P1
Đóng lại cái yên cương thật vững chắc, cột thêm vào bên bụng con ngựa hai gùi tre, Tạo đưa tay giật nhẹ để kiểm tra. Khi chắc rằng hai cái gùi thuốc đã chặt, Tạo mới dợm bước quay vào nhà. Mới đầu giờ Tý canh ba, tiết trời se lạnh còn ngập trong màn sương mù dày đặc. Đâu đó tiếng mõ cầm canh vang lên trong thinh không, vọng về theo gió và bị màn đêm nuốt chửng.
Bước qua bậc cửa, vừa tiến lại vặn sáng ngọn đèn dầu đặt trên bàn thờ thì vợ Tạo- Kim cũng từ trong buồng đi ra, trên tay Kim là một mẩu vải điều màu đỏ nhỏ bằng hai ngón tay và dài cũng chừng ấy.
– Mình ơi, thế đã xong xuôi hết chưa mình? Còn quên gì không?
Tạo với tay lấy ba nén nhang, vừa châm vào ngọn đèn dầu vừa đáp:
– Xong hết rồi mình ạ. Trời còn đương sớm, mình đang bệnh, sao không chợp mắt thêm chút đi.
Rút ba que nhang bắt lửa cháy rực ra, Tạo phẩy mạnh hai lần. Đốm lửa phực lên rồi tắt ngúm, trả lại một cột khói trắng đục bốc lên hăng hắc. Cột khói cuộn thẳng lên trên, gặp thanh xà gồ và tan loãng. Tạo đứng kính cẩn, giơ ba que nhang lên cao ngang trán rồi nhắm mắt lầm rầm khấn xin.
Đợi cho chồng thắp nhang cho tổ tiên xong, Kim mới tiến lại bàn uống nước. Mở tay nải bằng thứ vải nâu sồng bạc màu ra, Kim kiểm tra văn tự thông quan của chồng và chút bạc vụn. Khi thấy không thiếu thứ gì, cô mới yên tâm cột lại tay nải. Rót nhanh cho chồng một bát nước chè nóng, đợi cho Tạo ngồi xuống an vị, Kim mới lấy mẩu vải điều ra.
Nắm lấy đôi tay chai sạn của chồng, Kim vừa cột mẩu vải quanh cổ tay chồng, vừa thẽ thọt bảo:
– Mình ơi, đây là sợi dây mà chiều qua em đã cất công sang chùa làng bên xin sư thầy ban cho. Sợi dây được trì chú rồi, mình đeo vào cho em. Mình đi đêm về hôm, có nó em mới an tâm phần nào.
Tạo để cho vợ cột, miệng cảm thán:
– Mình thật là… trong người đương không khoẻ, sao còn cất công đi xa thế làm gì. Tôi cảm ơn mình.
Kim nhìn chồng, thấy gương mặt Tạo độ này khắc khổ quá. Vết chân chim đã hằn nơi khoé mắt, tóc Tạo đã điểm bạc một phần, có lẽ sau cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh dạo nọ, gánh nặng kinh tế trong gia đình đều đổ dồn lên vai Tạo. Kim thương chồng, xót chồng nhưng lực bất tòng tâm.
Ném ánh mắt lên bàn thờ nghi ngút khói nhang, Kim thở dài một tiếng nặng nhọc:
– Mình ơi, mình đi độ này mau lâu?
Tạo nhấp ngụm trà khoan khoái. Vừa đưa tay vén mớ tóc dém không kĩ đang loà xoà trước trán vợ, đáp:
– Đận này tôi đi sang tổng Yên Viên. Nhanh thì nửa tuần trăng, chậm nhất tháng sau tôi về với mình. Ở nhà một mình, mình phải chú ý bản thân. Thuốc tôi đã cắt cho mình đủ dùng trong hai tháng. Gạo nước, mắm muối, dầu đèn cũng đã đủ đầy. Mình nhớ ăn uống thuốc thang cho tôi. Đến khi tôi về phải khoẻ mạnh hơn xưa đấy.
Kim khẽ tựa đầu vào vai chồng:
– Mình đi độ này bảo trọng, sớm về với em. Em chỉ cần mình bằng an quay về thôi.
Tạo bật cười. Mồ côi từ bé, Tạo được ông bà lang Thìn đem về nuôi và nhận làm con cái trong nhà. Lại đem hết sở học cả đời là nghề bốc thuốc ra truyền dạy. Sau khi cha mẹ nuôi qua đời, Tạo sinh sống ở căn nhà cũ, tiếp tục kế thừa nghề bốc thuốc năm nào. Mười chín tuổi, tính cách hiền lành, đối xử hoà nhã với bà con dân làng, lại thêm tay nghề bốc thuốc rất giỏi, Tạo sớm đã lọt vào mắt xanh của đám tiểu thơ khuê các trong làng.
Hai mươi lăm tuổi, Tạo nhờ mấy người hàng xóm tay bê khay trầu; đầu đội mâm lễ sang đánh tiếng với gia đình ông đồ Quý, xin hỏi cưới cô Kim về làm vợ. Gia đình ông đồ Quý và gia đình ông lang Thìn vốn là chỗ tâm giao. Đận ông lang Thìn còn tại thế, hai gia đình đã có giao ước, rằng khi Kim- con gái ông Đồ tròn đôi mươi, hai gia đình sẽ kết thông gia.
Nay tôn trọng lời hứa của tiền nhân, đôi trẻ đã nên đôi thành lừa. Một đám cưới đơn giản và đầm ấm diễn ra trong sự chúc phúc của xóm giềng. Được năm năm thì ông đồ cũng về nơi chín suối, căn nhà ba gian bên đó được Kim giao hẳn cho em trai mình chăm sóc.
Lấy nhau đến năm thứ mười mà cả hai đều không có vợ con. Là một thầy thuốc mát tay, Tạo đã tự bốc thuốc cho chính mình dùng, vậy mà chuyện vẫn đâu vào đấy. Cũng chính vì tình cảnh không có con, nhìn người ta con đàn cháu đống đến phát thèm mà Kim càng khát khao có một đứa con trai để bế bồng. Để cho chồng mình có đứa nối dõi, kế thừa huyết mạch và chống gậy lúc hai vợ chồng về chầu diêm chúa.
Mấy năm nay cơ nghiệp làm ăn của hai vợ chồng bỗng chốc trở nên khấm khá. Nhất là nghề in tranh của Kim được các mối hàng đặt rất nhiều. Tiền về mà nhà cửa quạnh hiu, trách nhiệm nối tiếp cơ ngơi, khiến không chỉ Kim mà ngay cả Tạo cũng bắt đầu đè nặng vấn đề con cái.
Nhớ hồi ông đồ còn sống đã hối hai vợ chồng Tạo mau sinh con để ông có cháu bế. Ông cụ còn thề rằng:
– Kim ạ. Nếu một ngày chưa được thấy mặt cháu thì thầy chưa nhắm mắt xuôi tay. Chết cũng không yên.
Vậy mà hai vợ chồng mới lấy nhau chưa lâu, ông đồ đã lăn đùng ra chết sau một cơn trúng gió đêm. Ông đồ chết không nhắm mắt. Chắc do lời thề lúc sinh thời khiến ông chẳng thể siêu thoát.
Chạy chữa bằng thuốc không ăn thua, hai vợ chồng đành tìm đến chốn tâm linh nương náu. Nhân một lần đi vãn cảnh chùa, có sư cụ khuyên hai vợ chồng ăn chay niệm phật, rồi mời thầy về xem phong thủy biết đâu lại chữa được bệnh. Tạo ậm ừ cho qua rồi để đấy. Giờ nghĩ lại Tạo bỗng cảm thấy sư cụ nói có vẻ có lý. Tạo nhủ:
– Nhà thầy mẹ mình xưa nay ăn ở phúc đức, lại nối dõi truyền đời chưa tắt mạch nào. Thời các cụ đã thế thì đến thời con cháu vô sinh làm sao được. Chắc là do địa thế phong thủy không hợp khiến cho việc làm ăn phát đạt nhưng lại mất đường con cái.
Tin vào suy đoán ấy, Tạo nhờ người ta tìm một thầy địa lý về xem.
Còn tiếp