Câu chuyện 3: “Vong Hồn Anh Út”
Đã hơn 3 năm kể từ khi lên Sài Gòn lập nghiệp. Bây giờ Tân mới có thể trở về quê hương thăm gia đình mình. Nói về Tân, anh năm nay đã gần 30, là một quản đốc phân xưởng nhôm nhỏ trên thành phố.
Trải qua 3 năm miệt mài làm việc để kiếm tiền về lo cho gia đình. Nhất là mẹ già đau ốm bệnh tật của mình. Sau khi gom góp dành dụm được một số tiền tương đối khá, anh mới xin ông chủ cho mình được nghỉ phép 1 tuần để về thăm mẹ già và vợ con. Suốt khoảng thời gian làm việc ở xưởng nhôm, ông Sơn biết anh là một người cần mẫn, có trách nhiệm với công việc nên mới vui vẻ đồng ý ký phép cho anh.
Lần trở về này, anh đã mua một túi quà rất nhiều, phần để trong gia đình, phần còn lại thì biếu bà con chòm xóm gọi là tấm lòng. Một buổi chiều muộn của tháng 9, Tân về đến nhà trước sự vui mừng của gia đình. Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi, thay vì đi ngủ để lấy lại sức thì đằng này, anh một mình đạp xe qua nhà chú Năm Vịt ở cuối khóm, bởi sau khi đón xe ôm chạy vào, cả 2 gặp nhau, tay bắt mặt mừng và ông Năm có rủ rê anh tối nay đến nhà mình nhậu nhẹt một bữa với lý do lâu ngày không gặp mặt.
Biết tính ông cởi mở, hiền lành, thân thiện, lại thêm những lời mời mọc, níu kéo nên anh khó có thể từ chối được liền đồng ý ngay và hẹn nhau tối sẽ nhậu một bữa cho say. Lúc bấy giờ đã hơn 9 giờ tối, ngoài Tân ra thì còn có thêm vài người quen nữa được ông Năm mời đến chung vui. Mọi người vốn chung nhau một khóm nên chẳng mấy khó khăn mà không nhận ra nhau, suốt cả bữa nhậu, ai nấy đều chén chú chén anh đến say mèm, chỉ riêng anh Tân thì tửu lượng khá lắm nên còn trụ vững được. Trong lúc anh rót ly rượu Gò Đen mời từng người một thì có một bà thím vẻ ngoài phốt phát ngồi cạnh ông Năm lên tiếng.
—- “Ê nè, ngày mai là giỗ đầu của thằng Út đó, mấy người có đi hông vậy?”
Ông Năm đang tách vỏ trứng gà luộc chợt nghe vậy thì liền quay sang nheo mắt nhìn bà đáp.
—- “Chèng ơi, cái bà này hỏi gì kỳ. Giỗ của cháu mình hông đi coi sao được hả? Mà thôi, chuyện ngày mơi để ngày mơi tính. Nhậu tiếp đi tụi bây.”
Tân nghe thoáng qua cái tên “Út” thì liền trầm ngâm suy nghĩ, tay đưa ly rượu đến chỗ ông Năm rồi hỏi.
—- “Ủa chú Năm? Chú nói thằng Út nào vậy?”
—- “Thì thằng Út con bà Hai Mến gần nhà bây đó. Đừng nói tao bây quên nó rồi nha.”
Lúc này anh Tân mới sực nhớ ra cái người thanh niên kia, liền tò mò hỏi tiếp thì được ông Năm bùi ngùi kể lại.
—- “Tao cũng hông biết ấp giác sao mà nó mất nữa. Chỉ nhớ cái đêm nó chết đó, xác của nó được tìm thấy ở dưới cái rãnh sát bờ sông gần chỗ cây dầu dù trong khóm mình, xe đạp cũng mất luôn. Công an xã cũng có điều tra thì hông tìm thấy bóp tiền và giấy tờ tuỳ thân nào hết, nghi nó bị người ta giết rồi cướp tài sản nhưng cho đến giờ chưa bắt được kẻ đó nữa.”
Kể đến đây, bất ngờ có một giọng nói từ đâu cất lên cắt ngang lời ông, mọi người hướng mắt nhìn lại thì thấy đó là bà Cúc, vợ ông Năm.
—- “Thôi đi ông, chuyện qua rồi đừng nhắc đến nữa, hông có nên đâu. Mà trời cũng khuya rồi, nghỉ sớm đi ông, ngày mơi còn mần nữa.”
Ông Năm nghe vợ khuyên vậy thì cũng gật gù đồng ý, bữa tiệc kết thúc nhanh chóng với gần 11 giờ khuya. Ngoại trừ Tân và một người thanh niên trong khóm ra thì 3,4 người khác đều say bí tỉ đi đứng không nổi, ông Năm mỉm cười liền để cho cả đám ngủ lại nhà mình đêm nay vì dù sao ông cũng quá quen mặt của tụi nó hết rồi. Ban đầu ông cũng có khuyên Tân ở lại nhà mình nghỉ một đêm sáng mai hãy về nhưng ỷ vào tửu lượng mạnh, đầu óc vẫn còn tỉnh táo nên anh khách sáo từ chối và cùng với anh thanh niên nọ nói lời tạm biệt vợ chồng ông rồi đi về.
Do khoảng cách nhà anh với ông Năm không xa nhưng ngặt nỗi phải đi ngang qua khúc đường, nơi có cái cây dầu dù nổi tiếng với những câu chuyện tâm linh mà anh từng được nghe nhưng bản thân anh lại không tin những câu chuyện như vậy và cho đó chỉ là sự trùng hợp hoặc người ta tưởng tượng mà thôi.
Bấy giờ, trời càng về khuya, xung quanh yên ắng đến đáng sợ, ngay cả tiếng những con côn trùng còn kêu râm rang ban nãy giờ cũng đột ngột im bặt đi. Cũng may đêm nay trăng sáng lưng trời nên dù không có đèn, Tân vẫn có thể nhìn rõ được cảnh vật trên con đường của mình. Khi đến khúc cua rẽ vào đoạn đường hướng về chỗ cây dầu dù, anh loáng thấy dưới đất cách vị trí mình đang đi hơn 10 bước chân, có một cái ví tiền màu nâu nằm chơ vơ bên cạnh một nhánh cây khô.
Ngỡ là mình nhìn lầm nên anh bước nhanh lại quan sát thì ngạc nhiên khi thấy đúng là cái ví thật. Chốc chốc, tính cách tò mò cộng với lòng tham trỗi dậy, anh cẩn thận quan sát xung quanh để đề phòng. Khi biết chắc con đường này chỉ có mỗi mình, anh nhanh nhẹn khom người xuống nhặt cái ví lên rồi vờ đưa ra sau túi quần như thể đang lấy cái ví của anh ra vậy. Vừa đi anh vừa hí hửng mở ra kiểm tra thì bất thình lình Tân hoảng hốt vứt mạnh ví tiền vào trong bụi cây ven đường.
Không suy nghĩ gì nhiều, anh hối hả bước như chạy nhanh hơn mong để về đến nhà. Nhưng khi chạy qua cây dầu dù một đoạn, anh chợt khựng lại khi thấy phía bên tay phải gần chỗ con sông nhỏ, có một bóng người đen từ đầu đến chân lững thững bước lại chỗ anh, do tướng đi của người đó xiêu vẹo có phần kỳ lạ nên càng làm anh chú ý nhiều. Chợt anh thầm nghĩ trong đầu mà quên mất đi cái chuyện đáng sợ xảy ra vừa rồi.
—- “Ủa? Đêm hôm cái người đó là ai? Đi đâu từ dưới sông lên vậy kìa?”
Nghĩ đoạn, anh liền giơ tay lịch sự hỏi thăm cái bóng đen lạ mặt ấy nhưng nó không đáp, cứ ung dung tiến lại gần chỗ anh đang đứng, thoáng chớp mắt anh kinh hoàng ngã ngửa nhận ra cái bóng đen ấy chính là anh Út, người đã gặp tai nạn chết cách đây hơn 1 năm rồi. Dưới đêm trăng mờ hơi sương, Tân thấy rõ gương mặt của vong hồn anh Út xám xịt, gầy gò như xác chết khô, đầu trọc lóc với hai con ngươi lấp lánh màu vàng đứng hổng chân, nhóp nhép cái miệng nứt nẻ nhìn anh rồi khò khè hỏi, thanh âm lúc gần lúc xa.
—- “Anh Tân, mới về chơi hả? Anh còn nhớ tui hông? Tui Út nè. Tui bị mất cái bóp rồi, anh thấy nó đâu hông?”
Vừa nghe đến đây thì anh hồn vía lên mây, la hoảng lên dùng hết sức lực còn lại nhấc chân bỏ chạy thật nhanh. Vừa về đến nhà thì anh đập cửa gọi mẹ vài tiếng rồi ngất xỉu tại chỗ. Sáng hôm sau tỉnh lại, anh sợ hãi kể lại câu chuyện cho gia đình nghe, bà Hoa, mẹ anh nghe miêu tả cái hồn ma ấy thì liền nhớ ra ngay là đứa con trai chết trẻ của bà Mến. Bởi trước kia trong lúc phát tang cho anh Út, bà và cô con dâu cũng có mặt để phụ giúp một tay. Nhưng thời gian sau đó không người nào nghe hoặc thấy anh Út hiện về nhát ai bao giờ cả.
Thấy sự việc có vẻ kỳ lạ, bà lập tức cùng Tân đến nhà bà Mến, một là để dự đám giỗ qua lời mời, thắp cho anh Út nén nhang, tặng quà cáp cho gắn tình làng xóm, hai là bà Hoa cũng muốn dò la xem lý do vì sao anh Út lại hiện về chọc ghẹo Tân như vậy? Ngay khi vừa qua đến cửa rào nhà bà Mến thì đã thấy mọi người có mặt đầy đủ. Sau khi thắp nhang khấn vái xong xuôi, trong lúc nhập tiệc hai bà có thủ thỉ với nhau về chuyện của anh Tân. Bà Mến biết được sự việc thì lẳng lặng vào trong nhà đứng trước gian thờ của đứa con trai chắp tay lẩm bẩm một điều gì đó.
Chờ đến khi tiệc tàn, hai bà mới ngồi lại trò chuyện một hồi thì mới dẫn nhau đến nhà một ông thầy cúng ở ấp bên để xem thử. Qua vài câu hỏi và suy ngẫm trước bàn thờ tổ, khi này Tân mới biết cái đêm mình gặp hồn ma là do anh đi vào cái khung giờ trùng với thời gian anh Út bị tai nạn mất, do khi chết anh bị cướp hết tiền nên không cam tâm ra đi mà tìm cách ở lại tìm cái bóp của mình, lại thêm cả 2 hạp mạng với nhau nên dễ dàng nhìn thấy. Sau đó, ông thầy còn giải thích thêm rằng.
—- “Cậu yên tâm đi, hông có gì nghiêm trọng đâu. Vong cậu trai này hiền lắm, chỉ là tiếc của bi mất nên chưa chịu đi thôi. Phải thường xuyên cho cậu ta nghe kinh, nhờ sư thầy trên chùa khuyên giải may ra cậu ta sẽ suy nghĩ lại đồng ý đi đầu thai thì mới được.”
Bà Mến nghe thầy chỉ dẫn thì vừa mừng vừa khóc, thương cho đứa con trai xấu số của mình, chỉ vì anh có hiếu nên mới quần quật đi làm ngày đêm mong sao kiếm tiền về lo cho bà. Nhưng chẳng hiểu anh gây thù chuốc oán với ai hoặc gặp tai nạn gì mà phải chết như vậy? Cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân về cái chết của anh vẫn không ai biết chính xác được bởi từ cái đêm vong hồn anh hiện về với Tân thì không còn người thứ 2 nào trông thấy anh Út nữa.
Một thời gian sau, gia đình bà Mến cũng dọn nhà rời đi với cái lý do vì quá đau buồn trước cái chết của con nên quyết định tìm một vùng đất mới mong sao bà có thể nguôi ngoai được phần nào để tiếp tục sinh sống. Trước khi đi, bà Mến có đề nghị bán lại căn nhà cho vợ chồng anh Tân với giá rẻ, một phần bà quý mến gia đình Tân, một phần bà không muốn miếng đất của mình rơi vào tay người ngoài. Thế nhưng sau vài lần chối từ thì cuối cùng vợ chồng anh cũng đồng ý và phụ giúp gia đình bà Mến trong vấn đề vận chuyển xe cộ và cũng từ đó Tân rất ít khi đi đêm ra ngoài trừ ban ngày nhất là ngang qua cây dầu dù linh thiêng…