CHƯƠNG 2:
Năm đó ông lên thành phố học, sinh viên nghèo chẳng đủ tiền ăn cơm, lúc nào đi ngang qua xe phở ở đầu ngõ cũng cố ý đi chậm lại để ngửi một chút mùi thơm. Lúc nào đầu tháng gia đình gửi tiền lên mới dư dả ăn được một bát phở gà cho đỡ thèm.
Lúc đó bà Hợp còn nhỏ, mới 17 tuổi đã đi bưng phở, rửa chén thuê cho người ta. Bởi vì ngày nào thầy Quyết cũng đi ngang qua ngang lại lên dần dần hai bên quen mặt nhau.
Có lẽ vì tuổi trẻ nên ai cũng bạo dạn, vậy là một mối tình thơ mộng xuất hiện.
Thuở ấy người ta yêu nhau đơn giản lắm, thỉnh thoảng đi dạo quanh bờ hồ ăn que kem, hoặc rủ nhau vào công viên ngồi ghế đá tâm sự mà thôi. Đến ôm hôn còn chẳng dám, cùng lắm là chỉ nắm tay.
Hai người yêu nhau được hai năm thì thầy Quyết ra trường. Ở thành phố khó xin việc nên ông cũng có dự định về quê. Mà bà Hợp năm đó lên 19 tuổi, mặc dù yêu thầy Quyết nhưng không có lá gan về quê ông tìm việc khi chưa được cưới hỏi.
Thầy Quyết hẹn khi nào về quê ổn định công việc sẽ lên thành phố xin cưới bà. Nhưng ai ngờ ông mất cả năm vẫn không xin được việc, cuối cùng phải thoả hiệp với nhà bà Hường.
Lúc quyết định cưới bà Hường, ông biên một lá thư chia tay gửi cho bà Hợp. Hai tuần sau, bà Hợp cũng gửi lại một lá thư chúc ông hạnh phúc.
Mối tình của hai người cứ ngỡ sẽ kết thúc như vậy. Nhưng Trái Đất này đúng là tròn, đi một vòng rồi cũng sẽ gặp nhau.
Sau khi thầy Quyết ổn định nghề nghiệp, ông Toàn biết không thể dựa vào mảnh ruộng này để làm giàu được. Bởi năm nào trúng mùa thì dư dả được một tí, năm nào mất mùa thì coi như không đủ trả nợ. Vì thế ông để mảnh ruộng lại cho bố mẹ cày cấy, còn mình thì lên thành phố đi làm công nhân.
Làm được vài năm, ông dẫn bạn gái về ra mắt xin cưới. Khi biết tin, thầy Quyết rất mừng vì cuối cùng đứa em mình cũng chịu yên bề gia thất. Nhưng khi gặp người em dâu kia, ông đã đứng hình vì đó chính là bà Hợp, người yêu cũ của ông.
Sau khi chia tay với ông, bà không làm thêm ở quán bán phở nữa mà đi làm công nhân, rồi gặp ông Toàn ở đó.
Thay vì thái độ cứng ngắc của ông, bà Hợp rất tự nhiên, tỏ ra là chưa gặp ông bao giờ để cho tất cả mọi người khỏi lúng túng.
Từ đó đến nay ông Toàn và bà Hợp đã cưới nhau được hơn mười năm rồi. Hai người bọn họ cũng có được đứa con trai năm nay lên tám. Cuộc sống gia đình xem như tạm ổn.
Thầy Quyết với địa vị của một nhà giáo mẫu mực, rất hạn chế tiếp xúc với bà Hợp, nhưng dạo gần đây, bà Hợp càng ngày càng có ý muốn gần gũi với ông.
Thầy Quyết chỉ biết gác tay lên trán thở dài.
——
Môn thầy Quyết dạy là môn Hóa học, đối với con nít ở quê, môn học này khá là khó, bởi vì ít được đi học thêm, nhà trường lại thiếu cơ sở vật chất để làm thí nghiệm. Phần lớn các em học chỉ để đủ điểm qua môn.
Hôm nay ông đi dạy về vợ con đã lên thị trấn thăm người thân. Nhưng mà trước khi đi bà Hường đã nấu cơm nước đầy đủ rồi. Thầy Quyết vào nhà rửa tay rồi ăn cơm. Buổi chiều ông dạy tiết đầu nên cũng lười thay quần áo, để nguyên bộ đồng phục trên người rồi lát nữa mặc vậy đi làm luôn.
Lúc ông mới xới tô cơm ra chuẩn bị ăn thì ngoài cổng có người gọi. Ông ngó đầu ra nhìn, thấy người đứng ngoài là bà Hợp, em dâu mình.
Hiện tại vợ con mình không có nhà, nếu để bà Hợp vào thì có chỗ không đúng lắm, nhưng đây là em dâu ông, nếu không cho người ta mới kỳ quặc, bởi vậy thầy Quyết đành đi ra mở cổng hỏi:
– Có chuyện gì không thím? Vợ tôi không có nhà.
Thầy Quyết chỉ hé cổng, bà Hợp đi tới đẩy rộng cánh cổng ra rồi ngang nhiên dắt xe đi vào. Trên đầu xe bà treo một túi nhãn, bà nói:
– Đi chợ thấy nhãn ngon quá nên mua qua cho anh chị một ít.
Nếu đơn giản chỉ là cho túi nhãn thì cứ đứng ngoài cho là được, sao cần phải đi vào nhà. Thầy Quyết biết bà Hợp đến đây không chỉ vì chuyện này. Nhưng ông cũng không biết làm sao, đành để bà Hợp tự nhiên đi vào nhà mình.
Bà Hợp nhìn tô cơm trên bàn, nói:
– Anh đang ăn cơm à?
Thầy Quyết chỉ đành gật đầu:
– Ừ, đang ăn cơm.
Bàn ghế rất rộng chỗ nhưng bà Hợp không ngồi đối diện thầy Quyết mà lại đi vòng qua ngồi sát bên cạnh ông. Thầy Quyết cố gắng ngồi nhích ra cách bà một khoảng, nhưng bà Hợp cố tình như không thấy điều đó mà càng nhích lại gần ông hơn. Thầy Quyết mới lên tiếng:
– Thím đừng có ngồi gần tôi như thế, để người ta nhìn thấy lại không hay.
Bà Hợp cũng đâu phải đồ ngốc, sáng nay bà ta thấy cái Nhung đưa bà Hường đi, nghe nó nói là đi thăm người nhà ở trên thị trấn, chiều mới về.
Mà từ ngoài cổng nhà thầy Quyết nhìn vào, bị mấy chậu cây cảnh và giàn phong lan che bớt nên người đứng bên ngoài sẽ không nhìn rõ vào bên trong, cho nên bà Hợp không lo lắng việc sẽ có người nhìn thấy. Giả sử có người thấy bà đi vào đây cũng chẳng có ai nghi ngờ gì bởi vì bà vốn là em dâu thầy Quyết, bình thường bà vẫn qua lại thân thiết với bà Hường.
Thầy Quyết nhìn thấy bà Hợp nắm lấy tay mình thì giật mình đứng dậy:
– Thím làm cái gì vậy?
Bà Hợp tiếp tục tiến lên kéo thầy Quyết ngồi xuống ghế, mắt hơi rưng rưng, mềm giọng nói:
– Anh cứ ngồi xuống đây nghe em nói chuyện đã. Anh đừng có vội vàng hắt hủi em như vậy.
Thầy Quyết vẫn cố gắng cách xa bà Hợp một đoạn, đề phòng nói:
– Thím muốn nói gì thì nói nhanh đi!
Bà Hợp sụt sùi:
– Sao anh cứ lạnh nhạt với em như thế?
Thầy Quyết nghiêm giọng:
– Thím Hợp này, hiện tại thím là em dâu của tôi, làm gì thì làm, đừng có khiến người trong nhà khó xử.
Hai mắt bà Hợp đỏ hoe, khuôn mặt ra vẻ tội nghiệp:
– Em dâu cái gì chứ, nếu ngày đó anh không bởi vì cái công việc này thì đã lấy em rồi. Những lời hẹn thề khi xưa anh quên hết rồi à? Anh có biết từ ngày anh bỏ em đi, em chưa có lúc nào vui vẻ không? Em trai anh đối xử với em như thế nào anh biết rồi đó.
Đối với thầy Quyết, trong lòng ông từ trước tới nay vẫn luôn cảm thấy nợ bà Hợp. Không những vì lời thề non hẹn biển khi xưa, mà còn vì ông Toàn quả thực đối xử với bà không tốt.
Khác với vẻ đạo mạo do nghề nghiệp hình thành nên ở thầy Quyết, thì ông Toàn lại rất đỗi bình thường. Ăn to nói lớn, lúc tức giận lên còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ con. Từ lúc hai vợ chồng bọn họ thôi làm công nhân trở về quê thì thầy Quyết cũng đã chứng kiến bà Hợp bị ông Toàn đánh mấy lần. Bình thường ông Toàn cũng thương vợ thương con nhưng cứ rượu vào là lại đổi tính đổi nết.
Nhìn người yêu cũ bị em trai mình đánh, có những lúc thầy Quyết cũng thấy lọng dạ rối ren.
Ở phút giây nào đó thầy Quyết cũng cảm thấy xót thương cho bà Hợp. Thấy ông hơi mủi lòng, bà Hợp tiếp tục tiến tới nói:
– Em biết năm đó anh có nỗi khổ riêng, cuộc sống của người trưởng thành không phải màu hồng như thời sinh viên. Em cũng đã thông cảm với sự lựa chọn của anh. Nhưng mà… Em không thể nào quên được anh.
Ông Quyết thở dài, ông rút bàn tay mình ra khỏi tay bà Hợp, giọng nói bớt gay gắt hơn lúc nãy nhưng không có vẻ gì là nhún nhường cả.
– Chuyện cũ đã qua rồi, giờ tôi với thím ai cũng có cuộc sống mới. Mỗi người nên tập trung lo cho gia đình của chính mình, đừng tơ vương gì nữa cả. Thím làm như vậy tôi cũng khó xử lắm. Nếu chuyện này để vợ tôi hay chồng thím biết là sẽ tan nát luôn cả hai gia đình. Thằng Bin con trai thím mới 8 tuổi, vài năm nữa là tới thời kỳ phản nghịch rồi, nếu nó biết chuyện này thì làm sao có thể dạy nó được.
Bà Hợp hiểu ý thầy Quyết nhưng bà vẫn không cam lòng, hai khoé mắt đỏ hoe:
– Em cũng chẳng dám làm cái gì sai trái với lương tâm đâu. Nhưng quả thực em vẫn còn nhớ đến anh, mỗi đêm đều mơ về anh.
Thầy Quyết năm nay đã 47 tuổi, hồi trẻ nghe mấy lời yêu đương mật ngọt như vậy thì rất hưởng thụ nhưng giờ có tuổi rồi, nghe chỉ cảm thấy nổi da gà. Ông phải khéo léo đuổi mãi bà Hợp mới chịu về.
Tiễn được bà Hợp đi rồi, thầy Quyết xách bịch nhãn để trên bếp, ông không muốn đụng vào dù chỉ là một quả.