CHƯƠNG 4:
Nhung chỉ lắc đầu cười cười, nếu cô biết người đàn bà giả nhân giả nghĩa kia là người đứng phía sau muốn hại chết mẹ mình có lẽ cô sẽ không giữ được bình tĩnh như lúc này.
Mục đích đến đây hôm nay của bà Hợp cũng chẳng tốt đẹp gì. Điều thứ nhất là bà muốn xem xem tình trạng của bà Hường như thế nào rồi, bởi sáng nay nghe ông Toàn loáng thoáng nói chuyện với thầy Quyết là có thể vài ngày nữa sẽ chuyển viện lên thủ đô. Cho nên bà phải tranh thủ chạy đến xem tình hình chứ mất công sau này muốn chạy lên Hà Nội nhìn ngó cũng khó. Điều thứ hai là bà muốn tỏ vẻ quan tấm đến bà Hường để cho dù có chuyện gì người ta cũng không nghi ngờ đến bà.
Bà Hường sau khi uống thuốc giảm đau xong thì ngủ một giấc đến 9 giờ sáng mới tỉnh. Sau khi tỉnh lại được Nhung cho ăn ít cháo, hiện tại đang nằm nghỉ.
Lúc bà Hợp đi vào, bà Hường hai mắt vô thần đang nhìn lên trần nhà, bà Hợp ngạc nhiên vô cùng, sáng hôm qua sắc mặt bà Hường còn hồng hào, mới qua một ngày một đêm mà đã xanh xao xám xịt như thế này rồi.
Bà đi vào hỏi:
– Bác thấy trong người sao rồi?
Bà Hường lót cái gối ngồi dựa lên thành giường:
– Thím Hợp đến thăm đấy à. Khiếp, nhà xa như thế thím mất công đến thăm làm gì.
– Em nghe ông Toàn nhà em nói tình hình của chị nghiêm trọng lắm nên mới đến thăm.
Bà Hường cười:
– Trời ạ, mấy ông ấy cứ làm lớn chuyện lên. Tôi vẫn ổn, không có gì nghiêm trọng đâu.
Lúc này bà Hợp mới cởi bớt áo khoác ra, vắt lên thành ghế, để lộ ra cơ thể cân đối, eo mông chỗ nào ra chỗ ấy. Tuổi hai người bọn họ trạc nhau nhưng nhìn bà Hợp già hơn một chút, có lẽ do cuộc sống khó khăn hơn. Nhưng so về nét đẹp thì bà Hợp đẹp hơn bà Hường vài phần, cho nên ở mặt nào đó bà vẫn tin tưởng mình có thể quyến rũ được thầy Quyết.
Bà Hợp miệng thì hỏi mấy câu thăm hỏi nhưng ánh mắt liên tục đánh giá xem tình hình bệnh trạng của bà Hường. Bà Hường thở dài:
– Không hiểu sao trong khoang ngực với ổ bụng của tôi nó cứ rấm rứt như có con gì cắn ấy thím ạ. Kiểu giống như bị axit ăn mòn ấy.
Bà Hợp giả vờ ngạc nhiên:
– Thôi chết, sao lại như thế nhỉ, thế bác sĩ khám không ra hả bác?
Nhung đỡ lời cho mẹ:
– Cháu hỏi bác sĩ kỹ rồi, bên đó không tìm ra nguyên nhân, chắc là phải đến bệnh viện lớn mới khám ra quá.
Bà Hợp cũng gật đầu phụ hoạ:
– Ừ, tốt nhất nên đưa mẹ đến bệnh viện lớn kiểm tra cháu ạ. Thời đại bây giờ có nhiều căn bệnh mà khoa học chưa biết tên lắm, cứ phải ra bệnh viện lớn cho chắc ăn.
Bà Hợp ngồi chơi đến 2 giờ chiều thì đi về. Chạy trên đường, trong lòng bà vui vẻ lắm bởi vì rõ ràng tình trạng của bà Hường đã tồi tệ trông thấy, với tình hình này có thể chỉ cần mất 5 ngày đến 1 tuần bà ấy sẽ chết như lời cô Hiếu nói thật.
Đến buổi tối, cơn đau bụng của bà Hường lại đột ngột ập đến. Lần này còn dữ dội hơn cả hôm qua. Thầy Quyết bởi vì bận soạn giáo án bàn giao lại công việc cho giáo viên khác dạy thay cho nên hôm nay không đến bệnh viện chăm vợ. Chỉ có một mình Nhung ở lại bệnh viện với mẹ.
Cô gái trẻ cũng không biết làm gì hơn ngoài chạy đi gọi bác sĩ đến xem tình hình của mẹ mình.
Bác sĩ nghe cô báo liền lật đật chạy đến xem xét.
Bà Hường đau đến co thắt ruột gan. Nếu người ta nói đau đẻ là cơn đau dữ dội nhất của phụ nữ thì bà Hường có cảm giác cơn đau này còn đau gấp vài lần đau đẻ. Bà liên tục có những cơn quặn thắt gò lên ở bụng, hôm nay cảm giác không phải là bị hàng ngàn con kiến cắn mình nữa mà giống như có thứ gì đó bên trong muốn xé toạc bụng bà để chui ra.
Nước mắt nước mũi bà Hường tuôn ra giàn giụa, cuối cùng bác sĩ không biết làm gì khác hơn ngoài việc tiêm cho bà một liều thuốc mê để bà tạm thời ngủ đi.
– Bác sĩ, mẹ em bị làm sao vậy ạ? – Hai khoé mắt Nhung rưng rưng, vừa lo lắng vừa hỏi.
Vị bác sĩ trẻ kia lắc đầu:
– Bên phía xét nghiệm lẫn siêu âm đều không thấy có gì lạ cả. Có lẽ gia đình nên sắp xếp cho bệnh nhân đến bệnh viện có điều kiện máy móc hiện đại hơn xem thử.
Ngay chính bác sĩ còn nói như vậy thì Nhung cũng không còn cách nào khác ngoài gọi cho thầy Quyết. Nghe con gái nói xong, thầy Quyết thở dài:
– Như vậy đi, ngày mai con làm thủ tục xuất viện cho mẹ rồi mua vé máy bay đi. Trưa mai bố mang đồ đạc của hai mẹ lên, sau đó con với mẹ bay ra Hà Nội trước. Bố bàn giao xong công việc ở đây sẽ lên sau. Công việc của bố không thể bỏ ngang đi vài ngày được.
Nhung vâng dạ ra vẻ đã hiểu.
Công việc của thầy Quyết trước khi xin nghỉ dài hơi thì đều phải thu xếp đâu ra đấy mới có thể nghỉ được. Thầy dạy ba lớp 12, 4 lớp 11, còn kiêm cả chủ nhiệm một lớp nữa, toàn là những kiến thức quan trọng cho nên ông phải cẩn thận trước khi nghỉ dài hơi.
Nghe xong điện thoại của Nhung, thầy Quyết đứng lên sắp xếp quần áo của vợ con bỏ vào trong vali, chỉ sắp xếp đại khái vậy thôi, ông không rành lắm về đồ cần dùng của phụ nữ, thôi thì lên Hà Nội thiếu cái gì thì mua sau. Ông thì không có nhiều tiền nhưng vợ ông chắc chắn không thiếu tiền.
Lúc này đã 11 giờ đêm, làng xóm nhà nào cũng đã tắt đèn đi ngủ. Thầy Quyết sau khi xếp đồ cho vợ con xong thì leo lên giường ngủ.
Khi ông vừa nằm ngả lưng xuống giường thì thấy ngoài phòng khách có tiếng động lạch cạch, ông nhíu mày không biết có phải là mèo chuột làm không thì lại có tiếng xô đẩy bàn ghế. “Chẳng lẽ là ăn trộm?” Thầy Quyết nghi ngờ.
Ông lò dò đi ra ngoài xem xét, trong nhà có vài thứ quý giá, nếu bị nỡm đi thì tiếc lắm. Nhưng khi ông vừa lò đầu ra khỏi cửa phòng thì không nhìn thấy có ai ở đó cả, lúc này ông mới thở phào, có lẽ chỉ là mèo chuột gì mà thôi.
Nhưng khi vừa định lui lại phòng ngủ thì thầy Quyết bỗng nhiên nhìn thấy có một bóng người ngồi trên ghế. Rõ ràng ban nãy ông không nhìn thấy bất kỳ ai trong phòng khách, hiện tại lại thấy rõ ràng như vậy.
Ánh đèn trên bàn thờ vàng vọt chiếu xuống đủ để ông nhận ra người kia là một người có tuổi, ông hơi sợ trong lòng, hỏi:
– Ai đó? Đêm hôm vào nhà người khác làm gì?
Người kia hắng giọng một cái, giọng điệu hơi nghiêm khắc:
– Bố mày mà cũng không nhận ra à?
Thầy Quyết giật thót mình. Công tắc đèn ở cạnh cửa ra vào, cách xa chỗ này quá khiến ông không dám cất chân đi về hướng đó. Ông lắp bắp:
– Bố… Bố…?
Làm sao có thể? Ông cụ đã chết hai năm trước, từ đó đến nay chưa nghe ai nói ông cụ hiện về. Sao bây giờ lại ở đây thế này? Có chuyện gì sao?
Ông lão râu tóc bạc phơ ngồi nghiêm trang trên ghế, mặt mày nghiêm khắc nói:
– Vợ mày bị người ta sắp hại chết mà mày còn ở đây không lo lắng gì à?
Thầy Quyết nhíu mày:
– Vợ con sắp chết?
Ông cụ lại nói tiếp:
– Vợ mày bị người ta bỏ bùa, nhanh tìm cách cứu vợ mày đi…
Lời nói vừa thoát ra thì ông cụ cũng tan vào trong hư vô. Thầy Quyết muốn đuổi theo nhưng bỗng dưng bị hụt chân ngã xuống. Đúng lúc này thì thầy tỉnh dậy.
Hoá ra ban nãy chỉ là một giấc mơ. Nhưng mà nội dung của giấc mơ ban nãy có vẻ hơi kỳ lạ, hơn nữa từ ngày mất tới giờ ông cụ chưa bao giờ xuất hiện trong mơ của ông. Như thế này có tính là báo mộng không?
Thầy Quyết mặc dù là thầy giáo nhưng vì lớn lên ở quê, ngày xưa vẫn nghe ra rả những câu chuyện này bên tai cho nên vẫn phần nào tin vào mộng mị.
Ông nghiêm túc suy nghĩ, ông cụ báo mộng là có người muốn hại vợ ông, nhưng người đó là ai, hại bằng cách bỏ bùa thật sao?
Thầy vò đầu bứt tai hồi lâu mà vẫn không biết là ông cụ về báo mộng cho mình hay đó chỉ là một giấc mơ hoang đường mà thôi.
Hôm sau ông dạy học xong thì đem theo hành lý mang lên bệnh viện tỉnh cho mẹ con bà Hường. Lúc ông lên tới nơi thi Nhung cũng vừa làm thủ tục xuất viện xong. Ông nhìn thấy vợ mình mà giật nảy mình. Sáng hôm qua ông về sớm, tới hôm nay mới gặp lại, mới qua một thời gian ngắn như thế mà vợ ông tiều tuỵ trông thấy. Khuôn mắt đầy đặn hóp lại, gò má hơi đưa lên cao, da thịt thì bủng beo, cả người không có chút sức sống nào.
Ông Quyết đi tới hỏi Nhung:
– Mẹ con làm sao rồi? Sao lại ra nông nỗi này?
Nhung khẽ lắc đầu. cô cũng không biết tại sao mẹ mình lại mau chóng tiều tuỵ mất sức sống như thế này, cô nói:
– Chuyến bay cất cánh lúc bốn giờ, khi nào hạ cánh thì thằng Thành sẽ ra đón, bố nếu thu xếp được thì ra, còn nếu không thì cứ ở nhà trông coi nhà cửa rồi dạy học đi ạ. Ở bệnh viện có con với thằng Thành thay phiên nhau chăm mẹ được rồi, bố cũng đừng lo lắng.
Ông Quyết nhìn bà Hường gục đầu mệt mỏi trên xe lăn, chỉ biết gật đầu chứ không biết làm gì hơn.
Cả nhà ba người đón taxi ra sân bay, lúc lấy xong vé, ngồi ở hàng ghế chờ, thầy Quyết bỗng nhiên nhìn thấy sau gáy vợ mình có mấy cái đốm đỏ. Ông kéo cổ áo vợ xuống, ngạc nhiên khi thấy sau đó chi chít những vết đỏ chồng chéo lên nhau, ông gọi Nhung:
– Nhung, con đánh gió cho mẹ hay sao mà đỏ lòm vậy?
Miệng thì hỏi có phải cô đánh gió cho bà Hường hay không nhưng trong lòng ông thì không cho là vậy. Thường khi người ta đánh gió thì chỉ đỏ ngay lúc đó, một lát sau sẽ nhạt dần hoặc chuyển sang màu tím lợt, chứ nãy giờ mấy tiếng đồng hồ rồi mà mấy cái vết kia còn đỏ lòm như máu thế này khiến ông hơi nghi ngờ. Chẳng lẽ vợ ông mắc bệnh gì kỳ lạ sao?
Nhung nghe bố gọi thì ngừng nhắn tin quay qua nhìn lên vùng vai cổ bà Hường ngạc nhiên:
– Không có, từ qua đến nay con đâu có đánh gió cho mẹ đâu.
– Vậy mấy vết này là gì? – Ông Quyết hỏi.
Nhung lấy tay sờ mấy vết đỏ lòm sau cổ mẹ mình, nghi hoặc:
– Con không biết, để con gửi cho bạn con xem đây là bệnh gì.
Nói rồi cô giơ điện thoại lên chụp mấy vết đỏ trên vai cổ bà Hường gửi qua cho bạn mình. Lúc này bà Hường chẳng còn sức lực đâu để nói chuyện với hai bố con kia, cứ dựa vào người chồng ngủ mất.