Chương 7: Kẻ tình nghi
Phải gần 10 giờ đêm hôm đó Tâm mới về đến nhà trong tình trạng mệt mỏi bơ phờ. Ngày hôm nay hẳn là một ngày thật dài với cậu. Cả buổi sáng phải đào đất chôn xác con mèo, dọn dẹp phát quang khu vườn, cơm trưa còn chưa kịp ăn thì đã phải tới hiện trường vụ án. Vừa vào nhà việc đầu tiên cậu làm là ghé vào phòng ông nội. Đêm đã muộn nhưng ông còn chưa ngủ. Ông ngồi tựa vào cái gối kê trên thành giường, dáng vẻ mệt mỏi. Cô An ngồi cạnh giúp ông bóp chân. Tâm lễ phép chào ông rồi hỏi:
“Hôm nay ông thế nào hả cô, có đỡ hơn chút nào không ạ?”
Cô An tay vẫn không ngừng nắn bóp hai bắp chân của ông cụ, cô đáp bằng giọng thật buồn:
“Ông ngày càng yếu rồi cháu ạ. Bắp chân đã hết sưng rồi nhưng cả ngày hôm nay ông không xuống đất nửa bước chỉ ngồi yên một chỗ nhìn ra vườn chuối sau nhà. Từ tối đến giờ cứ bảo có ai ở ngoài đó nhưng bố cháu ra xem thì không thấy gì cả. Phải nịnh mãi ông mới đồng ý cho đóng cửa lại để gió khỏi lùa vào đấy. Khổ thật, lúc nhớ lúc quên.”
Nói rồi cô lần bóp lên cánh tay của ông cụ, cô ân cần hỏi nhỏ:
“Khuya lắm rồi con đỡ bố nằm xuống đi ngủ thôi nhé?”
Ông cụ không đáp mà chỉ khẽ gật đầu. Long phụ cô An một tay đỡ ông nằm xuống, thả màn xong xuôi rồi mới yên tâm ra ngoài. Dưới bếp ông Phước và bà Hoàn đang lúi húi rải đồ ăn có trộn sẵn thuốc chuột ở khắp các ngóc ngách mà đêm qua lũ chuột quấy phá. Vừa làm bà vừa thở dài thườn thượt:
“Mong là sáng ngày hôm sau ngủ dậy giết được hết cái lũ chuột này. Đến khổ, hôm qua quần áo chăn màn bị nó gặm cho nham nhở cả.”
Tâm thấy bố mẹ đã làm xong thì cũng yên tâm tắm rửa rồi đi ngủ. Một ngày với quá nhiều sự mệt mỏi nên vừa đặt lưng là cậu đã chìm ngay vào giấc ngủ. Sáng ngày hôm sau còn chưa sáng rõ mặt người Tâm đã bị đánh thức bởi tiếng thét ở ngoài nhà:
“Ôi bố ơi… cứu con…”
Tiếng thét ấy không phải của ai khác mà chính là của cái Trinh phát ra từ trong phòng riêng ngay bên cạnh phòng của Tâm. Đến cả trong mơ Tâm vẫn còn bị ám ảnh bởi cái giọng nũng nịu của em gái mình bởi chỉ cần một con gián thôi cũng đủ làm cho cô sợ hãi. Tâm hai mắt vẫn nhắm nghiền vì ngái ngủ, khẽ nhẩm đếm trong đầu:
“Ba… hai… một!”
Tâm vừa đếm xong thì đã nghe tiếng bố vọng tới:
“Đây đây bố đây. Có chuyện gì vậy con gái?”
Tâm bất giác nhoẻn miệng cười trong vô thức. Cậu đã quá quen thuộc với cái cảnh này rồi. Cái Trinh trong nhà giống hệt như một cô công chúa nhỏ được bố mẹ cưng chiều hết mực. Hay như trên mạng người ta vẫn thường hay nói, con gái là người tình kiếp trước của cha. Ông Phước cưng chiều Trinh hơn tất cả mọi thứ trên đời. Từ bé đến lớn Trinh muốn gì đều được đáp ứng hết. Không biết có phải vì thế mà Trinh mãi không chịu lớn hay không, ngoài 20 tuổi đã tốt nghiệp đại học và đi dạy ở trường mầm non của xã nhưng ở nhà lúc nào cũng chỉ như một đứa trẻ, đụng một cái là lại gào lên gọi bố. Mỗi lần Trinh gọi, chỉ cần có bố hoặc mẹ ở nhà thì chỉ 3 giây sau đó đã nghe tiếng đáp lại ngay. Nhiều lúc Tâm vẫn nói đùa với Trinh, không biết hai người có phải anh em thật không nữa. Trong khi Tâm thì mạnh mẽ đến mức khô khan còn Trinh thì lúc nào cũng yếu đuối mỏng manh cần được người khác bảo vệ.
Sáng nay cũng vậy, Tâm đoán là Trinh lại thấy con gián hay một cái gì đấy tương tự như vậy nên lại trùm chăn kín đầu ôm gối ngủ tiếp. Nhưng chỉ vài giây sau cậu gần như choàng tỉnh khi nghe giọng của bố:
“Ôi trời ơi… cái… cái quái quỷ gì thế này…”
Trong câu nói của ông vừa chứa đựng sự ngạc nhiên đến tột cùng lại pha lẫn cả sự sợ hãi. Nghe giọng của bố Tâm đoán là có chuyện chẳng lành vội bật người dậy bước nhanh xuống giường. Hai mắt cậu vẫn còn nhíu vào với nhau vì buồn ngủ. Vừa đi được vài bước Tâm thấy chân mình vừa dẫm phải vật gì đó mềm mềm lại trơn trơn. Trời lúc này vẫn còn lờ mờ chưa sáng hẳn, bóng đèn ngủ vàng vọt ở một góc phòng không đủ để soi rõ mọi thứ. Tâm vội thu chân mình lại, cố nheo mắt để xem thứ mình vừa dẫm phải là gì, lần này đến lượt cậu cũng không kìm được mà thốt lên:
“Ôi trời đất ơi… là chuột… sao lại nhiều chuột thế này…”
Trong ánh sáng lờ mờ không rõ mặt người, Tâm thấy rải rác khắp phòng mình là vô số những con chuột nằm chết la liệt dưới nền đất. Ở bên phòng ông nội cũng nghe tiếng la oai oái của cô An hệt như cái Trinh hồi nãy. Không chỉ riêng ở mình phòng Tâm, mà ở tất cả các phòng, từ nhà khách cho đến bếp ăn, đâu đâu cũng toàn là xác chuột. Từ những con chuột đồng đang mùa giáp hạt gầy guộc đến cả những con chuột cống to như bắp tay người lớn béo múp míp, trên lông vẫn còn dính nước cống hôi rình. Tất cả chúng nằm chết phơi bụng ở khắp các ngóc ngách trong nhà. Bà Phụng năm nay đã gần 80 tuổi nhưng chưa bao giờ thấy chuyện lạ đời như vậy bao giờ. Bà cụ khẽ thở dài rồi nói:
“Các cụ xưa có câu cháy nhà mới ra mặt chuột, không có lí gì mà tự dưng chuột đồng chuột cống lại lũ lượt kéo nhau vào nhà như vậy. Không biết lại là điềm báo gì nữa đây. Không hiểu sao mẹ cứ có cảm giác bất an lắm.”
Tâm nhớ lại câu nói sáng ngày hôm qua của người thú y, cậu nói:
“Không phải chỉ ở nhà mình mới vậy đâu bà nội, ở nhiều nơi trong xã cũng xuất hiện chuột như nhà mình. Hôm qua người ở quầy thú y bảo nguyên buổi sáng chỉ có người vào hỏi mua thuốc diệt chuột. Hai gói con mang về là hai gói cuối cùng còn sót lại rồi đó.”
Cả ông Phước, bà Hoàn cũng không lý giải được hiện tượng này. Cả hai người chỉ biết im lặng nhìn nhau rồi xắn tay áo thu dọn xác chuột chết bỏ vào bao tải. Tất cả được gom lại đến nửa bao tải cả chuột lớn chuột bé. Vừa xong thì trời cũng sáng hẳn. Ông Phước cùng Tâm đem chỗ chuột ấy ra một góc bờ hồ chất củi đốt thành than, sau đó đào đất chôn chỗ than đen ấy xuống để tránh con chó con mèo nào ăn phải xác chuột đã dính thuốc. Xong xuôi Tâm vào nhà tắm rửa rồi đến uỷ ban xã. Trong đầu cậu lúc này rối như tơ vò, chuyện vụ án ở cơ quan còn chưa có phát hiện gì mới lại thêm vụ chuột chết ở nhà, đầu óc cậu không có lúc nào được thảnh thơi.
Tâm đến cơ quan thì đã là hơn 9 giờ sáng, lúc này đã có một vài thanh niên xăm trổ kín người đang ngồi vật vờ ở băng ghế dài. Họ là những đối tượng hay qua lại với hai nạn nhân trong vụ án xác chết được tìm thấy ở nghĩa địa được khoanh vùng để lấy lời khai. Đa phần họ đều đã quá quen mặt với đội an ninh hình sự của xã. Ai cũng có ít nhất vài lần bị mời về đồn vì tội đánh bài, trộm chó hoặc ăn cắp vặt. Thế nên đã thành quen, tuy bị mời lên đồn nhưng ai nấy gương mặt tỉnh bơ như không, còn tranh thủ tán phét với nhau trước khi bắt đầu vào làm việc. Duy chỉ có một người là khiến Tâm chú ý hơn cả. Người thanh niên này dáng người nhỏ thó, tóc mào gà nhuộm một màu vàng choé. Cậu ta chân đi dép lê xỏ ngón, quần bò rách bên trái hở nguyên mảng đùi, bên phải rách đúng ngay đầu gối, áo sơ mi loang lổ để phanh ngực lộ ra hình săm con rồng ở ngay giữa bộ ngực. Từ đầu đến chân phong cách rất hầm hố thể hiện cậu là một người thích gây sự chú ý, thế nhưng cậu ta vừa thấy Tâm đến đã vội im bặt lại quay mặt đi chỗ khác, ngồi nép vào một góc, ánh mắt lấm lét tý tý lại đảo qua xem Tâm có thấy mình hay không. Người này Tâm không lạ gì, đó là Tú, có biệt danh là Tú nổ. Mấy năm trước lúc Tâm vừa chuyển về đây công tác Tú có bị mời về đồn một lần vì tội đánh nhau gây mất trật tự an ninh. Ngoài ra Tú còn là bạn học với Trinh em gái Tâm.
Nhận danh sách những người rà soát được từ chú Khải, Tâm nhìn qua một lượt gần chục người ngồi đó rồi chỉ vào Tú vẫn đang cố lảng tránh ánh mắt của mình, Tâm nói:
“Bắt đầu từ cậu, vào phòng riêng gặp tôi lấy lời khai. Những người còn lại tiếp tục ngồi đợi tới lượt tôi sẽ gọi. Đề nghị mọi người phối hợp điều tra.”
Tâm vào phòng trước, sau đó Tú cũng miễn cưỡng đứng dậy theo vào. Ngồi đối diện Tâm qua một cái bàn gỗ nhỏ, Tú vẫn cúi mặt cố tránh né cái nhìn của Tâm. Không để mất thời gian, Tâm vào ngay vấn đề:
“Cậu cho tôi biết, vào tối đêm ba ngày trước cậu có gặp anh Lê Văn Bốn và Phạm Văn Mừng là hai nạn nhân được phát hiện ra ở gốc cây cáo hay không?”
Tú lắc đầu nguầy nguậy rồi đáp:
“Em… em không có.”
“Vậy hôm đó cậu đã ở đâu? Với ai? Ai có thể làm chứng chuyện này?” Tâm nhìn Tú bằng một ánh mắt xoáy sâu kiên định như muốn ngầm nhắc nhở rằng, Tâm có thể đọc được suy nghĩ trong đầu của Tú, chỉ cần cậu ta nói dối là sẽ bị phát hiện ngay lập tức. Tú vẫn cúi gằm mặt, hai bàn tay đan vào nhau bối rối, cậu trả lời mà không nhìn vào Tâm:
“Em ngủ ở nhà. Có … có mẹ em làm chứng.”
Lời của Tú vừa dứt, Tâm đã đập mạnh tay xuống bàn đánh rầm một cái khiến Tú bất ngờ giật nảy mình ngước mắt lên nhìn thẳng vào mắt cậu. Tâm khẽ cau mày rồi lạnh lùng đáp:
“Cậu nói dối. Trước khi cậu tới đây chúng tôi đã tới nhà để lấy lời khai của người nhà. Bố cậu cho chúng tôi biết đêm đó cậu hoàn toàn không về nhà. Tốt nhất cậu nên khai thật đi, đêm đó cậu đã ở đâu, cái chết của hai người bọn họ có liên quan gì tới cậu hay không?”
Giống như kẻ đi ăn trộm bị bắt gặp, Tú trong thoáng chốc bỗng trở nên bối rối. Cậu đưa tay gãi đầu gãi tai một hồi rồi mới nói:
“Thực sự đêm đó em không có gặp bọn họ, cái chết của họ lại càng không liên quan đến em. Em thề đấy. Còn… còn việc em ở đâu thì… thì em không tiện nói ra. Đây là chuyện riêng của em thôi chứ em không làm gì phạm pháp cả.”
“Nếu không làm gì phạm pháp thì cậu chỉ cần khai ra đêm đó cậu đã ở cùng ai, sau khi xác minh đúng thì chúng tôi sẽ giữ bí mật chuyện này không ai biết cả. Cậu cũng biết rồi đấy, vụ án liên quan đến hai mạng người cực kì nghiêm trọng, nếu cậu không khai thật thì e là cậu còn phải tới lui đồn công an thêm nhiều lần nữa đấy. Để tránh làm mất thời gian của cả đôi bên cậu mau khai thật đi.”
Tú ngồi tựa lưng vào thành ghế vẻ mặt suy nghĩ mông lung lắm. Mất vài phút trôi qua, cuối cùng Tú cũng đồng ý khai ra mọi chuyện. Cậu nói:
“Vâng, anh đã nói vậy thì em xin khai. Nhưng mong anh hãy tin em là em không làm gì phạm pháp cả. Và cũng giúp em giữ bí mật chuyện này đừng nói cho ai biết, nhất là bố em. Thực ra tối hôm đó em… em đã nhậu và ngủ lại ở ngoài chòi mía của ông Lâm ở rìa làng. Chuyện này ông Lâm có thể làm chứng.”
Tâm nhìn Tú dò xét một hồi. Tú lúc này đã đặt hai tay khoanh ngay ngắn trên bàn, ngước đôi mặt vô tội nhìn Tâm đau đáu như muốn khẩn thiết Tâm hãy tin tưởng ở mình. Thấy Tú có vẻ đã thành thật, Tâm hạ giọng rồi hỏi:
“Nếu chỉ nhậu rồi ngủ lại đó tại sao cậu không khai ngay từ đầu mà còn vòng vo làm gì?”
Tú lại đưa tay gãi đầu gãi tai rồi đáp:
“Thì em có lí do riêng không tiện nói ra. Nhưng em thề đấy, em không làm gì phạm pháp cả.”
Lấy xong lời khai, Tâm ghi nội dung vào biên bản đưa Tú kí vào sau đó thả cho cậu ta ra về. Lúc đứng dậy Tú vẫn cứ nhắc đi nhắc lại chuyện mình không làm gì phạm pháp cả. Đợi bóng cậu ta đi khuất, chú Khải từ sau cửa bước vào xem qua một lượt biên bản tờ khai rồi hỏi Tâm:
“Cậu Tú này trông có vẻ bất hảo không ngán ai mà sao nay trước mặt cháu lại ngoan ngoãn lễ phép thế nhỉ? Chú nhớ mấy năm trước lúc cậu ta bị dẫn về đồn vì tội gây rối trật tự, chú là người trực tiếp lấy lời khai. Chú đáng tuổi cha chú mà cậu ta trả lời kiểu bố đời chả xem ai ra gì. Hôm nay chú tưởng ca này khó nhằn mà xem ra lại dễ dàng quá nhỉ?”
Tâm khẽ nhoẻn miệng cười lắc đầu mà nói:
“Có thể cháu biết lý do là gì đấy, nhưng thôi bí mật chú ạ. Chuyện của bọn con nít ấy mà. Để cháu ra gọi người tiếp theo vào.”
Lần lượt từng người được mời vào để lấy lời khai. Tất cả bọn họ đều có chứng cứ ngoại phạm và có người làm chứng rằng tối đó không xuất hiện ở ngoài nghĩa địa. Sau khi xác minh thì ông Lâm cũng thừa nhận đêm đó Tú cùng ông uống rượu đến khuya và ngủ luôn tại chòi của ông cho đến sáng ngày hôm sau mới rời đi. Vụ án tưởng chừng như đã có thêm chút manh mối thì đến đây lại chính thức rơi vào ngõ cụt.
*****
Sau khi hoàn thành các thủ tục khám nghiệm điều tra cần thiết, phía ông an đã có kết luận chính thức bộ xương khô được tìm thấy ở gốc cây cáo chính là xác người được chôn dưới mộ từ mấy chục năm trước. Cái xác sau đó được trao lại cho gia đình ông Cường. Khi nhận về cái xác gần như đã phân huỷ hết chỉ trơ lại một bộ xương khô. Theo lời của cô Lài em gái ông Cường, gia đình ấy mời về một ông thầy cúng chuyên xem phong thuỷ và bốc mộ cho người đã mất.
Đã gần 60 năm kể từ sau cái chết của ông Thịnh, những tội ác của ông ta lúc này cũng đã dần trôi vào quá khứ không còn ai nhớ đến nữa. Và hiển nhiên là cũng không ai còn cấm đoán gì chuyện chôn cất ông trong cùng nghĩa địa với dân làng. Nhân dịp này gia đình ông Cường quyết định chuyển luôn mộ phần của ông vào chung trong nghĩa địa của cả xã để ông khỏi phải nằm một mình đơn độc ở rìa như suốt mấy chục năm qua.
Ngôi mộ và xác người đã được quật lên từ trước đó nên thầy chỉ cần tắm rửa và xếp xương cốt vào trong quan quách, đợi ngày giờ tốt là mang hạ huyệt vào nơi đã được gia đình ông Cường chuẩn bị từ trước. Nhưng điều quan trọng nhất mà ông Cường vẫn luôn nơm nớp lo sợ, ấy là cái việc ngôi mộ đang kết mà lại bị động liệu có ảnh hưởng đến con cháu hay không? Ông thầy được mời về là một thầy khá có tiếng trong vùng. Đáp lại thắc mắc của ông Cường, ông thầy chỉ đáp:
“Từ xưa đến nay chuyện động mồ động mả không phải mộ kết cũng đã là một chuyện lớn ít nhiều có ảnh hưởng đến con cháu trong cùng dòng họ. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng đến đâu cũng còn tuỳ vào từng trường hợp. Chỉ tiếc là không có ngày tháng năm sinh, ngày giờ mất chính xác của người này để ta có thể xem lành giữ đến đâu. Tuy nhiên ta đã xem giúp gia đình ông một quẻ, mọi sự vẫn bình an không có gì phải lo lắng cả. Phàm ở đời mọi chuyện đều theo quy luật nhân quả của nó. Gieo nghiệp xuống rồi đến chết vẫn còn chưa yên. Trái lại sống có phước có đức thì đại hoạ giáng xuống đầu cũng tự dưng được hoá giải. Nói ông bỏ quá cho, có lẽ mọi chuyện ngày hôm nay đều do ác nghiệp của người chết mà ra cả.”
******
“Có ai ở nhà không đấy?”
Ông cụ lưng đã còng như con tôm, một tay chống cây gậy gỗ, tay còn lại xách theo cái túi nilong bên trong đựng toàn là trứng gà đứng trước cánh cổng sắt ngôi nhà khang trang nhất làng mà gọi vọng vào. Từ trong nhà bà Hoàn tất tả chạy ra mở cửa. Nhận ra người quen bà đon đả chào hỏi rồi mở cửa mời ông cụ vào. Dẫn ông cụ vào phòng cụ Long, bà đon đả gọi:
“Bố ơi bố đang ngủ hay thức vậy ạ? Có cụ Hậu qua thăm bố đây này.”
Cụ Long lúc này đang ngồi tựa lưng vào gối kê trên thành giường mà nhìn ra vườn chuối bên ngoài cửa sổ. Đã mấy ngày liền ngày nào cụ cũng ngồi yên ở tư thế này cho đến khi mỏi lưng quá mới chịu để cô An đỡ nằm xuống. Cụ Hậu dúi bọc trứng vào tay bà Hoàn rồi nói:
“Tôi có mấy quả trứng gà mang biếu ông cụ tẩm bổ. Trứng gà nhà đẻ đấy, không nuôi bột gì đâu tốt lắm.”
Bà Hoàn đỡ lấy túi trứng từ tay ông cụ, khách sáo mà nói:
“Cụ sang thăm bố con là quý lắm rồi lại còn cho cả trứng nữa. Vậy thì con xin ạ. Mời cụ vào trong phòng nói chuyện với bố con. Mấy ngày rồi ông cụ chỉ nằm yên một chỗ không đi lại được nữa, thấy cụ qua chơi chắc bố con vui lắm.”
Cụ Hậu chống gậy bước từng bước lại cạnh giường nơi cụ Long đang ngồi chăm chú nhìn ra cửa sổ. Cụ cất tiếng gọi:
“Long ơi tôi qua thăm ông đây.”
Cụ Long quay đầu lại, đưa tay lên miệng làm dấu ra hiệu im lặng, cụ nói:
“Suỵt! Khẽ thôi kẻo nó nghe thấy đấy. Tôi đang rình xem nó muốn làm gì.”
Nói rồi cụ lại tiếp tục nhìn chằm chằm ra khu vườn chuối bên ngoài cửa sổ. Cụ Hậu cũng nheo mắt nhìn theo nhưng chỉ thấy những cây chuối thẳng đuột đang phơi mình trong chút nắng chiều còn sót lại, ngoài ra không thấy có thêm thứ gì. Cô An vén gọn chăn vào phía trong chừa ra một khoảng giường trống mời cụ Hậu ngồi xuống rồi nói:
“Khổ lắm cụ ạ, bố cháu mấy hôm nay bị lẫn rồi. Cả ngày chỉ ngồi canh vườn chuối bảo có người rình ngoài đấy, con cháu khuyên mãi mà cụ không có nghe.”
Cụ Long nghe con gái nói vậy thì gắt lên:
“Lẫn đâu mà lẫn. Khổ lắm con với cái nói mãi mà nó không tin. Rõ ràng có người rình ngoài vườn chuối nhà mình, không phải chỉ một người đâu, là hai người. Nó đang theo dõi tôi đấy.”
Nói rồi ông cụ bất ngờ chồm người lên túm chặt lấy tay cụ Hậu lắc mạnh rồi nói:
“Là nó đấy… con quỷ ở đình làng… nó sống dậy rồi… nó theo dõi tôi… nó còn theo dõi cả nhà ông nữa. Chính mắt tôi thấy mà, nó sống dậy rồi… nó đội mồ sống dậy rồi…”
Nói đến đây ông cụ lại ôm ngực ho lên sặc sụa. Cô An phải vuốt lưng mãi cơn ho mới dịu đi. Lúc này trên mặt ông cụ nước mắt nước mũi đã tèm lem cả lên. Cô An vừa lau giúp bố, vừa đảo mắt về phía cụ Hậu khẽ lắc đầu.
Vừa được cô An đỡ nằm lại xuống giường, cụ Long lại bật người ngồi dậy. Lần này sắc mặt cụ có vẻ mệt mỏi hơn, cụ đưa đôi mắt ráo hoảnh nhìn cô An rồi hỏi:
“Cái An, mấy giờ rồi sao còn chưa cho bố ăn cơm? Định để bố chết đói đấy phải không?”
Đã quá quen với chuyện này, cô An nhanh nhảu đáp lại ngay:
“Đây đây cơm con nấu xong rồi, để con dọn lên luôn cho bố.”
Nói đoạn cô lại quay qua cụ Hậu cười buồn rồi nói:
“Khổ thế đấy cụ ạ, bố cháu lẫn mất rồi, vừa ăn cơm hơn một tiếng trước giờ lại quên. Thế nên là những gì bố cháu nói cụ đừng để bụng nhé!”
Cụ Hậu nhìn cụ Long nằm trên giường mà khẽ nén một tiếng thở dài. Đúng là sinh, lão, bệnh, tử không chừa một ai. Đời người thoáng qua như một cái chớp mắt. Không riêng gì cụ Long, mà tất cả những người già tuổi cao như cụ lúc này sinh mệnh chỉ như một ngọn đèn leo lét, không biết gió sẽ bùng tới và thổi tắt lịm đi bất cứ lúc nào. Thế nên còn sống được bên con cháu ngày nào, ấy đã là hạnh phúc lắm rồi. Ở độ tuổi của các cụ bây giờ, thấy con cái khoẻ mạnh thành công đã là mãn nguyện. Nhìn cụ Long được con cháu ân cần chăm sóc, nghĩ lại cảnh phận mình, cụ chỉ biết ngậm ngùi nén một tiếng thở dài.
Cụ nắm bàn tay gầy guộc xám nghét nổi hằn lên những đường gân xanh của cụ Long, căn dặn cụ ăn uống nghỉ ngơi nhiều cho khoẻ rồi đứng dậy ra về để cô An cho cụ ăn cơm. Bóng cụ lẻ loi dần mất dạng sau cánh cổng sắt. Cụ chống gậy mò mẫm từng bước dọc trên bờ hồ sen. Đến góc hồ cách nhà cụ Long đoạn chừng vài chục mét thì cụ dừng lại. Trời đã về chiều, gió từ hồ sen thổi vào lồng lộng mang theo cái se se lạnh nhưng cụ chưa muốn về. Cụ cứ đứng đấy phóng tầm mắt nhìn ra xa, đâu đâu cũng trơ ra toàn là bùn đất, thi thoảng mới có một vài bụi cây dại mọc lên khiến cảnh vật lại càng thêm phần tiêu điều sơ xác. Cũng tại vị trí mà cụ đang đứng ở đây, trước đây là cổng nhà Hào, thằng bạn thân trí cốt trong nhóm của mấy thanh niên làng hồ. Mới đó mà đã gần 60 năm trôi qua kể từ sau cái chết của Hào, nhưng chưa bao giờ cụ Hậu quên được cái quá khứ hãi hùng đã cướp đi 4 người bạn thân của mình. Giờ đây cụ đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, cũng giống với cụ Long, cụ bình thản đón nhận cái chết như một quy luật bất biến ở đời. Chỉ có điều, đã ở độ tuổi gần đất xa trời nhưng lòng cụ vẫn còn chưa được yên. Nghĩ đến đây cụ lại khẽ buông thêm một tiếng thở dài.
Khi tiếng lạch cạch của dao thớt bắt đầu vang lên ở những ngôi nhà cạnh đấy cụ Hậu mới lò dò chống gậy về nhà. Nhà cụ Hậu và cụ Long có chung nhau với nhau một bức tường rào, kể ra cũng được gọi là hàng xóm sát vách, nhưng đất của hai nhà lại quay đấu lưng vào với nhau, trước mặt hướng về hai con ngõ khác biệt nên cụ phải đi bộ mất chừng 500 mét mới về được đến nhà.
Vừa đến đầu cổng, cụ Hậu đã nghe tiếng con dâu oai oái ở trong nhà. Đoán biết là hai vợ chồng con trai cụ lại đương cãi nhau, nét mặt cụ trùng hẳn xuống. Chuyện thường tình như cơm bữa ở nhà cụ. Mà gọi là cãi nhau cho hay thế thôi, chứ trước mụ vợ dữ rằn như con sư tử, con trai cụ nào có nói được gì cho cam. Lúc nào cũng chỉ nghe tiếng bà Thảnh là con dâu cụ nhiếc móc chồng rồi chửi xéo xắt sang cả bố chồng cũng chính là cụ.
Nhưng mà không!
Lần này thái độ của con dâu cụ khác lắm. Cũng là chửi nhau đấy. Cũng là cái giọng oang oang còn hơn ở loa phát thanh của xóm vẫn phát mỗi sáng ở đình làng đấy. Nhưng lần này có vẻ như con dâu cụ không chửi chồng thì phải. Bằng chứng là bà cứ đứng ở góc sân hướng mặt ra ngoài đường mà chửi, còn ông Cương con trai cụ đang lúi húi làm gì ngoài chuồng gà. Giọng chửi choa ngoa đanh đá hệt như mấy mụ hàng tôm hàng cá ở chợ bị ai đó đụng chạm đến quyền lợi của mình. Miệng chửi nhưng tay chân bà cũng không để yên, cứ thế khua khoắng rồi chạy ra hết góc sân này đến góc sân khác như sợ cái người mà bà chửi không thể nghe được những lời độc địa bà đang xả ra lúc này.
Đang chửi hăng máu, thấy cụ Hậu về đến giữa cổng thì bà Thảnh hơi khựng người lại mất mấy giây, hai bàn tay đang vung trên trời cũng theo đó mà từ từ hạ xuống. Mồ hôi mồ kê vã ra như tắm trên khuôn mặt đã nổi đầy vết đồi mồi, bà đi thêm mấy bước lại bậc thềm lát đá lên hè nhà rồi thả người ngồi phịch xuống, vẻ mặt vừa toát lên vẻ mệt mỏi, vừa chán trường. Vào đến sân, cụ Hậu khẽ hắng giọng rồi hỏi:
“Nhà chị Thảnh, lại có chuyện gì mà chửi ầm làng ầm xóm lên như thế?”
Như chỉ chờ có người chạm vào chỗ ngứa của mình, bà Thảnh được dịp lại tuôn ra một tràng dài liến thoắng:
“Bố không ở nhà mà xem, mấy ổ trứng gà mới đẻ cả mấy chục quả ngoài chuồng còn chưa kịp nhặt vào thì đứa mất dậy nào nó đã khoắng hết rồi còn đâu. Mới sáng kiểm tra con còn thấy ở đó mà ngủ trưa dậy đã mất sạch sẽ không còn quả nào. Ôi trời ơi là trời, quân trộm cắp bất nhân thất đức không lo làm lấy mà ăn chúng mày lại đi trộm cắp trứng của nhà bà…”
Một chút lúng túng thoáng lướt qua trên mặt, cụ Hậu một tay chống gậy, tay kia khẽ xua xua trước mặt con dâu rồi nói:
“Ấy ấy chị cứ bình tĩnh lại đã, nhỏ tiếng thôi không hàng xóm nghe thấy người ta lại cười cho bây giờ. Có phải chị đang nhắc đến ổ trứng có gần 20 quả của con gà mái mơ trong chuồng kia không? Là tôi lấy đấy, không có trộm cắp nào sất.”
Ông Văn từ ngoài chuồng gà vào vừa hay nghe được câu nói của cụ, chưa kịp đợi vợ phản ứng đã hồ hởi chen vào:
“Đó, tôi đã nói với bà rồi, giữa ban ngày ban mặt làm gì có ai dám chui vào tận trong này mà ăn trộm trứng cơ chứ, khổ lắm, cái tính đành hanh mãi không bỏ được. Chưa rõ đầu đuôi tai nheo thế nào đã làm ầm cả lên rồi.”
Bà Thảnh nghe cụ Hậu nói thì thay đổi sắc mặt ngay, bà đon đả hỏi:
“Thế ra là bố nhặt vào rồi ạ? Gớm nữa, trước giờ bố có đụng đến mấy việc này bao giờ đâu mà con biết được. Thế trứng nhặt vào bố để đâu mà con tìm mãi không thấy thế hở?”
Cụ Hậu trả lời con dâu bằng một âm lượng rất nhỏ, vừa nói cụ vừa đảo mắt nhìn bà như muốn thăm dò thêm thái độ:
“Lúc ấy con chưa dậy nên bố chưa kịp nói, chỗ trứng đấy bố… bố mang đi thăm cụ Long rồi.”
Chỉ chờ có thế, lời của cụ Hậu vừa dứt, bà Thảnh đã lại dẫm hai chân bình bịch xuống đất, miệng bắt đầu tru tréo:
“Ôi giời ơi là giời! Cả chuồng dễ phải đến 5-6 chục trứng, bố nói đem đi cho là cho như vậy luôn à? Rồi lấy gì cho gà nó ấp? Lấy tiền đâu mà mua ngô mua lúa cho gà mẹ nó ăn hả bố ơi là bố! Giời ơi là giời! Sao số tôi lại khổ thế này!”
Cụ Hậu xua tay rối rít, cụ nói:
“Không! Không! Bố chỉ nhặt trứng trong đúng một ổ, được khoảng chừng hai chục quả chứ làm gì mà đến ngần ấy. Hàng xóm sát vách với nhau lại là chỗ bạn bè thân thiết từ trước đến giờ, biết nhà bên ấy giàu có chả thiếu thứ gì bố mới nhặt ít trứng của gà nhà đẻ được mang qua đấy biếu cụ Long thôi. Bố xin chị, chị bé bé cái mồm thôi kẻo bên ấy người ta mà nghe được vì mấy quả trứng gà mà cãi nhau thì biết giấu mặt vào đâu được.”
Ông Văn cũng thêm vào:
“Thôi đủ rồi, biết là bố lấy thì thôi, có mấy quả trứng gà mà ầm ĩ từ chiều giờ.”
Bà Thảnh vẫn chưa chịu dừng lại, bà không gào mồm lên như trước để xóm làng nghe thấy nữa, nhưng giọng vẫn còn đay nghiến:
“Hai chục đâu mà hai chục! Ba ổ trứng gà trong chuồng chẳng còn quả nào dễ cũng phải ngót nghét 6 chục quả chứ ít gì. Nhà bên đấy có thiếu thốn cái gì đâu mà bố phải bưng hết cả sang như thế. Cái gì thì cũng vừa vừa phai phải thôi chứ, đã già cả ốm đau không làm được gì cho con cái rồi còn vung tay quá trán như vậy nữa. Giời ơi là giời, sao tôi lại khổ thế này!”
Mặc dù đã nói hết nước hết cái nhưng con dâu vẫn còn nặng nhẹ chỉ vì mấy quả trứng gà, cụ Hậu giận lắm. Cụ dằn mạnh đầu cây gậy trên tay xuống nền sân gạch tạo nên một âm thanh khá lớn, sau đó không thèm nói gì nữa mà lặng lẽ đi vào buồng riêng. Bà Thảnh miệng vẫn còn méo sệch đi vì tiếc mớ trứng, nhưng thấy bố chồng có thái độ như vậy nên không dám nói thêm gì nữa. Ông Văn đưa tay vò đầu bứt tai ra chiều đau đầu lắm nhưng cũng không biết phải làm gì. Buổi chiều hôm ấy ở nhà cụ Hậu cứ trôi đi một cách nặng nề như thế.