ông Phước liền giải thích:
“Mãi bố mới chịu đi ngủ được một lúc thì lại bắt đầu nằm mơ. Không biết bố mơ thấy gì mà cứ kêu la thất thanh con sợ quá mới lay bố dậy. Ai ngờ bố dậy rồi cứ bảo cái gì mà con quỷ sống dậy rồi, còn đòi đi ra ngoài để bắt nó lại. Con phải giữ mãi bố mới được đấy.”
Bà cụ đưa tay khẽ vuốt lên lưng của cụ Long, bà ân cần nói:
“Ông ơi, ông bình tĩnh lại có chuyện gì từ từ kể tôi nghe xem nào. Nửa đêm rồi để cho con cháu còn ngủ với chứ…”
Tâm cũng phụ bố một tay dìu đỡ cụ Long lại ngồi xuống giường. Cụ chồm người ôm lấy cánh tay Tâm mà nói:
“Cháu nội của ông may quá có cháu đây rồi. Mau đi bắt con quỷ lại… con quỷ trong đình làng. Là con quỷ trong đình làng… nó sống lại rồi. Con quỷ sống lại rồi… bắt nó lại… nhanh lên… bắt nó lại…”
Nói rồi ông cụ lại đưa tay lên ôm lấy đầu, vẻ mặt nhăn nhó dường như đang đau đớn lắm. Ông Phước thấy vậy liền chỉ tay về phía cái bàn nơi đầu giường rồi nói:
“Thuốc… lấy thuốc cho bố nhanh lên.”
Bà Hoan chạy vội lại chỗ đấy lấy ra một lọ thuốc, bà rót một cốc nước rồi mang lại. Ông Phước đỡ lấy cốc nước rồi phụ ông cụ uống thuốc. Uống thuốc xong dường như đã bình tĩnh lại, ông cụ ngơ ngác nhìn những người xung quanh mình rồi hỏi:
“Ơ, sao mọi người lại ngồi hết ở đây thế này? Cái Trinh đâu rồi? Mấy giờ rồi sao còn không cho ông ăn cơm, tính để ông chết đói có phải không?”
Bốn người nhìn nhau khẽ thở phào một cái. bà Phụng ra dấu cho các con im lặng đừng nói gì, bà vỗ nhẹ vào lưng ông rồi hỏi:
“Ông có biết bây giờ là mấy giờ rồi không? Nửa đêm rồi, cái Trinh nó đi ngủ để mai còn đi dạy rồi. Ông muốn ăn gì để tôi xuống bếp nấu cho ông nhé?”
Cụ Long khẽ cau mày rồi nói:
“Đã nửa đêm rồi mà sao còn chưa cho tôi ăn cơm? Hả?”
Bà Phụng khẽ thở dài không biết trả lời sao cho phải, bà Hoan vội đỡ lời cho mẹ:
“Cơm nước con nấu xong hết rồi mà ban nãy bố ngủ say quá không ai dám đánh thức. Bây giờ bố đợi con xuống dọn cơm lên cho bố nhé?”
Đợi ông cụ gật đầu đồng ý bà liền tất tả chạy đi. Độ 5 phút sau bà khệ nệ bưng lên một mâm cơm với vài món ăn đơn giản. Ông cụ ngồi vào mâm ăn qua loa vài miếng rồi lại buông đũa xuống kêu no không muốn ăn tiếp. Cả nhà không ai lạ gì bệnh của cụ, lúc nhớ lúc quên, một ngày có khi đòi ăn đến chục lần nhưng dọn ra chỉ ăn qua quýt rồi lại thôi nên trong nhà lúc nào cũng có sẵn một mâm cơm ở đấy.
Đợi ông cụ ăn xong ông Phước lại dỗ cụ lên giường đi ngủ. Những người còn lại cũng chia nhau về phòng mình, ai nấy đều quên đi không để ý đến những lời mà ông cụ vừa cảnh báo, rằng con quỷ đã thực sự sống lại. Bởi suy cho cùng ông cụ đã bị lẫn lúc nhớ lúc quên nên lời ông nói chẳng ai tin đó là sự thật.
Cụ Long tính ra năm nay đã ngoài 80 tuổi. Ở độ tuổi “xưa nay hiếm” như vậy nên cụ chẳng còn minh mẫn nữa, lúc nhớ lúc quên như một đứa trẻ. Sức khoẻ của cụ ngày một yếu con cháu phải luôn túc trực bên cạnh bất kể ngày đêm. Cụ và bà Phụng có với nhau 3 mặt con trai, một con gái lần lượt đặt tên là Phước, Đức, Bình, An. Các cụ xưa đã có câu, nhà đông con là nhà có phúc. Giờ đây đã ở độ tuổi gần đất xa trời, hai ông bà sống trong sự trong chăm sóc yêu thương hết mực của con cái. Con trai cả của cụ là ông Phước. Đã có truyền thống từ ba đời nay, từ cụ Long, đến ông Phước, rồi cả Tâm con trai ông Phước đều làm công an. Ông Phước hiện đã về hưu, Tâm con trai ông là thiếu tá vừa ra trường được bổ nhiệm về xã nhà công tác theo chủ trương gửi công an chính quy về xã của bộ công an.
Sáng ngày hôm sau cụ Long tỉnh dậy từ rất sớm. Ngoài trời mưa đã tạnh nhưng thời tiết vẫn rét căm căm. Đã mấy năm nay từ ngày cụ không còn minh mẫn nữa việc của đình làng đều giao lại hết cho ông Phước quản lý. Ấy thế mà sáng nay cụ nằng nặc đòi theo ông Phước ra đình cho bằng được. Thấy cụ cứ quả quyết đòi đi, hơn nữa từ nhà ra đình cũng chỉ cách vài bước chân nên sau khi không cản cụ được cả nhà cũng đành để ông Phước dẫn cụ ra đình. Bà Hoan cẩn thận mặc cho cụ cái áo bông chần thật ấm, quàng khăn vào cổ, đội mũ len trùm kín đầu, chân đeo tất xỏ giày cho thật ấm rồi mới yên tâm để cụ ra khỏi nhà.
Cụ chậm rãi run run chống gậy bước từng bước nặng nhọc trên con đường làng dọc bờ hồ sen quen thuộc. Từ ngày các doanh nghiệp nước ngoài về huyện mở công ty đến nay người dân đều kéo nhau đi làm công ty cả, thành ra khu hồ sen không còn ai thầu để canh tác nữa. Giờ đây cả mặt hồ chỉ còn là một vũng sình lầy xám ngoét. Đâu đó vẫn còn vương lại một vài bụi sen dại còi cọc không có tay người chăm sóc.
Đã hơn một tháng rồi cụ Long không đi ra ngoài đường, cụ ngắm nhìn khung cảnh làng quê thật lâu như muốn thu hết mọi thứ vào trong tâm khảm của mình. Cả đời cụ đã gắn bó với mảnh đất này, cùng nó trải qua bao thăng trầm biến cố. Không biết lúc này cụ đang tỉnh hay đang mê, chuyện cũ cụ vẫn còn nhớ hay đã quên sạch?
Cụ nán lại ở gốc đa một lúc lâu, đôi mắt cụ rưng rưng vì xúc động. Thấy bố cứ đứng lặng người đi như thế, ông Phước liền hỏi:
“Bố đang nghĩ gì vậy ạ?”
Ông cụ vuốt tròm râu bạc, không nhìn con trai mà vẫn ngước mắt nhìn lên tán cây xanh mà nói:
“Cây đa này ở đây đã hơn 50 năm, nhiều hơn cả tuổi đời của con rồi đó. Năm xưa chính tay ta đã tự tay trồng nó ở đây. Sau này khi mà ta không còn nữa, con là người giữ đình phải nhớ, bằng mọi giá phải giữ cây đa này và cây trám già trong sân đình lại. Hai cái cây này chính là hình ảnh, cũng là linh hồn của ngôi làng này. Bằng mọi giá phải giữ chúng lại, con đã rõ chưa?”
Gió ngoài hồ thổi thốc vào lạnh buốt đến từng thớ thịt. Ông Phước khẽ gật đầu đồng ý với ông cụ rồi giục cụ nhanh vào trong đình kẻo đứng ngoài nhiễm lạnh. Vào đình, như một động tác đã thuần thục suốt mấy chục năm, hai cha con bắt tay vào lau dọn và thắp hương lên ban thờ thần hoàng làng. Giữa tiết trời lạnh lẽo của mùa đông, mùi hương trầm nổi lên làm không khí trở nên ấm áp và dễ chịu hơn đôi chút.
Xong xuôi việc trong đình, ông Phước đỡ cụ Long ngồi xuống bậc tam cấp ở hiên, còn ông xắn tay áo ra quét dọn sân đình. Mấy ngày liền trời mưa không ngớt, lá vàng đã rụng đầy sân. Ông Phước đứng khựng lại trước cây trám già ở mé sân. Tuy mấy ngày qua trời mưa nhưng thời tiết đã vào đông không có giông bão gì, không hiểu sao đêm qua gần như toàn bộ lá và quả cây trám đều trút sạch xuống sân đình. Giờ đây tán cây xơ xác, cành con gãy nằm vương vãi khắp nơi hệt như đêm qua nơi đây vừa xảy ra một trận dông gió lớn.
Tần ngần đứng nhìn khung cảnh hỗn độn trên sân, không biết một mình mình dọn đến bao giờ mới xong, để ông cụ ngồi ở hiên lâu sợ cụ bị lạnh nên ông Phước đành buông cây chổi xuống. Ông đưa bố về nhà trước rồi gọi thêm Tâm ra phụ mình dọn một tay cho nhanh, nhân tiện gọi thêm mấy người hàng xóm ra nhặt quả trám về kho thịt. Trời lạnh mà có nồi quả trám kho thịt ba chỉ thì ngon phải biết.
Tầm 8 giờ sáng sân đình đã được dọn sạch sẽ như chưa hề có chuyện gì xảy ra, hai bố con ông Phước kéo nhau ra về. Vừa bước chân vào nhà đã thấy bà Phụng mắt đỏ hoe đang sụt sùi khóc, bên cạnh là Trinh, con gái ông Phước đang ra sức dỗ dành bà nội. Thấy thế ông Phước sợ có chuyện chẳng lành vội sà vào cạnh bà mà hỏi:
“Kìa mẹ, có chuyện gì mà sao mới sáng ra mẹ lại khóc thế này? Vợ con đâu?”
Bà Phụng thấy con trai về được dịp lại khóc nấc lên, hai hàng nước mắt khẽ lăn trên khuôn mặt nhăn nheo hằn đầy dấu vết của thời gian. Bà nói trong nức nở:
“Cái Hoàn đang… đang ở trong… ông Long… ông ấy… huhuhu…”
Nói đến đây bà lại khóc nghẹn lại không nói được nữa. Ông Phước sợ hãi lao vội vào trong phòng cụ Long thì thấy cụ đang nằm trên giường thở đều đều, bên cạnh là bà Hoàn vợ ông. Lúc này ông mới có thể thở phào một cái. Ông hỏi:
“Kìa mình, có chuyện gì mà mẹ lại khóc thế? Làm tôi cứ tưởng ông cụ xảy ra chuyện gì lo chết mất.”
Bà Hoàn đưa tay lên miệng khẽ suỵt một cái để chồng giữ im lặng sợ ông cụ thức giấc. Thấy cụ đã ngủ yên bà liền kéo chồng ra ngoài mới đáp lại:
“Ban nãy bố từ ngoài đình về quần với tất bị dính bùn nên em với mẹ giúp bố thay ra. Lúc mẹ đổi tất cho bố mới phát hiện ra, bắp chân của bố cả hai bên đều bị sưng đỏ hết cả lên, nhưng hỏi thì bố nói không đau, cũng không có cảm giác khó chịu gì cả.”
“ Vậy thì sao mẹ lại khóc?”
Bà Phụng đã đứng ở sau lưng hai người từ lúc nào, bà mếu máo đáp lời con trai thay bà Hoàn:
“Các cụ trong làng đã truyền lại kinh nghiệm từ xưa đến nay, các ông bà già đã đến tuổi gần đất xa trời, nếu tự dưng bắp chân mà sưng đỏ như vậy, là dấu hiệu báo sắp… sắp đến ngày bỏ con bỏ cháu mà đi rồi, hựt, hựt, hựt….”
Trinh ở phía sau vòng tay ôm lấy bà nội vỗ về. Ông Phước thì vẻ mặt hoang mang thấy rõ, điều này trước đây ông cũng đã từng nghe nói và được chứng kiến nhiều lần. Không chỉ các ông bà già, mà nó còn đúng với cả trường hợp những người bị ốm nằm yên một chỗ suốt một thời gian dài. Hiện tượng này không gây đau, không khó chịu, chỉ xuất hiện 1-2 ngày rồi sẽ biến mất, nhưng đến lần thứ 3 như vậy thì người ấy sẽ chết. Dẫu biết ông cụ đã già, dẫu gia đình đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng rằng ông cụ chẳng thể sống mãi cùng con cháu, nhưng khi mà điềm báo về sự ra đi của ông xuất hiện lại khiến ai nấy đều cảm thấy bàng hoàng khó chấp nhận.
Đợi khi cơn xúc động qua đi, ông Phước quay qua bảo với Tâm:
“Chiều nay đi làm về con ghé qua nhà các chú và cô An báo mọi người đến nhà mình có việc gấp nhé.”
Ngay tối ngày hôm ấy, những người con của cụ Long đã có mặt đầy đủ tại nhà ông Phước. Nghe mẹ kể lại tình trạng của bố, ai nấy đều không giấu được sự đau thương trên khuôn mặt. Ở nơi này, ai cũng bảo ông Long bà Phụng có phúc. Con cái đủ nếp đủ tẻ, tuy không giàu có nhưng đều biết bảo ban nhau làm ăn, nhà ai cũng thuộc dạng khá giả có của ăn của để, anh em lại hết mực hoà thuận yêu thương nhau, hiếu kính với bố mẹ. Từ lúc cụ Long trở bệnh, con cháu vẫn thường xuyên qua lại thăm hỏi, nhưng tính chất công việc khác nhau nên mỗi người qua vào một khung giờ khác ít khi cả 4 anh em cùng ngồi lại một lúc thế này. Nhưng nhận được tin báo của ông Phước, ai nấy đều bỏ hết công việc đấy mà về ngay.
Chú Đức và chú Bình là con trai nên còn kìm nén được cảm xúc, riêng cô An từ lúc đến là đã thút thít khóc từ ngoài cổng khóc vào. Biết ý mọi người không cho cô vào phòng ông cụ, nhưng cụ vẫn còn tỉnh táo lắm, ở trong phòng mà cụ biết hết. Cụ hắng giọng rồi hỏi Tâm đang túc trực bên cạnh:
“Đứa nào khóc ở ngoài đó? Bố đã chết đâu mà chúng mày khóc? Bố còn phải đợi qua tết để dự hội làng. Rồi còn phải chờ thằng Tâm, cái Trinh lấy vợ lấy chồng đã chứ.”
Cô An nghe cụ nói thì lại bật khóc to hơn nhưng không dám để thành tiếng nữa, cô đưa tay bịt miệng mình lại để ngăn những tiếng nấc thoát ra bên ngoài. Chú Đức vỗ vai em gái rồi hạ giọng nói rất nhỏ chỉ đủ những người ở nhà ngoài nghe thấy:
“Cô An bình tĩnh lại, nghe anh không được khóc nữa. Bố còn sống sờ sờ ra đấy khóc lóc cái gì. Bố mẹ tuổi đã già như cái lá vàng ở trên cây, còn ở lại được với anh em mình ngày nào quý ngày ấy. Bây giờ cốt làm sao để những ngày cuối cùng của bố được vui vẻ, để lúc bố nhắm mắt xuôi tay có thể yên tâm mà đi gặp ông bà tổ tiên. Cô ra sau nhà rửa mặt rồi vào bóp tay chân cho bố dễ ngủ.”
Cô An nghe anh trai nói vậy thì thôi không khóc nữa. Cô quệt ngang dòng nước mắt rồi một mình ra sau giếng rửa mặt. Cô vừa xuống đến nơi đã nghe tiếng thét lên đầy hốt hoảng:
“Ôi trời đất ơi! Cái… cái gì kia… rắn… rắn… có rắn… cứu em… anh Phước, anh Đức ơi….”
Nghe tiếng gọi của cô những người trên nhà vội vàng lao ngay xuống. Chỉ thấy cô An đang ngồi sõng soài trên mặt đất, mặt cắt không còn một giọt máu. Ông Phước lo lắng hỏi:
“Có chuyện gì mà cô la ầm lên thế?”
Cô An run run chỉ tay về phía bờ rào sau sân giếng rồi nói:
“Vừa nãy có 2 con rắn 1 đen 1 trắng nó quấn nhau ở ngay sân giếng này, đáng sợ lắm. Mỗi con dài phải cả thước, chúng dựng đứng lên cao quấn vào nhau uốn lượn từng vòng như bện dây thừng vậy đó. Em sợ quá mới la lên, thấy động chúng kéo nhau bò vào bờ rào sau giếng rồi.”
Cô An kể giọng vẫn chưa hết bàng hoàng. Từ ngày bé cô đã được ba anh trai hết mực cưng chiều nên tính tình có chút tiểu thư. Cô chúa sợ những loài côn trùng như rắn rết. Mỗi lần ra đồng chơi thấy con rắn nước bé bằng đầu ngón tay cô đã nhảy dựng lên kêu gào đến ở nhà bà Phụng cũng có thể nghe thấy. Mỗi lần như vậy ba anh trai lại đứng ra đuổi con rắn đi rồi dỗ dành em gái. Đêm nay chứng kiến cảnh tượng hai con rắn vờn nhau như vậy bảo sao cô không hoảng sợ. Bà Hoàn đỡ cô ngồi dậy, cô quýnh quáng túm lấy vai bà níu chặt lại, toàn thân vẫn đang run lên bần bật.
Tâm từ trong nhà chạy ra trên tay cầm theo cây đèn pin, cậu cùng với chú Đức và chú Bình gan dạ mang theo cây gậy ra soi đèn vào bờ rào thọc thử. Không có tiếng động nào đáp lại, có lẽ hai con rắn đã chui qua bờ rào ra ngoài từ lâu rồi.
Chú Bình nói:
“Chắc nó thấy động bỏ đi rồi. May quá cô An còn kịp thời nhìn thấy không để nó cắn cho thì khổ. Mà ở khu này giờ vẫn còn nhiều rắn vậy sao Tâm?”
Tâm khẽ lắc đầu rồi đáp:
“Vườn nhà cháu được dọn quang hết rồi không có bụi rậm nữa. Cũng lâu lắm rồi quanh đây không thấy có rắn xuất hiện. Nếu có ấy à cũng thành mồi nhậu cho đám thanh niên mới lớn với mấy ông bợm rượu hết rồi.”
Ông Phước tặc lưỡi nói:
“Quái lạ thật, sao lại có cặp rắn 1 trắng 1 đen xuất hiện trong vườn nhà mình vào giờ này nhỉ? Quanh đây cũng chưa nghe ai nói thấy đôi rắn kì lạ như vậy bao giờ.”
Chú Bình xua tay rồi nói:
“Thôi cô An không sao là may rồi. Từ nay mẹ, chị Hoàn với các cháu phải cẩn thận, trời tối nhớ bật đèn rồi mới ra vườn kẻo nói dại không may dẫm trúng rắn rết thì phải tội.”
Tâm liền chen vào:
“Để ngày mai ban ngày cháu phải kiểm tra lại khắp vườn một lần nữa xem chúng còn lẩn ở đâu đó trong vườn không mới được. Chắc bọn nó khát nước nên vào sân giếng kiếm nước thôi, tầm này ngoài hồ nước cũng cạn hết cả rồi.”
Lúc này từ trong nhà tiếng cụ Long ho khục khặc phát ra. Cụ cất tiếng gọi:
“Trinh ơi… cái Trinh đâu rồi? Mấy giờ rồi sao còn chưa cho ông ăn cơm?”
Bà Hoàn khẽ thở dài rồi nói:
“Bố lại quên nữa rồi, vừa ăn cơm lúc 7 giờ tối. Thôi cô chú vào trong nhà cả đi để chị đi hâm lại cháo cho bố. Bố cứ đòi vậy thôi chứ dọn lên rồi lại dọn xuống nguyên ấy mà.”
Cô An nói:
“Vất vả cho chị quá, để em phụ chị một tay. Mà phải rồi, cái Trinh đi đâu sao từ tối đến giờ không thấy cháu hả chị?”
Bà Hoàn đáp:
“Chắc nó đi chơi với mấy đứa trong xóm tí về ấy mà. Con bé có mấy khi ra ngoài vào buổi tối đâu.”
“Thế cháu nó đã có đám nào quen chưa hả chị?”
“Ôi dào ôi cháu cô nó còn con nít lắm đã biết gì đâu mà yêu với đương…”
Cô An theo bà Hoàn vào bếp, hai chị em vừa dọn cơm vừa rủ rỉ tâm sự. Những người còn lại kéo nhau lên nhà trên tiếp tục bàn luận về hai con rắn lạ. Ai cũng cho rằng rắn bò vào sân giếng để tìm nước, bị cô An bắt gặp nên bỏ đi. Nhưng đến ngay cả cô An vì sợ hãi quá mà không nhận ra rằng, hai con rắn ấy đều có một cặp sừng nhỏ trên đầu, những con rắn bình thường không hề có cặp sừng như thế.”