CHƯƠNG 3:
Rời khỏi nhà thầy Quyết, bà Hợp không trở về nhà mình mà chạy xe về một hướng ngược lại. Đi được gần 10 cây số thì gặp một cái ngã ba, bà rẽ vào một con đường đất, chạy thêm một đoạn nữa thì tới nhà cô Hiếu, một bà thầy nổi tiếng ở vùng này.
Mấy năm nay chính quyền liên tục truy quét những người làm nghề mê tín dị đoan, vùng này cũng làm rất gắt cho nên cô Hiếu không dám ngang nhiên mở cửa đón khách như ngày trước nữa. Những ai muốn gặp cô đều phải gọi điện đặt lịch trước, cô sẽ sắp lịch để người ta tới đúng giờ, tránh tụ tập đông.
Chỉ cần làm việc kín đáo, không phô trương thì chính quyền cũng mắt nhắm mắt mở xem như không nhìn thấy. Cho nên cô Hiếu vẫn dựa vào cái nghề này để kiếm sống được.
Bà Hợp quen cửa quen nẻo dựng xe sát bên mái hiên rồi vào nhà. Người làm đưa bà vào phòng cúng của cô Hiếu.
Trong căn phòng này tràn ngập các bức tượng. Hình hài của những bức tượng này trông rất lạ và hung dữ, làm người ta có cảm giác cô Hiếu thờ quỷ thì đúng hơn là thờ Phật.
Nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là cô Hiếu có giúp người ta đạt được mục đích không mà thôi.
Lúc bà Hợp vào phòng, cô Hiếu đang ngồi khoanh chân trên tấm chiếu cói, trước mặt là một bộ bài tây, cô rất đỏm dáng, trang điểm đậm, có lẽ là để che đi dấu hiệu tuổi tác. Bà Hợp cúi đầu chào cô rồi ngồi xuống.
Thường các bà thầy bói hiếm khi dài dòng, có thể là vì để tiết kiệm thời gian còn coi cho người khác, hoặc có thể là để lập uy, nói ngắn nhưng câu nào chất lượng câu ấy.
– Nhà chị đến có việc gì? – Cô Hiếu lạnh giọng hỏi.
Bà Hợp không hề rụt rè, nhắc lại chuyện của mình. Bởi vì cô Hiếu mỗi ngày coi cho vài người, mỗi người một chuyện khác nhau nên có thể cô không nhớ rõ được tường tận.
– Rõ ràng con cho mụ ấy uống thứ bùa cô đưa rồi, nhưng mụ ấy chỉ bị choáng váng mệt mỏi trong người chứ không làm sao cả.
Cô Hiếu nhíu mày:
– Không làm sao à? Thuốc đó cũng đâu phải là liều nhẹ đâu. Bà ta có uống hết không?
Bà Hợp khẽ gật đầu:
– Chính mắt con nhìn thấy mụ ấy uống hết ạ.
Cô Hiếu ngẫm nghĩ trong vài giây rồi nói:
– Là do phước đức của bà ta quá dày cho nên thứ bùa đó mới không thể khiến bà ta mất mạng được.
Bà Hợp hơi lo lắng nói:
– Vậy có thứ gì có thể lấy được mạng mụ ấy mà không để lại dấu vết được không cô? Để bên phía công an không thể điều tra được.
Cô Hiếu gật đầu:
– Có thì có, nhưng mà nghiệp nặng lắm, nhà chị gánh nổi không?
Bà Hợp nghĩ tới việc mình sống khổ sở bao nhiêu năm nay, trong lòng vẫn nhớ mãi anh sinh viên nho nhã ngày xưa, hiện tại dọn về ở gần, nhìn thấy thầy Quyết vẫn đạo mạo phong độ, còn chồng mình thì thô lỗ lại còn ham nhậu nhẹt thì chán chường vô cung. Trong lòng bà chỉ mong bà Hường chết đi để mình thế vào chỗ đó.
Cuộc đời bà từ nhỏ tới bây giờ đã không tốt hơn người ta, cho nên thêm một chút nghiệp nữa bà cũng không sợ, miễn là bà có thể sống tầm 10 năm, 20 năm hạnh phúc thôi cũng được. Con người của bà vốn cạn nghĩ, không thể nghĩ sâu xa hơn được.
Cô Hiếu nghe bà Hợp đồng ý chịu nghiệp nặng hơn, miễn là có thể giết được bà Hường thì cũng không nói gì mà chỉ im lặng đứng dậy đến bên bàn thờ vái mấy cái rồi lấy một gói giấy quay lại đưa cho bà Hợp.
– Nhà chị đem về pha cái này với nước cho người kia uống. Trong vòng 5 ngày đến 1 tuần chắc chắn có kết quả.
Bà Hợp vui mừng nhận lấy gói thuốc bột trên tay cô Hiếu. Trước khi ra về không quên đặt một xấp tiền lên mâm.
Trên đường về bà Hợp nhớ tới tháng trước mình cũng đến gặp cô Hiếu lấy bùa về pha cho bà Hường uống. Bà Hường có thói quen thích uống cà phê, trong nhà lúc nào cũng có sẵn cà phê rang xay. Bà Hợp là em dâu trong nhà, cũng chẳng câu nệ gì, xuống bếp pha cho mình một cốc, sẵn tiện pha cho bà Hường. Chính mắt bà nhìn thấy bà Hường uống hết cốc cà phê pha nước bùa kia. Có lẽ giống như cô Hiếu nói, phúc phận của bà Hường còn dày lắm cho nên gói thuốc bột kia không thể lấy được mạng của bà.
Mỗi lần nghĩ đến chuyện cũ, bà Hợp ấm ức lắm, thầy Quyết là mối tình đầu của bà, năm đó chia tay xong bà cũng buồn bã một thời gian, mặc dù sau đó cũng quên rồi nhưng ai ngờ được người bà lấy lại là em trai tình cũ. Thời gian đầu ông Toàn đối xử với bà cũng được, nhưng càng ngày lại càng tệ. Mỗi lần về quê thấy vợ chồng thầy Quyết hạnh phúc là bà lại chạnh lòng. Bà nghĩ con người đạo mạo kia đáng lẽ ra là của bà mới phải, tại sao ông trời lại bất công như thế, tại sao lại cho bà Hường tất cả mà bà thì có số phận không ra gì.
Từ khi chuyển về quê sinh sống thì ý nghĩ ganh ghét trong lòng bà Hợp ngày càng nhiều. Tình cờ biết đến cô Hiếu có thể làm bùa khiến người ta chết đi mà không để lại dấu vết, bà Hợp mới tìm đến.
Cầm gói thuốc bùa trong tay, bà Hợp nghiến răng quyết làm chuyện này cho đến cùng.
—–
Ngày hôm sau tranh thủ lúc thầy Quyết đi dạy học, bà Hợp cũng đon đả chạy xe máy sang chơi. Bà Hường nhìn thấy em dâu thì cũng vui vẻ tiếp đón, còn đem mấy thứ mua trên thị trấn ra cho bà Hợp chọn.
Bà Hợp như cũ nói:
– Nhà còn cà phê không bác?
– Còn chứ, ở trong bếp ấy, thím có uống thì vào pha mà uống.
– Vâng, thế bác cho em xin một cốc, chả hiểu sao em uống cà phê ở bao nhiêu nơi rồi mà không thấy nơi nào ngon bằng cà phê nhà bác.
Bà Hường tự hào:
– Cà phê đứa cháu nó gửi từ Đăk Lăk vào đấy, tự rang tự xay không có bị pha tạp chất gì đâu.
– Thảo nào em thấy nó đậm đà thật, mà bác uống không? Em pha cho bác một cốc.
Bà Hường gật đầu:
– Ừ thế sẵn tiện thím pha cho tôi một cốc đi.
Bà Hợp cười giả lả đi vào bếp. Khi vào tới nơi, bà tắt nụ cười trên môi, sau đó múc hai muỗng cà phê bỏ vào phin rót nước sôi vào.
Uống cà phê thì được một cái lợi là bỏ thứ khác vào cũng khó bị phát hiện ra. Chờ cà phê nhỏ giọt xong, bà Hợp chia ra làm hai cốc, bỏ sữa vào đánh đều. Nhưng thay vì đem ra cho chị dâu thì bà ngó quanh một vòng xem có ai nhìn mình không, sau đó xác định an toàn rồi mới lấy từ trong túi quần ra một gói giấy, bà mở gói giấy ra đổ hết cái thứ mịn như tro vào một chiếc cốc. Khuấy đều lên rồi mang ra cho bà Hường.
Bà Hường là người nghiện cà phê, mỗi ngày đều phải uống một cốc nếu không trong người sẽ cảm thấy bứt rứt lắm. Cho nên khi bà Hợp mang ra, bà đã hớp lấy một ngụm. Mặc dù nhận ra vị cà phê có hơi khác bình thường một chút nhưng bà cũng không quan tâm lắm, bởi vì mỗi người có một cách pha chế khác nhau cơ mà.
Bà Hợp vừa trò chuyện vừa canh chừng đến khi bà Hường uống cạn ly cà phê mới chào ra về.
Tối hôm đó tình hình sức khỏe của bà Hường bỗng dưng có chuyển biến xấu. Tới nửa đêm, lúc đang ngủ bỗng dưng bụng bà đau quằn quại. Lúc thầy Quyết bật đèn dậy xem tình hình thì cả người bà Hường đã đổ đầy mồ hôi lạnh, miệng không ngừng rên rỉ, ông hốt hoảng kêu lên:
– Nhung, Nhung ơi!
Nhung đang ngủ ở phòng bên cạnh nghe bố gọi với giọng hốt hoảng như thế thì cũng lật đật chạy sang:
– Sao đấy bố?
– Mẹ con bị làm sao ấy, gọi điện cho cậu Khải mang xe qua chở mẹ đi bệnh viện.
Nhung đi vào thấy mẹ mình ôm bụng quằn quại, cô nắm tay bà hỏi:
– Mẹ đau làm sao đấy?
Bà Hường nhăn nhó khó khăn nói:
– Mẹ không biết, giống như có hàng trăm con kiến đang cắn trong bụng mẹ ấy, mẹ đau quá…
Nhung ngay lập tức chạy về phòng lấy điện thoại gọi cho cậu Khải. Nhà cậu có ô tô, đêm hôm mang người đi bệnh viện sẽ dễ. Còn thầy Quyết thì cũng lật đật soạn mấy thứ đồ cần thiết bỏ vào giỏ cho vợ đi nhập viện.
Ông Khải là em trai của bà Hường, nhà cũng dư dả, mới năm ngoái vừa sắm được ô tô. Nghe Nhung gọi điện thì cũng vội vã rời khỏi giường đánh xe lại đây.
Bởi vì nhà thầy Quyết chỉ cách trung tâm tỉnh có 40 cây số nên bà Hường ngay lập tức được đưa vào bệnh viện tỉnh. Bệnh viện tỉnh thì tốt hơn bệnh viện huyện nhiều.
Bác sĩ sau khi thăm khám xong, chẳng phát hiện ra trong ổ bụng của bà Hường có gì bất thường nên trước mắt chỉ kê cho bà một ít thuốc giảm đau. Bà Hường uống xong thì ngủ một giấc.
Nhung bàn với thầy Quyết:
– Chắc bố con mình sắp xếp một ngày rồi đưa mẹ lên Hà Nội khám đi bố ạ. Con thấy dạo này mẹ cứ làm sao, chắc không phải bệnh đơn giản rồi.
Thầy Quyết gật gù:
– Ừ, để bố sắp xếp ở bên trường học xin nghỉ vài ngày rồi đưa mẹ đi khám xem sao.
Tới sáng sớm, thầy Quyết phải trở về để kịp giờ lên lớp, chỉ có mình Nhung ở lại bệnh viện thăm nom bà Hường.
Tới gần trưa bà Hợp đến thăm, Nhung ra cổng bệnh viện đón bà, không quên trách:
– Đường xa như thế thím mất công đến làm gì, cũng có phải là bệnh nguy hiểm hay tai nạn gì đâu.
Bà Hợp hiền lành vỗ vỗ tay Nhung:
– Chị em dâu với nhau cả, nghe nói mẹ cháu phải nhập viện cấp cứu ngay trong đêm thím cũng lo.