Bí ẩn đại ngàn – rừng thiêng Tây Côn Lĩnh – Chap 10
Nói rồi Hải lập tức hành lễ dập đầu trước bác Quất, thấy Hải làm vậy, bác Quất vội vàng đỡ lấy hai tay cậu ta rồi cười móm mém. Cái điệu cười ấy thật khiến cho con người cảm thấy như được xoa dịu phần nào. Đại khái, bác Quất nói rằng, khi đã học đạo, gặp chuyện nhỏ thì nên giúp triệt để, gặp chuyện lớn thì nên giúp hết mình, mặc dù chẳng có việc gì trên đời này là phải làm. Nhưng cái chí của kẻ tu hành là sống để cho đi, để hành thiện, nếu như thấy họa mà không giúp thì cũng chỉ là một tên phàm phu tục tử, đâu xứng với hai chữ đạo hạnh.
Theo như bác Quất tính toán, giờ cách duy nhất để giúp Hải thoát khỏi sự đeo bám của âm tà, chính là tìm về nơi bố Hải đã từng khai thác gỗ rồi mới có thể tính toán được bước tiếp theo. Mọi việc sẽ cố gắng xong trong vòng 5 ngày, trước khi âm khí của bố Hải mạnh lên, có thể sẽ phá hỏng mọi chuyện. Nhất trí với phương án của bác Quất, Hải vội vàng viết mail xin nghỉ việc vài ngày. Tôi ban đầu không định đi cùng, vì đây là chuyện riêng của Hải, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, giờ tôi về nhà Hải một mình thì quả thật là thấy rợn người, phần vì cũng tò mò, thế nên tôi đã quyết định theo chân cậu ta.
Khoảng 7h sáng, sau thời gian nghỉ ngơi ít ỏi, chúng tôi tranh thủ sửa soạn đồ đạc rồi lên đường. Tôi với Hải ban đầu định về nhà lấy chút quần áo, nhưng nghĩ lại thì thôi, cả hai sẽ mua dọc đường vì ngại về nhà lúc này. Còn về phía bác Quất, chỉ thấy bác mang theo một chiếc balo cỡ nhỏ, tay thì cầm một chiếc túi da, bên trong chứa toàn là các giấy bùa màu sắc sặc sỡ. Đặc biệt, bác Quất đưa cho tôi một cây bút lông mới và một tấm vải lụa màu vàng có đính kim tuyến, bác dặn tôi là phải giữ cẩn thận, không được để Hải động vào, tôi không hỏi nhiều, chỉ y án làm theo. Và cũng phải đến khi trời sáng, tôi mới thấy được nét mặt của bác Quất rất khác so với mọi người. Chỉ cần nhìn qua, người đối diện lập tức có thể cảm thấy được mươi phần thiện cảm, hay nói cách khác, đây là phúc tướng. Nhưng thỉnh thoảng, trong một giây phút ngắn ngủi nào đó, tôi lại vô tình bắt gặp ánh mắt sắc lẹm của bác Quất, thứ nhãn lực ấy cuồng nộ, mạnh mẽ tới mức khiến cho con người ta phải dè chừng cẩn trọng.
Chúng tôi bắt đầu xuất phát là hơn 7h, một người bạn đồng ngũ của bác Quất đã nhận lời đưa chúng tôi đi bằng xe gia đình. Dọc đường, tôi để ý thấy Hải chỉ đưa mắt nhìn ra bên ngoài, sự nặng nề trong đầu óc của cậu ta cứ quanh quẩn trên nét mặt. Một người kinh qua lắm cái mất mát và tủi hờn như Hải tưởng rằng đã chai lỳ. Ấy nhưng không, có vẻ bản thân của cậu ta luôn tồn tại những mâu thuẫn, những quan điểm đối nghịch về chính số phận mang tên mình. Lắm lúc, tôi nghĩ Hải là một người con bạc mệnh, hay đúng hơn là một đứa trẻ bị bỏ rơi trong cuộc đời, bị ma lực của đồng tiền cướp mất đi hạnh phúc gia đình.
Ánh nắng sớm nhẹ nhàng từng đợt lướt qua cửa kính xe, màu sắc tươi mới ấy đang cuốn lấy chàng thanh niên Hải trẻ tuổi. Hình như, nó muốn kéo cậu ấy ra khỏi những gang màu của muộn phiền…
-Theo quan niệm tín ngưỡng của người xưa, miền sơn cước từ xưa tới nay là nơi độc địa. Sự hung hiểm ấy không đơn thuần chỉ là những loài mãnh xà dã thú, nó còn tồn tại không ít những điều huyễn hoặc về tâm linh. Có những tích xưa kể rằng, khi quân xâm lược theo ải Chi Lăng mà tiến vào nước Nam, đoạn băng qua những nơi rừng rậm, nhiều binh lính của phương Bắc đã phải bỏ mạng vì chướng khí. Cái ấy là cách nói đại khái của sử sách về hiểm họa nơi rừng thiêng nước độc. Còn cụ thể thì dân gian vẫn cho rằng ở nơi thâm sâu cùng cốc, ngoài những ma rừng quỷ núi, còn có những vị anh linh Nam Việt cai quản, hễ có kẻ xâm phạm, ắt phải bị đọa đầy, nhẹ thì gặp dịch bệnh, nặng thì gặp mưa lũ cuồn cuộn đến mức tính mạng cũng chẳng giữ nổi. Và cũng chính vì thế, người Nam Việt trước khi vào rừng tìm kế sinh nhai, họ đều làm cơm tấu thỉnh trời đất, tâu lên với vua rừng chúa núi để mong được sự gia hộ độ trì, không phải gặp những điều tai ương hiểm họa. Giờ có một cái khó, không biết là bố cậu đã từng khai thác rừng ở đoạn nào để còn xem đất ấy do vị nào cai quản, thần nào trấn giữ, nếu như chỉ nói là ở rừng trên Hà Giang thì quả thật là bạt ngàn vô cùng.
Cuộc trò chuyện giữa bác Quất với Hải vô tình đã đánh thức tôi dậy sau giấc ngủ dài trên xe. Hai người họ có vẻ đang bế tắc ở đoạn tìm lại địa điểm trước đây bố Hải từng khai thác gỗ. Vừa hay, tôi nghĩ ngay đến bức thư mà bố Hải để lại, tôi mau chóng gợi ý,
-Hải, có bức thư của bố cậu, nếu như bố cậu có giấu vàng, thì ắt hẳn chỗ vàng ấy cũng sẽ gần nơi mà bố cậu khai thác thôi.
Nghe thấy tôi nói vậy, Hải vội vàng tìm lại bức thư, cũng may là cậu ta luôn để nó ở trong ví. Hải lấy ra đưa cho bác Quất, khi bắt đầu thấy rõ ràng ngang dọc những chữ được viết trên mảnh giấy, bác Quất tỏ vẻ trầm trồ,
-Không biết những dòng này có phải do bố cậu viết hay không, nhưng đọc qua cách hành văn, có thể thấy người cầm bút là kẻ sĩ học rộng biết nhiều. Tuyệt đối không thể giống với phường lục lâm thảo khấu tầm thường.
Tính hiếu kỳ nổi dậy, tôi chủ động mượn bức thư để đọc xem trong đó viết gì. Bác Quất tủm tỉm cười đưa cho tôi, ấy chà, toàn tiếng Hán, đúng là nó đã nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi. Nhưng nếu nhìn kỹ, có thể thấy những nét chữ thanh đậm rõ ràng, màu mực được mài cẩn thận vô cùng, ắt hẳn người viết rất coi trọng con chữ, tính tình có nét gì đó bay bổng mơ mộng. Thấy tôi cứ loay hoay xem ngang xem dọc, bác Quất mới quay đầu lại và bảo,
-Đây là một bài thơ viết bằng tiếng Hán, một bài thơ khuyết chữ. Đại ý của nó nếu như cố dịch theo văn chương kiểu Việt thì như này.
“Nam nhân bất chí trời vô định
Đại ngàn kiếm sống đủ mưu sinh
Gửi trên … … kia một nửa
Trăng lên tấu khúc nhạc ái tình”